PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN III
TĂNG

CHƯƠNG 12
NHỮNG ĐỜI SỐNG GƯƠNG MẪU

(TT)

Các đại đệ tử tại gia

Th.226 Cư sĩ có thể thành A-la-hán?

Đáng chú ý là ngay cả những đệ tử tại gia ưu tú được miêu tả chứng ngộ cao nhất cũng chỉ đến Bất hoàn, và sống độc thân nhưng không xuất gia. Trong khi được nói rằng tại gia cũng có thể chứng đắc A-la-hán quả, nhưng ngay lập tức phải xuất gia.

Những đặc điểm của người tại gia, thưa Đại vương, thật không thích hợp (cho quả A-la-hán). Những đặc điểm này không thích hợp do tính chất yếu kém, do vậy mà vị tại gia khi chứng quả A-la-hán thì, hoặc sẽ tiến tới (xuất gia) hoặc sẽ nhập Niết-bàn viên tịch ngay hôm ấy. Điều này chẳng phải là khuyết điểm của A-la-hán quả, thưa Đại vương, mà là khuyết điểm của đặc điểm tại gia, tức là tính yếu kém. Cũng như, thưa Đại vương, thực phẩm vốn duy trì tuổi thọ và hộ trì sinh mạng của hết thảy chúng sanh, nhưng khi dạ dày yếu, do vậy, sức tiêu hóa yếu kém, và do bởi tiêu hóa kém mà nó tước đoạt sự sống. Điều này, thưa Đại vương, không phải là khuyết điểm của thực phẩm, mà là khuyết điểm của dạ dày, tức là tính yếu kém tiêu hóa của nó.

Milindapañha 265, dịch Anh P.H.

Th.227 Các đệ tử tại gia ưu tú và những phẩm chất

Này các tỳ-kheo, một ưu-bà-tắc có tín tâm, hy cầu chơn chánh, nên hy cầu như vầy: ‘Mong rằng ta sẽ thành như gia chủ Citta và Hatthaka Āḷavaka!’ Ðây là chuẩn mực, là mẫu mực, cho các ưu-bà-tắc của ta, tức là gia chủ Citta và Hatthaka Āḷavaka.

Āyācana-vagga 12, sutta 3: Aṅguttara-nikāya I.88, dịch Anh P.H.

Này các tỳ-kheo, trong các đệ tử nam cư sĩ của ta,đệ nhất quy y đầu tiên là các thương nhân Tapussa và Bhallika. Trong các đệ tử nam cư sĩ của ta: đệ nhất bố thí, là gia chủ Sudatta Anāthapiṇḍika; đệ nhất thuyết pháp, là Citta xứ Macchikāsaṇḍa; đệ nhất nhiếp phục một hội chúng bằng bốn nhiếp sự, là Hatthaka xứ Āḷavī; đệ nhất bố thí các món ăn thượng vị, là Mahānāma người Sakya; đệ nhất bố thí các món đồ khả ý, là gia chủ Ugga xứ Vesālī; đệ nhất hộ trì Tăng-già, là gia chủ Uggata; đệ nhất tịnh tín bất động, là Sūra Ambaṭṭha; đệ nhất được mọi người kính mến, là Jīvaka Komārabhacca; đệ nhất đáng tin tưởng, là gia chủ Nakulapitā.

Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.26, dịch Anh P.H.

Th.228 Gia chủ Citta [Xem Nyanaponika Thera and Hellmuth Hecker, Great Disciples of the Buddha, Boston: Wisdom Publications, 1997, pp.365–372.]

Citta (Chất-đa), một trong hai đệ tử cư sĩ mà đức Phật khuyên các đệ tử khác noi theo, có một phần của Saṃyutta- nikāya dành riêng cho ông (IV.281–304). Ông được miêu tả thường xuyên có những cuộc thảo luận sâu sắc với các tỳ- kheo, trong đó ông tham vấn về những vấn đề sâu sắc, hoặc được các tỳ-kheo hỏi như vậy. Ông là một vị Bất hoàn (IV.301), mà khi sắp chết, chư thiên khuyến khích ông nên tái sanh làm vị chuyển luân vương trong đời sau, ông nói rằng mình đã vượt ra ngoài những thứ vô thường như vậy, và khuyên chư thiên hãy giữ vững niềm tin nơi Phật, Pháp và Tăng (IV.302–04). Trong đoạn tiếp theo, ông nói chuyện với Nigaṇṭha Nāṭaputta, cũng được biết là Mahāvīra, giáo chủ của Kỳ-na giáo, đồng thời với đức Phật.

Nigaṇṭha Nāṭaputta nói với ông, ‘Này gia chủ, có phải ông  tin tưởng sa-môn Gotama khi ông ấy nói rằng, ‘Có một định không tầm không tứ, có định diệt tầm tứ.”?’ (Citta:) ‘Ở đây, thưa tôn giả, tôi không đến với Thế Tôn do bởi tín… .’

Khi điều này được nói, Nigaṇṭha Nāṭaputta nhìn quanh hội chúng của mình và nói, ‘… Ai nghĩ tầm tứ có thể diện, chẳng khác nào nghĩ rằng có thể bắt được gió trong lưới, hay chận đứng dòng nước sông Hằng bằng nắm tay của mình.’

(Citta:) ‘Ngài nghĩ thế nào, thưa tôn giả, cái nào vi diệu hơn: trí hay tín?’ ‘Trí, này gia chủ, vi diệu hơn tín.’ ‘Vậy, thưa tôn giả, trong giới hạn mà tôi mong muốn, tôi ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, có tầm cơ tứ, với hỷ lạc do ly dục sanh. Rồi, trong giới hạn mà tôi mong ước, với sự tĩnh chỉ tầm tứ,… tôi chứng và trú thiền thứ haithiền thứ bathiền thứ tư. Vì tôi biết và thấy như vậy, thưa tôn giả, tôi cần gì phải có tín nơi người khác, sa-môn hay bà-la-môn, đối với điều được nói rằng có định không tầm tứ, diệt tầm tứ.

Nigaṇṭha Sutta: Saṃyutta-nikāya IV.298, dịch Anh P.H.

Th.229 Hatthaka xứ Āḷavī

Hatthaka (Thủ Trưởng giả), một trong hai đệ tử cư sĩ mà đức Phật khuyên các đệ tử khác noi theo, ‘không bao giờ cảm thấy đủ khi gặp Thế Tôn, nghe thiện Pháp và phục vụ Tăng’, là một vị Bất hoàn, khi tái sinh vào một cõi trời, ông dạy Pháp cho nhiều chư thiên (Aṅguttara-nikāya I 279).

Một thời, Thế Tôn trú ở Āḷavī, tại điện Aggāḷava. Rồi Hatthaka xứ Āḷavī, cùng với năm trăm cư sĩ, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói rằng, ‘Hội chúng của ông thật lớn, này Hatthaka. Làm sao ông nhiếp hộ được hội chúng này?’

‘Bạch Thế Tôn, con hành bốn nhiếp sự giúp chung sống hài hòa được Thế Tôn thuyết giảng. Khi con biết rằng, ‘Người này cần phải nhiếp hộ bằng bố thí’, con nhiếp hộ người ấy bằng bố thí. Khi con biết rằng, ‘Người này cần nhiếp hộ bằng ái ngữ’, con nhiếp hộ người ấy bằng ái ngữ. Khi con biết rằng, ‘Người này cần nhiếp hộ bằng lợi hành’, con nhiếp hộ người ấy bằng lợi hành. Khi con biết rằng, ‘Người này nhiếp hộ bằng đồng sự’, con nhiếp hộ người ấy bằng đồng sự. Trong nhà con, bạch Thế Tôn, có tiền của. Nếu nhà con bần cùng, mọi người sẽ không nghĩ nên nghe con.’ ‘Lành thay, lành thay, này Hatthaka, như vậy mà nhiếp hộ đại chúng đông đảo…’

… [Sau khi nghe Phật thuyết pháp, Hatthaka từ giã ra về, không lâu sau đó] Thế Tôn nói với các tỳ-kheo, ‘Này các tỳ- kheo, hãy ghi nhớ, Hatthaka xứ Āḷavī thành tựu được tám pháp vi diệu chưa từng có. Tám pháp ấy là gì? Ông ấy có tín, có giới, có tàm, có quý, đa văn, bố thí, trí tuệ, thiểu dục…’

Hatthaka Sutta: Aṅguttara-nikāya IV.218–220, dịch Anh P.H.

Th.230 Các đệ tử nữ cư sĩ ưu tú và những phẩm chất

Này các tỳ-kheo, một nữ cư sĩ có tín tâm, hy cầu chơn chánh, nên hy cầu như vầy: ‘Mong rằng ta sẽ thành như Khujjuttarā và Veḷukaṇṭakī (hay Uttarā) Nandamātā!’ Ðây là chuẩn mực, là khuôn mẫu, cho các đệ tử nữ cư sĩ của Ta, tức là

Khujjuttarā và Veḷukaṇṭakī Nandamātā.

Āyācana-vagga 12, Sutta 4: Aṅguttara-nikāya I.88, dịch Anh P.H.

Này các tỳ-kheo, trong các vị đệ tử nữ cư sĩ của ta, đệ nhất quy y đầu tiên là Sujātā, con gái của Senānī. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ của ta, đệ nhất bố thí, là Visākhā Migāramātā; đệ nhất đa văn, là Khujjuttarā; đệ nhất trú tâm từ, là Sāmāvatī; đệ nhất tu thiền, là Uttarā Nandamātā; đệ nhất bố thí các món ăn thượng vị, là Suppavāsā con gái của Koliyan; đệ nhất săn sóc người bệnh, là nữ cư sĩ Suppiyā; đệ nhất tịnh tín bất động, là Kātiyānī; đệ nhất thân thiết khả tín (thân thiết khả tín với chồng là Nakulapitā), là nữ gia chủ Nakulamātā; đệ nhất tịnh tín tùy thấy nghe, là nữ cư sĩ Kāḷī ở Kuraragharika. Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.26, dịch Anh P.H.

Th.231 Khujjuttarā và Veḷukaṇṭakī Nandamātā

Trong số hai nữ đệ tử được đức Phật ca ngợi này, vị đầu tiên được kể trong chú giải của Itivuttaka là người đã nghe, nhớ, và truyền lại các bài kinh trong 124 trang này, và Milindapañha (pp.78–79) nói cô có thể nhớ một số kiếp  trước của mình. Vị thứ hai là một người được Ngài Sāriputta ca ngợi vì là người nói chuyện với chư thiên, một trong số đó tán thán cô bởi việc tụng bài kinh Pārāyana, một phần dài 23 trang của Sutta-nipāta. Cô giữ bình tĩnh khi con trai mình bị bắt lầm, rồi bị hành quyết và khi người chồng đã chết của mình xuất hiện. Cô hoàn toàn chung thủy với chồng mình, ngay cả trong suy nghĩ. Những phẩm chất ‘kỳ diệu hy hữu’ khác của cô là:

Kể từ khi con phát nguyện thành ưu-bà-di, con nhớ chưa  từng cố ý vi phạm một học xứ nào… Nếu muốn, con có thể ly dục, ly bất thiện pháp, con chứng đạt và an trú sơnhịtamtứ thiềnVới năm hạ phần kết mà đức Thế Tôn đã thuyết, con thấy không có kết nào con chưa đoạn (do vậy, bà là vị Bất hoàn). Nandamātā Sutta: Aṅguttara-nikāya IV.66–67, dịch Anh P.H.


ĐẠI THỪA

Những đại đệ tử xuất gia

M.165 Ca-diếp ngộ chỉ niêm hoa vi tiếu, thành Sơ tổ Thiền tông

Đoạn dưới đây là một thiền thoại nói đến khởi nguyên của Thiền tông, kể tôn giả Ca-diếp (xem Th.155, 212 và 217) ngộ chỉ giáo pháp vô ngôn của Phật.

Đức Thế Tôn niêm hoa: Một lần, trên đỉnh Linh Thứu, đức Thế Tôn đưa lên một cành hoa trước đại chúng. Mọi người bấy giờ đều im lặng, chỉ có tôn giả Ca-diếp mỉm cười. Đức Thế Tôn bảo: “Ta có pháp môn vi diệu, là kho tàng con mắt Chánh Pháp (Chánh Pháp nhãn tạng), tâm vi diệu Niết-bàn (Niết-bàn diệu tâm), vô tướng của thật tướng (thật tướng vô tướng), không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, nay đem giao phó cho Đại Ca-diếp.”

The Gateless Gate / Chan Zong Wumen Guan, Taishō vol.48, text 2005, p.293c12–16, dịch Anh from Chinese by D.S.

M.166 Tôn giả A-nan

Trong đoạn này, đức Phật trao nhiệm vụ lưu truyền kinh Bát- nhã cho tôn giả A-nan — thị giả của Phật, người ghi nhớ hầu như toàn bộ giáo pháp của Phật — và nói rằng kinh này tồn tại ở đời thì cũng giống như đức Phật đang tồn tại.

Đức Thế Tôn bảo tôn giả A-nan: “… A-nan, đây là lời Ta phó chúc cho ông. Trong Bát-nhã-ba-la-mật này, nhất thiết chủng trí sẽ được viên mãn. Ông nghĩ thế nào, A-nan, Như Lai có phải là thầy của ông?” A-nan đáp: “Bạch đức Thế

Tôn, Như Lai là thầy của con, bạch đấng Thiện Thệ, Như Lai là thầy của con.”

Rồi đức Thế Tôn bảo tôn giả A-nan: “A-nan, đúng vậy, Như Lai là thầy của ông. Ông đã phụng sự Ta bằng thân, ngữ và ý từ hòa. Vì vậy, A-nan, như ông đã cung kính, tin tưởng, và cúng dường thân Ta trong hiện tại, ông hãy phụng sự Bát- nhã-ba-la-mật này cũng như thế sau khi Ta diệt độ. Lần thứ hai, lần thứ ba, Ta tin tưởng giao phó Bát-nhã-ba-la-mật này cho ông để không bị tuyệt dứt. Không ai thích hợp với việc này hơn ông. A-nan, chừng nào Bát-nhã-ba-la-mật này còn tồn tại ở đời, nên biết chừng đó Như Lai vẫn còn giảng pháp ở đời, chúng sinh vẫn còn có thể thấy Phật, nghe Pháp, và  gặp Tăng chúng. Người nào nghe được Bát-nhã-ba-la-mật này mà ghi nhớ, thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giảng giải, truyền bá, cung kính, tôn trọng, xưng tán, và dùng các thứ hoa, hương, tràng phan, bảo cái, y phục, đèn, đuốc, linh, bảo cúng dường; nên biết người đó vẫn nhìn thấy Phật, vẫn nghe được

Pháp, thường thân cận Phật.”

Sau khi đức Thế Tôn thuyết Bát-nhã-ba-la-mật, Di-lặc cùng với các vị Bồ-tát đại sĩ, tôn giả Tu-bồ-đề, tôn giả Xá-lợi-phất, tôn giả A-nan, Thiên đế Thích, cùng với trời, người, a-tu-la, ca-lầu-la (garuḍa), càn-thát-bà (gandharva) trong thế gian thảy đều hoan hỉ tín thọ.

Aṣṭasahāsrikā Prajñāpāramitā Sūtra, ch.28 dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.167 Huệ Năng, Tổ thứ sáu của Thiền Tông

Đoạn dưới đây kể chuyện Huệ Năng (638-713), một người  trẻ xuất thân tầng lớp thấp, đã thành Tổ thứ sáu của Thiền Tông, trong khi hầu hết mọi người trong hội chúng của Ngũ Tổ nghĩ rằng vị đệ tử thượng túc đương nhiên sẽ trở thành người nối pháp. Thực tế, sự liễu ngộ của vị đệ tử thượng túc ấy vẫn chưa đủ sâu khi ông cho rằng tâm cần phải được tịnh hóa. Huệ Năng biểu lộ một tuệ giác sâu hơn khi cho rằng từ bên trong Phật tánh, tâm vốn đã thanh tịnh, chỉ có điều những tư duy hạn hẹp đã che phủ tâm ấy. Sau khi ông trình bày điều này trong một bài kệ, Ngũ Tổ đã truyền tâm ấn cho ông trở thành người nối pháp, đồng thời khuyên ông nên rời khỏi chúng để tránh sự phương hại có thể có từ những kẻ hẹp hòi ủng hộ vị đệ tử thượng túc.

Đại sư (Huệ Năng) bảo đại chúng, ‘Thiện tri thức, tự tánh của bồ-đề xưa nay vốn thanh tịnh, chỉ cần sử dụng tâm này, liễu ngộ trực tiếp để thành Phật. Thiện tri thức, hãy để tôi kể duyên do hành trạng của Huệ Năng và ý nghĩa sự tình đắc pháp.

Cha tôi quê ở Phạm Dương, bị giáng làm thường dân lưu lạc ở Tân Châu, thuộc Lĩnh Nam. Huệ Năng bất hạnh, cha chết sớm để lại mẹ già góa bụa, dời đến Nam Hải, vì nghèo khó nên bán củi ở chợ. Một hôm, có người mua củi rồi nhờ mang đến quán trọ. Tôi vui mừng vì nhận được tiền. Lúc đi ra, thấy một vị khách đang tụng kinh, tôi vừa mới nghe qua lời kinh, tâm liền khai ngộ, bèn hỏi vị ấy tụng kinh gì. Khách trả lời là kinh Kim Cang.[1] Khi đó tôi hỏi thêm vị ấy từ đâu đến và vị ấy học kinh này từ đâu.

Khách đáp: ‘Tôi đến từ chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai, Kỳ Châu. Chùa ấy là nơi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đang trụ trì và giáo hóa, đệ tử có hơn ngàn người. Tôi đến đó lễ bái, nghe được kinh này. Đại sư vẫn thường khuyên hai giới tăng tục rằng chỉ cần trì kinh Kim Cang này thì sẽ tự kiến tánh mà thành Phật lập tức.’

[Anh dịch lược] Tôi quyết định đi đến Hoàng Mai để tham lễ Ngũ tổ. Tôi đã đảm bảo rằng mẹ già có đủ quần áo, thực phẩm và nơi để ở. Khi đó tôi từ biệt mẹ, trải qua ba mươi ngày thì đến được Hoàng Mai, lễ bái Ngũ tổ.

Tổ hỏi tôi rằng, ‘Ông là người phương nào? Muốn cầu cái gì?’ Tôi trả lời: ‘Đệ tử là người Tân Châu thuộc Lĩnh Nam, từ xa đến lễ thầy, chỉ cầu làm Phật, không cầu gì khác.’ Tổ nói, ‘Ông là người Lĩnh Nam, là người thô lỗ, làm sao có thể làm Phật?’ Tôi đáp, ‘Người tuy có phân chia Nam Bắc nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc, thân mán mọi này với thân Hòa Thượng tuy khác nhau nhưng Phật tánh thì có chỗ nào khác biệt?’

Ngũ tổ còn muốn nói thêm nữa nhưng thấy các đệ tử đang đứng vây quanh bèn bảo tôi theo mọi người làm việc. Tôi thưa, ‘Huệ Năng này kính khải bạch Hòa Thượng, tâm của đệ tử vốn vẫn thường sinh trí tuệ, không xa lìa tự tánh chính là phước điền. Không rõ Hòa Thượng dạy con làm việc gì?’

Tổ đáp, ‘Kẻ mán mọi này căn tánh thật là lanh lợi! Đừng nói nữa, đi giã gạo đi.’ Tôi lui đến hậu viện, có một hành giả dẫn tôi đến nhà giã gạo, nơi tôi đã trải qua hơn tám tháng làm việc.

Một hôm chợt Tổ bảo tôi rằng, ‘Ta nghĩ cái thấy của ông có thể hữu ích cho người khác, nhưng sợ người xấu hãm hại ông nên không nói với ông. Ông biết không.’ Tôi trả lời, ‘Đệ tử cũng hiểu được ý của thầy, cho nên không dám đến trước thiền đường, không để người khác chú ý.’

Một hôm, Tổ gọi tất cả môn nhân tập họp lại hết, “Ta nói cho các ông biết, người đời, sinh tử là việc lớn. Các ông suốt ngày chỉ biết cầu phước điền, không cầu thoát khỏi biển khổ sinh tử. Tự tánh nếu mê, phước điền nào cứu nổi? Các ông hãy lui về, tự xem xét trí tuệ, dùng cái tánh bát-nhã của bổn tâm, mỗi người hãy làm một bài kệ rồi đến trình cho ta. Nếu ai ngộ được nghĩa sâu xa của Pháp, ta sẽ truyền cho y pháp  để làm tổ đời thứ sáu. Hãy nhanh chân hỏa tốc, không được trì trệ, còn phải suy nghĩ đắn đo thì không dùng được. Người nào thấy tánh thì khi nghe ta vừa nói xong liền thấy. Nếu được như vậy, dù múa đao xông trận, cũng thấy được [tánh] vậy.’

Đại chúng được xử phân, bèn rút lui và nói với nhau, “Chúng ta không cần phải nhọc lòng suy nghĩ làm kệ trình Hòa

Thượng, bởi vì điều đó chẳng ích lợi gì! Thượng tọa Thần Tú, hiện nay là thầy giáo thọ của chúng ta, tất nhiên ông ấy được rồi. Chúng ta có cố làm kệ, cũng chỉ uổng phí hơi sức.” Những người khác nghe lời nói ấy đều yên tâm, nói, “Chúng ta sau này y chỉ thầy Thần Tú, cần gì phải làm kệ!”

Thần Tú lúc đó suy nghĩ, “Mọi người không trình kệ, đó là vì ta là giáo thọ sư của họ. Ta cần phải làm kệ để trình Hòa Thượng, nếu không trình, làm sao Hòa Thượng biết được kiến giải sâu hay cạn ở trong lòng ta. Nếu ta trình kệ, ý muốn cầu pháp thì điều đó là tốt, còn với ý cầu làm tổ tức là xấu, cũng giống với tâm của kẻ phàm phu, có khác gì cướp đoạt thánh vị! Mặt khác, nếu không trình kệ, ta sẽ không được pháp. Thật là khó, thật là khó!’

Trước phòng của Ngũ tổ có ba gian hành lang, Tổ dự định mời quan cung phụng là Lô Trân đến vẽ bức họa biến tướng Lăng-già[2] và Ngũ tổ huyết mạch đồ để làm lợi ích cho đời sau. Thần Tú làm kệ xong, mấy lần muốn trình, nhưng mỗi lần đi đến trước phòng thì trong lòng hốt hoảng, toàn thân đẫm mồ hôi, ý định trình kệ vẫn không thành. Trải qua bốn ngày, cả thảy mười ba lần mà vẫn chưa trình được. Thần Tú nghĩ thầm, “Chi bằng viết lên hành lang, Hòa Thượng sẽ nhìn thấy, nếu Ngài ấy bảo rằng đạt thì khi đó ta sẽ lễ bái và nhận là ta làm; còn nếu như Ngài ấy bảo rằng không đạt, thì thật đúng là uổng phí mấy năm trời ở trong núi thọ nhận sự lễ bái của người khác, còn tu đạo nỗi gì!”

Canh ba đêm đó, chẳng cho ai hay, Thần Tú tự mình cầm đèn đến viết kệ lên tường hành lang phía nam, trình chỗ thấy của mình. Kệ như sau:

Thân là cây bồ-đề, tâm như đài gương sáng, luôn siêng năng lau chùi, chớ để bụi trần bám.

Thần Tú viết kệ xong liền quay về phòng mình, chẳng ai hay biết. Thần Tú lại suy nghĩ, “Nếu ngày mai Ngũ Tổ nhìn thấy kệ mà hoan hỉ, thế có nghĩa là ta có thể thuyết pháp cho kẻ khác; còn như nói rằng không được, đó là do ta còn mê mờ, túc nghiệp nặng nề, không thích hợp để đắc pháp. Thánh ý thật khó đo lường.” Ở trong phòng, Thần Tú mải suy nghĩ, đứng ngồi không yên.

Khi trời sáng, Tổ đã biết Thần Tú chưa vào được cửa pháp, chưa thấy tự tánh. Vào lúc bình minh, Tổ gọi vị cung phụng Lô Trân, “Ta đã bảo ông vẽ những bức tranh ở hành lang phía nam bên ngoài giảng đường. Tuy nhiên bây giờ, ta nhìn thấy bài kệ viết ở đó. Nó nên lưu lại ở đó, cho nên không cần ông phải vẽ nữa. Ta xin lỗi đã phiền ông đi xa uổng công. Trong kinh Kim Cang dạy rằng, ‘Phàm những gì có tướng, đều là hư vọng.’ Thôi, cứ giữ lại bài kệ để mọi người đọc tụng. Nương theo bài kệ này mà tu hành, có thể tránh xa khỏi ác đạo, được lợi ích lớn.” Nói rồi bèn sai các đệ tử đốt hương kính lễ, bảo mọi người siêng năng tụng bài kệ này sẽ được kiến tánh. Các đệ tử tụng bài kệ ấy, đều khen là tuyệt vời.

Vào canh ba, Tổ gọi Thần Tú vào phòng hỏi, “Kệ đó là do ông làm đúng không?” Thần Tú đáp, “Đúng là con làm, nhưng con không dám quấy quá mong cầu y áo truyền thừa địa vị tổ sư, chỉ xin Hòa Thượng từ bi, xem đệ tử có chút ít  trí tuệ nào không?”

Tổ dạy, “Ông làm kệ đó, chưa thấy được bổn tánh, chỉ mới đến ngoài cửa, chưa vào bên trong cửa. Theo như kiến giải này, cầu vô thượng bồ-đề thì không thể được. Muốn cầu vô thượng bồ-đề, phải ngay nơi lời nói mà nhận thức được bổn tâm của mình, thấy được bổn tánh vốn không sinh không diệt; bất cứ lúc nào, trong từng sát-na, phải tự mình thấy vạn pháp không chướng ngại. Một khi thấy được cái Chân Như thì tất cả đều là Chân Như, vạn vật vốn là như vậy. Cái tâm như như chính là cái chân thật. Nếu thấy được như thế, chính là thấy tự tánh của vô thượng bồ-đề. Ông nên lui ra, suy nghĩ một hai ngày rồi làm một bài kệ khác đem trình ta xem. Nếu kệ của ông cho thấy là đã vào được cửa, ta sẽ trao y pháp cho.’ Thần Tú đảnh lễ rồi lui ra. Trải qua mấy ngày, Thần Tú vẫn không làm được kệ mới, trong lòng hốt hoảng, tâm trí bất an, đi hay ngồi đều không an lạc.

Sau đó hai ngày, có một đồng tử đi qua phòng giã gạo, đọc to bài kệ đó. Vừa nghe qua, tôi liền biết bài kệ này chưa thấy được bổn tánh. Tuy chưa được chỉ dạy, nhưng tôi đã sớm biết được đại ý, bèn hỏi đồng tử rằng, “Đang tụng kệ gì vậy?” Vị ấy đáp, “Cái ông mán mọi này không biết sao? Đại Sư dạy rằng, người đời, sinh tử là việc lớn, nay Ngài ấy muốn truyền y pháp nên bảo các đệ tử làm kệ cho Ngài xem, nếu ai ngộ được đại ý thì truyền cho y pháp để làm Tổ thứ sáu. Thượng tọa Thần Tú đã viết kệ viết lên tường hành lang phía nam, Đại Sư bảo mọi người đều tụng, còn nói rằng nương theo bài kệ này mà tu hành, có thể tránh xa khỏi ác đạo, được lợi ích lớn.”

Tôi nói, “Tôi cũng thích tụng bài kệ này, mong rằng tôi đủ túc duyên để tái sanh cảnh tốt. Tôi đã giã gạo ở đây tám tháng và chưa từng đến giảng đường. Xin thượng nhân vui lòng dẫn tôi đến bài kệ này để cho tôi kính lễ được không?” Đồng tử dẫn tôi đến nơi bài kệ được viết. Tôi nói rằng,“Tôi không biết chữ, thượng nhân vui lòng đọc lên giúp tôi được không?” Lúc ấy, vừa hay quan biệt giá Giang Châu Trương Nhật Dụng đang ở đó, ông ấy liền đọc to bài kệ. Tôi nghe rồi liền nói, “Tôi cũng có một bài kệ, xin Ngài biệt giá viết giúp tôi.” Quan biệt giá trả lời, “Ông cũng làm kệ sao? Việc này thật là hi hữu!”

Tôi nói với quan biệt giá rằng, “Muốn học vô thượng bồ-đề, chớ coi thường kẻ mới học. Biết đâu người hạ hạ nhưng có trí thượng thượng, người thượng thượng lại có lúc không có trí tuệ. Nếu coi thường người khác thì sẽ có vô lượng vô biên tội.”

Quan biệt giá nói, “Vậy ông đọc kệ đi, tôi sẽ viết giúp cho. Nếu ông đắc pháp, trước tiên hãy độ cho tôi, đừng quên lời đó.” Tôi đọc kệ rằng:

Bồ-đề vốn không cây, gương sáng cũng không đài, xưa nay chẳng một vật, lấy đâu bám bụi trần!

Khi vị ấy viết bài kệ này xong, các đệ tử đều kinh ngạc, không ai không khen ngợi và nói với nhau rằng, “Thật là kỳ lạ, đúng là không thể lấy diện mạo mà đoán người. Đến đây chưa lâu mà ông ấy đã trở thành một vị Bồ-tát sống rồi!”

Tổ thấy mọi người kinh ngạc quái lạ, sợ họ làm hại tôi, bèn lấy giấy chùi bài kệ đi, rồi nói, “Người này cũng chưa thấy tánh.” Mọi người nghĩ là đúng như vậy.

Hôm sau, Tổ âm thầm đi đến phòng giã gạo, thấy tôi đang đeo đá giã gạo, bèn nói, “Người cầu đạo, vì pháp quên mình, ông có phải là người như vậy chăng?” Lại hỏi, “Gạo trắng chưa?” Tôi đáp, “Gạo trắng đã lâu, chỉ cần giần sàng thôi!” Tổ lấy gậy gõ vào chày giã gạo ba cái rồi đi. Tôi liền hiểu được ý của Tổ, canh ba vào phòng của Ngài.

Tổ lấy áo ca-sa che xung quanh để người khác không thấy rồi giảng kinh Kim Cang cho tôi. Vừa nghe đến câu kinh “Nên không sở trụ mà sanh tâm ấy”, tôi liền đại ngộ, thấy được tất cả vạn pháp không rời xa tự tánh.

Tôi liền thưa sở chứng của mình với Tổ rằng, “Tự tánh của một người vốn là thanh tịnh, tự tánh của một người vốn không sinh diệt, tự tánh của một người vốn là đầy đủ, tự tánh của một người vốn không lay động, tự tánh của một người có thể sinh ra vạn pháp!”

Tổ biết là đã ngộ tự tánh nên bảo Huệ Năng rằng, “Không biết bổn tâm thì học pháp vô ích. Nếu biết được bổn tâm mình, thấy được bổn tánh mình thì được gọi là bậc trượng phu, thầy của trời người, Phật.”

Tôi nhận được pháp vào lúc nửa đêm, mọi người không ai hay biết.

Ngũ Tổ truyền pháp đốn giáo và y bát xong liền bảo, “Nay ông là Tổ đời thứ sáu, phải biết khéo giữ gìn bản thân, độ khắp các loài hữu tình, lưu truyền rộng rãi cho đời sau, chớ để đoạn tuyệt. Hãy nghe ta nói kệ đây:

Hữu tình đến gieo giống, nhờ đất, quả sinh ra. Vô tình, cũng không giống, không tánh, cũng không sinh.’

Tổ lại dạy, “Xưa kia Tổ sư Đạt-ma[3] mới đến xứ này, người đời chưa tin tưởng, cho nên truyền lại y này để làm tín vật, từ đó truyền từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, Chánh pháp thì phải lấy tâm truyền tâm, khiến cho tất cả đều được tự mình giải ngộ. Từ xưa, Phật và Phật chỉ truyền cho nhau bổn thể, Sư và Sư cũng bí mật trao nhau bổn tâm. Y là đầu mối của tranh chấp, vì thế hãy dừng ở ông, đừng có truyền tiếp nữa. Nếu truyền y này nữa, tính mạng sẽ gặp nguy hiểm. Ông nên đi mau, sợ rằng có người muốn hại ông.”

Huệ Năng hỏi, “Con nên đi đâu?”

Tổ đáp, “Gặp ‘Hoài’ thì dừng, gặp ‘Hội’ thì ẩn.”

Tôi nửa đêm nhận được y bát, thưa, “Con vốn là người phương Nam, chẳng biết đường sá chốn này, làm sao đến được cửa sông?” Ngũ tổ bảo, “Ông chớ lo lắng, ta sẽ tiễn ông.” Tổ đưa thẳng đến bến Cửu giang. Lên thuyền, Tổ cầm mái chèo tự chèo. Tôi thưa, “Mời Hòa Thượng ngồi để đệ tử chèo.” Tổ bảo, “Ta độ (đưa đò) ông mới phải.”

Tôi thưa, “Khi mê thì thầy độ, ngộ rồi thì tự độ; chữ “độ” tuy là một, nhưng cách dùng khác nhau.[4] Con sinh ra ở nơi hẻo lánh, giọng nói không chuẩn xác. Nhờ thầy truyền pháp cho, giờ đây đã được giác ngộ, chỉ xin tự độ đúng theo tự tánh.” Tổ bảo, “Đúng vậy, đúng vậy. Sau này Phật pháp nhờ ông mà lưu hành rộng rãi. Ông đi ba năm, ta mới từ giã cõi đời. Bây giờ ông cứ đi cho nhanh, cố gắng theo hướng Nam, không nên nói Pháp vội, Phật pháp khó mà an lập.”

Tôi từ biệt Tổ rồi đi về phương Nam.

The Platform Sūtra / Liuzi-tan jing, Taishō vol.48, text 2008, pp.347c28–349b14, dịch Anh from Chinese by D.S.

Những đại đệ tử tại gia

M.168 Bồ-tát tại gia Duy-ma-cật

Đoạn kinh dưới đây nói về một vị Bồ-tát cư sĩ nổi tiếng (như ví dụ ở trong *M.10, 113, 127, 136, 141), người được miêu tả là có trí tuệ hơn cả những vị đại tỳ-kheo. Ông sống một cuộc đời không chấp trước để giáo hóa tất cả (kể cả khuyến khích người khác xuất gia). Tương đương với vị nam đại cư sĩ này là vị nữ đại cư sĩ điển hình phu nhân Thắng Man, như trong đoạn *M.33.

Lúc bấy giờ, trong thành Tì-xá-li (Vaiśālī) có một vị trưởng giả thuộc gia tộc Li-xa (Licchavi) tên Duy-ma-cật

(Vimalakīrti). Người đó đã gieo trồng thiện căn, cúng dường, phụng sự vô số đức Phật trong quá khứ, chứng đắc pháp nhẫn, thành tựu đại trí tuệ, du hí bằng đại thần thông, thành thạo các đà-la-ni,[5] đạt được vô úy, hàng phục ma oán, vào được cửa Pháp thâm sâu, biểu lộ trí tuệ ba-la-mật, khéo léo trong phương tiện, thành tựu biện tài, biết rõ tâm tính và hành vi của chúng sinh, thấy rõ các loại căn tánh lợi độn của chúng sinh và tùy theo đó mà dạy Pháp thích hợp, kiên định và nỗ lực trong mọi hành vi, thâm nhập và thành thục Đại thừa, trụ trong oai nghi như chư Phật, đi vào trí tuệ sâu như đại dương, được chư Phật khen ngợi, được hết thảy Thiên đế Thích, Phạm thiên và các vị Hộ thế cung kính. Vì muốn khiến cho chúng sinh được thành thục nên ông ấy, dùng phương tiện thiện xảo, sống trong thành Tì-xá-li.

Bằng vào sự giàu có vô tận, ông che chở những kẻ nghèo khó không ai giúp đỡ. Bằng vào sự giữ giới thanh tịnh, ông che chở những kẻ không giới hạnh. Bằng vào nhẫn và tự điều phục, ông che chở những kẻ mang lòng tà ác, tàn độc, tổn hại và giận dữ. Bằng vào sự nỗ lực siêng năng, ông che chở những kẻ biếng nhác. Bằng sự an trụ trong thiền, niệm, định, ông che chở những kẻ có tâm tán loạn. Bằng vào trí tuệ quyết đoán, ông che chở những kẻ có tri kiến sai lầm.

Tuy là một người mang áo trắng[6] nhưng ông có đầy đủ oai nghi thanh tịnh của bậc sa-môn. Tuy là một người tại gia nhưng ông không đắm trước dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Tuy thị hiện có vợ con nhưng ông thường thực hành phạm hạnh. Tuy có nhiều kẻ tùy tùng vây quanh nhưng ông thường giữ lối sống ẩn dật. Tuy thị hiện mang các thứ trang sức nhưng ông luôn hiện tướng của Phật. Tuy thị hiện có ăn uống nuôi sinh mạng nhưng ông lấy thiền làm thức ăn. Tuy xuất hiện ở những chốn cờ bạc nhưng ông không mê say mà chỉ vì khai ngộ những kẻ mê say cờ bạc vui chơi. Tuy tiếp nhận hết thảy các học thuyết ngoại đạo nhưng ông giữ tâm kiên định với đức Phật. Tuy thông hiểu hết thảy kinh sách thế gian và xuất thế gian nhưng ông luôn lấy Pháp làm niềm vui. Tuy xuất hiện trong mọi hội chúng nhưng ở đâu ông cũng nhận được sự kính trọng bậc nhất.

Tùy thuận thế gian, ông làm bạn với những người già, trẻ, trung niên nhưng vẫn nói năng như Pháp. Tuy tham gia tất cả các việc kinh doanh nhưng ông không tham cầu lợi tức hay sự giàu có. Vì để giáo hóa tất cả chúng sinh nên ông xuất hiện khắp mọi góc phố nẻo đường. Vì để bảo hộ chúng sinh nên ông tham gia các việc triều chính. Vì để khuyến hóa mọi người thoát khỏi sự chấp chặt Tiểu thừa[7] đến với Đại thừa nên ông đi vào mọi chỗ dạy và nghe pháp. Vì để thành thục các trẻ nhỏ nên ông tiếp cận các học đường. Vì để hiển bày tai hại của ái dục nên ông vào tất cả mọi kỹ viện. Vì để thiết lập chánh niệm, chánh trí cho mọi người nên ông đi vào tất  cả các tửu phường. Ở giữa những vị trưởng thượng, vì nói pháp tối thượng nên ông được tôn kính như một vị trưởng thượng. Ở giữa những vị gia chủ, vì đoạn trừ hết mọi chấp thủ nên ông được tôn kính như một vị gia chủ. Ở giữa những vị sát-đế-lợi, vì kiến lập nhẫn nhục, ôn hòa và sức mạnh nên ông được tôn kính như một vị sát-đế-lợi.

Trưởng giả Duy-ma-cật của gia tộc Li-xa, người có đầy đủ vô lượng phương tiện thiện xảo, trí tuệ, đã sống như vậy trong đại thành Tì-xá-li.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.2, sections 1–6, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

***

[1] Kinh Kim Cang (Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra): xem M.4, 9, 20, 44, 48, 103.

[2] Một bản kinh nhấn mạnh về Phật tánh và cách thức mà qua đó thế giới kinh nghiệm được định hình bởi tâm, xem *M.142.

[3] Vị Tổ sư đã mang Thiền tông đến Trung Hoa.

[4] Đi qua ‘phía bên kia’ hoặc ‘bờ bên kia’ là một biểu tượng kinh điển của Phật giáo về việc đạt được giác ngộ.

[5] Thường được dịch là ‘mật ngôn’, tương tự như thần chú (mantra).

[6] Nghĩa là người tại gia.

[7] Tiểu thừa (Hīnayāna): người hướng tới mục đích tự giác (cứu độ cho bản thân).