Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Huyện Lệnh Lạc Dương

CHÁNH VĂN:

(43) Huyện lệnh Lạc Dương là Từ Ngạc hỏi: Tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật, đều từ kinh này ra, chẳng rõ Phật có trước hay là pháp có trước, nhờ giáo lý nào mà thành đạo. Nếu là pháp có trước, pháp do người nào nói?

Đáp: Nếu luận về pháp văn tự, thì Phật có trước pháp có sau. Nếu luận về pháp tịch diệt, thì pháp có trước Phật có sau. Lại muốn rõ nghĩa kinh, kinh nói: Thầy của chư Phật gọi là pháp, do pháp thường nên Phật cũng thường. Phật nhờ giáo lý nào mà thành đạo? Kinh đã nói: Chúng sanh có Vô sư trí, có Tự nhiên trí. Chúng sanh nương nơi Tự nhiên trí mặc tình tu tập, nghĩa là do pháp tịch diệt, mà được thành Phật. Phật liền đem pháp này, truyền dạy giáo hóa chúng sanh. Chúng sanh nương theo lời Phật dạy tu tập, được thành chánh giác.

GIẢNG:

Nếu luận về văn tự, kinh điển thì Phật có trước pháp có sau, vì kinh từ Phật nói. Nếu luận về pháp tịch diệt thì pháp có trước Phật có sau. Pháp tịch diệt là pháp chân thật bất sanh bất diệt, pháp đó có trước Phật có sau.

Muốn rõ Ngài dẫn kinh nói:

Thầy của chư Phật gọi là pháp, do pháp thường nên Phật cũng thường. Phật nhờ giáo lý nào mà thành đạo? Kinh đã nói: Chúng sanh có Vô sư trí, có Tự nhiên trí. Chúng sanh nương nơi Tự nhiên trí mặc tình tu tập, nghĩa là do pháp tịch diệt mà được thành Phật.

Vậy pháp tịch diệt là pháp gì? Là Vô sư trí, là Tự nhiên trí. Phật tu khi tâm thanh tịnh thì Vô sư trí, Tự nhiên trí hiện ra. Tự nhiên trí tịch diệt rỗng lặng nên gọi là pháp tịch diệt. Nhờ Tự nhiên trí hay Vô sư trí hiện ra, thấy tất cả lẽ thật của thế gian, đem dạy bảo cho chúng sanh tu, đó là pháp của Phật nói.

Như vậy trước có Tự nhiên trí, Vô sư trí. Sau khi ngộ được trí ấy rồi, đem chỗ thấy biết đó chỉ dạy cho người nên pháp có sau. Phật có trước pháp có sau là lời dạy sau khi Phật ngộ được Vô sư trí, Tự nhiên trí.

Chúng ta ai cũng nhìn nhận mình có Tự nhiên trí, Vô sư trí tức là có Phật. Nhưng tối ngày cứ lên chùa lạy Phật hoài, còn ông Phật của mình thì bỏ quên, có buồn không? Phật của mình mà mình không đoái hoài thì có thương mình đâu! Chúng ta tu cốt thành Phật mà ông Phật sẵn trong nhà không ngó ngàng tới, cứ đem chuông đem mõ đến nhà khác cầu Phật ở đâu đâu. Vậy là trung thành hay phản bội với Phật của mình? Rõ ràng là phản bội rồi. Đó là một lầm lẫn lớn lao mà đa số người tu bây giờ mắc phải.

Làm sao biết chắc mình có Tự nhiên trí, Vô sư trí? Lấy gì làm bằng chứng? Có bằng chứng cụ thể. Đức Thích-ca Mâu-ni đi học đạo bao nhiêu năm, không đạt bản nguyện của mình, Ngài mới thiền định dưới cội bồ-đề, lúc đó có ai tới dạy Ngài không? – Không có. Nhờ thiền định sâu bỗng nhiên sáng ra. Trí tự nhiên, Trí vô sư hiện tiền nên thấy biết tất cả. Rõ ràng không ai dạy mà nhờ tu, tâm lắng lặng nên Phật đạt được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật là người, chúng ta cũng là người. Phật tuyên bố Ngài có Tự nhiên trí, Vô sư trí thì chúng ta cũng có Tự nhiên trí, Vô sư trí. Vì vậy Phật nói “ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”, không nghi ngờ gì hết. Đó là một lẽ thật. Bởi chúng ta tự ti mặc cảm một cách đáng thương, thấy mình thấp hèn nên bỏ quên khả năng thành Phật của mình.

Đức Phật nói những lời ấy không phải để tự nâng mình, mà Ngài muốn chúng ta đừng mặc cảm, mình không thể thành Phật. Có chỗ khác nói “tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”. Đã thành Phật sao bây giờ còn ngồi đây? Đã là nhìn thẳng tới chỗ tột cùng Trí vô sư của mình, Phật thấy chúng ta đã có, đã có là đã thành chớ gì. Nhưng tại vì chưa đem ra, còn để trong tủ nên chưa dùng được.

Cũng như anh em trong nhà được cha mẹ cho của quí, ai cũng giấu kín quá nên quên không biết chỗ nào. Người nhớ đem của quí ra bán dùng thành giàu. Người quên không biết cất ở đâu, phải lang thang đói khổ. Khi gặp lại, anh em nhắc đến của quí cha mẹ đã cho, người ấy sực nhớ chỗ chôn giấu, ngay đó đã thành giàu rồi. Cái nghèo trước là nghèo tạm thôi, nếu biết lấy của quí ra dùng thì giàu như nhau. Cho nên lời nói đó không phải Phật muốn nâng chúng ta lên, mà Ngài nói thật.

Tôi thấm nhất là Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp ai cũng xá nói: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật.” Lời nói thật nhưng chẳng những người nghe không hoan hỉ mà còn muốn đánh đập Ngài, vì họ cho rằng đó là lời nói đùa hay dối gạt. Để thấy chúng ta nông nổi, cạn cợt, không dám tự nhận mình có Tâm chân thật, cứ chạy theo những bóng dáng bên ngoài nên không nhận ra ông Phật nơi chính mình.