NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch

Mất Chỗ Nào Thì Tìm Chỗ Ðó

Giảng tại Hoa Nghiêm Tự ngày 10/6/88

Mất chỗ nào thì đến chỗ đó tìm, rách chỗ nào thì vá chỗ đó. Con người qua những lúc túng thiếu nghèo cùng, thì tiết chế cần kiệm để duy trì sinh hoạt, người thế tục thì như thế, nhưng chúng ta là người học Phật pháp xuất thế cũng phải minh bạch đạo lý thế gian, nếu bạn minh bạch pháp thế gian thì cũng minh bạch Phật pháp. Nếu bạn không hiểu đạo lý thế gian thì pháp xuất thế bạn cũng hồ đồ, cho nên:”Phật pháp không rời thế gian pháp”. Chúng ta tại thế giới này đã mất đi, mất đi rất nhiều, đời đời kiếp kiếp đánh mất đi vật vô cùng quý giá, tức nhiên mất đi từ chỗ này thì phải tìm nó trở lại, tức phải duy trì thân thể này kiện khang, vì thân thể này mất đi vật quý giá quá nhiều, cho nên mới sinh ra rất nhiều thứ bệnh. Nếu trong tự tính rỉ ra chất “hỏa dược” thì tự tính chúng ta biến thành ngu si vì trong tự tính của chúng ta vốn là “Trí huệ hỏa”.

Hỏa dược là gì? Là sự nóng giận, là sự vô minh phiền não của con người, ngày xưa người Trung Hoa gọi là “Ðại thương dược”, cũng gọi là “Dương pháo”, đây là thứ mà chúng ta không nên phóng vào bên trong “Dương pháo”, vì nó sẽ rỉ ra trong tự tính, rỉ ra trong trí huệ, cho nên khiến cho trí huệ bị che mất. Chúng ta ở trong vô minh phiền não, đây là nơi đã mất đi rất nhiều, cho nên phải tiêu diệt “Hỏa dược vô minh phiền não”, khiến cho “Hỏa dược” tiêu sạch, thì trí huệ hỏa quang vốn có mới hiện tiền. Ðó gọi là “Mất chỗ nào thì tìm chỗ đó”.

Chúng ta mặc đồ, chỗ nào rách thì vá chỗ đó. Từ vô lượng kiếp đến nay bỏ quên mất tự tính, tự tính ngày càng không được kiện khang, trí huệ ngày càng giảm. Nếu vô minh nhiều thì trí tuệ ít, vô minh ít thì trí tuệ nhiều, cũng giống như cái cân, rất công bình, tơ hào không sai. Vô minh, phiền não, vọng niệm, tham niệm, tà niệm, tà kiến, dục vọng quá nhiều. Chúng ta phải đoạn dục khử ái, mới có thể hồi quang phản chiếu, mới có thể để cho chỗ thọ thương của tự tính khôi phục kiện khang, khôi phục trí huệ. Ðó gọi là “Rách chỗ nào thì vá chỗ đó”.