KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Trí Nghiêm

 

HỘI THỨ NĂM

XII. PHẨM CHƠN NHƯ 

(Giữa quyển cuối quyển 560)

Lại nữa, Thiện Hiện! Khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có nhiều việc ma làm trở ngại, Bồ-tát nên biết rõ. Biết rõ rồi, siêng năng tinh tấn, nghĩ đúng, biết đúng, phương tiện xa lìa.

Khi ấy Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện thệ! Đúng vậy! Khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có nhiều sự trở ngại. Ví như ngọc thần báu lớn vô giá khó được đầy đủ, lại nhiều giặc cướp. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa lý thú sâu xa, đầy đủ công đức thù thắng nên các chúng Bồ-tát khi biên chép v.v… có nhiều ác ma làm trở ngại. Mặc dù chúng có ý muốn xấu ác nhưng không thể thành tựu. Vì sao? Vì có người ngu si mới bị ma làm mê hoặc. Thiện nam tử v.v… mới học Ðại thừa, khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng bị trở ngại.

Phật bảo Thiện Hiện:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Có người ngu si, phước tuệ mỏng kém, không tin ưa pháp rộng lớn. Thiện nam tử v.v… mới học Ðại thừa, khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bị trở ngại. Ở tương lai, có người ngu si, phước tuệ mỏng kém, tự mình không thể tin ưa Bát-nhã ba-la-mật-đa, thấy người khác khi biên chép v.v… kinh kia, nương oai lực của ma làm cho trở ngại. Nên biết, hạng người như thế mắc tội vô biên, luân hồi nhiều kiếp, chịu các khổ kịch liệt.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không bị các việc ma, nên biết đều là nhờ năng lực oai thần của Phật. Vì sao? Vì quyến thuộc của ác ma mặc dù siêng năng, phương tiện muốn làm trở ngại Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng siêng năng phương tiện hộ niệm, bảo vệ, làm cho những người biên chép v.v… không bị các trở ngại.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ví như người phụ nữ có nhiều con cái, hoặc năm, hoặc mười, cho đến trăm ngàn; người mẹ bị bệnh, các con mỗi người đều siêng năng tìm kiếm thuốc chữa, họ nghĩ: Làm cách nào để bệnh của mẹ ta được lành, thân thể khoẻ mạnh, tên tuổi không bị diệt mất, sống lâu, an vui, chẳng thọ khổ. Các thứ vui đẹp đều quy về mẹ ta. Vì sao? Vì mẹ sinh đẻ, nuôi nấng chúng ta, chỉ dạy công việc thế gian rất là khó nhọc.

Nghĩ như thế xong, họ tranh nhau bày phương tiện, tìm việc yên ổn, che chở thân mẹ, chẳng để cho muỗi mòng, rắn rít, bọ cạp, mưa gió, nhơn phi nhơn v.v… không đáng ưa xúc chạm, siêng năng gia sức chữa trị, làm cho khỏi hẳn bệnh, sáu căn thanh tịnh, không có các buồn khổ. Lại dùng các thứ nhạc cụ thượng diệu cung kính, cúng dường và nói thế này: “Mẹ ta sinh đẻ, nuôi dưỡng, thương xót chúng ta, dạy bảo chỉ vẻ tất cả sự nghiệp thế gian. Chúng ta lẽ nào không đền ơn mẹ.”

Cũng vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thường dùng vô số phương tiện thiện xảo hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa. Người nào thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, hoặc biên chép v.v… thì Như Lai dùng vô số phương tiện ân cần hộ niệm, làm cho không tổn hại. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong các thế giới khác hiện tại ở mười phương thương xót, làm lợi ích an vui các hữu tình, cũng dùng vô số phương tiện thiện xảo hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa, làm cho các ác ma không thể hủy diệt, trụ lâu làm lợi ích an vui cho tất cả thế gian. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hay có thể hiển bày rõ ràng đúng đắn trí nhất thiết trí, có thể chỉ dạy thật tướng của các pháp thế gian. Trí nhất thiết trí cũng từ đó mà sanh ra.

Thiện Hiện nên biết! Chư Phật ba đời đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, siêng năng tinh tấn tu học, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Thế nên, Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, có thể hiển bày rõ ràng đúng đắn trí nhất thiết trí, có thể chỉ dạy thật tướng của các pháp thế gian.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể chỉ dạy thật tướng của các pháp thế gian? Phật giảng thuyết pháp nào gọi là thế gian?

Phật bảo Thiện Hiện:

– Phật thuyết năm uẩn gọi là thế gian. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể chỉ dạy thế gian sắc v.v… năm uẩn không có tướng biến đổi, hư hoại, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể chỉ thật tướng các pháp thế gian. Vì sao? Vì sắc v.v… năm uẩn không có tự tánh, nên gọi là không, vô tướng, vô nguyện, tức chơn pháp giới. Chẳng phải các pháp không v.v… có thể biến đổi, hư hoại, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể chỉ dạy thật tướng các pháp thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể chứng biết khắp vô lượng vô số, vô biên hữu tình, trình bày vô số tâm hạnh sai khác, nên nói: Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, như thật chứng biết tán tâm của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, vì do pháp tánh nên không có tánh tán tâm cũng như lược tâm, vì tận diệt, vì lìa xa nên không có tánh lược tâm. Các tâm có tham, theo tánh như thật thì chẳng phải có tâm tham. Các tâm có sân, theo tánh như thật thì chẳng phải có tâm sân. Các tâm có si, theo tánh như thật thì chẳng phải có tâm si. Trong các sự lìa tâm tham, chẳng phải có các sự lìa. Trong các sự lìa tâm sân, chẳng phải có các sự lìa. Trong các sự lìa tâm si, chẳng phải có các sự lìa. Có tâm rộng lớn không tăng không giảm cũng chẳng phải xa lìa, vì đã xa lìa nên không có tánh tâm rộng lớn, không đến, không đi, cũng không trụ vào đâu, vì không có tánh tâm lớn. Các tâm là vô lượng, không sanh, không diệt, không trụ, không khác, không chỗ nương tựa, giống như hư không rộng lớn. Chẳng phải tâm vô lượng, các tâm vô kiến vì không có tướng có thể đắc, vì xa lìa các thứ cảnh. Chẳng phải tâm vô kiến, vì chẳng thể thấy tâm. Chẳng phải cảnh của ba loại mắt, vì không có tánh của tâm nên không có tâm tánh. Chẳng phải là chẳng thể thấy tâm.

Do những nghĩa như thế nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, hoặc xuất hiện, hoặc ẩn mất; nghĩa là biết như thật tâm, tâm sở pháp của loài hữu tình kia, hoặc xuất hiện, hoặc ẩn mất, đều nương sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà sanh ra; nghĩa là tâm, tâm sở pháp của các hữu tình.

Hoặc có người nương sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chấp Như Lai sau khi Niết-bàn, hoặc có, hoặc chẳng có, hoặc cũng có, cũng chẳng có, hoặc chẳng phải có, chẳng phải không có. Chính đây là chắc thật, ngoài ra đều hư dối.

Hoặc có người nương sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chấp ngã và thế gian hoặc thường, hoặc vô thường, hoặc cũng thường, cũng vô thường, hoặc chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Chính đây là chắc thật, ngoài ra đều hư dối.

Hoặc có nương sắc, thọ, tưởng, hành, thức chấp ngã và thế gian, hoặc có biên giới, hoặc không biên giới, hoặc cũng có biên giới, cũng không biên giới, hoặc chẳng phải có biên giới, chẳng phải không biên giới. Chính đây là chắc thật, ngoài ra đều hư dối.

Hoặc có nương sắc, thọ, tưởng, hành, thức chấp mạng giả chính là thân, hoặc là khác thân. Chính đây là chắc thật, ngoài ra đều hư dối.

Như vậy, này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc xuất hiện, hoặc ẩn mất.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc xuất hiện, hoặc ẩn mất; nghĩa là biết như thật các sắc, thọ, tưởng, hành, thức có ra đều như chơn như, không hai không khác.

Thiện Hiện nên biết! Chơn như của Như Lai tức là chơn như năm uẩn. Chơn như năm uẩn tức là chơn như thế gian. Chơn như thế gian tức là chơn như tất cả pháp. Chơn như tất cả pháp tức là chơn như quả Dự lưu. Chơn như quả Dự lưu tức là chơn như quả Nhất lai. Chơn như quả Nhất lai tức là chơn như quả Bất hoàn. Chơn như quả Bất hoàn tức là chơn như quả A-la-hán. Chơn như quả A-la-hán tức là chơn như Độc giác Bồ-đề. Chơn như Độc giác Bồ-đề tức là chơn như tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Chơn như tất cả hạnh Đại Bồ-tát tức là chơn như của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Chơn như quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật tức là chơn như của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Chơn như tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tức là chơn như của tất cả hữu tình.

Thiện Hiện nên biết! Chơn như như thế đều không lìa nhau, chẳng phải một, chẳng phải khác, không cùng tận, không hai, cũng không hai phần, không thể phân biệt.

Thiện Hiện nên biết! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng rốt ráo chơn như tất cả pháp mới đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do vậy nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, là mẹ của Như Lai, thường chỉ dạy thật tướng các pháp thế gian cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Thiện Hiện nên biết! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiểu biết như thật chơn như các pháp, tánh không hư dối, tánh không biến đổi. Do hiểu biết như thật tướng chơn như nên gọi danh hiệu Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chứng chơn như, tánh không hư dối, tánh không biến đổi, rất là sâu xa, khó thấy, khó biết. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều dùng các pháp chơn như, tánh không hư dối, tánh không biến đổi như thế để tuyên thuyết, chỉ dạy, phân biệt rõ ràng tất cả hạnh của Đại Bồ-tát, của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Chơn như tánh không hư dối, tánh không biến đổi như thế, ai có thể tin hiểu? Chỉ có Đại Bồ-tát Bất thối chuyển và Ðại A-la-hán viên mãn các nguyện cùng các thiện nam tử v.v… đầy đủ chánh kiến, nghe Phật thuyết chơn như sâu xa tánh không hư dối, tánh không biến đổi, có thể sanh tin hiểu. Như Lai nương vào tánh chơn như, tự mình chứng đắc, phân biệt chỉ rõ cho người kia.

Phật bảo Thiện Hiện:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Vì sao? Vì chơn như vô tận nên sâu xa. Chỉ có Như Lai hiện Ðẳng Chánh giác mới có thể tuyên thuyết chỉ dạy cho chúng Đại Bồ-tát, làm cho họ phát sanh tin hiểu về tướng chơn như sâu xa vô tận.

Thiện Hiện nên biết! Sắc vô tận nên chơn như vô tận. Sắc sâu xa nên chơn như sâu xa. Sắc cùng với chơn như không sai khác. Thọ, tưởng, hành, thức vô tận nên chơn như vô tận. Thọ, tưởng, hành, thức sâu xa nên chơn như sâu xa. Thọ, tưởng, hành, thức cùng chơn như không sai khác.

Thiện Hiện nên biết! Nhãn xứ vô tận nên chơn như vô tận. Nhãn xứ sâu xa nên chơn như sâu xa. Nhãn xứ cùng chơn như không sai khác. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ vô tận nên chơn như vô tận. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ sâu xa nên chơn như sâu xa. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cùng chơn như không sai khác.

Thiện Hiện nên biết! Sắc xứ vô tận nên chơn như vô tận. Sắc xứ sâu xa nên chơn như sâu xa. Sắc xứ cùng chơn như không sai khác. Thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ vô tận nên chơn như vô tận. Thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ sâu xa nên chơn như sâu xa. Thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cùng chơn như không sai khác.

Thiện Hiện nên biết! Nhãn giới vô tận nên chơn như vô tận. Nhãn giới sâu xa nên chơn như sâu xa. Nhãn giới cùng chơn như không sai khác. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới vô tận nên chơn như vô tận. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới sâu xa nên chơn như sâu xa. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cùng chơn như không sai khác.

Thiện Hiện nên biết! Sắc giới vô tận nên chơn như vô tận. Sắc giới sâu xa nên chơn như sâu xa. Sắc giới cùng chơn như không sai khác. Thanh, hương, vị, xúc, pháp giới vô tận nên chơn như vô tận. Thanh, hương, vị, xúc, pháp giới sâu xa nên chơn như sâu xa. Thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cùng chơn như không sai khác.

Thiện Hiện nên biết! Nhãn thức giới vô tận nên chơn như vô tận. Nhãn thức giới sâu xa nên chơn như sâu xa. Nhãn thức giới cùng chơn như không sai khác. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới vô tận nên chơn như vô tận. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới sâu xa nên chơn như sâu xa. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cùng chơn như không sai khác.

Thiện Hiện nên biết! Tất cả pháp vô tận nên chơn như vô tận. Tất cả pháp sâu xa nên chơn như sâu xa. Tất cả pháp cùng chơn như không sai khác vậy. Thế nên chơn như rất khó tin hiểu.