Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

IX. CHÍ TÂM TINH TẤN ĐỆ NGŨ

KINH VĂN:

Nhĩ thời Pháp Tạng văn Phật sở thuyết, giai tất đổ kiến, khởi phát vô thượng thù thắng chi nguyện. Ư bỉ thiên nhân thiện ác, quốc độ thô diệu, tư duy cứu cánh, tiện nhất kỳ tâm, tuyển trạch sở dục, kết đắc đại nguyện, tinh cần cầu sách, cung thận bảo trì, tu tập công đức, mãn túc ngũ kiếp. Ư bỉ nhị thập nhất câu-chi Phật độ công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát. Sở nhiếp Phật quốc, siêu quá ư bỉ.

VIỆT DỊCH:

Lúc bấy giờ Pháp Tạng nghe lời Phật dạy thảy đều thấy rõ, khởi phát nguyện thù thắng vô thượng. Với thiên, nhân, thiện, ác, quốc độ thô, diệu của các cõi ấy đều tư duy đến rốt ráo. Ngài liền dốc một lòng chọn lựa lấy điều mình mong muốn kết thành đại nguyện, siêng gắng cầu lấy, cung kính, thận trọng gìn giữ, hành trì, tu tập công đức trọn đủ năm kiếp. Với các công đức trang nghiêm của hai mươi mốt câu-chi cõi Phật kia, ngài hiểu rõ, thông đạt như một cõi Phật. Cõi nước được ngài nhiếp thọ siêu việt các cõi kia.

GIẢNG:

“Nhĩ thời Pháp Tạng văn Phật sở thuyết, giai tất đổ kiến” (Lúc bấy giờ, Pháp Tạng nghe lời Phật dạy thảy đều thấy rõ): Thế Gian Tự Tại Vương Phật vì Pháp Tạng giảng kinh nói pháp, triễn hiện ra cõi nước chư Phật ngay trước mắt Pháp Tạng đều xem  thấy rõ hết. “Giai tất đổ kiến”, sự việc này cũng nói lên ngài nhận được Phật lực gia trì. Nếu không nhận được Phật lực gia trì thì không cách gì ngài có thể rõ ràng xem thấy tất cả mười phương cõi nước chư Phật.

Sách Bình Giải giảng: “Đổ là thấy bằng mắt, kiến là thấy bằng Tuệ, như cái thấy của Kiến Phần. Chữ ‘đổ kiến’ có nghĩa suy cầu và soi xét”. Kiến Phần còn gọi là Năng Thủ Phần. Kiến có nghĩa là soi rõ, nhận thức. Kiến Phần chỉ cho tác dụng nhận thức của tám thức (Duy Thức Học gọi là Năng Duyên Dụng). Cái được Kiến Phần nhận thức gọi là Tướng Phần. Ví dụ như: Mắt có khả năng thấy được các hình sắc, khả năng nhìn thấy đó là Kiến Phần. Các hình sắc được thấy bởi mắt là Tướng Phần. Nay kinh ghi là “đổ kiến” tức là cả hai ý nghĩa: Thấy bằng mắt và thấy bằng trí tuệ đều trọn đủ.

Kinh Pháp Tập dạy: “Bồ Tát Ma HaTát, đắc bỉ chư Phật Như Lai thiên nhãn” (Bồ Tát Ma HaTát đắc thiên nhãn của đức Phật Như Lai ấy).

Trí Độ Luận nói: “Thiên nhãn thấy cùng tột, bất động nhưng đến khắp nơi. Mười phương chẳng đến (chỗ tỳ kheo), tỳ kheo cũng chẳng đi qua đấy, nhưng giống như thiên nhãn của Phật, nên cùng một lúc trông thấy rõ cả mười phương cõi nước”.

Dựa theo các kinh luận trên đây, ta thấy được: Pháp Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát nương thần lực gia bị của Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, được thiên nhãn như Phật, nên có thể bất động mà thấy trọn khắp mười phương tất cả cõi nước Phật. Thế là ngài:

Khởi phát vô thượng thù thắng chi nguyện (Khởi phát nguyện thù thắng vô thượng).

Sách Hội Sớ giảng: “Không gì hơn được nguyện này nên bảo là ‘vô thượng’. Siêu thắng (vượt trỗi xa) các nguyện nên bảo là ‘thù thắng’. Đó là vì trang nghiêm vô thượng, hưởng vui vô thượng, quang minh thọ lượng vô thượng, danh hiệu vô thượng, chánh nhân vãng sinh vô thượng, lợi ích vô thượng. Đấy chính là đại thể của cả bốn mươi tám nguyện

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích phần này như sau:

1. Trang nghiêm vô thượng: Thế giới Tây Phương Cực Lạc là một đại tập thành thục trang nghiêm tất cả ưu điểm của mười phương cõi nước chư Phật. Lại nữa, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không có thoái chuyển. Trong cõi nước chư Phật khác đều có thoái chuyển. Có lẽ cũng có một ít không thoái chuyển, nhưng “Viên mãn không thoái chuyển” thì đích thật không nghe nói qua. Người vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là “Viên chứng Tam Bất Thoái”. Loại trang nghiêm này, khắp Đại Tạng Kinh không hề nghe nói qua có sự việc này trong các cõi chư Phật khác.

2. Thọ lạc vô thượng: Thế giới Cực Lạc chỉ thuần có hưởng thọ an vui, không có sự khổ, ngay đến tiếng “khổ” cũng không có.

3. Quang, thọ vô thượng: “Quang” biểu trưng cho trí tuệ, “Thọ” là thọ mạng, tuổi thọ. Người vãng sinh đến thế giới Cực Lạc đều được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì cho nên người người đều có trí tuệ giống như A Di Đà Phật -Vô Lượng Quang! Người người đều có thọ mạng giống như A Di Đà Phật- Vô Lượng Thọ! Cái “Vô Lượng Thọ” này dài đến cùng cực, không cách chi có thể tính đếm được. Ba loại: Trang nghiêm, thọ lạc, quang thọ nêu trên đã nói lên quả báo thù thắng của cõi Tây Phương Cực Lạc, khiến mọi người vô cùng ngưỡng mộ.

– Có thể đi được hay không?

–  Tất cả cõi nước chư Phật đều có thể vãng sinh. Tuy nhiên, điều kiện của mỗi cõi Phật không như nhau.

Có rất nhiều đồng tu ưa thích Bồ Tát Di Lặc, muốn vãng sinh về Di Lặc Nội Viện. Lại nghe nói, Di Lặc Nội Viện rất gần, ở tầng trời thứ tư Dục giới, còn thế giới Tây Phương Cực Lạc quá xa. Cách ly thế giới Ta Bà đến mười vạn ức cõi Phật, họ đều muốn đi tìm Bồ Tát Di Lặc. Nhưng, bạn có nghĩ đến điều kiện vãng sinh Tịnh Độ Di Lặc là gì không? – Đó là “Duy tâm thức Định”. Nếu bạn không thể thành tựu loại Đại Định này, Tịnh Độ Di Lặc bạn không thể đến được! Điều kiện quá cao! Thực tế mà nói: Chúng ta không làm được!

Vào đầu năm Dân Quốc, lão Hòa Thượng Hư Vân là sinh về Tịnh Độ Di Lặc. Trong Niên Phổ của ngài, chúng ta xem thấy ngài thật có công phu, ngài có sức Định. Nếu công phu của bạn giống như Hòa Thượng Hư Vân thì được, bạn mới có thể sinh về Di Lặc Nội Viện. Nếu không thể so sánh được với Hòa Thượng Hư Vân, e rằng bạn vẫn phải luân hồi.

Tỳ kheo Pháp Tạng thật có ân đức quá lớn đối với chúng sinh pháp giới. Vãng sinh đến thế giới Cực Lạc, điều kiện của ngài đưa ra rất đơn giản, dễ dàng, mọi người đều có thể đi, cái khó đã ở nơi ngài rồi! Trên từ Bồ Tát Đẳng Giác , dưới đến chúng sinh địa ngục A-Tỳ, chỉ cần bạn tha thiết chí thành muốn đi, bạn đầy đủ Tín, Nguyện, bạn lão thật niệm câu “A Di Đà Phật” là được, đây là “danh hiệu vô thượng”. “Chánh nhân Vô thượng” là “Tín-Nguyện- Hạnh”, ba điều kiện này đầy đủ thì chắc chắn được vãng sinh. Đến thế giới Cực Lạc, liền “Viên chứng Tam Bất Thoái”, một đời thành Phật, không đợi đến đời thứ hai, đây là “lợi ích vô thượng”. Lợi ích này do bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì.

Ở thế giới Cực Lạc chân thật là muốn áo được áo, muốn ăn được ăn; không luận là đời sống tinh thần hay vật chất, thảy đều viên mãn đầy đủ. Ngày ngày tiếp cận với bạn học đều là các bậc “thượng thiện nhân”, Bồ tát Đẳng Giác ; chư Phật Như Lai là thầy, bạn đến đâu mà tìm?!

Di Đà tiếp dẫn mười phương thế giới, vô lượng vô biên chúng sinh, phương pháp của ngài chính là một câu danh hiệu này. Danh hiệu công đức chẳng thể nghĩ bàn! Tất cả chúng sinh, không luận nam nữ, già trẻ, bận việc hay nhàn rỗi, không luận trí ngu hay sang hèn v.v… đều có thể niệm câu “A Di Đà Phật”. Câu “A Di Đà Phật” là căn bản của bốn mươi tám nguyện. Bốn mươi tám nguyện chính là từ “lý niệm” này mà hàm xúc ra.

Ư bỉ thiên nhân thiện ác, quốc độ thô diệu, tư duy cứu cánh(Với thiên nhân thiện ác, quốc độ thô diệu của các cõi ấy đều tư duy đến rốt ráo): “Ư bỉ”, chữ “bỉ” chính là hai trăm mười ức cõi Phật mà phía trước đã nói qua. “Thiên nhân” là chánh báo, “quốc độ” là y báo. “Thiện, ác” là nhân; “thô diệu” là quả. Tất cả cõi nước chư Phật y chánh trang nghiêm, ngài đều thấy được rõ ràng, tường tận. Chỗ này nói đến thiên, nhân, thiện, ác. Phán định về tánh “thiện, ác”, có nhiều thuyết không đồng. Trong chú giải, cụ Hoàng đã nêu ra các thuyết trọng yếu nhất như sau:

Kinh Bồ Tát Anh Lạc coi thuận theo Đệ Nhất Nghĩa Đế là thiện, trái nghịch Đệ Nhất Nghĩa Đế là ác.

Kinh dạy “Nhất thiết chúng sinh thức, thỉ khởi nhất tưởng trụ ư duyên. Thuận Đệ Nhất Nghĩa Đế khởi danh thiện, bội Đệ Nhất Nghĩa Đế khởi vi ác” (Thoạt tiên, tâm thức của hết thảy chúng sinh khởi lên một ý tưởng trụ vào duyên. Thuận theo Đệ Nhất Nghĩa Đế mà khởi thì gọi là thiện, trái nghịch Đệ Nhất Nghĩa Đế mà khởi thì gọi là ác). Theo cụ Hoàng Niệm Tổ “Đệ Nhất Nghĩa Đế” mà kinh vừa nói chính là Chân Đế, Thánh Đế, Chân Như, Thật Tướng, Trung Đạo v.v…Cũng chính là Thật Tế Lý Thể. “Đế” là đạo lý chân thật. Đạo lý ấy là bậc nhất trong các pháp nên gọi là “Đệ Nhất Nghĩa Đế”.

Nếu chúng sinh khởi một niệm thuận với Lý Thể thì là thiện, trái với Lý Thể thì thành ác. Cách phán định này lấy Lý Thể làm chuẩn.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Đệ Nhất Nghĩa Đế, nói đơn giản là “tánh đức” cũng chính là điều mà Lục Tổ Huệ Năng lúc khai ngộ nói: “Nào ngờ tự tánh năng sinh vạn pháp; nào ngờ tự tánh vốn không sinh diệt”.Tiêu chuẩn “thiện” của Kinh Bồ Tát Anh Lạc quá cao, đó là tiêu chuẩn của Bồ Tát, ý nói: Phải siêu việt thập pháp giới mới gọi là thiện, không siêu việt thập pháp giới vẫn gọi là ác.

Chúng ta thấy: Người trong cõi Thật Báo vĩnh viễn không suy lão, không có thay đổi. Người trong thập pháp giới có thay đổi vì họ có thức, chính là có phân biệt, chấp trước. Người trong Nhất Chân pháp giới không những không có phân biệt, chấp trước mà cả khởi tâm động niệm họ cũng không có, đây là Đệ Nhất Nghĩa Đế. Cho nên, tiêu chuẩn này cao chúng ta không làm được. Trong Thiền tông, “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, đấy chính là Đệ Nhất Nghĩa Đế. Trong Giáo môn gọi là “Đại khai viên giải”, trong Tịnh Tông gọi là “Lý nhất tâm bất loạn”. Người niệm Phật niệm đến “Lý nhất tâm bất loạn”, sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, họ ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm, họ chính là A Duy Việt Trí Bồ Tát, không cần phải A Di Đà Phật gia trì vì họ đã chứng đắc.

Chỗ này cho chúng ta thấy pháp môn Tịnh Độ thật không thể nghĩ bàn! Tu theo pháp môn này là thuận theo Đệ Nhất Nghĩa Đế; tu pháp môn khác chưa chắc đã thuận theo Đệ Nhất Nghĩa Đế. Trên kinh nói rất rõ: Người vãng sinh thế giới Cực Lạc là “đới nghiệp vãng sinh”, một phẩm vô minh chưa phá, phiền não tập khí chưa đoạn, nhưng nhờ sức oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì nên họ đến Tây Phương Cực Lạc đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Đắc A Duy Việt Trí Bồ Tát chính là thuận Đệ Nhất Nghĩa Đế, mới biết tiêu chuẩn này cao nhưng người niệm Phật vẫn có phần.

Duy Thức Luận viết: “Có thể thuận ích cho đời này, đời khác thì gọi là Thiện. Quả vui trong cõi trời, người tuy thuận ích cho đời này nhưng chẳng thuận ích đời sau, nên chẳng được gọi là Thiện. Gây tổn hại cho đời này, đời sau thì gọi là Bất Thiện. Khổ quả trong đường ác tuy là tổn nghịch cho đời này nhưng chẳng tổn hại đời sau, nên chẳng gọi là Bất Thiện”. Đây là cách phán định thiện ác trên quan điểm thuận ích hay tổn nghịch.

Ngài Tịnh Ảnh phán định ba thứ thiện, ác:

1. “Thuận ích là thiện, tổn nghịch là ác”: Cách phán định này giống với Duy Thức Luận.

2. “Thuận lý là thiện, nghịch lý là ác”: Lý là vô tướng tánh không. Ví như khi thực hành bố thí, nếu có thể đối với người thí, kẻ nhận và vật được thí đều thấy Thể của chúng là không, chẳng có gì, tức là thuận theo Lý. Vô tướng mà hành là thiện. Nếu còn ý tưởng có kẻ thí, người nhận, vật đem bố thí là trái Lý, là hữu tướng hành, là ác. Như vậy, thiện pháp ở chỗ này chỉ có Phật, Bồ Tát dưới đến A la hán mới là thiện. Thiện pháp của chúng sinh tu đều là hữu tướng hành nên gọi là ác.

Chúng ta thấy ở Hồng Kông có rất nhiều người tu phước, khi họ làm bất cứ việc thiện nào đều muốn khắc tên tuổi mình lên, đó là chấp tướng. Chấp tướng thì phước của họ liền hết. Mọi người trông thấy liền tán thán thì phước của họ liền tiêu. Làm việc tốt không ai biết, đó mới gọi là tích âm đức. Đức đó càng sâu, càng lâu, càng lớn, tương lai phát khởi là đại phước báo.

3. “Thuận theo Thể là thiện, trái với Thể là ác”: Quan điểm này vừa tương đồng cách phán định thứ hai, vừa giống với quan điểm của Kinh Anh Lạc. Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: “Chân tánh của pháp giới là tự thể của chính mình. Thể tánh duyên khởi trở thành hạnh đức, sở hạnh chỉ là tự thể, tâm không duyên vào đâu, tùy theo ý thích mà chẳng phạm giới, đây mới là Thiện. Theo quan điểm này, chẳng luận phàm phu, Nhị thừa, kể cả Tam thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) dẫu làm điều thiện mà còn có chỗ duyên vào thì đều là ác cả”.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích quan điểm của Cụ Hoàng như sau: “Chân tánh của pháp giới là tự thể của chính mình”. Câu nói này vô cùng quan trọng, hiện tại không ai biết nữa! Bản thân thật sự là “Chân tánh của pháp giới” cũng gọi là “Tánh pháp giới”; Kinh giáo Đại thừa nói là “Thường-Lạc-Ngã-Tịnh”.

– Có Ngã hay không?

– Có Ngã, có Chân Ngã! Chân Ngã là “Chân tánh pháp giới”. Thân này không phải là ta. Trong Phật pháp định nghĩa chữ “Ngã” rất rõ ràng:

1. Ngã là chủ tể.

–  Thử hỏi: Thân này bạn có làm chủ được nó hay không?

–  Không thể! Nếu có thể làm chủ được nó, mỗi năm bạn đều mười tám tuổi thì tốt biết mấy! Đây là bạn không làm chủ được! Bạn vẫn khổ, vẫn “sinh-lão-bệnh-tử”!

2. Ngã là tự tại.

Thân thể này không tự tại, chịu đủ thứ trói buộc. Trước nhất, mỗi ngày đều phải ăn cơm ba bữa, không ăn thì không được! Nếu tự tại, thân này đâu phải ràng buộc vào ba bữa ăn! Cho nên, thân không có tự tại; Chân Ngã mới có chủ tể, có tự tại.

–  Đến lúc nào mới đạt đến Chân Ngã?

– Đến cõi Thật Báo thì đạt đến Chân Ngã!

Trên Kinh Hoa Nghiêm: Viên giáo Sơ Trụ Bồ Tát, Biệt Giáo Sơ Địa Bồ Tát trụ ở cõi Thật Báo, họ thật sự có chủ tể, có tự tại,  đó là “Chân Ngã”. “Thường-Lạc-Ngã-Tịnh” bốn đức này họ đều đầy đủ. Chúng ta hiện nay, đối với bốn chữ này, hữu danh vô thực, đều không có! Nên nhớ: Người vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là cõi “Phàm Thánh Đồng Cư, Hạ Hạ phẩm vãng sinh” cũng đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát, họ thật sự đã đạt đến Chân Ngã, có “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”.

– “Ngã” thật sự ở đâu?

– Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc!

“Ngã” ở thế gian này chỉ là giả Ngã, không thật! A Duy Việt Trí Bồ Tát ở Tây Phương Cực Lạc, đích thật họ làm chủ được, đích thật được đại tự tại. Nhờ bổn nguyện oai thần của Phật A Di Đà gia trì mà thần thông, trí tuệ, đạo lực của họ thảy đều đầy đủ, mới biết trong đời này gặp được Phật pháp là rất may mắn; lại được gặp pháp môn Tịnh Độ là may mắn trong may mắn.

Gặp được Phật pháp, đời này bạn chưa chắc có thể thành tựu; nhưng gặp được pháp môn Tịnh Độ, bạn chắc chắn sẽ thành tựu. Sự thành tựu này không phải là thành tựu thông thường. Thành tựu thông thường chỉ là chứng quả A-la-hán, thành Phật, Bồ Tát trong Thập pháp giới. Sự thành tựu này là siêu việt mười pháp giới đến Nhất Chân pháp giới, thành tựu vô cùng thù thắng! Cho nên, chúng ta phải khẳng định “Ngãchân thật (Chân Ngã) là ‘chân tánh của pháp giới’, là tự thể của chính mình”. Chứng đắc “Tánh pháp giới” liền thành tựu “thân pháp tánh” và trú ở “cõi pháp tánh” đó chính là “Chân tánh pháp giới”.

Thể tánh duyên khởi, trở thành hạnh đức”:

Thể tánh duyên khởi” chính là cảm ứng đối với tất cả chúng sinh. Chúng sinh trong thập pháp giới có cảm, Bồ Tát liền có ứng. Bồ Tát này là Pháp Thân Đại Sĩ, là Bồ Tát trú trong cõi Thật Báo.

Chúng sinh có cảm, đây là “duyên”; Phật, Bồ Tát có ứng gọi là “khởi”. “Duyên khởi” là thành tựu “hạnh đức”; “hạnh đức” là giúp chúng sinh, giáo hóa chúng sinh, thành tựu chúng sinh. Hai câu sau đây rất ý nghĩa: “Sở hạnh chỉ là tự thể, tâm không duyên vào đâu”. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa tại thế, thị hiện tám tướng thành đạo. Sau khi thành đạo, ngài giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, những điều này đều thuộc về “hạnh đức”; “hạnh” là tánh thể.

– Đức Phật giảng kinh thuyết pháp có khởi tâm phân biệt, chấp trước hay không?

– Nếu không khởi tâm, không động niệm, Phật làm sao giảng kinh nói pháp!

Chỗ này đã giải thích rõ ràng “Sở hạnh chỉ là tự thể” nên quán “Tánh pháp giới”, tất cả do tâm tạo. Tâm đó là chân tâm. “Tất cả do tâm tạo” chính là “năng sinh vạn pháp”. Vạn pháp kỳ thật chính là tự tánh, chính là tự thể, xa rời tự tánh thì không có pháp gì để đắc. “Tự thể” đó ở đây chính là tự tánh, là chân tâm của chính mình, cũng chính là Đệ Nhất Nghĩa.

Tâm không duyên vào đâu, tùy theo ý thích mà chẳng phạm giới, đây mới là thiện”. “Tâm vô sở duyên”, chân tâm năng hiện năng sinh; “năng hiện năng sinh” là “duyên”. Tùy theo ý thích mà chẳng phạm giới”, nói rõ ràng hơn là “Tùy tâm sở dục mà không động tâm”; nói như vậy mọi người dễ hiểu.

Đại Sư Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn không dao động”. Tuy hiện tất cả tướng, nên dùng thân gì để độ; Phật, Bồ Tát liền hiện thân đó; nói tất cả pháp mà chưa từng khởi tâm, chưa từng động niệm, cảnh giới này gọi là “cảnh giới bất tư nghị”.

Chúng ta phàm phu nghe không hiểu! Đây là thật không phải giả! Nếu Phật, Bồ Tát còn khởi tâm động niệm thì các ngài đã đọa lạc làm phàm phu rồi! Cho nên, các ngài đích thật không khởi tâm, không động niệm.

–  Vì sao ngài năng hiện?

–  Vì chúng sinh có cảm!

–  Vì sao ngài có thể nói?

–  Cũng vì chúng sinh có cảm!

Trong kinh Phật nêu ra thí dụ về ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất là “Trí tuệ đệ nhất” trong hàng đệ tử Phật. Bất cứ câu hỏi khó khăn, hốc búa nào nêu ra ngài đều giải đáp rất rõ ràng, tường tận. Có người đến thỉnh giáo Thích Ca Mâu Ni Phật:

–  Trí tuệ ngài Xá Lợi Phất do đâu mà có? Đức Phật hỏi họ:

–  Bạn có từng thấy cái trống chưa?

–  Đã từng thấy!

–  Thấy nó như thế nào?

– Đánh nó liền vang, đánh lớn tiếng vang lớn, đánh nhỏ tiếng vang nhỏ, không đánh không vang!

–  Đây chính là biểu trưng: Bạn hỏi ngài Xá Lợi Phất bất cứ việc gì, ngài đều rõ biết giải thích cho bạn rất tường tận. Vậy thử hỏi bạn:

–  Trong trống có thứ gì chăng?

–  Hoàn toàn rỗng không! Phật liền nói:

–  Trong tâm Xá Lợi Phất cũng rỗng không như thế! Đây chính là “Tùy theo ý thích mà chẳng phạm giới”.

Trong tâm ngài không có thứ gì cả, chính là ngài không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Còn phàm phu chúng ta, ai hỏi điều gì cũng đều không biết! Vì sao? Vì trong tâm ta chứa chấp quá nhiều vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên đánh mà không kêu!

Đức Phật nêu ra thí dụ này rất có ý nghĩa. Mỗi chúng ta đều có trí tuệ, nếu xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì trí tuệ liền biến chất, biến thành phiền não. Cho nên, kinh nói: “Phiền não tức Bồ Đề”. Bồ Đề là trí-tuệ; đem tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước bỏ đi hết thì phiền não chính là trí-tuệ.

Phiền não vô biên thì trí-tuệ cũng vô lượng. Trong tâm chỉ cần có xen tạp thứ gì đó, trí-tuệ liền biến thành phiền não; tánh đức liền biến thành tạo nghiệp; tướng hảo trở thành lục đạo, bị biến chất rồi! Không phải là không khởi tác dụng. Nếu không khởi tác dụng thì không thể gọi là tánh đức.

Cho nên, tánh đức cũng tùy duyên nhiễm tịnh: Tâm thanh tịnh đó chính là thiện duyên; tâm nhiễm ô đó là ác duyên. “Tùy duyên thiện”, đó chính là “nhất chân pháp giới”, là cõi Thật Báo; “Tùy duyên nhiễm” đó chính là “Thập pháp giới”, Lục đạo, Tam đồ. Sự việc như vậy là “tùy tâm sở dục”.

Tâm vô sở duyên”, tâm không duyên vào đâu. Câu này vô cùng quan trọng! Nếu bạn hiểu rõ rồi sẽ thật sự giác ngộ: Khắp pháp giới, hư không giới, tất cả chúng sinh và bản thân là một thể! Như khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, đã độ vô lượng vô biên chúng sinh, nhưng thực tế ngài không thấy có chúng sinh nào được độ! Vì sao? Vì “Tam luân thể không”! Đạo lý chính là đây!

Cuối cùng, cụ Hoàng kết luận: “Theo quan điểm này, chẳng luận phàm phu, Nhị thừa, kể cả Tam thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) dẫu làm điều thiện mà còn có chỗ duyên vào thì đều là ác cả”. Cũng chính là nói: “Tâm có sở duyên” chính là ác; “tâm vô sở duyên” là thiện. “Tâm vô sở duyên” là “Nhất chân pháp giới”; “Tâm có sở duyên” là “thập pháp giới”. Phật, Bồ Tát trong “thập pháp giới” vẫn là “Tâm có sở duyên”; chỉ có người “minh tâm kiến tánh”, người Niệm Phật đến “Lý nhất tâm bất loạn” mới khẳng định được khắp pháp giới, hư không giới là một bản thân mình. Do vậy mà: Vì tất cả chúng sinh phục vụ chính là vì bản thân phục vụ, không phải vì người khác, đây là “vô sở duyên”.

Tóm lại, làm bất cứ việc gì; “tâm có sở duyên” đó là Thập pháp giới, không gọi là Thiện. “Tâm vô sở duyên” mới gọi là Thiện.

Tông Thiên Thai lập ra sáu thứ thiện ác: Cơ bản thấp nhất là “nhân, thiên”, thứ hai là Nhị Thừa, thứ ba là Bồ Tát Tiểu Thừa, thứ tư là Bồ Tát Thông giáo, thứ năm là Bồ Tát Biệt giáo, thứ sáu là Bồ Tát Viên giáo.

1.  Thiện Trong Trời, Người

“Ngũ giới, thập thiện” là “Sự thiện” (điều lành về mặt sự) nhưng khi quả báo cõi trời, người đã hết lại đọa lạc trong ba đường ác nên cũng là ác. Chỗ này, Hòa Thượng Tịnh Không giải thích và nêu ra vấn đề như sau:

–  Nghĩ xem! Tiêu chuẩn năm giới, mười thiện chúng ta đã làm được chưa? Chúng ta có phải là người thiện chưa?

Năm xưa, tôi giảng Kinh Địa Tạng, đã từng có người xuất gia, sau khi nghe xong liền đến hỏi tôi:

– Pháp sư à! Trên kinh nói đều không có thực! Tôi hỏi:

– Vì sao vậy?

– Tôi y theo pháp môn Địa Tạng mà tu đều không cảm ứng!

Trên kinh nói thật không đáng tin! Tôi nói:

– Không đến nổi như vậy đâu!

Ông ta liền nêu ra sự thật để đối chiếu nói với tôi. Tôi nói:

– Trên kinh có một chữ, ông có chú ý đến không?

– Chữ nào vậy?

–  Chữ “thiện nam tử”, “thiện nữ nhân”. Ông có phải là “thiện nam tử” chưa? Nếu không phải là “thiện nam tử”, ông y theo đây tu hành không có quả báo là việc đương nhiên! Then chốt chính ngay chữ này!

Cái mà bạn dùng là tâm gì? Bạn ngày ngày tạo tác tất cả tội nghiệp còn mong Phật, Bồ Tát bảo hộ bạn, cho bạn thiện báo, làm gì có loại đạo lý này! Bạn không tương ưng! Cho nên, chữ “thiện nam tử”, “thiện nữ nhân” nhất định không thể xem thường. Nếu bạn chân thật là “thiện nam tử”, “thiện nữ nhân”, y theo lời Phật dạy mà tu học, nếu không được quả báo thù thắng như trên kinh thì bạn tìm Phật để kiện!!

Thọ năm giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Thọ thì rất dễ, nhưng giữ được thật không dễ dàng! Giới thể, giới tướng, giới hạnh bạn đều không hiểu, mơ mơ hồ hồ mà thọ, mơ mơ hồ hồ mà phạm, còn cho rằng chính mình giới luật trì được rất tốt, chính mình không biết phản tỉnh, không biết kiểm điểm việc làm sai trái của mình! Cho nên tôi mong các đồng tu không nên mong cầu cao xa, có thể làm tốt năm giới, mười thiện thì rất cừ khôi rồi!

Đại sư Ngẫu Ích, cuối đời nhà Minh xuất gia, thọ qua tam đàn đại giới. Sau khi thọ xong mới biết đó không phải là việc đơn giản, chính mình không làm được, nên đến trước Phật thoái giới, ngài xả đi giới Tỳ kheo, cả đời chỉ phụng trì giới Sa Di cùng Bồ Tát giới. Vì vậy, ngài tự xưng là “Sa Di Bồ Tát giới”, không dám xưng Tỳ kheo. Học trò của ngài là Pháp sư Thành Thời. Pháp Sư Thành Thời cống hiến rất lớn đối với thầy mình. Chú Sớ của cả đời Đại Sư Ngẫu Ích có thể lưu truyền được về sau là do công lao của Pháp sư Thành Thời. Ông khắc thư ấn hành lưu thông. Thầy là Sa Di, ông không dám xưng là Sa Di nên xưng là “Xuất gia Ưu Bà Tắc”. Chân thật là cao tăng đại đức một đời, không dám xưng “Sa Di”.

Ngay trong thời đại này có thể làm được “Sa Di giới” chăng? Khó! Rất Khó! Đại Sư Hoằng Nhất. Ngài hiểu được giới luật cho nên cả đời ngài chỉ tự xưng là “Xuất gia Ưu Bà Tắc” chúng ta làm sao dám cuồng vọng, dám tự cao?! Cho nên, ngày nay chỉ cần làm tốt được năm giới, mười thiện chính là người thượng thượng căn rồi. Nếu ngay đến năm giới vẫn chưa làm được thì còn nói cái gì?! Thật không dễ dàng!

a. Không sát sinh:

Không những không thể giết hại tất cả chúng sinh mà khởi lên ý niệm muốn hại chúng sinh cũng đều không được! Nếu có ý niệm này, bạn đã phá giới rồi! Chúng ta đọc kinh này là kinh Đại thừa. Năm giới của Đại thừa cùng năm giới của Tiểu thừa không như nhau. Năm giới của Tiểu thừa là luận sự không luận tâm. Năm giới của Đại thừa là luận tâm không luận sự. Tâm bạn khởi lên ác niệm thì bạn đã phá giới rồi!

b. Không trộm cắp:

Càng khó trì! Trên kinh Phật định nghĩa trộm cắp rất rõ ràng: “Bất dư thủ”, hễ vật có chủ, nếu chưa thương lượng, chưa được sự đồng ý của chủ nhân mà tự tiện lấy, đó chính là trộm cắp. Phạm vi của giới trộm rất rộng như: Biển thủ tài vật của người khác, đoạt danh dự, quyền lực, địa vị của người khác đều là trộm; đối với thường trụ cứ tha hồ tùy tiện sử dụng cũng là trộm!

Ngày trước, tôi thân cận thầy Lý Bỉnh Nam mười năm. Thầy năm xưa nhậm chức ở Phụng Tự Quan Phủ. Ông là Bí thư chủ nhiệm của Phụng Tự Quan Phủ. Bình thường viết thư cho bạn bè, dùng giấy và bao thư của quốc gia, ông nhất định phải báo cáo với quan Phụng tự: Hôm nay tôi đã dùng bao nhiêu giấy viết thư, mấy cái bao thư. Quan Phụng Tự cảm thấy ông này rất lạ! Ai mà không dùng như vậy, thiết nghĩ ông cũng không nên quá bận tâm về việc này. Ông nói: Tôi là tín đồ Phật giáo, nếu không có sự đồng ý của ông mà tôi tự tiện dùng là phạm giới trộm cho nên cần phải báo cáo với ông. Đây là hiểu được qui củ.

Năm xưa, có một vị hiệu trưởng già ở Đài Loan, là huynh đệ với tôi, ông cũng là học trò của thầy Lý. Ở Đài Loan, ông làm thứ trưởng Bộ Chánh Sách. Quốc gia cấp cho ông một chiếc xe hơi, trong nhà lắp cho ông một điện thoại bàn. Nếu không phải việc công thì ông không dùng điện thoại công. Nếu không phải là việc nhà nước thì ông không đi xe công, chỉ dùng xe công cộng. Vì sao vậy? Không phạm giới trộm!

Ngày nay, ai có thể làm được!? Hiện tại chúng ta cầm đến điện thọai thường trụ thì tán gẫu, nói hết nửa giờ, một giờ, hai giờ v.v… Không biết có đến bao nhiêu lời thừa! Có phải bạn đã phạm giới trộm rồi chăng?! Tương lai bạn đi đến vua Diêm La, vua Diêm La đều có sổ sách đưa ngay trước mặt, bạn không thể nào chối  cải!

Kinh Địa Tạng nói rất rõ: Chúng sinh ngày ngày đang phạm giới, chính mình hoàn toàn không hay biết, lại cho rằng việc rất bình thường! Vì sao vậy? Vì mọi người đều làm vậy! Nếu bạn không làm như vậy, người ta nói bạn khờ dại!

Vị hiệu trưởng già đó là Châu Bang Đạo. Có nhiều người nói ông là kẻ ngốc, đầu óc quá ngoan cố không thể chuyển đổi! Điện thoại của ông vì sao ông không thể dùng?! Cấp cho ông chiếc xe, chẳng phải gián tiếp bảo ông đừng đi bộ hay sao? Không phải việc công còn phải đi taxi, làm gì có loại người này! Cho nên, người ta xem ông như quái vật, rất không bình thường! Thế nhưng, trong Phật pháp ông là người rất bình thường. Chúng ta xem thấy ngày trước, các ngài tu hành là như thế. Ngày nay, chúng ta tự cho là phải, là bạn tự cho; Phật, Bồ Tát không cho là vậy! Trong đây đạo lý nhân quả nào ai hiểu!

c. Không tà dâm:

Người xưa nói: “Trăm thiện, hiếu đứng đầu. Vạn ác, dâm trước tiên”. Đây là cội gốc của họa hại, không thể xem thường! Người tu hành không thể thành tựu được đạo nghiệp, sau cùng đọa A-Tỳ địa ngục cũng chính vì nguyên nhân này.

d. Không nói dối:

Giới này phải cẩn trọng vì rất dễ phạm! Người hiện tại chúng ta xem thấy quá nhiều, không chỉ gạt người còn gạt cả chính mình, như vậy làm sao có thể thành tựu?!

e.  Không uống rượu:

Giới này “khai duyên” rất nhiều, nhất định phải rõ ràng; nếu không phải “khai duyên” thì là phạm giới.

Giới” cùng “Thiện” không giống nhau. “Giới” là Phật giáo hóa, ràng buộc đối với chúng ta, một khi đã phát nguyện thọ giới thì nhất định phải tuân thủ. “Thiện” không do Phật, Bồ Tát ràng buộc chúng ta mà là lương tâm, lương tri của chính mình. Cho nên, dù bạn không thọ giới cũng phải nên tuân thủ đạo đức.

Ba giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm là thuộc về “thân thiện”. “Miệng thiện” có bốn là: Không nói dối, không ác khẩu (nói lời thô lỗ khiến người nghe rất khó chịu), không nói lưỡi hai chiều (lưỡi hai chiều là trêu chọc phải quấy, gây xung đột, hiểu lầm cả đôi bên), không ỷ ngữ (dùng lời nói khéo léo, đường mật mê hoặc lòng người). Kế đến là ý thiện: Không tham, không sân, không si.

Năm giới, mười thiện là đại căn, đại bổn tu hành của chúng ta. Dùng năm giới, mười thiện, đức hạnh này để hồi phục tâm thanh tịnh, tâm chân thành của chúng ta thì Niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ nhất định thành tựu. Từ trong pháp chân thật mà nhìn “thiện trong trời, người” dù có được sinh thiên cũng không phải là việc tốt, hưởng hết phước rồi vẫn phải đọa lạc trong sáu cõi luân hồi nên cũng là  ác!