Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Huyện Lệnh Trương Vạn Khoảnh

CHÁNH VĂN:

(41) Huyện lệnh Nội hương Trương Vạn Khoảnh hỏi: Chân như giống vật gì?

Đáp: Gần đây các vị Đại đức đạo tục đều nói, không biến đổi gọi là chân. Thần Hội thì chẳng thế. Nay nói chân là không thể biến đổi, nên gọi là chân. Gọi là như, từ trước các bậc Đại đức, đạo tục đều nói, hai vật giống nhau gọi là như. Nay Thần Hội thì chẳng vậy. Không có vật giống nhau gọi là như.

GIẢNG:

Theo các vị khác giải thích, Chân là không biến đổi, Như là hai thứ giống hệt nhau. Nhưng Ngài nói Chân là không thể biến đổi. “Không biến đổi” và “không thể biến đổi” khác nhau chỗ nào? Nói “không biến đổi” là không biến đổi ở trường hợp này, nhưng có thể sẽ biến đổi ở trường hợp khác. Còn “không thể biến đổi” là khẳng định cái chân thật này không bao giờ biến đổi trong bất kỳ trường hợp nào, đó mới gọi là chân.

Thế gian thường nói cái này giống cái kia là như. Ở đây Ngài khẳng định “không có vật giống nhau gọi là như”. Chữ “như” này không phải để so sánh đối đãi mọi sự vật, mà là Chân như nên không có vật gì có thể giống được. Tất cả sự vật trên thế gian đều có hình tướng nằm trong sanh diệt. Còn Chân như Phật tánh không có hình tướng, không dấy động nên không sanh diệt. Đã không có hình tướng, không dấy động thì có gì giống được. Không có gì giống được nên nói là Như.

Hiểu được nghĩa này chúng ta mới thấy tầm vóc cao cả của người tu. Nếu ai có tu, có những phút tâm thanh tịnh trong sáng, sẽ thấy không có gì để so sánh với tâm đó. Nói yên như nước mặt hồ cũng không phải vì còn có nước. Yên như cây cối lặng lẽ không có gió cũng không phải vì còn cây cối. Cái yên trong sáng thanh tịnh của nội tâm, không tướng, không hình dáng cho nên không có vật để đối chiếu, so sánh. Đó mới thật là cái bất sanh bất diệt của chính mình.

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi: Phật tánh có hay không?

Đáp: Nghĩa Phật tánh chẳng có bờ mé, vì sao hỏi có không?

GIẢNG:

Phật tánh không có bờ mé, không có giới hạn, hỏi có hay không làm sao nói được.

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi: Thế nào là nghĩa chẳng có bờ mé?

Đáp: Chẳng có chẳng không, là nghĩa chẳng bờ mé.

GIẢNG:

Hỏi thế nào là chẳng bờ mé? Câu này thật khó giải thích, nhưng Ngài đã giải thích thật khéo. Chẳng có chẳng không, đó là không bờ mé. Có và không là đối đãi nên nói chẳng có mà cũng chẳng không, cả hai đều phủ nhận hết. Phủ nhận chẳng có thì dễ hiểu, nhưng phủ nhận chẳng không hơi khó hiểu. Bởi chẳng không mới có Phật tánh, nếu không luôn thì đâu gọi là Phật tánh được. Ngài dùng ngôn ngữ rất là khéo.

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi: Thế nào là chẳng có. Thế nào là chẳng không?

Đáp: Chẳng có là không nói đến có(1), chẳng không là không nói đến không. Cả hai đều chẳng thể được. Đó là nghĩa chẳng bờ mé.

GIẢNG:

Chẳng có là không nói đến có, chẳng không là không nói đến không, nghĩa là hai bên có và không đều bặt, đó mới là chỗ chẳng có chẳng không.

Cả hai đều chẳng thể được. Đó là nghĩa chẳng bờ mé.

Bởi không phải có, không phải không thì làm sao giới hạn được. Vì vậy nói Phật tánh không có bờ mé.

Ở đây, nếu theo cái nhìn cái hiểu của người thế gian thì không bao giờ hiểu nổi. Bởi thế gian luôn đứng trên lập trường có hoặc không. Ngài nói chẳng phải có, chẳng phải không làm sao người ta hiểu được. Nhưng thực tế ai sống được phút giây này mới thấy đây là lời nói chân thật. Vì khi tâm thanh tịnh rỗng lặng, lúc đó nói có là có cái gì? Đã thanh tịnh rỗng lặng thì có cái gì, nhưng nói không thì ai hiện đang biết đây. Chỗ này phải hành sâu trong đạo lý mới thấy giá trị của nó.

Ai tu tới chỗ tâm trong lặng sáng suốt mới thấu hiểu được nghĩa chẳng có chẳng không này. Nếu còn lơ mơ, trong tâm lúc nào cũng nhảy cũng chạy theo các hình tướng thì không bao giờ biết chỗ chẳng có chẳng không này. Ngó ra thì có vật, ngó vào thì có tâm, lăng xăng lộn xộn không dừng. Khi nội tâm trong sáng lặng lẽ, không một bóng dáng nào làm sao gọi là có. Không một bóng dáng nào mà rõ ràng thường biết làm sao gọi là không. Đó là ý nghĩa rất sâu xa. Người học đạo nghe được những lời này mới thấy đạo vô cùng thâm thúy.

***

(1) Bản Hồ Thích câu này chép là: “Không nói đến chẳng có” và “không nói đến chẳng không”.