Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Pháp Sư Giản [2]

CHÁNH VĂN:

(32) Pháp sư Giản ở Lư Sơn hỏi: Đài cao gương sáng hay chiếu vạn tượng, vạn tượng thảy đều hiện trong đó, ý này thế nào?

Đáp: Đài cao gương sáng hay chiếu vạn tượng, vạn tượng thảy đều hiện trong đó. Cổ đức truyền nhau cùng ngợi khen là diệu. Nay ở trong cửa này chẳng cho là diệu. Vì cớ sao? Lại như gương sáng thì hay soi vạn tượng, vạn tượng không hiện trong đó. Đây mới gọi là diệu. Vì cớ sao? Như Lai dùng Trí vô phân biệt hay phân biệt tất cả, đâu có tâm phân biệt mà hay phân biệt tất cả.

GIẢNG:

Ngài nói Đài cao gương sáng hay chiếu vạn tượng, vạn tượng thảy đều hiện trong đó. Cổ đức truyền nhau cùng ngợi khen là diệu. Nay ở trong cửa này chẳng cho là diệu. Cổ đức nói vạn tượng thảy đều hiện hình trong đài cao gương sáng, đó là diệu. Nhưng Ngài thì không phải vậy. Vì cớ sao?

Lại như gương sáng thì hay soi vạn tượng, vạn tượng không hiện trong đó. Đây mới gọi là diệu.

Lâu nay chúng ta thường lầm vạn tượng hiện trong gương sáng. Nhưng thật ra là gương sáng hay soi vạn tượng, chớ vạn tượng không hiện trong đó. Như mắt mình nhìn thấy tất cả vật, chớ không phải vật vô trong mắt mình. Con mắt sáng soi thấy tất cả vật nên con mắt mới là diệu dụng. Cho nên gương sáng hay soi mọi vật, nhưng ta nhìn trong gương thấy vật hiện, đó là bóng vật phản chiếu trong gương, chớ không phải vật ở trong gương.

Như vậy để thấy rằng tâm thanh tịnh, trong sáng biết tất cả vật, chớ không phải tất cả vật biết tâm. Nếu bảo tất cả vật ở trong tâm thì tâm đầy kín, mọi hình tướng đều mắc kẹt trong đó. Chỗ này rất là tế nhị, nếu không nắm vững ta sẽ hiểu lầm. Hiểu lầm thì không tốt.

Vì cớ sao? Như Lai dùng Trí vô phân biệt hay phân biệt tất cả, đâu có tâm phân biệt mà hay phân biệt tất cả.

Trí vô phân biệt hay phân biệt tất cả, chớ tâm phân biệt không thể phân biệt tất cả. Bởi vì Trí vô phân biệt là trí trùm khắp, không dính kẹt cái gì nên nó phân biệt được tất cả, biết được tất cả. Còn tâm phân biệt luôn dính cái này kẹt cái kia, nhìn hoa thì kẹt hoa, nhìn cây thì kẹt cây nên đâu có phân biệt tất cả được.

Ví dụ quí vị ngồi nghe tôi giảng, nếu tôi chú mục vào một người thì mấy trăm người còn lại, tôi không phân biệt được. Đó là vì tôi mắc kẹt vào một người. Như vậy cố phân biệt một vật thì không phân biệt được tất cả. Còn khi tôi nhìn tất cả không chú mục vào người nào, gọi là vô phân biệt, nhưng thật ra lúc đó tôi thấy biết tất cả. Như vậy ý nghĩa của câu này rất rõ ràng.

Chúng ta bây giờ có tật chú mục vào một hai người, nên rồi mắc kẹt đầu này đầu nọ, rốt cuộc là không biết gì. Người không mắc kẹt ở chỗ nào hết là người có trí vô phân biệt hay phân biệt được tất cả. Còn người để tâm phân biệt thế này thế nọ thì không phân biệt được tất cả.