Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Tụng Đại Thừa Đốn Giáo

CHÁNH VĂN:

Tụng  Đại  Thừa  Đốn  Giáo

Thuật rằng: Nhập pháp giới là liễu tâm, đạt bản nguyên là kiến tánh, tánh tịnh thì Pháp thân tự hiện, tâm như thì Đạo thể hiện còn. Trời đất không thể đổi cái thường kia, u minh không thể làm khác lý kia. Chợt có Lang chúa vô minh, Ma vương tham ái, mượn hư không để thành nhân, góp trần lao mà thành nghiệp.

GIẢNG: 

Người sau nhân đọc những lời dạy của ngài Thần Hội, lãnh hội được nên làm bài văn này, cũng rất hay.

Nhập pháp giới là liễu tâm, tức nhập pháp giới tánh là liễu ngộ được Bản tâm. Đạt bản nguyên là kiến tánh, nói kiến tánh tức là thấu tột nguồn gốc ban đầu. Như vậy liễu tâm là nhập pháp giới, kiến tánh là đạt bản nguyên.

Tánh tịnh thì Pháp thân tự hiện, tâm như thì Đạo thể hiện còn.

Tánh mình trong sạch thanh tịnh thì Pháp thân hiện ra. Tâm mình lặng lẽ như như thì Đạo thể hiện còn, tức Thể đạo đang hiện có.

Trời đất không thể đổi cái thường kia, u minh không thể làm khác lý kia.

Chỗ chân thật đó trời đất không thể đổi được, mù tối không thể che được.

Chợt có Lang chúa vô minh, Ma vương tham ái, mượn hư không để thành nhân, góp trần lao mà thành nghiệp.

Ở đây gọi vô minh là Lang chúa, còn tham ái là Ma vương. Lang chúa là chúa của chó sói hay vua chó sói. Do tham ái mượn hư không để thành nhân. Rồi từ Tánh không hợp các duyên thành người, góp trần lao thành nghiệp, đuổi theo dính mắc sáu trần bên ngoài mà tạo thành nghiệp.

Như vậy Thể tánh nguyên là trong sạch, như như. Nhưng bị Lang chúa vô minh và Ma vương tham ái thúc giục, từ thể không gom góp các duyên trần mà thành thân, từ đó dính với sáu trần và tạo nghiệp. Đó là Ngài nói từ Thể thanh tịnh biến thành sanh diệt, gốc từ vô minh, tham ái mà ra.

CHÁNH VĂN:

Vì thế bậc Năng nhân lợi vật, diệu lực vô biên, diễn giáo nghĩa tám muôn bốn ngàn, chỉ bày pháp yếu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nên đã làm Đạo sư chỉ rõ mê ngộ, đốn tiệm. Ngộ thì phiền não tức là Bồ-đề, mê nên cổng Bắc chạy qua thành Nam. Tiệm đó ắt tích chứa kiếp số tăng-kỳ, vẫn ở trong luân hồi. Đốn thì như khoảng co tay cúi mình, liền lên Diệu giác.

GIẢNG:

Bậc Năng nhân là chỉ cho Phật. Phật vì lợi vật cho nên dùng diệu lực vô biên diễn ra giáo nghĩa tới tám muôn bốn ngàn pháp, chỉ bày pháp yếu Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Vì vậy nên Ngài là đấng Đạo sư chỉ rõ mê ngộ, đốn tiệm cho mọi người.

Ngộ thì phiền não tức là Bồ-đề, mê nên cổng Bắc chạy qua thành Nam.

Ngay phiền não liền có Bồ-đề. Phiền não là mê, Bồ-đề là giác. Tại sao phiền não mà thành Bồ-đề? Thật ra điều này rõ như ban ngày, không có tối thì không lập sáng. Cũng vậy vì mê nên mới có ngộ. Ví như chúng ta muốn tìm nhà người quen, trên đường đi bị lạc. Lúc lạc là quên, tức mê. Khi sực nhớ không phải, trở lại đi lối đúng thì không còn lạc nữa. Không lạc là hết mê, hết mê tức ngộ.

Như vậy nhân đâu có ngộ? Nhân mê mà có ngộ, nhân quên mà có nhớ. Nhớ từ quên mà ra, còn quên là do mất nhớ, chớ có gì lạ đâu. Nếu không có quên thì không có nhớ, cũng như không có mê thì không có ngộ. Vì vậy mà phiền não tức là Bồ-đề, từ mê nên chúng ta mới giác.

Nếu mê thì cổng Bắc chạy qua thành Nam, là đi chỗ này nhằm đến chỗ kia, nên phải tìm kiếm lăng xăng. Một khi ngộ ngay đó thấy liền, chớ không ở đâu xa. Như quí Phật tử có người đi hành hương hết núi này đến núi nọ. Ở đâu nghe nói linh thiêng là tìm tới, đi như vậy thì chừng nào ngộ đạo, hay càng đi càng mê? Càng đi càng thêm mê. Chỉ khi nào nhận được nơi mình có Tánh giác, có ông Phật thật thì ngồi một chỗ vẫn thấy rõ như thường. Cho nên người đốn thì ngộ phiền não tức là Bồ-đề, chớ không gì khác. Còn người tiệm hay người mê chạy Đông chạy Tây tìm kiếm hoài cũng không ra.

Tiệm đó ắt tích chứa kiếp số tăng-kỳ, vẫn ở trong luân hồi.

Nên nói tu ba vô số kiếp mới thành Phật. Đó là nói theo tinh thần Nguyên thủy hay A-hàm. Phật dạy nếu người nào bị bệnh ái dục nặng thì phải quán bất tịnh. Quán thân này bất tịnh cho tới khi nào mình nhờm gớm, không muốn nhìn nó nữa thì quán tịnh trở lại. Như vậy chừng bao lâu mới rồi pháp đó? Quán bất tịnh như thế chỉ trừ được một bệnh thôi. Qua bất tịnh rồi lại trị bệnh khác, như tham ái, tham danh, tham lợi… Cứ như vậy mà quán hết cái này sang cái khác, cả đời cũng chưa xong. Một đời không xong thì phải qua đời khác. Cứ như vậy qua bao nhiêu lần sanh tử vẫn chưa rồi, vì vậy nói:

Tiệm đó ắt tích chứa kiếp số tăng-kỳ, vẫn ở trong luân hồi.

 Đốn thì như khoảng co tay cúi mình, liền lên Diệu giác.

Tay ta đưa ra co vô chừng bao lâu? Chỉ trong tíc tắc đồng hồ. Đó đốn là vậy. Ngay nơi thân này, ngay nơi tâm này mà mình thấy không thật, nó là giả dối, cái thấy đó chừng bao lâu? Đang thấy thật đổi lại thấy giả dối, liền đó chớ có bao lâu. Thấy theo thế gian thì mê kiếp này sang kiếp khác, còn thấy ngược lại là hết mê. Như vậy cái chân thật không xa, mà vì chúng ta không dám quay đầu.

CHÁNH VĂN:

Do đó, quả thật cao xa, ai hoằng truyền pháp kia? Hòa thượng Hà Trạch của ta, là bậc trí tuệ thiên sanh, đức cùng đạo hợp, chí nguyện lớn cùng năm tháng. Lúc tuổi còn nhỏ, du phương hỏi đạo, ở chỗ Đại đức các nơi, hỏi nghĩa Niết-bàn vốn lặng lẽ, đã lâu mà không ai đáp được, lòng rất lấy làm lạ. Khi đến Lãnh Nam, lại gặp Tôn giả Tào Khê, làm lễ chưa xong, đã ngộ lời Sư dạy, vô trụ là gốc, do lòng từ mà được. Tôn giả đã làm việc gởi vàng chỉ một ít, ban châu thật chấn động, trao tâm cho người khế hợp, truyền đèn pháp của Lục Tổ. Do tâm từ bi rộng lớn, hấp dẫn tình thâm, năm xưa chín tuổi, đã phát hoằng thệ nguyện, nếu ta ngộ hiểu, thệ nguyện sẽ nói ra, đời nay truyền trao cho đời sau. Tâm trước đã toại nguyện, chỉ rõ hạt châu cho người say, chóng mở kho tàng cho bần nữ. Dùng trí tuệ chặt đứt lưới nghi cho người. Đem thuyền trí cứu vớt kẻ chìm nơi bến mê. Gốc lớn nguồn sâu, hàm linh ngộ nhập. Rõ bốn hạnh để chỉ bày, hoằng năm nhẫn để lợi lạc, không phải bỗng dưng mà được gọi là Tổ như thế. Song tâm ắt có sanh diệt, pháp không có đến đi. Vô niệm thì cảnh ác chẳng sanh, vô tác thì phan duyên tự dứt. Hoặc thỉ giác để diệt vọng, hoặc bản giác để chứng chân. Sự giải thoát kia ngay trong nháy mắt, lìa sự tuần hoàn nơi ba cõi.

GIẢNG:

Đoạn này tán thán ngài Thần Hội. Nói rằng:

Do đó, quả thật cao xa, ai hoằng truyền pháp kia? Hòa thượng Hà Trạch của ta.

Ngài đi tu lúc tuổi còn nhỏ, du phương tầm đạo, hỏi nghĩa Niết-bàn vốn lặng lẽ, đã lâu không ai đáp được, lòng rất lấy làm lạ.

Bấy giờ Ngài tới Lãnh Nam gặp Tổ Huệ Năng.

Tôn giả đã làm việc gởi vàng chỉ một ít, ban châu thật chấn động, trao tâm cho người khế hợp, truyền đèn pháp của Lục Tổ.

Nghĩa là Ngài thưa hỏi nghĩa vô sanh của Niết-bàn, đó là gởi vàng chỉ một ít. Gởi vàng một chút ít mà Tổ ban châu thật chấn động. Ngài trao tâm cho người khế hợp và được Lục Tổ truyền pháp. Như vậy Ngài được ngộ nơi Lục Tổ, cho nên đây mới kể sự tích.

Do tâm từ bi rộng lớn, hấp dẫn tình thâm, năm xưa chín tuổi, đã phát hoằng thệ nguyện, nếu ta ngộ hiểu, thệ nguyện sẽ nói ra, đời nay truyền trao cho đời sau.

Ở đây ca ngợi lòng từ bi của Ngài, đi tu lúc chín tuổi ở Tung Sơn, tới chỗ Tổ Huệ Năng là mười hai, mười ba tuổi. Sau khi phát nguyện lớn được ngộ, được hiểu sẽ đem Phật pháp nói lại cho người sau. Thế nên sau khi ngộ rồi, Ngài trở về kinh đô ở phương Bắc, giáo hóa những người trí thức, nên Phật sự khá nhọc nhằn.

Tâm trước đã toại nguyện, chỉ rõ hạt châu cho người say, chóng mở kho tàng cho bần nữ.

Chỉ rõ hạt châu cho người say như trong kinh Pháp Hoa đã ví dụ. Mở kho tàng cho bần nữ, là chỉ kho báu cho cô bé nghèo.

Dùng trí tuệ chặt đứt lưới nghi cho người.

Khi đi truyền bá, khả năng trí tuệ của Ngài làm cho người ta thức tỉnh rất lớn.

Đem thuyền trí cứu vớt kẻ chìm nơi bến mê.

Đem trí tuệ đó cứu giúp những người còn mê lầm.

Gốc lớn nguồn sâu, hàm linh ngộ nhập.

Nguồn gốc Ngài dạy rất sâu rất lớn, vì muốn cho tất cả chúng sanh đều ngộ nhập chỗ đó.

Rõ bốn hạnh để chỉ bày, hoằng năm nhẫn để lợi lạc, bốn hạnh năm nhẫn đều đem chỉ dạy cho người.

Không phải bỗng dưng mà được gọi là Tổ như thế.

Ngài được như vậy đâu phải bỗng dưng, mà do công phu tu từ thuở bé.

Song tâm ắt có sanh diệt, pháp không có đến đi.

Tâm có sanh diệt, nhưng pháp chân thật không đến đi.

Vô niệm thì cảnh ác chẳng sanh, vô tác thì phan duyên tự dứt.

Ngài chủ trương vô niệm của Lục Tổ và chủ trương vô tác, tức là không dính mắc với các cảnh bên ngoài.

Hoặc thỉ giác để diệt vọng, hoặc bản giác để chứng chân.

Hoặc dùng thỉ giác là cái giác mới để diệt vọng. Như khi dấy niệm lên mình biết nó là vọng, đây là thỉ giác. Thỉ giác để diệt vọng. Diệt vọng rồi phải dùng bản giác để chứng chân, vọng lặng thì chân hiện, đó là bản giác.

Ngày xưa mê lầm ta cho vọng tưởng là tâm mình. Bây giờ biết vọng tưởng là hư dối, đây là thỉ giác. Vọng tưởng hư dối lặng rồi, cái hằng tri giác hiện ra, đó là bản giác, tức cái giác sẵn có tự thuở nào. Nên nói sự giải thoát kia ngay trong nháy mắt, lìa sự tuần hoàn nơi ba cõi. Như vậy rõ ràng ngay nơi mình có cái giải thoát, dù còn luân hồi trong tam giới vẫn không thấy luân hồi, vì ta chưa mất bản giác bao giờ.

CHÁNH VĂN:

Tuy ông Trưởng giả dâng bảo cái, Long nữ cúng hạt châu. Sự giải thoát này sánh với việc dâng cúng kia, lại nhanh chóng hơn. Đó là ý niệm chẳng động mà vượt qua bờ kia, không bỏ sanh tử chứng Niết-bàn, phăng tìm đến lý tột cùng của sự đốn ngộ, có gì là xa? Sự nhiệm mầu của cửa Phật, hàm súc ở chỗ này! Do đó, xét kỹ lầu các điểm trang, bên trong tường vách rục rã, được không chỗ được, nghe điều chưa nghe, nghi Tổ Đạt-ma tái sanh, giống như hoa ưu-đàm một lần xuất hiện, tiếng tăm bay khắp xa gần, rộng thông niềm vui pháp mầu, bậc Y vương rất quí, tự nhiên mà đến.

GIẢNG:

Tuy ông Trưởng giả dâng bảo cái, Long nữ cúng hạt châu. Sự giải thoát này sánh với việc dâng cúng kia, lại nhanh chóng hơn.

Long nữ cúng hạt châu cho Phật rồi, mới qua cõi khác hóa thân nam thành Phật, chuyện mình ngộ còn mau hơn thế nữa.

Đó là ý niệm chẳng động mà vượt qua bờ kia, không bỏ sanh tử chứng Niết-bàn, phăng tìm đến lý tột cùng của sự đốn ngộ, có gì là xa?

Đốn ngộ thật không có gì xa hết. Ý niệm chẳng động mà vượt qua bờ kia, khi ý không khởi, không dấy đó là bờ Niết-bàn. Bờ Niết-bàn ở ngay trong sanh tử, chớ không phải tìm nơi đâu hết. Vì vậy phăng tìm được chỗ tột cùng là đốn ngộ. Cho nên nói:

Sự nhiệm mầu của cửa Phật, hàm súc ở chỗ này! Do đó, xét kỹ lầu các điểm trang, bên trong tường vách rục rã, được không chỗ được, nghe điều chưa nghe, nghi Tổ Đạt-ma tái sanh, giống như hoa ưu-đàm một lần xuất hiện, tiếng tăm bay khắp xa gần, rộng thông niềm vui pháp mầu, bậc Y vương rất quí, tự nhiên mà đến.

Đây là lời tán thán của người viết bài văn này.

Nói rằng: “Do đó xét kỹ lầu các điểm trang, bên trong tường vách rục rã, được không chỗ được, nghe điều chưa nghe.” Lầu các điểm trang, bên trong tường vách rục rã là gì? – Tức ngay trong tướng giả ta mê lầm trang điểm đủ thứ, nhưng sự thật bên trong đã rục rã hết rồi. Được không chỗ được, cái chân thật đó không chỗ được. Nghe điều chưa nghe, người viết nghi biết đâu Tổ Đạt-ma tái sanh làm Thần Hội, cho nên nói được cái đó, chỉ được cái đó. Bởi vậy “giống như hoa ưu-đàm một lần xuất hiện, tiếng tăm bay khắp xa gần, rộng thông niềm vui pháp mầu, bậc Y vương rất quí, tự nhiên mà đến”.

CHÁNH VĂN:

Đệ tử học đạo tối tăm, may mắn được nương theo áo nghĩa. Xưa đi đường xa bước từng gang tấc mà ngàn dặm. Nay nhờ trực chỉ, xem dặm hoang chỉ nơi tròng mắt. Bút mực không đủ tả nỗi lòng, thân mạng làm sao kham đền ân đức. Viết bài tụng ngắn bày tỏ phát minh, cũng giống như vun đắp cho Bồng Lai thêm cao, khe nước chảy từ từ càng làm cho Bột Hải thêm sâu. Chúng ta người học đạo nhờ đây mà rõ vậy.

GIẢNG:

Đoạn này người ghi tỏ lòng cung kính quí trọng với Thiền sư Thần Hội.

Xưa đi đường xa bước từng gang tấc mà ngàn dặm, người ghi tả tâm trạng ngày xưa học đạo như đi đường xa, bước từng bước chậm ngắn mà đường dài, không biết chừng nào mới tới được. Nay nhờ trực chỉ, xem dặm hoang chỉ nơi tròng mắt, nay nhờ chỉ thẳng cho nên tuy đường xa mù mịt, nhưng thật ra ở ngay nơi tròng con mắt, chớ không đâu xa hết.

Bút mực không đủ tả nỗi lòng, thân mạng làm sao kham đền ân đức, bút mực không đủ diễn tả hết lòng kính trọng, còn thân mạng này cũng không làm gì đền được ân đức của người xưa.

Viết bài tụng ngắn bày tỏ phát minh, cũng giống như vun đắp cho Bồng Lai thêm cao, khe nước chảy từ từ càng làm cho Bột Hải thêm sâu.

Người viết bài tụng để tỏ sự thấy biết của mình rõ ràng, giống như núi Bồng Lai đắp thêm cao, như khe nước chảy làm cho biển cả thêm sâu.

Chúng ta người học đạo nhờ đây mà rõ vậy.

CHÁNH VĂN:

Đạo tinh thăm thẳm,
Pháp tánh thanh tịnh;
Biết rõ hư dối,
Vững tu giới định.

GIẢNG:

Ở đây nói đạo của ngài Thần Hội chỉ dạy sâu thăm thẳm, là tinh ba rất quí báu. Pháp tánh của chúng ta hay của các pháp luôn luôn thanh tịnh. Biết rõ tất cả các pháp ở thế gian này hư dối, thì vững tu giới định tuệ, dễ dàng không khó.

Hiện tại sở dĩ chúng ta tu trồi lên hụp xuống vì thấy các pháp là thật. Sắc đẹp thật, tiếng hay thật, tất cả những thứ khác đều thật hết. Bởi thấy tất cả thật nên giữ giới không yên, định cũng không được. Giữ giới thì phạm, còn định thì loạn. Vì thấy cảnh đời là thật.

Ví dụ ta chưa có tội lỗi gì mà bị người nói gian giảo, ác độc thì đêm đó ngồi thiền yên định không? Bởi cho lời nói là thật nên tâm không yên định. Biết ngôn ngữ không thật người ta nói, mình bỏ qua không bận lòng, được vậy thì tu giới định dễ dàng.

CHÁNH VĂN:

Giữ giới là gì?
Biết được Bản tánh.
Tu định là gì?
Vô niệm tự tịnh.

GIẢNG:

Theo vị này, giữ giới tức là biết được Bản tánh của mình sẵn tự đầy đủ. Tại sao? Vì nếu không biết Bản tánh mà chỉ thấy thân này, vọng tưởng này nên dễ phạm sai lầm, giữ giới không được. Biết có Bản tánh bất sanh bất diệt, thường hằng rõ ràng thì những tầm thường của thế gian ta không bận tâm, nên không dính mắc. Đó là giữ giới.

Tu định là gì? Vô niệm tự tịnh. Tu thiền định là khéo giữ tâm vô niệm, mà vô niệm tự an tịnh. Đó là tu định.

CHÁNH VĂN:

Siêng tu trí tuệ,
Mới trừ bệnh pháp;
Gương trống không nhọc,
Bụi mù chẳng chiếu.

GIẢNG:

Mình luôn dùng Trí tuệ Bát-nhã quán chiếu thì các bệnh chấp pháp, chấp ngã mới trừ được.

Nếu gương không bị che đậy thì không cần nhọc nhằn lau chùi. Nếu để bụi mù phủ lấp thì mờ mịt không chiếu sáng.

CHÁNH VĂN:

Tỏ như trăng Thu,
Trong tợ gương sáng;
Không nhiễm sáu trần,
Liền lên Bát chánh.

GIẢNG:

Phải tập giữ tâm trong sạch tỏ sáng như trăng mùa Thu, như gương trong sáng, không một vết nhơ, không một chút bụi. Đó là thành công của sự tu.

Đối với sáu trần không dính không mắc, đó là đầy đủ Bát chánh đạo.

CHÁNH VĂN:

Đại đạo bằng phẳng,
Mọi người khéo đi;
Mừng gặp tông kia,
Càng thêm vui thích.

GIẢNG:

Đại đạo thường được hình dung là con đường lớn, bằng phẳng. Nhưng thật ra đại đạo là chỉ cho đạo cao siêu tuyệt vời không có gì bì nổi. Tất cả người tu đều phải đi con đường đó, nên phải khéo đi. Tông kia là Thiền tông, gặp Thiền tông thì càng mừng càng vui.

CHÁNH VĂN:

Cúi đầu qui ngưỡng,
Lòng thành cung kính;
Cửa mầu đốn ngộ,
Từ đây càng lớn.

GIẢNG:

Cúi đầu cung kính qui ngưỡng Thiền tông và hết lòng cung kính con đường tu này. Cửa nhiệm mầu chóng ngộ, từ đây đạo đức càng ngày càng tăng, càng thêm lớn. Đó là lời tán thán ca tụng của người viết bài tụng.

CHÁNH VĂN:

Đời Đường niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ tám (792), giờ mùi. Sa-môn Bảo Trân cùng Phán quan Triệu Khán Lâm, vâng theo lệnh Trương Đại Phu khảo sát xong, ghi lại nhằm ngày 22 tháng 10 mùa Đông năm đó.

Đời Đường Tỳ-kheo ghi lại nhằm ngày 23 tháng 10 năm Quí Tỵ.

GIẢNG:

Như vậy bài này của Sa-môn Bảo Trân ghi, ra đời sau thời ngài Thần Hội không bao xa.