Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Thái Thú Vương Bật

CHÁNH VĂN:

(44) Thái thú Nam Dương là Vương Bật hỏi: Kinh Lăng-già nói nghĩa sanh, trụ, dị, diệt như thế nào?

Đáp: Nghĩa này có hai trường hợp.

Lại hỏi: Hai trường hợp thế nào?

Đáp: Khi người thọ thai gọi là sanh, lớn lên đến ba mươi tuổi gọi là trụ, tóc bạc da nhăn gọi là dị, vô thường đến nơi gọi là diệt. Giống như hạt lúa mới nảy mầm, tức là nghĩa sanh. Đã sanh rồi liền trụ, đó là nghĩa trụ. Sanh rồi tức khác với khi chưa sanh, đó là nghĩa dị. Khi sanh đã chứa diệt, tức là nghĩa diệt. Bồ-tát lớn phát tâm Bát-nhã ba-la-mật đã đầy đủ nghĩa bốn tướng này.

Lại hỏi: Thiền sư là thuyết thông hay tông thông?

Đáp: Nay chỗ tôi nói thuyết cũng thông, tông cũng thông.

Lại hỏi: Thế nào là thuyết thông, thế nào là tông thông?

Đáp: Miệng nói Bồ-đề, tâm không chỗ trụ; miệng nói Niết-bàn, tâm chỉ tịch diệt; miệng nói giải thoát, tâm không hệ phược, tức là thuyết thông tông chẳng thông.

Lại hỏi: Thế nào là tông thông?

Đáp: Chỉ rõ Tự tánh vốn không tịch, trọn không nên khởi quán tức là tông thông.

GIẢNG:

Miệng nói Bồ-đề, tâm không chỗ trụ; miệng nói Niết-bàn, tâm chỉ tịch diệt; miệng nói giải thoát, tâm không hệ phược, tức là thuyết thông tông chẳng thông.

Nếu miệng nói và tâm được như vậy, tức được Bồ-đề rồi. Miệng nói là thuyết thông, tâm không chỗ trụ là tông thông, tại sao Ngài nói chỉ là thuyết thông, chớ chưa phải tông thông.

Lại hỏi: Thế nào là tông thông?

Đáp: Chỉ rõ Tự tánh vốn không tịch, trọn không nên khởi quán tức là tông thông.

Chỗ này là chỗ kỳ đặc. Tông thông là gì? Tức rõ được tánh không tịch, chớ không nói Niết-bàn không tịch để ta nhìn quán cái không tịch đó. Tông thông là phải nhận phải thấu suốt Tánh chân thật của chính mình, đó mới là tông thông. Còn nói còn quán chiếu để được thì tông chưa thông.

Thiền tông chủ yếu phải được tông thông. Người tu thiền phải nhận chân được mình có cái chân thật sẵn đủ, rồi đem ra ứng dụng mới là tông thông. Nếu không nhận được cái đó, chỉ nghe Phật dạy rồi quán cho được lặng lẽ, thanh tịnh thì chưa phải là tông thông.

Như vậy y theo kinh quán chiếu tu tập, đạt được chỗ Phật nói gọi là thuyết thông. Còn nhận chân được cái thật sẵn nơi mình, tự biết, tự ứng dụng, đó là tông thông.

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi rằng: Chính khi nói, đâu chẳng phải sanh diệt ư?

Đáp: Kinh nói: Khéo hay phân biệt các pháp tướng, ở nơi đệ nhất nghĩa mà chẳng động.

GIẢNG:

Hỏi nói tất cả, phân biệt tất cả mà nơi đệ nhất nghĩa không động, đâu không phải sanh diệt ư? Thật ra chỗ này có hai phần rõ rệt.

Như chúng ta nghe trong kinh Phật dạy muốn được tâm thanh tịnh phải buông xả hết phiền não, nghiệp chướng. Ta thực hành đúng như vậy được thanh tịnh, đó là thuyết thông hay tông thông? Nghe Phật nói mình làm, đó là thuyết thông. Bây giờ cũng nghe Phật Tổ dạy, nhưng nhận chân cái thật ngay nơi chính mình trước, rồi sau mới ứng dụng tu, nghĩa là tu trong cái thật thấy thật biết của mình, đó gọi là tông thông.

Như trước đã nói ví dụ hòn ngọc quí, mình biết chắc hòn ngọc nằm ở đâu rồi mới đào thì kết quả không nghi. Còn nghe nói có hòn ngọc quí mà không biết chỗ nào, cứ đào đại. Đào như thế, đôi khi cũng tới nhưng chưa thấy mặt ngọc thì vẫn còn nghi. Nên biết chắc mà đào vững tin hơn không biết mà đào.