LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH: PHẨM CHẲNG THOÁI CHUYỂN THỨ 55

KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, do hạnh gì, loại gì, tướng mạo gì, biết đó là Bồ-tát chẳng thoái chuyển?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu Bồ-tát ma-ha-tát biết được địa vị phàm phu, địa vị Thanh văn, địa vị Bích-chi Phật, địa vị Phật; các địa vị ấy trong tướng “như” không hai không khác, cũng chẳng niệm, cũng chẳng phân biệt. Vào trong “như” ấy nghe việc ấy vượt thẳng qua không nghi ngờ, vì sao? Vì trong “như” ấy không có tướng một, tướng hai. Bồ-tát ấy cũng chẳng nói lời vô ích, chỉ nói lời tương ưng với lợi ích, không thấy người khác hay, hay dỡ. Tu-bồ-đề, do hành, loại, tướng mạo ấy biết đó là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, lại do hành, loại, tướng mạo gì, biết đó là Bồ-tát chẳng thoái chuyển?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu hết thảy pháp không có hành, không có loại, không có tướng mạo, nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu hết thảy pháp không có hành, không có loại, không có tướng mạo, thời Bồ-tát thoái chuyển đối với pháp gì, gọi là chẳng thoái chuyển?

Phật dạy: Nếu Bồ-tát chuyển tâm đắm nhiễm sắc, chuyển tâm đắm nhiễm đối với thọ, tưởng, hành, thức, ấy gọi là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát chuyển tâm đắm nhiễm Thí ba-la-mật cho đến chuyển tâm đắm nhiễm Bát-nhã ba-la-mật; chuyển tâm đắm nhiễm nội không, cho đến vô pháp hữu pháp không; chuyển tâm đắm nhiễm bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung; chuyển tâm đắm nhiễm Thanh văn, Bích-chi Phật địa cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển, vì sao? Vì tánh sắc không có, Bồtát ấy trụ ở đâu? Cho đến tánh Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có, Bồ-tát ấy trụ ở đâu?

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát không xem diện mạo ngôn ngữ của ngoại đạo Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, không nghĩ rằng ngoại đạo hoặc sa-môn hoặc bà-la-môn ấy thực biết, thực thấy; nếu nói theo chánh kiến thời không có các việc ấy.

– Lại nữa, Bồ-tát không sanh nghi ngờ, không đắm theo giới thủ, không rơi vào tà kiến, cũng không cầu việc tốt của thế tục cho là thanh tịnh, không lấy hoa hương, anh lạc, phan lọng, kỹ nhạc, lễ bái cúng dường chư thiên. Tu-bồ-đề, do hành loại tướng mạo ấy, nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, vị Bồ-tát chẳng thoái chuyển, thường không sanh vào nhà hạ tiện, cho đến không sanh vào chỗ có tám nạn, thường không thọ thân người nữ. Do hành, loại, tướng mạo ấy nên biết đó là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát thường tu mười thiện đạo, tự mình không sát sanh, không dạy người sát sanh, tán thán việc không sát sanh, hoan hỷ tán thán người không sát sanh; cho đến tự mình không tà kiến, không dạy người tà kiến, cũng không tán thán việc tà kiến, không hoan hỷ tán thán người theo tà kiến. Do các hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát ma-ha-tát cho đến trong mộng cũng không làm mười bất thiện đạo. Do các hành, loại, tướng mạo ấy, nên biết đó là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát vì lợi ích hết thảy chúng sanh nên tu Thí ba-la-mật cho đến vì lợi ích cho hết thảy chúng sanh nên tu Bát-nhã ba-la-mật. Do các hành, loại, tướng mạo ấy nên biết đó là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát có được các pháp như Khế kinh, cho đến luận nghị, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng. Bồ-tát ấy khi pháp thí nghĩ rằng: Nhờ nhân duyên của pháp thí ấy làm mãn nguyện của hết thảy chúng sanh; đem công đức pháp thí ấy cho hết thảy chúng sanh cùng hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do các hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát ma-ha-tát đối với pháp thậm thâm không nghi, không hối.

Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát đối với pháp thậm thâm vì nhân duyên gì nên không nghi, không hối?

Phật dạy: Bồ-tát chẳng thoái chuyển ấy hoàn toàn không thấy có pháp nào hoặc sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thể sanh nghi, không thấy pháp ấy chỗ nào có thể sanh nghi, sanh hối. Do các hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát thân, khẩu, ý nhu nhuyến. Do các hành, loại, tướng mạo nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát do thành tựu thân, khẩu, ý từ ái. Do hành, loại, tướng mạo ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát không cùng với năm triền cái là tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi. Do các hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát không ưa đắm tất cả nơi chỗ. Do hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát ra vào đi lại, nằm, ngồi, đi, ở thường niệm nhất tâm; ra vào đi lại, ngồi, nằm, đi, ở, dỡ chân, để chân, an ổn, thong thả, thường niệm nhất tâm ngó xuống đất mà đi. Do các hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát mặc y phục và các đồ nằm, người ta không chê nhớp, ưa sạch sẽ, ít bệnh tật. Do hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, thường trong thân người, có tám vạn hộ trùng xâm thực, thân Bồ-tát chẳng thoái chuyển, không có loại trùng ấy, vì sao? Vì công đức Bồ-tát vượt quá thế gian. Công đức Bồ-tát ấy tăng ích, tùy theo công đức ấy được thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh. Do hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Làm sao Bồtát được thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh?

Phật dạy: Bồ-tát tùy theo sự có được tăng thêm thiện căn, diệt trừ tâm quanh co tà vạy, ấy gọi là Bồ-tát thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh. Vì thân tâm thanh tịnh nên vượt quá Thanh văn, Bích-chi Phật địa mà vào Bồ-tát địa. Do hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát không quí lợi dưỡng; tuy tu mười hai hạnh đầu đà mà không quí pháp A-lan-nhã (nơi thanh vắng), cho đến không quí việc chỉ mặc ba y. Do hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát thường không sanh tâm xan tham, không sanh tâm phá giới, tâm sân động, tâm giải đãi, tâm tán loạn, tâm ngu si, tâm tật đố. Do hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát tâm an trú bất động, trí tuệ thâm nhập, nhất tâm nghe, lãnh thọ pháp được nghe và việc thế gian đều hợp cùng Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát ấy không thấy tài sản, sự nghiệp gì chẳng vào pháp tánh, hết thảy việc đều thấy hợp cùng Bát-nhã ba-la-mật. Vì nhân duyên ấy nên gọi đó là tướng trạng của Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

LUẬN: Hỏi: Từ trước lại đây nơi nơi đã nói tướng mạo chẳng thoái chuyển, cớ sao nay còn hỏi?

Đáp: Trên kia tuy nơi nơi lược nói, nay muốn nói rộng. Trong đây phần nhiều nói về tướng mạo chẳng thoái chuyển nên gọi là phẩm “chẳng thoái chuyển”. Lại nữa, trên đây giải nói tướng mạo Ba-la-mật, thứ đến nói nhân duyên khiến ma phá hoại Bát-nhã. Nay nói người tín thọ Bát-nhã ba-la-mật là chẳng thoái chuyển, muốn nói tướng mạo nó nên Tu-bồ-đề hỏi.

– Lại nữa, Bồ-tát từ khi mới phát tâm lại đây, vì nhân duyên tu hành, quả báo chứng đắc là chẳng thoái chuyển, được thọ ký chắc chắn sẽ làm Phật. Như người nhận chức tước đã được ấn tín, tâm không còn nghi. Lại như hàng Thanh văn tu các hạnh, đều là bốn quả Sa-môn. Chẳng thoái chuyển là địa vị quyết định an ổn vượt quá phàm phu, không vào Nhị thừa địa, tuy chưa thành Phật đạo có thể làm ruộng phước cho thế gian. Việc ấy vi diệu khó biết được, nên Tu-bồ-đề hỏi tướng mạo nó. Phật vốn khiến Tu-bồ-đề nói Bát-nhã ba-la-mật nên Tu-bồ-đề hỏi Phật địa vị chẳng thoái chuyển. Có hành, loại, tướng mạo gì.

Hỏi: Ba việc ấy có gì sai khác?

Đáp: Có người nói ba việc ấy cùng một nghĩa, do đó biết là chẳng thoái chuyển, chẳng phải chẳng thoái chuyển. Lại có người nói: HÀNH là thân, khẩu, ý, nghiệp của Bồ-tát chẳng thoái chuyển khác với người khác. Do hành vi ấy biểu thị trí tuệ thậm thâm chẳng thoái chuyển. LOẠI là phân biệt biết các Bồ-tát chẳng thoái chuyển hay chẳng phải chẳng thoái chuyển. TƯỚNG MẠO là trừ hành và loại, do các nhân duyên khác biết được tướng mạo chẳng thoái chuyển.

Phật nói nghĩa lý, nếu Bồ-tát đầy đủ được năm Ba-la-mật, thâm nhập Bát-nhã ba-la-mật, có lực phương tiện nên không đắm trước Bát-nhã ba-la-mật, chỉ quán “như nghĩa” là thật tướng các pháp. Bồtát lúc bấy giờ không cho hàng địa vị phàm phu Nhị thừa là hạ tiện, không cho địa vị Phật là cao quý vì đều nhập các pháp “như”, trong các pháp như ấy không có phân biệt hai pháp. Chỉ lấy “như” nhập vào “như” không còn việc chi khác, cũng không phân biệt chấp thủ tướng, vì sao? Vì “như” bình đẳng nên người có thể nhập như vậy tức nhập vào pháp tạng chư Phật, tâm không sanh nghi để trở lại tìm tướng quyết định của các pháp. Thế nên kinh nói: Phàm phu địa cho đến Phật địa trong tướng “như” không hai, không khác. Chứng được pháp như vậy là hành, loại, tướng mạo của chẳng thoái chuyển. Lại nữa, lược nói nghĩa ấy: Bồ-tát nhân các pháp “như”, nghĩa là rốt ráo không nên xả bỏ hết thảy việc thế gian,cũng không trụ vào rốt ráo không, vì sao? Vì thật tướng các pháp rốt ráo thanh tịnh. Nếu Bồ-tát nghe pháp không có nương tựa ấy, tâm không có nghi hối, không nghĩ đến việc nương tựa.

Các việc như trên là thể tướng chính yếu của chẳng thoái chuyển; từ đây trở xuống đều là hạnh quả của rốt ráo không. Vì được rốt ráo không nên tâm thuần thục tịch diệt, không nói lời vô ích. Nói ra thường là pháp, chẳng phải là phi pháp; nói ra đều là thật, chẳng phải vọng thuyết; lời nói nhu nhuyến, không thô lậu, đều đem tâm từ bi mà nói, không dùng tâm sân nhuế; nói hợp thời, đúng với cơ hội, quán sát lòng người tùy theo phong tục địa phương. Nay trong đây lược nói lời lợi ích; hoặc dạy Phật đạo, hoặc dạy Nhị thừa, hoặc nhơn thiên đạo, hoặc đời nay được cái vui không tạo tội. Vì thường xa lìa bốn việc ác nơi miệng, vì đối với chúng sanh có tâm từ bi rộng lớn, lại có thể tự mình chẻ mỏng các phiền não, nên có thể dùng các nhân duyên nói những lời lợi ích.

Hỏi: Hàng Thanh văn đi thẳng tới Niết-bàn có thể không xem xét đến người khác. Còn Bồ-tát xem chúng sanh như con, thường muốn giáo hóa, cớ sao không xem xét đến việc hay dỡ của họ?

Đáp: Nếu chúng sanh không thể chiếc phục, không thể hóa độ, hạng như vậy chẳng cần xem xét, vì sao? Vì nếu đem tâm tốt dạy bảo thời họ ghét mình, tâm họ như dao cắt, đã không ích gì còn thêm tội cho họ cho nên không nên xem xét hay dỡ.

* Lại nữa, Bồ-tát nên nghĩ rằng: Như chư Phật đủ Nhất thiết trí, tập khí phiền não sạch hết, còn không thể độ hết chúng sanh, huống gì ta chưa được Bồ-tát thần thông, chưa được trí vô ngại làm sao có thể xem xét khắp chúng sanh. Bồ-tát chẳng thoái chuyển có vị được thần thông, có vị không được. Được chẳng thoái chuyển rồi, riêng tu thần thông đạo mới được. Nếu trước đã được thần thông, vì không đầy đủ nên không thể xem xét khắp.

Hỏi: Tu-bồ-đề lúc đầu hỏi hành, loại, tướng mạo, cớ sao Phật không đáp ngay là không có hành, loại, tướng mạo nay trong đây mới nói?

Đáp: Lúc đầu hỏi, vì chúng sanh chưa tham đắm tướng mạo chẳng thoái chuyển, nên Phật đáp hoặc nói về không tướng, hoặc nói về hữu tướng; nay vì chúng sanh tham đắm tướng mạo chẳng thoái chuyển, muốn từ phàm phu nhập vào địa vị chẳng thoái chuyển, thế nên Phật nói hết thảy không có hành, không có loại, không có tướng mạo.

Tu-bồ-đề lại hỏi: Nếu các pháp đều không, cớ gì còn nói đối với pháp gì chuyển tâm đắm nhiễm gọi là chẳng thoái chuyển? nên từ phàm phu địa chuyển, đối Phật địa không chuyển sao?

Phật đáp: Nếu Bồ-tát quán được sắc pháp v.v… không, không có gì của chính nó, chuyển tâm nhiễm trước sắc, cho nên ở trong Phật đạo không thoái chuyển. Sắc pháp v.v… hòa hợp nhân duyên sanh, Bồ-tát biết đó là pháp hữu vi, tội lỗi, không nên trú ở trong đó. Vì các pháp không, nên có thể chuyển tâm nhiễm trước, chuyển tâm nhiễm trước nên gọi là không thoái chuyển.

– Lại nữa, Bồ-tát chẳng thoái chuyển, nhập vào chánh vị nên tâm quyết định không nghi. Trong hết thảy ngoại đạo có thật trí, nếu có thật trí không gọi là ngoại đạo. Như thế là tướng mạo của chẳng thoái chuyển.

Hỏi: Nay nói không sanh nghi, sau nói không nghi pháp thậm thâm. Hai cái không nghi ấy có gì sai khác?

Đáp: Không nghi ở đây là chỉ cho kiến hoặc trong lý tứ đế của Tu-đà-hoàn đoạn trừ; cái không nghi sau là không nghi đối với pháp sâu xa của chư Phật chứng tri. Bồ-tát có lực phước đức và trí tuệ nên tuy không làm Tu-đà-hoàn, chưa làm Phật, mà có thể không có hai cái nghi ấy. Giới thủ là giới của ngoại đạo, tu giới ngoại đạo ấy không được Niết-bàn. Còn bốn kiến: thân kiến, biên kiến, kiến thủ, tà kiến đều gọi là tà kiến. Vì thâm tín nghiệp nhân duyên và quả báo nên không cầu việc tốt, không đem hương hoa cúng dường chư thiên. Vì cầu đạo, phá cội gốc kiêu mạn, nên thường không sanh vào nhà hạ tiện. Vì có công đức, không làm chướng ngại người khác, thường làm việc khuyến trợ nên không sanh vào chỗ tám nạn. Vì chẽ mỏng dâm dục, xa lìa tâm xiểm nịnh, nên không thọ thân người nữ.

– Lại nữa, các người khác tuy tu mười thiện đạo, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba không thể đủ bốn thứ, Bồ-tát có tâm đại bi rất yêu thiện pháp nên tu đầy đủ bốn thứ. Thường tu tập mười thiện nghiệp đạo cho đến trong mộng không làm mười bất thiện đạo. Các người khác tu phước đức chỉ vì thân mình; tiểu Bồ-tát tuy vì chúng sanh cũng tự vì mình; bậc chẳng thoái chuyển có làm phước gì đều vì chúng sanh, không vì thân mình. Nếu phước đức có thể đem cho người, thời Bồtát đem cho hết chúng sanh, chỉ cầu sự tự tu tập không thể đem cho; nên Bồ-tát đem mười hai bộ kinh giáo hóa chúng sanh, cũng chỉ vì chúng sanh, không vì tự kỷ.

– Lại nữa, vị Bồ-tát có năm căn tín, tấn v.v… lanh lợi nên tuy chưa làm Phật có thể tin các pháp. Trong đây Phật lại nói nhân duyên của không; Bồ-tát không thấy sắc pháp v.v… nên không có chỗ sanh nghi.

– Lại nữa, Bồ-tát thường tu tâm từ bi nên ý nghiệp nhu nhuyến; ý nghiệp nhu nhuyến nên từ thân nghiệp, từ khẩu nghiệp thành tựu.

Hỏi: Tâm từ bi ngoại đạo cũng có, cớ sao lại nói đó là tướng mạo của bậc chẳng thoái chuyển?

Đáp: Ngoại đạo tuy có tâm từ bi mà không sâu, không thể trùm khắp chúng sanh, cũng không thường có, vì không hòa hợp với thật tướng của các pháp, còn Bồ-tát không như vậy.

– Lại nữa, Bồ-tát quở trách năm dục, trừ năm triền cái, vào năm thiền chi, sơ thiền không cùng với năm triền cái. Vì năm triền cái che tâm, làm hao mòn trí tuệ, phá Phật đạo mở đường ma. Bồ-tát biết hết thảy pháp hữu vi tạo tác, hư dối, không thật, như huyễn, như mộng; còn pháp vô vi “không”, không có gì của chính nó, tướng tịch diệt nên đối với hết thảy chỗ, không có gì ưa đắm. Đối với chúng sanh cho đến Phật cũng không ưa đắm, đối với pháp cho đến Niết-bàn cũng không ưa đắm. Sân và tội thô, tiểu Bồ-tát đã dứt nên không nói; ái sâu xa, vi tế, khó dứt nên nay nói.

– Lại nữa, Bồ-tát vào sâu thiền định nên thủ hộ hết thảy chúng sanh, thủ hộ hết thảy chúng sanh nên thường nhất tâm niệm, không não hại chúng sanh. Vì không phá giới nên ra, vào, đến, đi an ổn, thong thả, nhất tâm. Dở chân, để chân, trông xuống đất mà đi là vì bảo hộ chúng sanh, vì tránh loạn tâm.

– Lại nữa, Bồ-tát lâu ngày tu tập vô lượng, vô biên thiện pháp, trong thân không có tám muôn hộ trùng, cũng ít bệnh tật nên áo chăng đồ nằm thường sạch sẽ không nhơ. Vì có lực thiện căn chứng được thật tướng các pháp nên trong thân không có tám muôn hộ trùng. Vì tâm thanh tịnh nên thân, miệng cũng thanh tịnh; vì lìa hư dối, quanh co, tà vạy, hạ tiện nên tâm thanh tịnh, vì hai sự thanh tịnh nên tuy ở thế gian mà lìa khỏi các khổ não bức bách; vì tâm không nhàm chán nên vượt quá Thanh văn, Bích-chi Phật địa. Bồtát vì quý Phật đạo nên không quí lợi dưỡng; tuy tu hạnh đầu đà mà không quý hạnh ấy, vì hạnh ấy chỉ là nhân duyên phần ít đối với đạo cứu cánh, chứ chẳng phải đạo cứu cánh, ấy gọi là hành, loại, tướng mạo của Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Hỏi: Bồ-tát chưa được Phật đạo, chưa dứt các phiền não làm sao thường không sanh các ác tâm xan tham v.v…?

Đáp: Bồ-tát chẳng thoái chuyển, khi được vô sanh pháp nhẫn, thì đã dứt hết các phiền não, chỉ chưa dứt tập khí. Nếu không dứt làm sao có thể thường không sanh tâm xan tham làm chướng ngại đạo? Như kinh nói: Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán tức là Bồ-tát vô sanh pháp nhẫn.

– Lại nữa, có người nói Bồ-tát tu sáu Ba-la-mật, tu tập sâu xa các công đức nên các phiền não bị chẻ mỏng, không sanh trong tâm, nên gọi là thường không sanh.

– Lại nữa, Bồ-tát trải vô lượng đời, tu Thiền ba-la-mật nên tâm an trú bất động; chứa tập Bát-nhã, nên thâm nhập trí tuệ. Bồ-tát biết pháp vị vi diệu nên theo người khác nghe pháp, nhất tâm thọ trì; vì tâm ưa pháp sâu xa nên nghe pháp Tam thừa hoặc pháp ngoại đạo, hoặc pháp thế gian, vì tự tâm thâm diệu nên các pháp ấy đều hợp với Bát-nhã, không phá pháp tướng. Thí như người mạnh khỏe không có bệnh, ăn vật gì đều tiêu hóa hết; lại như Phật được cái tướng tối thượng vị, tuy gặp món ăn đắng, cay, không ngon, ở trong miệng Phật đều thành thượng vị. Lại nữa, như nấu đường phèn sắp chín, đem vật gì bỏ vào đều thành đường phèn vì sức diệu vị của nó mạnh. Bồ-tát cũng như vậy, sức Bát-nhã ba-la-mật mạnh nên có thể làm cho các pháp hợp thành một vị với Bát-nhã, không có lỗi.

– Lại nữa, việc thế gian là Bồ-tát khởi thân khẩu nghiệp gì đều vì thương xót hóa độ chúng sanh; tâm thương xót ấy là cửa ban đầu vào Bát-nhã ba-la-mật. Lại nhân duyên của các việc thế gian cho đến ngồi, đứng, dậy đi, bước, ăn uống, nói năng, thường nghĩ đến sự an ỗn cho chúng sanh. Việc đi, đến, v.v… đều vào pháp tánh như đã nói ở trong phẩm “phá lai khứ” (Trung Quán luận – ND). Các tài sản, sự nghiệp cũng lại như vậy, ấy gọi là chăng thoái chuyển.

KINH: Lại nữa, Tu-bồ-đề, nếu ác ma ở trước vị Bồ-tát chẳng thoái chuyển hóa làm tám địa ngục lớn, trong mỗi địa ngục có ngàn vạn ức Bồ-tát đều bị thiêu đốt chịu các khổ não cay chua, nói với Bồ-tát rằng: “Các Bồ-tát ấy đều là bậc chẳng thoái chuyển được Phật thọ ký đọa vào địa ngục lớn, nếu ông là người được Phật thọ ký chẳng thoái chuyển vào trong địa ngục lớn ấy; Phật vì ông thọ ký cảnh địa ngục như vậy mà ông không như lời, trở lại bỏ tâm Bồ-tát, vậy ông có thể nào được không đọa địa ngục mà được sanh cõi trời”. Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát thấy việc ấy, nghe việc ấy tâm không động, không nghi, không sợ, nghĩ rằng vị Bồ-tát chẳng thoái chuyển, nếu đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ thời trọn không có lẽ đó. Tu-bồ-đề, do hành, loại, tướng mạo ấy biết đó là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Ác ma hóa làm Tỳ-kheo mặc áo pháp đi đến chỗ Bồ-tát nói với Bồ-tát rằng: “Ông trước nghe dạy nên như vậy tịnh tu sáu Ba-la-mật cho đến nên như vậy tịnh tu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, việc ấy ông phải hối hận bỏ gấp đi! Ông trước ở nơi chỗ chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại từ khi mới phát tâm cho đến pháp trụ, các thiện căn tạo được trong khoảng thời gian ấy, tùy hỷ hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, việc ấy ông cũng nên buông bỏ gấp đi; nếu ông bỏ gấp ta sẽ nói cho ông chân Phật pháp, còn những điều ông nghe trước đó đều phi Phật pháp, phi Phật giáo, đều là văn chương trau chuốt, hợp lại tạo ra; điều ta nói mới là chân Phật pháp”. Nếu Bồ-tát nghe lời nói ấy mà tâm sợ, nghi, hối, nên biết Bồ-tát ấy chưa được Phật thọ ký, chưa quyết định an trú trong tánh chẳng thoái chuyển. Nếu Bồ-tát tâm không động, không sợ, không nghi, không hối, tùy thuận, nương tựa pháp vô pháp vô sanh, không tin lời người khác, không làm theo người khác; khi tu sáu Ba-la-mật không theo lời người khác; cho đến khi tu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng không nghe theo lời người khác, thí như vị A-la-hán sạch hết lậu hoặc, không tin lời người khác, không làm theo người khác, hiện tiền thấy được thật tướng các pháp; ác ma không thể làm lay chuyển. Như vậy, Tu-bồ-đề, vị Bồ-tát chẳng thoái chuyển cũng như thế. Người cầu Thanh văn đạo, Bích-chi Phật đạo không thể phá hoại, không thể chiết phục tâm Bồ-tát. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát ấy chắc chắn an trú trong địa vị chẳng thoái chuyển, không nghe theo lời người khác, cho đến lời Phật nói cũng không tín thủ ngay, huống gì tin lời của người cầu Thanh văn, Bích-chi Phật các ác ma, ngoại đạo, phạm-chí, trọn không có lẽ đó, vì sao? Vì Bồ-tát ấy không thấy có pháp có thể tin theo, đó là sắc hoặc thọ, tưởng, hành, thức, hoặc sắc “như” cho đến thức “như”, cho đến không thấy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, huống gì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác “như”. Này Tu-bồ-đề, do hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy gọi là Bồtát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, Ac ma hóa làm thân Tỳ-kheo đi đến chỗ Bồ-tát nói rằng: “Pháp của người tu là pháp sanh tử chẳng phải đạo Nhất thiết trí, thân ngươi nay chỉ lấy việc hết khổ làm chứng đắc. Khi ấy ác ma vì Bồ-tát dùng pháp tu hành của thế gian nói đạo pháp tương tợ, đạo pháp tương tợ ấy là pháp ràng buộc trong ba cõi như Quán bất tịnh đó là quán tướng xương trắng; hoặc Sơ thiền cho đến Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng, nói với thiện nam tử rằng: Dùng đạo ấy, dùng hạnh tu ấy, sẽ được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán; ngươi tu đạo ấy đời nay hết khổ, ngươi dùng cái pháp phải chịu mọi khổ não trong đường sanh tử như vậy làm chi? Thân tứ đại ngày nay còn không cần dùng lảnh thọ được, huống gì lại thọ thân tương lai”. Này Tubồ-đề, nếu Bồ-tát nghe lời ấy mà tâm không kinh, không nghi, không hối, nghĩ rằng: Vị Tỳ-kheo ấy lợi ích cho ta không ít, vì ta nói đạo pháp tương tợ, tu đạo pháp tương tợ ấy, không được đến quả Tu-đà-hoàn, A-la-hán, Bích-chi Phật đạo, huống gì được đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác! Bồ-tát ấy lại càng hoan hỷ nghĩ rằng: Tỳ-kheo ấy lợi ích cho ta không ít, vì ta nói pháp làm chướng đạo, ta biết pháp làm chướng đạo ấy không chướng ngại học đạo ba thừa.

Khi ấy ác ma biết Bồ-tát vui mừng liền nói tiếp rằng: “Thiện nam tử, ngươi muốn thấy Bồ-tát cúng dường chư Phật số nhiều như cát sông Hằng với các đồ cần dùng nuôi sống như áo mặc, cơm ăn, đồ nằm, thuốc thang chăng? Cũng ở nơi chỗ hằng hà sa số chư Phật tu Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật chăng?

Cũng thân cận hằng hà sa số chư Phật hỏi Bồ-tát đạo: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát làm sao an trú trong Bồ-tát thừa? Làm sao tu Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, tu bốn niệm xứ cho đến đại từ đại bi? Bồ-tát ấy theo như Phật dạy: Trụ như vậy, hành như vậy, tu như vậy; Bồ-tát ấy dạy như vậy, học như vậy còn không được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không được Nhất thiết trí, huống gì ngươi làm sao được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Nếu Bồ-tát nghe việc ấy, tâm không đổi khác, không kinh sợ, lại còn vui mừng, nghĩ rằng: Tỳ-kheo ấy lợi ích cho ta không ít vì ta nói pháp làm chướng đạo, pháp làm chướng đạo ấy khiến không được đạo Tu-đà-hoàn cho đến không được đạo A-la-hán, Bích-chi Phật, huống gì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy ác ma biết tâm Bồ-tát ấy tâm không biến mất, không kinh sợ, liền ở tại chỗ đó hóa làm nhiều Tỳ-kheo nói với Bồ-tát rằng: Đây đều là những Bồ-tát phát tâm cầu Vô thượng đạo, đều an trú địa vị A-la-hán, bọn ấy còn không được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ngươi làm sao được? Nếu Bồ-tát liền nghĩ rằng ác ma ấy nói đạo pháp tương tợ. Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không nên chuyển đổi tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng không nên đọa vào Thanh văn, Bích-chi Phật đạo. Lại nghĩ rằng: Tu Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, cho đến tu trí Nhất thiết chủng không được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; là không có lẽ ấy. Này Tu-bồ-đề, do hành, loại, tướng mạo ấy, nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát nghĩ rằng: Nếu Bồ-tát theo đúng lời Phật dạy, tâm không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết chủng, Bồ-tát ấy trọn không thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; nếu Bồ-tát giác tri việc ma, thường không thoái mất Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do hành, loại, tướng mạo ấy nên biết đó là tướng của Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, thoái chuyển đối với pháp gì gọi là không thoái chuyển?

Phật dạy: Thoái chuyển đối với sắc tướng, thoái chuyển đối với thọ, tưởng, hành, thức tướng; thoái chuyển đối với tướng mười hai nhập, tướng mười tám giới, tướng tham dục, sân nhuế, ngu si, tướng tà kiến, tướng bốn niệm xứ cho đến tướng Thanh văn, Bích-chi Phật và tướng Phật. Do vậy, gọi là tướng Bồ-tát chẳng thoái chuyển, vì sao? Vì Bồ-tát chẳng thoái chuyển do pháp “tự tướng không” ấy vào Bồ-tát vị, được vô sanh pháp nhẫn; cho đến mảy may pháp cũng không thể thủ đắc, vì không thể thủ đắc nên không tác khởi, vì không tác khởi nên không sanh, ấy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Do hành, loại, tướng mạo ấy nên biết ấy là Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

LUẬN: Ma biết rõ Bồ-tát ấy là vị Bồ-tát chẳng thoái chuyển, không còn làm trở ngại; nếu chưa biết rõ thời dùng mọi cách thí nghiệm phá hoại, hoặc hóa làm tám địa ngục lớn, hóa làm vô số Bồtát bị thiêu đốt ở trong đó và nói với Bồ-tát rằng: Các Bồ-tát ấy đều là bậc chẳng thoái chuyển, được Phật thọ ký. Ông nếu được Phật thọ ký là thọ ký vào ở địa ngục.

Hỏi: Ác ma vì nhân duyên gì nói người tu thiện thọ ký vào ở địa ngục?

Đáp: Ác ma vì cho vị Bồ-tát ấy muốn thay thế chúng sanh thọ khổ nên nói thọ ký ở trong địa ngục; “ngươi nếu tu phước đức để sanh cõi trời thời đó là tự vì mình chứ không dính dự đến việc chúng sanh”. Nếu Bồ-tát nghe việc ấy tâm kinh động, nghi hối, nếu tín thọ lời ma, nên biết Bồ-tát là chưa được thọ ký lên bậc chẳng thoái chuyển. Nếu Bồ-tát nghe việc ấy mà không nghi, không động, không kinh nghĩ rằng: Bậc chẳng thoái chuyển vì ngộ được thật tướng các pháp nên không đắm trước pháp, vì không đắm trước pháp nên cho đến không sanh tội nhỏ, huống gì tội đọa ba đường ác. Như trong lửa có nước, trong nước sanh lửa, không có lẽ đó.

Lại có ác ma hóa làm Tỳ-kheo mặc áo pháp đi đến nói với Bồ-tát rằng: “Ngươi trước theo thầy nhỏ nghe dạy tu sáu Ba-la-mật đó đều là hư dối, chứa nhóm tâm tùy hỷ công đức cũng là hư dối. Những điều ngươi nghe từ trước đều là hư dối, văn chương trau chuốt chẳng thật, chẳng phải miệng Phật nói ra; nay ta vì ngươi nói, đều là chơn Phật pháp, ngươi nên bỏ mau đi”. Nếu Bồ-tát nghe lời ấy mà tâm kinh động, sân hận, nghi ngờ, nên biết Bồ-tát ấy Phật chưa thọ ký cho. Thí như vàng giả, lấy lửa đốt mài đập, hoặc đen, hoặc đỏ, hoặc trắng liền biết chẳng phải vàng thật. Nếu Bồ-tát nghe lời ấy mà không giận, không nghi, tùy theo pháp vô sanh, vô diệt, vô khởi, vô tác, tu sáu Ba-la-mật tự biết không nghe theo lời người khác; nên biết ấy là thật chẳng thoái chuyển. Thí như vị A-la-hán sạch hết lậu hoặc nên ác ma đi đến không phá hoại được; vị Bồ-tát chẳng thoái chuyển cũng như vậy, không ai hàng phục được. Vì hiện tiền tự biết thật tướng các pháp nên ác ma hiện làm thân Phật đi đến, nói lời khác với pháp tướng cũng không tín thọ. Thí như con chó mang lốt sư tử, các thú trông thấy tuy sợ nhưng khi nghe tiếng thời biết đó là chó, huống gì biến hóa làm thân khác. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Bồ-tát thấy sắc pháp “không”v.v… nên ai sẽ nghe theo lời người khác?

* Lại nữa, ác Ma hiện thân làm Tỳ-kheo đi đến nói với Bồ-tát rằng: “Sáu Ba-la-mật ấy đều là pháp sanh tử, vì do nhân duyên của phước đức bố thí nên thọ phước vui trong cõi Dục; do nhân duyên của Thiền ba-la-mật nên thọ vui trong cõi Sắc; vì Bát-nhã ba-la-mật không có tướng nhất định nên gọi là pháp hư dối, xoay vần trong năm đường, không thể tự ra khỏi đường sanh tử. Người ta dối với ngươi rằng: Đó là đạo Nhất thiết chủng trí, ta nay nói thật, ngươi thủ chứng Niết-bàn, đời nay hết khổ”. Bồ-tát nếu im lặng, ma liền tiếp nói đạo pháp tương tợ: “Hoặc quán 36 thứ bất tịnh, hoặc quán bộ xương người, hoặc niệm hơi thở ra vào, nhơn đạo ấy chứng được bốn thiền, bốn định vô sắc; nhơn thiền định ấy có thể được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán. Thân này của ngươi do tội báo sanh ra; Phật không tán thán thọ thân trở lại trong một khoảnh khắc khảy móng tay, huống gì ở lâu trong sanh tử”. Vị Bồ-tát chẳng thoái chuyển nghe việc ấy tâm vui mừng nghĩ rằng: Tỳ-kheo ấy rất lợi ích cho ta, vì ta nói đạo pháp tương tợ, ta được đạo pháp tương tợ ấy liền biết chơn đạo, như người đi đường, biết đường tà thời biết nẽo chánh, pháp làm chướng ngại đạo cũng như vậy. Bậc chẳng thoái chuyển vì là người lớn, quý trọng, nên không tranh cải với Tỳ-kheo ấy.

Ác ma thấy Bồ-tát im lặng thì vui mừng nói: “Người ấy tín thọ lời ta nên nói tiếp với Bồ-tát rằng: Thiện nam tử, có vô lượng Bồ-tát cúng dường hằng hà sa số Phật, hỏi han, khổ hạnh sáu Ba-la-mật và Bồ-tát đạo, ở trước mặt nhận lời Phật dạy, chịu thực hành hết thảy hạnh Bồ-tát còn không được Vô thượng đạo, nay đều thành A-la-hán, vậy ngươi làm sao muốn được”. Bồ-tát nghe việc ấy xong im lặng. Ở ngay chỗ đó ma liền hóa vô số Tỳ-kheo A-la-hán nói với Bồ-tát rằng: “Các Tỳ-kheo ấy đều tu vô thượng đạo đã lâu, nay đều thành A-lahán, tại sao riêng ngươi muốn làm Phật”, Bồ-tát lại vui mừng nghĩ rằng: Tỳ-kheo ấy vì ta nói pháp tợ đạo, chướng đạo. Bồ-tát thực hành sáu Ba-la-mật, được các công đức chắc chắn không thối đọa vào Nhị thừa; như lời Phật nói tâm thường không lìa sáu Ba-la-mật mà không được vô thượng đạo là không có lẽ ấy. Bồ-tát nếu giác tri ma sự ấy, thời được lợi ích lớn không có mất, vì thế nên tâm Bồ-tát không động chuyển, ấy gọi là tướng chẳng thoái chuyển.

Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, thoái chuyển đối với pháp gì gọi là không thoái chuyển.

Phật dạy: Đối với sắc tướng thoái chuyển. Trên lược nói, nay sẽ nói rộng. Nếu Bồ-tát đối với sắc tướng v.v… đều thoái chuyển được, ấy gọi là tu hết thảy pháp tánh không, được vô sanh pháp nhẫn, vào Bồ-tát vị. Vô sanh nhẫn là cho đến pháp vi tế không thể thủ đắc huống gì pháp lớn, ấy gọi là vô sanh. Được pháp vô sanh ấy không khởi làm các nghiệp, ấy gọi là được vô sanh pháp nhẫn. Bồ-tát được vô sanh pháp nhẫn, ấy gọi là chẳng thoái chuyển. Vô lượng loại, hành, tướng mạo như vậy là tướng của chẳng thoái chuyển.