49 NGÀY
SIÊU ĐỘ CHO THÂN NHÂN
 NGHI THỨC & GIẢNG GIẢI

 

CHUẨN BỊ CHO HƯƠNG LINH

Lập Bàn Thờ Phật

Tại sao có việc lập bàn thờ? Chẳng qua là vì giúp cho chúng sanh dễ dàng quán tưởng. Nếu chúng sanh nào có thể quán tưởng dễ dàng, thì cũng không cần phải lập một bàn thờ.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã giới thiệu đến chúng sanh của cõi Ta Bà về Đức A Di Đà Phật, vị giáo chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc. Vị Phật này đã có lời thệ nguyện, là sẽ tiếp độ chúng sanh của cõi Ta Bà, nếu chúng sanh đó thật tâm muốn về cõi Cực Lạc của Ngài.

Chúng sanh nơi cõi Ta Bà đã ví Ngài như một Từ Phụ và cảm thấy rất gần gũi với Ngài. Người đời đã họa hình của Đức A Di Đà Phật và cũng họa hình của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cùng Đức Đại Thế Chí Bồ Tát. Hai vị Đại Bồ Tát này là cánh tay Phải và cánh tay Trái của Đức A Di Đà Phật, trong công việc tiếp độ chúng sanh.

Cho nên, cõi Tây Phương Cực Lạc được thể hiện qua hình tượng của 3 vị: Đức A Di Đà Phật, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát, được gọi một cách trang trọng là Tây Phương Tam Thánh.

Vị giáo chủ của cõi Ta Bà là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Một người bước vào việc tu tập, không thể nào quên được Đấng Cha Lành của mình chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Cho nên, vị Phật chánh yếu phải tôn thờ và quán tưởng trong lúc tu tập, chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Đức A Di Đà Phật cùng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát là biểu tượng của Thế Giới Cực Lạc mà chúng sanh muốn được an trụ sau khi bỏ xác thân. Vì vậy, phải luôn luôn có sự đi đôi giữa hình tượng của Đức Bổn sư và cả ba vị của cõi Cực Lạc.

Ngoài ra, nếu hành giả muốn thờ thêm bất kỳ một vị Phật nào, một vị Bồ Tát nào cũng đều được cả, tùy ở lòng thành tâm của hành giả đó. Việc lập bàn thờ là một việc tùy Tâm, tùy Hỷ, không bắt buộc; tuy nhiên, cũng là điều lợi ích, vì đó là một sự nhắc nhở từng giờ, từng phút, từng giây; từng ngày, từng tháng, từng năm cho hành giả luôn nhớ đến con đường mình đang đi và mục đích của mình trong việc tu tập. Nó cũng nhắc nhở cho mình hiểu, phải tu tập như thế nào để không bị lạc lối, để an toàn đến được bến bờ.

Việc bài trí, trang hoàng, tùy vào tầm nhìn, tùy theo quan niệm của mỗi người. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ như Tâm của mình, luôn luôn bình dị, thì chữ Bình mới ở mãi trong Tâm; đừng gây nhiều rắc rối, đừng gây nhiều phức tạp, sẽ khiến cho mình dễ bị vướng mắc.

 

Lập Bàn Thờ Vong

1. Bàn thờ vong phải đặt một nơi cách xa bàn thờ Phật. Tại sao? Bàn thờ Phật là nơi mà hành giả đến tu tập mỗi ngày. Công năng của việc trì Chú, niệm Phật giúp cho hành giả có được một đạo lực. Đạo Lực này sẽ tỏa ra ánh hào quang, bao trùm Đạo Tràng mỗi khi hành giả ngồi vào tu tập.

Đó là chưa kể, nếu có thiện duyên, sẽ có những vị như Chư Thiên, Chư Thánh, Chư Thần sở tại, nơi vùng đất của hành giả ở, hoặc Hộ Pháp Già Lam, v.v… cùng đến tu tập chung.

Nếu hành giả là một người tu tập chân chánh thì sẽ được sự ủng hộ của các vị này. Cho nên khi tu tập, phải thận trọng rất nhiều, phải giữ gìn tư cách, giữ oai nghi của mình, vì không phải chỉ có riêng mình ngồi tu đâu!

Vong linh vì không còn bị vướng bận bởi ngũ căn nữa, nên có thể nhìn thấu suốt tất cả. Vì vậy vong rất sợ hãi, không dám bén mảng đến Bàn thờ Phật. Do đó mà phải lập một bàn thờ riêng cho vong.

2. Muốn cho vong luôn trụ ở trong nhà trong suốt 49 ngày, khi cho vong nhập vị phải nói với vong rằng: “Hương linh ở tại nơi đây và không đi lẩn quẩn trong nhà, không được ra khỏi bài vị, chỉ khi nào có lời triệu thỉnh vong ra để nhận thức ăn hay cùng tu tập thì vong mới được ra.” Khi thời khóa tu đã chấm dứt, thì phải tiễn vong vào bài vị, vong sẽ an trụ nơi đó để lúc nào cũng nghe câu niệm Phật.

3. Khi cho vong nhập vị rồi (tức là ở trong bài vị), người chủ lễ sẽ thỉnh hai Vị Hộ Pháp để trông coi vong, không cho phép vong được tự do xuất nhập. Thật ra vong cũng không thể tự do xuất nhập, nếu không có lời mời gọi của vị chủ lễ, nhưng hai Vị Hộ Pháp đó cũng vẫn được thỉnh để giữ Vong trong suốt 49 ngày. Đó là hai Vị Hộ Pháp đặc biệt chỉ để canh giữ vong, chỉ cần người chủ lễ khởi tâm cầu nguyện là hai Vị Hộ Pháp đó sẽ xuất hiện và giữ sát vong, cho nên vong không thể nào đi loanh quanh trong nhà được, trong suốt 49 ngày.

Nên sử dụng loại đèn cầy như trong hình để có thể thắp sáng trong suốt 49 ngày.

4. Nếu không cho vong nhập vị thì chỉ thỉnh vong về trong lúc làm lễ, rồi thì tiễn vong đi. Khi tiễn vong đi, vong sẽ bước ra khỏi nhà và cũng không thể nào tự ý quay trở lại, vì Sơn Thần, Thổ Địa nơi đó không cho phép; chỉ trừ một vài trường hợp rất là đặc biệt, do một nghiệp chướng nào đó, khiến cho vong vào trong nhà của một người, nhưng việc đó cũng rất ít xảy ra.

Khi không cho vong nhập vị, cũng là một điều bất lợi, vong sẽ không chú tâm một cách hoàn toàn vào việc tu tập, vì không có nhà để ở, cái bài vị được xem như là căn nhà của vong linh!

Do đó, nếu người chủ lễ hoặc những người trong gia đình hiểu thấu đáo việc tu tập, thì nên để cho vong nhập vị, giúp cho vong có đủ thì giờ trong suốt 49 ngày, làm đúng những điều mà người chủ lễ hướng dẫn cho vong. Vong đi lang thang cũng khó lòng mà Định được và làm đúng hoàn toàn những điều chỉ dẫn của chủ lễ.

5. Nếu có nhiều người ở nhiều nơi khác nhau, cùng phát tâm thành siêu độ cho chỉ một người, mỗi người đều lập bàn thờ vong, theo nguyên tắc, cần phải có sự thống nhất giữa mọi người là vong sẽ trụ ở đâu?

Tuy là vong trụ lại ở một nơi nào đó, nhưng nếu tất cả mọi người đều hành lễ, đều dốc tâm siêu độ, vong vẫn cảm nhận được như thường. Dù rằng bên kia có cho vong ăn – mà ở nơi này vong đang nghe Pháp, vong vẫn cảm nhận được thức ăn từ ở nơi người bên kia dâng cúng. Cho nên không cần phải di chuyển đi đâu cả.

Chủ lễ nào giảng Pháp hay nói bất kỳ điều gì với vong, vong đều hiểu, đều cảm nhận được hết. Một điều cần phải ghi nhớ là: tất cả mọi thứ phải từ ở Tâm Thành mà ra thì mới có thể giao cảm được với vong, còn làm cho lấy có, lấy lệ, không do một tâm thành, sẽ không có sự cảm nhận của vong đâu!

Nếu cảm thấy mình không hết dạ chân thành, đừng nên đứng ra siêu độ cho vong linh, vì như vậy sẽ mất nhiều thì giờ, mà không đem lại kết quả gì cả, nếu không muốn nói rằng, làm cho vong thất vọng, và không đặt được một niềm tin nơi người chủ lễ.

Cốt yếu của việc làm chủ lễ là để giúp siêu độ cho một vong linh, không phải vì danh, không phải vì tiếng, cũng không phải vì bất cứ lợi lạc nào cả, mà phải vì một cái tâm chân thành và tha thiết.

 

Lập Bài Vị Cho Vong Linh

Việc lập bài vị cho vong linh, phải theo cách thức như sau:

Nếu có hình ảnh thì để hình ảnh của hương linh vào khuôn hình, kèm theo chi tiết: tên, họ, Pháp danh (nếu có), ngày sanh, ngày mất, tuổi (hưởng thọ hoặc hưởng dương). Nếu vị chủ lễ không phải là thân nhân của người quá cố, những chi tiết này sẽ giúp cho người đó không bị lúng túng khi triệu thỉnh vong.

Nếu không có hình ảnh thì ghi tên họ, Pháp danh (nếu có), ngày sanh, ngày mất, tuổi (hưởng thọ hoặc hưởng dương) v.v… lên một miếng giấy, cắt cho vừa khuôn hình và để vào.

Cách Thức Cho Vong Nhập Vị

1. Chủ lễ đứng trước bàn thờ vong

2. Khuôn hình hoặc bài vị đã sẵn sàng trên bàn thờ vong

3. Chủ lễ đánh 3 tiếng chuông, chấp tay niệm:

Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát (3 lần)

4. Chủ lễ khấn:

Con tên là ________, xin đem hết Tâm Thành, Tâm Lực làm chủ lễ giúp siêu độ cho Hương Linh tên ________, Pháp danh (nếu có) ________, sanh ngày____ mất ngày____ hưởng thọ ___ tuổi.

Cúi lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giúp cho Hương Linh nhập vị.

Chủ lễ (vẫn còn chấp tay trước ngực) quán tưởng hương linh ở trước mặt, vừa lớn tiếng kêu lên:

Hương Linh tên ________ nhập vị!

Vừa vung thẳng tay (đang chấp lại), chỉa thẳng vào khuôn hình, hơi hất nhẹ bàn tay lên.

Chú ý: Trước khi thật sự cho hương linh nhập vị, chủ lễ nên thực tập động tác này, (nhớ khoan quán tưởng), để cho thuần thục, tiếng kêu phải mạnh mẽ, cứng rắn, động tác chắc chắn và gọn.

Ngay sau đó, vị chủ lễ khấn hai Vị Hộ Pháp để bảo vệ cho vong. Chỉ cần khấn như sau:

Con tên ____, nhận làm chủ lễ để siêu độ cho vong linh tên ____, sanh ngày ____, mất ngày ____. Con đã cho hương linh nhập vị rồi, cầu mong hai vị Hộ Pháp hiện diện để bảo hộ cho vong linh.

Tức khắc sẽ có hai Vị Hộ Pháp đến ngay.

Khấn Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát

Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp siêu độ cho hương linh.

Sau lễ an táng, ngay khi dẫn vong về nhà, người chủ lễ đã phải khấn Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát để nhờ Ngài giúp cho hương linh nhập vị.

Mỗi ngày trong mỗi thất, mở đầu nghi thức cúng vong, đều phải thỉnh Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Ở thất thứ bảy, vào ngày thứ 49, phải có lời cầu nguyện của người chủ lễ đến Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát; chỉ có Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát mới thẩm định được, hương linh có đủ tư cách để đi về cõi Phật hay về cõi Trời hoặc về cõi Người. Vì vậy, người chủ lễ phải thành tâm cầu nguyện Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, để Ngài sắp xếp và giúp đỡ cho hương linh được thác sanh theo đúng cảnh giới của mình.

Thời gian 49 ngày là thời gian chuyển đổi, hoán chuyển tâm của một hương linh. Có thể nói rằng, ở thất thứ nhất, hương linh chưa có ý niệm về cõi Trời hay cõi Cực Lạc, nhưng nhờ sự hướng dẫn, giải thích của người chủ lễ mà hương linh giác ngộ và chí tâm tu tập. Chính Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát là người thẩm định được sự chuyển hóa của thần thức, để có thể tiễn thần thức đi về đúng cảnh giới của họ. Người chủ lễ phải hiểu rất rõ việc này, vì người chủ lễ không thể thẩm định được việc tu tập của hương linh như thế nào, chỉ có thể giúp đỡ, chỉ có thể cổ võ cho hương linh tu tập, nhưng người thẩm định việc tu tập chính là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.

 

Đốt Quần Áo Cho Hương Linh

Vong mới mất có cảm thấy lạnh lẽo, cần phải đốt quần áo ấm áp, cúng cho vong không?

Nếu người mới mất đã được liệm với đầy đủ y phục rồi thì không cần thiết; chỉ trừ khi nào mình biết đích xác rằng người đó không có đầy đủ y phục trên người, hoặc không được liệm một cách đàng hoàng, lúc đó mới cúng cho vong quần áo, tất cả những vật dụng cần thiết để cho vong mặc vào.

Nếu trường hợp bắt buộc phải cúng quần áo cho vong, nên cúng đồ thật. Đồ bằng giấy thì vong sẽ sử dụng trong một thời gian ngắn rồi cũng sẽ tiêu đi, nhưng đồ thật thì vong sẽ giữ được lâu hơn. Thường thì nên cúng cho vong hoặc chính đồ của họ lúc còn sanh tiền, hoặc là đồ mới, không nên lấy đồ cũ của người khác mà cúng cho vong; mỗi người, dù sống hay đã chết, đều mang trên người một cái mùi riêng của chính họ, cho nên, hoặc là quần áo của chính họ, hoặc là quần áo mới không có mùi, chưa có ai mặc qua, như vậy vong mới dễ dàng tiếp nhận.

Đã là một cái vong, tức là ở vào trạng thái vô hình, tại sao lại có cảm giác lạnh lẽo, cần quần áo?

Thật sự ra, vong linh chỉ là một cái hơi thôi, rất nhẹ. Tuy nhiên vì vong mới mất, ký ức chưa phai, A Lại Da Thức còn rất mạnh, cho nên vong cảm nhận rất dễ dàng; một người đã mất từ lâu, sự cảm nhận cũng sẽ yếu đi rất là nhiều.

Do ở sự cảm nhận còn rất mạnh, cái vong vừa mới mất, nhìn thấu suốt được những gì xảy ra chung quanh họ.

Gia đình vẫn còn kia, người thân vẫn còn đó, nhưng lạ quá, sao mặt ai cũng buồn bã, đầm đìa nước mắt? Việc gì đã xảy ra? Vong nôn nóng muốn biết rõ nguyên do, nhưng hình như hỏi ai, ai cũng không buồn đáp lại!

Vong ngơ ngác trước một hoàn cảnh mới, cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, mọi người chung quanh hình như trở nên xa lạ, không tỏ ra mừng rỡ, để ý đến vong.

Vong chưa nhận ra được rằng mình đã “CHẾT,” bắt đầu sợ hãi trong một khung cảnh mới. Sự sợ hãi đó khiến cho chút hơi ấm cuối cùng mà thần thức đã mang theo khi thoát ra khỏi thân xác, sẽ tan biến dần đi.

Sự sợ hãi càng gia tăng, hơi ấm càng tan nhanh. Khi đó, vong sẽ cảm thấy lạnh và xiểng niểng như người bị đói.

Thật sự ra, sự đói lạnh chỉ là một sự cảm nhận của vong linh mà thôi. Cảm nhận rằng cái chung quanh quen thuộc của mình không còn. Khi còn sống, vong được bao bọc bởi một căn nhà ấm áp, trên một cái giường cũng ấm áp, và chung quanh hơi người cũng ấm áp, có lò sưởi ấm áp, và được no nê. Thoắt một cái, thần thức thoát ra khỏi thân xác, bỗng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng và sợ hãi.Người còn sống cũng có cùng một cảm giác như thế mỗi khi sự sợ hãi dâng cao, thần kinh căng thẳng tột độ, sau cơn sợ đó rồi thì mệt lả người, vừa đói, vừa run, vừa lạnh!

Vì vậy mà cần phải cho vong nhập vị!

Người chủ lễ theo đúng nghi thức, giúp cho vong nhập vị để vong được an trụ trong một nơi không quá rộng rãi, vong sẽ cảm thấy ấm áp hơn và đỡ sợ hãi hơn.

 

Triệu Thỉnh Hương Linh

Người chủ lễ thành tâm, chân chính, sẽ giao cảm một cách rất dễ dàng với hương linh thân nhân, chỉ cần một lời khấn là hương linh đó sẽ hiện đến ngay. Không cần phải trì Chú triệu thỉnh.

Tuy nhiên để bảo vệ người chủ lễ, việc triệu thỉnh vong nên nhờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giúp đỡ.

Người chủ lễ thành tâm khấn trước bàn thờ vong như sau. Đánh 3 tiếng chuông, chắp tay khấn:

Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát (3 lần)

Cúi lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Cúi lạy các vị Hộ Pháp đang bảo vệ cho Hương linh tên là ________ Pháp danh ________ sanh ngày ________ mất ngày ________ hưởng thọ ____ tuổi.

Con tên là ________ hôm nay đứng làm chủ lễ giúp siêu độ cho vong linh tên ________ Pháp danh ________.

Cúi xin Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát cùng hai vị Hộ Pháp đưa giúp hương linh đến ngay Đạo Tràng để hành lễ.

 

Cúng Cơm Cho Hương Linh

Vấn đề cúng cơm trong 49 ngày, cúng bao nhiêu lần, cúng những thức ăn gì?

Đúng lý ra, vong cần Pháp thực hơn cần vật thực. Tuy nhiên, lòng thương yêu của người còn sống đối với thân nhân quá cố được biểu lộ  bằng cách cho ăn, chớ thật sự ra, vong không cần phải ăn đâu!

Vong cần Pháp thực để có thể hiểu rõ, để có thể rung cảm được. Một khi rung cảm được thì vong có thể siêu được một cách dễ dàng.

Tuy vậy, muốn cho vong ăn thì cũng được; nếu có nhiều thì giờ thì cho vong ăn mỗi ngày, nếu không có nhiều thì giờ thì cho vong ăn mỗi tuần, hay mỗi hai tuần, tùy ở lòng hảo tâm của người chủ lễ, không nhất thiết lắm.

Một người khi còn tại thế, có thể ăn bất kỳ một con vật nào hợp với khẩu vị của họ, nhưng khi đã bỏ xác thân rồi, bất luận là dân tộc nào, tôn giáo nào, vong cũng chỉ hưởng đồ thanh nhẹ, không hưởng những đồ nặng được (như tôm, cua, sò, ốc, thịt, cá…).

Trong thời gian người chủ lễ hành lễ siêu độ cho vong, người chủ lễ bắt buộc phải trường chay trong 49 ngày, có thể dùng những thức ăn của người chủ lễ để chia lại cho vong cũng rất tốt; tức là tuyệt đối phải cúng thức ăn chay cho Vong.

Biến Thực Biến Thủy

Khi dâng cúng đồ ăn thức uống cho vong, người chủ lễ có cần phải trì Chú biến thực biến thủy không?

Biến thực biến thủy là biến đồ ăn thức uống ra nhiều để tất cả các vong đều nhận được cả.

Nếu cúng cho 2 vong linh cùng chung một bàn thức ăn thì lúc đó phải biến thực biến thủy. Nếu cúng cho 2 vong linh ở 2 bàn thờ vong khác nhau thì không cần phải biến thực biến thủy. Thức ăn của vong linh nào thì vong linh đó hưởng khi được dâng cúng.

Nếu cúng cho nhiều vong linh ở tại 01 bàn thờ vong thì phải biến thực biến thủy để tất cả các vong đều nhận được đồ ăn thức uống.[1]

Việc trì Chú Biến Thực Biến Thủy đòi hỏi một sự quán tưởng. Người chủ lễ chưa biết tu tập, đem tâm lực của mình để siêu độ cho Hương Linh, nên tránh những việc khiến cho mình lúng túng, không trôi chảy trong khi hành lễ – vả lại thân nhân quá cố cũng chỉ một người, cho nên lấy tâm thành khấn nguyện khi dâng cúng thức ăn cho hương linh là đủ rồi.

Tất cả mọi việc không nên cưỡng cầu, làm trong khả năng gánh vác được của mình. Điều quan trọng chính là sự Thành Tâm, Thành Ý của mình đối với vong linh.

Thức ăn được bày ra để cúng cho vong, cũng chỉ tượng trưng một vài món, chứ không cần phải quá nhiều. Vong không ăn và nuốt như người đời đâu! Vong chỉ hưởng hơi thôi, vì có thân xác đâu để mà ăn với uống. Tất cả mọi thứ cũng chỉ là qua Ý Thức mà thôi.

Khai Yết Hầu

Nên nhớ rằng: vong linh chỉ là một cái bóng rất nhẹ, cần phải trì Chú Khai Yết Hầu, vong mới có thể hấp thụ dễ dàng được hết những cái hơi từ ở thức ăn dâng cúng.

Trong thời gian 49 ngày, vong linh còn cảm giác mình hiện hữu, do đó mà mới có vấn đề đói lạnh. Sở dĩ có vật thực là tại vì hương linh chưa nhận thức được rằng mình đã mất, cho nên vẫn còn cảm giác đói no, vì vậy mà phải cho hương linh được thỏa cái cảm giác đó của mình. Nhưng muốn cho hương linh thỏa được cái cảm giác đó, phải có câu thần Chú Khai Yết Hầu để khơi dậy cái thức của hương linh, giúp hương linh nhận ra rằng đây là đồ ăn thức uống. Khi hương linh nhận biết được thì hương linh sẽ hấp thụ được, nếu hương linh không nhận biết được thì sẽ không hấp thụ được.

Cho nên việc hương linh hấp thụ được lý cao siêu của lời Kinh, của câu trì Chú, niệm Phật, của lời giảng Pháp, sẽ giúp cho cái Thức của hương linh sáng rực lên. Pháp thực cần hơn vật thực ở điểm đó vì sẽ giúp cho cái thức của hương linh được sáng lên, tức là cho hương linh cái Trí Huệ.

Với cái Trí Huệ đó, hương linh mới nhận ra được hướng đi của mình và biết được nên đi về đâu, nếu có sự chọn lựa giữa Cõi Trời hay Cõi Phật hoặc Cõi Người. Thời gian 49 ngày là thời gian “đặc ân.” Dù rằng khi còn sống, hương linh không đủ tư cách để được vãng sanh về cõi Cực Lạc hay được về Cõi Trời, nhưng nếu trong thời gian 49 ngày, hương linh hết dạ chân thành ăn năn sám hối, biết bỏ xuống hết tất cả những phiền não và nhận chân ra được rằng mình đã làm điều sai trái, hương linh sẽ có toàn quyền trên sự lựa chọn của mình giữa 3 cõi Phật – Trời – Người.

Vật thực dâng cúng cho vong, ngoài trà, nước hoặc nước ngọt, có nên cúng rượu hoặc bia hay không?

Nên nhớ rằng: vật thực cho vong gồm tất cả những gì thật là giản dị thì vong sẽ nhận được, còn những gì rườm rà vong khó lòng nhận được.

Sắp dọn cho vong ăn có cần phải đặt chén, dĩa, muổng, đũa hay không?

Thật ra vong cũng không cần đến muỗng nỉa gì hết, vong chỉ hưởng mùi thôi. Cho nên, cần phải dùng những thức ăn thật là thanh.

Vong Thật Sự Cần Những Gì?

Điều quan trọng không phải là cho vong ăn, mà chính là phải giúp cho vong sám hối, sám hối rất nhiều!

Khi một người bỏ thân xác, không phải rằng chỉ một hiện kiếp, là người đó có thể thanh toán hết tất cả nghiệp lực của mình trong quá khứ, đó là chưa kể rằng trong hiện kiếp, người đó đã còn tạo ra những nghiệp lực mới nữa. Cho nên vong phải sám hối, sám hối không ngừng. Vì vậy thời giờ cho vong ăn, nên để dành cho vong sám hối, niệm Phật và giảng Pháp cho vong nghe.

Cho nên, đừng quan trọng hóa việc cho vong ăn, đó là tư tưởng thường tình của chúng sanh, có cho ăn thì mới tỏ rõ được tấc lòng thương yêu, trìu mến. Đối với một vong linh, làm sao cho thần thức rung động nhanh chóng để tìm ra đúng con đường đi kế tiếp của mình, đó mới là một tình thương đúng nghĩa, một sự chắt chiu hợp lý, hợp tình của người ở lại.

Người đời đặt ra rất là nhiều nghi thức, bảo phải như vầy, như vầy, và biến cái không thành cái có.

Cái không là cái gì?

Cái không là vong linh. Biến thành cái có, là vong linh biến trở lại làm người. Cho nên đặt ra rất nhiều nghi thức rườm rà. Thoạt xem qua thì tưởng là có ích lợi cho vong, nhưng thật sự ra thì không có gì ích lợi cả.

Vong cần phải bỏ xuống cái gánh nặng của mình. Nếu một vong linh nào vào giờ phút lâm chung, không tự siêu thoát được, thì phải chắc chắn rằng, vong linh đó bị vướng mắc.

Hơi ấm cuối cùng dù rằng tụ lại ở ngực, tức là được trở lại kiếp Người, nhưng vẫn phải siêu độ, vì sao?

Vong linh đó không bị đọa, có nghĩa là không bị vướng mắc quá nhiều đến nỗi phải bị đọa, nhưng vẫn có vướng mắc; không có vong linh nào trở lại kiếp người mà không bị vướng mắc cả. Cho nên, nếu hơi ấm cuối cùng tụ từ ngực trở xuống, bắt buộc phải siêu độ để cho các vướng mắc đó được trở nên nhẹ nhàng.

Mà những vướng mắc đó là cái gì? Tức là những nghiệp lực của mình, nhân quả mình tạo ra, những điều sai trái mình làm, những suy nghĩ sai lầm của mình. Tất cả những cái gì không nằm trong chữ Đúng, đều phải giúp cho vong cởi bỏ xuống. Những nỗi oan tình, ẩn ức, những uẩn khúc không bày tỏ được… tất cả những điều đó thuộc về Sân Hận, khiến cho vong linh khó lòng cất bước. Vì vậy bắt buộc phải siêu độ.

Những người được ra đi tức khắc, sinh về Cõi Trời hay Cõi Phật, những người đó không cần phải siêu độ. Cho nên, siêu độ cho vong linh, điều quan trọng là phải làm sao để cho vong linh thấu hiểu được rằng, vong linh ra đi mang hành trang quá nhiều, mà hành trang đó không phải là những hành trang quý báu. Hành trang đó chỉ là những cục đá mà thôi, mang theo làm gì cho nặng nề. Do đó, cần phải giúp cho vong linh soạn lại cái hành trang của mình, để cho được nhẹ nhàng hơn.

Tất cả những nghi thức nào giúp cho vong linh được nhẹ nhàng cất bước, nhìn thấu suốt được con đường mình đi, nói tóm lại, là giúp cho vong linh sớm siêu thoát, các nghi thức đó đều chấp nhận được. Ngoài ra đó, những gì rườm rà, không ích lợi cho vong linh thì không nên đặt thành vấn đề và không nên xem nó là cần thiết.

Vong linh cần Pháp thực hơn là vật thực. Cúng một chén cơm, cúng hai chén cơm, cúng ba chén cơm hay cúng một chục chén cơm, vong linh cũng chỉ hưởng được hơi cơm mà thôi. Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, đồ ăn phải thật là ngon, chỉ cần làm sao đồ ăn thật tinh khiết, để vong có thể hấp thụ được cái hơi mà thôi, càng tinh khiết chừng nào thì vong linh càng dễ dàng hấp thụ chừng nấy.

Nếu không thể nào nấu ra thành món ăn, chỉ cần 1 chén cơm, vong linh cũng vẫn hưởng được, không sao cả.

 

****

BIẾN THỰC CHƠN NGÔN
Nam mô tát phạ đát tha nga đa, phạ lồ chỉ đế. Án tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (7 lần)

CAM LỘ THUỶ CHƠN NGÔN
Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô, ta bà ha. (7 lần)

KHAI YẾT HẦU CHƠN NGÔN:
Án, bộ bộ đế rị, dà đa rị đát đa nga đa da. (7 lần)

 

Việc Siêu Độ Cho Hương Linh Có Nhiều Đứa Con

Một người cha hay một người mẹ có nhiều đứa con, nếu hoặc cha hay mẹ mất đi, con cái của họ đồng phát tâm hoặc có một số phát tâm để siêu độ thì:

1. Nếu con cái cùng tụ về một nơi, cần ghi nhận:

a) Người con biết tu tập sẽ đảm nhận vai trò chủ lễ. Những người con khác đem Tâm Lực của mình phụ trợ cho chủ lễ trong việc siêu độ.
b) Nếu có nhiều người con cũng biết tu tập thì mỗi người thay phiên nhau làm chủ lễ; người này hành lễ xong thì tới phiên người kia.

Điều cốt yếu là giúp cho vong linh sám hối nhiều chừng nào tốt chừng nấy, việc giảng Pháp cũng không kém phần quan trọng. Tỉ tê giảng giải để cho vong hiểu và thấm thía.

Chỉ cần cho vong ăn một lần trong ngày, nhưng có thể giảng Pháp cho vong nghe 3 lần trong ngày cũng vẫn rất tốt.

Các vị chủ lễ chia phiên nhau mà hành lễ, 2 lần hay 3 lần trong ngày đều rất lợi lạc cho vong linh.

c) Ngoài các người con, còn có các thân nhân khác, bạn bè, thân quyến, mỗi người đồng đem tâm thành của mình mà siêu độ cho vong linh, chắc chắn rằng vong linh sẽ sớm thoát khỏi những vướng mắc trong lòng mà an ổn ra đi.

Nên nhớ kỹ một điều, đem hết sự chân thành siêu độ cho vong linh, công đức đó, người hành trì siêu độ hưởng 6 phần, vong linh hưởng được 1 phần.

Nếu càng có nhiều tấm lòng thành, thì công đức vong linh được hưởng càng nhiều, sự ra đi xem như cái búng tay, và hành trang của vong linh khi đó lại càng thêm nặng trĩu các đồng tiền Công Đức.

Người đời thường đưa tiễn vong linh bằng câu chúc: “Cầu cho Hương Linh được siêu thăng Tịnh Độ.”

Trong trường hợp này, có bắt tay vào việc siêu độ cho vong linh, có hết dạ chân thành siêu độ cho vong linh, có trân trọng trao tặng cho vong linh những đồng tiền Công Đức, các thân bằng quyến thuộc mới thể hiện một cách tuyệt vời và đúng nghĩa lời chúc kể trên.

Cần phải luôn luôn tâm niệm rằng: Việc siêu độ đòi hỏi một sự Thành Tâm Thành Ý tối đa. Nếu kẻ thành tâm chỉ có một, mà người “lơ là” lại số đông, thì kết quả cũng chỉ là một mà thôi! Vong linh cũng chỉ hưởng có một phần công đức do người thành tâm thành ý ban cho.

2. Nếu con cái ở rải rác nhiều nơi:

a) Những người biết tu tập hoặc chưa biết tu tập nhưng có Tâm Lực mạnh cũng muốn đứng ra siêu độ cho cha hoặc mẹ mình, tất cả sẽ hội ý với nhau và ấn định thời khóa siêu độ.
b) Người chủ lễ chánh thì chọn một buổi nào đó trong ngày. Các người khác chia nhau các buổi còn lại.
c) Việc siêu độ của từng đứa con, sẽ giúp cho vong linh cảm nhận được một sự ấm áp của không khí gia đình luôn tràn đầy, do đó vong linh sẽ cảm thấy ít đói lạnh hơn.

Ghi Nhớ:

Trước khi bắt tay vào việc hành trì siêu độ, chủ lễ nên đọc thật kỹ từng phần của những lời giảng giải, ghi chú những phần nào, những chi tiết nào cần thiết phải làm, có lớp lang, thứ tự để dễ dàng tuần tự tiến hành, không vấp váp, không lúng túng.