Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai
Bổn Nguyện Công Đức Kinh Giảng Ký

Đại sư Ấn Thuận giảng
Tại Chùa Thiện Đạo, Đài Bắc, Đài Loan
Mùa thu năm 1954

Thích Pháp Chánh dịch

 

E2. Tin được phước chê bị họa.

“Thế Tôn! Có những chúng sanh chẳng đủ lòng tin, nghe nói chỗ hành nghiệp rất sâu xa của chư Phật, liền suy nghĩ rằng: Vì sao chỉ niệm danh hiệu của một đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà được các công đức ích lợi to lớn dường ấy? Nghĩ vậy nên chẳng tin, quay lại hủy báng. Những người ấy mãi mãi về sau chẳng được nhiều sự lợi ích an lạc, phải đọa các nẻo ác, lưu chuyển không cùng.” Phật bảo A nan: “Những người này nếu nghe danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chí tâm thọ trì, chẳng sanh lòng nghi hoặc, thì không thể nào bị đọa vào những nẻo ác.” 

Chúng sinh đối với hành nghiệp sâu xa của chư Phật, nếu có thể tin tưởng không nghi thì được công đức gì, còn nếu hủy báng không tin thì có lỗi lầm gì? Trước hết ngài A Nan trình bày lỗi lầm của sự không tin.

Ngài A Nan nói: “Bạch Thế Tôn, nếu có những chúng sinh”, nhân vì tín căn (lòng tin vững chắc như cây mọc rễ) không đầy đủ, nghe nói đến hành nghiệp rất sâu xa của chư Phật bèn suy nghĩ rằng: “Vì lý do gì, chỉ niệm danh hiệu của một đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, mà có thể được các công đức vi diệu và lợi ích thù thắng như thế?” Do vì sự nghi hoặc không tin này, bèn khởi tâm hủy báng. Bởi vì cảnh giới sâu xa của chư Phật, đối với những người có trí tuệ thâm sâu, còn có thể từ trong sự suy luận mà tìm được sự tin hiểu, còn như người trí tuệ thấp kém, đối với Phật pháp không có lòng tin vững chắc, dĩ nhiên rất khó mà tin nhận. Không tin mà khởi tâm hủy báng sẽ phạm tội lỗi rất lớn, cho nên nói: “Người ấy sẽ phải bị trôi lăn trong đêm dài sinh tử, không được ánh sáng của đức Phật chiếu soi, tất cả phước đức trí tuệ đều không tăng trưởng, mất đi lợi lạc rất lớn, vĩnh viễn bị đọa vào ba nẻo ác, chìm sâu trong biển khổ, lưu chuyển không cùng, không có ngày thoát khỏi.” Phẩm Hủy Tán trong Kinh Bát Nhã nói: “Trong tất cả công dức, công đức tán thán kinh điển là lớn nhất; trong tất cả tội chướng, hủy báng kinh điển là tội nặng nhất.”

Kế đến, do đức Phật tán thán công đức của sự tin nhận. Đức Phật bảo ngài A Nan: “Những hữu tình đó, nếu nghe danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, khởi lòng tin trong sạch, chí tâm thọ trì ghi nhớ, cung kính cúng dường, tâm không sinh một niệm nghi hoặc, nếu được như vậy mà lại bị đọa vào nẻo ác thì quyết định không có lẽ này!” Bởi vì nghe được danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, mà có thể tin tưởng thọ trì ghi nhớ, chí tâm xưng niệm, thì sẽ được nguyện lực từ bi của đức Phật gia bị, được vãng sinh Tịnh độ, hoặc sẽ sinh lên cõi trời hoặc cõi người, làm gì có việc đọa xuống nẻo ác? Điều này quyết chắc là không có!

E3. Tin hiểu rất hiếm có.

A nan! Đó là chỗ hành nghiệp rất sâu xa của chư Phật, khó tin hiểu được. Nay ông có thể nhận lãnh được, nên biết rằng đó là nhờ oai lực của Như Lai. A nan! Hết thảy các bậc Thanh văn, Độc giác, cùng các vị Bồ Tát chưa lên Thập địa, đều chẳng thể tin hiểu đúng như thật. Chỉ trừ bậc Bồ Tát Nhất sanh bổ xứ mà thôi. A nan! Sanh ra làm người là khó, đối với Tam Bảo biết kính tin, tôn trọng cũng là khó. Được nghe danh hiệu đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai lại càng khó hơn!

 Sau khi nói đến lợi hại của sự tin tưởng hoặc hủy báng bèn dẫn đến kết luận là đối với pháp môn Dược Sư, nếu có thể sinh khởi lòng tin trong sạch, nếu có thể hiểu rõ đúng lý, thì đây là sự kiện hiếm có nhất, khó được nhất! Cho nên đức Thế Tôn lại bảo ngài A Nan: “Phần trên nói về vô biên công đức của đức Như Lai Dược Sư. Đây là cảnh giới thâm sâu của những sở hành của trí tuệ của chư Phật, những chúng sinh phàm phu khó có thể tin hiểu, nhưng nay ông có thể tin nhận được, nên biết, đây không phải là lực trí tuệ của riêng ông có thể đạt đến, mà hoàn toàn là do oai lực của đức Như Lai gia bị.” Bởi vì điều này, không phải chỉ riêng những phàm phu ngu mê ám muội khó lòng tin hiểu, mà ngay tất cả các Thanh văn và Độc giác đã giải thoát sinh tử, chứng đắc quả vị cao nhất của Tiểu thừa, cùng với các vị Bồ tát chưa đăng địa, như Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, cũng đều không thể tin hiểu như thực. Các Bồ tát đăng địa, đối với Phật pháp, có thể nói là đã “đăng đường nhập thất”, phần chứng pháp thân của Như Lai, mới có thể như thực tin hiểu một phần hành nghiệp sâu xa của chư Phật. Tin hiểu như thực, nghĩa là tin hiểu một cách chắc chắn, chân thực, thân thiết, và hiểu rõ một cách triệt để. Ví như một chén giấm, nếu chỉ nghe người khác nói “chua”, tuy có thể tin được, nhưng không đủ thực tế, cần phải tự mình nếm một hớp thì sau đó mới biết rõ sự thực “chua” như thế nào. Sự “tin” bình thường của chúng ta, chỉ là một loại tín ngưỡng. Tin tưởng Phật, Bồ tát, tổ sư, v.v…, cũng đều là thuộc về tín ngưỡng, tức là do tôn kính, ngưỡng mộ mà khởi lòng tin. Đối với công đức của Phật quả, người phàm dĩ nhiên không thể tin hiểu đúng như thực, mà ngay cả các bậc thánh Nhị thừa và các bậc Bồ tát chưa đăng địa (nghĩa là các bậc Bồ tát Tam hiền), vẫn chưa thể tin hiểu đúng như thực. “Chỉ trừ các bậc Bồ tát Nhất sinh Bổ xứ”, tức là các Bồ tát chỉ còn một đời là thành Phật (như ngài Di Lặc), thì mới có thể tin hiểu đúng như thực. Lòng tin của ngài A Nan và lòng tin của chúng ta đều thuộc về tín ngưỡng. Sự tin tưởng chân chánh đúng như thực thì cần phải tự thân thể chứng, và đây không phải là một sự kiện dễ dàng.

Đức Thế Tôn biết rõ rằng không thể dễ dàng đạt được sự tin hiểu đúng như thực, cho nên ngài lại tiếp tục giảng giải một cách rõ ràng hơn: Trong vòng sinh tử luân hồi, thân người vô cùng khó được, dù đã được thân người, đối với Tam bảo mà có thể sinh khởi lòng kính tin tôn trọng, đây lại càng khó hơn. Như hiện nay (năm 1954)  dân số thế giới là hơn hai tỷ người (Nd: thống kê dân số năm 1954 là 2 tỷ 700 triệu), có được bao nhiêu người kính tin Tam bảo? Điều này tuy là khó được trong sự khó được, nhưng nghe danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư mà khởi lòng tin hiểu chân thực lại càng khó được hơn nữa. Cho nên nói: “Được nghe danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai cũng khó như vậy!” Điều này có ba tầng: (1) Thân người khó được; (2) kính tin Tam bảo lại càng khó hơn; (3) nghe được danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai lại càng khó hơn nữa. Do hai điều kiện trước khó được, nêu rõ sự kiện cuối rất là khó được. Đức Thế Tôn vì sao muốn nói như vậy? Nên biết, đối với quả đức của chư Phật, khó tin mà có thể tin, khó hiểu mà có thể hiểu, thì mới hiển bày người tin hiểu đạt được công đức to lớn biết dường nào!

D2. Công đức vô tận.

A nan! Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai có vô số các hạnh Bồ Tát, vô số phương tiện khéo léo tinh tế, vô số những lời nguyện lớn lao, nếu ta nói tường tận trong một kiếp hay hơn một kiếp, thời gian sẽ qua rất nhanh, nhưng cũng không thể nói hết những hạnh nguyện và phương tiện thiện xảo của Phật Dược Sư!

Đức hạnh của chư Phật khó lường, cho nên khó mà tin hiểu được; công đức của chư Phật vô tận, cho nên cũng khó mà nói cho hết. Nhân vì đức Phật có vô cùng vô tận công đức, cho nên khó mà tin hiểu, do vì khó tin khó hiểu, cho nên hiển lộ công đức của chư Phật là vô cùng vô tận.

Đức Phật bảo ngài A Nan: “Vì sao đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai lại có công đức lớn lao như vậy, có thể khiến cho những chúng sinh nghe được danh hiệu bèn có thể tiêu trừ tất cả tai nạn, và đồng thời thỏa mãn tất cả nguyện cầu của họ?” Đây là do vì trong lúc đức Phật Dược Sư còn tu nhân địa, đã tu vô lượng Bồ tát hạnh, phát vô lượng đại nguyện, cho nên sau khi thành Phật, có được vô lượng phương tiện thiện xảo, từ bi tế độ tất cả hữu tình, khiến cho họ lìa khổ được vui. Không những phương tiện thiện xảo của quả Phật là vô lượng vô biên không thể nói hết, mà những hạnh nguyện rộng lớn lúc ngài còn tu Bồ tát hạnh cũng khó mà nói hết. Cho nên đức Thế Tôn nói: “Dù ta, trong một kiếp hay hơn một kiếp, giảng nói tường tận về hạnh nguyện rộng lớn và phương tiện thiện xảo của đức Phật Dược Sư cũng không thể giảng nói hết.” Bởi vì thời gian của một kiếp tuy dài, nhưng rốt ráo vẫn là có giới hạn, còn những hạnh nguyện rộng lớn và phương tiện thiện xảo của đức Phật Dược Sư là vô hạn, làm sao giảng nói cho hết được? Điều này hiển thị nhân hạnh và quả đức của đức Phật Dược Sư rộng lớn vô tận.

B2. Bồ tát hoằng truyền.
C1. Khai thị hoằng thông.
D1. Cứu bệnh nạn để tăng tuổi thọ.
E1. Nói phương pháp tăng tuổi thọ.
F1. Khởi thuyết.

Lúc ấy, trong chúng hội có một vị Đại bồ tát tên là Cứu Thoát, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y để lộ vai bên phải, quỳ gối phải xuống đất, cúi người chắp tay bạch Phật rằng:

Sau khi đức Như Lai khai thị, ắt phải có Đại bồ tát xứng cơ phát nguyện thừa kế đức Phật để hoằng truyền. Đây cũng giống như vị thầy khởi xướng học thuyết căn bổn, sau đó do học sinh đứng ra hoằng dương rộng rãi. Hiện nay là phần Bồ tát hoằng truyền, đặc biệt chú trọng đến phương diện “tiêu tai diên thọ.” Phân làm ba phần, phần thứ nhất là Khai thị hoằng thông. Trước tiên là Cứu bệnh nạn để tăng tuổi thọ.

Đang lúc đức Thế Tôn kết thúc sự khai thị, trong hàng thính chúng trong pháp hội, có một vị Đại bồ tát tên là Cứu Thoát. Vị Đại bồ tát này, từ tên gọi mà suy ngẫm ý nghĩa, tức là Cứu tế chúng sinh thoát ly khổ nạn, đây là y vào đức tính mà lập tên. Nhân vì tinh thần của Thế Tôn Dược Sư là chú trọng về vấn đề này, cho nên đại biểu cho đức Bổn Sư để hoằng dương pháp môn Dược Sư (tiêu tai diên thọ), là do vị Bồ tát Cứu Thoát này đứng ra phụ trách. Bồ tát Cứu Thoát từ chỗ ngồi của mình đứng dậy, y theo nghi thức thỉnh pháp, “trịch y để lộ vai bên phải, quỳ gối phải xuống đất, cung kính cúi người chắp tay”, mà bẩm bạch ý kiến của mình lên đức Phật.

F2. Chánh thức thuyết minh.
G1. Bệnh hoạn lâm nguy.

Bạch Đại Đức Thế Tôn, trong thời Tượng pháp có những chúng sanh bị khốn khổ vì nhiều thứ bệnh hoạn, kéo dài làm cho suy nhược, gầy ốm, không ăn uống được, miệng khô cổ nóng, nhìn thấy chỗ nào cũng đen tối, cái chết gần kề. Cha mẹ, quyến thuộc, bạn bè quen biết vây quanh kêu khóc.

Bồ tát Cứu Thoát nói: “Kính bạch  Đại Đức Thế Tôn”, sau khi đức Phật diệt độ một ngàn năm, đến thời kỳ tượng pháp, có những chúng sinh, thiện căn trở nên mỏng ít, nghiệp chướng sâu dầy, bị khốn khổ vì nhiều thứ bệnh hoạn. Một cơn bệnh có thể kéo dài nhiều tháng, hoặc kéo dài nhiều năm, làm cho suy nhược, gầy ốm như que cũi, không ăn uống được, miệng khô cổ nóng. Do vì nhiệt độ cao, cho nên thân hình khô héo, không thể nói năng, mắt nhìn thấy bốn phía đều bị bóng tối bao phủ. Y theo Phật pháp nói, nếu có người bệnh mà miệng khô cổ nóng, lỗ mũi cong vẹo, ánh mắt thất thần, các loại tướng chết hiện tiền, nếu thấy bốn phía bóng tối bao phủ, đây tức là hiện tượng sắp đọa xuống nẻo ác. Đến lúc cái chết hiện ra cận kề, hàng quyến thuộc như cha mẹ, anh em, vợ con, cùng với bạn bè quen biết, thấy người ấy bệnh tình trầm trọng, không còn cách cứu chữa, đang đối diện với thần chết, không tránh khỏi cảnh khổ biệt ly, cho nên vây quanh người bệnh, kêu gào khóc lóc. Điều này lại càng làm cho người bệnh tăng gia vô hạn đau khổ. Mọi người, ai cũng vậy, đến lúc sắp chết đều có ít nhiều đau khổ. Điều đau khổ nhất là trên còn cha mẹ không ai phụng dưỡng, dưới còn con cái không người dạy dỗ, hoặc còn trẻ tuổi, ân ái vợ chồng khó mà xả ly, hoặc nhiều tiền của xả bỏ không được, đây mới là những điều đau khổ nhất cho người sắp chết.

G2. Thần thức thọ báo.

Riêng tự thân người ấy vẫn nằm yên đó mà nhìn thấy sứ giả của vua Diêm ma dẫn thần thức mình đến trước vua ấy. Mỗi người đều có một vị thần Câu sanh ghi chép đầy đủ các điều tội phước mà họ đã làm, đưa hết cho Diêm ma Pháp vương. Vua Diêm ma bấy giờ mới tra hỏi, cân nhắc các việc đã làm, tùy theo tội phước mà xử đoán. 

Thần thức thọ báo, y theo ý nghĩa rốt ráo của Phật pháp, rất là sâu xa. Hiện nay, Bồ tát Cứu Thoát vì muốn thích ứng với chúng sinh độn căn ở đời mạt pháp, cho nên dùng một loại giảng giải thông tục. Ngài nói: “Đang lúc người bệnh lâm vào cảnh nguy kịch, tuy là tự thân vẫn còn nằm trên giường bệnh, nhưng lại thấy sứ giả của Diêm ma vương đến dẫn họ đi. Diêm ma, người Trung Quốc gọi là Diêm ma vương (vua Diêm la), dịch nghĩa là Bình đẳng vương, hoặc Song vương. Tương truyền, có hai anh em, sau khi chết bị sinh vào địa ngục, chia nhau lãnh chức vụ cai quản những người tội trong địa ngục, cho nên gọi là Song vương. Nhân vì phán tội công bình, không có thiên vị, không có tình cảm riêng tư, cho nên còn được gọi là Bình đẳng vương. Sứ giả của vua, hoặc giống như những nhân viên phục vụ trong các cơ quan, hoặc sinh ra có hình tướng cổ quái hung ác, dẫn thần thức của người bệnh đến trước mặt Diêm vương để đợi phán xét. Trong Phật giáo, được gọi là pháp vương có ba loại: (1) Một là Chuyển luân pháp vương thi hành pháp thập thiện, dùng chánh pháp cai trị. (2) Hai là Diêm ma pháp vương, quản trị những tội phạm trong địa ngục, hoàn toàn không thiên vị. (3) Ba là Phật, vị Pháp vương Vô thượng, được đại tự tại đối với tất cả các pháp. Ba trường hợp tuy đều được gọi là pháp vương, nhưng ý nghĩa khác biệt rất lớn.

Ở đây nói đến sự thấy được sứ giả của Diêm Vương, v.v…, là lúc bệnh nặng bị ngất đi, hoặc đang ở trong trạng thái hôn mê, những nghiệp tướng tạo tác trong quá khứ hiện ra trước mắt. Đây là trong tâm thức của chính mình huyễn hiện lên những hình ảnh của quả báo, chứ chưa phải là chết thật, mà cũng không phải là có thật sứ giả của Diêm vương đến dẫn xuống địa ngục. Bởi vì y vào ý nghĩa chân thực của Phật pháp mà nói, nếu đã chết thật thì không thể nào sống trở lại. Có rất nhiều cầu chuyện nhân gian liên quan đến việc đi xuống địa ngục thấy Diêm vương, trong tâm cảnh của chúng sinh lúc đó, quả thật có sự trải nghiệm như vậy, nhưng tuyệt nhiên không phải là sau khi chết thật rồi bị đọa địa ngục, mà chỉ là nghiệp tướng hiển hiện trong tâm thức mà thôi. Duy thức học nói chúng sinh có tám thức, thần thức này tức là thức thứ sáu, chứ không phải là thức thứ tám, a lại da thức. Chúng ta thấy người khác chết giấc, hoặc hôn mê, giống như đã chết hẳn, thật ra vẫn còn thức thứ tám chấp trì. Một khi thức thứ tám lìa bỏ thân xác, thì sinh mệnh kết thúc, tuyệt đối không còn sống lại được nữa. Cho nên ở đây nói đến tình cảnh thần thức thọ báo, hoàn toàn chỉ là tác dụng hoạt động của ý thức.

Sự phán xét của Diêm Vương đối với tội nhân, hoặc nặng hoặc nhẹ, hoàn toàn căn cứ vào sự trình báo của “câu sinh thần” của tội nhân. Mỗi một hữu tình chúng ta, lúc sinh ra thì liền có một câu sinh thần đi theo sát bên chúng ta như bóng theo hình, tùy vào những sự việc mà chúng ta tạo tác, hoặc phước hoặc tội, hoặc thiện hoặc ác, đều ghi xuống không một chút sơ sót, so với ký ức của chúng ta còn rõ ràng hơn nhiều. Đợi đến lúc sau khi chúng ta mạng chung, bèn đem tất cả nguyên bản giao hết cho Diêm vương. Lúc ấy, Diêm vương y vào sổ sách đã được ghi chép, bèn thẩm vấn tội nhân, hơn nữa, lại còn cân nhắc những việc mà tội nhân đã gây tạo lúc còn sống, xem rốt ráo thiện nhiều hay ác nhiều, sau đó tùy vào sự nặng nhẹ của tội phước mà xử đoán tội nhân phải bị quả báo nào. Điều này giống như truyền thuyết nhân gian về vua Diêm la.

Những trải nghiệm về cảnh giới vừa được mô tả ở trên, trong lúc bệnh trạng trầm trọng được ghi chép lại rất nhiều, hơn nữa, người bệnh sau khi tỉnh lại, có thể ghi nhớ một cách rất rõ ràng. Chẳng qua, theo ý nghĩa chân chánh của Phật pháp, đây chỉ là tình trạng nghiệp tướng hiện tiền khi sắp chết. Một đời làm thiện làm ác, lúc ấy tất cả đều hiện khởi trong tâm thức của người bệnh, từng màn ảnh từng màn ảnh, tương tự như những cảnh giới được thấy trong giấc mộng, hoàn toàn giống như thật. Như lúc tuổi trẻ bất hiếu với cha mẹ, sau đó trong lòng  thường cảm thấy bức rức tội lỗi, do đây trong giấc ngủ thấy ác mộng, giống như đang thực sự thọ nhận sự trừng phạt. Những việc làm thường ngày, một đêm trước khi chết, nghiệp tướng từ thần thức hiện lên cũng giống như vậy.

Ở đây nói về câu sinh thần, tức là thức thứ tám của chúng sinh. Còn những việc ghi chép tất cả thiện ác tội phước, tức là tác dụng huân tập của thức thứ tám. Tất cả chủng tử, bất luận là thiện hay ác, hoặc vô ký, đều được huân tập vào thức thứ tám. Có lúc chính mình nhớ không ra, nhưng thức thứ tám thọ nhận huân tập không hề lạc mất. Mỗi một cử động, làm thiện làm ác, đều ghi xuống những ấn tượng không bao giờ bị xóa mờ trong kho chứa của thức thứ tám, nếu chưa trở thành hiện hành, thì sẽ được vĩnh viễn lưu giữ trong đó, đến lúc sắp chết thì sẽ hoàn toàn hiển hiện trong tâm thức. Đặc biệt là những kẻ làm ác, như làm nghề giết dê, giết heo, v.v…, đến lúc sắp chết chỉ thấy toàn là heo dê đến đòi mạng, hoặc giết ếch thì sẽ thấy trên mặt đất toàn là ếch hướng về phía mình kêu la inh ỏi. Cho nên, bổn kinh nói về sứ giả Diêm vương, v.v…, chỉ là sự hiển hiện của nghiệp tướng trong tâm thức, chứ không phải là tình cảnh chân thực. Nếu như quả thật đã tạo nghiệp ác, thì sau khi chết  sẽ bị đọa vào nẻo ác, nhận thọ các loại khổ báo. Giả sử đã thật sự bị rơi vào tay Diêm vương, thì không cách nào sống trở lại được.

G3. Làm phước tăng tuổi thọ.

Khi ấy, nếu những thân quyến của người bệnh  vì người ấy mà qui y đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thỉnh chư tăng đến đọc tụng kinh này, thắp đèn bảy tầng, treo phướn tăng tuổ thọ năm màu, thì thần thức người kia có thể được trở về.

Bệnh tình tiến vào giai đoạn “tướng chết hiện ra”, thì khó mà có hy vọng sống lại; thế nhưng, đức Như Lai Dược Sư đại bi cứu tế, thiết lập một pháp môn “tiêu tai diên thọ”, nếu có thể y giáo phụng hành thì người bệnh “có thể” được sống trở lại. Phương tiện này, y cứ vào lời chỉ dạy của Bồ tát Cứu Thoát như sau: (1) Cha mẹ, thân thuộc, bạn bè, quen biết, v.v…, của người bệnh đó cần phải chí thành khẩn thiết, vì người bệnh mà quy y với đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. (2) Thỉnh cầu các vị cao tăng đại đức vì người bệnh mà chuyển tụng (từng bộ, từng bộ) Kinh Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức này. (3) Thắp đèn bảy tầng, mỗi tầng có bảy ngọn đèn, tổng cộng có bốn mươi chín ngọn đèn để tượng trưng cho sự kéo dài ánh sáng của sinh mệnh. (4) Treo tấm phướn dài năm màu, trên có viết danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang. Phướn này gọi là “tục mệnh thần phan”, có nghĩa là kéo dài thọ mệnh của người bệnh. Nếu có thể như vậy: thay thế người bệnh quy y với đức Như Lai Dược Sư, lễ thỉnh chư tăng đọc tụng Kinh Dược Sư, cùng với thắp đèn, treo phướn cúng dường đức Như Lai Dược Sư, thì những điều này có thể khiến cho thần thức người bệnh trở về và người bệnh được sống trở lại. Chẳng qua, đây là do thọ mệnh của người bệnh chưa hết, hoặc có đầy đủ thiện căn, sau đó do sự thay mặt để quy y, niệm Phật, tụng kinh, làm nhiều công đức, thì có thể nhân đây mà được sống lại. Còn như thọ mệnh đã hết, nghiệp báo đời này đã tận, đến lúc phải chết, thì không còn cách nào cứu được, cho nên mới nói “có thể”, mà không có sự quyết chắc.

G4. Nỗ lực làm thiện.

Như người trong mộng, tự thấy tỏ rõ. Hoặc trải qua bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày, hoặc ba mươi lăm ngày, hoặc bốn mươi chín ngày, thần thức người kia mới được trở về, như trong mộng tỉnh ra, tự nhớ biết hết các nghiệp lành dữ của mình đều có quả báo. Vì thấy biết rõ quả báo của nghiệp, cho nên, dù mạng sống có bị đe dọa cũng chẳng dám làm việc dữ. 

Nếu người bệnh nguy ngập, tướng chết hiện ra này, nhân vì thọ nhận được sự gia bị của từ bi nguyện lực của đức Như Lai Dược Sư mà chuyển đổi nguy cơ, khôi phục được sức khỏe, thì trong phần còn lại của cuộc đời, người ấy nhất định sẽ xả bỏ tội ác, mà tiến bước trên con đường làm thiện. Đây là khi người bệnh đang bị hôn mê, đã thấy bị sứ giả của vua Diêm ma dẫn đến địa ngục, tự mình thấy được đủ loại hình cụ tàn nhẫn độc ác đáng sợ, và thấy được ảnh tượng của những tội nhân đang bị tra tấn khổ đau thê thảm, cùng với tình cảnh bị vua Diêm ma thẩm vấn tra xét, những ấn tượng này đã khiến cho người ấy lông tóc dựng ngược! Người bệnh khi đang trải qua những cảnh giới đó, giống như đang ở trong mộng, tất cả đều hiện ra trước mắt một cách rõ ràng. Tình hình như vậy, hoặc trải qua bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày, hoặc ba mươi lăm ngày, hoặc dài đến bốn mươi chín ngày. Trong giai đoạn này, nhân vì thân thuộc có thể y theo các phương pháp kéo dài tuổi thọ như đã liệt kê ở trên, cho nên thần thức của người bệnh có thể hồi tỉnh (sống lại). Lúc ấy, người bệnh cũng giống như từ trong giấc mộng lớn thức tỉnh trở lại, có thể nhớ rõ tất cả những thảm cảnh khổ sở đã xảy ra trong mộng, và đều ghi nhớ rõ ràng, hơn nữa, biết rõ nghiệp thiện và nghiệp bất thiện sẽ đưa đến những quả báo nào, và tình huống nhân quả của sinh tử luân hồi. Do vì tự thân trải nghiệm những cảnh giới như vậy, không những lúc bình thường không còn tạo tác những hành vi phi pháp, mà dù có gặp phải nguy cơ mất mạng (như bị người khác uy hiếp tính mạng, bức bách phải tạo ác), chẳng thà chết chứ không tạo tác bất cứ ác nghiệp nào. Bởi vì người ấy biết rằng: Chết, chẳng qua là kết thúc một mạng sống, còn có thể đạt được thiện báo đời sau, còn như tạo nghiệp, ắt sẽ bị đọa vào nẻo ác, thọ vô lượng khổ.

F2. Kết luận khuyến tấn. 

Vì vậy, những kẻ nam người nữ có lòng tin trong sạch, đều nên thọ trì danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tùy sức mình mà thường cung kính cúng dường.

Đây là kết khuyến, nghĩa là kết thúc phần pháp môn phương tiện cầu tăng gia tuổi thọ ở trên, và khuyến khích chúng sinh nỗ lực tu trì. Bồ tát Cứu Thoát nói: “Vì vậy, những kẻ nam người nữ nào có lòng tin trong sạch đối với đức Như Lai Dược Sư, cần phải y theo lời dạy mà thọ trì, xưng niệm danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang. Hoặc giả, gặp phải những trường hợp bệnh khổ triền miên, tướng chết hiện tiền, v.v…, đều cần phải tùy phần tùy lực, tận hết khả năng, dùng các loại hương, hoa, đèn, phướn, v.v…, mà cung kính cúng dường đức Như Lai Dược Sư.

E2. Nêu rõ nghi thức tăng tuổi thọ.
F1. Hỏi.

Lúc ấy, ngài A nan hỏi Bồ Tát Cứu Thoát: “Thiện nam tử, nên cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai như thế nào? Đèn và phướn tăng tuổi thọ nên làm như thế nào?”

Bồ tát Cứu Thoát ở trước đức Phật khai thị cho đại chúng rằng muốn cứu bệnh nạn để kéo dài tuổi thọ thì cần phải cung kính cúng dường đức Như Lai Dược Sư, đồng thời thắp đèn, treo phướn, v.v…, thế nhưng, vẫn còn quá đơn giản, cho nên hiện nay ngài A Nan mới hỏi phương pháp cụ thể, yêu cầu Bồ tát Cứu Thoát giải thích phương tiện tu tập này một cách tường tận hơn. Bồ tát Cứu Thoát tuy nói với đại chúng đang hiện diện trong pháp hội của Phật, nhưng thật ra, đối tượng chính yếu của ngài là những chúng sinh từ đời tượng pháp về sau. Ngài A Nan cũng hiểu rõ điểm này, cho nên cũng vì chúng sinh thời tượng pháp mà nêu lên câu hỏi.

Đang lúc Bồ tát Cứu Thoát kết luận và khuyến tấn đại chúng, ngài A Nan liền hỏi: “Thiện nam tử, những chúng sinh có bệnh nạn cần phải làm thế nào để cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai?” Đồng thời, “làm cách nào để chế tạo đèn và phướn tăng tuổi thọ?” Ngài A Nan nêu lên vấn đề chỉ có hai điểm này.

F2. Đáp.

Bồ Tát Cứu Thoát đáp: “Thưa Đại đức! Nếu có người bệnh muốn thoát bệnh khổ, thì quyến thuộc nên vì người ấy, thọ trì Tám phần trai giới trong bảy ngày đêm. Nên tùy sức mình mà sắm sửa các món ăn thức uống cùng những vật dụng khác cúng dường chư tỳ kheo tăng. Ngày đêm sáu thời cung kính lễ bái, cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Đọc tụng kinh này bốn mươi chín lần, thắp bốn mươi chín ngọn đèn. Tạo bảy hình tượng đức Như Lai ấy, trước mỗi hình tượng đặt bảy ngọn đèn, mỗi ngọn đèn đều lớn như bánh xe. Như vậy cho đến bốn mươi chín ngày, ánh sáng chẳng dứt. Làm phướn bằng lụa năm màu dài bốn mươi chín gang tay. Phải nên phóng sanh nhiều loài vật, tổng số bốn mươi chín con, thì có thể qua khỏi nạn nguy hiểm, chẳng còn bị các loài quỷ ác quấy phá.

Bồ tát Cứu Thoát trả lời ngài A Nan, trước tiên xưng hô “Đại đức”, ngài A Nan gọi Bồ tát Cứu Thoát là “Thiện nam tử”, bởi vì ngài Cứu Thoát tuy là Bồ tát, nhưng chỉ hiện tướng tại gia, còn ngài A Nan tuy là hành giả Tiểu thừa, nhưng hiện tướng xuất gia, vì tôn trọng tỳ kheo xuất gia cho nên gọi là Đại đức. Bồ tát Cứu Thoát nói: “Nếu có người bệnh muốn thoát khỏi bệnh khổ thì thân thuộc, bạn bè và những người quen biết, nên thay thế cho người bệnh mà thọ trì Bát quan trai giới trong bảy ngày đêm. Đồng thời, nên dùng các loại thức ăn uống thanh khiết, và những món vật dụng khác, tùy sức tùy phần, hoặc nhiều hoặc ít, cúng dường cho chư tỳ kheo tăng. Lại phải ngày đêm sáu thời (Ấn Độ vào thời cổ, ngày và đêm đều được phân làm ba thời: đầu, giữa, cuối), kiền thành lễ bái, cúng kính cúng dường đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang. Ngoài ra, còn phải chuyên tâm tụng Kinh Dược Sư này bốn mươi chín biến. Đây là trả lời vấn đề thế nào để cung kính cúng dường đức Như Lai Dược Sư.

Phần dưới là nói rõ cách thức chế tạo phướn tăng tuổi thọ, và cách thắp đèn cúng dường. Thắp bốn mươi chín ngọn đèn, thiết trí bảy tôn tượng của đức Như Lai Dược Sư, trước mỗi tôn tượng cúng bảy ngọn đèn, kích thước của mỗi ngọn đèn lớn như bánh xe. Bánh xe cở lớn nhỏ, đều tùy theo sức mình mà thiết trí. Đèn cần phải có người thường trông chừng, từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ bốn mươi chín giữ cho các ngọn đèn không tắt (tối đa là bốn mươi chín ngày, nếu như người bệnh bình phục sớm, thì bảy ngày, hai mươi mốt ngày có thể ngừng lại), bởi vì ánh sáng của đèn là tượng trưng cho sự kéo dài mạng sống. Chế tạo phướn năm màu, dài độ bốn mươi chín gang tay (khoảng 9 đến 12 mét). Ngoài ra, còn cần phải phóng sinh các loài vật khác nhau, tổng cộng bốn mươi chín con vật (chẳng hạn như chim, cá, v.v…). Phóng sinh tức là giải phóng các loài vật khỏi các tai nạn về thọ mạng, khiến cho chúng được sống lâu, do đây có thể đạt được công đức “tiêu tai diên thọ.” Phật giáo đề xướng không sát sinh và phóng sinh, nơi nào cũng biểu thị những hành vi từ bi này. Nếu như có thể y theo các phương pháp nêu trên mà làm, thì người bệnh có thể vượt qua khỏi nguy cơ, không đến nỗi mất mạng, mà có thể khôi phục sức khỏe, sống lâu không bị bệnh tật. Sự bệnh hoạn của chúng sinh, đôi khi có liên quan đến việc quỷ thần quấy phá, khiến cho người bệnh lâm vào tình trạng dở sống dở chết, đau khổ không thể chịu đựng nổi! Nếu như tu trì pháp môn Dược Sư đúng như pháp, tội chướng quá khứ được tiêu trừ, thì sẽ không còn bị các quỷ thần ác quấy phá nữa, mà sẽ được bình phục trở lại.

D2. Cứu nạn nước được tăng thọ.

Lại nữa, A nan! Nếu những vị sát đế lợi, và các vị vua quán đảnh, gặp nhiều tai nạn khởi lên, như là: bệnh dịch trong nhân dân, bị nước khác xâm lăng, phản nghịch ở trong nước, nạn tinh tú biến đổi quái lạ, nạn nhật thực nguyệt thực, nạn mưa gió trái mùa, nạn hạn hán… Bấy giờ, những vị vua ấy nên khởi lòng từ bi đối với tất cả hữu tình, ân xá kẻ tù tội, y theo phép cúng dường vừa nói trên mà cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Nhờ căn lành đó cùng với nguyện lực của đức Như Lai, cõi nước ấy liền được yên ổn, mưa thuận gió hòa, lúa thóc được mùa; hết thảy mọi người đều không bệnh tật, sung sướng vui vẻ. Trong nước không có những thần dược xoa bạo ác quấy rối hữu tình. Hết thảy tướng ác đều tiêu mất. Còn những vị sát đế lợi và vua quán đảnh ấy thì được sống lâu, khỏe mạnh, không bệnh tật, tự tại an vui, hết thảy mọi người đều được tăng phần lợi ích.

Quốc gia là do nhân dân thành lập, nhân dân nương vào quốc gia mà sinh tồn. Quốc gia là thành trì che chở cho nhân dân, còn nhân dân là mạch máu của quốc gia. Không có nhân dân thì không có quốc gia, mà không có quốc gia thì cũng không có nhân dân. Cho nên, chúng ta muốn an lạc sống lâu  thì cần phải cầu nguyện cho đất nước được tiêu tai miễn nạn. Quốc gia an ninh, không có tai nạn, thì chúng ta mới có thể an cư lạc nghiệp, sinh mệnh tài sản mới có thể được bảo vệ một cách hợp lý, và có thể sinh sống trong cảnh thái bình an lạc. Nếu quốc gia nhiều tai ách, nhiều hoạn nạn, không những cuộc sống dao động bất an, mà ngay cả sự an toàn của sinh mệnh, nhiều khi cũng có thể bị uy hiếp. Tục ngữ (Trung Hoa) có câu: “Chẳng thà làm thân chó đời thái bình, còn hơn làm thân người đời loạn lạc.” Có thể thấy rằng thân người trong thời loạn lạc đau khổ như thế nào? Trung Hoa Dân Quốc từ lúc chiến tranh kháng Nhật đến nay, quốc gia bị tổn thất biết bao nhiêu tài sản, hy sinh biết bao nhiêu thân mạng, hàng triệu triệu người phải sống trong cảnh lầm than! Do đây, chúng ta muốn cầu hạnh phúc cho cá nhân, hoặc cầu sự an toàn cho gia đình, thì cần phải cầu nguyện cho quốc gia được bình an, giảm trừ tai nạn!

Trong thời buổi hiện tại, tư tưởng của nhân loại tiến bộ, biết rằng quốc gia là toàn thể nhân dân, thế nhưng vào thời xưa, mọi người đều nghĩ rằng đất nước là thuộc về vua chúa, tai nạn của quốc gia là tai nạn của vua chúa. Phật pháp thích ứng với dân tình của thời đại đó, cho nên ở đây bắt đầu từ nhà vua. Bồ tát Cứu Thoát lại nói với ngài A Nan: “Nếu các vị sát đế lợi (giai cấp vua chúa hoặc giai cấp võ sĩ), cùng các vị vua quán đảnh, v.v…, gặp nhiều tai nạn khởi lên. Quán đảnh là theo tục lệ Ấn Độ, mỗi khi một vị thái tử sắp lên ngôi vua thì cử hành một lễ quán đảnh long trọng, tức là lấy nước của bốn biển chứa vào trong bình rồi rót (Hán: quán) lên đỉnh đầu. Giống như hiện nay làm lễ đội vương miện. Cho nên gọi là vua quán đảnh. Vua chúa có những tai nạn gì? Tức là: (1) Bệnh dịch trong nhân gian: Thuở xưa, đế quốc La Mã vô cùng cường thịnh, sau đó nhân vì đa số dân chúng bị một loại bệnh dịch (nhiều năm), chẳng bao lâu sau đế quốc La Mã bị suy vi. Cho nên, bệnh dịch cũng là một tai nạn nghiêm trọng đối với quốc gia. (2) Bị một nước láng giềng, không biết lẽ phải, không tuân hành công ước quốc tế, dã man cường bạo, xâm lược và bức hại mà tạo thành tai nạn. (3) Trong nước phát sinh nội loạn phản nghịch của những bọn giặc cướp. (4) Nạn tinh tú biến đổi quái lạ: Các vì sao trên trời, nếu như xuất hiện những sự biến hóa khác thường, thì có thể đây là một điềm báo cho một quốc gia sắp gặp phải tai nạn. (5) Nạn nhật thực nguyệt thực: Theo kiến thức hiện nay, đây chỉ là một loại hiện tượng tự nhiên, nhưng vào thời cổ, ở Ấn Độ và Trung Hoa, đều cho rằng đây là điềm báo của tai nạn. Thật tế mà nói, sự biến hóa của hiện tượng thiên văn, thật sự có quan hệ mật thiết với loài người, bởi vì sự biến hóa có thể đưa đến bảo tố, lũ lụt, hạn hán, v.v… Gần đây các nhà khoa học nghiên cứu, trên mặt trời có những vòng đen, nếu chúng tỏa rộng ra thì tâm thức con người trở nên bất an, có thể dẫn đến những cuộc chiến tranh nghiêm trọng. Nói tóm, sự biến hóa thiên văn có thể ảnh hưởng đến tâm ý con người, tăng gia sự ma sát giữa người và người. (6) Nạn mưa gió trái mùa: tức là lúc không nên mưa gió lại mưa gió, đưa đến nhưng tai hại tổn thất mùa màng. (7) Nạn hạn hán: tức là mùa mưa mà lại không có mưa, đồng lúa cằn cỗi, mùa màng bị hủy hoại vì khô héo. Những loại tai nạn này, nếu như phạm vi tương đối nhỏ thì không sao, còn nếu lan rộng khắp nơi thì quốc gia sẽ bị nguy ngập!

Dân tộc của một quốc gia, nếu như bất hạnh gặp phải các loại tai nạn nhiễu hại, thì phải làm thế nào? Bồ tát Cứu Thoát nói: “Vị sát đế lợi, hoặc vua quán đảnh đó, thân làm nguyên thủ của một quốc gia, cùng với các vị vương tộc quyền quý phụ trách việc nước, vào lúc ấy cần phải khởi tâm từ bi đối với tất cả nhân dân. Bởi vì tai nạn của quốc gia là do cộng nghiệp của nhân dân chiêu cảm, có quan hệ đến lòng người. Trời giáng tai họa là vì giữa người và người có sự bất hòa, thiếu thốn tình người. Cho nên, trước tiên phải do vị nguyên thủ quốc gia sinh khởi tâm từ bi, ân xá những tội nhân đang bị giam cầm trong các lao ngục. Hoặc là những người tốt bị oan uổng, hoặc là những người đã quyết tâm hối hận sửa đổi lỗi lầm, hoặc những người đã bị giam cầm nhiều năm, hoặc những người sắp mãn hạn tù, đều nên phóng thích tất cả những người đó, trả tự do cho họ, để cho cha mẹ anh em vợ con được đoàn tụ với nhau, sống một cuộc đời mới. Nếu như hình luật quốc gia được giảm bớt, được thay vào đó bằng chánh trị đạo đức, lãnh đạo nhân dân hướng đến từ bi, khiến cho mọi người tràn ngập sự cảm thông, nhường nhịn lẫn nhau, đối đãi hòa hài. Như vậy hòa khí sẽ trở nên tốt đẹp. Đây là một phương diện cải thiện về nhân sự. Một phương diện khác, cần phải y theo lời dạy ở phần trên của Bồ tát Cứu Thoát nói về các phương pháp cúng dường, mà chí tâm cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Như vậy, do công đức thiện căn từ hai phương diện, cùng với sự gia bị của công đức bổn nguyện của đức Phật Dược Sư, khiến cho trong quốc gia đó, tất cả tai nạn đều sẽ được giải trừ, nhân dân được an ổn tự tại. Mưa thuận gió hòa, lúa thóc mùa màng đều được tràn đầy dư dật. Tất cả mọi người đều không bị bệnh tật, nhân dân được hoàn toàn vui vẻ sung sướng. Đồng thời, trong nước không có các loại quỷ thần dược xoa bạo ác quấy nhiễu mọi người. Giả sử có đi chăng nữa, cũng chỉ là những loại quỷ thần thiện lương ủng hộ nhân dân. Những điềm báo về tai nạn cũng đều biến mất. Lúc ấy, nhân dân được sống trong một cuộc sống an ninh vui sướng dư dật. Còn các vị sát đế lợi, vua quán đảnh, v.v…, do vì nhân dân an định, quốc gia thái bình, không còn phải lo lắng trong tâm, cho nên tuổi thọ được gia tăng, thân không tật bệnh, tự tại vui sướng, toàn thể nhân dân được tăng gia lợi ích.

D3. Cứu các nạn được tăng thọ.

Này A nan! Nếu các vị hoàng hậu, vương phi, thái tử, vương tử, đại thần, phụ tướng, trung cung, thể nữ, bá quan, hoặc dân thường, bị khổ sở vì bệnh tật và các tai ách, thì cũng nên làm phướn thần năm màu, thắp đèn sáng liên tục, phóng sanh, rải hoa đủ loại nhiều màu, xông đốt các loại danh hương cúng dường đức Như Lai Dược Sư Quang Lưu Ly. Bệnh tật liền hết, thoát khỏi mọi tai nạn.

Ở đây, ngoài quốc vương ra, còn nói đến hoàng hậu, vương tử, bá quan văn võ, cùng với nhân dân đều có thể y vào pháp môn Dược Sư mà tu trì, để cầu trừ bệnh hoạn, tăng tuổi thọ.

Bồ tát Cứu Thoát lại bảo ngài A Nan: “Phần trên đã nói về tai nạn toàn quốc và phương pháp tiêu tai diên thọ rồi. Hiện nay nói sự việc liên quan đến tiêu tai diên thọ cho hoàng hậu và nhân dân.” Hoàng hậu là vợ chánh của nhà vua. Thời cổ là chế độ đa thê. Nhà vua, ngoài hoàng hậu ra, còn có các thê thiếp khác gọi là vương phi. Thái tử, tức là vị hoàng tử được nối ngôi vua. Vương tử, tức là những người con khác của vua, nghĩa là anh em của thái tử. Đại thần, giống như Tam công của Trung Quốc thời xưa, là những nhân vật quan trọng của quốc gia. Phụ tướng, tức là các vị quan phụ giúp các vị đại thần, như bộ trưởng, thứ trưởng hiện nay. Trung cung, tức là các quan thái giám, quản lý sự vụ trong vương cung. Thể nữ, tức là các tỳ nữ chăm sóc nhà vua, hoàng hậu và các vương phi. Bá quan, tức là các vị quan chức khác trong toàn quốc. Từ trên là hoàng hậu, vương phi, cho đến bên dưới là tất cả nhân dân, nếu bị các loại bệnh khổ quấy nhiễu, cùng gặp phải những tai ách khác như nước, lửa, giông bão, chiến loạn làm cho khốn khổ, thì cũng phải tuân theo phương pháp đã được chỉ dẫn ở trên, treo phướn năm màu, thắp bốn mươi chín ngọn đèn, cúng dường trước tôn tượng của đức Như Lai Dược Sư, giữ cho ngọn lửa cháy luôn không tắt. Ngoài ra, còn phải phóng sinh các loài chim, cá, trâu, dê, v.v…, và cũng phải rải các loại hoa tươi đủ màu, thắp các loại danh hương (thể theo chỉ thị, còn cần phải niệm danh hiệu, tụng kinh, lễ bái, v.v…). Nương vào công đức thù thắng của sự cúng dường đức Như Lai Dược Sư mà tất cả bệnh hoạn đều được tiêu trừ, hoàn toàn giải thoát tất cả tai nạn.

Phần trên, tuy phân tai nạn làm ba loại lớn: bệnh nạn, quốc nạn, nạn của nhân dân, nhưng phương pháp cứu nạn chỉ có một loại. Đây là phương tiện được Bồ tát Cứu Thoát chỉ dẫn cho chúng sinh đời tượng pháp về sau.

C2. Hỏi đáp để giải thích nghi hoặc.

Lúc ấy, A nan hỏi Bồ Tát Cứu Thoát rằng: “Thiện nam tử, khi mạng sống đã hết làm sao lại có thể tăng thêm?” Bồ Tát Cứu Thoát đáp: “Thưa Đại đức! Ông chẳng nghe Như Lai nói đến chín cách chết oan uổng hay sao? Vì vậy nên mới khuyên làm phướn và đèn tăng tuổi thọ, tu các việc phước đức. Nhờ tu phước, nên trọn đời chẳng phải trải qua những cơn hoạn nạn, khổ não.”

Trong phần Bồ tát hoằng truyền, hiện nay là phần thứ hai, giải thích nghi hoặc. Sau khi Bồ tát Cứu Thoát khai thị pháp môn tiêu tai diên thọ, ngài A Nan bèn phát sinh nghi vấn, cho nên ở đây đặc biệt nêu ra câu hỏi để giải trừ sự nghi hoặc.

Y theo phần khai thị ở trên, chúng sinh nếu có bệnh khổ, hoặc gặp phải tai ách, bất luận hiểm ác thế nào, nhẫn đến tướng chết hiện tiền, chỉ cần y theo pháp môn Dược Sư mà tu tập đều có thể nương vào Phật lực gia bị mà được miễn nạn và tăng tuổi thọ. Thế nhưng, y theo Phật pháp mà nói, sự sinh tồn hoặc tử vong của một người, đều liên hệ đến sự quyết định của nhân quả nghiệp báo của người đó. Nhân quả là pháp tắc tất nhiên không biến đổi, đến số chết là phải chết, giống như quả bầu chín thì cuống rụng, ai cũng không thể thay đổi được, làm sao có thể “tiêu tai diên thọ?” Ngài A Nan nghi ngờ, không hiểu rõ sự việc này, cho nên hỏi Bồ tát Cứu Thoát: “Thiện nam tử! Chúng sinh đã hết tuổi thọ, làm sao còn có thể kéo dài tuổi thọ?” Bồ tát Cứu Thoát trả lời: “Đại đức, ngài chưa nghe đức Phật nói có chín loại chết oan uổng hay sao?” Trong kinh điển, đức Phật đã từng nói có chín loại chết oan uổng. Ở đây nói “tiêu tai diên thọ”, không phải là đối với những chúng sinh đến số phải chết, mà là đối với những chúng sinh gặp phải sự “chết oan uổng.” Như người có tuổi thọ sống đến một trăm tuổi, nhưng vì những nhân duyên ác liệt lôi kéo, chỉ sống đến khoảng hai, ba mươi tuổi rồi bị chết, đây tức là chưa đến lúc phải chết. Vì lý do đó, đặc biệt khuyên nhắc hướng dẫn chúng sinh làm phướn tăng tuổi thọ, cùng với thắp hương cúng dường Tam bảo, tu tập các tư lương phước đức. Do vì nhân duyên tu tập phước đức mà có thể bình an khỏe mạnh, cho đến lúc chết, tuyệt đối không gặp phải bất cứ khổ đau hoạn nạn nào nữa!

Ngài A nan liền hỏi: “Thế nào là chín cách chết oan uổng?” Bồ Tát Cứu Thoát đáp: “Như có những người mắc bệnh nhẹ nhưng không thầy, không thuốc, cũng không có người thăm bệnh. Như được gặp thầy, lại cho thuốc sai. Thật chẳng đáng chết, nhưng lại phải chết uổng. Lại tin theo những tà ma ngoại đạo ở thế gian; nghe các phù thủy, yêu nghiệt nói vu vơ việc họa phước, sanh ra sợ sệt, dao động, chẳng giữ được lòng chân chánh, bói toán hỏi việc tai họa, giết hại các loại chúng sanh, bẩm tấu với các thần minh, kêu gọi các loài quỷ thần sông, rạch, núi, hồ; thỉnh cầu ban phước, hy vọng kéo dài mạng sống, nhưng rốt cuộc chẳng thể được. Kẻ ngu si mê hoặc tin theo tà kiến điên đảo đành phải chết oan uổng. Đọa vào địa ngục chẳng biết lúc nào ra khỏi. Đó là cách chết oan uổng thứ nhất.

Ngài A Nan lại hỏi: “Thế nào là chín loại chết oan uổng?” Bồ tát Cứu Thoát nói: “Nếu như các hữu tình, nhân vì bốn đại không điều hòa nên bị bệnh hoạn. Lúc đầu, bệnh tình sơ sài, nhưng vì không có thầy thuốc chữa trị, không có thuốc uống, lại cũng không có người chăm sóc. Tình trạng này kéo dài, dần dần căn bệnh càng lúc càng trầm trọng, cuối cùng không được chữa trị mà chết. Giả sử có gặp được thầy thuốc, thì lại gặp phải “lang băm”, không rành cách chữa trị, cho thuốc sai lầm, không đúng với chứng bệnh, cho nên người bệnh thật ra không đến lúc chết mà phải bị chết. Lại còn có một loại người, không tin chánh pháp của Tam bảo, mà lại tin vào những tư tưởng bất chánh, tà ma, ngoại đạo, phù thủy yêu nghiệt. Tin tưởng những lời lẽ vu vơ nói về họa phước của bọn chúng. Chẳng hạn như để cho những loại quỷ thần nhập vào thân thể, tuyên bố hàm hồ, nào là thấy được ý trời, hoặc là vào ngày nào tháng nào nơi nào đó trời sẽ giáng họa, hoặc là ngày nào tháng nào đó sẽ gặp phải tai nạn, có thể sẽ bị mất mạng, v.v… Người bệnh nghe xong liền cảm thấy khủng hoảng, vô cùng hoang mang, không còn làm chủ được chính mình, ngày đêm phập phồng lo sợ, bèn tìm đủ mọi biện pháp ngu xuẫn, như là đi xem tướng mệnh, bói toán, xin xăm bốc quẻ, tìm hiểu nguồn gốc tai họa, nghe theo lời chỉ thị của tà sư, giết hại các loại chúng sinh như heo, dê, v.v…, để tế lễ, bẩm tấu với thần minh, cầu họ sai khiến quỷ thần, âm binh đến giúp đỡ, cầu được tiêu tai tăng phước, bảo hộ bình an, cầu mong được tăng thêm tuổi thọ, chung cuộc chẳng đạt được kết quả. Nhân vì tâm tư bất chánh, ngu si không trí tuệ, điên đảo mê hoặc, dễ tin vào tà ma ngoại đạo, sinh khởi sự hiểu biết điên đảo, sát sinh tạo tác oan nghiệt, tội ác chất chồng. Kết quả bị chết oan uổng, mà hơn nữa, sau khi chết bị đọa vào địa ngục, nhận chịu vô lượng khổ sở, không có ngày ra khỏi. Đây gọi là loại chết oan uổng thứ nhất.

Cách chết oan uổng thứ nhì là do phép vua mà bị giết hại. Cách chết oan uổng thứ ba là do ưa thích săn bắn, tham dâm mê rượu, phóng túng vô độ, bất ngờ bị loài phi nhân đoạt mất tinh khí mà chết. Cách chết oan uổng thứ tư là bị nạn lửa đốt cháy mà chết. Cách chết oan uổng thứ năm là chìm dưới nước mà chết. Cách chết oan uổng thứ sáu là bị các loài thú dữ ăn thịt. Cách chết oan uổng thứ bảy là té chết nơi núi non hiểm trở. Cách chết oan uổng thứ tám là do thuốc độc, do trù ếm, chú thuật, các loài thây ma đứng dậy hóa quỷ hại chết. Cách chết oan uổng thứ chín là đói khát khốn khổ, do chẳng được ăn uống nên phải chết uổng. Đó là chín cách chết oan uổng mà Như Lai đã lược nói ra. Lại còn vô số những cách chết oan uổng khác nữa, khó nói hết được.

Bồ tát Cứu Thoát giải thích chín loại chết oan uổng, đối với loại chết oan uổng thứ nhất giải thích tương đối tường tận, còn tám loại chết oan uổng còn lại giải thích tương đối đơn giản.

Loại chết oan uổng thứ hai, tức là làm những sự việc có nguy hại đến quốc gia, vi phạm pháp luật quốc gia, đến nổi bị tội tử hình, hoặc là không phạm tội, nhưng nhận chịu sự oan uổng, bị pháp luật quốc gia trừng phạt. Loại thứ ba, là ham thích săn bắn chim muông dã thú, đam mê những thú vui cờ bạc, trai gái, rượu chè. Phần lớn những người này là dân trộm cướp, lưu manh, nhàn rỗi không chịu làm việc chánh đáng, suốt ngày du đảng, buông lung quá độ, do đây bị loài phi nhân đoạt mất tinh khí. Bởi vì hành vi phóng túng quá độ, trai gái, cờ bạc, rượu chè liên miên, cho nên tinh lực càng ngày càng tiêu hao tổn giảm, hơn nữa, tâm tưởng tà loạn, tà thần ác quỷ bèn thừa cơ cướp đoạt tinh khí cho nên bị mất mạng. Loại thứ tư, bị nạn lửa đốt cháy, hoặc chết vì cháy nhà, hoặc gặp thời loạn, bị chết trong binh lửa. Loại thứ năm, bị chết chìm, như gặp phải lũ lụt, bị nước cuốn trôi, hoặc lúc bình thường, bị rớt sông mà chết, hoặc bị đắm thuyền chết nơi biển cả. Loại thứ sáu, bị các loài thú, như rắn độc, chó điên, sư tử, cọp, chó sói, v.v…,  cắn chết, hoặc ăn thịt. Loại thứ bảy, nhân vì sơ ý, bị rơi xuống hang sâu, triền núi mà chết. Loại thứ tám, bị trúng các loại thuốc độc, trù ếm, bùa chú, hoặc bị quỷ thây ma làm hại mà chết. Loại thứ chín, nhân vì không có khả năng mưu sinh, hoặc gặp phải những năm mất mùa, hoặc gặp nạn đói khát, không có thức ăn uống mà bị chết oan uổng. Tất cả đều là chưa đến số chết, nhưng đột ngột gặp phải những trường hợp nêu trên mà bị mất mạng. Tuy cách chết khác nhau, nhưng đều là không đến số chết, mà chết một cách khác thường, cho nên gọi là chết oan uổng.

Đây tức là những gì mà đức Như Lai nói về chín loại chết oan. Ngoài ra lại còn vô số những cách chết oan khác nữa, không thể nói hết được. Bồ tát Cứu Thoát nói về phương thức kéo dài tuổi thọ là chuyên vì những chúng sinh chết oan, bởi vì họ chưa đến số chết, nếu như có thể y theo những biện pháp đã được chỉ dạy mà tu trì, nương vào nguyện lực từ bi của đức Như Lai Dược Sư gia bị thì có thể cứu vãn. Còn như tuổi già, thọ mạng đã hết, đến số phải chết, thì Phật Bồ tát cũng không thể cứu vãn được!