NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch

Trở Về Cội Nguồn dứt sinh tử

Giảng tại Vạn Phật Thành ngày 25/10/87

Hết thảy chúng sinh đều muốn sống mà không muốn chết. Nhưng không có một chúng sinh nào sống mà không chết. Trừ khi bạn trở về cội nguồn, nhận thức được bản lai diện mục của bạn sinh thế nào và chết thế nào. Sinh thì cũng biết mà chết cũng biết. Biết không phải chỉ biết lý luận mà là phải biết chân chánh tôi sinh như thế nào, phải chăng do tôi làm chủ? Tôi lại chết như thế nào? Nếu bị tạo hóa khống chế, bị vật dục che lấp, không làm chủ được sinh tử, như vậy sinh thì hồ đồ sinh ra; chết thì hồ đồ chết đi, không quản lý được chính mình.

Mỗi người đều thương tiếc thân thể của mình, lạnh không chịu được, đói cũng không chịu được, ngủ không đủ cũng không chịu được, đủ thứ không chịu được. Chúng ta học Phật là vì cái gì? Vì dứt sinh tử. Chúng ta phải đề cao vấn đề sinh tử. Phải biết bạn từ đâu đến? Bạn phải làm cho được không đến cũng không đi, như thế gọi là Như Lai.

Nay tôi nói về những năm về trước, lúc tôi khoảng mười mấy tuổi thì nghe qua môn lão cư sĩ (trước kia là chủ nhiệm ban giảng tập hội đạo đức) giảng, lúc đó tôi cảm thấy rất thọ dụng. Lúc tôi thiếu thời thì, thích đến các nơi để nghe người ta giảng, có người giảng tôi rất hoan hỉ nghe, nghe người giảng cổ từ (từ ngữ xưa) ; chuyện kể, tôi nghe rồi đều nhớ hết. Nghe bao nhiêu thì nhớ bấy nhiêu. Tôi đọc sách thì cũng thế, như đọc thứ tự, đọc một câu, tôi bèn tự hỏi một câu:”Tương lai đối với câu đạo lý này, có thể làm được chăng? Phải chăng tôi thực hành đạo lý này?” Cho nên người tôi không tự lượng sức mình.

Tôi từ đông bắc ngồi thuyền đến Thượng Hải, trôi nổi trên biển, chút xíu nữa cũng làm mồi cho cá. Vốn từ Thiên Tân đi ba bốn ngày thì đến Thượng Hải. Nhưng lần đó thuyền từ Thiên Tân khởi hành một trăm hai mươi dặm, thuyền chuyển động trên biển, làm cách nào cũng không đi, chuyển tới chuyển lui, có hơn mười ngày, giống như bị gió lốc, đồ ăn uống trên thuyền không còn nữa, cơ hồ phải người ăn người. Lúc đó, tôi cũng không niệm Chú, nằm ở trên thuyền mửa ra mật, bạn nói tôi có hồ đồ chăng? Mười mấy ngày qua tôi còn rất cang cường, nhưng cuối cùng đã không thể đứng dậy được. Tôi bèn cầu cứu Quán Thế Âm Bồ Tát:”Hôm nay tôi gặp ma chướng muốn lật thuyền trên biển, làm chết tôi nhưng trên thuyền này có mấy trăm người. Nếu chỉ vì mình tôi mà làm chết nhiều người như thế, thì tôi cảm thấy trong tâm bất nhẫn. Tôi từ khi sinh ra, thì nghĩ muốn vì Phật giáo làm chút việc, nếu Phật giáo không dùng tôi, thì tôi nhảy xuống biển, đừng khiến cho mấy trăm người vì tôi mà thọ tội. Tôi hy vọng Quán Âm Bồ Tát từ bi, khiến cho thuyền được bình an đến Thượng Hải”. Tín hiệu cầu cứu này rất linh, khiến cho sóng yên gió lặng đến Hán Khẩu. Cho nên tôi biết tôi còn phải vì Phật giáo làm chút việc. Lúc trên biển gặp tai nạn quỷ, cá, rồng nhưng không kết thúc mạng của tôi. Cho nên nhất cử nhất động tôi phải vì Phật giáo mà gánh vác trách nhiệm. Do đó, tôi luôn luôn phải vì Phật giáo mà làm chút việc, còn ngoài ra việc khác tôi không nghĩ đến.

Hiện tại tôi mời vị ông thầy giáo cư sĩ của tôi lúc thiếu thời đến để giảng dạy quý vị, tôi cũng đã đi qua con đường này. Vương Lão Thiện nhân là người không biết chữ, nhưng “Thành mà minh, chí thành minh gọi là tín, chí minh thành gọi là giáo”. Bạn nhất cử nhất động vì lợi ích của mọi người, không lợi ích chính mình, thì với tâm Thánh nhân hợp mà làm một. Cho nên dùng một người không biết chữ mà có thể thông đạt tâm pháp cổ nhân Thánh hiền. Cho nên cổ nhân có nói:”Ai ai cũng đều có thể thành Nghiêu Thuấn”. Chí tại Thánh Hiền thì làm Thánh Hiền, chí tại anh hùng hào kiệt thì làm anh hùng hào kiệt, chí tại Thần Thánh Tiên Phật thì làm Thần Thánh Tiên Phật. Chúng ta đừng để thời gian trôi qua lãng phí, một tất thời gian là một tất mạng sống, chúng ta phải trân tiết mạng sống.