KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Trí Nghiêm

 

HỘI THỨ SÁU

XVI. PHẨM TÁN THÁN

(Giữa quyển 573)

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính bạch Phật:

– Công đức của Như Lai thật là hiếm có, không gì sánh bằng, không thể nghĩ bàn. Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều không có gì khác. Nếu được thấy Như Lai hoặc nghe công đức của Ngài thì loài hữu tình này cũng khó nghĩ bàn. Lại một lần nữa, hôm nay con được thấy Phật chuyển xe pháp lớn, thật là điều chưa từng có, nên hân hoan vui mừng.

Nói lời này rồi, Đại Bồ-tát liền bay lên hư không cao bảy cây Đa-la, chấp tay khen:

Tất cả loài hữu tình,
Chỉ Phật là tối tôn.
Không có ai sánh bằng,
Huống lại có người hơn.
Ngã và pháp đều Không,
Diệu lý Vô đẳng đẳng.
Chỉ Phật Thế Tôn ta,
Sánh bằng Vô đẳng đẳng.
Phiền não và tập khí
Ðều hết hẳn không còn,
Biết được tất cả pháp
Đều hoàn toàn rõ ràng,
Hoặc trí hoặc thuyết pháp
Không ai sánh bằng Phật.
Cõi Tam thiên đại thiên,
Chỉ Phật là tối tôn.
Mười lực, vô úy thảy,
Thật có chẳng hư dối.
Ðế thích cùng Phạm vương,
Thảy đều không thể bằng.
Đại ân đức Thế Tôn,
Thấm khắp các hữu tình.
Việc này khó nghĩ bàn,
Nhất định không ai bằng
Thường đem tuệ vi diệu
Và phương tiện thiện xảo,
Giáo hóa các hữu tình,
Khiến đều được lợi vui.

Khi ấy, trong hội có một Thiên tử tên là Diệu Sắc, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay hướng Phật, dùng kệ khen:

Có kẻ nói thế gian ngang Phật,
Lời ấy là hư dối chẳng thật.
Nếu nói Pháp vương rất tối tôn,
Lời này là chắc thật chẳng dối.
Những hàng trời người đang vấn nạn,
Không ai bẻ được Đại sư ta.
Thiện Thệ hàng ma dẹp ngoại đạo,
Dẫn dắt thế gian đến giải thoát.
Bốn biện thanh tịnh nói không cùng,
Thuốc diệu cam lồ ban hữu tình.
Quán khắp các pháp trí vô ngại,
Tất cả sát-na chẳng giảm mất.
Bình đẳng đại bi xem hữu tình,
Tâm luôn thanh tịnh, đời chẳng nhiễm.
Biết rõ hoàn toàn căn, dục, tánh,
Tùy sự thích nghe mà ứng nói.
Phiền não khác nhau chẳng phải một,
Chỉ bày vô lượng môn đối trị.
Duy Phật khéo nói nhân duyên kia,
Luôn vì lợi lạc chúng hữu tình.
Gặp Phật nghe pháp chẳng chứng Thánh,
Hữu tình như thế thật khó độ.
Ðại danh Như Lai phải khát ngưỡng,
Kẻ nào được thấy lợi vô hạn.
Phật trí luôn làm tâm thanh tịnh,
Ðược nghe chánh pháp khỏi sanh tử.
Nghe danh hiệu Phật điềm lành lớn,
Thường niệm Thế Tôn luôn hỷ lạc.
Phát tâm hướng Phật sanh trí tuệ,
Như lời dạy tu thành chủng trí.
Giới phẩm thanh tịnh không bẩn đục.
Tĩnh lự đệ nhất, tâm bừng sáng.
Trí tuệ tối thắng khó khuynh động,
Biển pháp thanh tịnh như cam lồ.
Tất cả hữu tình ưa buông lung.
Chư Phật chuyên tinh, lìa thế gian.
Thương yêu hữu tình như con một,
Ơn đức sâu dày không đền được.
Trước nói pháp phá giặc phiền não,
Sau dẹp thiên ma quân huyễn hóa.
Thế Tôn đã nói lỗi ba cõi,
Rộng bày vô lượng đức Niết-bàn,
Trăm ngàn đại kiếp khó được nghe,
Nên nay con chí thành tán lễ.

Bấy giờ, trong hội có một vị Thiên tử tên là Thiện Danh, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay hướng về Phật dùng kệ khen:

Như Lai bình đẳng hành đại từ,
Nếu có thể dùng trí độ người.
Đề-bà-đạt-đa được độ trước,
Huống gì đối với hữu tình khác.
Nay tôi chẳng muốn để luống qua,
Tu trì đại hạnh đền ơn Phật.
Nếu chỉ tự chứng Diệt vô lậu,
Đối ơn Phật kia chưa đền được.
Nếu có tu hành như Phật dạy,
Mới được gọi là chơn Phật tử.
Phật chịu khổ lâu vì hữu tình.
Ơn lớn vô thượng khó trả được.
Ðại từ khai rõ chơn diệu pháp,
Khiến chúng tự tu và độ người.
Nếu Phật chẳng hiện ở thế gian,
Tất cả hữu tình chịu khổ lớn,
Chỉ có ác thú không trời, người,
Nghe toàn các thứ âm thanh khổ.
Chịu khổ các cõi không ai khỏi,
Do vì phiền não buộc hữu tình.
Phật muốn cởi bỏ các gút độc,
Ngược lại buộc bằng dây đại bi.
Như Lai ruộng phước lớn của đời,
Nương pháp chánh tu lìa ác thú.
Nếu trái lời Phật chẳng tu hành,
Nhất định chẳng được sanh trời, người.
Nếu ai ác tâm với đức Phật,
Hoặc chẳng ưa nghe pháp thâm sâu,
Thì hữu tình này thật đáng thương,
Quyết định ở mãi chỗ tối tăm.
Như Phật Thế Tôn trí tự biết,
Loài kia Như Lai mới hiểu rõ.
Trí Phật chẳng phải để so lường,
Cúi đầu đảnh lễ mười phương Phật,
Vô úy, trí, lực, pháp bất cộng,
Chỉ Phật Thế Tôn có đầy đủ.
Tướng hảo trang nghiêm, hương vi diệu,
Người xem không chán, vượt các sắc.
Ba môn khai mở chẳng tạm dứt.
Hoa Phật thanh tịnh, nay tôi lễ.
Duy Phật hiểu đúng Vô thượng giác,
Vĩnh viễn ra khỏi các hiểm nạn.
Phật là đệ nhất bậc Vô thượng,
Cúi đầu quy mạng đấng Lưỡng túc.
Phật đem công đức nước chánh pháp,
Rửa trừ sạch hết các uế bẩn.
Thế Tôn xưa nay sạch trong ngoài,
Tôi nay đảnh lễ thân chơn tịnh.

Lúc này, đại Phạm vương chủ cõi Kham Nhẫn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay hướng Phật, dùng kệ khen:

Như Lai đầy đủ thắng phước tuệ,
Lợi lạc hữu tình chẳng tạm ngưng,
Thường rưới cam lồ cứu đói khát.
Tôi nay cúi đầu làm lợi người.
Thế gian Người khả kính hơn hết.
Tất cả loài kia đến cúng Phật,
Đầy đủ các thiện, hết các ác.
Tôi nay kính lạy bậc Vô đẳng.
Vì muốn cứu vớt các hữu tình,
Chẳng còn hạnh nào không tu học.
Vượt khỏi sanh tử được an vui.
Ta nay đảnh lễ đấng cứu thế,
Lễ lạy thân sắc vàng vi diệu,
Lễ lạy bậc thuyết pháp cam lồ,
Lễ lạy trí thanh tịnh không bẩn,
Lễ lạy tất cả rừng công đức.

Bấy giờ, Phật bảo đại Phạm thiên vương:

– Lành thay! Lành thay! Như điều ông khen Như Lai là thật chẳng phải hư dối. Vì sao? Vì trong vô lượng kiếp, chư Phật Thế Tôn đã tu tập nhiều loại phước đức trí tuệ, do đó quả vị hoàn toàn đầy đủ. Vì sao? Vì Như Lai đầy đủ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ba nghiệp thân, ngữ, ý đều thanh tịnh, nên thông suốt được chơn như thật tế, vì trụ thật tế nên nói ra điều gì chẳng hư dối.

Khi ấy, đại Phạm thiên vương đảnh lễ chân Phật, chấp tay cung kính, bạch Phật:

– Cúi xin Thế Tôn dùng năng lực thần thông làm cho Bát-nhã ba-la-mật-đa này trụ lâu ở thế gian để làm lợi lạc cho tất cả.

Phật bảo đại Phạm thiên vương:

– Tất cả Như Lai trong mười phương ba đời đều dùng đại thần thông, cùng chung hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu để trụ lâu ở thế gian, làm lợi lạc cho tất cả. Thiên ma, Phạm chí, ngoại đạo, Sa-môn đều không thể phá diệt và gây trở ngại. Vì sao? Vì Ta nhớ quá khứ có Phật tên là Bảo Nguyệt Như Lai, đầy đủ mười hiệu. Nước tên Vô Hủy, kiếp tên Hỷ Tán. Phật kia có hai đệ tử Bí-sô làm đại pháp sư, khéo thuyết giáo pháp thâm sâu. Một tên là Trí Thịnh, hai tên là Ðế Thọ, thường theo Phật kia chuyển xe chánh pháp. Trải qua một kiếp tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này, có trăm ngàn ức chúng ma cõi Tam thiên đại thiên đều được giáo hóa phát tâm Bồ-đề. Vì thế nên các Thiên ma không có sức phá diệt và cản trở.

Đại Bồ-tát Tịch Tĩnh Tuệ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bảo Nguyệt Như Lai trụ ở chỗ nào? Vẫn còn trụ ở đời hay đã nhập Niết-bàn rồi?

Thế Tôn bảo Tịch Tĩnh Tuệ:

– Thiện nam tử! Cách phương Ðông hơn mười ngàn ức thế giới chư Phật, đã từng có thế giới tên là Vô Hủy. Trong thế giới ấy, Như Lai thọ một vạn kiếp. Ở thế giới ấy, Phật thường thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Các Thiên ma và ngoại đạo v.v… không thể làm chướng ngại kinh điển này và đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Bí-sô Trí Thịnh nay chính là Mạn-thù-thất-lợi. Bí-sô Ðế Thọ nay là Thiên vương Tối Thắng. Hai vị Bồ-tát này đã dùng các phương tiện thiện xảo ủng hộ Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, làm cho trụ lâu ở đời. Mười phương cõi Phật nếu có thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này thì hai vị Bồ-tát ấy liền đến nghe nhận. Như ngày nay, Ta thuyết pháp môn này, phóng đại quang minh, tìm theo ánh quang minh đến đây vân tập.