6 KIẾP LI KÌ CỦA THOI PHÁNH
Thực hiện: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Tôi là Thoi Phánh, một tay tán gái có hạng. Tên của tôi nghe rất là ngộ, vì tôi là người Hoa sống trên đất Việt, nhưng mà kệ tôi có cái tên lạ thế nào, hễ cô nào lọt vào mắt xanh của tôi, là thế nào tôi cũng cua đổ được.

Kiểu người như tôi thì mấy ông thầy bói thường bảo là sinh nhầm cái giờ có sao đào hoa chiếu. Mãi đến gần đây khi gặp được một cơ duyên đặc biệt, tôi mới biết chẳng phải như vậy. Đó là do một nhân quả kéo dài 6 kiếp trước của tôi mà ra, chuyện khá là ly kỳ, còn ly kỳ hơn mấy lần gặp ma mà tôi đã kể cho Quang Tử viết truyện lần trước.

Tôi sinh năm 1966, lớn lên trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, tại khu Bến Đình, thành phố Vũng Tàu. Nhưng mà bạn đừng nghĩ rằng, hễ sinh ra trong gia đình Phật tử, ông bà cha mẹ hay niệm Phật đi chùa thì con sinh ra sẽ ngoan, sẽ sống đúng như giáo lý Phật dạy. Như tôi đây, tôi chẳng có ngoan gì lắm đâu.

Tâm lý tôi khá là nặng về dâm dục, có lẽ là mạnh hơn những người khác. Chẳng thế mà tuổi trẻ tôi nổi tiếng với những thành tích trăng hoa mây mưa, quen hết cô này đến cặp với cô khác, ăn nằm với người này người khác, nhiều đến mức tôi khó lòng mà nhớ hết được tên từng cô. Đến khi lấy vợ cũng phải lấy đến ba cô vợ mới chịu thôi.

Tôi cũng có may mắn được một vị chân sư giáo hóa, mà dần cũng tỏ ngộ được Phật Pháp, hiểu được đạo lý Nhân quả. Tự soi lại mình, tôi biết mình trăng hoa như vậy, là phạm vào giới tà dâm, nhưng mà tôi không dừng lại được.

Bạn đừng có nghĩ rằng, nhận ra một việc làm đó là sai, thì con người ta sẽ thôi không làm nữa. Đó là một ảo tưởng của những kẻ ngây ngô, thích “vào rừng mơ bắt con tưởng bở”.

Vì thực tế, đa số hành động của con người bình thường, bị chi phối bởi tình cảm, bởi nhu cầu, bởi cảm xúc bên trong “trái tim”, chứ không chịu tuân theo lý trí, sự hiểu biết của “bộ não”.

Trừ ra những người tinh thần cực mạnh, có ý chí quật cường mới khống chế được tình cảm, dục vọng thôi, mà mấy người đó thì hiếm lắm.

Biết mình đang phạm tội dâm, ấy mà vẫn phạm nhiều lần, tôi thật rất áy náy. Chẳng biết vì sao tôi nặng ái dục đến mức vậy.

Tôi cứ ôm giữ điều trăn trở ấy mãi trong lòng, và thường xuyên lạy Phật, niệm Phật, niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” , xin Người cho tôi được biết nguyên do của hai việc này.

Sau mấy chục năm cầu nguyện, cuối cùng chư Phật – chư Bồ Tát thương tình đã thị hiện khiến cho tôi được thấy thật. Đó là ngày 15/10/2019, tôi được chư Phật gia hộ mà có được một giấc mơ tiền kiếp.

Trong giấc mơ ấy rất sống động, rõ ràng, khác với giấc mơ mờ nhạt bình thường, cảm giác ở đây chân thật y như cuộc sống thực vậy.

Kiếp đó là vào thời Tống bên trung Quốc, tôi được sinh làm con trai của tể tướng. Từ nhỏ đã lớn lên trong nhung lụa, lớn lên nhờ thế lực của cha ( cha tôi lại còn là thân thích của Hoàng thượng), tôi lại được làm quan lớn. Chẳng cần mô tả nhiều chắc bạn cũng hình dung ra về sự uy quyền và sung sướng của tôi.

Mà khổ, sướng quá thì thường sinh tật. Trừ những ai có nguyện lực sâu dày thôi, chứ hầu hết khi hưởng phước báo nhiều thì con người ta dễ dàng trở nên ích kỉ, tham lam, kiêu căng, ác độc…

Sẵn quyền lực trong tay, tôi tha hồ muốn làm gì thì làm. Trong phủ của tôi, ngoài thê thiếp ra, còn có rất nhiều a hoàn, nữ tỳ xinh đẹp. Tôi thì lại háo sắc, thế nên tôi đã nhiều lần cưỡng hiếp các cô nữ tỳ trong phủ, tổng cộng là 5 cô.

Họ chịu ấm ức, tủi nhục trong lòng, mà chẳng biết thưa với ai. Ai sẽ cho họ công bằng, khi mà kẻ hãm hại họ là con tể tướng, là thân thích với vua ? Thế nên 5 cô nữ tỳ đành nuốt hận vào tim, chỉ biết câm lặng nguyền rủa tôi mà thôi.

Nhưng mà vũ trụ tự có sự công bằng của vũ trụ, sự công bằng ấy mang tên là luật nhân quả, và cái luật nhân quả này thì cực kỳ thẳng thừng và khốc liệt. Có thể phải chờ lâu, nhưng chắc chắn quả báo sẽ tới, kẻ cưỡng hiếp sẽ phải bị cưỡng hiếp, đó là luật.

Hình ảnh thay đổi, và tôi thấy kiếp sau đó hiện ra. Tôi đầu thai làm một cô bé nhà nghèo. Phước báo được làm thân nam, được làm quan làm tướng, có uy quyền, có giàu sang phú quý…đã hết sạch.

Do tôi phá quá mà, có phước báo quyền lực, tài sản trong tay, không chịu đem làm việc thiện, lại sa đọa trong tội lỗi, thì phước báo sẽ hết sạch, kèm thêm những quả báo khốc liệt chờ đón, đó là quy luật.

Năm tôi- tức cô bé nhà nghèo đó lên 12 tuổi, mẹ tôi chết. Không bao lâu sau tôi bị chính cha ruột cưỡng hiếp, ông ta hành hạ tôi đủ kiểu cứ như thể tôi là kẻ thù vậy.

Rồi cuối cùng, ông ta bán tôi vào lầu xanh, lấy tiền tiêu xài. Cuộc đời tôi cứ tàn tạ, chết dần chết mòn trong chốn thanh lâu đầy tủi nhục.

Cứ thế liên tiếp 5 kiếp liền, kịch bản giống hệt nhau, tôi sinh làm con gái nhà nghèo, 12 tuổi mẹ chết, cha ruột cưỡng hiếp rồi bán vào lầu xanh, bị người đời giày vò và khinh bỉ.

Chắc không nói bạn cũng đoán được nhân quả đã an bài như thế nào với tôi. Đúng vậy, 5 cô nữ tỳ bị tôi cưỡng hiếp khi làm con tể tướng, đã đầu thai lại làm 5 người cha trong 5 kiếp liên tiếp sau đó.

Họ đã trả thù tôi bằng cách cưỡng hiếp tôi rồi bán vào lầu xanh lấy tiền.

Nếu chỉ nhìn sự việc hạn hẹp trong mỗi kiếp đó, như cách những kẻ thiển cận vẫn nghĩ, người ta sẽ lên án 5 người cha ấy là những kẻ táng tận lương tâm, là đồi bại, là vô nhân tính, rồi than trời trách đất đủ kiểu.

Nhưng khi nhìn nhận sự việc một cách tổng thể nhiều kiếp sống, một tầm nhìn xa, xuyên suốt luân hồi đầy trí tuệ, ta thấy được vũ trụ luôn tuân theo quy luật công bằng của nó, một sự công bằng thẳng thừng, đầy khắc nghiệt, và chúng ta gọi đó là quy luật Nhân Quả Nghiệp Báo.

Có thể nhiều người không thích cái cách mà luật nhân quả vận hành, hoặc chê là luật nhân quả sao lâu quá, sao không cho quả báo trong một kiếp luôn đi. Hay cảm thấy kinh sợ vì độ khốc liệt của nó.v.v… Rồi lại tự đặt ra đủ các câu hỏi “ nếu như”, “ giá mà”…

Còn tôi, với tư cách vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ, chỉ là đổi vai sau mỗi lần chuyển kiếp, tôi nhận ra luật nhân quả, vốn là một quy luật khách quan của vũ trụ, chẳng phải do ai tạo ra để mà than vãn, mà trách cứ được. Chúng ta sống trong vũ trụ ấy, thì phải tuân theo quy luật, thế thôi.

Giống như mặt trời trời mọc ở hướng đông, lặn ở hướng tây, tỏa nắng trên Trái Đất, chỗ nhiều nắng quá thì thành sa mạc nóng bức, chỗ ít nắng quá thì đóng băng lạnh giá.

Đấy là quy luật tự nhiên, đã sống trên trái đất, thích hay không thích cũng phải chịu, chỉ có kẻ ngu mới đi kiện mặt trời vì cái tội làm chỗ nóng, chỗ lạnh như vậy.

Đối với các quy luật tự nhiên, chúng ta chỉ có thể tìm hiểu kĩ lưỡng, hiểu rõ quy luật vận hành và thích nghi, như các nhà khoa học vẫn làm. Còn bạn, bạn muốn làm một kẻ than vãn, oán trách quy luật tự nhiên, hay muốn làm một người hiểu rõ quy luật tự nhiên và thích nghi, cái đó tùy bạn chọn lựa.

Trở lại với câu chuyện, năm kiếp liền tôi chịu quả báo thê thảm. Ở tiếp thứ năm, tôi đã đầu thai sang Việt Nam. Giống 4 kiếp trước, 12 tuổi thì mẹ chết, cha ruột cưỡng hiếp rồi bán vào lầu xanh.

Gần chỗ lầu xanh ấy, có một ngôi chùa do một Ni sư trụ trì. Do tôi có duyên với Phật pháp từ nhiều kiếp ( có thể do nhân cúng dường nhà sư trước khi chết), nhìn thấy chùa là lập tức sinh tâm cung kính, mến mộ.

Ngoài những lúc phải tiếp khách, khi rảnh rỗi, tôi thường leo lên núi, đi tìm hái những cây thuốc. Công việc ấy ấy rất vất vả và nguy hiểm. Rắn rết thì khắp nơi, lại hay phải cheo leo trên những vách đá hiểm trở, nhưng một khi tôi đã quyết tâm thì không gì cản được.

Hái được thuốc rồi thì đem về bán cho các các hiệu thuốc đông y, cũng chả được bao nhiêu tiền, gom góp nhiều lần cũng chỉ được vài đồng bạc lẻ.

Tôi đến trước chùa, muốn vào trong để đem tiền bán thuốc cúng dường Tam Bảo, nhưng nghĩ mình thân thể ô nhục, tôi không dám bước vào mà chỉ đứng mãi ở cổng chùa. May gặp lúc sư cô trụ trì đi ngang, thấy tôi cứ đứng mãi đó nên lại gần hỏi chuyện:

– Sao con không vào chùa mà cứ đứng mãi đây ?

Tôi vừa nói, mà nước mắt cứ rơi lã chã, kể lại hết sự tình từ bé đến giờ. Kể xong tôi khẩn khoản :

– Con xin sư cô hãy đem số tiền này vào cúng dường Tam Bảo, và khấn với đức Phật giúp con, đây là tiền mồ hôi do con lao động chân chính mà có để cúng dường, xin chư Phật chứng minh.

Sư cô nghe tôi nói xong thì cũng cảm động muốn rớt nước mắt, sư cô ôm tôi vào lòng mà nói :

– Chư Phật nhận cái tâm của con, chứ người đâu có dùng đến những phẩm vật. Đồng tiền này Phật sẽ chứng, con yên tâm.

Vài hôm sau, tôi lâm trọng bệnh. Mụ tú bà chẳng thèm quan tâm chữa trị gì cho tôi cả, nghĩ rằng tôi sắp chết, chẳng còn giá trị sử dụng gì, nên cho người quăng tôi ra đống rác như một món phế thải.

May sao gặp lúc sư cô hôm trước đi cầu siêu ở làng kế bên, trên đường về đi ngang qua đống rác chỗ tôi nằm. Thấy tôi như vậy sư cô liền đem về chùa, tìm cách thuốc thang chữa trị đến khi khỏi hẳn.

Sư cô cho tôi trú ngụ ở một cái chòi cất sau chùa, ở cùng với tôi còn có hai cô gái ăn xin khác, cũng là sư cô thương tình cho ở nhờ trong chùa, không phải lang thang vất vưởng ngoài đường.

Hai cô ăn xin ấy, giờ tôi tạm đặt tên cho dễ gọi (chứ kì thực tôi không nhớ kiếp trước họ tên gì) một cô tên An, một cô tên Bảo, cũng trạc tuổi tôi. An thì thương tôi hơn, đi xin được cái gì ngon thì đều về chia cho tôi ăn cùng. Đã vậy lại còn hay chăm sóc tôi tận tình, bón cơm, đút thuốc, giặt giũ quần áo… giúp tôi khi tôi còn chưa khỏi bệnh.

Còn Bảo thì chỉ vui vẻ ngoài miệng thôi, chứ không giúp tôi gì cả. Đến khi tôi bình phục, thì họ trở thành hai người bạn thân của tôi.

Một hôm vào buổi trưa, cả 3 ngồi trong chòi ăn trái cây, chuyện trò tán dóc. Bảo nhìn tôi rồi buột miệng nói:

– Nhìn cô đẹp như vậy, cô mà làm đàn ông, thì tôi sẽ chấp nhận làm vợ, có con thì tôi sẽ tự nuôi.

Thực ra đây chỉ là câu nói đùa, luyên thuyên giết thời gian cho vui. An nghe thế cũng cao hứng thêm vào :

– Ừ, nếu cô mà là con trai, tôi cũng sẽ làm vợ cô, con tôi cũng sẽ tự nuôi, không buồn bực gì cô.

Mấy câu nói giỡn chơi, tưởng chừng như vô thưởng vô phạt, giống bao câu nói đùa vốn luôn đầy rẫy trong cuộc sống, ấy thế mà nhân quả không thể bỏ sót.

Bọn tôi nói rồi quên, nhưng nghiệp báo lại chẳng hề quên, vẫn lặng lẽ an bài cho những kiếp sau từ những câu nói đùa ấy. Cụ thể như thế nào, đến cuối truyện bạn sẽ rõ.

Lại kể thêm, hồi đấy có một cô Phật tử hay đến chùa thắp hương lễ bái. Cô ta tên Cúc, nhà thì cũng chẳng khá giả gì, ấy vậy mà tính nết kiêu kỳ, khinh bỉ mấy kẻ nghèo hèn chúng tôi ra mặt. Dạng người này tôi cũng chẳng ưa tiếp xúc gần.

Xong ‘cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng’, hôm đó cô Cúc đi chùa, dẫn theo cậu em trai. Cậu này trông thấy tôi nhan sắc yêu kiều, mắt cứ dán chặt vào tôi mà nhìn say đắm, thấy tôi ở đâu là cứ lẽo đẽo bám theo.

Cô chị – tức là Cúc thấy vậy thì gai mắt. Xông đến kéo cậu em mình lại, tiện thể chỉ vào mặt tôi mà nguyền rủa:

– Nhà ngươi hết cái kiếp này cũng đừng mong lấy được chồng. Mà có lấy được chồng, thì người ta cũng chỉ chơi cho có con, rồi bỏ đó trong nuôi mà thôi.

Nói xong Cúc còn liếc tôi với ánh mắt đầy mỉa mai rồi quay lưng kéo cậu em đi. Không dưng lại bị người ta nguyền rủa một cách vô lý như vậy, tôi giận tím người, ánh mắt tóe lửa, nhìn theo bóng cô ta đầy căm hận.

Kiếp đó tôi cũng không sống thọ, một thời gian sau, tôi lại lâm bạo bệnh rồi qua đời.

Đến đây thì tôi tỉnh dậy, bồi hồi nhớ lại, tôi thấy mọi việc còn rõ in như đang ở trước mắt. Trầm ngâm thật lâu, xâu chuỗi mọi việc, tôi chợt kinh nhạc nhận ra, những kiếp trước ấy liên hệ chặt chẽ đến kiếp này của tôi như thế nào.

Kiếp trước tôi gắng sức lên núi hái thuốc, lấy tiền ấy thành tâm cúng dường Tam Bảo. Nhờ phước đó, những nghiệp chướng thủa xưa được tiêu trừ.

Kiếp này tôi sinh làm đàn ông, lớn lên trong gia đình Phật tử. Từ thời còn trẻ đã làm đâu trúng đó, tiền bạc dư giả. Và cho đến tận bây giờ, sự nghiệp tôi luôn thuận buồm xuôi gió, làm ăn phát đạt.

Kiếp này tôi lấy đến ba cô vợ. Cô vợ thứ nhất quê ở Tiền Giang, chính là cô gái ăn xin tên Bảo, do kiếp trước nói đùa, buột miệng rằng: “Nhìn cô đẹp như vậy, cô mà làm đàn ông, thì tôi sẽ chấp nhận làm vợ, có con thì tôi sẽ tự nuôi.”

Nói thế thôi mà giờ thành vợ thật, ây luật nhân quả thật không phải thứ giỡn chơi được. Ngẫm lại cả đời tôi tuôn ra không biết bao nhiêu câu nói đùa như vậy, lại đầy những câu nguy hiểm… Chết thật, sau này theo Nghiệp lực nhân quả đều sẽ thành hiện thực hết. Nghĩ đến đây mà toát hết cả mồ hôi, từ giờ nói năng phải cẩn thận mới được.

Sau này tôi với cô vợ đầu tình cảm nguội lạnh dần, rồi ly hôn. Đó là vì kiếp trước, tôi không nợ ân nghĩa của cô ta nhiều. Con thì cô ấy nhận nuôi, xong tôi thỉnh thoảng vẫn gửi tiền về chu cấp.

Cô vợ thứ hai, quê ở Trà Vinh, thật là oan gia ngõ hẹp, chính là Cúc – cô Phật tử kiêu kỳ, từng nguyền rủa tôi “có lấy được chồng, thì người ta cũng chỉ chơi cho có con, rồi bỏ đó trong nuôi mà thôi.”

Tôi lấy cô ta về, hễ cô ta mở miệng nói câu gì, là kỳ lạ lắm, tôi liền nổi nóng, chửi mắng thậm tệ, chửi cho cô ta “tắt bếp” mới thôi. Gia đình tôi khi đó không khác chi cái địa ngục, cả năm chẳng được mấy ngày trôi qua yên bình. Đó là vì nhân duyên kiếp trước, oán hận nhau, nguyền rủa nhau mà kết thành ác duyên.

Trong khi thiện duyên khiến người ta hội ngộ với nhau trong vui vẻ, thân ái. Thì ác duyên, cũng có thể khiến người ta đến với nhau, thậm chí làm vợ chồng, làm người thân trong nhà, nhưng sẽ toàn là những mâu thuẫn, những cãi vã, oán hận nhau, cho đến khi hết duyên, hết nợ mới rời xa ra được.

Đó là nỗi khổ mà trong kinh Phật gọi là Oán Tắng Hội – ghét bỏ mà cứ phải gặp.

Cuộc hôn nhân đầy tiếng chửi bới ấy nhanh chóng kết thúc. Tôi lại li dị, con cô ta nhận nuôi. Sau đó cô ta cắt liên lạc, tôi muốn gửi tiền chu cấp cũng không biết gửi đường nào.

Nhân quả có một điều rằng, chửi mắng người ta như thế nào, chính mình sẽ bị như thế đó. Và cô ta đã nhận được đúng những gì cô ta nguyền rủa người khác trong tiền kiếp.

Tôi lấy người vợ thứ ba, quê ở Mỹ Tho, chính là An đầu thai. Giống như Bảo, trong lúc đùa vui, An cũng nói : “Nếu cô mà là con trai, tôi cũng sẽ làm vợ cô.”

Câu nói ấy là nhân, mà kiếp này cô ấy thành vợ của tôi là quả. Nhân quả như bóng theo hình không sai chạy. Hơn nữa An kiếp trước chăm sóc tôi rất nhiều, nên tôi mang nợ cô ấy. Giờ thành vợ chồng, thì tôi thương cô ấy, chăm lo cho cô ấy nhiều hơn hết. Ngay cả khi cô ấy nổi nóng nó chửi tôi, thì tôi cũng chỉ cười xòa, chẳng hề cáu giận. Tôi luôn là người chiều chuộng, quan tâm, lo lắng cho cô ấy đủ điều, thế nên gia đình cũng yên ấm đến giờ.

Hồi còn trai trẻ, tôi đi qua biết bao nhiêu cuộc tình, với người nào, tôi cũng có cảm giác như đã quen từ lâu. Tôi với họ gặp nhau, yêu đương, ân ái, rồi nhanh chóng chia tay. Giờ thì tôi đã biết, những cô bạn gái ấy, chính là những khách làng chơi, đã qua đêm với tôi trong năm kiếp làm làm gái lầu xanh.

Suốt nhiều kiếp của tôi đều có dính líu liên quan đến ái dục, không cưỡng hiếp thì lại làm gái lầu xanh, tạo thành một thói quen xấu thâm căn cố đế, Phật pháp gọi là tập khí. Chẳng trách tôi lại nặng về ái dục đến như vậy.

Giờ thì mọi khúc mắc của tôi đều đã được giải đáp. Chung quy đều là do luật nhân quả sắp xếp một cách chính xác từ chính những việc tôi đã làm trong trong các kiếp quá khứ.

Kiếp kiếp nối nhau đảo qua, lộn lại. Khi thì tạo phước, rồi hưởng phước. Trong khi hưởng phước thì bản ngã bốc khởi, tạo ra nhiều tội, rồi lại chịu quả báo, thành một chuỗi vòng lặp bất tận, nối nhau vô số kiếp dài dằng dặc.

Nhưng mà để làm cái gì ? Luân hồi nhiều kiếp như thế rốt cuộc tôi thu nhặt được những gì?

KHÔNG GÌ CẢ !

Sinh mạng, tiền tài, danh vọng, quyền uy, nhan sắc, sức khỏe… chết rồi đầu thai một cái, là tan thành khói bụi. Kể cả phước báo, hay nghiệp chướng, người ta hay nói là có thể đem theo qua kiếp sau. Nhưng rồi sao, qua nhiều kiếp thì nó cũng hết thôi.

Mọi thứ sẽ tan biến hết không chừa lại gì, giống như trẻ con xây lâu đài trên cát, mỗi đợt sóng thủy triều lên sẽ cào bằng tất cả. Đời là vô thường.

À, đúng rồi, có một thứ trường tồn lâu dài, đó là đau khổ. Không cần biết sinh ra ở đâu, thân phận ra sao, kiếp nào cũng đầy những sinh – lão- bệnh- tử, vui thì chóng qua, buồn thì mau đến, cạm bẫy cám dỗ thì giăng đầy, chết được sinh thiên thì khó, chứ vào địa ngục thì liên tục.

Cái luân hồi này thật là khắc nghiệt, chẳng thế mà đức Phật dạy, cần phải tu hành để thoát khỏi luân hồi sinh tử sao ?

Bây giờ thì tôi mới nhận ra, thâm ý sâu xa của Phật pháp, không phải như người đời vẫn tưởng, đạo Phật là để người ta đến xì xụp khấn vái, cầu tài cầu lộc, cầu bình an, hay cầu siêu thoát… những cái đó chỉ là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh tìm về gieo duyên với Phật.

Còn mục đích thực sự của Phật pháp, là giúp chúng sinh giải thoát khỏi luân hồi, vĩnh viễn không còn sinh lão bệnh tử khổ đau muôn kiếp nữa.

Thật là sâu xa, thật là vi diệu, thật may mắn cho tôi vì từ nay tôi đã ngộ ra được chân lý ấy, mà dần buông bỏ, mà dần tu tập hướng đến Giải Thoát.

Nhưng thật tiếc thay, ngoài dòng đời rộng lớn, bao la người với người kia, sẽ có mấy ai có thể hiểu được. Cứ mãi chìm sâu trong dục vọng mà trầm luân sinh tử, khổ đau muôn kiếp, chẳng biết đến bao giờ mới tìm đường thoát ra ?

(Quang Tử, viết lại từ lời kể của Thoi Phánh)