NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

KẾT ĐÔI KHÔNG RỜI

Lúc trận đại hồng thủy đang cuồn cuộn dâng cao sắp nhấn chìm địa cầu báo hiệu ngày tận thế… thì các loài có đôi có cặp nhanh nhẩu chạy ra bến cảng, phóng lên thuyền tị nạn.

Thiện thấy nước dâng nhanh, cũng vội vội vàng vàng, chạy đến bên thuyền nhưng lại bị trên thuyền cự tuyệt bảo:

– Theo qui định, ai có đôi có cặp mới được lên thuyền này, mới có khả năng lưu truyền cháu con đông đúc được.

Thiện nghe vậy đành quay lại, chạy vào thị trấn tìm đối tượng sánh đôi với mình.

Nhưng thiệt là khó khăn, đi rả chân, tìm mỏi mắt mà chẳng kiếm được ai, thấy Ác cũng đang sốt vó kiếm bạn kết đôi để được phép lên thuyền. Hai kẻ cô đơn gặp nhau, mừng rỡ cùng bắt cặp và kéo nhau chạy như bay lên thuyền.

Khi họ vừa đặt chân lên thuyền, cả hai cùng kinh ngạc rú lên:

– Ôi! Trời ơi!

Vì ngồi trong thuyền là từng đôi lứa tương phản y hệt họ: Đẹp và xấu, Tốt với Tồi, Phải và Trái, Tình Yêu và Thù Hận, Hoan Hỉ và Rầu Lo, Vui với Khóc, Ưa và Ghét, May và Rủi, Sung Sướng và Khổ Đau… đồng kết thành cặp để chạy qua thế giới mai hậu.

Vì lý do này, bất kể là đã trải qua bao nhiêu cuộc biển dâu, bao lần thành hoại của thế giới… Các cặp thuyền viên tị nạn này vẫn sống dai nhách và lưu truyền con cháu đông đúc theo một qui luật bất di bất dịch là: – ở đâu có thiện thì ở đó có ác, có may thì có rủi, phúc họa vĩnh viễn chung đôi… Cứ thế mà các cặp theo sát nhau bền bĩ, từ ngàn xưa cho đến ngày nay, không hề lìa xa trên thế giới này.

(Kể theo “Đột Phá Khổn Cảnh” của Lâm Thanh Huyền)

BÌNH:

Trong thế giới chúng ta cư ngụ chẳng bao giờ ban tặng cho chúng ta một hoàn cảnh thuần thiện, tốt đẹp. Chúng ta gặp may thì có rủi, có nụ cười là có nước mắt. Những cặp tương phản này luôn có mặt suốt quá trình đời sống chúng ta, góp phần thử thách và mài luyện chúng ta.

Nếu vượt qua được những trắc trở, những gian nan và thắng lướt được chúng, ta sẽ hiểu rõ qui luật cuộc đời, sẽ có lòng cảm thông, bao dung. Nếu ta yếu đuối, đầu hàng cảnh khổ bằng nhũng ý niệm chán chường, tuyệt vọng, ích kỷ… là ta tự hủy diệt mình. Ta khổ nhiều là cũng do ý niệm ích kỷ. Khi đang hạnh phúc, ít khi ta nhận ra mình hạnh phúc, chỉ khi mất nó, dối diện với khổ đau ta mới biết mình đã từng hạnh phúc. Cảnh khổ làm ta đau, nhưng nó dạy ta rất nhiều, nó giúp ta trưởng thành, giúp ta biết mở lòng ra, nâng đỡ người. Nếu thuận cảnh làm ta ngủ quên vì quá được nuông chiu, thì nghịch cảnh sẽ làm ta thức tỉnh, giúp ta bộc phát trí tuệ, vượt qua trở ngại và phát tiết tài hoa.

Nếu cứ khăng khăng đòi sống ở nhân gian phải có toàn vui, phải có toàn là hạnh phúc, thì ta sẽ thất vọng và thấm thìa khổ đế “Cầu bất như ý”.

Dữ làm khổ Hiền, nhưng Dữ cũng làm nổi bật và nâng cao giá trị Hiền lên. Các cặp đối đãi khác cũng có tác dụng tương tự vậy, vừa tương phản vừa hổ tương nhau. (Giống như ta muốn người thấy mình trắng thì phải đứng gần người đen hơn mình, muốn được người khen trẻ thì phải đứng gần các bậc tuổi tác gấp hai gấp ba mình vậy). Cõi người này có đủ khổ vui, các cặp đối đãi luôn theo sát nhau không rời, cùng xuất hiện để mài giũa, rèn luyện… giúp ta hoàn thiện mình tốt đẹp hơn. Đây là lý do tại sao Phật khuyên “Muốn tu thành thì phải vào cõi người”. Ngài luôn xác nhận “Cõi người là môi trường tu tập tốt nhất”.

Ta hãy nhìn những cây đại thọ cao ngất, tàng lá xum xuê. Sở dĩ chúng lớn lên, vững vàng, mạnh mẽ, là nhờ chúng giỏi chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của cuộc đời. Còn nhũng cây không giỏi chịu nắng mưa, không đối đầu nổi với phong ba bão táp thường rất èo uột, yếu đuối, khó thọ… Nếu hoàn cảnh khắc nghiệt tạo nên thiên tài thì nó cũng tạo nên những cây cổ thụ hùng vĩ. Cây đứng sừng sững giữa trời, ngày qua ngày hấp thụ ánh nắng; ngủ với sương đêm, trân mình hứng chịu phong vũ; đón tiếp bốn mùa, bất kể xuân, hạ, thu, đông…

Vượt qua được sự trui rèn toàn diện như thế nên cây mới mạnh mẽ, xum xuê và trở thành đại thụ hùng vĩ che mát nhân gian, tô đẹp và giúp ích cho đời.

Con người cũng giống vậy.