KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Trí Nghiêm

 

HỘI THỨ NĂM

VIII. PHẨM ĐỊA NGỤC

(Đầu quyển 559)

Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Tùy hỷ hồi hướng không điên đảo như thế là đều do nhờ uy lực của Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được thành tựu.

Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Đúng vậy! Đúng vậy!

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế thường chiếu sáng nên kính lễ, các pháp thế gian chẳng thể làm dơ bẩn được, có thể trừ tối tăm, có thể phát ánh sáng, có thể cho lợi ích an vui, có thể làm dẫn đầu, làm mắt sáng cho những người mù, làm đèn đuốc sáng cho những người đi trong tối tăm, dẫn dắt kẻ lạc đường đi vào con đường chính, chỉ rõ tánh các pháp chính là trí nhất thiết. Chỉ rõ tất cả pháp không sanh, không diệt, là mẹ của các Đại Bồ-tát, có thể làm cho chư Phật vận chuyển bánh xe pháp Vô thượng đủ ba phen mười hai hành tướng. Làm chỗ nương tựa cho người không nơi nương tựa, dứt trừ tất cả khổ não sanh tử, mở bày, chỉ dạy các pháp vô tánh là tánh.

Bạch Thế tôn! Các Đại Bồ-tát làm cách nào để trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?

Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Các Đại Bồ-tát nên trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như Phật trụ, nên kính thờ Bát-nhã ba-la-mật-đa như kính thờ chư Phật Thế tôn.

Bấy giờ, trời Ðế Thích nghĩ: Nay Xá-lợi Tử do nhân duyên nào thưa hỏi Phật việc ấy. Nghĩ xong hỏi Xá-lợi Tử:

– Do nhân duyên nào mà tôn giả hỏi như thế?

Xá-lợi Tử đáp:

– Trước đây, Phật Thế tôn nói với các Bồ-tát, vì sự hộ trì của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên sự phát khởi tùy hỷ hồi hướng tương ưng phước nghiệp sự mau có thể chứng đắc trí nhất thiết trí, hơn là thiện căn tương ưng có được do sự tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã của Bồ-tát, nên tôi thưa hỏi như thế.

Kiều-thi-ca! Như hoặc trăm, hoặc ngàn những kẻ mù bẩm sinh, kẻ không có mắt sáng để làm phương tiện dẫn dắt thì gần còn không thể đi vào con đường chính, huống là có thể đến được thành lớn giàu sang ở xa. Như vậy, năm Ba-la-mật-đa trước là các chúng mù lòa bẩm sinh, nếu không có mắt sáng của Bát-nhã ba-la-mật-đa dẫn dắt thì con đường chánh của Bồ-tát còn chẳng thể tới được, huống là có thể vào được thành trí nhất thiết.

Kiều-thi-ca! Bố thí v.v… năm Ba-la-mật-đa cần phải nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì mới được gọi là có mắt. Lại do được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì nên mới gọi là đến bờ kia.

Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bồ-tát làm sao phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Nếu các Bồ-tát không phát sanh sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì là phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ-tát phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa thì thành tựu được pháp nào?

Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Nếu các Bồ-tát phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa thì đối với tất cả pháp hoàn toàn không thành tựu, vì không thành tựu nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Khi ấy, trời Ðế Thích bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế nào chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí?

Phật dạy:

– Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế cũng chẳng thể thành tựu trí nhất thiết trí. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì như có sở đắc, có danh tướng, có tạo lập thì chẳng thể thành vậy.

Khi ấy, trời Ðế Thích bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu vậy thì làm sao nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thành tựu trí nhất thiết trí?

Phật dạy:

– Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế đối với sự phát sanh trí nhất thiết trí không có sự thành tựu nên gọi là thành tựu.

Trời Ðế Thích bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Thật lạ thay! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không làm cho tất cả pháp sanh diệt, không làm cho tất cả pháp thành tựu, hư hoại nên hiện ra ở thế gian để làm việc lợi ích cho thế gian.

Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu các Đại Bồ-tát phát sanh tưởng như thế thì bỏ xa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?

Phật bảo Thiện Hiện:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Lại có nhân duyên bỏ xa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nghĩa là sanh tưởng thế này: Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa Không, không sở hữu, tức là bỏ xa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa của Bồ-tát chẳng phải có, chẳng phải không, không có sự phân biệt.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa là để hiển bày pháp nào?

Phật bảo Thiện Hiện:

– Ta thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa không vì hiển bày sắc; cũng không vì hiển bày thọ, tưởng, hành, thức. Không vì hiển bày quả Dự lưu; cũng không vì hiển bày quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chính là Ba-la-mật-đa rộng lớn.

Phật bảo Thiện Hiện:

– Do nhân duyên nào ông nói Bát-nhã ba-la-mật-đa chính là Ba-la-mật-đa rộng lớn?

Thiện Hiện bạch:

– Bạch Thế Tôn! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đối với sắc không làm lớn, không làm nhỏ, không làm tụ, không làm tán; đối với thọ, tưởng, hành, thức không làm lớn, không làm nhỏ, không làm tụ, không làm tán. Ðối với mười lực của Phật không làm mạnh, không làm yếu. Đối với trí nhất thiết không làm rộng, không làm hẹp, các Bồ-tát nào phát sanh tưởng như thế thì chẳng phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì các tưởng như thế chẳng phải là quả Đẳng lưu của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vậy. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nếu phát sanh tưởng như thế thì con sẽ độ thoát vô số hữu tình nhập vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn; như thế gọi là có sở đắc lớn, chẳng phải có sở đắc là có thể có sự thành tựu. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì hữu tình không sanh nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không sanh. Vì hữu tình không tự tánh, xa lìa, không thể nghĩ bàn, không hoại diệt, không giác tri, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không tự tánh, nói đủ cho đến cũng không giác tri.

Bạch Thế tôn! Vì năng lực hữu tình chứa nhóm nên biết năng lực Như Lai cũng chứa nhóm.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ-tát có thể tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không nghi, không ngờ, cũng chẳng mê lầm thì các Bồ-tát này từ chỗ nào sanh đến đây? Chứa nhóm hạnh bao lâu để đối với pháp nghĩa sâu xa có thể hiểu rõ?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

– Các Bồ-tát này từ phương khác đã phụng thờ pháp của chư Phật, từ trong pháp hội đó sinh đến nơi này.

Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát này đã gần gũi nhiều chư Phật Thế tôn, trong đó từng nghe nghĩa pháp sâu xa, rồi trải qua vô lượng, vô số đại kiếp tu tập trăm ngàn hạnh khổ khó làm, nương đại nguyện lực sanh đến cõi này, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hoặc thấy, hoặc nghe hết sức vui mừng và nghĩ: Ta được thấy Phật, được nghe Phật giảng dạy, do nhân duyên này cung kính tin nhận.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể thấy nghe được ư?

Phật dạy:

– Chẳng phải vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ-tát nào thường siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì các Bồ-tát ấy chứa nhóm hành bao lâu?

Phật dạy Thiện Hiện:

– Điều này cần nên phân biệt: Có các Bồ-tát từ khi mới phát tâm gặp được bạn lành chơn thật, phương tiện giúp đỡ thì có thể tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có thể tin hiểu pháp môn sâu xa. Còn các Bồ-tát mặc dù từng gặp nhiều trăm ngàn Phật, ở chỗ chư Phật siêng tu phạm hạnh, nhưng có sở đắc làm phương tiện nên chẳng thể tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được, nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng sinh tin hiểu, liền bỏ đi.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ-tát này ở chỗ Phật quá khứ, nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa không có tâm kính tin, bỏ chúng mà đi, nên nay nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa có tâm kính tin lại bỏ đi nữa. Người đó đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa hoặc thân, hoặc tâm đều không hòa hợp. Vì không hòa hợp nên tăng trưởng tạo tác chiêu cảm nghiệp xấu. Do nghiệp này nên nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hủy báng, nhàm chán, xả bỏ.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ-tát nào hủy báng, nhàm chán, xa bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên biết đó chính là hủy báng, nhàm chán, xả bỏ trí nhất thiết trí. Nếu người nào hủy báng, nhàm chán, xả bỏ trí nhất thiết trí, thì chính là hủy báng, nhàm chán, xả bỏ chư Phật ba đời. Do nhân duyên này tăng trưởng tạo tác tội hại chánh pháp. Do tội này nên phải trải qua nhiều đời chịu các khổ rất nặng. Nghĩa là người đó tạo tội rất nặng nên nhiều trăm ngàn năm đọa địa ngục lớn cõi này phương khác, luân hồi qua lại chịu các khổ rất nặng, không được thoát khỏi. Khi kiếp lửa, nước, gió cõi này nổi lên thì chuyển dời vào trong địa ngục lớn ở phương khác. Khi kiếp lửa, nước, gió ở phương khác nổi lên thì chuyển dời vào trong địa ngục lớn cõi này. Xoay chuyển như vậy trải qua vô số kiếp, chịu khổ rất khó chịu trong địa ngục lớn. Tội hại pháp của người kia, thế lực của nghiệp yếu dần, từ địa ngục ra đọa trong loài súc sanh. Lần lượt cõi này phương khác như trước, luân hồi nhiều kiếp chịu các khổ kịch liệt. Tội của người kia hại pháp thế lực mỏng dần, thoát khỏi nẻo súc sanh, đọa trong nẻo ngạ quỉ, lần lượt luân hồi cõi này phương khác chịu các khổ rất nặng, trải vô lượng kiếp.

Nghiệp hại pháp của người kia, thế lực còn lại sắp hết, thoát khỏi nẻo ngạ quỉ, sanh đến loài người, chịu đủ tất cả các khổ nhân gian như là bần cùng, hèn hạ, ngu si, tật bệnh, xấu xí v.v…. tên Phật, Pháp, Tăng còn chẳng thể được nghe huống là có thể tinh tấn siêng năng tu các nghiệp lành. Do các nghiệp ác phá hại chánh pháp nên phải chịu đầy đủ loại quả khổ như thế.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nghiệp hại chánh pháp cùng với ngũ vô gián, hai nghiệp ác này là giống nhau không?

Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Chớ cho nghiệp này giống ngũ vô gián. Vì sao? Vì nghiệp ngũ vô gián mặc dù chiêu cảm khổ rất nặng nhưng chẳng thể so sánh với nghiệp hủy báng chánh pháp. Nghĩa là người kia nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, hủy báng chống đối Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế chẳng phải là chơn thật lời Phật dạy, không nên tu học, chẳng phải pháp, chẳng phải luật, chẳng phải lời dạy của bậc đại sư. Do nhân duyên này tội của người đó rất nặng, chẳng thể đem so sánh với nghiệp ngũ vô gián.

Xá-lợi Tử! Người hại pháp này, tự mình hủy báng chánh pháp, cũng dạy người hủy báng. Tự phá hoại thân mình, cũng làm hư hoại thân người khác. Tự mình uống thuốc độc, cũng bảo người khác uống thuốc độc. Tự mình mất quả vui sanh cõi trời giải thoát, cũng làm cho người khác mất quả vui sanh trời giải thoát. Tự dẫn mình bước tới địa ngục lửa, cũng làm cho người bước tới. Tự mình chìm trong biển khổ, cũng làm cho người khác chìm. Tự mình không tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cũng dạy người khác làm cho không tin hiểu, mê lầm điên đảo.

Xá-lợi Tử! Ta chẳng muốn để cho kẻ hại chánh pháp nghe được tên Bát-nhã ba-la-mật-đa huống là giảng thuyết cho họ.

Xá-lợi Tử! Kẻ hại chánh pháp, Ta còn chẳng cho các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa nhìn thấy, huống là sẽ cùng ở chung.

Xá-lợi Tử! Kẻ hại chánh pháp, Ta còn chẳng cho mặc áo Cà-sa, huống là thọ nhận sự cúng dường. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì kẻ hại chánh pháp đọa trong loài đen tối như phân thối nát, như con ốc sên nhơ nhớp, như người bệnh hủi quá nhờm gớm. Những người tin dùng lời của kẻ hại pháp, cũng bị khổ lớn như trước đã nói.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Do duyên nào Thế Tôn chẳng nói người hại chánh pháp đời sau chịu thân ở nẻo ác bao nhiêu nữa?

Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Thôi, chẳng cần nói số lượng thân nẻo kia, e người hại chánh pháp nghe xong kinh hoàng, tâm buồn rầu như trúng tên độc, thân khô héo dần như mạ bị cắt đứt gốc. Người kia nếu nghe việc kia sẽ ói máu nóng chết mất, hoặc đau khổ gần chết. Nên Ta chẳng nói số lượng thân ở nẻo kia.

Xá-lợi Tử bạch:

– Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn nói để làm lời răn dạy rõ ràng cho đời sau.

Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Ta trước đã nói kẻ kia nhiều kiếp chịu khổ, đủ làm lời răn dạy rất rõ ràng cho người đời sau. Ðời sau chính hạng thiện nam tử, thiện nữ v.v… nghe Ta trước đã nói quả báo về hại chánh pháp, thà xả bỏ thân mạng, nhất định chẳng hủy báng pháp, chớ để cho đời sau chịu khổ lâu dài.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Có các thiện nam tử v.v… thông minh nên giữ gìn tốt nghiệp thân, khẩu, ý. Người kia lẽ nào chẳng do lời nói ác nghiệp nên chịu khổ lâu dài trong nẻo người xấu ác?

Phật dạy Thiện Hiện:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Trong chánh pháp Tỳ-nại-da của Ta sẽ có các kẻ ngu si xuất gia. Kẻ đó mặc dù tôn xưng là đại sư của họ, nhưng hủy báng chống cự Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Ta giảng thuyết.

Thiện Hiện nên biết! Nếu người hủy báng Bát-nhã sâu xa, thì chính là hủy báng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nếu người hủy báng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì chính là hủy báng chư Phật ba đời. Nếu người hủy báng chư Phật ba đời, thì chính là hủy báng trí nhất thiết trí. Nếu người hủy báng trí nhất thiết trí, thì chính là hủy báng Pháp. Nếu hủy báng Pháp, thì chính là hủy báng Tăng. Nếu hủy báng Tăng, thì tạo tác vô lượng tội nghiệp. Nếu người tạo vô lượng tội nghiệp, thì chịu vô biên khổ báo.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Người ngu si kia có bao nhiêu nhân duyên nên mới hủy báng chống đối Bát-nhã sâu xa?

Phật bảo Thiện Hiện:

– Do hai nhân duyên: Một là bị tà ma làm mê hoặc. Hai là chẳng thể tin hiểu pháp sâu xa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Do bốn nhân duyên nên hủy báng chống đối Bát-nhã sâu xa: Một là bị bạn ác dối gạt. Hai là chẳng thể siêng năng tu thiện pháp. Ba là ôm ấp tâm xấu, ưa tìm lỗi của người khác. Bốn là ganh ghét, khen mình chê người. Do đủ các nhân duyên này nên người ngu si kia hủy báng chống đối Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, phát khởi vô biên nghiệp ác rất nặng.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Người ngu si kia chẳng siêng năng tinh tấn nên thật khó tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa Phật đã thuyết?

Phật bảo Thiện Hiện:

– Đúng vậy! Đúng vậy!

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế vì lẽ gì rất sâu xa, rất khó tin hiểu?

Phật bảo Thiện Hiện:

– Sắc chẳng phải buộc, chẳng phải mở. Vì sao? Vì sắc lấy không tánh làm tự tánh. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải buộc, chẳng phải mở. Vì sao? Vì thọ, tưởng, hành, thức đều lấy không tánh làm tự tánh.

Lại nữa, Thiện Hiện! Giới hạn trước, giữa, sau của sắc chẳng phải buộc, chẳng phải mở. Vì sao? Vì giới hạn trước, giữa, sau của sắc đều lấy không tánh làm tự tánh. Giới hạn trước, giữa, sau của thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải buộc, chẳng phải mở. Vì sao? Vì giới hạn trước, giữa, sau của thọ, tưởng, hành, thức đều lấy không tánh làm tự tánh.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nếu chẳng tinh tấn thì rất khó tin hiểu?

Phật bảo Thiện Hiện:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Vì sao? Vì sắc thanh tịnh tức là quả thanh tịnh; sắc thanh tịnh nên quả cũng thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh tức là quả thanh tịnh; thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên quả cũng thanh tịnh.

Lại nữa, Thiện Hiện! Sắc thanh tịnh tức là trí nhất thiết thanh tịnh; trí nhất thiết thanh tịnh nên sắc cũng thanh tịnh. Sự thanh tịnh của sắc này cùng với sự thanh tịnh của trí nhất thiết từ xưa đến nay không hai, không khác, không đoạn diệt, không hư hoại. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh tức là trí nhất thiết thanh tịnh; trí nhất thiết thanh tịnh nên thọ, tưởng, hành, thức cũng thanh tịnh. Sự thanh tịnh của thọ, tưởng, hành, thức cùng sự thanh tịnh của trí nhất thiết từ xưa đến nay không hai, không khác, không đoạn diệt, không hư hoại.