KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

 

QUYỂN THỨ HAI MƯƠI BỐN

PHẨM BỒ TÁT HẠNH 
THỨ BẢY MƯƠI HAI

Ngài Tu Bồ Ðề thưa: “ Bạch đức Thế Tôn! Ðức Thế Tôn nói Bồ Tát hạnh. Những gì là Bồ Tát hạnh?”.

Ðức Phật phán dạy: “Này Tu Bồ Ðề! Bồ Tát hạnh là vì Vô Thượng Bồ Ðề mà thật hành, đây gọi là Bồ Tát hạnh”.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ Tát vì Vô Thượng Bồ Ðề mà thật hành, đây gọi là Bồ Tát hạnh”.

– Này Tu Bồ Ðề! Nếu đại Bồ Tát hành sắc không, hành, thọ, tưởng, hành, thức không, hành nhãn không đến ý, hành sắc không đến pháp, hành nhãn giới không đến ý thức giới, hành Ðàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, hành nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhứt nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, chư pháp không, tánh không, tự tướng không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, hành sơ thiền đến tứ thiền, hành từ bi hỷ xả, hành hư không vô biên xứ đến phi tưởng phi phi tưởng xứ, hành tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần, bát thánh đạo phần, hành không tam muội, vô tác tam muội, hành bát bội xả, hành cửu thứ đệ định, hành Phật thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, hành mười tám pháp bất cộng, hành đại từ đại bi, hành tịnh Phật quốc độ, hành thành tựu chúng sanh, hành các thứ biện tài, hành văn tự, hành không văn tự, hành các môn đà la ni, hành tánh hữu vi, hành tánh vô vi, tất cả hành đều như Vô Thượng Bồ Ðề duy nhứt, chẳng hành có hai sai khác.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật gọi là Vô Thượng Bồ Ðề hạnh, đây là Bồ Tát hạnh.

– Bạch đức Thế Tôn! Ðức Thế Tôn nói Phật. Có nghĩa gì mà gọi là Phật?

– Này Tu Bồ Ðề! Biết thiệt nghĩa của các pháp nên gọi là Phật.

Ðược thiệt tướng của các pháp nên gọi là Phật.

Thông đại thiệt nghĩa nên gọi là Phật.

Biết tất cả các pháp đúng như thiệt nên gọi là Phật.

– Bạch đức Thế Tôn! Có nghĩa gì mà gọi là Bồ Ðề?

– Này Tu Bồ Ðề! Nghĩa không là nghĩa Bồ Ðề. Nghĩa như, nghĩa pháp tánh, nghĩa thiệt tế là nghĩa Bồ Ðề.

Lại này Tu Bồ Ðề! Danh tướng ngôn thuyết là nghĩa Bồ Ðề.

Này Tu Bồ Ðề! Thiệt nghĩa của Bồ Ðề chẳng hoại được, chẳng phân biệt được, đó là nghĩa Bồ Ðề.

Lại này Tu Bồ Ðề! Thiệt tướng của các pháp chẳng hư dối, chẳng dị biệt là nghĩa Bồ Ðề. Vì thế nên gọi là Bồ Ðề.

Lại này Tu Bồ Ðề! Bồ Ðề đó là sở hữu của chư Phật nên gọi là Bồ Ðề.

Lại này Tu Bồ Ðề! Chư Phật Chánh Biến Tri nên gọi là Bồ Ðề.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát vì Bồ Ðề  đó mà hành sáu ba la mật nhẫn đến hành nhứt thiết chủng trí, đối với các pháp, gọi là đắc, là thất, là tăng, là giảm, là sanh, là diệt, là cấu, là tịnh?

– Này Tu Bồ Ðề! Nếu đại Bồ Tát vì Bồ Ðề mà hành sáu ba la mật nhẫn đến hành nhứt thiết chủng trí, đối với các pháp không được, không mất, không thêm, không bớt, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch.

Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, chẳng vì được, mất, thêm, bớt, sanh, diệt, nhơ, sạch mà phát xuất.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật chẳng vì được, mất, thêm, bớt, sanh, diệt, nhơ, sạch mà phát xuất, thì đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật làm sao có thể lấy được Ðàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, làm sao hành nội không đến vô pháp hữu pháp không, làm sao hành tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, làm sao hành tứ niệm xứ đến bát thánh đạo, làm sao hành không, vô tướng, vô tác giải thoát môn, làm sao hành Phật thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi, làm sao hành Bồ Tát thập địa, làm sao hơn bực Thanh Văn, bực Bích Chi Phật, nhập trong Bồ Tát vị?

– Này Tu Bồ Ðề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát vì chẳng lấy hai pháp mà hành sáu ba la mật nhẫn đến vì chẳng lấy hai pháp mà hành nhứt thiết chủng trí.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát vì chẳng lấy hai pháp mà hành sáu ba la mật, nhẫn đến vì chẳng lấy hai pháp mà hành nhứt thiết chủng trí, thì Bồ Tát từ lúc mới phát tâm đến tối hậu tâm làm sao thêm lớn căn lành?

– Này Tu Bồ Ðề! Nếu lấy hai pháp mà hành thì căn lành chẳng thêm lớn được.

Tại sao? Vì tất cả phàm phu đều nương hai pháp mà chẳng thêm lớn được căn lành. Ðại Bồ Tát chẳng lấy hai pháp mà hành nên từ sơ tâm đến hậu tâm, căn lành được thêm lớn. Vì thế nên tất cả thế gian, Trời, Người, A tu la đều không thể phục, không thể hoại được căn lành của đại Bồ Tát để làm cho sa vào bực Thanh Văn, bực Bích Chi Phật và các pháp ác bất thiện, đều không thể chế ngự đại Bồ Tát khiến chẳng thể hành sáu ba la mật để thêm lớn căn lành.

Này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát phải như vậy mà hành Bát nhã ba la mật.

– Bạch đức Thế Tôn! Có phải đại Bồ Tát vì căn lành mà hành Bát nhã ba la mật?

– Này Tu Bồ Ðề! Không phải vì căn lành, cũng chẳng phải chẳng vì căn lành, và cũng chẳng phải vì chẳng phải căn lành mà đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật.

Tại sao vậy?

Này Tu Bồ Ðề! Theo pháp đại Bồ Tát, chưa cúng dường chư Phật, chưa đầy đủ căn lành, chưa được chơn thiệt tri thức, thì chẳng có thể được nhứt thiết chủng trí.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ Tát cúng dường chư Phật, đầy đủ căn lành, được chơn thiện tri thức có thể được nhứt thiết chủng trí?

– Này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cúng dường chư Phật, mười hai bộ kinh của chư Phật tuyên nói: tu đa la nhẫn đến luận nghị, đại Bồ Tát đó nghe, thọ trì, tụng thuộc, suy gẫm, thấu rõ. Vì thấu rõ nên được đà la ni. Vì được đà la ni nên phát khởi vô ngại trí. Vì phát khởi vô ngại trí nên sanh về đâu, nhẫn đến khi được nhứt thiết trí trọn chẳng quên mất. Ðại Bồ Tát cũng ở chỗ chư Phật trồng căn lành. Do thiện căn đó hộ trì mà trọn chẳng sa vào ác đạo các nạn. Do nhờ thiện căn đó mà được thâm tâm thanh tịnh. Vì được thâm tâm thanh tịnh nên có thể tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh. Nhờ thiện căn đó gia hộ nên luôn chẳng xa rời thiện tri thức, đó là chư Phật, chư đại Bồ Tát và chư Thanh Văn hay tán thánh Phật Pháp Tăng.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát phải cúng dường chư Phật, trồng căn lành, gần gũi chơn thiện tri thức”.