KINH ĐẠI BỬU TÍCH
Hán dịch: Nhà Đường, Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Thích Trí Tịnh

 

XVII
 PHÁP HỘI

Phú Lâu Na Thứ mười bảy

 PHẨM BỒ TÁT HẠNH THỨ NHỨT

Như vậy tôi nghe một lúc đức Phật trong Trúc Viên thành Vương Xá cùng câu hội với chư đại Tỳ Kheo và chư đại Bồ Tát số ấy đông vô lượng.

Bấy giờ Huệ Mạng Phú Lâu Na Di Ða La Ni Tử từ chỗ ngồi đứng dậy trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Tôi muốn hỏi ít lời mong Như Lai sót thương hứa cho”.

Ðức Phật phán: “Tuỳ ý ông hỏi, ta sẽ giải đáp cho ông vui mừng”.

Tôn giả Phú Lâu Na bạch đức Phật : “Nay tôi vì chư đại Bồ Tát là những nguời thật hành công đức cao thượng danh tiếng cao xa thường vì chúng sanh cầu sự an vui mà có lời thỉnh hỏi “.

Huệ mạng Phú Lâu Na nói kệ rằng:

“Làm công đức tối thượng
Danh tiếng rất cao xa
Người giới tịnh ưa pháp
Tôi hỏi sở hành ấy
Sửa trị tâm thế nào
Rộng bố thí thế nào
Ðộ chúng sanh thế nào
Hỉ tâm thường hành đạo.

Bạch Thế Tôn! Nay tôi vì chư Ðại Sĩ mà hỏi sự như vậy . Bồ Tát tu tập đa văn như biển cả chẳng cạn hết thế nào ? Hay chứa họp đa văn bửu tạng hay ở các pháp được nghĩa quyết định ở các ngữ ngôn giỏi rõ chương cú thế nào ?

Bồ Tát thế nào cầu
Ða văn như biển cả
Nơi pháp được định nghĩa
Hay giỏi biết Phật đạo
Thế nào ở một lời
Mà hiểu vô lượng nghĩa
Hay dùng sức trí huệ
Thông đạt tất cả pháp
Ða văn vô cùng tận
Gạn hỏi lòng chẳng động
Xót thương mà thuyết pháp
Ðể dứt chúng sanh nghi.

Bạch Thế Tôn ! Nay tôi tùy theo trí lực của tự địa mà thỉnh hỏi đức Như Lai và chư đại Bồ Tát thế nào được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề ?

Thế nào rời lìa mạn
Ðược gặp gỡ chư Phật
Mau được tin thanh tịnh
Ðược tin vô thượng rồi
Bỏ được sự khó bỏ
Vứt bỏ tất cả rồi
Gắng tu đạo vô ngại
Thế nào ưa xuất gia
Nhàn tĩnh tu không trí
Thế nào chẳng nghịch pháp
Mong đáp đủ sự ấy.

Bạch Thế Tôn! Chúng tôi đều biết đức Phật đã đủ cả trí huệ dã trọn tất cả Thần thông Ba la mật, ở trong tam giới là cao tôn đệ nhứt không ai sánh được, đại trí vi diệu đi không chướng ngại nơi trong các pháp, vì thế nên nay tôi thỉnh hỏi sự ấy.

Phật đủ thượng công đức
Ðã vượt bờ thần thông
Ðược trí không chướng ngại
Tôi vì Bồ Tát hỏi
Giỏi học tất cả pháp
Công đức rất cao thắng
Phá tối sanh huệ sáng
Khiến chúng đều hoan hỉ
Oán thân không ghét thương
Không lo không khi dối
Ðại chiến thắng vua chết
Dẹp phá chúng quân ma
Chẳng cầm nơi dao gậy
Hàng phục các oán địch
Thường có lòng từ bi
Bền giữ giới thanh tịnh
Thế Tôn không siểm khúc
Không mạn không cợt đùa
Chứng được trí giải thoát
Công đức rất tối thắng
Như xưa chỗ hành đạo
Thắng trí huệ đã được
Mong nay vì tôi nói
Tu thế nào được Phật”.

Bấy giờ đức Phật bảo ngài Phú Lâu Na rằng: “Lành thay tốt thay, ông có thể hỏi Phật sự như vậy. Lắng nghe suy nghĩ kỹ, sẽ vì ông mà nói chư Bồ Tát phát tâm tu hành chứa họp vô lượng Phật pháp”.

Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
“Nay ta nói Bồ Tát
Sơ phát tâm Bồ đề
Thường dùng sức dũng mãnh
Ưa làm đạo Bồ Tát
Sở hành của Bồ Tát
Các công hạnh thâm tâm
Nơi Phật được thọ ký
Sự ấy sẽ lược nói
Thâm tâm lòng ưa pháp
Vô lượng và vô biên
Các thứ công hạnh tu
Chẳng do một sự thành
Hỉ tâm đã sung mãn
Mà thật hành bố thí
Thí xong lòng không hối
Trong tâm càng vui mừng
Bồ Tát suy nghĩ rằng
Chúng sanh thường nghèo cùng
Không có của đa văn
Tôi sẽ cầu cho họ
Chúng sanh thường nghèo cùng
Ðều do nơi giải đãi
Tôi sẽ siêng tinh tiến
Từ đó được Bồ đề
Tôi sẽ vì chúng sanh
Gia tâm tu nhẫn nhục
Mắng nhiếc chửi đánh chém
Nín nhận chẳng hề báo
Sẽ nghĩ ai mắng tôi
Kẻ mắng bất khả đắc
Người mạ lị sân hận
Thảy đều là không sự
Suy nghĩ như vậy rồi
Lòng không còn giận hờn
Thường tu hành nhẫn nhục
Do đây thành Phật đạo
Chúng sanh không tâm lành
Vì họ tôi làm đèn
Cho họ có chỗ về
Không của cho họ của
Chúng sanh đáng xót thương
Ðều cùng đi đường tà
Tôi sẽ độ thoát họ
Khiến an trụ Niết bàn
Chúng sanh đều nghèo cùng
Không có của trí huệ
Tôi được Nhứt thiết trí
Khiến họ được sung túc
Chư Bồ Tát như vậy
Vì độ chúng sanh nên
Phát tâm cầu Bồ đề
Hành các nguyện như vậy.

Này Phú Lâu Na! Chư đại Bồ Tát nhiều thứ nhơn duyên thị hiện tâm mình chẳng trụ một pháp nào cả. Tại sao vậy? Vì chư đại Bồ Tát học tất cả pháp rồi sau đắc đạo. Bồ Tát có bốn sự hi hữu, chẳng thấy có pháp khác hơn sự ấỵ Những gì là bốn ?

Bồ Tát có thể ở nơi chúng sanh giải đãi mà siêng tu hành tinh tấn, đây gọi là sự hi hữu thứ nhứt.

Bồ Tát có thể ở giữa chúng sanh ngang ngược giận thù mà siêng tu hành nhẫn nhục, đây gọi là sự hi hữu thứ haị

Bồ Tát thấy các chúng sanh đi đường tà mà tự mình siêng tu hành chánh đạo, đây gọi là sự hi hữu thứ bạ

Bồ Tát vì độ chúng sanh chuyển khỏi sanh tử mà dùng thâm tâm phát Vô thượng Bồ đề, đây gọi là sự hi hữu thứ tư.

Bốn sự trên đây gọi là bốn sự hi hữu tối đại của Bồ Tát”.

Ðức Thế Tôn nói kệ rằng :

Thấy chúng sanh giải đãi
Lòng siêng tu tinh tấn
Tôi chẳng nên theo họ
Mà làm sự phi pháp
Chẳng bắt chước giận thù
Phật đạo chẳng giận thù
Thường tu tâm từ bi
Bồ đề từ đó sanh
Chúng sanh ưa đường tà
Y chỉ nơi tà đạo
Bồ Tát cầu chánh đạo
Khiến người tu nẻo chánh
Thấy lỗi họa sanh tử
Nhứt tâm cầu Phật trí
Tôi được pháp vô thượng
Sẽ độ các chúng sanh
Bốn sự hi hữu ấy
Sự khác không hơn được
Do đây nên phải biết
Ðược rời pháp chướng ngại
Giả như áo mặc cháy
Ðầu cháy còn chẳng chữa
Lòng giải đãi nếu khởi
Liền phải mau trừ diệt.

Này Phú Lâu Na! Bồ Tát có bốn sự hay sanh tâm hỉ. Những gì là bốn ?

Một là thấy các chúng sanh ở trong sanh tử chẳng tinh tấn được. Bồ Tát tự thấy mình ở trong Phật đạo tu hành tinh tấn bèn sanh hỉ tâm.

Hai là thấy các chúng sanh lòng họ thường giải đãi, Bồ Tát tự thấy mình ở trong Phật pháp tu tinh tấn nên sanh hỉ tâm.

Ba là thấy các chúng sanh sân hận tật đố, Bồ Tát tự thấy mình không sân không đố thường có lòng từ bi nên sanh hỉ tâm.

Ðức Thế Tôn nói kệ rằng :

Thấy chúng sanh giải đãi
Tự mình tu tinh tấn
Vì thế Bồ Tát này
Tự sanh lòng vui sướng
Thấy sanh tử lỗi họa
Mà sanh lòng chán lìa
Kinh sợ ngục tam giới
Lòng siêng cầu bỏ lìa
Chúng sanh ưa giận thù
Tự mình thường từ bi
Vì thế Bồ Tát này
Lòng luôn khởi vui vẻ
Các việc chúng sanh làm
Thường là việc chẳng nên
Vì thế Bồ Tát cầu
Phật đạo tối vô thượng
Ðây gọi là thiệt trí
Ðược chư Phật khen ngợi
Bồ Tát học trí này
Làm chỗ về cho chúng
Vì thế Bồ Tát này
Thường được lòng vui mừng
Từ hữu vi hư ngụy
Thương sanh pháp chơn thiệt.

Lại này Phú Lâu Na ! Bồ Tát có bốn pháp xa lìa được các nạn mà gặp chỗ không nạn, được gặp rồi không mất có thể tu hành Phật pháp. Những gì là bốn ?

Một là Bồ Tát khiêm tốn dịu hòa, hễ thấy người thì chào hỏi trước, hòa nhan vui vẻ cùng họ nói chuyện, lúc nói luôn mỉm cười.

Hai là Bồ Tát nhứt tâm cầu pháp thường ưa thưa hỏi siêng cầu học hiểu không hề nhàm đủ.

Ba là Bồ Tát thường thích rảnh rang vắng vẻ một mình.

Bốn là tự mình an trụ đạo Vô thượng Bồ đề cũng giáo hóa chúng sanh an trụ Phật đạo.

Bồ Tát có bốn pháp trên đây nên được khỏi các nạn gặp được chỗ không nạn, gặp rồi chẳng mất có thể tu hành Phật pháp”.

Ðức Thế Tôn nói kệ rằng :

Trong lòng luôn hòa dịu
Thường ưa làm từ bi
Lúc cùng người nói chuyện
Khiêm tốn vui mỉm cười
Thường cầu pháp thâm diệu
Ðược chư Phật khen ngợi
Luôn giữ giới thanh tịnh
Ưa tu hạnh đầu đà
Dầu tu hạnh đầu đà
Cũng tu trí thâm diệu
Vì thế Bồ Tát này
Lìa nạn không gặp nạn
Thường ở trước chư Phật
Thỉnh hỏi những pháp sâu
Do đó trí huệ tăng
Chẳng sanh vào chỗ nạn
Thường thích ở vắng rảnh
Thanh tịnh tu đầu đà
Vì thế Bồ Tát này
Lìan nạn không gặp nạn
Những người có trí huệ
Thân cận bốn pháp này
Lìa được tất cả nạn
Thường được gặp chư Phật
Ðược gặp chư Phật rồi
Có đủ bất hoại tín
Hay phát thượng tinh tấn
Ðể cầu Phật trí huệ
Vì thế người cầu trí
Phải nên học chánh pháp
Nếu hay học chánh pháp
Ðược thành Phật chẳng khó”.