Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Pháp Sư Viễn [1]

CHÁNH VĂN:

(47) Pháp sư Viễn hỏi: Thế nào là không hết hữu vi, vì sao không trụ vô vi?

Đáp: Không hết hữu vi là từ khi sơ phát tâm, đến cội bồ-đề thành Đẳng chánh giác, thẳng tới Song lâm nhập Niết-bàn, đối với tất cả điều thiện đều không bỏ sót, tức là không hết hữu vi. Không trụ vô vi là tu học không, mà không lấy không làm chỗ chứng, tu học vô tác mà không lấy vô tác làm chỗ chứng, tức không trụ vô vi, khi ngồi niệm không khởi là tọa, thấy Bản tánh là thiền.

GIẢNG:

Chúng ta tu để đạt đạo, nhập Niết-bàn tức là vô vi. Nhưng từ khi phát tâm tu cho tới khi đạt đạo, có nên làm việc lành không? Ngài dạy suốt một thời gian dài không một điều lành nào ta bỏ, đó là không hết hữu vi.

Không trụ vô vi tức là chúng ta tu học các pháp vô vi, nào là quán các pháp không, vô tác, nhưng không trụ, không chứng chỗ không, chỗ vô tác. Đó gọi là vô vi. Không hết hữu vi, không trụ vô vi là như vậy.

Pháp Sư Viễn [2]

CHÁNH VĂN:

(48) Pháp sư Viễn hỏi: Thiền sư tu pháp gì. Hành pháp gì?

Hòa thượng đáp: Tu Bát-nhã ba-la-mật, hành Bát-nhã ba-la-mật.

Pháp sư Viễn hỏi: Vì sao không tu pháp khác, không hành pháp khác?

Hòa thượng đáp: Tu hành Bát-nhã ba-la-mật, hay nhiếp tất cả pháp. Hành hạnh Bát-nhã ba-la-mật, tức là căn bản tất cả hạnh. Thế nên, Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật là tối tôn, tối thắng, tối đệ nhất, không sanh không diệt, không đến đi, tất cả chư Phật từ trong này mà ra.

GIẢNG:

Tại sao tu thiền gọi là tu Bát-nhã ba-la-mật, hành Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật là Trí tuệ rốt ráo hay Trí tuệ cứu kính. Bởi lâu nay chúng ta vì mê lầm nên mới đi trong sanh tử luân hồi. Ngày nay muốn ra khỏi luân hồi sanh tử thì phải dùng trí tuệ. Trí tuệ này là Trí tuệ cứu kính cùng tột, chớ không phải trí tuệ của thế gian.

Trong kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Tất cả tướng ở thế gian đều là duyên hợp, hư giả nên Tự tánh nó là không. Vì vậy thấy tất cả tướng phi tướng, tức không phải tướng thật. Thấy rõ như thế là có Trí tuệ cứu kính tức Trí tuệ Phật. Nên gọi thấy Phật.

Bát-nhã là trí tuệ tột cùng thấu suốt tất cả pháp thế gian, không có một tướng thật. Từ cảnh cho tới thân và tâm sanh diệt đều thấy không thật. Thấy tột cùng như vậy gọi là tu Bát-nhã, là Phật. Tại sao? Vì Trí tuệ Phật là trí tuệ tột cùng không còn chỗ nào ngăn ngại. Nếu chúng ta thấy được tột cùng như vậy là Trí tuệ Phật rồi.

Lại nữa, tu Phật là để cứu kính giải thoát sanh tử. Nếu còn nhìn tất cả pháp là thật, là đẹp, là xấu, là hay, là dở v.v… thì chúng ta còn đi trong phân biệt, tạo nghiệp luân hồi sanh tử. Giờ đây chúng ta thấy tất cả pháp đều hư dối không thật, tột cùng chỉ là thể tánh không, duyên hợp tạm có. Tất cả pháp không thật rồi, lúc đó còn gì để mình giác ngộ, giải thoát. Cái thấy tất cả pháp như mộng như huyễn, không có Tự tánh, cái thấy đó là Như Lai rồi.

Ngày nay chúng ta thấy cái này thật cái kia giả, đối đãi như vậy là thấy trong sanh diệt. Thấy trong sanh diệt là cái thấy của phàm phu. Thấy tột cùng không còn gì vướng mắc, không còn gì phân biệt là Tâm thanh tịnh bản nhiên rồi. Tâm đó không còn sanh diệt nữa vì đâu còn bám, đâu còn dính với pháp sanh diệt. Như vậy cái thấy đó là Phật.

Tất cả chúng ta có quyền thấy như vậy không? Ai cũng có quyền thấy hết, tại sao không chịu thấy? Cứ thấy thật rồi đâm ra phiền não, thương ghét đủ thứ hết. Những người ngồi đây năm chục năm sau còn đủ không? Chừng đó đi đâu? Thành cát, thành bụi rõ ràng có thật đâu. Vậy mà chúng ta cứ thấy thật rồi sanh ra thương ghét, bị nghiệp dẫn đi trong sanh tử.

Bây giờ chúng ta thấy đúng như thật, tất cả những gì hiện có đều tạm bợ, hư dối. Ngày nay thấy đó, ngày mai chưa chắc còn. Thấy rõ ràng các pháp không thật là thấy đúng như thật. Thấy tất cả pháp vô thường, cái thấy vô thường không phải vô thường. Chỗ này chúng ta phải hiểu, chớ đừng lầm. Nói thấy tất cả huyễn hóa hết thì còn gì mà tu, đó là sai lầm. Chính thấy huyễn hóa mới tu, đang tu. Còn thấy thật là đang dính, đang phàm phu, chớ không phải đang tu.

Cho nên Ngài nói tu Bát-nhã ba-la-mật, hành Bát-nhã ba-la-mật. Thấy được các pháp không thật là cái thấy chân thật. Nói chân thật là nói theo đối đãi, chớ khi hết đối đãi, không nói thật hư gì cả. Đó là pháp Bát-nhã ba-la-mật. Ngài dẫn kinh Bát-nhã để làm chứng.

CHÁNH VĂN:

Kinh Thắng Thiên Vương Bát-nhã, hỏi: “Vì sao Bồ-tát lớn học Bát-nhã ba-la-mật, thông đạt pháp giới sâu xa?

Phật bảo Thắng Thiên Vương:

– Đại vương! Tức là như thật.

GIẢNG:

Hỏi tại sao Bồ-tát học pháp Bát-nhã, thông đạt được pháp giới sâu xa? Phật bảo vì Bát-nhã ba-la-mật đó tức là như thật. Cái biết tất cả huyễn thì không huyễn, cũng như mũi khoan bằng kim cương hay khoan bể sắt, bể đá… Tất cả bị nó phá hết nhưng không gì phá được nó. Vì nó hay phá tất cả nên là chủ của tất cả. Bây giờ chúng ta dùng Trí tuệ Bát-nhã soi thấy tất cả đều hư dối, thì trí Bát-nhã đó không phải hư dối. Thấy như vậy, mới hiểu được câu Phật đáp đơn giản: “Đại vương! Tức là như thật.” Tất cả cái kia đều huyễn hóa, chỉ cái này là thật.

CHÁNH VĂN:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao như thật?

– Đại vương! Tức không biến đổi.

GIẢNG:

Như thật vì nó không biến đổi. Như mũi kim cương hay phá được tất cả mà không gì phá được nó, bởi vì nó không biến đổi.

CHÁNH VĂN:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao không biến đổi?

– Đại vương! Đó gọi là như như.

GIẢNG:

Nói như như tức là mãi mãi thế đó, cho nên không biến đổi.

CHÁNH VĂN:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao như như?

– Đại vương! Đây do trí biết, chẳng thể dùng ngôn ngữ có thể nói được. Vì cớ sao? Vượt qua văn tự, không kia không đây, lìa tướng vô tướng, xa lìa nghĩ lường, vượt khỏi cảnh giác quán. Đó là liễu đạt pháp giới sâu xa. Phát tâm, rốt ráo cả hai không khác. Hai tâm như thế, tâm trước là khó, tự mình chưa được độ mà trước độ người khác. Thế nên ta lễ Bồ-tát sơ phát tâm.

GIẢNG:

Mấy đoạn này khéo một chút thì thấy dễ, không khéo một chút thì rất khó.

Đây do trí biết, chẳng thể dùng ngôn ngữ có thể nói được. Vì cớ sao? Vượt qua văn tự, không kia không đây, lìa tướng vô tướng, xa lìa nghĩ lường, vượt khỏi cảnh giác quán.

Ai có Trí chân thật thì nhận ra, biết được. Còn dùng ngôn ngữ văn tự đối đãi làm sao được như như. Do không tướng nên lìa văn tự, suy nghĩ, quán xét, gọi là như như.

Đó là liễu đạt pháp giới sâu xa.

Người được như vậy là liễu đạt pháp giới sâu xa.

Phát tâm, rốt ráo cả hai không khác.

Nghĩa là sao? Người sơ phát tâm nghe kinh Bát-nhã, thấu được lý Bát-nhã, phát tâm tu hành gọi đó là sơ phát tâm. Thấu được lý Bát-nhã rồi, đem chỉ dạy hướng dẫn người khác, nhưng chưa đạt được Phật quả. Cho nên ở đây nói:

Hai tâm như thế, tâm trước là khó.

Hai tâm là sơ phát tâm, và tâm rốt ráo cứu kính.

Sơ phát tâm mà thấu được lẽ thật, đang tập đang tu nhưng chưa hoàn tất. Khi đó đem giảng dạy cho người, mà vẫn không mất Tâm chân thật, Ngài nói người đó tự mình chưa được độ, mà trước độ người khác. Phật khen thế nên ta lễ Bồ-tát sơ phát tâm. Phật kính trọng những người sơ phát tâm, thấy được lẽ thật, tuy làm chưa xong nhưng đem cái thấy đó chỉ dạy cho người chưa biết, đó là người đáng kính lễ. Nếu đợi phần mình xong rồi mới chỉ dạy, chuyện đó dễ quá không khó khăn gì. Thấy được hiểu được mà chưa đến chỗ tột cùng, nhưng vì lòng thương chúng sanh, chỉ dạy để cùng nhau tu, đó là người sơ phát tâm mà hay độ tất cả. Đây mới là việc khó làm.

Đức Phật muốn khích lệ ai tu đã hiểu, đã thấy, thì phải cố gắng giáo hóa liền, vì chúng sanh đang chìm trong bể mê, không thương sao được. Cũng như mình chụp được một cái phao, còn nhiều phao nổi khác, ta không chịu chỉ bạn bè chung quanh, lo bơi vô bờ một mình, mặc cho huynh đệ chết chìm, như vậy là nhẫn tâm. Mình được cũng chỉ cho người khác, cùng nhau bơi vô bờ một lượt. Hoặc kẻ trước người sau cũng được, nhưng phải chỉ phao cho người ta. Đó là điều rất hay, đức Phật đã dạy cho chúng ta.

Người sơ phát tâm so với người đã phát tâm tu hành đến chỗ rốt ráo, giống nhau và khác nhau ở chỗ nào? Người sơ phát tâm nếu thấy rõ được Thể tánh Bát-nhã chân thật, đó là có Trí tuệ Phật. Người đã đạt cứu kính rồi cũng sống với Phật. Phật của người mới thấy và Phật của người đã được, có khác nhau không? – Không khác, nên nói là đồng. Nhưng người mới phát tâm, không còn nghi Phật của mình nữa, song vẫn bị mấy chú vô minh phiền não che hoài. Thấy thì thấy, vừa thấy vừa khuất, nên chưa trọn vẹn. Như vậy trên mặt căn bản thì cả hai đồng, nhưng trên mặt tu trì thì không đồng. Một bên đã xong, một bên chưa xong nên khác.

CHÁNH VĂN:

Bồ-tát Giải Thoát hỏi: Bạch Thế Tôn! Tâm vô sanh có gì lấy bỏ, trụ pháp tướng nào?

Phật dạy: Tâm vô sanh không lấy không bỏ. Trụ ở chỗ không có tâm, trụ ở chỗ không có pháp.

GIẢNG:

Tâm vô sanh không có lấy bỏ, nếu có lấy bỏ tức hữu sanh rồi. Tâm ấy trụ ở chỗ không có tâm. Không có tâm tức là vô sanh. Niệm dấy lên là có sanh, trụ mãi chỗ không niệm gọi là vô niệm. Trụ ở chỗ không có pháp, tức không có một pháp thật, cho nên nói trụ chỗ không pháp.

CHÁNH VĂN:

Bồ-tát Tâm Vương thưa: Bạch Tôn giả! Bát-nhã vô sanh, ở tất cả chỗ không trụ, ở tất cả chỗ không lợi. Tâm không chỗ trụ, không chỗ trụ tâm, không trụ vô tâm, tâm không sanh trụ, tâm tức vô sanh. Bạch Tôn giả! Tâm hạnh vô sanh không thể nghĩ lường.

GIẢNG:

Đây là Bồ-tát Tâm Vương giải thích thêm.

Bát-nhã vô sanh, ở tất cả chỗ không trụ, ở tất cả chỗ không lợi.

Vì Tự tánh Bát-nhã là vô sanh, ở tất cả chỗ không trụ nên ở mọi nơi mà không dính mắc gì hết. Không làm gì để thụ hưởng riêng cho mình, đó là ở tất cả chỗ mà không lợi.

Tâm không chỗ trụ, không chỗ trụ tâm, hai câu này là một hay là hai? Tâm không có chỗ trụ là đối với cảnh tâm không dính cảnh nào hết. Kế nữa, không có chỗ trụ tâm là đối bên trong ta không có chỗ kềm giữ, tâm thanh tịnh tự nhiên, không do kềm. Chúng ta ngồi thiền còn đè phải không? Đè là đè vọng chớ đâu phải đè Tâm thanh tịnh. Vì sợ vọng mạnh, nó lôi kéo nên ta kềm chế cho nó yên. Chừng vọng lặng rồi còn gì nữa mà đè, không còn gì đè đó là không có chỗ trụ tâm. Cho nên nói tâm không chỗ trụ, không chỗ trụ tâm.

Không trụ vô tâm, không chỗ trụ tâm mà cũng không trụ chỗ vô tâm nữa. Bởi vì còn có chỗ vô tâm để trụ tức là còn hai: vô tâm và cái trụ vô tâm. Cho nên tới chỗ đó không chỗ trụ tâm mà cũng không trụ vô tâm, tức không giữ cái vô tâm.

Tâm không sanh trụ, tâm tức vô sanh.

Không kềm chế không giữ tâm ở chỗ nào, đó là vô sanh.

Bạch Tôn giả! Tâm hạnh vô sanh không thể nghĩ lường.

Chỗ tâm hạnh vô sanh này không thể nghĩ lường. Nghe nói không thể nghĩ lường chúng ta nghĩ rằng chỗ đó mênh mông bát ngát nên không thể nghĩ lường. Nhưng không ngờ chỗ đó không cho phép mình nghĩ lường, vừa nghĩ bát ngát mênh mông là đã nghĩ lường rồi. Chỗ tâm hạnh vô sanh không thể nghĩ lường, vừa dấy niệm liền mất vô sanh.

CHÁNH VĂN:

Bồ-tát Tâm Vương lại bạch: Như hạnh vô sanh, tánh tướng lặng lẽ, không thấy không nghe, không được không mất, không lời không nói, không tri không tướng, không lấy không bỏ, làm sao có chấp ngôn thuyết? Nếu người có chứng, tức là tranh luận. Không tranh luận đó là hạnh vô sanh, ngàn suy muôn nghĩ cũng chẳng ích lợi, đạo lý ắt không sanh diệt. Như thật thì chẳng khởi các thức, một dòng lặng lẽ chẳng sanh, được pháp nhãn tịnh, đó gọi là Đại thừa.

GIẢNG:

Như hạnh vô sanh, tánh tướng lặng lẽ, không thấy không nghe, không được không mất, không lời không nói, không tri không tướng, không lấy không bỏ, làm sao có chấp ngôn thuyết?

Đến chỗ như hạnh vô sanh thì tánh tướng đều lặng lẽ, không có thấy nghe, được mất, đối đãi sanh diệt nữa. Bởi không đối đãi sanh diệt nên không lời không nói, không tri không tướng. Như vậy làm sao chấp có ngôn thuyết.

Nếu người có chứng, tức là tranh luận.

Sao vậy? Bởi vì có chứng có đắc là có được, có được là có cao thấp. Tôi được quả này cao, anh được quả đó thấp nên thành tranh luận. Cho nên không còn thấy chứng thấy đắc mới thật là chỗ vô sanh.

Không tranh luận đó là hạnh vô sanh, ngàn suy muôn nghĩ cũng chẳng ích lợi.

Chúng ta không còn tranh luận tức là hạnh vô sanh. Nếu bày ra trăm ngàn thứ suy nghĩ thế này thế nọ, càng không có lợi ích gì.

Đạo lý ắt không sanh diệt.

Chỗ đạo lý chân thật là không sanh diệt. Còn ngàn suy muôn nghĩ là cái sanh diệt.

Như thật thì chẳng khởi các thức, một dòng lặng lẽ chẳng sanh, được pháp nhãn tịnh, đó gọi là Đại thừa.

Chỗ chân thật đó không khởi các thức phân biệt, chỉ một tâm lặng lẽ chẳng sanh, được pháp nhãn thanh tịnh, gọi đó là Đại thừa. Đại thừa tức là Thiền.

Câu hỏi này trọng tâm là hỏi Thiền sư tu pháp gì, hành pháp gì? Tu Bát-nhã, hành Bát-nhã. Đúng như trong sử kể, Thiền sư Duy Tín ba mươi năm trước thấy núi sông là núi sông, sau gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy thấy núi sông không phải là núi sông. Đó là tu Bát-nhã, hành Bát-nhã. Do tu Bát-nhã, hành Bát-nhã nên sau ba mươi năm thấy núi sông là núi sông. Chừng đó mới không còn phân biệt, không còn quán chiếu gì nữa, vì đã tới chỗ chân thật. Rõ ràng Bát-nhã là gốc cho chúng ta đạt được chỗ cứu kính chân thật.