Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VII. QUỐC GIỚI NGHIÊM TỊNH ĐỆ THẬP NHẤT
(TT)

“Phục vô đại tiểu giang, hải, khâu lăng, khanh khảm, kinh, cức, sa, lịch, Thiết vi, Tu Di, thổ thạch đẳng sơn. Duy dĩ  tự

nhiên thất bảo, hoàng kim vi địa” (Lại chẳng có sông, biển lớn nhỏ, gò đống, hầm hố, gai góc, cát, sỏi, Thiết Vy, Tu Di, các hòn núi đá, núi đất v.v… chỉ tự nhiên là bảy báu, vàng ròng làm đất): Không có biển, sông, Tu Di v.v… đây cũng là hiển thị “Tánh Công Đức Thành Tựu”.

Thành phố Đồ Văn Ba, chúng ta ở rất đặc biệt! Thành phố này ở trên núi, nhưng trên núi lại có được một khu đất bằng phẳng như vậy thật là hiếm có! Bình nguyên trên núi không nhấp nhô lắm; thông thường mà nói: Đây là nơi tốt để người tu hành xây dựng đạo tràng, là một nơi rất lý tưởng. Nhấp nhô không lớn chính là tâm con người ở đây bình lặng, họ thích hòa bình. Nói cách khác, tu hành ở đây ít gặp chướng nạn.

Nhưng, chúng ta phải hiểu được một việc: Đó chính là cộng nghiệp. Ít nhất khu vực Đồ Văn Ba này, cộng nghiệp cũng không sai khác lớn lắm. Một trăm ngàn người có thể sinh sống hòa mục lẫn nhau, chăm sóc, quan tâm lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, đó chính là thành phố rất tốt. Đồng học trong Học Viện chúng ta ở đây có nghĩa vụ, sứ mạng dẫn dắt nhân dân địa phương này cho tốt. Dẫn dắt bằng cách nào? Làm gương cho mọi người thấy! Đầu tiên dạy “Lễ kính chư Phật” trong mười nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát. Chúng ta đã làm mười năm rồi cũng có chút hiệu quả nhưng chưa được tốt lắm! Hy vọng mười năm về sau chúng ta làm tốt hơn.

Buổi tiệc đầm ấm vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần, tứ chúng đồng tu trong Học Viện, bất luận là tại gia hay xuất gia nhất định phải học lễ phép, gặp ai cũng cúi thấp người chào hỏi. Nếu làm được như vậy, tôi tin người ở Đồ Văn Ba gặp nhau cũng đều cúi người chào hỏi. Điều này sẽ chấn động toàn thế giới. Thế giới này làm gì có nơi tốt như vậy?! Mọi người đều muốn đến xem, đến tham quan, lôi kéo dòng người đến ở nơi này, kích thích kinh tế ở địa phương này. Đây là việc tốt! Người ở nơi này thành thật, không lừa dối, chỉ cần chúng ta nêu được ấn tượng này cho người khác, thành phố này chính là số một trên toàn thế giới, là thành phố mô phạm, thành phố hòa hợp. Chúng ta sẽ làm được!

Chúng ta đã đặt nền móng trong mười năm qua cũng rất lễ phép rồi, nhưng chưa đủ! Gặp nhau chỉ cúi đầu mười lăm độ để chào nhau, chưa được! Phải cúi đầu chín mươi độ. Người Nhật lúc hành lễ họ cúi đầu chín mươi độ. Nên nhớ rằng họ học từ lễ nghĩa của Trung Quốc cổ. Việc này người Nhật có thể duy trì, trong khi người Trung Quốc từ lâu đã bỏ mất rồi! Đây không phải là học từ người Nhật mà chính người Nhật học từ Trung Quốc!

– Vì sao lễ nghi này hôm nay Trung Quốc không còn nữa?

– Bởi Trung Quốc ngày nay học phương Tây!

Kế đến là “xưng tán Như Lai”: Ý nghĩa của việc này là “bỏ ác làm thiện, cải tà qui chánh”, bắt đầu thực hiện từ bản thân chúng ta. Hy vọng trong thời gian một năm chúng ta sẽ làm được một chút việc này: Có lễ phép với người, lịch sự với cỏ cây hoa lá, với những động vật nhỏ, với sơn hà đại địa; lễ phép là việc làm đầu tiên cũng là hình thức bên ngoài; bài học này không có thì những bài học khác cũng không thể đứng vững!

Đối với bất cứ người nào phải thành khẩn: Hy vọng làm tốt được Ngũ luân, Ngũ thường. Ngũ thường là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, là căn bản làm người. Trong Ngũ luân, chúng ta làm được chữ “hiếu” trong “phụ tử hữu thân”: Thấy người khác tuổi xấp xỉ với cha mẹ mình, ta xem họ như cha mẹ; phải tận nghĩa hiếu đạo; thấy trẻ nhỏ, chúng ta xem chúng như con; phải từ tâm, lân mẫn mà yêu thương chúng. Mọi người phải nhường nhịn lẫn nhau: Người lớn trước, người nhỏ sau. Họ lớn tuổi hơn ta mời họ đứng trước. Lúc đi đường mời họ đi trước. Đối với mọi người phải có chữ “Tín”: nói năng uy tín; làm việc uy tín, phải có chăm chỉ, có trách nhiệm.

Sang năm, chúng ta làm thêm tam qui, ngũ giới, thập thiện. Tôi tin tưởng, mười năm sau, toàn cư dân Đồ Văn Ba đều làm được như vậy, bất giác khiến thành phố này thật sự văn minh lễ nghĩa, là thành phố gương mẫu cho toàn thế giới. Chúng ta phải chăm chỉ làm. Có được một môi trường tốt như vậy, Đại thừa Phật pháp sẽ bén rễ tại nơi này.

Trước đây, Học Viện chúng ta mới thành lập khoảng ba, bốn năm; tôi đã nghe, chính cư dân Đồ Văn Ba nói với tôi: “Tương lai Đồ Văn Ba có thể là trung tâm của Phật Giáo thế giới”. Lời nói này của họ nhất định sẽ rất linh ứng, nếu mọi người chúng ta đều thật sự nỗ lực cùng hướng đến mục tiêu này mà làm. Phật pháp không phải là tôn giáo. Phật pháp là giáo dục, đối xử hòa hợp với tất cả tôn giáo khác. Phật pháp tôn trọng tôn giáo, lễ kính tôn giáo, hoàn toàn không có sự xung đột.

Tu Di” (Sumeru) dịch là núi Diệu Cao, là trung tâm của một tiểu thế giới. Núi ấy do bốn báu hợp thành, nằm giữa đại hải, cao khỏi mặt nước ba trăm ba mươi sáu vạn dặm. Mặt ngoài có chín ngọn núi và tám cái biển. Phía ngoại vi của núi Tu Di gọi là “Thiết Vi Sơn” (Cakravàda). Ngay chính giữa đỉnh núi Tu Di là chỗ ở của trời Đế Thích, ba mươi hai vị trời khác ở khắp bốn mặt núi.

Trời Tứ Thiên Vương ở lưng chừng núi. Bốn đại châu như: Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu và Bắc Câu Lô Châu trụ quanh bốn phía của biển. Đây là nói về cõi trời Dục giới: Tứ Thiên Vương là tầng trời thứ nhất, Đế Thích là tầng trời thứ hai (tức trời Đao Lợi). Trời Đế Thích chính là Ngọc Hoàng Đại Đế mà người Trung Quốc nói. Đao Lợi Thiên chủ tức Đế Thích Thiên Vương trú tại trung ương. Bốn phía, mỗi phía đều có tám trời.

Bốn nhân với tám là ba mươi hai trời, cộng thêm cõi trời ở giữa là ba mươi ba trời. Do vậy mà ba mươi ba trời không có nghĩa là ba mươi ba tầng trời. Cõi trời trung tâm trong số ba mươi ba trời, đó chính là trời Đao Lợi tầng trời thứ hai của Dục giới.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, cõi trời Đao Lợi dường như rất giống nhân gian có tổ chức chính trị: Trung tâm là chỗ ở của Đế Thích, với ba mươi hai chư hầu ở chung quanh. Nó có tổ chức; thế giới Cực Lạc không có! Thế giới Cực Lạc là trường học do Phật A Di Đà xây dựng. Trú tại thế giới Cực Lạc chỉ có hai loại người: Thầy giáo là A Di Đà Phật; học sinh là chúng Bồ Tát, ngoài ra không có địa vị nào khác.

Hoàng Niệm lão là người học khoa học, đã dùng khoa học hiện đại để giải thích cho chúng ta như sau: “Mặt trời xoay quanh núi Tu Di. Trước đây có người cho rằng núi Tu Di nằm ngay trên địa cầu thì thật là lầm lẫn lớn. Xét ra, ít nhất, Tu Di cũng là một thiên thể lớn bằng mặt trời, Nam Thiệm Bộ Châu chính là địa cầu”.

Hòa Thượng Tịnh Không nói: Người nhầm lẫn này là cổ nhân đã chú giải sai, cho rằng núi Hy Mã Lạp Sơn là núi Tu Di. Như vậy thì Trung Quốc thuộc Nam Thiệm Bộ Châu; Bắc phương là Bắc Câu Lô Châu (người ở đây rất có phước báo, tuổi thọ của họ là một ngàn năm). Nhưng trên thực tế, phía Bắc của Himalaya chính là Tây Tạng, Tân Cương chẳng phải là Bắc Câu Lô Châu, cho nên không phù hợp! Đây là nhầm lẫn rất lớn!

Ở đây, Niệm lão giải thích: “Tu Di là trung tâm của hệ Ngân Hà là một thiên thể, ít nhất cũng phải lớn bằng mặt trời, Nam Thiệm Bộ Châu chính là địa cầu. Kinh dùng chữ “thủy” để chỉ cho lưu thể (tức vật thể lưu chuyển), “hải” là chỗ tích tụ các vật thể lưu chuyển ấy, chứ nào phải là “biển cả” như thế gian thường hiểu”.

Sang năm (tức năm 2012), trung tâm Ngân Hà và mặt trời sẽ xếp thành một hàng dọc. Cơ hội này khoảng năm mươi ngàn năm mới gặp một lần. Giải thích của Hoàng Niệm lão rất hay!

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, thật sự mà nói, lưu thể chính là khí lưu trong vũ trụ. Vậy thì biển lớn được nói trong kinh Phật là bầu trời cao. Bầu trời không phải chân không, bầu trời có khí lưu. Khí lưu này giống như nước biển trong bầu trời bao la. Trời Tứ Thiên Vương ở trong hệ Định Tinh. Hệ Định Tinh cũng giống như hệ mặt trời vậy. Đao Lợi Thiên chủ là hạt nhân của Ngân Hà, phải đột phá không gian duy thứ mới có thể thấy được.

– Khu vực giáo hóa của Phật có bao nhiêu hệ Ngân Hà? (tức là có bao nhiêu đơn vị thế giới?)

– Mười ức đơn vị! Nói cách khác, mười ức hệ Ngân Hà mới là một thế giới Ta Bà.

Trái đất trong thế giới Ta Bà này chỉ là một đảo nhỏ. Thế giới Cực Lạc không nằm trong mười ức hệ Ngân Hà này, cũng không phải là một tinh hệ, mà là một không gian duy thứ cao, khác hẳn không gian duy thứ của chúng ta, là thứ mà người thế gian không thể nào tưởng tượng được! Họ có thân tướng, cho dù thân tướng họ có ở ngay trước mặt, chúng ta cũng không thể nào nhìn thấy, vì không cùng một không gian duy thứ, duy nhất chỉ trong Định mới có thể nhìn thấy. Thiền định làm cho không gian duy thứ bị đột phá. Định công càng sâu, sức nhìn càng rộng. Đức Phật dạy: Bát Địa trở lên mới nhìn thấy được duyên khởi của vũ trụ, nhìn thấy được “Tam tế tướng” của A-lại-da; đó là “vi quán” là hướng nội; nếu hướng ngoại họ có thể nhìn thấy được khắp pháp giới, hư không giới. “Lớn không gì lớn hơn; nhỏ không gì nhỏ bằng”, tất cả họ đều có thể xuyên suốt, thấu triệt.

Chúng ta biết rằng Phật thuyết pháp có hai nguyên tắc: Chân Đế và Tục Đế. Chân Đế là cảnh giới Phật tự thân chứng; Tục Đế là cảnh giới của chúng sinh. Cho nên, khi Phật nói về Tục Đế chúng ta rất dễ dàng tiếp thu; nhưng khi Phật nói Chân Đế thì chúng ta rất khó hiểu, bởi đó không phải là cảnh giới thường thức của chúng ta. Trong Tiểu thừa: Tục Đế nhiều, Chân Đế ít. Trong Đại thừa: Chân Đế nhiều, Tục Đế ít. Trong pháp Nhất thừa dường như tám, chín mươi phần trăm đều là Chân Đế.

Nên biết: Phật thuyết pháp không có một pháp nào nhất định mà “hằng thuận chúng sinh”, “tùy chúng sinh tâm ứng sở tri lượng”. Ngày nay, nếu Phật còn tại thế, hỏi Phật về núi Tu Di ở đâu? Chắc hẳn Phật sẽ trả lời: Ở trung tâm hệ Ngân Hà! Hệ Ngân Hà là một đơn vị thế giới. Trung tâm đơn vị thế giới này, trong kinh Phật gọi là núi Tu Di; ngày nay gọi là “lỗ đen” (black hole), có lực hút rất lớn, ngay cả ánh sáng cũng bị nó hút vào. Khoa học hiện đại đã chứng minh tương đồng: Trong hệ mặt trời (thái dương hệ), thế giới nhỏ Nam Thiệm Bộ Châu này của chúng ta chính là địa cầu, chuyển động quanh bờ mé của núi Tu Di. Đó là thật không giả tí nào!

Sách Hội Sớ giảng chữ “tự nhiên thất bảo” như sau: “cõi uế Sa Bà do tạp nghiệp cảm thành nên dùng bùn, đất, sỏi, sạn làm chất đất, còn cõi kia chuyên do tịnh tâm vô lậu biến hiện nên dùng bảy báu làm Thể. Cõi ấy do bố thí, trì giới cảm thành, tánh chẳng tạo tác nên gọi là tự nhiên”. Ý chỉ của câu “tánh chẳng tạo tác nên gọi là tự nhiên” của Hội Sớ tương đồng với nhận định của Luận Chú: “Tánh công đức thành tựu” và “tánh có nghĩa là tất nhiên”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Câu “cõi uế Sa Bà do tạp nghiệp cảm thành”, câu nói này rất hay! Cư dân trên thế giới chúng ta thật sự do tạp nghiệp, uế nghiệp, ác nghiệp mê hoặc cảm thành nên dùng đất, bùn, ngói, đá làm thể của đất. Đây là “Cảnh tùy tâm chuyển”! Hiện nay trong đất, bùn, ngói, đá đều hàm chứa độc tố, ô nhiễm rất nghiêm trọng do tam độc, thất tình, lục dục của con người mà chiêu cảm!

Khác hẳn ngày xưa, tâm con người thiện, có đạo đức luân lý nên trong bùn, đất, đá không có độc tố mà hàm chứa toàn những khoáng chất có thể tinh luyện ra nhiều khoáng vật như: vàng, bạc, đồng, sắt v.v…

Sơn hà đại địa, thiên thời địa lợi đều theo tâm con người mà biến đổi: Tâm người thanh tịnh liền biến thành Tịnh Độ; tâm người ô nhiễm liền biến thành uế độ; tâm người lương thiện biến thành thiện độ; tâm người bất thiện liền biến thành ác độ! Phật nói rất hay: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”. Câu nói này đã được các nhà lượng tử học chứng minh rồi. Tất cả hiện tượng vật chất đúng là do ý niệm tạo thành.

Cho nên, giáo dục rất quan trọng! Đối với văn hóa truyền thống chúng ta khâm phục đến “ngũ thể đầu địa”, nguyên nhân là người xưa hiểu được giáo dục. Trên toàn thế giới có bốn nền văn minh cổ; hiện nay chỉ có văn minh Trung Quốc còn tồn tại, ba nền văn minh cổ khác đều đã bị diệt vong rồi!

– Văn hóa Trung Quốc vì sao có thể tồn tại?

– Vì nó có thể thích ứng với các kiểu thời đại khác nhau, các dân tộc khác nhau, các nền văn hóa khác nhau.

Tính thích ứng của nó quá rộng. Nó không có xung đột với bất cứ nền văn hóa nào, nó là hòa bình! Người xưa nói: “Hiếu để trung tín, nhân ái hòa bình”, tám chữ này đối với bất kỳ quốc gia nào, dân tộc nào, tín ngưỡng tôn giáo nào đều không có xung đột. Đi ngược lại với “Tứ duy, bát đức” thiên hạ sẽ loạn, nhân dân sẽ khổ!

– Mấy ngàn năm giáo dục của Trung Quốc, hạt nhân là gì?

– Chính là bốn khoa: Ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức. Chỉ đơn giản như vậy! Trải qua một vạn mấy ngàn năm rồi vẫn chưa từng xảy ra sự cố. Hai trăm năm trước, Thái Hậu Từ Hi chấp chính đã sơ suất rồi! Nhưng, lúc đó người nói vẫn còn rất nhiều, người thật sự làm theo thì rất ít! Đời Thanh mất nước đến Dân quốc, người giảng cũng không còn! Lúc đó, kẻ sĩ tôn sùng Tây học, trăng nước ngoài tròn hơn trăng Trung Quốc! Cái gì cũng học theo người nước ngoài, làm mất đi những thứ của chính mình! Nhật Bản còn bảo tồn một ít, nhưng năm mươi năm gần đây, Nhật Bản cũng biến chất, thay đổi đến quá đáng, dường như cũng mất hết văn hóa truyền thống Trung Quốc! Tai nạn xuất hiện rồi!

Còn cõi kia chuyên do tịnh tâm vô lậu biến hiện nên dùng bảy báu làm thể”. Chữ “thất bảo” (bảy báu), chữ “thất” là biểu pháp, không phải là con số cụ thể, nó tượng trưng cho sự viên mãn: Dùng trân bảo vô lượng vô biên làm Thể. Vì sao? Vì nó xuất phát từ tâm “vô lậu”! Tâm “vô lậu” là tự tánh, là chân tánh. “Lậu” là đại danh từ của phiền não, chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Đoạn dứt được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước gọi là “vô lậu”. Nói cách khác, người người ở thế giới Cực Lạc, tâm đều thanh tịnh, bình đẳng, giác nên tất cả vật chất đều tự nhiên biến thành trân bảo vi diệu, đẹp đẽ lạ lùng vượt xa các báu trong thế gian.

Cõi ấy do bố thí, trì giới cảm thành”: Bố thí, trì giới là tượng trưng cho “sáu Ba-la-mật”. Nói theo Kinh Hoa Nghiêm là tượng trưng cho “mười Ba-la-mật”. “Tánh chẳng tạo tác nên gọi là tự nhiên”, đây là chỉ cho tâm “vô lậu” thanh tịnh, là biến hiện của mười Ba-la-mật viên mãn.

Tự tánh vốn tự đầy đủ vạn đức như trong Lục Tổ Đàn Kinh, khi ngài Huệ Năng khai ngộ nói: “Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”, chính là “tánh đức tự    nhiên”. Lại nói: “Nào ngờ tự tánh năng sinh vạn pháp” cùng với trong Hoàn Nguyên Quán nói: “Xuất sanh vô tận”, đều là nghĩa của “tự nhiên”; trong đây không có dấu vết của tạo tác, tất cả đều là tự nhiên viên mãn thành tựu. Cũng chính là chúng ta thường nói: Dứt ác tu thiện, tích công lũy đức đạt đến cứu cánh viên mãn thì y báo và chánh báo sẽ tự nhiên xuất hiện, hoàn toàn không có khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm là phàm phu. Trong tâm thanh tịnh không sinh một niệm, đó chính là Chân tâm đã hiển lộ, là cảnh giới cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai. “Tự nhiên” là chân thật; có tạo tác thì không phải là chân thật mà là vô thường.

Kinh Tiểu Bổn ghi “hoàng kim vi địa” (vàng ròng làm đất). Kinh này chép: “Tự nhiên thất bảo, hoàng kim vi địa” (tự nhiên là bảy báu, vàng ròng làm đất). Mặt đất cõi nước Cực Lạc chẳng có đất đá, chỉ thuần trang nghiêm bằng các thứ báu mầu nhiệm của tánh đức (“Cực Lạc quốc độ địa vô thổ thạch duy thị tánh đức diệu bảo trang nghiêm”). Như Vãng Sinh Luận nói: “Bị chư trân bảo tánh, cụ túc diệu trang nghiêm” (Đầy đủ tánh trân bảo, đầy đủ trang nghiêm mầu nhiệm). Chữ “trân bảo tánh” chỉ cho những thứ quí báu sẵn có trong tự tánh. Đấy chính là môn “Chủng chủng sự trang nghiêm công đức thành tựu” được nói trong Vãng Sinh Luận.

Khoan quảng bình chánh bất khả hạn cực” (Bằng phẳng rộng rãi bao la chẳng thể hạn lượng). Tâm tịnh cõi nước tịnh, tâm bình cõi nước bình. Do tâm địa bình đẳng nên đại địa bằng phẳng. Câu kệ sau đây trong Vãng Sinh Luận: “Cứu cánh như hư không, quảng đại vô biên tế” (Rốt ráo như hư không, rộng lớn không ngằn mé) đã diễn tả ý “khoan quảng bình chánh bất khả hạn cực” nói trong kinh này.

Sách Luận Chú giảng: “Như hư không là ý nói người vãng sinh tới cõi ấy tuy đông, nhưng vẫn như không có, nghĩa là: Thập phương chúng sinh vãng sinh, dù đã sinh, hoặc đang sinh hay sẽ sinh, tuy vô lượng vô biên nhưng rốt ráo luôn như hư không. ‘Quảng đại vô biên tế’ là trọn chẳng có lúc kết cuộc” Đây là cảnh giới Tây Phương do viên mãn tánh đức lưu xuất ra, cũng chính là môn “Trang Nghiêm Lượng Công Đức Thành Tựu” được nói trong Vãng Sinh Luận (tức là) số lượng các thứ trang nghiêm chẳng có chừng hạn. Cho nên cái gì cũng vô lượng: Thọ mạng vô lượng, quang minh vô lượng, quốc độ quảng đại vô lượng, thanh tịnh vô lượng, mọi thứ đều vô lượng.

Vi diệu kỳ lệ, thanh tịnh trang nghiêm” (Vi diệu đẹp đẽ, lạ lùng, thanh tịnh trang nghiêm). Theo chú giải của Hoàng Niệm lão: “Diệu” là đẹp đẽ một cách thù thắng khó nghĩ tưởng nổi. “Vi diệu” là đẹp đẽ nhất trong các thứ diệu; khó nghĩ tưởng nhất trong các thứ khó nghĩ tưởng. “Lệ” là tuyệt đẹp, đẹp rực rỡ. “Kỳ” là lạ thường, đặc biệt, phi thường. Như vậy, “kỳ lệ” là đẹp đẽ, xinh khéo, rực rỡ vượt trỗi, độc đáo một cách lạ lùng. Chẳng hạn như mặt đất cõi Cực Lạc do bảy báu hợp thành, trong mỗi thứ báu lại có năm trăm quang sắc. Quang minh ấy có hình dạng như đóa hoa hoặc như vầng trăng nên bảo là “kỳ lệ”.

Thanh tịnh trang nghiêm”: “Thanh tịnh” là vĩnh viễn lìa ô nhiễm, “trang nghiêm” là đầy đủ vạn đức. Sách Luận Chú nói: “Tùng Bồ Tát trí tuệ thanh tịnh nghiệp khởi trang nghiêm Phật sự, y pháp tánh nhập thanh tịnh tướng” (Từ nghiệp trí tuệ thanh tịnh của Bồ Tát phát khởi để trang nghiêm Phật sự, nương pháp tánh nhập tướng thanh tịnh). Câu này rất quan trọng, chúng ta không thể dễ duôi bỏ qua.

Tùng Bồ Tát trí tuệ thanh tịnh nghiệp khởi trang nghiêm Phật sự”: Đây là điều chúng ta thời thời khắc khắc phải học tập.

Bồ Tát là giác tức không mê, chánh là không tà, tịnh là không nhiễm; niệm niệm không rời “tam qui y”. Giác chớ không mê là qui y Phật; chánh chớ không tà là qui y Pháp; tịnh chớ không nhiễm là qui y Tăng; “Tam qui y” đã khởi tác dụng rồi! Thực tiễn được “Tam qui y” trong cuộc sống hàng ngày người này chính là Bồ Tát. Trí tuệ chân thật của Bồ Tát là từ trong Định mà có, từ tâm thanh tịnh mà có; Định tâm thanh tịnh là từ Trì Giới mà có. Nhân Giới được Định, nhân Định khai Tuệ, không Trì Giới thì cái gì cũng không có!

Phật sự” là giảng kinh dạy học, giúp chúng sinh phá mê khai ngộ.

Y Pháp tánh nhập thanh tịnh tướng” (Nương pháp tánh nhập tướng thanh tịnh): Điều này là thật không phải giả! “Y Pháp tánh” là minh tâm kiến tánh; “thanh tịnh tướng” là thanh tịnh vô vi. Trong chú giải Kinh Vô Lượng Thọ, Hoàng Niệm lão trích dịch rất nhiều từ Vãng Sinh Luận Chú (“Chú” là do Đàm Loan Pháp sư chú giải), hơn nữa còn lặp đi lặp lại rất nhiều lần những đoạn câu hay khiến chúng ta sau khi xem qua chú giải của ông đều có ấn tượng rất sâu sắc; sâu sắc nhất dường như là ba câu: “Thanh tịnh cú”, “chân thật trí tuệ” và “vô vi Pháp Thân”.

Đây là điều mà trong giai đoạn đầu, người niệm Phật chúng ta đều mong cầu. Kế đến là mục tiêu sau cùng cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thật sự thành tựu, đạt đến “Thanh tịnh cú”, được “chân thật trí tuệ”, “vô vi Pháp Thân” thì chắc chắn vãng sinh Tịnh Độ. Sách còn nói: “Tánh nghĩa là gốc. Cái năng sinh (tức là tánh thanh tịnh) đã tịnh thì cái sở sinh (tức là cõi nước, chỉ cho thế giới Cực Lạc) lại chẳng tịnh hay sao?”

Nhìn lại thế giới chúng ta ngày nay, có thể nói trái đất này đã đạt đến cực điểm của không thanh tịnh! Bởi nhân tâm hư rồi!

Không những cư dân trên trái đất tâm địa không thanh tịnh đến cực điểm mà thậm chí toàn bộ sơn hà đại địa cũng đều không thanh tịnh!

Năm mươi năm về trước, chúng ta chưa nghe qua danh từ “bảo vệ môi trường”, chính bởi lúc đó môi trường còn tốt. Tuy có ô nhiễm nhưng không nghiêm trọng như bây giờ, nên không có ai nêu ra vấn đề bảo vệ. Đến nay môi trường ô nhiễm trầm trọng mới nghĩ đến việc cần phải bảo vệ môi trường! Lúc nghe khởi xướng vấn đề này, tôi liền nghĩ: Môi trường, có môi trường vật chất và môi trường tinh thần. Môi trường tinh thần và môi trường vật chất có liên quan mật thiết với nhau. Nếu như môi trường tinh thần không bảo vệ thì môi trường vật chất vĩnh viễn sẽ không thể cải thiện được! Đó là thật! Ngày ngày nói bảo vệ môi trường nhưng sơ suất việc bảo vệ tâm thanh tịnh thì làm sao được!

Giới khoa học ngày nay đã hiểu được cơ sở của vật chất là từ tâm, ý niệm của con người. Ý niệm con người xấu, môi trường vật chất đương nhiên cũng xấu! Ý niệm con người tốt, môi trường vật chất liền giống như thế giới Cực Lạc, do vô lượng trân bảo tạo thành, làm gì có thiên tai?! “An lạc quốc độ thị thanh tịnh bổn tánh chi sở trang nghiêm thành tựu”: Đây là do cõi Cực Lạc được trang nghiêm thành tựu bằng bản tánh thanh tịnh vậy.

Thế giới Ta Bà, Nam Thiệm Bộ Châu này của chúng ta do tập khí phiền não ô nhiễm xấu xa nghiêm trọng tạo thành! Tôi nhớ không lầm, hình như có một báo cáo khoa học: sau này động đất sẽ tăng vọt lên đến cấp tám, cấp chín (không như cấp sáu, cấp bảy trước đây là động đất nhỏ!), còn có khả năng xuất hiện siêu động đất! Ngày nay, động đất xảy ra liên tục, từ trước đến nay chưa từng xảy ra hiện tượng này, trong lịch sử cũng chưa từng có những ghi chép như vậy!

Siêu du thập phương nhất thiết thế giới” (Vượt trỗi hết thảy các thế giới trong mười phương): Đây là câu tổng kết. Trong phẩm thứ năm “chí tâm tinh tấn” của bản kinh này, tỳ kheo Pháp Tạng (tức tiền thân của Phật A Di Đà) lúc còn ở nhân địa đã từng phát nguyện: Khi ngài thành Phật thì trí tuệ, quang minh, cõi nước, danh hiệu của ngài đều vang dội mười phương. Ngài còn bảo: “Ngã lập thị nguyện, đô thắng vô số chư Phật quốc giả”. (Tôi lập nguyện này đều vượt trội vô số các cõi nước Phật). Do Pháp Tạng Bồ Tát khi còn tu nhân đã phát nguyện vượt trội vô số các cõi Phật nên đến khi ngài thành Phật thì “Bản kỳ sở nguyện tức tự đắc chi”, bản nguyện ấy liền tự được thành tựu như thế.

KINH VĂN:

A Nan văn dĩ, bạch Thế Tôn ngôn: “Nhược bỉ quốc độ vô Tu Di sơn, kỳ Tứ Thiên Vương thiên, cập Đao Lợi thiên, y hà nhi trụ?”

Phật cáo A Nan: “Dạ Ma, Đâu Suất, nãi chí Sắc, Vô Sắc giới, nhất thiết chư thiên, y hà nhi trụ?”. A Nan bạch ngôn: “Bất khả tư nghị nghiệp lực sở trí”.

VIỆT DỊCH:

A Nan nghe xong, bạch Thế Tôn rằng: “Nếu cõi nước ấy không có núi Tu Di thì Tứ Thiên Vương thiên và Đao Lợi thiên nương vào đâu mà trụ?”

Phật bảo A Nan: “Hết thảy chư thiên trời Dạ Ma, Đâu Suất cho đến Sắc, Vô Sắc giới nương vào đâu mà trụ?”. A Nan bạch rằng: “Do nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn nên đạt được như vậy”.

GIẢNG:

Theo chú giải của Hoàng Niệm lão: “Đao Lợi thiên” dịch là Tam Thập Tam Thiên, là tầng trời thứ hai trong sáu tầng trời Dục giới, ở ngay trên đỉnh núi Tu Di. Chính giữa có một thiên thành là chỗ ngự của Đế Thích (Sakya Indra), người Trung Quốc gọi Đế Thích là Ngọc Hoàng Đại Đế. Bốn phía, mỗi phía có tám thiên thành, cộng chung thành ba mươi ba chỗ nên có tên là Tam Thập Tam Thiên. Chư thiên trong cõi trời Đao Lợi và trời Tứ Thiên Vương đều nương theo núi Tu Di để trụ, nên nay A Nan nghe đức Phật nói cõi Cực Lạc không có núi Tu Di liền hỏi ngay: Các vị trời ấy sẽ nương vào đâu mà trụ? Thật ra, chỗ này A Nan nêu ra vấn đề này là thay cho một số phàm phu ngu muội không có trí tuệ mà hỏi.

“Phật cáo A Nan: “Dạ Ma, Đâu Suất, nãi chí Sắc, Vô Sắc giới, nhất thiết chư thiên, y hà nhi trụ?” (Phật hỏi A Nan: “hết thảy chư thiên trời Dạ Ma, Đâu Suất cho đến Sắc, Vô Sắc giới nương vào đâu mà trụ?): “Dạ Ma” nói đủ là Tu Dạ Ma (Suyama) là tầng trời thứ ba trong Dục giới thiên. Tứ Thiên Vương thiên và Đao Lợi thiên phải nương theo núi Tu Di để trụ nên gọi là Địa Cư thiên. Từ trời Dạ Ma trở lên đều ngự trên không trung nên gọi là Không Cư thiên. Dạ Ma dịch là Thời Phận, Thiện Phận. Phật Địa Luận nói: “Nói về Dạ Ma thiên thì do cõi trời này tùy thời hưởng lạc nên gọi là Thời Phần”. “Đâu Suất” (Tushita) dịch là Thượng Túc, Diệu Túc, Tri Túc, Hỷ Túc v.v… là tầng trời thứ tư trong Dục giới. “Đâu Suất nội viện” là cõi Tịnh Độ của Di Lặc Đại Sĩ; ngoại viện là chốn dục lạc của thiên chúng (Kỳ nội viện vi Di Lặc Đại sĩ chi Tịnh Độ, ngoại viện vi thiên chúng chi dục lạc xứ). Do chư thiên đối với những sự vui ngũ dục sinh tâm vui thích nhưng tri túc nên gọi là Hỷ Túc.

“Sắc, Vô Sắc giới”: “Sắc” là chỉ chư thiên Sắc giới (Rupaloka) có tám tầng trời. “Vô Sắc” chỉ chư thiên trong Vô Sắc giới (Arupaloka), có bốn tầng trời. Đó là những cõi trời nằm phía trên các tầng trời Dục giới, đều trụ trong hư không. Nói cách khác, họ không trú trong thế giới vật chất hữu hình như tinh cầu, tinh hệ, mà trú tại không trung, không gian bất đồng duy thứ, nên gọi là “Không Cư thiên”. Nếu trú trên tinh cầu, trú tại sao Hỏa, sao Thủy hay trú tại sao Thiên Vương v.v… đó gọi là “Địa Cư thiên”, vì họ trụ trên mặt đất. Cho nên, Thế Tôn hỏi lại A Nan: – Nếu nói không có núi Tu Di thì chư thiên không có chỗ để trụ, vậy các vị trời từ cõi Dạ Ma trở lên nương vào đâu để trụ? Phật hỏi câu này rất hay! Ngay các vị trời cõi Dạ Ma trong thế giới Sa Bà này còn chẳng cần nương vào núi Tu Di để trụ mà trụ trong hư không thì chư thiên trong cõi Cực Lạc cần chi núi Tu Di!

A Nan đáp: “Bất khả tư nghị nghiệp lực sở trí” (Do nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn nên đạt được như vậy): Do bởi có nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn nên chư thiên mới có thể nương hư không mà trụ. Câu đáp này rất đúng!

Sách Câu Xá Quang Ký, quyển mười ba giảng chữ “nghiệp” như sau: “Tạo tác là nghiệp”. Ý nói: Do thân, khẩu, ý tạo tác nên gọi là nghiệp. Làm ác, nói ác, nghĩ ác là ác nghiệp. Làm lành, nói lành, ý lành là thiện nghiệp. Tạo thiện nghiệp, thì được quả vui; gây ác nghiệp thì gánh quả khổ. Gọi chung là “nghiệp lực”.

– Tất cả thiện nghiệp, ác nghiệp này cất giữ ở đâu?

– Cất trong A-lại-da!

A-lại-da là kho tư liệu của bạn! Nó vĩnh viễn bảo tồn đời đời kiếp kiếp không bao giờ mất. Nếu nó không bảo tồn được thì khi ta chứng được Túc Mạng Thông, lấy đâu biết được đời quá khứ của vô lượng kiếp?! Chứng đắc Túc Mạng Thông không gì khác hơn là có thể xem được kho tư liệu hồ sơ của chính mình hoặc của người khác trong đời quá khứ, biết được trong nhiều kiếp quá khứ đã tạo tác những gì.

Cho nên, tạo tác không thể sơ suất, hồ đồ được. Nếu hồ sơ cất giữ trong kho tư liệu của bạn đều là ác nghiệp, vậy thì không tốt rồi! Ác nghiệp nhất định chiêu cảm ác báo, gặp ác duyên quả báo sẽ hiện tiền! Thiện quả là phước báo của nhân thiên; trong đời sẽ hưởng được địa vị cao sang, của cải giàu có v.v… Tất cả đều do trong mạng ta có sẵn, không liên quan gì đến người khác.

Sách Hữu Bộ Tỳ Nại Da (Luật tạng của phái Nhất Thiết Hữu Bộ), quyển bốn mươi sáu ghi: “Nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn! Dẫu xa xôi cách mấy vẫn lôi kéo được. Khi quả báo đã thành thục dẫu có trốn tránh vẫn khó thoát được”. Chữ “xa xôi” ở đây là chỉ cho quá khứ tiền kiếp lâu xa. Trong vô lượng kiếp đến nay, những “nghiệp lực” ta đã tạo, nếu gặp duyên, nó sẽ hiện hành. Khi quả báo đã thành thục, muốn tránh cũng khó thoát! Thật rất đáng sợ!

Phàm phu mê mất tự tánh, tạo tác rất nhiều việc sai trái, vô lượng vô biên tội nghiệp mà tự mình không biết: Nghiệp nhân quả báo không sai một ly!