NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch

Kệ Cảnh Chúng

Giảng Tại Chùa Kim Luân ngày 26/6/88

Chúng ta mỗi ngày vào buổi tối đều đọc bài kệ cảnh chúng (răn bảo chúng). Bài kệ này do Bồ Tát Phổ Hiền nói. Tại Trung Quốc tỉnh Tứ Xuyên, Núi Nga Mi là đạo tràng của Bồ Tát Phổ Hiền. Núi Phổ Ðà là đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm, núi Ngũ Ðài là đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù, núi Cửu Hoa là đạo tràng của Bồ Tát Ðịa Tạng. Ðây là các sở trường của mỗi Bồ Tát. Nguyện lực và hạnh lực của Phổ Hiền Bồ Tát đều rất viên mãn. Nguyện lực của Ngài có mười nguyện vương. Ðây là những nguyện lực không cùng tận trong Phật giáo.

Nguyện thứ nhất: “Lễ kính chư Phật”. Lễ là đảnh lễ, kính là cung kính, tức là đảnh lễ cung kính tất cả chư Phật. Ðảnh lễ này của Ngài là đại biểu cho hết thảy pháp giới chúng sinh, để lễ kính chư Phật. Ngài biết hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật, cho nên Ngài trước hết thay thế chúng ta hết thảy chúng sinh để đảnh lễ tất cả chư Phật. Vì bạn thành Phật cho nên trước phải bắt đầu từ lễ Phật, cung kính Phật. Nếu bạn thấy Phật cũng không lạy, cũng không cung kính thì vĩnh viễn không thể thành Phật. Phật làm thế nào mà được thành Phật? Tức là:

“Ba Tăng Kỳ tu phước huệ,
Trăm kiếp trồng tướng tốt”.

Ngài thời thời khắc khắc, tâm tâm niệm niệm lễ kính chư Phật, cho nên Ngài đã thành Phật, hết thảy chúng sinh đều hướng Phật đảnh lễ cung kính, đây cũng là trồng nhân gì được quả đó. Tại sao có nhiều chúng sinh hướng Phật đảnh lễ? Vì lúc Ngài chưa thành Phật, Ngài hướng tận hư không biến pháp giới, mười phương ba đời cung kính đảnh lễ vô cùng vô tận các đức Phật. Cho nên Ngài thành Phật rồi, chúng sinh cũng hướng Ngài đảnh lễ như thế, đây là gieo nhân gặt quả, “Nhân gì quả đó”.

Chúng ta là người học Phật phải học thuộc Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện, y chiếu đạo lý chân chánh hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền mà thực hành, đó mới là chân chánh đệ tử của Phật, mới thật xưng là người học Phật. Cho nên chúng ta phải học những hạnh nguyện của Ngài Bồ Tát Phổ Hiền đã phát: Lễ kính chư Phật.

“Ngày đã qua rồi,
Mạng cũng giảm dần,
Như cá thiếu nước,
Nào có vui gì?
Ðại chúng!
Chuyên cần tinh tấn,
Như cứu đầu cháy,
Phải nhớ vô thường,
Ðừng có phóng dật”.

“Ngày đã qua rồi, mạng cũng giảm dần”. Nghĩa là mỗi ngày trôi qua, thì sức lực mạng sống của chúng ta giảm đi một ngày, và thời gian mạng sống cũng giảm đi một ngày.

“Như cá thiếu nước”. Cá nhờ nước để sống. Có nước thì cá mới sống. Nếu nước khô cạn thì cá sẽ chết. Các bạn nghĩ xem, cá trong nước, nước từ từ khô cạn dần, thì cá còn sống được chăng? Người cũng như thế. Mạng sống của chúng ta giảm dần, cũng giống như cá trong nước, nước dần dần khô cạn.

“Nào có vui gì?” Nghĩ đến chỗ này, cuộc đời của chúng ta cứu kính có gì vui? Sao chúng ta không chân chánh phát bồ đề tâm, không chân chánh nhớ nghĩ sự thống khổ sinh tử? Là vì chúng ta còn cảm thấy lưu luyến thế giới này, tất cả sự hưởng thụ, tất cả hoàn cảnh đều cảm thấy quá tốt. Nếu bạn cảm thấy người như cá trong nước, nước càng ngày càng cạn dần thì cứu kính có gì vui, có gì lưu luyến? Có gì tham trước? Có gì mà buông không đặng? Có gì để bạn chấp trước? Vì vậy cho nên nói:”Ðại chúng! Chuyên cần tinh tấn”. Hết thảy chúng sinh phải sớm dụng công tu hành đừng để thời gian trôi qua lãng phí, đừng chờ đợi nữa, phải thời thời khắc khắc đem chữ “Chết” treo giữa lông mày, đừng tham trước những gì trên thế gian này.

“Như cứu đầu cháy” phải xem việc tu hành như có người muốn cắt đầu ta đi, chúng ta phải nghĩ phương pháp để bảo hộ cái đầu này, đó mới là quan trọng, nếu không bảo hộ thì có người muốn đến cắt đầu này đi, đây cũng có thể giải thích là bị lửa thiêu. Nhất định phải nghĩ phương pháp tiêu diệt ngọn lửa, phải thời thời khắc khắc đem chữ “Chết” treo giữa lông mi, nhắm mắt cũng nhìn thấy chữ “Chết” này và mở mắt cũng nhìn thấy chữ “Chết” này. Ngủ cũng nhìn thấy chữ chết, cho đến nằm mộng cũng nhìn thấy chữ chết đương đầu. Bạn phải luôn luôn đừng quên sinh tử, thì bạn đâu còn thì giờ đi du lịch? Ði tìm sự vui sướng? Ði làm những việc không chánh đáng? Bạn phải thật tình nhớ chữ “Chết” thì bạn mới tu hành.

“Hãy nhớ vô thường”. Bạn phải luôn luôn đừng quên con quỷ vô thường không biết lúc nào đến tìm bạn. “Ðừng có phóng dật”. Bạn đừng khởi những vọng tưởng dâm dục, khởi vọng tưởng ăn uống, vọng tưởng tham, vọng tưởng tranh, vọng tưởng sát sinh, vọng tưởng ăn cắp, vọng tưởng uống rượu. Tại sao bạn vọng tưởng quá nhiều? Vì bạn quên mất đi chữ “Chết”, bạn không cảm thấy tương lai sẽ chết, cho nên trong lúc còn sống, hồ đồ trong sự sống hồ đồ, đợi đến lúc già lại hồ đồ trong sự chết hồ đồ. Lúc chết thì ái tình của bạn chạy đi đâu? Bạn tìm ái cũng không được, tình của bạn cũng nhìn không thấy, sự tham ăn của bạn cũng ăn không vào được, sự tham chơi cũng chẳng có tốt gì. Cho nên đừng giải đãi, đừng phóng dật, phải nhận chân, cước đạp thật địa mà tu hành. Ðây là nguyên nhân Bồ Tát Phổ Hiền phát Mười Ðại Nguyện Vương. Vì Ngài biết sinh tử của hết thảy chúng sinh chưa dứt. Tuy nhiên Ngài đã giác ngộ không nhẫn nhìn chúng ta và hết thảy chúng sinh đang trầm mê không ngộ, sống trong cơn say, chết trong giấc mộng. Cho nên Ngài gián tiếp muốn chúng ta giác ngộ, muốn chúng ta sớm phát tâm tu đạo. Cho nên đừng lười biếng, đừng để phí thời gian trôi qua.