KINH ĐẠI BỬU TÍCH
Hán dịch: Nhà Đường, Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Thích Trí Tịnh

 

XLII 
Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn
 Thứ Bốn Mươi Hai

Hán dịch : Tây Tấn Tam Tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch : Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh 

Như vầy tôi nghe một lúc đức Phật ở nước Ba La Nại trong rừng Thí Lộc cùng chúng đại Tỳ Kheo năm trăm ngưòi câu hội, tất cả đều là tri thức của đại chúng, danh hiệu các Ngài là:

A Nhã Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Già Gia Ca Diếp, Na Ðề Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Ðại Mục Kiền Liên, A Nan, La Hầu La v.v…làm thượng thủ.

Còn có một vạn đại Bồ Tát câu hội. Danh hiệu các Ngài là:

Thiện Ý Bồ Tát, Tăng Thượng Ý Bồ Tát, Kiên Cố Ý Bồ Tát, Sư Tử Ý Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí Bồ Tát, Biện Tích Bồ Tát, Mỹ Âm Bồ Tát, Thắng Tràng Bồ Tát, Tín Huệ Bồ Tát, Thủy Thiên Bồ Tát, Ðế Thắng Bồ Tát, Ðế Thiên Bồ Tát, Vô Phan Duyên Bồ Tát, Cụ Biện Tài Bồ Tát, Thần Thông Diệu Hoa Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử v.v…làm thượng thủ.

Ðức Thế Tôn có vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh cúng dường cung kính mà vì họ thuyết pháp.

Bấy giờ Di Lặc Bồ Tát ở trong chúng đứng dậy trịch y vai hữu gối hữu chấm đất đảnh lễ chắp tay mà bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi có chút nghi nay muốn thỉnh hỏi Như Lai, ngưỡng mong cho phép.”

Ðức Phật dạy: “Nầy Di Lặc! Nếu có chỗ nghi cho phép ông hỏi, ta sẽ giải nói cho ông vui mừng”.

Ðược Phật hứa cho, Di Lặc Bồ Tát vui mừng hớn hở bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Bồ Tát thành tựu mấy pháp được lìa ác đạo và ác tri thức mà mau chứng Vô thượng Bồ đề?”

Ðức Phật dạy: “Lành thay, lành thay, nầy Di Lặc! Nay ông thương xót tất cả muốn lợi ích an vui cho Trời Người mà hỏi nơi Như Lai về thâm nghĩa ấy. Ông nên lắng nghe khéo suy nghĩ, ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói.

-Vâng bạch đức Thế Tôn! tôi xin ưa thích được nghe.

-Nầy Di Lặc! Có một pháp mà Bồ Tát thành tựu thì lìa các ác đạo và ác tri thức mau có thể chứng được Vô thượng Bồ đề. Ðó là phát tâm Bồ đề ý nguyện thù thắng.

Còn có hai pháp lìa các ác đạo và ác tri thức mau có thể chứng được Vô thượng Bồ đề. Một là với xa ma tha thường siêng tu tập, hai là với tỳ bát xá na thì được thiện xảo.

Còn có ba pháp lìa các ác đạo và ác tri thức mau có thể chúng được Vô thượng Bồ đề. Một là thành tựu đại bi, hai là tu tập pháp không, ba là nơi tất cả pháp chẳng sanh phân biệt.

Còn có bốn pháp lìa các ác đạo và ác tri thức mau có thể chúng được Vô thượng Bồ đề. Một là an trụ tịnh giới, hai là lìa các lưới nghi, bà là thích a lan nhã, bốn là khởi tâm chánh kiến.

Còn có năm pháp lìa các ác đạo và ác tri thức mau có thể chứng được Vô thựơng Bồ đề. Một là an trụ pháp không, hai là chẳng cầu tìm lỗi người, ba là thừơng tự quan sát, bốn là yêu thích chánh pháp, năm là nhiếp hộ người.

Còn có sáu pháp lìa các ác đạo và ác tri thức mau có thể chứng được Vô thượng Bồ đề. Một là không có tham dục, hai là chẳng sanh sân khuể, ba là chẳng khởi ngu si, bốn là thừơng lìa thô ngữ, năm là an trụ tánh không, sáu là tâm như hư không.

Còn có bảy pháp lìa các ác đạo và ác tri thức mau có thể chứng được Vô thượng Bồ đề. Một là an trụ chánh niệm, hai là thành tựu trạch pháp, ba là phát khởi tinh tiến, bốn là thường sanh hoan hỷ, năm là thân được khinh an, sáu là trụ các thiền định, bảy là có đủ hành xả.

Còn có tám pháp lìa các ác đạo và ác tri thức mau có thể chứng được Vô thượng Bồ đề. Một là chánh kiến, hai là chánh tư duy, ba là chánh ngữ, bốn là chánh tinh tiến, năm là chánh mạng, sáu là chánh tinh tiến, bảy là chánh niệm, và tám là chánh định.

Còn có chín pháp lìa các ác đạo và ác tri thức mau có thể chứng được Vô thượng Bồ đề. Một là xa lìa các pháp tham dục, ác bất thiện mà an trụ sơ thiền tầm từ hỉ lạc tâm nhứt cảnh tánh. Hai là xa lìa tầm từ an trụ nhị thiền nội tịnh hỉ lạc tâm nhứt cảnh tánh. Ba là xa lìa hỉ an trụ tam thiền xả niệm huệ lạc tâm nhứt cảnh tánh. Bốn là xa lìa ưu khổ và hỉ lạc an trụ tứthiền xả niệm thanh tịnh vô khổ vô lạc tâm nhứt cảnh tánh. Năm là vượt quá sắc tưởng không phan duyên dị biệt an trụ vô biên hư không xứ định. Sáu là vượt qua vô biên hư không xứ định rồi có thể an trụ vô biên thức xứ định. Bảy là vượt qua vô qua vô biên thức xứ định rồi có thể an trụ vô sở hữu xứ định. Tám là vượt qua vô sở hữu xứ định rồi có thể an trụ phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Chín là vượt qua phi tưởng phi phi tưởng xứ định rồi có thể an trụ diệt thọ tưởng định.

Còn có mười pháp xa lìa ác đạo và ác tri thức mau có thể chứng được Vô thượng Bồ đề. Một là khéo có thể thành tựu kim cương tam muội. Hai là thành tựu xứ phi xứ tương ưng tam muội. Ba là thành tựu phương tiện hành tam muội. Bốn là thành tựu biến chiếu minh tam muội. Năm là thành tựu phổ quang minh tam muội. Sáu là thành tựu phổ biến chiếu minh tam muội. Bảy là thành tựu bửu nguyệt tam muội. Tám là thành tựu nguyệt đăng tam muội. Chín là thàn tựu xuất ly tam muội. Mười là thành tựu thắng tràng tý ấn tam muội.

Nầy Di Lặc! Thành tựu các pháp nhự vậy rồi, Bồ Tát lìa các ác đạo và ác tri thức mau có thể chứng được Vô thượng Bồ đề”.

Ðược nghe pháp rồi, Di Lặc Bồ Tát rất vui mừng trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay cung kính ở trước Phật nói kệ tán thán:

“Phật ở kiếp quá khứ

Bỏ vợ con yêu thương

Ðầu mắt và xương tủy

Ðến bờ kia bố thí

Phật thường hộ cấm giới

Như trâu mao mến đuôi

Tối thắng không ngang sánh

Ðến bờ kia trì giới

Phật dùng sức nhẫn nhục

Bỏ lìa các đấu tranh

Chẳng cầu tìm lỗi người

Ðến bờ kia nhẫn nhục

Phật dùng sức tinh tiến

Ðược vô thượng tịch tĩnh

Cứu cánh thường an vui

Ðến bờ kia tinh tiến

Phật dùng sức thiền định

Hay diệt trừ tội nhơ

Làm Ðạo Sư Trời Người

Ðến bờ kia thiền định

Phật dùng sức trí huệ

Khéo biết rõ các pháp

Tự tánh vô sỡ hữu

Ðến bờ kia Bát Nhã

Phật tại Bồ đề thọ

Hàng phục các quân ma

Ðầy đủ trí tối thắng

Thành tựu đạo vô thượng

Ðạo Sư sức vô úy

Nơi nước Ba La Nại

Chuyển pháp luân thanh tịnh

Dẹp pháp các ngoại đạo

Trí huệ lớn vô thượng

Ra khỏi các thế gian

Hay phóng tịnh quang minh

Khéo nói các pháp yếu

Như Lai sắc thanh tịnh

Trí huệ và công đức

Vượt quá các thế gian

Hay đến nơi bờ kia”.

Trưởng Lão A Nan bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Di Lặc Bồ Tát nầy rất hi hữu hay thành tựu vô lượng biện tài tùy theo tâm niệm của chúng sanh mà bình đẳng thuyết pháp, nhưng đối với văn tự không có chỗ buộc dính.”

Ðức Phật dạy: “Ðúng như vậy, đúng như lời ông nói. Nầy A Nan! Di Lặc Bồ Tát đâu phải chỉ có hôm nay ở trước ta nói kệ tán thán đức Phật, mà từ quá khứ mười vô số kiếp, thuở ấy có Phật xuất thế hiệu Diệm Quang Du Hí Diệu Âm Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.  Bấy giờ có một Bà La Môn tên Hiền Thọ thân tướng đầy đủ ai thấy đức Như Lai đoan chánh thù diệu các căn tịch tĩnh được xa ma tha như ao nước trong sạch không bợn nhơ, có ba mươi hai tướng và tám mươi tùy hảo để tự trang nghiêm, như cây ta la nở hoa, như núi Tu Di cao vọi hơn cả, vẻ mặt tươi vui như trăng tròn, chiếu sáng rực rỡ như mặt nhựt tỏ rạng, thân hình tròn trịa như cây ni câu đà.

Thấy tướng thù thắng của Phật Như Lai, Hiền Thọ sanh lòng tịnh tín suy nghĩ rằng: Hi hữu Thế Tôn hay thành tựu vô lượng công đức trang nghiêm như vậy. Tôi cũng nguyện tương lai sẽ thành tựu thân công đức như vậy.

Phát nguyện xong, Hiền Thọ gieo mình xuống đất lại tự nghĩ rằng: “Nếu đời đương lại tôi sẽ được thân Phật nguyện chưn Như Lai đạp lên mình tôi.

Biết ý nghĩ ấy, đức Phật Như Lai liền lấy chưn mình dẫm lên thân Hiền Thọ. Lúc đức Phật Như Lai hạ chưn xuống, Hiền Thọ được vô sanh pháp nhẫn. Ðức Phật Như Lai ngó ngoái lại bảo chúng Tỳ Kheo rằng các ông chớ đạp lên mình Hiền Thọ, tại sao, vì đây là đại Bồ Tát nay đã chứng vô sanh pháp nhẫn, lại hay thành tựu thiên nhãn thiên nhĩ tha tâm túc trụ thần cảnh trí thông.

Hiền Thọ liền ở trước đức Phật Diệm Quang nói kệ tán thán rằng:

Phật ở mười phương cõi

Tối tôn tối vô thượng

Siêu quá các thế gian

Nay tôi cúi đầu lạy

Như Lai đại quang minh

Chói che cả nhựt nguyệt

Siêu quá các thế gian

Nay tôi cúi đầu lạy

Ví như sư tử hống

Muông thú đều kinh sợ

Thế Tôn đại oai đức

Xô dẹp các ngoại đạo

Tướng lông trắng giữa mày

Trong sáng như pha lê

Siêu quá hơn tất cả

Thế Tôn không ai bằng

Lòng chưn thiên bức luân

Thanh tịnh hóa thế gian

Hay chấn động trời đất

Thành tựu đạo xuất ly

Siêu quá biển phiền não

Ðem các của công đức

Tùy ý ban tất cả

Như Lai giới thanh tịnh

Xuất sanh các công đức

Không có lòng thương ghét

Dường như cõi đại địa

Do nơi sức trí huệ

Biết rõ các pháp không

Chúng sanh và thọ giả

Phân biệt bất khả đắc

Khéo rành tánh chúng sanh

Tâm hành và sở nguyện

Làm đèn sáng cho đời

Lợi ích tất cả loài

Thế gian khổ bức bách

Trôi chìm trong dòng sâu

Phật thường vì chúng sanh

Phát sức tinh tiến lớn

Thế tôn lìa phiền não

Sanh lão và bịnh tử

Ở đời như hư không

Tất cả không nhiễm ô

Trí huệ oai quang lớn

Hay phá tất cả tối

Lìa hẳng tham sân si

Nay tôi cúi đầu lạy.

Hiền Thọ Bồ Tát được thần thông đến nay chẳng còn thối thất. Nầy A Nan! Hiền Thọ thouở ấy chính là Di Lặc đại Bồ Tát nay ở trong hội nầy vậy.

-Bạch đức Thế Tôn! Di Lặc đại Bồ Tát từ lâu đã chứng vô sanh pháp nhẫn cớ sao chẳng được Vô thượng Bồ đề?

Nầy A Nan! Bồ Tát có hai thứ trang nghiêm và hai thứ nhiếp thủ. Ðó là nhiếp thủ chúng sanh và trang nghiêm chúng sanh, nhiếp thủ Phật quốc và trang nghiêm Phật quốc.

Thuở quá khứ lúc tu Bồ Tát hạnh, Di Lặc Bồ Tát thường thích nhiếp thủ và trang nghiêm Phật quốc, còn ta thì thường ưa nhiếp thủ và trang nghiêm chúng sanh. Di Lặc Bồ Tát tu Bồ Tát hạnh trải qua bốn mươi kiếp bấy giờ ta mới phát tâm Vô thượng Bồ đề, do vì ta có sức dũng mãnh tinh tiến nên siêu việt chín kiếp, ở trong Hiền kiếp nầy thành Vô thượng Bồ đề.

Nầy A Nan! Ta do mười pháp mà chứng Bồ đề: Một là hay sả thí vật sở ái, hai là hay thí vợ sở ái, ba là hay thí con sở ái, bốn là hay thí đầu sở ái, năm là hay thí mắt sở ái, sáu là hay thí ngôi vua sở ái, bảy là hay thí trân bửu sở ái, tám là hay thí máu thịt sở ái, chín là hay thí xương tủy sở ái, mười là hay thí thân phần sở ái. Ta thật hành mười pháp nầy mà được Vô thượng Bồ đề.

Nầy A Nan! Còn có mười pháp hay chứng Bồ đề: Một là hộ giới công đức, hai là thành tựu nhẫn lục, ba là phát khởi tinh tiến, bốn là được các thiền định, năm là có đại trí huệ, sáu là thường chẳng bỏ lìa các chúng sanh, bảy là khởi tâm bình đẳng đối với chúng sanh, tám là thường tu tập pháp không, chín là khéo hay thành tựu tánh không chơn thiệt, mười là khéo hay thành tựu vô tướng vô nguyện. Ta thật hành mười pháp nầy mà được Vô thượng Bồ đề.

Nầy A Nan! Thuở quá khứ lúc hành đạo Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát chẳng có thể xả thí tay chưn đầu mắt, chỉ dùng thiện xảo phương tiện đạo hạnh an lạc mà tích tập vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

-Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là di Lặc Bồ Tát thuở quá khứ lúc hành đạo Bồ Tát chỉ dùng thiện xảo phương tiện đạo hạnh an lạc mà tích tập Vô thượng Bồ đề?

-Nầy A Nan! Thuở quá khứ hành đạo Bồ Tát, Di Lặc ngày đêm sáu thời trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay đảnh lễ ở trước chư Phật mả nói kệ rằng:

Nay tôi quy mạng lễ

Tất cả Phật mười phương

Bồ Tát chúng Thanh Văn

Ðấng đại tiên thiên nhãn

Cùng lễ tâm Bồ đề

Lìa xa các ác đạo

Hay được sanh lên trời

Nhẫn đến chứng Niết Bàn

Nếu tôi phạm chút tội

Theo tâm mà sanh ra

Nay tôi ở trước Phật

Sám hối cho tiêu diệt

Nay thân khẩu ý tôi

Chứa họp các công đức

Nguyện làm nhơn Bồ đề

Sẽ thành đạo Vô thượng

Trong quốc độ mười phương

Những người cúng dường Phật

Và Phật vô thượng trí

Nay tôi đều tùy hỉ

Có tội đều sám hối

Phước đức đều tùy hỉ

Nay tôi lễ chư Phật

Nguyện thành trí  vô thượng

Chư Bồ Tát mười phương

Chứng được bực thập địa

Nay tôi cúi đầu lạy

Nguyện mau chứng Bồ đề

Ðược chứng Bồ đề rồi

Xô dẹp các quân ma

Chuyển pháp luân thanh tịnh

Lợi ích loài chúng sanh

Thường nguyện ở thế gian

Vô lượng câu chi kiếp

Gióng trống pháp lớn lên

Ðộ thoát khổ chúng sanh

Tôi bị ngập bùn dục

Bị dây tham trói buộc

Nhiều các thứ triền phược

Nguyện Phật thương xem xét

Chúng sanh dầu tội nặng

Chư Phật chẳng chán bỏ

Nguyện dùng đại từ bi

Ðộ thoát biển sanh tử

Hiện tại chư Thế Tôn

Quá khứ vị lai Phật

Bồ Tát đạo đã làm

Nay tôi nguyện tu học

Ðầy đủ Ba la mật

Thành tựu sáu thần thông

Ðộ thoát các chúng sanh

Chứng được đạo vô thượng

Biết rõ các pháp không

Không tướng cũng không tánh

Không trụ không biểu thị

Chẳng sanh cũng chẳng diệt

Lại như đấng Ðại Tiên

Khéo rõ pháp vô ngã

Không bổ đặc già la

Nhẫn đến không thọ giả

Nơi các sự bố thí

Chẳng chấp ngã ngã sở

Vì an lạc chúng sanh

Thí cho không bỏn xẻn

Nguyện vật tôi bố thí

Chẳng cần công dụng sanh

Quan sát biết rõ không

Ðủ Thí Ba la mật

Trì giới không khuyết giảm

Ðược Phật tịnh thi la

do vì vô sở trụ

Ðủ Giới Ba la mật

Nhẫn nhục như tứ đại

Chẳng sanh tâm phân biệt

Do vì không sân khuể

Ðủ Nhẫn Ba la mật

Nguyện dùng sức thân tâm

Phát khởi đại tinh tiến

Kiên cố không giải đãi

Ðử Cần Ba la mật

Do như huyễn như hóa

Và dũng mãnh tinh tiến

Kim cương các tam muội

Ðủ Thiền Ba la mật

Nguyện chứng tam muội trí

Nhập vào tam giải thoát

Rõ tam thế bình đẳng

Ðủ Huệ Ba la mật

Chư Phật diệu sắc thân

Quang minh oai đức lớn

Bồ Tát tinh tiến hạnh

Nguyện tôi đều tròn đầy

Di Lặc Bồ Tát ấy

Siêng tu hạnh như vậy

Ðủ sáu Ba la mật

An trụ bực thập địa.

Nầy A Nan! Ki Bồ Tát an trụ thiện xảo phương tiện như vậy tích tập Vô thượng Bồ đề.

Nầy A Nan! thuở xưa ta cầu đạo nhận lấy vô lượng mới có thể tích tập Vô thượng Bồ đề.

Thuở xa xưa có Thái Tử tên Kiến Nhứt Thiết Nghĩa đoan chánh đẹp lạ có đủ các tướng tốt ai thấy cũng đều vui mừng. Một hôm Thái Tử du ngoạn thấy một bịnh nhơn đau khổ nặng, Thái Tử xót thương hỏi thăm: Nay bịnh nầy của ngươi há lại không có thuốc để chữa lành sao? Bịnh nhơn nói kệ đáp Thái Tử:

Bịnh tôi khó tìm thuốc

Thế gian chẳng có được

Quốc Vương cũng không có

Huống là kẻ mắc bịnh

Người giỏi nói y phương

Thông đạt các sách vở

Dầu muốn trị bịnh nầy

Thuốc ấy khó có được.

Thái Tử nói kệ bảo bịnh nhơn:

Vàng bạc châu ma ni

Nhẫn đến các voi ngựa

Cần gì xin người nói

Ðể trừ khổ cho người.

 

Bịnh nhơn lại nói kệ bạch Thái Tử:

Nếu uống huyết Thái Tử

Chắc tôi được an vui

Xin Thái Tử vui lòng

Cho tôi hết đau khổ.

Thái Tử liền nói kệ bảo bịnh nhơn:

Nếu tôi vì chúng sanh

Mà phải đọa địa ngục

Nhiều kiếp còn chịu được

Huống là thân huyết nầy.

Lúc ấy Thát Tử lấy dao bén đâm vào thân chảy máu bảo bịnh nhơn tùy ý uống chẳng hề có một niệm hối hận.

Nầy A Anan! Thát Tử Kiến Nhứt Thiết Nghĩa thuở xưa kia chính là thân ta vậy. Nước bốn đại hải còn có th63 đong lường, lúc hành đạo Bồ Tát ta xả thí máu nơi thân mình chẳng tính kể được.

Nầy A Nan! Thuở xa xưa có Thát Tử tên Diệu Hoa đoan chánh đẹp lạ đủ các tướng tốt người thấy vui mừng. Một hôm Thát Tử du ngoạn thấy một bịnh nhơn ốm gầy sanh lòng thương hỏi thăm: Nay bịnh của người há lại không có thuốc chữa lành sao?

Bịnh nhơn nói kệ bạch Thái Tử:

Thế gian có lương y

Chẳng chữa được bịnh tôi

Xin Ngài rũ lòng thương

Trừ đau khổ cho tôi.

Thái Tử nói kệ bảo bịnh nhơn:

Tôi vì lợi thế gian

Tất cả đều bố thí

Thân phần và trân bửu

Cần gì xin người nói.

Bịnh nhơn nói kệ bạch Thái Tử:

Ví như đại dược vương

Tùy ý chữa lành bịnh

Cũng như nhựt nguyệt sáng

Chiếu khắp các thế gian

Nếu được tủy thân Ngài

Thoa khắp thân thể tôi

Bịnh nầy sẽ tiêu trừ

Mãi mãi được an vui.

Thái Tử liền nói kệ bảo bịnh nhơn:

Nếu có các chúng sanh

Ðập thân tôi lấy tủy

Vì lợi ích thế gian

Lòng tôi chẳng ưu não.

Thái Tử liền tự đập nát thân lấy tủy cho bịnh nhơn tùy ý dùng không có chút niệm hối hận.

Nầy A Nan! Nên biết thuở xưa Thát Tử Kiệu Hoa kia chính là thân ta. Nước bốn đại hải có thể đong lường, thuở xưa ta hành đạo Bồ tát thí xương tủy nơi thân mình không thể tính kể được.

Nầy A Nan! Tuở xa xưa có Quốc Vương tên Nguyệt Quang đoan chánh đẹp lạ đủ tướng tốt người thấy vui mừng, du ngoạn thấy một người mù ăn xin, chạnh lòng thương nhà vua hỏi: Người cần dùng gì ta sẽ cấp cho, hoặc đồ ăn uống y phục đồ trang sức châu ngọc tran bửu, tùy ý người muốn đều sẽ được ban.

Người mù nói kệ bạch Quốc Vương:

Ðại Vương như nhựt nguyệt

Quang minh soi thế gian

Ðầy đủ thắng công đức

Chẳng lâu sanh lên trời

Tất cả màu sắc đẹp

Nay tôi đều chẳng thấy

Xin vua đại từ bi

Ban tôi mắt của vua.

Quốc Vương nói kệ đáp người mù:

Người mau đến lấy mắt

Cho người được an vui

Ngươi tôi đến đời sau

Ðược mắt Phật thanh tịnh

Tôi hành đạo Bồ Tát

Tất cả đều xả thí

Nếu tôi chẳng cho người

Thì trái với bổn nguyện.

Vua Nguyệt Quang liền tự móc tròng mắt mình thí cho người mù tùy ý dùng chẳng có một niệm hối hận. Nầy A Nan! Niên biết thuở xưa vua Nguyệt Quang kia chính là thân ta. Núi Tu Di còn có thể đo lường, lúc ta hành đạo Bồ Tát bố thí con mắt của mình chẳng thể kể đếm được.

Nầy A Nan! Di Lặc Bồ Tát lúc hành đạo Bồ Tát có phát nguyện rằng: Nếu các chúng sanh tham sân si mỏng thành tựu thập thiện bấy giờ tôi sẽ thành Vô thượng Bồ đề.

Nầy A Nan! Ðời đương lai có thuở các chúng sanh tham sân si mỏng thành tựu thập thiện, bấy giờ Di Lặc Bồ Tát sẽ thành Vô thượng Bồ đề. Tại sao, vì do nơi bổn nguyện của Bồ Tát vậy.

Nầy A Nan! Thuở xưa lúc hành đạo Bồ Tát, ta phát lời rằng: Tôi nguyện sẽ ở nơi đời ác ngũ trược các chúng sanh ác tham sân si nặng, họ chẳng hiếu với cha mẹ chẳng kính bực tôn trưởng, nhẫn đến quyến thuộc chẳng hòa thuận nhau, bấy giờ tôi sẽ thành Vô thượng Bồ đề. Do bổn nguyện như vậy nên nay ta vào thành ấp tụ lạc, có nhiều chúng sanh khi mắng ta, họ dùng pháp đoạn pháp thường tụ chúng hội họp. Hoặc lúc ta đi khất thực, họ rải đất bụi, họ trộn thuốc độc co ta ăn. Hoặc họ dùng nữ nhơn hủy báng ta.

Nầy A Nan! Nay ta do sức bổn nguyện khởi tâm đại bi vì các chúng sanh ấy thuyết pháp”.

Trưởng Lão N Nan bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Ðức Như Lai Ứng Cúng Ðẳng Chánh Giác hay làm việc khó hay nhẫn việc khó, người chẳng điều phục đều khiến điều phục, mang gánh những chúng sanh tội cấu như vậy mà thuyết pháp cho họ”.

Ðức Phật dạy: “Ðúng như lời ông nói. Tại sao, vì do đại bi của Như Lai nhiếp lấy vậy.

-Bạch đức Thế Tôn! Tôi nghe thệ nguyện vững chắc của đức Như Lai mà toàn thân lông dựng đứng. Bạch đức Thế Tôn! Kinh nầy tên là gì, chúng tôi phải dụng trì thế nào?

-Nầy A Nan! Kinh nầy tên là Di Lặc Sở Vấn, cũng tên là Vãng Tích Bổn Nguyện Nhơn Duyên, ông nên phụng trì như vậy”.

Ðức Phật nói kinh nầy rồi, Di Lặc Bồ Tát, Tôn giả A Nan, tất cả thế gian Trời, Người, A Tu La v.v…nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.

Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn

Thứ Bốn Mươi Hai

Hết