CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

LỜI NÓI ĐẦU

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính thưa chư liên hữu gần xa!

Trong “Tín Tâm Lục” có ghi lại câu chuyện như sau:

Ông Lưu Sơn Anh phát tâm quỳ tụng Kinh Quán Âm và chú Chuẩn Đề cầu cho mẹ khỏe mạnh, sống lâu. Lúc đầu ông cảm thấy trong mình mệt nhọc, lại thêm đau chân không nhẫn được, bụng bảo dạ rằng: “Mẹ ta bị bệnh đàm hỏa, dù tụng Kinh e chưa chắc đã lành được!”, nên ông có ý thối tâm. Về sau lại suy nghĩ lời Khổng Tử đã nói:“Không bền chí, không thể làm Thầy thuốc!” Làm Thầy thuốc mà không bền chí còn không được thay, huống chi là tu niệm! Vì thế ông tự phấn phát cố gắng lên. Ngoài việc tụng Kinh ra, ông còn làm thêm những việc phước thiện khác, như: bố thí, phóng sanh, cứu giúp những ngươi nghèo khổ bệnh tật… để hồi hướng cho thân mẫu.

Nhưng lâu ngày bệnh trạng không những chẳng nhẹ bớt mà lại thấy càng nặng hơn. Một hôm bà mẹ gọi ông đến, bảo:

-“Bệnh của mẹ đã hơn ba mươi năm nay chữa trị thuốc thang cũng đã cùng khắp mà không hết, khi tăng khi giảm. Nay con thay thế mẹ quỳ tụng Kinh, bệnh hiện tại lại càng thêm trầm trọng, e rằng do mẹ phước mỏng nghiệp dầy nên không thể tiêu nổi. Thôi con nên ngừng việc tụng Kinh là tốt hơn!”

Ông liền thưa với mẹ rằng:

-“Có lẽ vì con chưa tận lòng chí thành, niệm nghi ngờ chưa trừ hết chăng? Xin mẹ cứ yên tâm!”

Khi đó ông liền đốt hương, cúi đầu quỳ trước Phật khóc lóc xin thề dứt trừ lòng nghi ngờ, cầu cho mẹ tật bệnh được tiêu trừ. Đêm ấy ông nằm mộng gặp Đức Quán Âm Bồ Tát  đi đến nắm tay dắt mẹ mình cùng ngồi và trao cho bà một chén nước bảo bà uống. Sáng dậy thấy bệnh lành hơn một nửa. Qua vài ngày sau hoàn toàn dứt hẳn. Cố tật trên 30 năm, trong một giờ thảy đều tiêu diệt! 

Qua câu chuyện trên, nhận thấy yếu tố “lòng thành” đối với người tu Tịnh độ như chúng ta mà nói, thì nó đóng một vai trò trọng yếu đưa đến kết quả mỹ mãn của việc tu niệm hành trì, gần thì tai qua nạn khỏi bệnh tật tiêu trừ, khổ đau dứt sạch; xa thì vãng sanh Tây Phương vĩnh viễn thoát vòng sống chết luân hồi, nhanh chóng bước lên quả vị Vô Thượng Bồ Đề.

Hai chữ “lòng thành” hay “thành lòng” này, có rất nhiều từ tương đương đồng nghĩa, như: chí thành cung kính, thành tâm, chí tâm, nhất tâm, chân tâm, thật tâm, thật lòng, một lòng, dốc lòng…

Những ai có bản tính hiền lành, thật thà, chất phác, bụng nghĩ sao thì miệng nói vậy, không sợ chê cười, chẳng màng thua thiệt, sẵn sàng nhường phần cho người, hoàn toàn không tính toán so đo, hay cân nhắc lợi – hại, được – mất… Thì chư Cổ đức cho đây là pháp khí, là vật báu trong Phật môn, các Ngài vô cùng trân quý, luôn quan tâm chiếu cố đến và đầu tư thời gian cũng như công sức giáo dưỡng nhiều hơn, bởi vì vị ấy có được: “tâm thành!”

Ấn Quang Đại Sư dạy:

-“Muốn hưởng được thực sự lợi ích từ Phật pháp, phải cầu nơi cung kính. Có một phần cung kính sẽ  tiêu được một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính sẽ tiêu được mười phần tội nghiệp, tăng mười phần phước huệ. Nếu chẳng cung kính đến nỗi khinh mạn thì tội nghiệp càng tăng, phước huệ càng giảm”.

Một cư sĩ ở Vĩnh Gia viết thư cầu Đại Sư truyền cho bí pháp để dụng công tu trì, Ngài trả lời:

Nếu có bí quyết truyền thọ riêng nơi chỗ ẩn khuất tức là tà ma ngoại đạo, không phải Phật pháp. Nhưng Ấn Quang thật cũng có chỗ diệu quyết chỉ riêng mình được, nay nhân cư sĩ thỉnh cầu, không ngại gì đem ra bày tỏ với các hàng Phật tử trong thiên hạ. Diệu quyết ấy là gì? Là chí thành, là cung kính. Điều này cả thế gian đều biết, nhưng đạo lý chí thành cung kính này thì cả thế gian đều mê muội! Ấn Quang do muốn tiêu trừ tội nghiệp sâu nặng và báo đáp ân Phật, hằng để ý tìm cầu gương sáng tu trì của cổ đức, nên được biết rằng chí thành cung kính là bí quyết rất mầu để vượt phàm lên Thánh, thoát nẻo luân hồi. Mấy điểm này, đối với những người hữu duyên tôi đã thường thường khuyên nhắc. Nên biết thành kính không phải chỉ để riêng cho người học Phật, mà tất cả mọi việc nếu muốn được tinh nhất, phải lấy đây làm nền tảng”.

Làm sao để có được tâm “chí thành cung kính” trong công phu hằng ngày? Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng, thiết  yếu lại vô cùng cấp bách đối với chúng ta hiện nay!

Theo lời chỉ dạy của chư Cổ Đức, nếu chúng ta muốn khởi phát được tâm thành kính thì cần phải không thấy lỗi – xấu của mọi người chung quanh, dù là ý niệm trong lòng cũng không cho chúng manh nha, mà ngược lại lúc nào cũng thấy chính mình là phàm phu nghiệp sâu chướng nặng, đầy dẫy những lỗi lầm, xấu dở; Và luôn luôn tôn kính mọi người chung quanh dầu là người hung ác, xem họ đều là hóa thân của Phật hay Bồ Tát. Khi Đức Phật còn tại thế, Đề Bà Đạt Đa phản thầy lừa bạn, phá hòa hợp tăng đoàn, làm thân Phật ra máu, xúi giục A Xà Thế giết cha hại mẹ, ám sát Đức Thế Tôn… Vậy mà trong cái nhìn của bậc chân tu thì ông là một vị Đại Bồ Tát (Bồ Tát Nghịch Hạnh), thành tựu quả Bồ đề nhanh chóng cho những ai hướng về nẻo xuất thế, siêu phàm nhập Thánh!

Vì thế “lòng thành” được xem là đôi cánh của chim đại bàng tha hồ bay lượn giữa bầu trời an lạc hạnh phúc xanh thẳm bao la; là cá kình to lớn thong dong bơi lội trong biển cả Phật pháp sâu rộng mênh mông; là chìa khóa để mở tung cánh cửa giải thoát, vĩnh viễn dứt sạch trần lao khổ lụy!!!…

Nếu đời sống hằng ngày của hành giả niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ có được lòng thành kính, thì niềm tin tự nhiên sẽ sâu, chí nguyện vãng sanh tự nhiên sẽ thiết, hiện tại thân tâm của mình luôn yên bình hạnh phúc vô tận vô biên, lòng luôn thanh tịnh tràn đầy an lạc; mà thanh tịnh an lạc là hoa thơm, vãng sanh Cực Lạc thế giới là quả ngọt:

Hoa báo hiện tiền nơi cõi mộng,

Mai sau quả báo ngự liên đài!

Chuyện vãng sanh tập 2 (phần 3 & 4) vừa hoàn tất, xin ra mắt cúng dường chư liên hữu tất cả mọi nơi. Việc làm này nếu có chút ít công đức nào nguyện hồi hướng khắp pháp giới chúng sinh đồng sanh Tây Phương, đồng thành Phật đạo!

Nam Mô A Di Đà Phật.  
Miền Tây, ngày 15 – 7 – 2015.
Nhóm liên hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập!