LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ Tát tạo
Hán dịch: Chơn Đế Tam Tạng Pháp Sư
Việt dịch và Cương yếu: HT Thích Liêm Chính

 

Chương II: Lập nghĩa

Luận văn: Dĩ thuyết nhân duyên phần, thứ thuyết lập nghĩa phần. Ma ha diễn giả tổng thuyết hữu nhị chủng. Vân hà vi nhị? Nhất giả: Pháp. Nhị giả: Nghĩa. Sở ngôn pháp giả vị chúng sinh tâm, thị tâm tắc nhiếp nhất thiết thế gian xuất thế gian pháp. Y ư thử tâm hiển thị ma ha diễn nghĩa. Hà dĩ cố? Thị tâm chân như tướng tức thị ma ha diễn thể cố. Thị tâm sinh diệt nhân duyên tướng năng thị ma ha diễn tự thể tướng dụng cố. Sở ngôn nghĩa giả tắc hữu tam chủng. Vân hà vi tam? Nhất giả: Thể đại: Vị nhất thiết pháp chân như bình đẳng bất tăng giảm cố. Nhị giả: Tướng đại: Vị như lai tàng cụ túc vô lượng tính công đức cố. Tam giả: Dụng đại: Năng sinh nhất thiết thế gian xuất thế gian thiện nhân quả cố, nhất thiết chư Phật bổn sở thừa cố, nhất thiết Bồ Tát giai thừa thử pháp đáo Như Lai địa cố. 

Dịch nghĩa: Đã nói nhân duyên tạo luận xong, thứ đến trình bày phần Lập nghĩa. Phần này có hai: 1: Pháp đại thừa. 2: Nghĩa đại thừa.

Pháp đại thừa? Pháp đại thừa chính là Tâm chúng sinh, tâm này tổng nhiếp tất cả các pháp Thế gian và Xuất thế gian. Chính vì thể, tướng và dụng của tâm chúng sinh vô cùng rộng lớn nên xưa nay tất cả chư Phật, chư Bồ tát đều y vào pháp này tu tập và đều đã chứng đắc quả vị Như lai.

Nghĩa đại thừa? Có 3 phương diện

A1: Thể đại: Chân như bình đẳng không tăng không giảm của tất cả pháp.

A2: Tướng đại: Như lai tàng, với đầy đủ tự tính công đức vô lượng.

A3: Dụng đại: Có khả năng sinh nhân quả thiện Thế gian và Xuất thế gian.

Cương yếu: Danh từ Lập nghĩa, theo Thuật ngữ chuyên môn gọi là Giáo nghĩa. Mở đầu Luận chủ thành lập Chủ thuyết: Bản thể Chân như tất cả chúng sinh đều sẵn có, do duyên Vô minh bất giác nên khởi Vọng tâm, thành A Lại Da thức từ đây phát sinh Nhất thiết pháp hữu lậu. Có 3 vấn đề được đặt ra ở đây theo kinh Viên Giác chương 4, Bồ tát Kim Cang tạng đặt nghi vấn:1: Chúng sinh bản lai thành Phật hà cố phục hữu nhất thiết vô minh? 2: Nhược thị chư vô minh chúng sinh bản hữu, tắc hữu hà nhân duyên Như lai thuyết chúng sinh bản lai thành Phật? 3: Thập phương chúng sinh bản lai thành Phật nhi hậu khởi Vô minh, tắc nhất thiết Như lai hà thời phục sinh nhất thiết phiền não?. Nghĩa là: 1. Chân như đã có từ trước, tại sao sau đó lại khởi tất cả vô minh? 2: Nếu chúng sinh thật sự sẵn có vô minh, vì lý do gì Như lai nói chúng sinh vốn đã thành phật? 3: Mười phương chúng sinh nếu đã thành Phật sau đó lại khởi Vô minh, thế thì Như lai khi nào sinh khởi phiền não?

Để giải thích nghi vấn 1: Chúng sinh bản lai thành Phật là nói về tự tính Phật, Phật tính hay Chân như hường trụ bất sinh bát diệt, do Nhất niệm Bất giác phát sinh Vô minh, Tướng nghiệp đầu tiên gọi là Vô minh nghiệp tướng từ đây liên tục khởi niệm tạo nghiệp chịu trói buộc sinh tử khổ đau.

Trả lời nghi vấn 2: Nếu chúng sinh không sẵn có Phật tính, lấy gì huân tập Vô minh biến Vô minh thành Chân như, y Thỉ giác huân tu tùy thuận đắc nhập Chân như vì nhân duyên như thế nên Như lai nói chúng sinh bản lai thành Phật.

Trả lời nghi vấn 3: Khi vô minh phiền não đã đoạn tận làm gì có chuyện Phật trở lại làm chúng sinh! Ví như những người học hành tinh thông chữ nghĩa, sau đó bảo người ấy chừng nào trở lại ngu si không biết chữ, hay vàng đã lọc khỏi quặng thành đồ trang sức lại hỏi khi nào trở thành quặng, đây là điều hoàn toàn không thể!

Pháp đại thừa là tâm chúng sinh, trong thể Nhất tâm này có đầy đủ các pháp Vô lậu xuất thế gian và Hữu lậu thế gian. Nói chung tất cả pháp trong tam giới đều hàm nhiếp tại tâm chúng sinh. Kinh Hoa nghiêm: Tam giới thượng hạ pháp do thị nhất tâm tác. Nói cách khác, tâm chúng sinh sẵn có 2 phần Nhiểm pháp hữu lậu và Tịnh pháp vô lậu. Tuy nhiên điểm khác biệt giữa A lại da duyên khởi với Chân như duyên khởi. Theo Chân như duyên khởi, Nhiễm hay Tịnh đều bắt nguồn từ sự Nhất niệm bất giác phát sinh Vô minh nghiệp tướng, như thế nên gọi Chân như duyên khởi.

Nếu bắt nguồn từ chủng tử hàm tàng tại A Lại Da thức như Đại thừa Duy thức chủ trương thì gọi A Lại Da duyên khởi. Bởi vì Khởi tín thành lập phần thanh tịnh tuyệt đối là Đệ cửu Yêm ma la thức, còn gọi la Vô cấu thức, Bạch tịnh thức. Do chúng sinh Nhất niệm Bất giác Chân như nên thành Tàng thức A lại da, tại Tàng thức có 2 môn: Chân như và Sinh diệt, mỗi môn đều có khả năng dung nhiếp tất cả các pháp trong tam giới không phân biệt nhiễm hay tịnh. Từ đó Căn bản vô minh phát sinh Chi mạt vô minh là Tam tế và Lục thô mở đầu Sinh diệt Lưu chuyên môn. Để đối trị Sinh diệt bất đắc dĩ phải dùng Chân như làm phương tiện gọi là dĩ ngôn khiển ngôn, dùng ngôn ngữ phủ định ngôn ngữ, nên nhớ Chân như nguyên không phải pháp đối trị. Hơn nữa Sinh diệt và Chân như, mê hay ngộ đồng nhất thể, nhiễm và tịnh bất dị, phật và phàm không hai, tất cả đều cùng một nguồn gốc, đó là Bản giác, chỉ vì mê Bản giác thành Bất giác, khi giác ngộ nhiễm pháp sinh diệt Chân như hiển bày, bất giác không còn lý do tồn tại.

Kinh Lăng Nghiêm nói: Ngôn vọng hiển chư chân, Vọng chân đồng nhị vọng. Nghĩa là nói Vọng để hiển Chân, khi Chân đã hiển bày thì Vọng và Chân đều là Vọng. Hành giả muốn trở về Bản giác, việc trước nhất phải nhận biết Nhất niệm bất giác, sự giác ngộ này tuy có phần giác ngộ tiền niệm, có thể khống chế hậu niệm không cho sinh khởi, nhưng chưa trọn vẹn nên vẫn là Bấc giác. Sự nhận biết Bất giác này là nhờ Thỉ giác. Từ Thỉ giác y chính pháp tu tập cho đến khi thành tựu Tương tợ giác bấy giờ có thể có năng lực tương đối hoàn chỉnh bước vào giai đoạn Tùy phần giác, đoạn từng phần Vô minh chứng từng phần Chân như, cứ như thế tinh tiến tu tập cho đến khi chứng đắc Bổn giác tức quy về Giác tâm, thành Vô thượng bồ đề.

Tóm lại, Tâm chân như là Tự tính của chúng sinh có đủ Thể đại, bản thể Chân như bình đẳng bất sinh bất diệt này là Pháp thân đức. Tướng đại là tại Như lai tàng vô lượng hằng sa tính công đức là Bát nhã đức. Dụng đại, tại Chân như đầy đủ nhân quả thiện và bất thiện của thế và xuất thế gian là Giải thoát đức. Nói cách khác, Tâm chúng sinh đầy đủ Pháp thân, Bát nhã và Giải thoát. Chính vì Pháp đại thừa có đủ Thể, Tướng và Dụng rộng lớn như thế nên từ xưa nay tất cả chư Phật, chư Bồ tát đều y vào pháp này tu tập và đã chứng đắc đạo quả Vô thượng đẳng chính giác. Tuy phân tích Chân như và Sinh diệt thành 2, nhưng thật sự vẫn là nhất thể luôn ở trong tư thế không thể tách rời gọi là Bất tương ly. Nhất niệm mê Chân như thành Sinh diệt, ngộ Sinh diệt tức đồng Chân như, tuy hai nhưng không hai, một mà không phải một, chỉ khác nhau mê hay ngộ mà thôi.