Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Môn Nhân Thái Hạo

CHÁNH VĂN:

(42) Môn nhân Thái Hạo thấy Võ Kiểu hỏi Thiền sư Trung nghĩa trung đạo.

Thiền sư Trung đáp: Có không đều dẹp, trung đạo cũng mất.

Lại hỏi: Đã trải qua năm sáu mươi năm là gì?

Thiền sư Trung đáp: Là không.

GIẢNG:

Tất cả chúng ta ai cũng đang sống hoặc hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm, năm sáu bảy mươi năm, như vậy khoảng thời gian mình sống đó có hay không? Có không đều dẹp, vậy là không có gì hết. Ngài đáp không. Như vậy trung đạo chưa?

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi: Không lại có cái gì?

Đáp: Tưởng phi tưởng trọn có thức câu sanh(1).

Thiền sư Trung đáp lời như thế. Võ Kiểu đem câu hỏi này hỏi Hòa thượng.

Hòa thượng bảo: Võ bát lang! Từ tháng ba đến tháng mười chỉ hỏi một nghĩa này. Nay Thần Hội nói nghĩa này cùng Thiền sư Trung có khác.

Võ Kiểu hỏi: Sai khác thế nào?

Đáp: Có không biến đổi, trung đạo cũng mất, tức là vô niệm, vô niệm tức là nhất niệm, nhất niệm tức là Nhất thiết trí. Nhất thiết trí tức là Bát-nhã ba-la-mật sâu xa. Bát-nhã ba-la-mật tức là Như Lai thiền. Thế nên kinh nói: Phật dạy: “Thiện nam tử, ông lấy gì đồng quán Như Lai?” Duy-ma-cật thưa: “Như con quán Thật tướng của thân, quán Phật cũng như thế. Con quán Như Lai đời trước không đến, đời sau không đi, hiện tại tức không trụ.” Do không trụ tức Như Lai thiền. Như Lai thiền tức là nghĩa không đệ nhất. Nghĩa không đệ nhất là như vậy. Bồ-tát lớn phải suy nghĩ quán sát như thế, bậc thượng thượng thăng tiến, tự giác thánh trí.

GIẢNG:

Có không biến đổi, trung đạo cũng mất.

Có và không biến đổi, tới trung đạo đều hết, lúc đó là vô niệm. Người đời hoặc chấp có hoặc chấp không, hoặc chấp ở giữa là trung đạo. Tất cả các chấp đó lặng hết thì vô niệm. Vô niệm là gì? Tức là nhất niệm. Nhất niệm là gì? Là Nhất thiết trí. Dễ quá! Có vị nào thiếu Nhất thiết trí không? Tại sao có của quí mà chôn lấp không đem ra dùng? Ai cũng thừa nhận mình có Nhất thiết trí, mà ai cũng nói mình ngu. Sao vậy? Vì có của quí mà chôn sâu, cho nên nghe nói thì biết mà lấy lên chưa được.

Nhất thiết trí tức là Bát-nhã ba-la-mật sâu xa. Bát-nhã ba-la-mật tức là Như Lai thiền.

Như vậy không chấp có, không chấp không, không chấp trung đạo, tất cả các thứ chấp buông hết, lúc đó được vô niệm. Nói quanh co theo danh từ cho vui vậy thôi, chớ vô niệm tức là Như Lai thiền. Chủ yếu là đừng mắc kẹt có, không và trung đạo thì tâm được vô niệm, tức là Như Lai thiền.

Thế nên kinh nói: Phật dạy: “Thiện nam tử, ông lấy gì đồng quán Như Lai?” Duy-ma-cật thưa: “Như con quán Thật tướng của thân, quán Phật cũng như thế. Con quán Như Lai đời trước không đến, đời sau không đi, hiện tại tức không trụ.”

Đoạn này dẫn trong kinh Duy-ma-cật. Phật hỏi: Thiện nam tử, ông lấy gì đồng quán Như Lai? Ngài Duy-ma-cật thưa: Con quán Thật tướng của thân, quán Phật cũng thế. Thật tướng của con, Thật tướng của Phật cũng như nhau.

Như vậy Thật tướng của chúng ta và của Phật không khác.

Con quán Như Lai đời trước không đến, đời sau không đi, hiện tại không trụ, đó là Như Lai.

Như Lai là không mắc kẹt quá khứ, hiện tại, vị lai, tức không mắc kẹt ba thời. Như vậy có hay không? Thường thường người ta nói nếu không phải quá khứ là hiện tại, không phải hiện tại là vị lai. Nếu bảo đừng nhớ quá khứ, đừng tưởng vị lai, như vậy phải sống ngay trong hiện tại. Thế thì hiện tại có không?

Như chiếc xe ô tô đang chạy trên đường, người ngồi trên xe đố anh bạn bên cạnh. Đố anh ở sau là quá khứ, ngang đây là hiện tại, phía trước là vị lai, anh hãy chỉ thẳng chỗ nào là hiện tại? Chỉ được không? Vừa chỉ cây số bảy nó liền qua mất tiêu. Thành ra xe đang chạy thì không có cái hiện tại, vì nó luôn di chuyển. Không hiện tại thì quá khứ, vị lai có không? Cũng không có thật. Như vậy quá khứ, hiện tại, vị lai là một dòng thời gian sanh diệt, chớ không có thật, chỉ trên ngôn từ mà thôi.

Nói xa hơn, như quả địa cầu của chúng ta đang quay, vậy chỗ nào là hiện tại? Nói gần như đồng hồ cứ tíc tắc tíc tắc, cây kim nhích luôn thì cái gì là hiện tại. Hành tinh đang quay không dừng, thời gian là vòng quay không dừng ấy. Như vậy thời gian chỉ là cái giả định để tạm hiểu, tạm sống với nhau, chớ không phải cố định. Đã là giả định thì làm sao có thật? Đó là lẽ thật chúng ta cần phải thấu suốt.

Trong nhà Phật nói những gì còn thuộc thời gian là còn thuộc sanh diệt. Vậy mà chúng ta ngồi thiền nhìn đồng hồ hoài. Cái gì ngó đồng hồ? Cái tâm sanh diệt đó, nó mỏi mê nên cứ nhìn đồng hồ trông cho hết giờ. Nếu không có đồng hồ ở trước mắt thì lắng nghe tiếng kiểng, tiếng chuông. Như vậy chúng ta có lệ thuộc thời gian không? Chúng ta biết rõ thời gian không thật, mà đang hoàn toàn lệ thuộc vào thời gian. Lệ thuộc thời gian là lệ thuộc năm tháng, lệ thuộc tuổi tác, rồi lệ thuộc sanh tử luôn. Cứ vậy mà đi trong vòng sanh diệt không cùng. Do vậy muốn thoát khỏi vòng sanh tử phải đừng dính kẹt với thời gian. Không còn dính kẹt với thời gian thì mọi biến chuyển không còn làm khổ vui chúng ta được nữa.

Người không lệ thuộc thời gian thì đâu có buồn khi mình già, còn lệ thuộc thời gian thì có sanh có diệt, nên có già có bệnh có chết. Nếu không lệ thuộc thời gian thì cái nào tới mình cũng cười. Ngay lúc già cũng không thấy mình già, sắp chết cũng không sợ chết, vì không thấy cái chết là quan trọng nữa, như vậy có khổ không? Còn mình lệ thuộc thời gian, nhớ năm nào mình còn trẻ, bây giờ già yếu lụm cụm, buồn quá. Rồi mai mốt tới đau nằm trên giường bệnh thở thoi thóp, khổ không? Dòng chuyển biến đó làm cho mình đau khổ luôn. Còn nếu không thuộc ba thời, không thuộc bốn tướng sanh, già, bệnh, chết thì ta tự tại giữa cõi đời này. Nghe nói lát nữa tắt thở chết, ta cười “ừ, được”. Nhẹ nhàng thảnh thơi.

Chúng ta mang thân này là sung sướng hay là đau khổ? Tới bữa mà chưa có cơm, trong bụng rầy rà rồi, phải chạy kiếm dồn vô cho đầy. Đến lúc trả ra mà thiếu phương tiện cũng chạy ngược chạy xuôi. Không có đem vô cũng khổ, đem vô trả ra không được cũng khổ, như vậy sướng không? Đó là nói xuôi thuận, nếu lâu lâu trục trặc, đem vô không chịu vô, trả ra không chịu ra, lúc đó không biết nói sao. Đương nằm thở nhẹ nhàng bất thần có cái gì ngăn trở, thấy nghẹt nghẹt khó chịu rồi. Như vậy đủ thứ bất trắc, chớ sướng ích gì. Vậy mà bỏ đi thì tiếc lắm!

Nếu sắp bỏ thân này chúng ta tiếc là tiếc cái gì? Mới hôm qua ngồi thiền ra, tôi nói nếu ta sống một ngày được lợi ích nhiều cho bản thân, cho mọi người thì thêm một ngày là quí một ngày, mất một ngày thì tiếc một ngày. Còn nếu sống chỉ lo ăn ngủ hết ngày này qua ngày khác, như vậy kéo dài một trăm ngày, một triệu ngày cũng vô ích thôi.

Cho nên sống một ngày, đối với bản thân càng nhẹ nhàng thanh thoát, đối với mọi người càng nhắc nhở chỉ dạy được nhiều, sống như vậy thêm một ngày là quí một ngày. Người có tu mới thấy giá trị sự sống, không tu thấy sự sống như quí nhưng không có giá trị gì hết. Sống mà không biết mình làm gì thì sống càng nhiều càng vô ích, chỉ thêm nhọc nhằn thôi.

Như Lai thiền tức là nghĩa không đệ nhất. Nghĩa không đệ nhất là như vậy. Bồ-tát lớn phải suy nghĩ quán sát như thế, bậc thượng thượng thăng tiến, tự giác thánh trí.

Như Lai thiền tức là nghĩa không đệ nhất. Tại sao nghĩa không mà còn có đệ nhất, đệ nhị? Vì không đối với có là không tương đối. Còn cái không vượt cả có và không đối đãi, gọi là không đệ nhất. Cho nên đối với Như Lai thiền, chúng ta sống được thì không còn một tí nghiệp nào dẫn đi trong luân hồi sanh tử, huống là phiền não. Vì vậy gọi là không đệ nhất.

Nghĩa không đệ nhất là như vậy.

Không đệ nhất là Như Lai thiền. Như Lai thiền tức là vô niệm. Lục Tổ chủ trương vô niệm vi tông, tức vô niệm là chủ yếu. Người tu Như Lai thiền lấy vô niệm làm chủ. Từ vô niệm bước qua vô tướng, lấy vô tướng làm thể. Bởi vô niệm không còn tướng mạo sanh diệt, trùm khắp nên gọi là vô tướng, thể của nó không tướng. Sống với chỗ vô niệm thì đối với sáu trần bên ngoài không vướng mắc nên gọi là vô trụ. Như vậy trọng tâm là vô niệm, hai phần kia phụ theo sau.

Vô niệm từ đâu mà có? Vô niệm có sẵn nơi mình nhưng vì hữu niệm dấy lên ta quên mất vô niệm. Bây giờ phải làm sao đây? Nắm vững chỗ này thì trên đường tu không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy có vô niệm sẵn nhưng chúng ta chưa bao giờ sử dụng được, sống được với nó. Bây giờ muốn sống được, sử dụng được vô niệm thì phải dẹp sạch những vọng niệm che phủ nó. Như mặt gương nguyên là sáng, nhưng vì cả trăm lớp bụi phủ nên thành tối. Bây giờ muốn hết tối, phải chịu khó lau gương. Nói lau gương là nói theo ngài Thần Tú. Còn theo Lục Tổ thì gương sẵn sáng, lau là lau bụi chớ không phải lau gương.

Đó là điều hết sức thâm trầm, cái sẵn của mình tự thuở nào, không sanh không diệt, bây giờ bị những giả tướng sanh diệt phủ che, khuất lấp nên không thấy được. Nếu ta dẹp hết các thứ phủ che thì tự nhiên nó hiện tiền đầy đủ, không phải ai cho hay ta làm ra mới được. Nếu ai cho là của bên ngoài, nếu làm ra mới được là tạo tác sanh diệt. Cho nên chỗ này Lục Tổ không giống với ngài Thần Tú.

Ngài Thần Tú nói phải lau gương thì gương mới sáng, như vậy vô tình ta sẽ hiểu lầm gương sáng là nhờ lau bụi, đó là tạo tác rồi. Mà tạo tác thì không phải chân thật. Gương vốn sáng sẵn, dù có bụi phủ lên nó vẫn sáng. Cho nên Lục Tổ nói Bản lai vô nhất vật, tức xưa nay không là vật gì hết. Những thứ phủ che chỉ là đồ chơi bên ngoài, dẹp phủ che là dẹp bụi. Có bụi không bụi gương vẫn sáng. Đó là cái sáng bản nhiên chớ không phải cái sáng mới tạo. Nói đợi lau bụi mới sáng đó là cái sáng mới tạo. Chỗ này rất là thâm thúy, nếu chúng ta học không thấu thì đọc sách của chư Tổ sẽ không hiểu.

Như vậy chúng ta do công phu tu, nỗ lực dẹp phiền não mới được giác ngộ phải không? Tu là cuối cùng đến chỗ vô sở đắc. Kinh Bát-nhã nói “dĩ vô sở đắc cố”, nghĩa là không có sở đắc. Tu không sở đắc mới là Bồ-tát, mới thành Phật. Tại sao vô sở đắc? – Vì chúng ta tu là dẹp bỏ loạn tưởng, loạn tưởng hết thì cái chân thật sẵn có hiện ra, chớ được gì đâu. Cái chân thật đó không phải trước không, sau nhờ tu mới có. Nếu trước không, sau nhờ tu mới được thì có sở đắc. Lâu nay chúng ta thường kẹt chỗ được này lắm. Tu không được gì thì tu làm chi. Nói tới tu thì phải được thành Thánh, thành Phật mới chịu. Nhưng chỗ cứu kính của đạo Phật không phải vậy.

Sự tu thấy dường như khó nhưng thật sự rất dễ. Tại sao khó? Tại vì ta nghĩ rằng mình tham lam, nóng giận, si mê từ thuở nào đến giờ nên rất khó bỏ. Nhưng thật sự không khó gì hết. Vì tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… những thứ phiền não đó đều mới đem vô, mới dính mắc đây thôi, còn cái sẵn có từ thuở nào đến giờ của mình là Tánh giác. Nếu Tánh giác phải tạo thì khó, đằng này nó có sẵn, còn cái phủ che là bên ngoài lấp vào, không phải bản chất nên tháo gỡ dễ.

Ví như cha mẹ cho ta một hột kim cương năm mười ly gì đó, chỉ chỗ chôn đàng hoàng. Ta biết chắc như vậy rồi, chịu khó đào bới dù chỗ đó đất cứng, đá sỏi nhưng vẫn không ngán. Tại sao không ngán? Bởi tin chắc có của quí nên đào không ngán. Chỉ khi nào không biết chắc, không đủ lòng tin thì đào ngán lắm, hai ba cuốc là muốn bỏ rồi.

Cũng thế ta biết chắc mình có sẵn tánh Phật rồi dù tu cực khổ mấy cũng không ngán. Bây giờ chỉ cần tách gạt những phiền não ra thì ông Phật hiện rõ ràng, chuyện tu như vậy có khó không? Vì vậy chủ yếu của người tu là phải nhận được cái chân thật của chính mình, nhận được thì sự tu bất thối chuyển. Không nhận được thì việc tu rất dễ thối chuyển. Chư vị Bồ-tát bất thối chuyển là vì các ngài nhận được tánh Phật của mình, nên tu hoài muôn kiếp muôn đời không ngán chút nào hết, vì nhất định sẽ được. Còn chúng ta không chắc, vì chưa nhận được tánh Phật của mình nên tu sơ sơ gieo duyên vậy thôi.

Người tu không thâm nhập được chỗ này, dễ bị ngoại cảnh lôi kéo. Ngược lại nếu thâm nhập, thấy rõ chỗ này rồi thì tất cả mọi thứ trên thế gian không làm ô nhiễm mình được. Khó hay dễ là ở chỗ có nhận ra hay không nhận ra Tánh thật của mình thôi. Cho nên quan trọng ở đây là phải nhận chân được giá trị thật.

Chúng ta có khả năng làm được điều đó mà không làm, thả trôi trong luân hồi trăm ngàn muôn kiếp. Đó là tại mình chớ có trách ai. Chúng ta phải có cái nhìn cho đúng đắn, đủ con mắt chánh pháp thì việc tu mới đúng như sở nguyện. Nếu đủ lòng tin để vươn lên thì nhất định việc tu không khó.

Thử hỏi cái gì che phủ làm cho mình mất vô niệm? Ta đổ thừa phiền não. Cái gì sanh ra phiền não? Do si mê sanh phiền não. Vì vậy mỗi đêm phải tụng Bát-nhã, để thấy rõ thân năm uẩn không thật, tất cả pháp không thật như mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên, Tứ đế v.v… tất cả đều không thật. Thấy tường tận các pháp không thật thì còn phiền não không? Đừng nói tất cả pháp, chỉ thân sắc thọ tưởng hành thức uẩn này thấy nó không thật, thì phiền não cũng sạch nhiều lắm rồi.

Nếu thấy thân không thật, thì khen chê đối với mình không có giá trị. Nếu thấy thân thật thì phiền não sẽ theo các sự khen chê mà sanh. Rõ ràng vì chúng ta không tận dụng Trí tuệ Bát-nhã soi thấu lẽ thật nơi con người mình nên sanh phiền não. Phiền não sanh thì che phủ vô niệm. Như vậy bước đầu phải phá chấp si mê sai lầm, rồi phiền não sẽ sạch sau. Không phá được si mê tu tới già, phiền não vẫn là phiền não. Nhiều khi tu càng lâu phiền não càng đậm nữa. Tại sao? Vì thấy mình lớn, mấy chục tuổi Hạ mà người mới tu gặp không xá không lạy, la mắng người ta. Như vậy tu càng lâu phiền não càng nhiều, chớ không hết phiền não.

Bồ-tát lớn phải suy nghĩ quán sát như thế, bậc thượng thượng thăng tiến, tự giác thánh trí.

Bậc thượng thượng thăng tiến tự giác thánh trí, tức là tự giác trí thánh của chính mình.

***

(1) Bản Hồ Thích, “tưởng phi tưởng” chép là “tướng phi tướng”.