Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai
Bổn Nguyện Công Đức Kinh Giảng Ký

Đại sư Ấn Thuận giảng
Tại Chùa Thiện Đạo, Đài Bắc, Đài Loan
Mùa thu năm 1954

Thích Pháp Chánh dịch

 

D2. Trì chú trị bệnh.
E1. Do nguyện quán khổ. 

Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi! Khi đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thành Phật, do bổn nguyện lực nên quán sát thấy những hữu tình gặp nhiều bệnh khổ, gầy ốm xanh xao, hoặc nóng bức, vàng da, v.v…; hoặc bị trù ếm, trúng phải sâu độc, hoặc chết yểu, hoặc chết bất ngờ, vì muốn giúp cho hữu tình trừ các bệnh khổ, chỗ mong cầu được trọn đủ.

Trong phần khai thị về phương tiện thiện xảo của đức Như Lai Dược Sư, hiện nay giảng về phần thứ hai, lợi ích của sự trì chú trị bệnh. Nghe danh hiệu được lợi ích rộng lớn, có thể xa lìa các loại tội ác, đạt được các loại lợi lành, còn sự lợi ích của sự trì chú tương đối hẹp, chỉ có thể trị bệnh. Chúng sinh nếu có bệnh khổ, kiền thành trì niệm chú Dược Sư cũng có thể tiêu trừ căn bệnh, được khỏe mạnh trở lại.

Đức Thế Tôn sau khi nói về lợi ích của sự được nghe danh hiệu của đức Phật Dược Sư, lại bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: “Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai của cõi Tịnh độ Đông phương, lúc mới chứng đắc Đại bồ đề (thành Phật), do vì bổn nguyện lực đã phát khởi khi còn tu nhân địa (từ bị cứu độ tất cả chúng sinh khổ nạn, đặc biệt là bị bệnh khổ), cho nên đã dùng tuệ nhãn quán sát bệnh khổ của tất cả hữu tình.” Các loại bệnh khổ mà chúng sinh thường gặp phải, hiện nay chỉ nói sơ lược vài loại: (1) Gầy ốm xanh xao, tức là các loại bệnh như phổi, v.v…, thuở xưa gọi là bị bệnh lao; (2) nóng bức (Hán: can tiêu), trong sách y học của Trung Quốc gọi là “tiêu khát chứng”, miệng khát, bụng đói, ăn nhiều, thường đi tiêu, ngày càng gầy ốm; (3) bệnh vàng vọt, tức là hoàng đảm, nhiệt độ cao, da mặt và tròng mắt đều trở thành màu vàng. Ba loại bệnh này, vào thời đức Phật là những bệnh rất phổ biến, cho nên đức Thế Tôn nêu ra làm ví dụ. Đây là những căn bệnh thuộc về sinh lý. Kế đến, hoặc bị trù ếm làm não loạn, tức là bị người khác lén lút (dùng các loại bùa chú ma thuật, v.v…) làm cho thần thức điên đảo, nguy hiểm đến sức khỏe, hoặc bị trúng phải sâu độc mà bị mất mạng. Chúng sinh gặp phải những bệnh hoạn và độc hại này, hoặc là tức thời bị chết yểu (chết khi còn trẻ tuổi, chưa tới số chết), hoặc là bị chết bất đắc kỳ tử, như là bị chết bởi vũ khí, hoặc bị chết chìm, hoặc bị chết thiêu, v.v… Khi một người bị hết phước báo nên bị chết (tuy thọ mệnh chưa hết), đây gọi là đoản mệnh. Nếu phước báo, thọ mệnh đều chưa hết, nhưng ngẫu nhiên bị chết bất ngờ, thì đây gọi là chết bất đắc kỳ tử. Đức Như Lai Dược Sư phát nguyện đại bi, muốn cho tất cả bệnh hoạn của  chúng sinh đều được tiêu trừ, khiến cho sự mong cầu tiêu tai diên thọ của họ đều được thỏa mãn.

Có người nói niệm Phật thù thắng, có người nói niệm chú thù thắng. Nếu y theo quyển kinh này mà nhìn, thì công đức niệm danh hiệu Phật Dược Sư thù thắng hơn niệm chú Dược Sư rất nhiều, tất cả nghiệp ác đều có thể tiêu trừ, tất cả nguyện vọng đều có thể cảm ứng thực hiện. Công đức trì chú tuy cũng vi diệu, nhưng chỉ cục hạn vào việc trị bệnh. Cho nên chúng ta muốn cầu tiêu tai miễn nạn, trong những thời khóa hành trì bình thường, tốt nhất là nên thường xưng niệm thánh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, còn nếu như muốn trị bệnh thì có thể thường trì niệm thần chú Dược Sư.

E2. Nhập định nói chú.

Nên đức Thế Tôn ấy nhập tam ma địa gọi là “Diệt trừ tất cả khổ não của chúng sinh.” Sau khi ngài nhập định, bèn từ nơi nhục kế phóng ra ánh sáng rực rỡ, trong ánh sáng nói đại đà la ni như sau:

Phần trên nói đức Như Lai Dược Sư do nguyện lực đại bi quán sát sự thống khổ của chúng sinh, sau khi đã biết rõ ràng sâu xa bệnh tình của chúng sinh, vì muốn thỏa mãn những nguyện cầu nên đã đặc biệt thiết lập phương tiện, nhập định tuyên thuyết thần chú.

Lúc ấy, đức Thế Tôn Dược Sư nhập tam ma địa (định). Tam ma địa, dịch là đẳng trì, tức là giữ (trì) cho tâm bình đẳng, không hôn trầm, không điệu cử, khiến cho tâm bảo trì sự quân bình an tĩnh, mà chuyên chú vào một cảnh. Trong kinh nói, khi đức Phật sắp thuyết pháp, thuyết thần chú, hoặc hiện thần thông, ngài thường nhập định trước. Đức Phật vốn là lúc nào cũng ở trong định, bất luận là đắp y, thọ trai, thuyết pháp độ sinh, tâm của ngài thường an trụ trong định cảnh. Chẳng qua, vì muốn làm gương mẫu cho chúng sinh, thích ứng với tâm cảnh của chúng sinh, cho nên mỗi khi muốn thuyết pháp, nói thần chú, hoặc hiện thần thông, thì ngài thường nhập định trước. Phật pháp tuy không đặc biệt xem trọng định, nhưng tất cả công đức trí tuệ, thật sự đều là do từ định mà xuất phát. Có rất nhiều loại định, căn cứ vào những tác dụng khác nhau mà thiết lập các loại tên gọi khác nhau. Hiện nay đức Như Lai Dược Sư nhập vào tam ma địa gọi là “Diệt trừ tất cả khổ não của chúng sinh.”

Đức Như Lai Dược Sư, sau khi nhập định, bèn từ nơi nhục kế phóng ra ánh sáng rực rỡ. Nhục kế trên đỉnh đầu là một trong ba mươi hai tướng tốt, gọi là “vô kiến đảnh tướng.” Đầu là nơi cao nhất và tôn quý nhất trên cơ thể. Hiện nay từ vô kiến đảnh tướng của đức Phật phóng ra ánh sáng, đây là biểu thị từ định tối cao phát ra trí tuệ cứu cánh. Trước tiên, phóng ra thân quang, sau đó, tùy vào sự cảm ứng với chúng sinh mà phóng ra tâm quang. Tuệ phát ra từ định, nhưng thuyết pháp, thuyết chú, tức là phương tiện thiện xảo xuất phát từ trí tuệ, cho nen từ vô kiến đảnh phóng ra ánh sáng rực rỡ. Những thần chú được nói trong các kinh điển Đại thừa, thường từ vô kiến đảnh của đức Phật nói ra, như chú Thủ Lăng Nghiêm, tức là Phật đảnh phóng ánh sáng hóa thành hóa Phật mà tuyên thuyết. Nhục kế  là nơi trên cùng của đức Phật, chúng ta không thể thấy được, biểu thị thần chú này từ nơi trí tuệ tối cao của đức Phật phát xuất, thâm diệu bất khả tư nghì.

“Trong ánh sáng nói đại đà la ni”: Đà la ni, dịch là tổng trì, bao hàm nhiều ý nghĩa: (1) Trì, (2) giá, có thể nhiếp trì tất cả công đức, đồng thời ngăn chận tất cả tội ác, cũng có nghĩa là “tổng” (bao hàm) tất cả pháp, “trì” (giữ gìn) vô lượng nghĩa. Trong kinh điển Phật giáo, có nhiều loại đà la ni, như văn tự đà la ni, ngữ ngôn đà la ni, v.v… Ở đây là chú đà la ni, nhân vì có công dụng lớn, cho nên gọi là đại đà la ni.

Nam mô bạt già phạt đế, bệ sát xã lũ rô, bệ lưu ly, bát lạt bà, hát ra xà dã, đát tha yết đa da, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da. Đát điệt tha. Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế, sa ha.

Xưa nay cho rằng chú là tạng bí mật, chỉ cần trì niệm, không thể cầu giải thích. Thật ra, phần lớn thần chú đều có thể giải thích, chỉ có một số rất ít các câu chú thuộc về phạm vi “có thể giải thích và không thể giải thích được.”

“Nam mô”, có nghĩa là quy y, quy mệnh. “Bạc già phạt đế”, là một lối dịch khác của Bạc già phạm, cũng tức là Thế Tôn. “Bệ sát xã lũ rô”, là Dược Sư. “Bệ lưu ly”, tức là Lưu Ly. “Bát lạt bà”, là Quang. “Hát ra xà dã”, là Vương. “Đát tha yết đa da”, tức là Như Lai. “A ra hát đế”, là Ứng (cúng). “Tam miệu tam bột đà da”, là Đẳng Chánh Giác. Mấy câu này hợp lại tức là: “Quy mệnh Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác.” Phía dưới mới là chân chánh tâm chú: “Đát điệt tha”, có nghĩa là “tức thuyết chú viết” (chú nói như vầy). “Án” (nên đọc là Úm), có rất nhiều nghĩa: (1) quy y, tức là tập trung thân tâm hướng về Tam bảo; (2) cảnh giác, đề khởi chú ý, cũng là đem tinh thần tập trung lại, chú ý vào một đối tượng. “Bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã”, tức là nói “Dược, Dược, Dược.” “Tam một yết đế”, có nghĩa là phổ độ, phổ biến cứu độ tất cả chúng sinh. “Sa ha”, cũng là “tát bà ha”, có nghĩa là thành tựu mau chóng, giống như trong văn thư xưa của Trung Quốc nói: “cấp cấp như luật lịnh” (hãy mau tuân hành luật lịnh).

Bài chú này, nửa phần trên là quy y với đức Như Lai Dược Sư cầu được gia bị, nửa phần dưới là dùng “Dược” (thuốc) để trị liệu bệnh khổ của tất cả chúng sinh, hy vọng được lập tức bình phục.

Thần chú trong Phật giáo, hình thức phần lớn đều là như vậy. Lúc bắt đầu là quy y với vị Phật hay  vị Bồ tát nào đó, giống như chú Đại Bi “Nam mô hát ra đát na đá ra dạ da”, có nghĩa là quy y Tam bảo, quy y Thánh Quán Thế Âm Bồ Tát, còn câu “Nam mô A di đa bà dạ” trong chú Vãng Sanh là quy y Phật A Di Đà. Lại còn chú Thiên Nữ, cùng các thần chú khác, cũng đều bắt đầu bằng sự quy y. Trì chú có linh nghiệm hay không? Điều này đương nhiên có những tác dụng tiềm tàng khó có thể nghĩ bàn, chẳng qua cũng có điều kiện. Trong một tình trạng nguy cấp, chí thành khẩn thiết, mỗi khi niệm lên đều có hiệu quả. Hoặc là trải qua một thời gian lâu dài, mỗi ngày đều tinh tấn trì niệm, thì mới có thể phát sinh thần chú hiệu dụng. Có người trì chú Đại Bi, mười năm hoặc hai mươi năm, đạt được thần nghiệm, có thể trị bệnh cho người khác, mỗi khi niệm lên đều phát sinh tác dụng. Điều này có liên quan đến sự thọ trì bền bỉ lâu dài. Có người tạm thời niệm vài biến, tâm không chuyên chú tha thiết, hoặc là lúc trì lúc không, không có tâm bền bỉ, cho nên không đạt được sự linh nghiệm. Giống như tập Thái cực quyền trong một thời gian ngắn ngủi, không chịu luyện tập bền bỉ, thì đối với thân thể sẽ không có tác dụng gì. Còn nếu luyện tập trong một thời gian lâu dài, một cách bền bỉ, thì tự nhiên sẽ phát sinh công phu rất lớn. Trì chú và niệm Phật đều cần phải trì lâu dài, cần phải nhất tâm chuyên chú. Chẳng qua, niệm (tụng) kinh, niệm Phật và niệm chú có ít nhiều sự khác biệt. Niệm kinh cần phải hiểu rõ ý nghĩa của kinh, niệm Phật cần phải hiểu rõ danh hiệu và bổn nguyện công đức của Phật, còn niệm chú thì không phải vậy. Hàm nghĩa của chú rất nhiều, không cần hiểu rõ, hành giả chỉ cần tập trung tinh thần để trì niệm là được. Tuy không thể hiểu rõ ý nghĩa bên trong, nhưng có một lực lượng tiềm tàng. Loại lực lượng này ẩn mật mà không hiển hiện, không thể thấy được, không thể nghĩ thấu suốt được, nhưng tác dụng lại vô cùng to lớn. Chúng ta trì niệm chú Dược Sư, y vào lực lượng của chú này, có thể giao cảm với nguyện lực của đức Như Lai Dược Sư mà được tiêu trừ bệnh hoạn. Giống như người thế gian, có lúc nói chuyện với nhau, hoặc dùng phương tiện truyền thông, có thể bày tỏ ý kiến rõ ràng khiến cho đối phương hiểu rõ. Thế nhưng, có lúc hai bên có mật ước trước, hoặc chỉ dùng một câu nói, hoặc tín hiệu, hoặc mật ngữ, tuy người ngoài cuộc không hiểu, nhưng giữa hai người này lại có thể dựa vào những phương tiện đó để hiểu rõ ý nhau. Chú Dược Sư là một loại mật mã dành cho chúng ta, các chúng sinh đang bị bệnh khổ, hướng đến đức Như Lai Dược Sư khẩn cầu cứu vớt. Chúng ta không nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa trong đó, chỉ cần chí tâm trì niệm, tự nhiên sẽ phát sinh giao cảm với từ bi nguyện lực của đức Như Lai Dược Sư, khiến cho chúng ta đạt đến mục đích tiêu trừ bệnh khổ. Những thần chú khác, nếu có chỗ không thể hiểu rõ, chúng ta đều y theo ý nghĩa vừa giải thích ở trên.

Lúc ấy, từ trong ánh sáng nói chú này xong, mặt đất liền chấn động, phóng ánh sáng rực rỡ. Hết thảy chúng sinh đều được dứt trừ tất cả bệnh khổ, được hưởng sự vui an ổn.

Sau khi đức Như Lai Dược Sư, trong ánh sáng rực rỡ, nói chú này xong, nhân vì uy lực của ánh sáng của đức Phật, toàn thể mặt đất đều chấn động, hơn nữa, toàn thể mặt đất đều phóng ra ánh sáng rực rỡ, chiếu khắp tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh đều được lập tức tiêu trừ túc nghiệp, tất cả bệnh khổ đều được tiêu trừ, được hưởng sự vui vẻ an ổn, không còn bị bệnh khổ đeo đẳng triền miên, mà được vĩnh viễn sống trong sự an tĩnh, khỏe mạnh, an vui.

Đức Như Lai Dược Sư ở Tịnh độ Đông phương tuyên thuyết chú này, có thể khiến cho tất cả chúng sinh thân tâm khỏe mạnh, không bị bệnh hoạn, được sự tự tại, được sự vui vẻ an ổn. Mặt đất phóng ra ánh sáng tiêu trừ bệnh khổ, v.v…, tức là biểu thị công lực của thần chú này vô cùng vĩ đại! Đức Bổn Sư Thích Ca từ bi thương xót, đặc biệt giới thiệu đức Phật Dược Sư cho thế giới Ta Bà đầy dẫy vô biên khổ nạn này, hy vọng chúng ta có thể y giáo phụng hành, được sự hộ niệm của đức Như Lai Dược Sư, trừ tuyệt tất cả bệnh hoạn, được giống như chúng sinh ở cõi Tịnh độ Đông phương, sống một cuộc sống an ninh, khỏe mạnh và vui vẻ.

E3. Trì chú diệt khổ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thấy có kẻ nam người nữ nào, thân mang bệnh khổ, nên hết lòng vì kẻ ấy mà thường tắm gội, súc miệng sạch sẽ, đối trước những thức ăn, thuốc uống, hoặc nước sạch không có trùng, mà trì tụng thần chú ấy một trăm lẻ tám lần, rồi mang cho người bệnh ăn hoặc uống, thì hết thảy bệnh khổ của người ấy đều tiêu diệt. Nếu có điều mong cầu, phải nên hết tâm tụng niệm thần chú ấy, đều được thỏa mãn, lại không bị bệnh tật và tăng thêm tuổi thọ. Sau khi mạng chung, được sinh về cõi Phật Dược Sư, được không thoái chuyển, cho đến khi thành Phật.

Niệm chú để tiêu trừ bệnh hoạn, tốt nhất là người bệnh phải tự mình niệm, nhưng nếu như bệnh tình trầm trọng, tự mình không thể trì niệm, thì người khác có thể niệm thay cho mình.

Đức Thế Tôn lại bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: “Nếu thấy có kẻ nam người nữ nào thân mang bệnh khổ, thì nên hết lòng vì người bệnh ấy kiền thành trì tụng thần chú Dược Sư, khiến cho họ được xa lìa bệnh khổ. Nếu như lúc bình thường, quyết tâm siêng năng thường xuyên trì niệm, niệm đến nhất tâm bất loạn, đến lúc cần kíp, ắt sẽ có sự linh nghiệm. Kẻ thay thế cho người bệnh niệm chú, cần phải tắm gội, súc miệng sạch sẽ, thường giữ cho thân và miệng được thanh tịnh. Sau đó đem thức ăn của người bệnh, như trái cây, cơm cháo, các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, hoặc là nước sạch không có trùng, kế đến, trì tụng một trăm lẻ tám biến thần chú vào những vật đó, rồi đem cho người bệnh ăn hoặc uống. Như vậy, những bệnh khổ của người bệnh sẽ đều được tiêu diệt. Sau khi được bình phục, nếu như có những điều mong cầu khác, chẳng hạn như cầu được tăng tuổi thọ, cầu không bị chết bất đắc kỳ tử, không bị chết vì đói khát, v.v…, phải nên chí tâm niệm tụng thần chú Dược Sư thì cũng sẽ được đức Phật Dược Sư gia bị mà được tăng tuổi thọ và không bị bệnh hoạn. Hơn nữa, sau khi mệnh chung, nương vào uy lực của thần chú này mà có thể dẫn phát công đức, được vãng sinh về cõi Tịnh độ Đông phương. Chỉ cần được vãng sinh về Tịnh độ Đông phương thì chắc chắn sẽ được bất thoái chuyển, cho đến khi đạt đến quả vị Vô thượng Bồ đề, hoàn toàn giống như Tịnh độ Tây phương của đức Phật A Di Đà.

E4. Kết khuyến thọ trì.

Bởi thế, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có kẻ nam người nữ nào hết lòng trân trọng nhớ ơn, cung kính cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, phải nên thường trì tụng chú này, đùng để quên mất.

Lợi ích của sự trì chú đến đây là kết thúc, đức Thế Tôn trịnh trọng khuyên nhắc mọi người nên cung kính thọ trì, cho nên bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: “Bởi thế, nếu có kẻ nam người nữ nào, đối với đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang có thể chí tâm ân cần, tôn trọng, cung kính cúng dường, thì đối với thần chú Dược Sư cần phải thường xuyên thọ trì tụng niệm, tự lợi lợi tha, đừng để quên mất.

D3. Lợi ích của sự cúng dường và thọ trì. 
E1. Cúng dường được hộ trì.
F1. Tu hạnh cúng dường.

Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng tin trong sạch, được nghe danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác, nghe rồi liền trì tụng: mỗi buổi sáng đều chải răng, súc miệng sạch sẽ, dùng hương hoa, hương đốt, hương thoa, trỗi các thứ âm nhạc, cúng dường hình tượng Phật.

Trong phần lợi ích của sự cúng dường và hộ trì này, trước tiên nói về lợi ích của việc cúng dường được sự hộ trì. Đối với đức Như Lai Dược Sư, không những xưng danh, trì chú, mà đồng thời, còn phải cúng dường. Trước tiên nói về công đức cúng dường Phật Dược Sư.

Đức Thế Tôn lại nói: “Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi!”, nếu có kẻ nam người nữ nào có lòng tin thanh tịnh đối với Phật pháp, sau khi nghe được danh hiệu, những hạnh nguyện đại bi tha thiết, cùng lòng từ bi tiêu tai miễn nạn của đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cần phải liền cung kính trì tụng – ở đây bao hàm sự lễ bái cúng dường.

Như trong Thập Đại Hạnh Nguyện của ngài Phổ Hiền có các nguyện như: “xưng tán Như Lai”, “rộng tu cúng dường”, v.v… Thế nhưng, phải nên cúng dường Phật Dược Sư như thế nào? Trong đây nói: Mỗi sáng thức dậy, trước tiên cần phải chải răng súc miệng sạch sẽ. Một tập quán thông thường của Ấn Độ thời cổ là buổi sáng thức dậy đều phải dùng một loại cây dương xỉ để chải răng, chất đắng trong cây có thể làm cho miệng đỡ hôi. Dùng loại cây này để chải răng cũng giống như hiện nay dùng kem để đánh răng. Sau khi chải răng tắm rửa, thân tâm đều được thanh tịnh. Sau đó dâng cúng các loại hoa thơm, kế đến, dâng lên cúng dường danh hương, các loại hương thoa lên thân, và dùng các loại âm nhạc, ca tụng tán thán. Đức Như Lai Dược Sư ở thế giới Đông phương, chúng sinh ở cõi Ta Bà này không thể cúng dường trực tiếp, cho nên những loại hương hoa này chỉ có thể cúng dường hình tượng (hoặc đúc bằng vàng, bằng đồng, hoặc điêu khắc bằng gỗ, hoặc họa trên lụa, trên giấy, v.v…). Có người hỏi: “Đức Phật Dược Sư không ở thế giới Ta Bà này, chúng ta cúng dường ngài, như vậy có được lợi ích hay không?” Ở đây cho một ví dụ: Chẳng hạn như Tổng thống trú ở Đài Bắc, mà nhân dân các nơi ở Đài Loan, cùng với các kiều bào hải ngoại chúc thọ cho Tổng thống, thì đương nhiên Tổng thống đều nhận được lời chúc thọ của tất cả mọi người, không phải hoàn toàn không có ý nghĩa. Chúng ta cúng dường đức Phật, đức Phật đương nhiên thọ nhận được sự cúng dường của chúng ta, hơn nữa, do tâm kiền thành và thanh tịnh của chúng ta mà sự cúng dường sẽ trở thành công đức lợi ích.

Đối với kinh điển này, hoặc tự sao chép hoặc bảo người khác sao chép, hết lòng thọ trì, nghe rõ nghĩa lý trong kinh.

Một phương diện là cúng dường hình tượng của đức Như Lai Dược Sư, một phương diện khác là đối với Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Bổn Nguyện Công Đức này, cũng cần phải cúng dường và thọ trì, hoặc tự mình ghi chép, hoặc bảo người khác ghi chép. Hiện nay công nghiệp phát đạt, có thể ấn loát, không bắt buộc phải ghi chép lại, cúng dường tiền bạc để in ấn cũng giống như ghi chép. Ngoài ra, đối với ý nghĩa trong kinh, cần phải “nhất tâm thọ trì, lắng nghe ý nghĩa.” Thọ trì, bao gồm tất cả hành vi, từ “nghe” phát khởi “tư” (suy ngẫm nghĩa lý), từ suy ngẫm phát khởi “tu tập.” Không nên cho rằng đây chỉ là “học giáo pháp”, mà đây mới chính là thọ trì pháp, cúng dường pháp.

Đối với vị pháp sư ấy, nên cúng dường hết thảy những món cần dùng, đừng để thiếu thốn. Như vậy sẽ được chư Phật hộ niệm, những điều mong cầu đều được thỏa mãn, cho đến được đắc quả Bồ đề.

Cúng dường Phật Dược Sư, cúng dường pháp môn Dược Sư, lại càng cần phải cúng dường các pháp sư hoằng dương pháp môn Dược Sư, cho nên nói: “Đối với pháp sư hoằng dương pháp môn Dược Sư này cũng phải nên cúng dường rộng rãi.” Người xưa nói: “Người có thể hoằng (tuyên dương) đạo (pháp), không phải đạo (pháp) hoằng (nuôi lớn) người.” Phật pháp sở dĩ có thể truyền bá lâu dài, có thể phát huy rộng lớn, khiến cho chánh pháp trụ thế, duy trì tuệ mệnh, hoàn toàn là do công lao và thành tích của các vị pháp sư. Đối với một bộ kinh điển, hay một pháp môn nào đó, nếu có một vị pháp sư khởi xướng tuyên dương, thì mọi người mới biết được công đức thù thắng, và những ưu điểm của nó, nhân đây mới có người phát tâm ghi chép (in ấn) kinh điển, có người tạo lập tượng Phật, có người thọ trì đọc tụng, lễ bái cúng dường, cho đến y theo pháp môn mà tu tập. Cho nên, có các vị pháp sư thì Tam bảo Phật pháp tăng mới được đầy đủ. Vì thế, đối với các vị pháp sư hoằng dương pháp môn Dược Sư, phải nên khởi tâm cung kính cúng dường. Phàm là tất cả những nhu yếu cho sự sinh hoạt, như y phục, thực phẩm, vật dụng, đều phải nên bố thí, không nên để cho họ thiếu thốn mà chướng ngại việc tu hành và hoằng pháp của họ. Cúng dường pháp sư, nên khởi tâm báo ân, tâm làm an lạc lợi ích chúng sinh. Nếu có thể cúng dường Tam bảo như thế, không những đức Như Lai Dược Sư hoan hỷ hộ niệm chúng ta, mà tất cả chư Phật mười phương cũng hoan hỷ hộ niệm, khiến cho tất cả nguyện cầu của chúng ta đều được thành tựu viên mãn, cho đến khi chứng được quả vị Bồ đề.

F2. Được hộ trì.
G1. Văn Thù Sư Lợi hộ trì.

Lúc ấy, ngài Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con nguyện đến thời Tượng pháp, sẽ dùng mọi phương tiện để giúp cho những kẻ nam người nữ có lòng tin trong sạch đều được nghe danh hiệu đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cho đến trong giấc ngủ của họ cũng đọc danh hiệu Phật vào tai cho họ nghe biết. 

Khi đức Thế Tôn nói rằng những chúng sinh nào thọ trì và cúng dường pháp môn Dược Sư thì sẽ được đức Như Lai Dược Sư và mười phương chư

Phật gia bị hộ trì, thì ngài Văn Thù Sư Lợi, tùy thuận ý chỉ của đức Phật, bèn nói đến sự hộ trì của chính mình và của chư thiên đối với những chúng sinh đó.

Đang lúc đức Thế Tôn khai thị về lợi ích của sự cúng dường, thì ngài Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Sự thọ trì và cúng dường có công đức to lớn như vậy, vì muốn lợi ích các hữu tình, con xin phát thệ nguyện rộng lớn là đến thời kỳ tượng pháp về sau, con sẽ dùng đủ mọi phương tiện để giúp cho những kẻ nam người nữ có lòng tin trong sạch, v.v…, mọi người đều có thể nghe được danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang, nhẫn đến trong giấc ngủ, con cũng đọc danh hiệu Phật vào tai cho họ được nghe biết.” Đây là thệ nguyện đại bi mà ngài Văn Thù Sư Lợi đã phát trước đức Phật. Hiện nay chúng ta có thể nghe được thánh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, đồng thời, tự mình được nghe Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức, có thể nói đều là do bi nguyện của ngài Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.

Trong giấc ngủ thấy Phật, hoặc nghe được danh hiệu Phật cũng là việc thường xảy ra. Nửa năm trước, có một vị cư sĩ nói với tôi ở Đài Trung có một bà lão, vốn là người đạo Chúa. Một buổi tối nằm mộng thấy một vật không giống một thân cây mà cũng không giống một khối đá, trên đó có khắc sáu chữ lớn: “Đại Bi Tâm Đà La Ni.” Bà ấy bèn đi hỏi nhiều người nhưng không ai biết đó là gì. Sau đó bà ấy gặp một người đạo Phật, người ấy bèn nói rằng: “Phật giáo quả thật có một bộ kinh tên là Đại Bi Tâm Đà La Ni.” Bà ấy nghe xong, sau đó bèn đổi sang đạo Phật và phát tâm ấn tống bộ kinh đó. Sự kiện này có hai nhân duyên: một là thiện căn đời trước của chính mình đã đến lúc chín muồi, hai là do nguyện lực đại bi của Bồ tát, khiến cho chúng sinh trong giấc ngủ bất chợt phát hiện ra. Đại chúng đang ở trong pháp hội này, đừng nên cho rằng mình không có thiện căn, chưa hề mộng thấy Bồ tát đến chỉ điểm. Chúng ta đang lúc thức giấc, có thể thấy nghe được, hoặc trì niệm thánh hiệu của Phật Dược Sư, và có thể nghe được pháp môn Dược Sư, thiện căn còn nhiều hơn so với trong mộng thấy Phật nghe pháp.

G2. Chư thiên hộ trì.

Nếu có những ai thọ trì, đọc tụng kinh này, hoặc mang ra mà diễn thuyết, chỉ bảo cho người khác, hoặc tự sao chép, hoặc bảo người khác sao chép, cung kính tôn trọng, dùng các thứ hương hoa, hương thoa, hương bột, hương đốt, vòng hoa, chuỗi ngọc, phướn, lọng, các thứ âm nhạc mà cúng dường kinh này. Lại dùng hàng lụa năm màu làm đãy để đựng kinh. Dọn rửa sạch sẽ một nơi yên tịnh, thiết đặt tòa cao để đặt kinh lên đó. Bấy giờ, bốn vị Đại Thiên vương cùng với quyến thuộc và vô lượng trăm ngàn Thiên chúng sẽ cùng đến nơi ấy cúng dường, gìn giữ hộ trì.

Sự hộ trì của chư thiên hơi khác với sự hộ trì của ngài Văn Thù Sư Lợi. Ngài Văn Thù dùng các loại phương tiện khiến cho chúng ta nghe được danh hiệu của đức Dược Sư, còn chư thiên thì hộ trì người tu học pháp môn Dược Sư.

Ngài Văn Thù lại nói: “Nếu có người đối với Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức này, có thể tự mình thọ trì (lãnh thọ ý nghĩa, ghi nhớ không quên), đọc tụng, hoặc vì người khác diễn thuyết, như thực khai thị, hoặc tự mình ghi chép, hoặc khuyến khích người khác ghi chép.” Đây đều là pháp hành cần thiết của sự tu học pháp môn Dược Sư. Bất luận là đọc tụng, hoặc giảng thuyết, hoặc ghi chép, đối với pháp đều phải nên sinh khởi lòng cung kính tôn trọng. Như bài kệ khai kinh nói: “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ.” Đối với kinh điển, cần phải dùng các loại hoa, hương, hương thoa, hương bột, hương đốt, tràng hoa, anh lạc, tàn lọng, âm nhạc để cúng dường. Anh lạc là dùng dây xỏ các loại bảo châu lại với nhau. Âm nhạc như đàn tỳ bà, ống tiêu, ống sáo, đàn, v.v…, cùng với ca vũ tán thán đức Phật. Tu trì pháp môn Dược Sư, cần phải từ nội tâm sinh khởi sự kiền thành cung kính, lại cần phải dùng các loại hương hoa tàn lọng, v.v…, để cúng dường. Đồng thời, cần phải dùng gấm lụa năm màu làm đãy để đựng Kinh Dược Sư. Sau đó, dọn rửa một nơi cho sạch sẽ, thiết lập một tòa cao, rồi đặt kinh lên đó.

Người học Phật thường dùng vàng, hoặc chích máu để ghi chép kinh điển để cung kính cúng dường. Cúng dường kinh điển khiến cho người khác sinh khởi tâm tôn kính, cảm tưởng khó được, từ đó phát tâm lắng nghe, đọc tụng và thọ trì ý nghĩa trong kinh điển. Sau đó y vào sự hiểu rõ ý nghĩa mà thực hành. Những chùa miếu thông thường, sau khi thỉnh Đại tạng kinh về, cất lên trên kệ cao, mỗi ngày thắp hương cúng dường, nhưng lại không chịu tiến hành việc đọc tụng thọ trì, không biết khai quật ý nghĩa trong đó để trưởng dưỡng tuệ mệnh của chính mình, do đây mà làm giảm thiểu ý nghĩa và giá trị vô thượng của sự cúng dường Pháp bảo! Phật pháp dùng lòng tin làm căn bổn, vì muốn khiến cho việc lãnh thọ lời dạy của đức Phật trở nên dễ dàng, cho nên kinh điển Đại thừa đều đặc biệt xem trọng việc cúng dường long trọng. Bởi thế, pháp hội Dược Sư hiện nay, y theo nghi quỹ đã được quy định, trên đàn Dược Sư cần phải cung phụng cúng dường Kinh Dược Sư.

Trong pháp đàn trang nghiêm thanh tịnh, đại chúng (cá nhân cũng vậy), nếu có thể cúng dường tu trì đúng pháp, thì lúc ấy, bốn đại thiên vương và quyến thuộc cùng với vô lượng trăm nghìn chư thiên sẽ đến pháp đàn cúng dường và bảo hộ những người đang tu tập. Chư thiên giáng lâm là vì: (1) Một là tôn trọng pháp bảo; (2) hai là vì thấy pháp đàn bố trí đúng pháp, người tu tập có tâm thành kính, nhất tâm phụng trì, cho nên đặc biệt giáng lâm tùy hỷ   lắng nghe, lễ bái, v.v…; (3) ba là đặc biệt đến hộ trì đạo trường khiến cho không bị quỷ thần ác đến quấy nhiễu. Bốn đại thiên vương là các hộ pháp nổi danh của Phật giáo, cho nên các chùa chiền phần lớn đều thiết trí hình tượng của bốn vị này. Những người chân chánh tu học Phật pháp không cần phải mời thỉnh các vị hộ pháp, họ sẽ tự động đến. Nếu như pháp đàn bố trí không đúng pháp, không thanh tịnh, người tu học không có tâm thành, không có tâm cung kính, thì dù mời thỉnh cách nào họ cũng không đến. Trong kinh điển nói nếu có thể chí thành nhất tâm tu trì, không những bốn đại thiên vương, mà ngay cả Đế Thích, Phạm Vương, v.v…, đều đến hộ trì. Kinh nói: “Giảm bớt a tu la, tăng gia số chư thiên.” Chúng sinh phát tâm tu học Phật pháp, tức là hướng thiện, hướng quang minh, dù cho không được giải thoát, cũng có thể sinh lên cõi trời. Cho nên nếu có người tu học Phật pháp, thì số lượng chư thiên sẽ được tăng gia, còn số lượng a tu la sẽ bị giảm bớt, nhân đây, chư thiên thấy người tu học Phật pháp bèn sinh tâm tùy hỷ, thệ nguyện hộ trì. Lúc chư thiên giáng lâm, những người đang tu học tuy không thấy, nhưng có những hiện tượng thù thắng có thể chứng minh: (1) Có mùi hương lạ; (2) những hoa đang cúng, tuy qua nhiều ngày nhưng không bị khô héo, mà vẫn tươi tắn giống như vừa mới hái; (3) tất cả mọi người đều thấy ánh sáng, chứ không phải là ảo giác của một cá nhân. Hiện tượng chư thiên giáng lâm hộ pháp rất nhiều, không thể thuật hết được. Nói tóm, tham dự pháp hội Dược Sư, nếu thật sự có thể tu trì đúng pháp, thì chắc chắn sẽ có những cảm ứng này.

Nói đến hộ pháp, tốt nhất là “không thỉnh mà tự đến”, thọ nhận sự chiêu cảm của đạo hạnh của hành giả đang tu tập mà đến, đây là do động cơ chân thành và thuần chánh, thì mới có thể thỉ chung nhất tâm nhất ý hộ pháp. Nếu không, do thỉnh cầu mà đến, thân tâm (của người được thỉnh đến) không thuần chánh, không thanh tịnh, thì đôi khi không những không hộ pháp mà còn đem đến phiền toái. Thiên thần hộ pháp đã như vậy, thì các quan chức được mời đến hộ pháp cũng đều giống như vậy. Nếu như đạo trường thanh tịnh, sinh hoạt nghiêm túc, tinh tấn tu tập, hoằng dương Phật pháp được mọi người kính trọng tin tưởng, tự động họ đến hộ pháp, thì đây mới là “tự lực” dẫn đến “tha lực.” Nếu không, thỉnh cầu kẻ khác hộ pháp, có lúc lại càng tăng gia phiền toái.

Thế Tôn! Nếu kinh quý này lưu hành ở đâu, có người thường thọ trì, do sức công đức bổn nguyện của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và do được nghe danh hiệu ngài, nên biết rằng nơi ấy không có nạn chết bất đắc kỳ tử, cũng không có việc quỷ dữ đoạt lấy tinh khí của người. Ví như đã bị đoạt mất rồi, liền trở lại như cũ, thân tâm được an lạc.

Ngài Bồ tát Văn Thù nói tiếp: “Bạch đức Thế Tôn, nếu Kinh Dược Sư trân quý này lưu hành ở nơi nào, có người cúng dường thọ trì, thì một mặt là do sức bổn nguyện công đức của đức Như Lai Dược Sư, một mặt là do nghe được danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư mà ghi nhớ thọ trì, nương vào công đức thiện căn này mà ở nơi đó không có nạn chết bất đắc kỳ tử, cũng không có việc quỷ thần ác cướp đoạt tinh khí.” Có một số người, lúc bình thường tinh thần hoạt bát, sắc lực dồi dào, bổng nhiên mỗi ngày một trở nên tiều tụy, sắc lực suy giảm, không thể phấn chấn tinh thần, mà trở nên điên đảo thác loạn. Đây tức là trạng thái bệnh hoạn do gặp phải tà thần ác quỷ cướp đoạt tinh khí của họ. Nếu y theo pháp môn Dược Sư mà tu trì thì sẽ không gặp phải tai nạn này, giả sử đã có bị đoạt đi chăng nữa, cũng sẽ dần dần khôi phục sức khỏe, trở lại giống như người bình thường, thân tâm an lạc. Tục ngữ nói: “Tà không thể thắng chánh.” Nếu như chúng ta tu học Phật pháp, cần phải hiểu rõ lý lẽ này, chớ nên sinh khởi những ý tưởng bất chánh, và các hành vi bất hợp pháp, để miễn việc tự tìm khổ não.

E2. Thọ trì được gia bị.
F1. Nghi quỹ thọ trì.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: “Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như ông vừa nói đó. Văn Thù Sư Lợi! Nếu những thiện nam tử và thiện nữ nhân có lòng tin trong sạch, muốn cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, trước hết nên tạo lập hình tượng, dọn tòa thanh tịnh mà đặt tượng lên. Rồi rải nhiều loại hoa, đốt nhiều loại hương, dùng nhiều thứ cờ, phướn mà trang nghiêm chỗ ấy. Trong bảy ngày bảy đêm, thọ tám phần trai giới, chỉ dùng những món ăn trong sạch. Tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo sạch, phát tâm trong sạch không chút cấu nhiễm, uế trược, sân hận, độc hại; đối với hết thảy hữu tình phát khởi tâm bình đẳng, từ, bi, hỷ, xả, an lạc, lợi ích. Rồi trỗi âm nhạc, ca tán, đi quanh hình tượng Phật theo hướng bên phải. Lại nên nghĩ nhớ đến công đức bổn nguyện của đức Như Lai ấy, đọc tụng kinh này, suy xét nghĩa kinh, diễn thuyết, chỉ bảo cho người khác.

Dưới đây nói về lợi ích của sự thọ trì được đức Dược Sư gia bị. Phải thọ trì như thế nào mới đúng pháp để được đức Dược Sư cảm ứng? Hiện nay chúng ta trước hết nói rõ về nghi quỹ của việc tu trì pháp môn Dược Sư.

Đức Thế Tôn nghe lời của ngài Văn Thù nói không sai bèn ấn khả nói: “Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông vừa nói.” Sau đó đức Phật bảo ngài Văn Thù: “Nếu những thiện nam tử và thiện nữ nhân có lòng tin trong sạch, muốn cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, trước hết phải nên tạo lập hình tượng, sau đó thiết trí một tòa cao trang nghiêm thanh tịnh, rồi đặt tôn tượng Phật lên trên đó vững vàng.” Phần trên đã nói qua, chất liệu của tượng Phật có thể làm bằng nhiều loại khác nhau, hoặc khắc bằng gỗ, hoặc đúc bằng vàng, bằng đồng, hoặc vẽ trên tơ lụa, v.v…

Y theo bổn kinh nói, trên pháp đàn Dược Sư cần phải thiết trí bảy tượng Phật – đều là tượng Phật Dược Sư. Trước khi cúng dường tượng Phật, cần phải rải nhiều loại hoa. Rải hoa, vốn là bày tỏ sự kính lễ của người Ấn Độ. Đang lúc đức Thế Tôn đi du hành giáo hóa, thính chúng thường đến rải hoa. Lại còn đốt nhiều loại hương, như các loại hương bột, hương chiên đàn, hương trầm thủy, v.v… Lại còn dùng nhiều loại cờ phướn để trang nghiêm nơi ấy. Những việc này liên quan đến nghi thức bố trí đàn trường. Còn về phương diện tu trì của hành giả thì cần phải: “Trong bảy ngày đêm, thọ Bát quan trai giới.” Đây là ước định những người tại gia chưa thọ giới, hoặc chỉ mới thọ Năm giới. “Chỉ dùng những món ăn trong sạch”, nếu như thọ Bát quan trai giới, ăn quá ngọ tức là không thanh tịnh, hoặc ăn các món tanh hôi (Hán: huân), như hành, tỏi, v.v…, đều thuộc về thức ăn không thanh tịnh. Đối với thân thể, cũng cần phải thường “tắm rửa sạch sẽ”, tùy lúc mà “thay quần áo sạch.” Lại còn điều quan trọng hơn là khi tham gia pháp hội Dược Sư, trong tâm cần phải thanh tịnh, không sinh khởi một niệm cấu uế nhiễm ô, cũng không phát khởi tâm sân nộ, hoặc ôm lòng mưu hại kẻ khác. Nhân vì Phật pháp rất tôn trọng tâm từ bi, đặc biệt là pháp môn Dược Sư, tinh thần cơ bổn là từ bi tế độ chúng sinh, lợi lạc chúng sinh. Nếu khởi tâm sân nộ, mưu hại, tức là không tương ưng với pháp môn Dược Sư. Cho nên chúng ta, không những đối với cha mẹ, sư trưởng, anh em, vợ con, không sinh khởi tâm sân nộ, mưu hại, mà đối với tất cả hữu tình, cũng phải tận lực sinh khởi sự lợi ích, an lạc, đem tâm từ bi hỷ xả, bình đẳng đối đãi với họ.

Từ là ban vui, bi là diệt khổ. Một mặt đem nhiều an vui cho chúng sinh, một mặt giảm trừ sự thống khổ cho họ, đây là từ bi. Hỷ là tâm không ganh ghét, thấy người lìa khổ được vui bèn sinh tâm hoan hỷ. Xả tức là tâm bình đẳng, không phân biệt oán thân, thương ghét, một mực đối xử bình đẳng. Bốn loại tâm này gọi là bốn tâm vô lượng. Tâm này vô cùng rộng lớn, bởi vì từ mỗi một chúng sinh mà phát khởi, nhưng chúng sinh là vô lượng, cho nên tâm này cũng vô lượng, vì thế gọi là bốn tâm vô lượng.

Sau khi thân tâm đều được tu tập thanh tịnh, rồi sau đó mới bắt đầu tu trì: (1) Trỗi âm nhạc ca tán”, (2) đi quanh tượng Phật theo hướng phải. Trỗi âm nhạc, như đánh chuông, đánh mõ, v.v… Ca tán, tức là xướng niệm danh hiệu Phật Dược Sư, v.v… Đi quanh tượng Phật, tức là bày tỏ sự tôn kính đức Phật. Người Trung Quốc cho rằng phía trái là lớn, người Ấn Độ cho rằng phía phải là lớn, cho nên đi quanh tượng Phật từ phía phải sang phía trái. (3) Lại phải nên nhớ nghĩ đến công đức bổn nguyện của đức Như Lai Dược Sư. Niệm Phật, không chỉ là dùng miệng xưng niệm danh hiệu, mà còn phải thường xuyên nhớ nghĩ đến mười hai nguyện lớn của ngài, thần thông từ bi cứu tế miễn nạn, cùng công đức vô tận của y báo và chánh báo (của cõi Tịnh Lưu Ly), như vậy mới có thể tương ưng với tâm nguyện của đức Phật Dược Sư. (4) Đọc tụng Kinh Dược Sư này, cần phải suy ngẫm sâu xa để cầu đạt được ý nghĩa thâm sâu của kinh, y vào sự hiểu biết mà hành trì, “hành giải tương ưng.” (5) Vì người khác mà diễn thuyết, khai thị. Đây là đức Thế Tôn khai thị về những điều kiện cần thiết để thiết lập pháp hội Dược Sư. Chúng ta tham dự pháp hội cộng tu, hoặc cá nhân chuyên tu, đều phải nên thiết thực y theo lời chỉ dạy về nghi quỹ của đức Thế Tôn mà thực hành. Sau đó mới có thể hy vọng đạt được những thành quả mà mình mong cầu.

F2. Thọ trì được hiệu quả.
G1. Được phước.

Như vậy thì chỗ mong cầu đều được toại nguyện. Như cầu sống lâu tất được sống lâu, cầu giàu có sẽ được giàu có, cầu quan chức tất được quan chức, hoặc muốn cầu con trai con gái, thảy đều như nguyện. 

Y vào phương tiện thiện xảo của pháp môn Dược Sư, thiết lập nghi quỹ để tu học pháp môn Dược Sư, ắt sẽ đạt được hiệu quả lợi ích. Sự lợi ích được chia làm hai phần. Trước hết, nói về lợi ích được phước.

Do vì phụng hành pháp môn Dược Sư có thể đạt được bốn loại phước báo: được sống lâu, được giàu có, được quan chức, được con cái. Có thể thấy rằng pháp môn Dược Sư rất xem trọng sự an lạc hiện đời. Yêu cầu sự an lạc hiện đời  là sự yêu cầu căn bổn phổ biến của nhân loại. Trên thế gian của loài người này, nếu đạt được tuổi thọ lâu dài, kinh tế phong phú, quyền vị chánh trị sùng cao, con cái đông đúc, hầu như được xem là hạnh phúc cực điểm của đời người, ai mà lại không mong muốn! Người đời từ lúc sinh ra đến lúc chết, bận rộn cả một đời đều là vì muốn thỏa mãn những sự mong cầu này. Thế nhưng đời người là một sự khiếm khuyết, dù có nỗ lực tìm cầu thế nào cũng khó mà thực hiện hoàn mãn. Chỉ có y vào pháp môn Dược Sư mà hành trì, nương vào sự gia bị của lực bi nguyện của đức Như Lai Dược Sư thì mới có thể “tùy vào điều mong cầu, tất cả đều được toại nguyện.”

Tôi (Ấn Thuận) thiết nghĩ, tu trì pháp môn Dược Sư mà được đầy đủ những sự mong cầu này, thực sự, tương đối dễ dàng. Chỉ là sau khi đạt được thành quả, dùng những sự hạnh phúc của đời người này vào những mục đích nào, đây mới là điều đáng được suy xét. Ví như, lợi dụng sự sống lâu để làm nhiều sự việc lợi ích chúng sinh, xây dựng những sự nghiệp công đức, lợi dụng thế lực kinh tế của sự giàu có để giúp đỡ những người nghèo khổ thế cô, xây dựng những cơ quan từ thiện văn hóa. Lợi dụng quyền lực của quan chức để cải cách xã hội, cải thiện dân sinh, lợi ích xã hội nhân dân, hoặc có thể tiến thêm một bước, lợi dụng lực lượng chánh trị để hộ trì Tam bảo, phát huy tinh thần Phật giáo để xúc tiến chính trị kiện toàn. Nếu có con cái, có thể dạy dỗ chúng một cách tốt đẹp, vì xã hội mà đào tạo người dân kiện toàn, cùng những nhân tài có ích lợi cho xã hội. Từ phương diện cá nhân mà nói, bồi dưỡng những người con hiếu thảo, biết báo đáp công ơn cha mẹ, thì trong tương lai, chính mình có thể nương cậy. Một đời người như vậy, không chỉ là hạnh phúc mỹ mãn, mà lại còn có ý nghĩa, mới phù hợp với ý nguyện của sự gia bị của đức Như Lai Dược Sư. Nếu không, thọ mệnh tuy dài, nhưng lại làm toàn những chuyện nguy hại cho quốc gia xã hội, chẳng bằng chết sớm còn hay hơn! Nếu như có tiền của mà không biết làm chuyện công ích cho xã hội, tự mình tiêu xài phung phí, hoặc giữ lại cho con cái sau này tạo nghiệp làm ác, thì chằng thà khốn cùng mà biết an bần lạc đạo còn tốt hơn! Cầu được quan chức, mà lại dựa vào quyền thế, khinh khi lăng nhục kẻ yếu ớt thế cô, áp bức dân lành, hoặc tham nhũng hối lộ, khiến cho thân bại danh liệt, thì lại tự làm khổ mình! Lại như sinh ra con cái đầy nhà, nhưng lại toàn là một lũ ngỗ nghịch, không những bất hiếu cha mẹ, mà lại không biết tuân thủ pháp luật, cả ngày du đảng, không làm việc lương thiện, kết quả phá tán tài sản, làm chuyện bất lương, nhiễu hại làng xóm, sinh nhiều con lại tăng gia thống khổ phiền hà, thời có gì là tốt đẹp? Cho nên chúng ta tu học Phật pháp, đối với bốn sự kiện này, dĩ nhiên cần phải nguyện cầu được đầy đủ, thế nhưng cũng cần phải suy xét lại, thì mới có thể không lâm vào tình trạng “nhân vì có phước mà chiêu họa.” Từ những điểm này, có thể biết rằng, hiện sinh lạc tuy tốt đẹp, nhưng không phải là triệt để, cần phải vận dụng khéo léo, vận dụng đúng chỗ, dẫn vào pháp xuất thế của Đại thừa, thì mới có thể chân thực thọ dụng.

Phần trên nói đức Như Lai Dược Sư phát mười hai nguyện lớn là đối với các chúng sinh đang bị đói khát bức não, trước tiên dùng các món thức ăn uống khiến cho họ được no đủ, sau đó dùng pháp vị vô thượng khiến cho họ được sự an lạc cứu cánh, từ cạn đến sâu. Bốn sự kiện vừa được đề cập này cũng có thể được giải thích sâu hơn một tầng. (1) Nói về sống lâu: Sự sống lâu trên thế gian, dù cho sống đến một hai trăm tuổi, chẳng qua cũng chỉ là “sông một cuộc đời tạm bợ giống như điện xẹt ngang trời”, chỉ là một thoáng ngắn ngủi, rồi cũng bị tiêu tán. Nếu do trí tuệ như thực, chứng được pháp thân tuệ mệnh, tận vị lai tế, bất sinh bất diệt thì mới là chân chánh được thọ mệnh vô lượng! (2) Nói về giàu có: Kinh Pháp Hoa nói đức Phật là vị trưởng giả cực kỳ giàu có, Bồ tát có vô lượng công đức bổn nguyện, quả Phật có vô biên pháp tài, dùng hoài không hết, cõi Tịnh độ Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư do chất báu lưu ly tạo thành, còn cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà dùng bảy báu để trang nghiêm, như vậy còn gì giàu có hơn được? (3) Nói về quan chức: Đức Phật đối với tất cả các pháp đều được đại tự tại, làm Pháp vương của cõi Tam thiên đại thiên thế giới, địa vị của ngài cao tột, vượt quá tất cả những kẻ có quyền lực khác. (4) Nói về con cái: Phật pháp thường dùng thiện tâm thành thực làm con trai, nhu hòa nhẫn nhục làm con gái. Cho nên chúng ta tu học Phật pháp, đối với bốn sự kiện này phải nên nhận xét sâu xa. Cần phải lập nguyện cầu chứng đắc pháp thân tuệ mệnh, đầy đủ công đức pháp tài, lên ngôi vị Pháp vương, cùng với đức tính thành thật và nhẫn nhục, thì đây mới là cảnh giới tối cao của pháp môn Dược Sư.

G2. Đươc miễn nạn.
H1. Nạn trăm quái xuất hiện.

Lại như có người gặp cơn ác mộng, thấy các tướng dữ ghê sợ, hoặc những loài chim quái dị bay đến tụ tập; hoặc nơi chỗ ở có hàng trăm việc kỳ quái xuất hiện. Nếu người ấy biết đem những món quí đẹp cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì các tướng dữ, ác mộng, những điềm chẳng lành, thảy đều tự mất, không thể làm tổn hại.

Phần dưới là được tránh khỏi ách nạn. Thứ nhất là tránh khỏi nạn trăm quái xuất hiện.

Đức Thế Tôn nói: “Lại như có người đang trong giấc ngủ gặp cơn ác mộng”, thấy đủ các loại tướng dữ ghê sợ hiện ra trước mắt, hoặc có các loài chim quái dị bất tường, như cú mèo, quạ, v.v…, đột nhiên tụ tập trước nhà, hoặc chỗ ở có hàng trăm việc kỳ quái xuất hiện, như phòng ốc có tiếng động lớn, chén bát tự vỡ bể, hoặc trong đêm có tiếng quái lạ, đủ các loại hiện tượng kỳ dị xưa nay chưa từng có mà nay đột nhiên phát sinh, đây là điềm không lành cho cá nhân hoặc cho gia đình. Những loại hiện tượng dị thường này khiến cho người thấy nghe có dự tưởng sẽ có một sự bất hạnh xảy đến, mà thường là có ứng nghiệm. Gần đây trong báo có đăng, có một người ngoại quốc nuôi một con chó. Một hôm con chó bổng nhiên chạy ra khỏi nhà, vừa chạy vừa sủa dữ dội. Người chủ vội chạy ra ngoài xem việc gì đang xảy ra, thì cũng vừa lúc đó căn nhà bị sụp xuống. Căn cứ vào sự nghiên cứu khoa học, khi loài người sắp sửa phát sinh một sự bất hạnh, thì loài súc vật có một cảm quan thứ sáu, có thể dự cảm được sự việc sắp sửa xảy ra. Nếu chúng ta gặp phải loại hiện tượng quái dị này: Thứ nhất, không nên hoảng hốt, nếu hoảng hốt thì không thể ứng phó. Phải nên giống như người chánh nhân quân tử tâm địa thản nhiên, hoặc là người có tu trì có đạo đức, không hề đếm xỉa đến những sự việc đó. Tục ngữ có câu: “Thấy quái mà không quái, quái đó sẽ tự bại.” Thứ hai, nếu như đức hạnh có sự khiếm khuyết, phải nên kiền thành xưng niệm thánh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, khẩn cầu đức Phật gia bị, tất cả sự việc quái dị sẽ tự nhiên tiêu diệt. Cho nên ở đây nói những người gặp phải hiện tượng quái dị nhiễu loạn, nếu y theo sự chỉ thị ở trên, cần phải chuẩn bị đầy đủ các món quý đẹp đem cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì các tướng dữ, ác mộng, những điềm chẳng lành này thảy đều tự biến mất, không thể làm tổn hại chúng ta.

H2. Tất cả nạn sợ hãi.

Hoặc gặp những nạn dữ như nước, lửa, đao, độc, đi qua đường hiểm, voi dữ, sư tử, cọp, sói, gấu đen, gấu đỏ, rắn rết độc, bò cạp, muỗi mòng… gây ra khiếp sợ. Nếu có thể hết lòng tưởng nhớ đức Phật ấy, cung kính cúng dường, liền được giải thoát khỏi hết thảy nạn dữ.

Trong các tai nạn dữ, ở đây liệt kê ra, có nạn lũ lụt, nước lớn thành ngập lụt, có thể hủy hoại mùa màng, cuốn trôi nhà cửa, gây ra chết chóc, giống như trận lũ lụt không tiền khoáng hậu (chưa từng có) xảy ra ở bên Đại Lục (Trung Quốc) vừa rồi, không biết bao nhiêu nạn nhân đang chờ đợi sự cứu tế! Nạn lửa cháy, lửa lớn cũng rất đáng sợ, có lúc cháy hàng trăm, hàng ngàn căn nhà, đem đến sự tổn thất tài sản và nhân mạng cũng rất thê thảm. Nạn “đao binh”, tức là tất cả tai nạn xảy ra trong thời kỳ chiến tranh. “Độc”, tức là bị trúng thuốc độc. “Đi qua đường hiểm” (Hán: huyền hiểm), tức là đi cạnh vực thẳm, núi cao, hoặc đi trên cầu treo qua hố sâu, dễ dàng bị xảy chân rơi xuống. Voi dữ, có những loại voi dữ, hễ thấy người thì muốn chà cho chết. Ngoài ra còn có sư tử, mãnh hổ, chó sói, gấu đỏ, gấu đen, đều là những loài thú rất dữ tợn. Rắn độc, rết độc, bò cạp, là những loài trùng độc, nếu bị chúng cắn phải thì hoặc bị trúng độc mà chết, hoặc là bị sưng phù nhức nhối. Nhện độc, cùng với loài bò cạp, nếu chất độc thấm vào da sẽ làm nổi mụt nhọt, làm cho đau đớn ngứa ngáy. “Muỗi mòng”, như phần trên đã nói. Chúng sinh nếu có thể chí tâm nghĩ nhớ đức Phật (Như Lai Dược Sư) ấy, cung kính cúng dường, thì có thể nương vào công đức thù thắng này mà liền được giải thoát khỏi hết thảy nạn dữ.

Chúng ta sở dĩ gặp phải sự hãm hại của thú dữ trùng độc, thứ nhất là do nghiệp đời trước của chúng ta chiêu cảm, thứ hai là tâm ý hiện thời của chúng ta quá độc ác. Chúng ta xưng niệm thánh hiệu của đức Phật Dược Sư, một mặt là để tiêu trừ nghiệp chướng, một mặt khác là để bồi dưỡng tâm từ bi, giảm trừ tâm độc hại, như vậy thì mới có thể tiêu tai miễn nạn. Có người nói: “Cọp sói là họa hại của loài người, cần phải tiêu diệt bọn chúng.” Thật ra, rắn độc thú dữ không có ý hại người, mà là tâm con người quá tàn ác độc hại, một mực muốn tổn hai bọn chúng. Vì để tự vệ cho nên bọn chúng phải tổn hại chúng ta. Có người hỏi một nhà huấn luyện thú dữ: “Ông làm thế nào mà có thể đùa giỡn với cọp, sư tử cả ngày mà không bị chúng làm tổn thương?” Nhà huấn luyện trả lời: “Rất đơn giản, chúng ta chỉ cần làm cho chúng tin tưởng, cho chúng biết rằng chúng ta không có ý làm hại, mà còn làm lợi cho chúng, thì chúng sẽ không làm tổn thương, mà còn trở thành bạn tốt của chúng ta, để cho chúng ta mặc tình vuốt ve đùa giỡn, mà không cảm thấy phiền hà.” Quả thật mà nói, cọp sói thú dữ đều sợ loài người, nhưng y vào bản năng và kinh nghiệm của chúng, hễ thấy loài người thì đều có cảm tưởng là loài người muốn làm hại chúng, cho nên chúng mới tấn công chúng ta trước. Loài trùng độc cũng vậy, có lúc bò lên thân chúng ta, nếu không đụng nó thì không sao, còn nếu đụng vào thi chúng sẽ cắn chúng ta, bởi vì chúng muốn tự vệ cho nên phải phản kháng.

Chúng ta đã học Phật, nghiệp chướng đời trước mỗi ngày một giảm bớt, tâm từ bi mỗi ngày một tăng trưởng, thì sự tổn hại của thú dữ trùng độc càng ngày càng giảm thiểu. Người xưa có câu: “Thế giới vô cùng đạo đức…” (Hán: chí đức chi thế…), đây là chân lý, không phải là một sự nói đùa. Có một vị tăng sống ở trong núi, không người tới lui, có hai con cọp làm bạn với ngài, và do tâm từ bi của ngài cảm hóa mà bọn chúng đều trở nên ngoan ngoản tuân lời. Nếu chúng ta biết rõ lý lẽ này, muốn cầu tiêu tai miễn nạn, thì phải chí tâm xưng danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư để tiêu trừ nghiệp chướng, trưởng dưỡng tâm từ bi, đem sự sân độc trong tâm tiêu trừ hoàn toàn sạch sẽ, sau đó thì mới có thể miễn trừ được tai nạn, nếu không, chớ nên phiền trách là tại sao đức Như Lai Dược Sư không cảm ứng!

H3. Nạn nội loạn ngoại xâm.

Hoặc gặp nạn nước khác xâm lấn, trộm cướp, giặc loạn, liền cung kính nghĩ nhớ đến Ngài, đều được giải thoát khỏi các nạn ấy.

Tai nạn của quốc gia (quốc nạn), không ra ngoài hai loại: (1) bị nước khác xâm lăng (ngoại xâm), (2) bị trộm cướp quấy nhiễu (nội loạn). Như quốc gia bị chiến loạn, đưa đến cảnh nước mất nhà tan, vợ con tản lạc, nhân dân chạy loạn khắp nơi, không thể an cư lạc nghiệp, đúng là thống khổ đến cực điểm! Đây là liên quan đến phương diện nội loạn. Còn về phương diện ngoại xâm, giống như trong quá khứ, Nhật Bổn xâm lăng Trung Quốc, trong tám năm kháng chiến (1937-1945), tổn thất không biết bao nhiêu là nhân mạng tài sản, nhận lãnh bao nhiêu sự thống khổ của chiến tranh. Nói tóm, bất luận là nội loạn, hoặc là ngoại xâm, chúng ta bất hạnh gặp phải những loại họa dân nạn nước này, nếu như có thể nghĩ tưởng, cung kính, lễ bái, cúng dường đức Như Lai Dược Sư, thì cũng có thể giải trừ những tai hại của nạn nội loạn ngoại xâm này. Một quốc gia bị họa hoạn nội loạn ngoại xâm, nguyên nhân chủ yếu là do bổn thân của quốc gia ấy bất toàn. Đây gọi là “gỗ mục sinh trùng.” Nếu như nội bộ kiện toàn, kẻ địch không thể thừa cơ, thì nước ngoài cũng không dám xâm phạm, mà nội loạn cũng không có cơ hội phát động. Chúng ta xưng niệm danh hiệu đức Như Lai Dược Sư, y vào bổn nguyện của đức Như Lai Dược Sư, thì trên căn bổn, những tai nạn này sẽ không phát sinh. Nếu như đã phát sinh, thì vẫn cần phải xưng niệm thánh hiệu của đức Dược Sư, tu trì pháp môn Dược Sư, cầu khẩn công đức bổn nguyện của đức Như Lai Dược Sư gia bị, để tiêu trừ nghiệp chướng của mọi người. Quốc nạn là do cộng nghiệp của mọi người mà chiêu cảm, không phải là việc riêng của một cá nhân hay của một đoàn thể nào, cho nên mọi người đều phải chí tâm nhất ý cộng tu pháp môn Dược Sư, mọi người đều phải nhất trí xưng niệm danh hiệu Phật, cung kính lễ bái, phát nguyện sám hối, như vậy mới có thể diệt trừ quốc nạn – từ nặng trở nên nhẹ, từ nhẹ trở nên tiêu tán.

Binh lực của triều đại nhà Nguyên (Mông Cổ) vô cùng cường thịnh, đã từng phái binh thuyền tấn công Nhật Bổn. Nhật Bổn là nước nhỏ, binh lực yếu ớt, không có sức chống trả, rất là hoảng hốt. Họ bèn tổ chức một pháp hội Hộ Quốc Tiêu Tai, do toàn thể nhân dân tập trung lực lượng, nhất trí khẩn cầu Phật lực gia bị, kết quả quân Nguyên hai lần tấn công, binh thuyền đều bị cuồng phong đánh chìm, do đây Nhật Bổn tránh khỏi nạn chiến tranh. Thế nhưng sau này, Nhật Bổn lại quay sang xâm lăng Trung Quốc, rốt cuộc biến thành chiến tranh thế giới thứ hai. Nước Mỹ cũng tham gia tấn công Nhật Bổn. Nhật Bổn lại cũng tổ chức tu tập pháp Tiêu Tai, kết quả vẫn bị dội bom nguyên tử. Cho nên sự cảm ứng của Phật lực là dành cho kẻ bị xâm lược, còn như đi xâm lược kẻ khác, thì phải bị thọ quả báo. Trừ phi chính mình thừa nhận sự sai lầm, thành khẩn sám hối, nếu không, tất cả sự tu tập đều vô dụng!

H4. Nạn hủy phạm bị đọa lạc.

Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi! Nếu những kẻ nam người nữ có lòng tin trong sạch, cho đến trọn đời chẳng phụng sự thiên thần nào cả, chỉ một lòng qui y nơi Phật, Pháp, Tăng, thọ trì giới cấm, hoặc Năm giới, hoặc Mười giới, hoặc Bốn trăm giới Bồ Tát, hoặc Hai trăm năm mươi giới tỳ kheo, hoặc Năm trăm giới tỳ kheo ni. Trong khi thọ giới, như có chỗ hủy phạm, sợ đọa vào nẻo ác; nếu biết chuyên tâm niệm danh hiệu Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung kính cúng dường, nhất định chẳng phải sanh vào ba nẻo ác.

Nếu như hủy phạm thi la (giới luật), bị đọa vào ba nẻo ác cũng là một ách nạn lớn. Cho nên đức Thế Tôn bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: “Nếu có những kẻ nam người nữ có lòng tin trong sạch, từ lúc quy y Tam bảo, cho đến trọn đời (đến chết mới thôi), không thờ phụng hoặc tín ngưỡng những thiên ma ngoại đạo nào khác, mà chỉ là một lòng quy y nơi Phật pháp tăng. Giai đoạn thứ nhất của sự tu học Phật pháp tức là quy y Tam bảo. Sau khi quy y Tam bảo thì không được phép quy y tà thần ác quỷ, cùng các loại tôn giáo khác, bởi vì tín ngưỡng là chuyên nhất. Cho nên nói cần phải quy y trọn đời thì lòng tin mới thật sự có nơi nương tựa. Nếu không, thấy đây cũng quy y, thấy kia cũng quy y, lòng tin tạp nhạp phân tán, thì cũng giống như không có tín ngưỡng. Nếu như chân chánh quy y Tam bảo thì phải nên nhớ kỹ điều này! Như có người nói, nào là Tam giáo đồng nguyên (Nho, Phật, Lão), Ngũ giáo đồng nguyên (Nho, Phật, Lão, Chúa, Hồi), đây là ngoại đạo tà thuyết, quyết không nên tin! Hoặc có người nói “tin Phật rồi, cũng vẫn phải cần thần tài.” Nên biết, Phật pháp là bảo tàng phong phú, cầu tài lộc, cầu thọ mệnh, cầu con cái, v.v…, trong Phật giáo đều có phương pháp, đều có thể thỏa mãn tâm nguyện của chúng sinh, cần gì phải cúng dường thần tài không phải là Phật giáo? Tin Phật thì không quy y ngoại đạo, đây là nguyên tắc căn bổn nhất cho sự quy y Tam bảo.

Các đệ tử Phật có lòng tin thanh tịnh, trước tiên cần phải quy y Tam bảo, sau đó cần phải thọ trì cấm giới. Giới là căn bổn của Phật pháp, nếu không có căn bổn này thì tất cả thiện pháp vi diệu không thể nào phát sinh. Cho nên đệ tử Phật cần phải thọ giới. Sau khi thọ giới thì mới có đủ tư cách làm đệ tử Phật. Có người e rằng “thọ giới mà không thể giữ giới, tội càng nặng hơn” (thành thử không chịu thọ giới), thật ra, dù không thọ giới, nếu hủy phạm các tính giới, như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ thì cũng tội trạng cũng giống như người thọ giới. Giới có năm giới, mười giới, Bồ tát có bốn trăm giới, tỳ kheo có hai trăm năm mươi giới, tỳ kheo ni có năm trăm giới. Năm giới là giới của hàng tại gia, mười giới là giới của sa di sa di ni. Nếu ước định thập thiện, thì thông cả tại gia và xuất gia. Bồ tát có bốn trăm giới, có bản dịch nói là một trăm lẻ bốn giới. Kinh Du Già Bồ Tát Giới nói có bốn giới trọng và bốn mươi ba giới khinh. Y theo Kinh Phạm Võng thì là mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Giới tỳ kheo ni tổng cộng có năm trăm giới, nhưng thật ra chỉ có ba trăm bốn mươi tám giới. Trong các loại giới được thọ trì ở phần trên, bất luận là giới ưu bà tắc, giới sa di, cho đến giới Bồ tát, nếu như hủy phạm, đương nhiên sẽ lo sợ bị đọa vào nẻo ác.

Những chúng sinh phạm giới này, nếu như có thể chuyên tâm niệm danh hiệu và cung kính cúng dường đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì có thể y vào công đức của thiện căn này mà có thể tiêu trừ tội phạm giới, chắc chắn sẽ không bị đọa vào ba nẻo ác. Vả lại, những chúng sinh phạm giới, nếu quả thật có tâm sợ hãi, tâm hổ thẹn, có thể tha thiết tỉnh ngộ, phát lộ sám hối, thì đức Đại Giác Thế Tôn, với bổn hoài cứu tế chúng sinh, đương nhiên sẽ thương xót nhiếp thọ, uy lực gia bị, khiến cho những kẻ phạm giới có cơ hội làm lại cuộc đời. Lúc đức Thế Tôn còn tại thế, nếu có tỳ kheo, tỳ kheo ni hủy phạm căn bổn đại giới, ngài cũng cho phép họ sám hối làm “dữ học sa di” (tỳ kheo bị giáng xuống làm sa di), để khỏi phải bị đọa vào các nẻo ác, chẳng qua trong hiện đời, họ không thể giải thoát sinh tử (nghĩa là không thể chứng thánh quả).

H5. Nạn người nữ sinh sản.

Hoặc có người nữ khi sanh con, chịu rất nhiều đau đớn khổ sở. Nếu có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, tán thán, lễ bái, cung kính cúng dường đức Như Lai ấy, thì các sự đau đớn khổ sở đều trừ dứt. Khi sanh con ra thân thể đầy đủ, hình sắc đoan chánh ai thấy cũng vui mừng, lại được thông minh lanh lợi, an ổn ít bệnh, không bị loài phi nhân đoạt mất tinh khí.

Hoặc có người nữ, mang thai đúng tháng, đến lúc sinh đẻ, phải chịu rất nhiều đau đớn khổ sở.

Người nữ sinh con, vốn là một hiện tượng sinh lý tự nhiên. Giống như trái bầu chín thì cuống bầu tự nhiên rơi rụng, đáng lẽ không có sự đau đớn gì mới đúng. Tôi (Ân Thuận), lúc nhỏ, thường thấy những phụ nữ nhà nghèo ở thôn quê, một ngày trước khi đi đẻ vẫn còn ở ngoài đồng công tác, khi cảm thấy sắp sửa muốn đẻ thì trở về nhà nghỉ ngơi, sau khi sinh con vài ba ngày thì trở lại làm việc, hình như không có việc gì xảy ra. Tuy lúc sinh đẻ có cảm giác đau đớn, nhưng không nhất định là quá đau đớn. Sanh đẻ sở dĩ quá đau đớn có hai nguyên nhân chính: (1) Trong lúc mang thai không biết điều dưỡng, không biết tiết chế trong việc ngủ nghỉ ăn uống, hoặc thường giận hờn, hoặc dâm dục. (2) Hoặc có một số phụ nữ, lúc bình thường được chiều chuộng hư hỏng, nếu chỉ hơi có một chút cảm giác, thân tâm bèn hoảng hốt ngày đêm không an, đợi đến lúc sanh đẻ thật sự thì không còn sức lực, không thể sinh đẻ dễ dàng. Ngoại trừ những trường hợp này ra, những sự sinh đẻ khó khăn liên quan đến nghiệp chướng đời quá khứ rất ít khi xảy ra. Phần lớn những sự đau đớn, có thể nói đều là do tự mình gây ra. Hiện nay, y dược phát đạt, y thuật cao minh, sinh đẻ trong các y viện đã giảm bớt sự đau đớn. Nếu như thực sự có sự đau đớn trong khi sanh đẻ, thì có thể chí tâm xưng danh, tán thán, lễ bái, cung kính cúng dường đức Như Lai Dược Sư, thì các sự đau đớn khổ sở đều được dứt trừ.

Liên quan đến vấn đề sanh đẻ, Ấn Quang Đại Sư Văn Sao đã từng thảo luận qua: Khi sanh đẻ bị đau đớn là vì thời gian chưa đến mà lại gấp rút muốn đẻ, dùng sức quá độ mà gây nên. Cho nên, thông thường dặn các sản phụ phải nằm thẳng trên giường nghỉ ngơi, không nên vội vả, đợi khi đúng lúc thì giống như “thuận nước đẩy thuyền”, tự nhiên không cảm thấy đau đớn. Nếu như sản phụ tín ngưỡng Phật giáo, thì nên khuyên họ thành tâm xưng niệm thánh hiệu của Phật Dược Sư, quán tưởng tướng hảo trang nghiêm, công đức vi diệu của đức Phật, thì các loại khổ nạn có thể được tiêu trừ. Có người cho rằng phòng đẻ ô uế, không thể niệm Phật. Thật ra, đây là điều hoàn toàn sai lầm. Chư Phật Bồ tát đại từ đại bi, nếu thấy chúng sinh khổ nạn, dù ở trong hoàn cảnh dơ bẫn nhất, các ngài cũng sẽ đến cứu tế mà không nề hà. Giống như người mẹ thấy đứa con yêu của mình bị rơi xuống hầm phẩn, tuyệt nhiên không hề ghê sợ sự bẩn thỉu mà khoanh tay đứng nhìn không chịu cứu vớt. Chư Phật Bồ tát nhìn tất cả chúng sinh đều như đứa con yêu, cho nên dù trong lúc sinh đẻ cũng nên thành tâm niệm thánh hiệu Phật, thì đức Phật sẽ từ bi gia hộ, khiến cho lìa khổ được vui. Không những người sản phụ được thoát khổ, mà đứa con được sinh ra cũng nhân vì công đức của người mẹ niệm Phật, lễ Phật mà thân thể tay chân, ngũ quan, v.v…, đều đầy đủ, hình sắc đoan chánh, ai thấy cũng đều vui mừng. Hơn nữa, bẫm tính lanh lợi, thiện căn sâu dầy, thông minh trí tuệ, từ nhỏ đến lớn đều được an ổn vô sự, ít bệnh ít não, không bị loài phi nhân đến đoạt mất tinh khí, dễ dàng nuôi dưỡng thành người.

Phật giáo nói về nghiệp cảm, ngoài việc tự mình tạo nghiệp tự mình thọ báo ra, hãy còn có một loại triển chuyển tăng thượng lực tương đối mạnh mẽ, đây cũng tức là nói đến nghiệp lực của người khác có thể ảnh hưởng, dẫn đến quả báo cho mình. Cho nên kinh này đặc biệt nhấn mạnh, cha mẹ lúc bình thường, hoặc lúc sắp sanh đẻ nên xưng niệm, cung kính, cúng dường đức Như Lai Dược Sư, thì đứa con được sinh ra cũng nhân đó mà được tướng mạo đoan chánh, trí tuệ lợi căn. Y vào luật nhân quả mà nói, không thể nghi ngờ nguyên tắc “nhân của chính mình chiêu cảm quả báo của chính mình”, mà ngay cả nghiệp nhân thiện ác của cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến họa phước của con cái. Giữa người và người với nhau có một sự quan hệ mật thiết nương tựa vào nhau mà sinh tồn, nhân đây, tất cả họa phước lợi hại cũng không phải là không tương quan. Hành vi của anh A, trong một tình cảnh nào đó, có thể khiến cho tư tưởng, tánh tình của anh B hoàn toàn thay đổi. Đặc biệt, đối với hài nhi, ảnh hưởng lực của người mẹ rất là lớn. Người mẹ mang thai, nếu như biết quy y Tam bảo, nhận thọ sự đào luyện của Phật pháp, tính tình hiền lành, ôn hòa, nhàn tĩnh, ít có phiền não, hơn nữa, lại làm nhiều công đức, thì đứa trẻ sinh ra sẽ có ngũ quan đoan chánh, thông minh trí tuệ, không có bệnh hoạn. Đây gọi là thai giáo. Ngược lại, nếu người mẹ thường sinh phiền não, tính tình bạo ác, tàn khốc, hoặc tham dâm dục, thì đứa trẻ sinh ra phần lớn tính tình bạo ác, hoặc nhiều bệnh hoạn, ngu si. Sau khi đứa trẻ sinh ra, nếu cha mẹ tin tưởng, phụng sự Tam bảo, thường làm việc bố thí, thương yêu bảo vệ loài vật, thì đứa trẻ tâm địa thuần phác, tính hay bắt học hỏi, dễ dạy dễ bảo. Như vậy, nếu ở bên cạnh cha mẹ lâu ngày, mắt thấy tai nghe, tự nhiên sẽ trở thành hiền lương hòa ái. Những người làm mẹ, ai cũng mong sinh ra con cái tốt lành. Điều này cần phải dùng chính mình làm gương, thì phải tự mình bắt đầu hướng thiện.

Có nhiều cặp vợ chồng trẻ, tình cảm hòa hợp, hoàn cảnh kinh tế tốt đẹp, tâm địa cũng rất chính trực, gia đình vô cùng hòa mục, sinh ra con cái cũng đều rất thông minh khả ái. Có nhiều cặp vợ chồng, nhân vì hoàn cảnh gia đình không tốt, tình cảm không hợp, thường hay cãi vả giận hờn, kết quả sinh ra con cái cũng bị tiêm nhiễm tính xấu. Đây gọi là triển chuyển tăng thượng lực (tha lực). Các vị đang nghe pháp, vì muốn gia đình hạnh phúc, vì muốn con cái khỏe mạnh thông minh, mọi người phải nên chí thành khẩn thiết tín phụng Tam bảo, tu nhiều phước đức.

C3. Đức hạnh khó tư nghì.
D1. Lòng tin hiểu khó được.
E1. Hỏi đáp quyết định.

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo A nan rằng: “Nay ta xưng tán, khen ngợi những công đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chính là chỗ hành nghiệp rất sâu xa của chư Phật, khó hiểu thấu được. Ông có tin được chăng?”

Phần thứ ba, thuyết minh đức hạnh khó nghĩ bàn. Công đức, nguyện hạnh của đức Phật không thể nghĩ bàn, không phải là chỗ mà chúng sinh có thể hiểu rõ được, tưởng tượng được. Phần này lại phân làm hai, hiện nay là phần một: lòng tin hiểu khó được. Nhân vì công đức nguyện hạnh của đức Phật không thể nghĩ bàn, cho nên khó tin khó hiểu. Chúng sinh ở trong sự khó tin khó hiểu này, mà có thể sinh khởi sự tin hiểu, thì đây thực sự là điều hiếm có. Ở đây lại phân làm ba phần. Trước tiên là hỏi đáp quyết định.

Có thể có người nêu lên nghi vấn: “Vì sao phần trên, đương cơ là ngài Văn Thù, nhưng hiện nay lại hỏi ngài A Nan?” Nên biết, ngài Văn Thù là bậc trí tuệ đệ nhất, y vào trí tuệ của ngài, đối với công đức diệu hạnh của đức Phật, không có gì là khó tin, khó hiểu, cho nên đức Phật đem vấn đề này quay sang hỏi ngài A Nan. A Nan, dịch là Khánh Hỷ, là em họ của đức Phật, vô cùng thông minh, nghe đâu nhớ đó, nghe nhiều nhớ lâu, là bậc “đa văn đệ nhất” trong hàng đệ tử Phật. Ngài theo hầu đức Phật hai mươi năm, những bài giảng của đức Phật ngài đều nhớ hết, và ngài cũng là một nhân vật quan trọng trong hội nghị kết tập kinh điển. Hiện nay, đức Thế Tôn hỏi ngài A Nan: “Hiện nay ta xưng tán khen ngợi những công đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đây là những hành nghiệp  vô cùng vi diệu, vô cùng sâu xa của mười phương chư Phật, đối với những chúng sinh tầm thường là điều vô cùng khó tin khó hiểu, ông nghe rồi có tin được không?” Hành nghiệp sâu xa là cảnh giới của Phật, tức là cảnh giới của những hành nghiệp trí tuệ từ bi của chư Phật. Phương tiện trí tuệ và diệu dụng từ bi tế thế của chư Phật vô cùng rộng lớn, vô cùng sâu xa, đối với tâm cảnh của phàm phu, quả thật không có cách nào sinh khởi lòng tin được. Nhân đây, đức Thế Tôn đặc biệt nêu lên, đặt câu hỏi với ngài A Nan để khai thị cho mọi người.

Phật pháp có Đại thừa, Tiểu thừa, tất cả kinh điển không hoàn toàn nhất trí, mỗi bộ kinh điển đều có luận đề chính yếu riêng của nó. Đối với tất cả kinh điển Đại thừa, đại khái có thể phân làm ba loại lớn: Một là đặt nặng vấn đề phân tích cảnh tướng. Hai là đặt nặng về hành môn. Ba là đặt nặng về quả đức.

– Đặt nặng về cảnh tướng, chẳng hạn như nói về tình huống thế giới, luân hồi lục đạo, cùng với vấn đề sắc thân, tâm thức của chúng sinh, v.v…, đều là nói về các loại hiện tượng vũ trụ nhân sinh, có ý vị khoa học và triết học, thích hợp với hiện thực nhất, cho nên dễ dàng tín ngưỡng và lý giải.

– Đặt nặng vấn đề tu hành, như nói về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, trí tuệ, v.v… Đây là giảng nói về phát Bồ đề tâm, tu Bồ tát hạnh, tương đối khó hiểu, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tu định, phát tuệ, thể chứng Tất cánh Không tánh.

Những hành nghiệp thắng nghĩa như chân như bất nhị, thực tướng vô tướng, lại càng khó hiểu hơn, chẳng qua so với vấn đề “quả đức”, vẫn còn có thể suy luận mà biết được.

– Chú trọng đến quả đức, chẳng hạn như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư, v.v…, những loại kinh này toàn là công đức viên mãn, thần thông, trí tuệ, lợi ích tế thế, v.v…, của quả Phật. Kinh A Di Đà nói: “Pháp khó tin này.” Kinh Pháp Hoa cũng nói: “Môn trí tuệ đó, khó hiểu khó vào.” Kinh Hoa Nghiêm cũng dùng Phật quả làm cơ sở để thuyết minh tất cả. Những điều này quả thật quá cách biệt với tâm cảnh phàm phu của chúng ta, cho nên khó tin khó hiểu. Bổn kinh nói về công đức bổn nguyện và hành quả rộng lớn của đức Như Lai Dược Sư, cho nên cũng không dễ hiểu rõ, không dễ tin nhận.

Cho nên trong việc giáo hóa chúng sinh, giảng giáo pháp Duy thức cho họ, phân tích hiện tượng tự nhiên và hoạt động tâm lý, thì họ có thể tiếp nhận dễ dàng. Tiếp đến, như luận bàn về hành môn của Bồ tát, quán chiếu duyên khởi tánh không, chân tính bất sinh bất diệt, vẫn còn không quá khó tin khó hiểu. Còn như nói đến cảnh giới của Phật quả, thì quả thật quá cao thâm, quá khó hiểu, quá khó tin. Trong Phật pháp, cảnh, hành, quả có tính chất nhất quán. Từ sự phân tích cảnh tướng, đến việc nêu rõ hành môn, đến sự làm sáng tỏ quả đức, ước định chúng sinh mà nói, cũng tức là từ trình độ có thể luận bàn đến trình độ không thể luận bàn, từ dễ tin hiểu đến khó tin hiểu.

A nan bạch rằng: “Bạch Đại Đức Thế Tôn, đối với các kinh điển mà Như Lai giảng nói, con không hề sanh lòng nghi hoặc. Vì sao vậy? Tất cả nghiệp thân, miệng, ý của đức Như Lai, không có gì là không thanh tịnh. Thế Tôn! Hai vầng nhật nguyệt kia có thể làm cho rơi rụng xuống, núi chúa Diệu Cao có thể làm cho nghiêng ngã, nhưng những lời chư Phật dạy không hề sai khác.”

Đây là phần ngài A Nan trả lời. Ngài nói: “Bạch Đại Đức Thế Tôn, con đối với những kinh điển mà đức Như Lai giảng thuyết, tin tưởng sâu xa, tuyệt nhiên không bao giờ sinh lòng nghi hoặc.” Đại Đức, tiếng Phạn là Bà đàn đà,  là một lối tôn xưng đức Phật, cũng dịch là Tôn giả, bao hàm ý nghĩa  cực kỳ tôn quý kính trọng. Hiện nay phần lớn bị lạm dụng, ngay cả những người tại gia (ở Đài Loan) cũng được gọi là Đại đức (!).

Ngài A Nan là một hành giả Thanh văn, đối với đức Thế Tôn nói về hành xứ sâu xa của chư Phật làm sao có thể tin tưởng sâu xa mà không hoài nghi? Căn cứ vào lời bày tỏ của ngài A Nan đối với đức Phật là nhân vì “tất cả nghiệp thân khẩu ý của đức Như Lai đều thanh tịnh.” Những cử động nói năng của đức Như Lai, cùng với sự khởi tâm động niệm, tất cả diệu dụng của ba nghiệp, không gì mà không là đẳng lưu của pháp giới thanh tịnh, không gì không phải là biểu hiện của trí tuệ và từ bi. Trong hai mươi năm, ngài A Nan thường theo hầu bên cạnh đức Phật như bóng theo hình, tự thân mắt thấy tai nghe, đương nhiên hiểu rõ đức Phật nhất. Cho nên đối với ngài A Nan, đức Phật là bậc đáng tin tưởng nhất. Vì đã tin tưởng đức Phật, mà bộ kinh này lại do đức Phật nói ra, cho nên ngài cũng có thể tin tưởng sâu xa không hề nghi ngờ. Trên thực tế, ngài A Nan tuy không thể chân thật tin hiểu hành xứ thâm sâu của chư Phật, nhưng vì tín nhiệm phẩm cách thần thánh của đức Phật, tuyệt đối không bao giờ nói lời hư dối, cho nên đối với quả đức khó tin hiểu nhất của đức Như Lai, ngài cũng có thể tin sâu không nghi ngờ. Sự tín ngưỡng của loài người có hai loại: (1) Dùng trí tuệ của chính mình, từ sự nghiên cứu giáo lý mà sinh khởi tín ngưỡng. (2) Do tín nhiệm sự khải thị của người khác, gián tiếp dẫn sinh sự tín ngưỡng. Giống như trường hợp, có người từ phương xa đến, mô tả tình hình ở vùng đó ra sao, tuy đây là một sự kiện rất khó cho người khác tin nhận, thế nhưng do vì người nói xưa nay vốn là một người thành thật đáng tin cậy, cho nên mọi người có thể tin lời người ấy mà không nghi ngờ. Ngài A Nan từ sự tin tưởng đức Phật mà tin sâu công đức bổn nguyện của Phật Dược Sư cũng là lý do này.

Khi xưa có một ngoại đạo không tin đức Phật đã chứng đắc Đại bồ đề, bèn phái một người đệ tử theo dõi đức Phật, trải qua ba tháng mà không hề tìm được một lỗi lầm nhỏ nhặt nào của ngài. Sau đó vị ngoại đạo đó mới bỏ tà theo chánh, quy y với đức Phật. Đức Phật là một bậc uy nghi nghiêm túc, y phục chỉnh tề, trong ngoài như một. Đức Phật thuyết pháp cũng không cần phải suy ngẫm, nói ra tự nhiên khế lý khế cơ, thích nghi đúng chỗ. Đức Phật đối với pháp thế gian xuất thế gian đều không cần phải tìm cầu, mà chúng tự nhiên hiện ra trước mắt rõ ràng. Ba nghiệp của đức Phật đều thanh tịnh đúng pháp như vậy, hãy còn gì khả nghi? Ngài A Nan theo đức Phật rất lâu, hơn nữa rất gần gũi đức Phật, trong những sinh hoạt hằng ngày, đức Phật mặc áo ăn cơm, đi đứng nằm ngồi, tiếp xúc với mọi người, cho đến thuyết pháp độ sinh, mỗi một cử động, ngài A Nan đều hiểu rõ một cách thâm thiết, cho nên ngài A Nan đối với vấn đề phát huy quả đức của đức Như Lai Dược Sư trong bản kinh này, đều tin tưởng một cách triệt để. Ngài A Nan nói tiếp: “Dù cho hai vầng nhật nguyệt kia có thể làm cho rơi rụng xuống, núi chúa Tu Di có thể làm cho nghiêng ngã, nhưng những lời của chư Phật dạy tuyệt đối chân thật, không hề sai khác!” Đây tức là ngài A Nan muốn bày tỏ, dù cho mặt trời mặt trăng có rơi xuống, dù núi Tu Di có sụp đổ, lòng tin của ngài đối với đức Phật thỉ chung không bao giờ lay động.