KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

 

QUYỂN THỨ HAI MƯƠI BA

PHẨM TAM HUỆ 
THỨ BẢY MƯƠI

Ngài Tu Bồ Ðề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật thế nào? Sanh Bát nhã ba la mật thế nào? Tu Bát nhã ba la mật thế nào?”.

Ðức Phật phán dạy: “Này Tu Bồ Ðề! Vì sắc tịch diệt, vì sắc không, vì sắc hư dối, vì sắc chẳng cứng chắc nên phải hành Bát nhã ba la mật.

Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Như lời ngươi hỏi, sanh Bát nhã ba la mật thế nào?

Vì như hư không sanh, nên sanh Bát nhã ba la mật.

Như lời ngươi hỏi, tu Bát nhã ba la mật thế nào?

Vì tu các pháp phá hoại, nên tu Bát nhã ba la mật”.

– Bạch đức Thế Tôn! Hành Bát nhã ba la mật, sanh Bát nhã ba la mật, tu Bát nhã ba la mật phải bao nhiêu thời gian?

– Này Tu Bồ Ðề! Từ lúc mới phát tâm đến lúc mời đạo tràng nên hành, nên sanh, nên tu Bát nhã ba la mật.

– Bạch đức Thế Tôn! Tâm niệm nào nên hành Bát nhã ba la mật?

– Này Tu Bồ Ðề! Thường chẳng bỏ tâm nhứt thiết chủng trí, chẳng cho tâm niệm khác xen vào được, đó là hành Bát nhã ba la mật, là sanh Bát nhã ba la mật, là tu Bát nhã ba la mật. Nếu tâm và tâm sở chẳng hiện hành, đó là hành, là sanh, là tu Bát nhã ba la mật.

– Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát tu Bát nhã ba la mật sẽ được nhứt thiết chủng trí chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Chẳng tu Bát nhã ba la mật được nhứt thiết chủng trí chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Cũng tu, cũng chẳng tu được nhứt thiết chủng trí chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu không như vậy thì làm thế nào sẽ được nhứt thiết chủng trí?

– Này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát được nhứt thiết chủng trí như như tướng.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là như như tướng?

– Này Tu Bồ Ðề! Như thiệt tế.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là như thiệt tế?

– Này Tu Bồ Ðề! Như pháp tánh.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là như pháp tánh?

– Này Tu Bồ Ðề! Như ngã tánh, chúng sanh tánh, thọ mạng tánh.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là ngã tánh, chúng sanh tánh, thọ mạng tánh?

– Này Tu Bồ Ðề! Theo ý ngươi thế nào? Pháp ngã, chúng sanh, thọ mạng có thể được chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Chẳng thể được.

– Này Tu Bồ Ðề! Nếu ngã, chúng sanh, thọ mạng chẳng thể được thì sao lại nói là có ngã tánh, chúng sanh tánh, thọ mạng tánh.

Nếu trong Bát nhã ba la mật chẳng nói có tất cả pháp thì sẽ được nhứt thiết chủng trí.

– Bạch đức Thế Tôn! Chỉ Bát nhã ba la mật là chẳng thể nói, còn Thiền na ba la mật đến Ðàn na ba la mật cũng chẳng thể nói chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Bát nhã ba la mật chẳng thể nói, Ðàn na ba la mật đến tất cả pháp hoặc hữu vi, vô vi, hoặc Thanh Văn Pháp, Bích Chi Phật Pháp, Bồ Tát Pháp, Phật Pháp cũng đều chẳng thể nói.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp chẳng thể nói, sao lại nói là Ðịa ngục, là Ngạ quỷ, là Súc sanh, là Nhơn, là Thiên, là Tu Ðà Hoàn, là Tư Ðà Hàm, là A Na Hàm, là A La Hán, là Bích Chi Phật, là Bồ Tát, là chư Phật?

– Này Tu Bồ Ðề! Theo ý ngươi thế nào? Danh tự của chúnh sanh thiệt có thể được chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Không thể được.

– Này Tu Bồ Ðề! Nếu chúng sanh đã là không thể được thì làm sao nói là có Ðịa ngục nhẫn đến chư Phật?

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát lúc hành Bát nhã ba la mật phải nên học tất cả pháp không nói được.

– Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát lúc hành Bát nhã ba la mật phải học sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến phải học nhứt thiết chủng trí.

– Này Tu Bồ Ðề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát phải học sắc chẳng tăng, chẳng giảm, nhẫn đến phải học nhứt thiết chủng trí chẳng tăng, chẳng giảm.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là sắc bất tăng, bất giảm học, nhễn đến thế nào là nhứt thiết chủng trí bất tăng, bất giảm học?

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là bất sanh, bất diệt học?

– Này Tu Bồ Ðề! Vì chẳng khởi, chẳng tác các hành nghiệp, hoặc có hoặc không.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào gọi là chẳng khởi, chẳng tác các hành nghiệp hoặc có hoặc không?

– Này Tu Bồ Ðề! Vì quán các pháp tự tánh không.

– Bạch đức Thế Tôn! Phải quán các pháp tự tánh không thế nào?

– Này Tu Bồ Ðề! Phải quán sắc sắc tướng không. Phải quán thọ, tưởng, hành, thức, tướng không. Phải quán nhã nhãn tướng không. Nhẫn đến phải quán ý thức giới ý thức giới tướng không. Nhẫn đến phải quán vô pháp hữu pháp không vô pháp hữu pháp không tướng không. Phải quán tứ thiền tứ thiền tướng không. Nhẫn đến phải quán diệt thọ tưởng định diệt thọ tưởng định tướng không. Phải quán tứ niệm xứ tứ niệm xứ tướng không. Nhẫn đến phải quán Vô Thượng Bồ Ðề tướng không.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Bồ Tát phải quán các pháp tự tướng không.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu sắc sắc tướng không, nhẫn đến Vô Thượng Bồ Ðề, Vô Thượng Bồ Ðề tướng không, thì đại Bồ Tát sao lại phải hành Bát nhã ba la mật?

– Này Tu Bồ Ðề! Chẳng hành, đó gọi là hành Bát nhã ba la mật.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào chẳng hành mà gọi là hành Bát nhã ba la mật?

– Này Tu Bồ Ðề! Vì Bát nhã ba la mật bất khả đắc nên Bồ Tát bất khả đắc, hành cũng bất khả đắc, vì người hành, pháp hành, chỗ hành đều bất khả đắc vậy. Ðây gọi là đại Bô Tát hành, chẳng hành Bát nhã ba la mật, vì tất cả các hí luận đều bất khả đắc vậy.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu chẳnh hành là đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, thì Bồ Tát mới phát tâm hành Bát nhã ba la mật thế nào?

– Này Tu Bồ Ðề! Từ lúc mới phát tâm trở lại, Bồ Tát phải học pháp không vô sở đắc.

Vì Bồ Tát này dùng pháp vô sở đắc mà bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, nhẫn đến dùng pháp vô sở đắc tu nhứt thiết chủng trí.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào gọi là hữu sở đắc? Thế nào gọi là vô sở đắc?

– Này Tu Bồ Ðề! Những pháp có hai là có sở đắc. Không có hai là không sở đắc.

– Bạch đức Thế Tôn! Những gì có hai là có sở đắc? Những gì không hai là không sở đắc?

– Này Tu Bồ Ðề! Nhãn và sắc là hai, nhẫn đến Vô Thượng Bồ Ðề và Phật là hai. Ðó gọi là hai.

– Bạch đức Thế Tôn! Từ trong hữu sở đắc mà không sở đắc, hay là từ trong vô sở đắc mà không sở đắc?

– Này Tu Bồ Ðề! Chẳng từ trong hữu sở đắc mà không sở đắc, chẳng từ trong vô sở đắc mà không sở đắc.

Này Tu Bồ Ðề! Hữu sở đắc và vô sở đắc bình đẳng, đây gọi là không sở đắc.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát ở trong pháp hữu sở đắc và vô sở đắc bình đẳng cần phải học.

Này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật như vậy thì gọi là người vô sở đắc, người không lầm lỗi.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật mà chẳng hành hữu sở đắc, chẳng hành vô sở đắc thì sao lại từ một bực lên một bực đến được nhứt thiết chủng trí?

– Này Tu Bồ Ðề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng ở trong hữu sở đắc để từ một bực lên một bực.

Tại sao vậy? Này Tu Bồ Ðề! Vô sở đắc là tướng của Bát nhã ba la mật, vô sở đắc là tướng của Vô Thượng Bồ Ðề, vô sở đắc cũng là tướng của người hành Bát nhã ba la mật.

Ðại Bồ Tát phải hành Bát nhã ba la mật như vậy.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu Bát nhã ba la mật bất khả đắc, Vô Thượng Bồ Ðề bất khả đắc, người hành Bát nhã ba la mật bất khả đắc, thì làm sao chư đại Bồ Tát phân biệt các pháp tướng: là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến là Vô Thượng Bồ Ðề?

– Này Tu Bồ Ðề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng thấy có sắc, nhẫn đến chẳng thấy có Vô Thượng Bồ Ðề.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng thấy có sắc, nhẫn đến chẳng thấy có Vô Thượng Bồ Ðề, làm sao đầy đủ được sáu ba la mật vào trong Bồ Tát vị. Vào xong, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh được nhứt thiết chủng trí. Ðược nhứt thiết chủng trí xong, chuyển pháp luân làm Phật sự độ chúng sanh thoát sanh tử.

– Này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát chẳng vì sắc mà hành Bát nhã ba la mật, nhẫn đến chẳng vì Vô Thượng Bồ Ðề mà hành Bát nhã ba la mật.

– Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát vì sự gì mà hành Bát nhã ba la mật?

– Này Tu Bồ Ðề! Vì không chỗ làm mà đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật.

Tại sao vậy? Vì tất cả pháp không chỗ làm, không chỗ tác, Bát nhã ba la mật cũng không chỗ làm, không chỗ tác, Vô Thượng Bồ Ðề cũng không chỗ làm, không chỗ tác, đại Bồ Tát cũng không chỗ làm, không chỗ tác.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát phải hành Bát nhã ba la mật không chỗ làm, không chỗ tác.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu các pháp không chỗ làm, không chỗ tác thì chẳng nên phân biệt có ba thừa: Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa, Phật thừa.

– Này Tu Bồ Ðề! Trong các pháp không chỗ làm, không chỗ tác thì không có phân biệt. Trong có chỗ làm, có chỗ tác thì có phân biệt.

Tại sao vậy? Vì phàm phu ngu nhơn chẳng nghe thánh pháp, chấp trước năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Họ chấp trước Ðàn na ba la mật nhẫn đến Vô Thượng Bồ Ðề. Ngu nhơn này quan niệm có sắc và được sắc đó, nhẫn đến có Vô Thượng Bồ Ðề và được Vô Thượng Bồ Ðề đó.

Bồ Tát nghĩ rằng tôi sẽ được Vô Thượng Bồ Ðề, tôi sẽ độ chúng sanh thoát sanh tử.

Này Tu Bồ Ðề! Ta dùng ngũ nhãn quan sát còn chẳng thấy có sắc nhẫn đến Vô Thượng Bồ Ðề, huống là ngu nhơn không có con mắt mà muốn được Vô Thượng Bồ Ðề độ chúng sanh thoát sanh tử.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu đức Phật dùng nhũ nhãn quan sát chẳng thấy kẻ được độ trong những chúng sanh bị sanh tử, tại sao ngày nay đức Thế Tôn được Vô Thượng Bồ Ðề, phân biệt chúng sanh có ba tụ: chánh định, tà định và bất định.

– Này Tu Bồ Ðề! Ta được Vô Thượng Bồ Ðề, vốn chẳng thấy có chúng sanh ba tụ: chánh định, tà định, bất định.

Này Tu Bồ Ðề! Vì chúng sanh ở nơi không pháp mà tưởng có pháp. Ðể trừ sự hư vọng chấp trước pháp thế tục của họ nên ta nói có được, chớ chẳng phải là đệ nhứt nghĩa.

– Bạch đức Thế Tôn! Chẳng phải ở nơi đệ nhứt nghĩa mà được Vô Thượng Bồ Ðề ư?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Ở nơi điên đảo mà được Vô Thượng Bồ Ðề ư?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu chẳng ở nơi đệ nhứt nghĩa được Vô Thượng Bồ Ðề cũng chẳng ở nơi điên đảo được Vô Thượng Bồ Ðề; phải chăng là không có Thế Tôn được Vô Thượng Bồ Ðề?

– Này Tu Bồ Ðề! Không phải như vậy. Ta thiệt được Vô Thượng Bồ Ðề không trụ nơi tướng hữu vi, nơi tướng vô vi.

Này Tu Bồ Ðề! Như hóa nhơn của Phật biến hóa ra đó, chẳng trụ nơi tướng hữu vi, vô vi, mà hóa nhơn cũng có đến, đi, ngồi, đứng.

Này Tu Bồ Ðề! Hóa nhơn đó hoặc hành sáu ba la mật, hành tứ thiền, tứ vô lượng tâm, hành vô sắc định, ngũ thần thông, hành tứ niệm xứ đến bát thánh đạo, nhập không tam muội, vô tướng tam muội, vô tác tam muội, hành nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không, hành bát bội xả, cửu thứ đệ định, hành mười trí lực, bốn vô úy, bốn vô ngại, đại từ đại bi, được Vô Thượng Bồ Ðề, chuyển pháp luân. Hóa nhơn đó biến hóa vô lượng chúng sanh có ba tụ.

Này Tu Bồ Ðề! Theo ý ngươi nghĩ thế nào? Hóa nhơn đó hành Ðàn ba la mật nhẫn đến có ba tụ chúng sanh chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Không.

– Này Tu Bồ Ðề! Ðức Phật cũng như vậy. Ðức Phật biết các pháp như hóa. Như hóa nhơn độ chúng sanh. Không có chúng sanh thiệt để độ.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, hành như hóa nhơn hành vậy.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều như hóa, thì Phật cùng hóa nhơn có gì khác?

– Này Tu Bồ Ðề! Phật cùng hóa nhơn không khác. Tại sao? Vì Phật hay làm sự việc; hóa nhơn cũng hay làm sự việc.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu không Phật, riêng hóa nhơn hay làm sự việc chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Riêng hóa nhơn hay làm sự việc.

– Bạch đức Thế Tôn! Tại sao không Phật, hóa nhơn lại hay làm sự việc.

– Này Tu Bồ Ðề! Như thuở quá khứ có Phật hiện Tu Phiến Ða, vì muốn độ hàng Bồ Tát mà hiện hóa Phật, rồi tự diệt độ. Hóa Phật đó trụ thế nửa kiếp làm Phật sự, thọ ký cho chư Bồ Tát xong rồi diệt độ. Tất cả chúng sanh thế gian đều cho là Phật thiệt diệt độ. Nhưng này Tu Bồ Ðề! Hóa nhơn thiệt không sanh, không diệt.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, phải tin và biết rằng tất cả pháp như hóa.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu đức Phật cùng hóa nhơn do đức Phật biến hóa ra đó không sai khác nhau, thì làm sao khiến người bố thí thanh tịnh?

Như có người cúng dường đức Phật. Người này nhẫn đến lúc vô dư Niết Bàn được phước đức chẳng cùng tận.

Nếu như có người cúng dường hóa Phật, cũng được phước đức chẳng cùng tận như vậy chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Ðức Phật dùng thiệt tướng của các pháp mà làm phước điền cho Trời, Người và tất cả chúng sanh. Hóa Phật cũng dùng thiệt tướng của các pháp mà làm phước điền cho Trời, Người và tất cả chúng sanh.

Này Tu Bồ Ðề! Ðể hóa Phật và gieo phước đức chỗ hóa Phật đó lại, nếu có thiện nam, thiện nữ thành tâm cung kính niệm Phật. Nhơn duyên căn lành này mãi đến giải thoát, phước đức của thiện nam, thiện nữ ấy vẫn chẳng cùng tận.

Ðể sự thành tâm cung kính niệm Phật đó lại, nếu có thiện nam, thiện nữ đem một bông hoa rãi trên hư không mà niệm Phật, người này mãi đến lúc giải thoát, phước đức đó chẳng cùng tận.

Ðể sự thành tâm cung kính niệm Phật đó lại, nếu có người chỉ một lần xưng Nam Mô Phật, người này mãi đến lúc giải thoát, phước đức ấy vẫn chẳng cùng tận.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Gieo căn lành trong phước điền Phật, được phước vô lượng.

Vì thế nên biết rằng đức Phật cùng hóa Phật không sai khác. Vì pháp tướng của các pháp không khác vậy.

Này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát phải hành Bát nhã ba la mật, nhập trong thiệt tướng các pháp như vậy. Thiệt tướng các pháp như vậy. Thiệt tướng các pháp đó chẳng hư hoại, đó gọi là tướng Bát nhã ba la mật nhẫn đến là tướng Vô Thượng Bồ Ðề chẳng hư hoại.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu thiệt tướng các pháp chẳng hư hoại, tại sao đức Phật lại hoại các pháp tướng mà dạy rằng đây là sắc, là thọ, tưởng, hành và thức, là nội pháp, là ngoại pháp, là thiện pháp, là bất thiện pháp, là hữu lậu, là vô lậu, là thế gian, là xuất thế gian, là hữu tránh pháp, là hữu vi pháp, là vô vi pháp v.v… Ðức Thế Tôn! chừng không hoại các pháp tướng chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không. Vì dùng tướng danh tự để chỉ bày các pháp muốn cho chúng sanh được hiểu. Ðức Phật chẳng hoại pháp tướng các pháp.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu vì dùng tướng danh tự để chúng sanh được hiểu mà nói các pháp.

Nếu các pháp không danh, không tướng thì làm sao dùng danh tướng hiển bày muốn chúng sanh được hiểu?

– Này Tu Bồ Ðề! Theo pháp thế tục có danh tướng chớ thiệt thì không chỗ chấp trước.

Này Tu Bồ Ðề! Như người phàm nghe nói khổ liền chấp danh lấy tướng. Còn chư Phật và các thánh đệ tử thì chẳng chấp danh lấy tướng. Này Tu Bồ Ðề! Nếu danh chấp danh, tướng chấp tướng thì lẽ ra hư không cũng chấp hư không, vô tướng cũng chấp vô tướng, vô tác cũng chấp vô tác, thiệt tế cũng chấp thiệt tế, pháp tánh cũng chấp pháp tánh, vô vi tánh cũng chấp vô vi tánh.

Này Tu Bồ Ðề! Tất cả pháp đó chỉ có danh tướng, pháp đó chẳng ở trong danh tướng.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát chỉ ở trong danh tướng phải hành Bát nhã ba la mật, trong danh tướng đó cũng chẳng nên chấp.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp hữu vi chỉ có danh tướng, thì đại Bồ Tát vì ai mà phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, thọ nhiều sự cần khổ? Lúc Bồ Tát hành đạo, Bồ Tát bố thí, trì giới, hành nhẫn nhục, siêng tinh tấn, nhập thiền định, tu trí huệ, hành tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ đến bát thánh đạo, hành không, vô tướng, vô tác, hành mười trí lực đến đại từ đại bi?

– Này Tu Bồ Ðề!  Như lời Tu Bồ Ðề vừa nói, nếu tất cả pháp hữu vi chỉ có danh tướng thì đại Bồ Tát vì ai mà hành Bồ Tát đạo?

Này Tu Bồ Ðề! Nếu hữu vi pháp chỉ có danh tướng, bằng đồng danh tướng đó, danh tướng cũng không. Vì thế nên đại Bồ Tát hành Bồ Tát đạo được nhứt thiết chủng trí, chuyển pháp luân, dùng pháp ba thừa độ thoát chúng sanh.

Danh tướng đó cũng không sanh, không diệt, không trụ, không dị.

– Bạch đức Thế Tôn! Ðức Thế Tôn nói nhứt thiết chủng trí?

– Này Tu Bồ Ðề! Ta nói nhứt thiết chủng trí.

– Bạch đức Thế Tôn! Ðức Phật nói nhứt thiết chủng trí, nói đạo chủng trí, nói nhứt thiết chủng trí. Ba trí đó khác nhau như thế nào?

– Này Tu Bồ Ðề! Nhiết thiết trí là tất cả Thanh Văn và Bích Chi Phật, đạo chủng trí là trí của đại Bồ Tát, nhứt thiết chủng trí là trí của chư Phật.

– Bạch đức Thế Tôn! Duyên cớ gì mà nhứt thiết trí là trí của Thanh Văn và Bích Chi Phật?

– Này Tu Bồ Ðề! Danh từ nhứt thiết là nói pháp nội pháp ngoại, là pháp mà hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật biết được mà chẳng dùng được, nhứt thiết đạo và nhứt thiết chủng trí.

– Bạch đức Thế Tôn! Duyên cớ gì mà đạo chủng trí là trí của chư đại Bồ Tát?

– Này Tu Bồ Ðề? Nhứt thiết đạo, hoặc Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật đạo, Bồ Tát đạo, đại Bồ Tát phải biết đầy đủ. Cũng phải dùng đạo này độ chúng sanh, cũng chẳng làm thiệt tế để chứng.

– Bạch đức Thế Tôn! Như lời đức Phật dạy: Ðại Bồ Tát phải đầy đủ các đạo mà chẳng nên lấy đạo này làm thiệt tế để chứng. Tại sao vậy? Bạch đức Thế Tôn!

– Này Tu Bồ Ðề! Bồ Tát này chưa tịnh Phật độ, chưa thành tựu chúng sanh, lúc này chẳng nên chứng lấy thiệt tế.

– Bạch đức Thế Tôn! Bồ Tát trụ trong đạo nên chứng thiệt tế chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Trụ trong phi đạo có nên chứng thiệt tế chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Trụ trong chẳng phải đạo chẳng phải phi đạo có nên chứng thiệt tế chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát trụ chỗ nào nên chứng thiệt tế?

– Này Tu Bồ Ðề! Theo ý ngươi thế nào? Người trụ trong đạo, vì chẳng thọ các pháp nên lậu tận tâm được giải thoát phải chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Không.
– Này Tu Bồ Ðề! Người trụ phi đạo mà lậu tận tâm được giải thoát chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Không.

– Này Tu Bồ Ðề! Người trụ trong chẳng phải đạo chẳng phải phi đạo mà lậu tận tâm giải thoát chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Không. Tôi không chỗ trụ, chẳng thọ các pháp, lậu tận tâm được giải thoát vậy.

– Này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát cũng như vậy, không chỗ trụ chứng thiệt tế.

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là tướng nhứt thiết chủng trí?

– Này Tu Bồ Ðề! Vì tướng duy nhất mà gọi là nhứt thiết chủng trí, đó là tất cả pháp tịch diệt tướng.

Lại những hành loại, tướng mạo, danh tự hiển bày ngôn thuyết, đức Phật đều biết đúng như thiệt, vì thế nên gọi là nhứt thiết chủng trí.

– Bạch đức Thế Tôn! Nhứt thiết trí, đạo chủng trí và nhứt thiết chủng trí, ba trí đó kiết sử đoạn có hết hẳn và còn thừa sai khác chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Phiền não đoạn không sai khác. Tập khí phiền não, chư Phật đều đoạn hẳn tất cả, Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng đoạn hết hẳn.

– Bạch đức Thế Tôn! Những người đó chẳng được pháp vô vi có đoạn được phiền não chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Trong pháp vô vi có được sai khác chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu trong pháp vô vi không thể được sai khác, cớ sao nói người này phiền não tập khí đoạn hẳn, người này chẳng đoạn hẳn?

– Này Tu Bồ Ðề! Tập khí chẳng phải phiền não. Người Thanh Văn, Bích Chi Phật đó, thân và khẩu có những tướng dạng tương tợ dâm dục, sân khuể và ngu si mà kẻ phàm phu vì đó mắc phải tội, đó là tập khí của tam độc vậy. Chư Phật không có như vậy.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu đạo không pháp, Niết Bàn cũng không pháp, tại sao lại phân biệt nói là Tu Ðà Hoàn, là Tư Ðà Hàm, là A Na Hàm, là A La Hán, là Bích Chi Phật, là Bồ Tát, là Phật?

– Này Tu Bồ Ðề! Ðó đều do vô vi pháp mà có phân biệt sai khác như vậy.

– Bạch đức Thế Tôn! Thiệt vì do pháp vô vi mà phân biệt có Tu Ðà Hoàn đến Phật chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Do thế gian ngôn thuyết mà có sai biệt như vậy chớ chẳng phải là đệ nhứt nghĩa. Trong đệ nhứt nghĩa không có phân biệt ngôn thuyết. Tại sao? Vì trong đệ nhứt nghĩa không có ngôn thuyết. Vì kiết sử đoạn dứt mà nói hậu tế.
– Bạch đức Thế Tôn! Trong các pháp tự tướng không, tiền tế còn bất khả đắc, huống là nói có hậu tế.

– Này Tu Bồ Ðề! Ðúng như vậy. Trong các pháp tự tướng không còn chẳng có tiền tế, huống là có hậu tế.

Này Tu Bồ Ðề! Vì chúng sanh chẳng biết các pháp tự tướng không nên nói là tiền tế, nói là hậu tế. Trong các pháp tự tướng không, tiền tế, hậu tế đều bất khả đắc.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát phải ở trong các pháp tự tướng không mà hành Bát nhã ba la mật.

Nếu đại Bồ Tát hành pháp tự tướng không, thì không chỗ chấp, hoặc nội pháp hoặc ngoại pháp, hoặc hữu vi pháp, hoặc vô vi pháp, hoặc pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, hoặc Phật pháp.

– Bạch đức Thế Tôn! Thường nói Bát nhã ba la mật. Do nghĩa gì mà Bát nhã ba la mật gọi là Bát nhã ba la mật?

– Này Tu Bồ Ðề! Ðược đệ nhứt nghĩa độ tất cả pháp đến bờ kia, do nghĩa trên đây mà gọi là Bát nhã ba la mật?

Lại này Tu Bồ Ðề! Chư Phật, Bồ Tát, Bích Chi Phật và A La Hán dùng Bát nhã ba la mật này để đến bờ kia, do nghĩa này mà gọi là Bát nhã ba la mật.

Lại này Tu Bồ Ðề! Phân biệt tính lường phá hoại tất pháp đến vi trần, trong đó chẳng được cứng chắc, do nghĩa này mà gọi là Bát nhã ba la mật.

Lại này Tu Bồ Ðề! Các pháp như, pháp tánh và thiệt tế đều vào trong Bát nhã ba la mật, do nghĩa này mà gọi là Bát nhã ba la mật.

Lại này Tu Bồ Ðề! Bát nhã ba la mật này không có pháp hoặc hiệp hoặc tan, hoặc có sắc hoặc không sắc, hoặc thấy được hoặc chẳng thấy được, hoặc có đối hoặc không đối, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi. Tại sao? Vì Bát nhã ba la mật này không sắc, không hình, không dối, một tướng duy nhứt, đó là vô tướng.

Lại này Tu Bồ Ðề! Bát nhã ba la mật này hay sanh tất cả pháp, tất cả biện tài, tất cả chiếu minh.

Này Tu Bồ Ðề! Bát nhã ba la mật này, tất cả ma hoặc thiên ma, hoặc người cầu Thanh Văn, Bích Chi Phật, cùng các ngoại đạo, phạm chí, kẻ oán thù, người ác chẳng phá hoại được Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật.

Tại sao? Vì những hạng người đó, ở trong Bát nhã ba la mật đều bất khả đắc.

Này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát phải hành đúng nghĩa Bát nhã ba la mật như vậy.

Lại này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát muốn hành nghĩa Bát nhã ba la mật, phải hành nghĩa vô thường, nghĩa khổ, nghĩa không, nghĩa vô ngã. Cũng phải hành nghĩa khổ trí, nghĩa tập trí, nghĩa diệt trí, nghĩa đạo trí, nghĩa pháp trí, nghĩa tỉ trí, nghĩa thế trí, nghĩa tha tâm trí, nghĩa tận trí, nghĩa vô sanh trí, nghĩa như thiệt trí.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát vì nghĩa Bát nhã ba la mật mà phải hành Bát nhã ba la mật.

– Bạch đức Thế Tôn! Trong Bát nhã ba la mật sâu xa này, nghĩa cùng phi nghĩa đều bất khả đắc, tai sao đại Bồ Tát lại vì nghĩa Bát nhã ba la mật sâu xa mà hành Bát nhã ba la mật?

– Này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát vì nghĩa Bát nhã ba la mật sâu xa nên nghĩ rằng: Tham dục là phi nghĩa, nghĩa như vậy chẳng nên hành, sân khuể và ngu si là phi nghĩa, nghĩa như vậy chẳng nên hành, tất cả tà kiến là phi nghĩa, nghĩa như vậy chẳng nên hành. Tại sao? Vì tướng như của ba độc không có nghĩa, không có phi nghĩa, tướng như của tất cả tà kiến không có nghĩa, không có phi nghĩa.

Lại này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát phải nghĩa rằng: Sắc chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa, nhẫn đến thức chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa, Ðàn na ba la mật nhẫn đến Vô Thượng Bồ Ðề chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa. Tại sao vậy?

Này Tu Bồ Ðề! Ðức Phật lúc được Vô Thượng Bồ Ðề không có phá để được, hoặc nghĩa hoặc phi nghĩa.

Này Tu Bồ Ðề! Có Phật hay không Phật, các pháp, pháp tướng thường trụ không có nghĩa, không có phi nghĩa.

Như vậy, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật phải rời nghĩa và phi nghĩa.

– Bạch đức Thế Tôn! Tại sao Bát nhã ba la mật chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa?

– Này Tu Bồ Ðề! Tất cả pháp hữu vi không tướng vi tác, vì lẽ đó mà Bát nhã ba la mật chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa.

– Bạch đức Thế Tôn! Tất cả Thánh Hiền như Phật và đệ tử Phật đều lấy vô vi làm nghĩa, tại sao đức Phật nói Bát nhã ba la mật không có nghĩa và phi nghĩa?

– Này Tu Bồ Ðề! Dầu tất cả Thánh Hiền đều lấy vô vi làm nghĩa, cũng chẳng vì thế mà tăng, cũng chẳng vì thế mà tổn.

– Này Tu Bồ Ðề! Ví như hư không như, chẳng hay lợi ích cho chúng sanh, cũng chẳng làm tổn hại chúng sanh. Cũng vậy, Bát nhã ba la mật của Bồ Tát cũng không tăng, không tổn.

– Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát chẳng học vô vi Bát nhã ba la mật, được nhứt thiết chủng trí chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát học vô vi Bát nhã ba la mật này sẽ được nhứt thiết chủng trí, vì chẳng lấy hai pháp vậy.

– Bạch đức Thế Tôn! Chẳng hai pháp có thể được chẳng hai pháp chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Hai pháp có thể được chẳng hai pháp chăng?

– Này Tu Bồ Ðề! Không.

– Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát không lấy hai pháp, không lấy chẳng hai pháp thì làm sao sẽ được nhứt thiết chủng trí?

– Này Tu Bồ Ðề! Không chỗ được tức là được. Bởi được này là không chỗ được”.