Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Trưởng Sử Vương Di [1]

CHÁNH VĂN:

(33) Trưởng sử Vương Di ở Dương Châu hỏi: Thế gian có Phật không?

Đáp: Nếu có thế gian tức có Phật. Nếu không thế gian tức không Phật.

GIẢNG:

Ngài đáp: Nếu có thế gian tức có Phật. Nếu không thế gian tức không Phật. Nghĩa là sao? Nếu chúng ta thấy thế gian là thật thì Phật có thật. Nếu chúng ta thấy thế gian là không thật thì Phật cũng không thật. Vì Phật ra đời để độ chúng sanh, nếu thế gian không có thì Phật độ ai? Không có ai để độ thì cũng không có Phật.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Quyết định có Phật hay là quyết định không có Phật?

Đáp: Không thể nói quyết định có, không thể quyết định không.

Hỏi: Vì sao nói không thể quyết định có, không thể quyết định không?

Đáp: Không thể quyết định có. Kinh Văn-thù Bát-nhã nói: Bát-nhã ba-la-mật không thể được. Bồ-đề, Niết-bàn cũng không thể được, Phật cũng không thể được. Cho nên nói không thể quyết định có.

Không thể quyết định không. Kinh Niết-bàn nói: Có Phật, không Phật, tánh tướng thường trụ. Do các chúng sanh, có phương tiện nhân duyên lành được thấy Phật tánh. Nên nói không thể quyết định không.

GIẢNG:

Hỏi vì sao không thể quyết định có? Ngài dẫn trong kinh Văn-thù nói rằng:

Bát-nhã ba-la-mật không thể được. Bồ-đề Niết-bàn cũng không thể được, Phật cũng không thể được. Cho nên nói không thể quyết định có.

Vì trong kinh Bát-nhã nói rằng, Bát-nhã không thể được, Bồ-đề Niết-bàn không thể được, Phật cũng không thể được, cho nên không thể quyết định có.

Không thể quyết định không. Kinh Niết-bàn nói: Có Phật, không Phật, tánh tướng thường trụ. Do các chúng sanh, có phương tiện nhân duyên lành được thấy Phật tánh. Nên nói không thể quyết định không.

Chúng ta thấy hai bên mâu thuẫn nhau. Tại sao cũng kinh Phật, mà kinh Văn-thù lại nói Bát-nhã không thể được, Bồ-đề Niết-bàn không thể được, Phật cũng không thể được. Kinh Niết-bàn lại nói có Phật, không Phật, tánh tướng thường trụ. Do các chúng sanh có phương tiện nhân duyên lành được thấy Phật tánh. Được thấy Phật tánh là có hay không?

Kinh Bát-nhã thuộc về Tánh không, kinh Niết-bàn thuộc về Thật hữu. Hệ kinh Niết-bàn, Hoa Nghiêm nói Phật tánh sẵn có, không thể nghi ngờ. Còn hệ Bát-nhã thì phá tất cả chấp về văn tự, danh tướng. Dù cho danh tự Bát-nhã, Bồ-đề Niết-bàn hay Phật cũng không thật. Vì vậy mà nói không thể được. Hệ Đại thừa thuộc về Hữu thì nói tánh tướng chân thật thường trụ. Hệ Đại thừa thuộc về Không thì phá tất cả nên nói không. Hai bên khác nhau, vì vậy chúng ta không thể căn cứ một bên mà phủ nhận hay xác nhận.

Tất cả pháp trên thế gian đứng về mặt duyên hợp Tánh không, cái gì có lập ra đều là duyên hợp, mà duyên hợp thì Tánh không. Còn đứng về Thể tánh thường trụ bất sanh bất diệt thì không phải là không. Kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết-bàn chỉ thẳng về Thể tánh. Còn kinh Bát-nhã nói tất cả pháp vừa lập danh ngôn đều là hư giả. Từ hệ Bát-nhã phá tất cả chấp rồi, chúng ta mới thấy được cái chân thật bất sanh bất diệt, đó là tới hệ Hoa Nghiêm, Niết-bàn. Hiểu vậy mới thấy toàn bộ tinh thần của Phật dạy, nếu chỉ đứng trên một mặt thì chẳng những không thể thấy hết mà còn có kiến chấp sai lầm.