TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO
NHỮNG CHUYỆN ĐƯƠNG THỜI ĐỨC PHẬT
Việt dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính & giới thiệu

 

52. Như thị ngã văn

Vào năm ứng thân của đức Phật được 80 tuổi, Ngài đưa A Nan đi hành hóa tới tháp Già Bà La, ở đấy có rất nhiều vị tỳ-kheo vân tập. Đức Phật nói với đại chúng rằng:

– Này chư tỳ-kheo! Hôm nay ta gặp các ông nơi đây là điều rất tốt. Từ khi ta thành đạo và chứng được chính giác, đã thương tưởng bảo hộ các tỳ-kheo và đệ tử, giáo hóa đại chúng, ban phúc cho mọi người, đem sự an vui bố thí cho kẻ khác, dùng từ bi mà đối đãi tất cả chúng sinh. Ta thuyết pháp độ sinh, chưa hề nề hà gian lao hay nghĩ đến sự nghỉ ngơi.

Điều ta muốn nói thì đã nói xong với các ông rồi. Ta không hề nghĩ các ông thuộc về ta, chúng sinh thuộc về ta, cho ta toàn quyền sai khiến. Ta chỉ là một người giữa các ông, thường cùng các ông ở chung một chỗ. Điều ta muốn thuyết giảng đã thuyết giảng xong, Như Lai không hề giữ lại điều bí mật nào, không áp bức ai và cũng không muốn ai phải phục tùng.

Ứng thân của ta nay đã già, như một cái xe cũ thì phải hư, cứ sửa sang, bảo trì mãi cũng không phải là một biện pháp lâu dài được. Trong ba tháng nữa, ta sẽ y theo pháp tính mà nhập Niết-bàn giữa hai gốc cây Ta La ở thành Câu Thi Na Ca La, được sự an ổn vô thượng. Nhưng ta sẽ luôn luôn gia hộ cho các ông và cho những chúng sinh đời vị lai biết tin tưởng vào giáo pháp của ta.

Tin đức Phật nhập Niết-bàn vừa mới ban ra, đệ tử của Ngài ai cũng kinh hoàng. Trong tâm của họ, trong khoảnh khắc mặt trời và mặt trăng đều như tắt lịm, trời đất quay cuồng. Đức Phật lại nói tiếp:

– Các ông không nên đau buồn, vạn vật trong trời đất, hễ có sinh ra thì tất nhiên phải có tướng vô thường. Định luật này, bất kỳ là ai cũng không thoát được. Ta chẳng đã nói điều này cho các ông nghe rồi sao? Những gì mình yêu thương đều phải có lúc mất mát, có tụ họp thì phải có xa lìa, thân thể của người đời do tâm và vật chất tụ lại mà thành thì tất nhiên là vô thường, không thể tự do như người ta thường tưởng. Thân xác thịt không thể vĩnh viễn tồn tại, ta chẳng đã thường xuyên nhắc nhở các ông điều này đó sao?

Muốn ứng thân của Phật ở mãi trên thế gian là đi ngược lại với quy tắc tự nhiên của pháp tính. Ta là người đã thị hiện chân lý của vũ trụ, thì đương nhiên là không thể đi ngược lại với pháp tính.

Nếu các ông muốn ta ở lại mãi trên thế gian là các ông không y theo giáo pháp của ta đã giảng dạy mà tu hành, vậy thì cho dầu ta có sống thêm ngàn vạn năm nữa phỏng có ích lợi gì?

Nếu các ông có thể y theo giáo pháp của ta mà tu hành thì chẳng khác nào ta vẫn sống vĩnh viễn trong tâm các ông. Pháp thân huệ mệnh của ta biến hiện khắp tất cả mọi nơi, luôn ở cùng một chỗ với các ông và với chúng sinh đời vị lai.

Các ông hãy giữ lòng tin kiên cố, quy y nơi pháp, y pháp mà tu hành, không nên quy y nơi gì khác.

Các ông tu học thánh đạo không biếng trễ, giải thoát phiền não, trụ tâm không loạn, thì các ông đúng là đệ tử chân chính của ta.

Đức Phật nói xong lại đi qua vườn Xà Đầu ở thành Ba Bà, ở đấy nhận sự cúng dường của ông thợ vàng tên là Thuần Đà. Ông này cúng dường Chiên Đàn nhung, là một loại nấm rất khó tiêu hóa. Đức Phật dùng xong trong người không khoẻ, nhưng Ngài vẫn từ bi giải đáp cho Thuần Đà biết thế nào là sự khác biệt giữa bốn loại sa-môn, khiến ông này vô cùng cảm động.

Đức Phật nói có bốn loại sa-môn: một là sa-môn hành đạo thù thắng, hai là sa-môn khéo thuyết nghĩa của đạo, ba là sa-môn dựa vào đạo mà sinh sống và bốn là sa-môn làm ô uế đạo. Cùng là sa-môn mà có chân có ngụy, có thiện có ác, không nên thấy một vị sa-môn không hiền không thiện rồi hủy báng toàn thể các vị sa-môn.

Giống như trong một thửa ruộng lúa mạ tốt, bên trong có thể xen tạp vài ngọn cỏ dại. Là người cư sĩ tại gia tin Phật, nên thường gần gũi thiện tri thức, nhưng không nên phê bình sa-môn. Người cư sĩ tại gia, tốt hơn hết là không nên để ý tới chuyện tốt xấu thiện ác của sa-môn.

Sau đó, đức Phật thị hiện tướng bệnh ở thôn Trúc Phương, nhưng Ngài vẫn không chịu nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục lên đường hành hóa. Một hôm, từ nhan của Ngài bỗng chiếu ra ánh sáng huy hoàng, viên mãn hơn, thanh tịnh hơn, trang nghiêm hơn bình thường, ánh sáng ấy chói lọi như mặt trăng mặt trời, sâu rộng vô biên như biển lớn. Ngài A Nan liền thưa hỏi đức Phật:

– Bạch Thế Tôn, từ trước tới nay con đi theo làm thị giả của Phật, đây là lần thứ nhất con thấy từ nhan của Thế Tôn sáng chói hơn những ngày trước, ánh sáng vô lượng ấy như muốn chiếu thấu cùng khắp cả tam thiên đại thiên thế giới.

Đức Phật đáp:

– Đúng thế! Quang sắc của Phật có hai lần đặc biệt không giống bình thường, lần thứ nhất là lúc mới thành Phật đạo, chứng đắc vô thượng chính giác, lần thứ hai là lúc sắp nhập Niết-bàn.

A Nan nghe nói vừa mừng vừa cảm thấy buồn thương. Đức Phật gieo rắc chủng tử của chân lý trên đường đi của Ngài, và có rất nhiều người đi theo sau chân Ngài. Họ đi theo sau một đức Phật vừa già nua vừa bệnh hoạn, nên dường như ai cũng rơi lệ. Sự thật, nếu trên thế giới này có một người thật sự mạnh khoẻ và huệ mệnh vĩnh viễn không có già bệnh, thì người ấy chính là bậc cứu thế, là bậc đại thánh, là đức Phật vậy.

Trên đường đi theo đức Phật, A Nan lo sợ thưa rằng:

– Thế Tôn nhập Niết-bàn rồi thì nghi thức an táng chúng con phải làm như thế nào?

Đức Phật an nhiên đáp:

– Những người đã quy y sẽ đến giúp ông, ông đừng lo, hãy an tâm mà lo lấy việc của mình. Tuy nhiên ta cũng có thể chỉ bày cho ông một vài nghi thức để dựa theo đó. Mọi người ai cũng mong muốn được biết, và cũng để tránh điều tranh luận giữa đám đông người, ta nói cho các ông nghe cũng tốt. Thế thì ta dạy cho các ông nghi thức mai táng của Chuyển Luân Thánh Vương vậy!

– Nghi thức mai táng của Chuyển Luân Thánh Vương là thế nào?

A Nan xúc cảm vừa khóc vừa hỏi. Đức Phật nhẹ nhàng trả lời:

– Trước hết lấy nước thơm tắm rửa người, xong dùng vải mới sạch bao người lại. Bên trên dùng 500 tấm thảm bông bao thêm, đặt vào trong một cỗ áo quan bằng vàng, bên trong áo quan có phết dầu hương. Sau đó mới đem cỗ áo quan đặt vào một chiếc quan tài bằng sắt, xung quanh quan tài rải hương chiên đàn trên một vòng tròn rộng, bên trên thì chất hương thơm, bốn phía đặt hoa tươi…

Đức Phật nói đến đây, trầm ngâm một lúc rồi lại nói:

– Phật có thể tự dùng lửa tam muội mà trà tỳ, các ông thu thập xá-lợi và lập tháp ở ngã tư đường để người qua lại biết mà nhớ nghĩ và tin tưởng.

Đức Phật không hề muốn ai xây tháp cho chính mình, chỉ vì chúng sinh nên mới để lại di ngôn như trên.

Không lâu sau, đức Phật tiến vào thành Câu Thi Na Ca La, dặn dò A Nan rằng:

– Ông hãy vì ta mà đến giữa hai gốc cây Sa La sắp đặt một chỗ nằm, đầu quay về hướng bắc, mặt nhìn về hướng tây. Những năm sắp tới, giáo pháp của ta có thể hướng về phía bắc mà hoằng truyền, và tương lai sẽ thịnh hành ở phương tây. Đêm nay ta sẽ nhập Niết-bàn.

A Nan và đại chúng nghe thế, ai cũng khóc than không sao ngăn được. Sau đó mọi người bàn tính với nhau, nếu chỉ khóc lóc thì chẳng có ích lợi gì, điều cần kíp là phải thỉnh cầu đức Phật chỉ bày làm cách nào để Chính pháp được giữ gìn lâu dài trong thế gian. Bàn tính với nhau xong, họ cử A Nan thỉnh giáo đức Phật:

– Bạch Thế Tôn, chúng con không cách nào mà không buồn thương cho được, nhưng chúng con có bốn vấn đề cuối cùng xin thỉnh Thế Tôn chỉ bày:

Thứ nhất, lúc Thế Tôn còn tại thế, Ngài là thầy cho chúng con nương dựa. Thế Tôn Niết-bàn rồi, chúng con biết nương dựa vào người thầy nào đây?

Thứ hai, lúc Thế Tôn còn tại thế, chúng con an trụ vào Phật. Thế Tôn Niết-bàn rồi, chúng con biết an trụ vào đâu?

Thứ ba, lúc Thế Tôn còn tại thế thì người hung ác đã có Thế Tôn điều phục. Thế Tôn Niết-bàn rồi, làm sao điều phục người hung ác đây?

Thứ tư, lúc Thế Tôn còn tại thế, ngôn giáo của Phật nói ai cũng dễ tin dễ hiểu. Thế Tôn Niết-bàn rồi, kinh điển kết tập làm sao cho người ta tin tưởng?

Đức Phật trả lời một cách từ bi, vui vẻ:

– A Nan, ông được đại chúng đề cử đến hỏi ta bốn vấn đề này, thật là vô cùng quan trọng. Các ông không nên bi lụy như thế, giả như Xá-lợi-phất hay Mục-kiền-liên mà còn sống, chắc chắn họ sẽ không cư xử như các ông đâu! Đại Ca-diếp hiện giờ còn trên đường về, ông ấy sẽ không về kịp trước giờ ta Niết-bàn. Các ông phải nhận biết pháp tính, nếu Phật dùng ứng thân ở tại thế gian, thì đây là tướng vô thường cuối cùng, phải nhập Niết-bàn. Các ông y theo pháp mà hành trì thì không khác gì Phật thường còn ở thế gian vậy.

Nay ta sẽ trả lời bốn vấn đề của các ông hỏi, các ông hãy nhớ kỹ lấy:

Thứ nhất, các ông hỏi ta Niết-bàn rồi thì ai là thầy cho các ông nương: hãy nương vào Ba La Đề Mộc Xoa. 1

Thứ hai, các ông hỏi ta Niết-bàn rồi thì nên an trụ vào đâu: hãy an trụ vào Tứ niệm xứ.

Thứ ba, các ông hỏi ta Niết-bàn rồi thì làm sao điều phục người hung ác: nên im lặng tách xa họ ra. 2

Thứ tư, các ông hỏi ta Niết-bàn rồi thì làm sao cho người ta tin vào kinh điển: Phải đặt bốn chữ “như thị ngã văn3 ở ngay đầu tất cả mọi bộ kinh.

A Nan, các ông nên thường xuyên nhớ nghĩ đến chỗ Phật sinh ra, chỗ Phật giác ngộ, chỗ Phật thuyết pháp và chỗ Phật Niết-bàn. Điều cần thiết là thân phải từ, miệng phải từ và ý phải từ, chuyện khác không cần quan tâm đến. Hôm nay không nên bi lụy, hãy mau vì ta mà đến giữa hai gốc cây Sa La mà sắp đặt chỗ nằm.

Đây là nguyên do vì sao ở đầu tất cả kinh điển đều có bốn chữ “như thị ngã văn”.

**********

Lời thưa

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy rằng: “Pháp thí thắng mọi thí.” Thực hành Pháp thí là chia sẻ, truyền rộng lời Phật dạy đến với mọi người. Mỗi người

Phật tử đều có thể tùy theo khả năng để thực hành Pháp thí bằng những cách thức như sau:

1. Cố gắng học hiểu và thực hành những lời Phật dạy. Tự mình học hiểu càng sâu rộng thì việc chia sẻ, bố thí Pháp càng có hiệu quả lớn lao hơn. Nên nhớ rằngviệc đọc sách còn quan trọng hơn cả việc mua sách.

2. Phải trân quý kinh điển, sách vở in ấn lời Phật dạy. Khi có điều kiện thì mua, thỉnh về nhà để tự mình và người trong gia đình đều có điều kiện học hỏi làm theo. Không nên giữ làm của riêng mà phải sẵn lòng chia sẻ, truyền rộng, khuyến khích nhiều người khác cùng đọc và học theo. Không nên để kinh sách nằm yên đóng bụi trên kệ sách, vì kinh sách không có người đọc thì không thể mang lại lợi ích.

3. Tùy theo khả năng mà đóng góp tài vật, công sức để hỗ trợ cho những người làm công việc biên soạn, dịch thuật, in ấn, lưu hành kinh sách, để ngày càng có thêm nhiều kinh sách quý được in ấn, lưu hành.

Thông thường, việc chi tiêu một số tiền nhỏ không thể mang lại lợi ích lớn, nhưng nếu sử dụng vào việc giúp lưu hành kinh sách thì lợi ích sẽ lớn lao không thể suy lường. Đó là vì đã giúp cho nhiều người có thể hiểu và làm theo lời Phật dạy. Mong sao quý Phật tử khắp nơi đều lưu tâm đóng góp sức mình vào những việc như trên.

TINH YẾU THỰC HÀNH PHÁP THÍ

Mua thỉnh kinh sách về đọc, tự mình sẽ được rất nhiều lợi ích.

– Chia sẻ, truyền rộng bằng cách cho mượn, biếu tặng kinh sách đến nhiều người thì lợi ích ấy càng tăng thêm gấp nhiều lần.

– Đóng góp công sức, tài vật để hỗ trợ công việc biên soạn, dịch thuật, giảng giải, in ấn, lưu hành kinh sách thì công đức lớn lao không thể suy lường, vì có vô số người sẽ được lợi ích từ việc lưu hành kinh sách.