Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

IX. CHÍ TÂM TINH TẤN ĐỆ NGŨ

KINH VĂN:

Pháp Tạng bạch ngôn: – Tư nghĩa hoằng thâm, phi ngã cảnh giới. Duy nguyện Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, quảng diễn chư Phật vô lượng diệu sát. Nhược ngã đắc văn như thị đẳng pháp, tư duy tu tập, thệ mãn sở nguyện.

VIỆT DỊCH:

Pháp Tạng bạch rằng: – Nghĩa ấy sâu thẳm, chẳng phải là cảnh giới của con, kính xin đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri diễn rộng vô lượng cõi nước mầu nhiệm của chư Phật. Nếu con được nghe những pháp như vậy, tư duy, tu tập, thề sẽ viên mãn sở nguyện.

GIẢNG:

Phía trước, chúng ta thấy Bồ Tát Pháp Tạng thỉnh pháp Thế Gian Tự Tại Vương Phật. Phật nêu ra thí dụ rất hay nhằm khích lệ ngài: Phàm là người chân thật chí tâm cầu đạo, tinh tấn không ngừng, quyết sẽ có thành tựu. Cũng chính là, nhà Phật thường nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”.

Bồ Tát Pháp Tạng phát ra lời nguyện quá hi hữu, chân thật đáng để chúng ta tán thán tự đáy lòng. Ngài không những chỉ mong cầu làm Phật, mà thành tựu của ngài phải siêu việt tất cả chư Phật. Đại nguyện của ngài không phải trí tuệ Bồ Tát thông thường có thể hiểu ra được. Trong thuật ngữ Phật pháp nói: “Năm thừa đều vào Báo Độ”, sự việc này tất cả chư Phật Như Lai không phải không làm được mà là chưa từng nghĩ qua, chỉ có A Di Đà Phật sáng kiến nghĩ đến. Cho nên, thành tựu của ngài ở thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng siêu việt mười phương cõi Phật.

“Pháp Tạng bạch ngôn: – Tư nghĩa hoằng thâm” (Pháp Tạng bạch rằng: – Nghĩa ấy sâu thẳm): “Tư” là này; “hoằnglà lớn. “Tư nghĩa” chính là phía trước đã nói: “Nhữ tự tư duy”, “nhữ tự đương tri”, “nhữ ưng tự nhiếp”. Ba chữ “tự” này ý nghĩa quá sâu rộng. Ngài muốn siêu thắng cõi nước chư Phật đều ở ngay ba chữ “tự” này.

Người xưa thường nói: “Pháp Tạng là từ quả hướng đến nhân”. Câu nói này hiện tại chúng ta gọi là “thị hiện”, là “thừa nguyện tái sinh”, cũng chính là nói: Pháp Tạng từ kiếp lâu xa đã thành Phật rồi. Cách nói này chúng ta tán đồng. Thích Ca Mâu Ni Phật, ba ngàn năm trước xuất hiện ở Ấn Độ cũng là thị hiện, không phải là chân thật phàm phu tu hành thành Phật. Trên Kinh Phạm Võng, đức Thế Tôn đã nói: Lần này ngài đến biễu diễn ở cõi Ta Bà là lần thứ tám ngàn. A Di Đà Phật cũng thế, ngài thị hiện ở thế giới Cực Lạc đây là lần thứ mấy, Phật không hề nói, nhưng trong tưởng tượng của chúng ta, đại khái cũng không ít lần.

Phi ngã cảnh giới (Chẳng phải là cảnh giới của con): “Cảnh giới” ở đây có thể hiểu một cách thông thường là “trình độ hiểu biết”. “Phi ngã cảnh giới”, ý nói: nghĩa ấy quá sâu vượt tầm hiểu biết của con. “Cảnh” là những gì tâm đi qua, tâm cảm thọ, tâm nghĩ tưởng đến thì gọi là “cảnh”. Như “Sắc” là nơi Nhãn-thức đi qua nên gọi là “sắc cảnh”, cũng chính là đối tượng phan duyên của mắt chúng ta. “Sắc cảnh” là cảnh giới của “Sắc”; cho đến “Pháp” là nơi ý thức đi qua nên gọi là “Pháp cảnh”. Ý thức là tư tưởng, cảnh giới của tư tưởng gọi là “Pháp cảnh”.

“Nhãn-nhĩ-tỷ-thiệt-thân-ý” là lục căn, duyên với bên ngoài là “sắc-thinh-hương-vị-xúc-pháp”. Mỗi “Căn” đối với mỗi  “Cảnh”;

“Căn” và “Cảnh” giao kết, “thức” liền sinh. “Thức” là phân biệt, chấp trước. Nói cách khác, “Căn” và “Cảnh” không tạo nghiệp mà “thức” tạo nghiệp. Trong “căn” và “cảnh” không có nhiễm tịnh, không có thiện ác, chỉ trong “thức” mới có thiện ác, nhiễm tịnh. Hiện nay chúng ta thường gọi là “tri thức”; đây không phải là danh từ hay.

Mục đích học Phật là chuyển “thức” thành “trí”, làm thế nào chuyển được sáu thức thành trí tuệ thì bạn thành công. Nói cách khác, phàm phu là chuyển “Trí” thành “Thức”, đó là tri thức là mê hoặc! Phật, Bồ Tát là chuyển “Thức” thành “Trí”, đây là giác ngộ.

Mặt khác, nếu xét về “lý” của thật tướng, điều gì được diệu trí cảm thọ đều gọi là “Cảnh”, cũng thuộc về “Pháp Cảnh”.

– Nhưng lý của Thật tướng ở đâu?

– Nó ở ngay trước mắt nhưng không ai biết! Nếu biết, đây gọi là diệu trí. Diệu trí là trí tuệ chân thật. Trên Kinh Hoa Nghiêm, đức Thế Tôn dạy: “Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ của Như Lai”. Diệu trí tức là trí tuệ của Như lai, là trí-tuệ Bát Nhã vốn có trong tự tánh, nó có thể duyên Thật Tướng, tức là nói nó không mê.

– Thật Tướng là gì?

– Là Thật Tướng vô tướng!

“Thật tướng vô tướng” là tự thể của bản tánh. Chúng ta đã học “Hoàn Nguyên Quán”, dùng danh từ của “Hoàn Nguyên Quán” để nói, mọi người sẽ rất dễ hiểu: Thật Tướng là “Tự tánh thanh tịnh viên minh thể”, nó là bản thể của tất cả pháp, chúng ta có thể nhìn thấy.

– Thấy từ đâu?

–  Từ “Tướng” nhìn thấy “Tánh”! Tánh Tướng nhất như; Tánh Tướng không hai!

Các bậc Cổ đức dùng vàng và đồ trang sức để làm thí dụ: Vàng ví như tự tánh, đồ trang sức ví như hiện tướng, tướng phần. – Vàng và đồ trang sức có thể tách rời chăng? – Không thể! Chúng ta dùng vàng làm thành xâu chuỗi hạt, vòng đeo tay, làm nhẫn. Đồ vật không giống nhau, đương nhiên tướng cũng khác nhau, nhưng thể chất vàng thì vẫn như nhau. Tôi hỏi: Vàng ở đâu? Nếu bạn chấp tướng sẽ không tìm thấy vàng! Nếu bạn không mê sẽ nhận ra toàn bộ đều là vàng. Tùy tiện cầm lên một vật, đó là vàng. Ý này chính là nói: Trong hiện tướng thấy được tánh. Tánh Tướng không hai; Tánh Tướng nhất như. Đây là diệu trí, là Trí tuệ Bát Nhã vốn đủ trong tự tánh.

– Chúng ta có trí tuệ này chăng?

– Không có! Tuy biết như vậy nhưng chúng ta không có!

– Vì sao?

– Nếu có thì bạn chính là Pháp Thân Bồ Tát, đối với hết thảy mọi hiện tượng bạn sẽ không còn chấp trước. Chẳng những không chấp trước mà đến khởi tâm động niệm cũng không có. Vì sao? Vì biết vạn pháp đều là không, không có tự thể.

Tự thể chính là: “Thanh tịnh viên minh thể”. Không những thế, bạn còn biết “Thật tướng vô bất tướng”; “Vô bất tướng” nghĩa là tuy nó hiện tướng, nhưng tướng đó là hư vọng, không có tướng nào chân thật. Quan điểm trong Phật giáo: Phàm những gì vĩnh hằng, bất biến mới gọi là chân; những gì có biến hóa thì gọi là giả. Chỉ có tự tánh là vĩnh hằng bất biến, ngay đến cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai tuy bất biến nhưng vẫn có sinh diệt.

Chúng ta biết: Bồ Tát trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm vẫn còn tập khí vô thỉ vô minh; đến khi nào đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh này, cảnh giới Bồ Tát mới nâng đến quả vị Diệu Giác; Diệu Giác là cứu cánh quả Phật. Đến lúc này, cõi Thật Báo Trang Nghiêm sẽ biến mất, trở về Thường Tịch Quang. Cho nên, chỉ có Thường Tịch Quang là thật, vĩnh hằng bất biến, không sinh không diệt.

Cảnh giới của Pháp Thân Bồ Tát cũng gọi là “Pháp Cảnh”. Trong “Pháp cảnh” có thô, có tế: phàm phu trải qua là cảnh giới thô; Pháp Thân Bồ Tát trải qua là cảnh giới tế. Đây là nói về chữ “Cảnh”.

– “Giới” là như thế nào?

– “Giới” là giới vực, khu vực giới hạn. “Cảnh giới” là cảnh giới vực, khu vực phạm vi mà ta thấy được.

Vô Lượng Thọ Kinh Tiên Chú là chú giải của cư sĩ Đinh Phước Bảo, ông chú rất hay, ông nói: “Cảnh giới ngang bằng với sức thế lực của mình ảnh hưởng đến, là quả báo giới vực ta đạt được, đây gọi là cảnh giới”. Quả báo và cảnh giới của A-la-hán chứng được khác với Bồ Tát; Cảnh giới của “Quyền Giáo Bồ Tát” chứng được khác với Pháp Thân Đại Sĩ. Ta cũng có thể lãnh hội được: Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ trong cõi Thật Báo, cảnh giới họ chứng được giống nhau, là bình đẳng nhưng sự thanh tịnh, ô trược của mỗi người không tương đồng.

Chúng ta sống ở đất Hồng Kông, sáng sớm thức dậy thường thấy sương mù. Khi sương mù rất nhẹ, ta nhìn thấy cảnh giới bên ngoài có một lớp sương mù. Khi sương mù dày đặc, ta nhìn không rõ lắm. Khi trời nắng không có sương mù, cảnh giới trước mắt hiện ra vô cùng trong sáng. Cảnh giới của bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ cũng giống như khi ta mở cửa sổ nhìn thấy phong cảnh bên ngoài: cảnh đều như nhau, nhưng tập khí của Thập Trụ Bồ Tát đậm hơn nghĩa là sương mù của họ nhiều hơn một chút. Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, sương mù của họ nhẹ nên thấy rõ hơn. Đến Thập Địa Bồ Tát là trời sáng nắng.

Tôi dùng thí dụ trên để mọi người dễ hiểu. Cảnh giới của họ nhìn thấy rất thiết thực đều như nhau, không phải hư vọng, đều là Thật Tướng của các pháp. Nhưng, mức độ nhìn thấy của mỗi vị có rõ ràng, đậm nhạt khác nhau; sự khác biệt này không trở ngại họ tự hành hóa tha. Đây là chúng ta đối với cõi Thật Báo Trang Nghiêm có sự hiểu biết như vậy.

Duy nguyện Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri”: Đây là ba hiệu trong mười hiệu của Phật từ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đến Phật, ở đây đã tĩnh lược bớt.

Quảng diễn chư Phật, vô lượng diệu sát”: “diễn” là diễn thuyết. Ngài không dùng “quảng tuyên” hay “quảng thuyết” mà dùng “quảng diễn”. Ý nghĩa của “diễn” so với “thuyết” phong phú hơn nhiều. “Diễn”, ý nói ngoài giáo hóa ra còn biểu diễn cho ngài xem, không phải nói suông, đây cũng chính là chỗ Pháp Tạng muốn tu học. Ngài muốn biết tất cả chư Phật tu nhân chứng quả cách nào? Chúng sinh trong tất cả sát độ của chư Phật, tướng chân thật của nhân duyên quả báo ra sao? Từ đó ngài có thể tuyển chọn những tinh hoa, tốt đẹp thù thắng nhất của chư Phật sát độ, để viên mãn thành tựu thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Đại ý của đoạn kinh trên là Bồ Tát Pháp Tạng thưa: Nghĩa này quá thâm sâu vượt ngoài cảnh giới của con (cũng có thể miễn cưỡng hiểu là: vượt qua trình độ hiểu biết của con). Vì vậy, lại một lần nữa Bồ Tát Pháp Tạng thỉnh Phật rộng nói vô lượng cõi Phật, làm y cứ kiến tạo thế giới Tây Phương Cực Lạc. Sau khi nghe xong, ngài nhất định có thể tu tập như pháp, viên mãn sở nguyện.

Sư Tuấn Đế, người Nhật, trong chú giải Kinh Vô Lượng Thọ của ông có nói:

Câu ‘Tư nghĩa hoằng thâm, phi ngã cảnh giới’ (nghĩa ấy sâu thẳm, chẳng phải là cảnh giới của con) cũng có ba nghĩa:

1. Con đã biết cách thức thông thường của việc Bồ Tát trang nghiêm Tịnh Độ rồi, nay muốn đạt được Tịnh Độ tối thắng trong các cõi Phật thì nghĩa ấy quá sâu thẳm, chẳng phải là cảnh giới của con.

2. Quả thật tuy là tùy theo sự ưa thích của mỗi người mà tự chọn lấy Tịnh Độ, nhưng nay con muốn cả năm thừa (tức Phật thừa, Bồ Tát thừa, Thanh Văn thừa, Thiên thừa và Nhân thừa) cùng được vào báo độ thì nghĩa ấy quá sâu thẳm, chẳng phải là cảnh giới của con (Báo Độ mà ngài nói ở đây là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, là chỗ Pháp Thân Đại Sĩ ở. Nay vì muốn khiến cho Ngũ thừa có thể vào Báo Độ tức là muốn cho hành nhân phàm phu được giống y như Đại thừa và Đại Bồ Tát của “Nhất Phật thừa” cùng chứng cõi Thật Báo Tịnh Độ thì đúng là điều quá khó, chẳng phải phàm phu có thể thấu hiểu nổi).

3. Tuy Pháp Báo cao diệu Bồ Tát chẳng có phần (Bồ Tát ở đây là “Quyền Giáo Bồ Tát” chưa chứng được Pháp Thân) nhưng con có thể trong vô lượng kiếp quyết sẽ đạt được (trải qua vô lượng kiếp ắt sẽ chứng ngộ Pháp Thân và Báo Thân, nhưng lúc này chưa có phần nên bảo là “chẳng phải cảnh giới của con”). Nghĩa ấy hoằng thâm (rộng lớn là Hoằng, u viễn là Thâm) chẳng phải là cảnh giới của con.

Tuy có ba nghĩa khác nhau, nhưng bỏ đi phần mình để chuyên hướng về Phật lực. Đây chính là Pháp Tạng Bồ Tát tự mở ra tha lực môn vậy”.

Thuyết “mở ra tha lực môn” của ngài Tuấn Đế thật đã chỉ rõ sự thật mầu nhiệm siêu tình ly kiến chẳng thể nghĩ bàn, phương tiện rốt ráo Quả giác nhân tâm của Tịnh Tông, cũng chính là tất cả chúng sinh trong vô lượng kiếp đến nay tu hành đều nương vào tự lực. Bây giờ bỏ đi sức mình, thỉnh Phật khai thị chính là nương vào Phật lực.

“Siêu tình ly kiến”: chữ “tình” ở đây là tình chấp; “kiến” là kiến giải. Tình chấp và kiến giải của phàm phu không phải là tri kiến chính xác mà là gốc của phiền não, phải nhổ gốc này mới tin vào Tịnh Độ, mới thật sự có thể vãng sinh.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: “Sở dĩ Tịnh Tông có thể thích ứng khắp ba căn, một đời thành Phật; phàm phu, Nhị thừa cùng chứng Bất Thoái đều nhờ vào Nhất thừa nguyện hải của Phật Di Đà, oai lực của sáu chữ hồng danh, đó chính là “cậy vào tha lực”. Sở dĩ Tịnh Tông là phương tiện rốt ráo là vì đã lấy Vô Thượng Quả Giác của Phật Di Đà làm sơ tâm cho chúng sinh tu nhân. Nhân đã tột cùng biển quả, quả lại thấu triệt nguồn nhân, nhân quả đồng thời, cảm ứng khó nghĩ bàn. Đấy chính là diệu dụng của Tha Lực môn.

Hơn nữa, ngoại thánh thì dễ tin, cái linh tri trong tâm mình thì khó rõ. Do vậy, phàm phu đầy dẫy phiền não chỉ có thể tin rằng: “Hữu thế giới danh viết Cực-Lạc, kỳ độ hữu Phật hiệu A Di Đà” (Có một thế giới tên là Cực Lạc, cõi ấy có Phật hiệu A Di Đà). Tin sâu xa vào hai chữ “hữu”(có) ấy mà khẩn thiết nguyện được vãng sinh, một dạ trì danh thì được như nguyện, mau đạt “Bất Thoái”, đấy là điều phàm phu có thể thực hiện được. Nếu chỉ nói thấu hiểu tự tâm đến cùng tột, ắt chỉ có bậc thượng trí mới có thể kham nổi!

Trong lúc tu nhân, Pháp Tạng Bồ Tát bi nguyện sâu thẳm, khai hiển pháp môn tha lực này, nên Phật Di Đà được cõi đời xưng tụng là Đại Nguyện Vương.

Ngoài ra, Mật tông cũng là Tha Lực Môn cũng thuộc về Quả Giáo, cũng là từ quả khởi tu.

Tha Lực Môn thù thắng khó thể suy nghĩ nổi này, chính là điểm cùng tột của Di Đà bi nguyện, cũng chính là chỗ phương tiện rốt ráo của cả hai tông Tịnh và Mật. Do Tự, Tha vốn bất nhị, chỉ chịu cậy vào tha lực thì mới có thể sinh nổi lòng tin trong sạch nơi pháp khó tin này. Khó tin mà tin nổi, toàn là do trí tuệ vô thượng của đương nhân; đấy lại chính là tự lực. Chỉ cần tin nhận, thật thà Niệm Phật thì tự nhiên Năng, Sở đều mất, tự tâm hiện rõ, từ “sự trì” đạt đến “lý trì” tâm phàm biến thành tâm Phật. Sự nhiệm mầu của Tịnh Tông hoàn toàn là ở điểm này”.

Nhược ngã đắc văn như thị đẳng pháp, tư duy tu tập, thệ mãn sở nguyện(Nếu con được nghe những pháp như vậy, tư duy, tu tập, thề sẽ viên mãn sở nguyện). Đây là chỗ Pháp Tạng hướng về Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai khải thỉnh, mong Phật hãy vì mình mà diễn nói các cõi nước thù thắng nhiệm mầu của chư Phật. Sau khi được nghe những pháp như vậy ngài sẽ tư duy, tu tập, thệ sẽ viên mãn sở nguyện. Đây là thái độ của người học trò tốt.

– Làm sao biết được ngài là học trò tốt?

– Đầy đủ ba “Tuệ”! Bạn xem! “Nhược ngã đắc văn”, phía sau “tư duy tu tập”, “Văn-Tư-Tu” ba Tuệ đều đầy đủ, chân thật có thể đem lời thầy dạy thọ trì, đọc tụng, y giáo phụng hành. Ngài thật làm!

“Văn-Tư-Tu” ba Tuệ chỗ này đơn giản sơ lược giới thiệu qua với bạn, vạn nhất không nên hiểu lầm! Ví như bạn ở đây suốt hai giờ nghe giảng kinh, về nhà bạn tư duy, nghĩ ngợi, nghiên thảo tường tận rồi làm theo, đó là tu hành. Như vậy cũng khá lắm rồi! Tuy nhiên, ba Tuệ ở đây là của Bồ Tát tu, không phải Thanh Văn, Duyên Giác có thể làm đến được, đừng nói chi đến phàm phu

– “Tuệ” là gì?

–  “Tuệ” là “Tuệ” của “Giới-Định-Tuệ”, mới biết được Bồ Tát tu, cùng với sơ học chúng ta không giống nhau. Trì Giới được Định, khai Trí-Tuệ. Sau khi “Tuệ” khai rồi mới có “Văn-Tư-Tu”. Cho nên, trong Tuệ gồm cả “Văn-Tư-Tu”.

– “Văn” là gì?

–  “Văn” là biểu thị tiếp xúc: Tai nghe là “Văn”, mắt thấy cũng gọi là “Văn”; lưỡi nếm vị cũng gọi là “Văn”. Dùng một chữ để đại biểu, không dùng “Kiến” làm đại biểu. Bồ Tát Văn Thù trong hội Lăng Nghiêm nói với chúng ta: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”. Chúng sinh ở thế giới Ta Bà này; trong sáu căn, nhĩ căn là mạnh nhất. Cho nên, dùng “văn” làm đại biểu, dùng “Văn-Tư- Tu”, không dùng “Kiến-Tư-Tu” là ý nghĩa này

– “Tư” là gì?

– “Tư” là đại biểu cho tường tận; vừa tiếp xúc liền tường tận, không trải qua giai đoạn suy tư, nghiền ngẫm của ý thức mới gọi là “Tư”. Nên biết “Văn-Tư-Tu” là đồng thời, không có trước sau thứ lớp, không có cách khoảng của thời gian mới gọi là “Tuệ”; chính là “Giới-Định-Tuệ”.

– Bồ Tát tu ba Tuệ (Văn Tuệ-Tư Tuệ-Tu Tuệ) ở chỗ nào?

–  Tu ở Bố Thí, ở Trì Giới, ở Nhẫn Nhục, ở Tinh Tấn, ở Thiền Định. Cho nên, ba Tuệ thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày.

Thệ mãn sở nguyện” đây là ngài Pháp Tạng phát đại thệ nguyện; sau khi nghe Phật dạy bảo, ngài nhất định sẽ thực tiễn cho bằng được nguyện vọng của mình. Nguyện vọng của ngài phía sau sẽ nói đến. Đây là nói rõ thế giới Cực Lạc không phải dựa vào không mà hư tạo, mà là tập hợp tất cả thành tựu tốt nhất của cõi nước chư Phật, chọn lấy tinh hoa tốt nhất để kiến tạo thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc thù thắng là ở chỗ này.

KINH VĂN:

Thế Gian Tự Tại Vương Phật tri kỳ cao minh, chí nguyện thâm quảng, tức vị tuyên thuyết nhị bách nhất thập ức chư   Phật

Sát độ công đức nghiêm tịnh, quảng đại viên mãn chi tướng, ứng kỳ tâm nguyện, tất hiện dữ chi. Thuyết thị pháp thời kinh thiên ức tuế.

VIỆT DỊCH:

Thế Gian Tự Tại Vương Phật biết ông ta cao minh, chí nguyện sâu rộng, liền vì ông ta tuyên thuyết công đức nghiêm tịnh, tướng trạng viên mãn rộng lớn của hai trăm mười ức các cõi nước Phật, ứng theo tâm nguyện ông ta đều hiện cho thấy. Lúc nói pháp ấy trải qua một ngàn ức năm.

GIẢNG:

Thế Gian Tự Tại Vương Phật tri kỳ cao minh, chí nguyện thâm quảng(Thế Gian Tự Tại Vương Phật biết Pháp Tạng cao minh, chí nguyện sâu rộng). Hai câu nói này là Phật quán cơ nói pháp, nếu không phải loại căn cơ này, có nói cũng không lợi ích. Phật biết Pháp Tạng cao minh có đầy đủ đức hạnh, trí tuệ, đây là điều kiện cơ bản của học trò có thể tiếp nhận lời dạy bảo của thầy. Nếu có trí tuệ, không có đức hạnh, thầy sẽ không dạy bạn. Có đức hạnh nhưng không có trí tuệ, thầy vẫn rất sẵn lòng dạy bạn. Đức hạnh là bậc nhất!

Chí nguyện thâm quảng” là chí nguyện rộng sâu, phát xuất từ tâm lượng thanh tịnh, đại từ bi của Pháp Tạng nguyện phổ độ mười phương ba đời tất cả chúng sinh bình đẳng thành Phật, đây là rất khó được!

Tức vị tuyên thuyết nhị bách nhất thập ức chư Phật sát độ công đức nghiêm tịnh” (Liền vì ông ta tuyên thuyết công đức nghiêm tịnh của hai trăm mười ức các cõi nước Phật). Pháp Tạng yêu cầu thỉnh pháp, Thế Tôn vì ngài quảng diễn hai trăm mười ức các cõi nước Phật. “Hai trăm mười ức” ở đây không phải là số tự, nếu là số tự thì cái số tự này không lớn. Trên Kinh Di Đà nói thế giới Cực Lạc cách thế giới Ta Bà mười vạn ức cõi nước Phật. Mười vạn ức mà so với hai trăm mười ức, cái số tự này quá nhỏ.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Số tự ở chỗ này là biểu trưng cho đại viên mãn. Trên Kinh Di Đà dùng số bảy là đại biểu viên mãn. Kinh Hoa Nghiêm dùng số mười biểu thị viên mãn. Phía trước của kinh này, chúng ta đọc đến “Hiền Hộ đẳng thập lục Chánh Sĩ”, số mười sáu đại biểu viên mãn. Trong Mật Tông thường dùng số mười sáu hoặc số hai mươi mốt, đại biểu viên mãn. Chỗ này dùng hai trăm mười là số hai mươi mốt mở rộng. Cho nên, hai trăm mười ức cõi nước chư Phật cũng chính là nói vô lượng vô biên, vô số cõi nước chư Phật sát độ, một cõi cũng không sót!

Đối với “Hai trăm mười ức cõi”, cụ Hoàng Niệm Tổ cũng nêu ra vấn nạn: Ắt có kẻ nghi rằng Pháp Tạng Bồ Tát chỉ thấy có hai trăm mười ức cõi, sao lại bảo quốc độ của ngài tạo dựng “đô thắng vô số chư Phật quốc giả?” (đều thù thắng hơn vô số quốc độ của chư Phật). Có hai cách trả lời câu vấn nạn này:

Thứ nhất, theo phẩm Hoa Tạng Thế Giới trong Kinh Hoa Nghiêm, cõi Phật vô lượng nhưng nói chung có hai mươi tầng, số lượng các cõi nước vây quanh các cõi ấy nhiều bằng hai trăm mười vi trần số (“vi trần số” là số lượng vi trần (bụi nhỏ) trong một cõi. Như vậy nói “hai trăm mười vi trần số” tức là bằng số lượng của các vi trần trong hai trăm mười cõi Phật). Nay trong kinh này cũng lấy con số hai trăm mười để chỉ số các cõi nước thì đã ngầm hợp với nghĩa lý Kinh Hoa Nghiêm hàm nhiếp vô lượng cõi nước trong mười phương.

– Thứ hai, như Trí Độ Luận bảo: “Khi xưa, A Di Đà Phật làm tỳ kheo Pháp Tạng, được Phật dẫn đến khắp mười phương chỉ cho cõi nước thanh tịnh để chọn lựa những nước tịnh diệu nhất để tự trang nghiêm cõi nước mình”. Như vậy, kinh dùng chữ “hai trăm mười ức cõi” để phiếm chỉ cõi Phật mười phương.

Quảng đại viên mãn chi tướng (Tướng trạng viên mãn rộng lớn). Chữ “viên” là trọn khắp, “mãn” là đầy đủ. “Viên mãn” còn gọi là “viên túc” cũng chính là huyền nghĩa “viên minh cụ đức” (tròn sáng, đầy đủ các đức) của tông Hoa Nghiêm. Đây là cực kỳ, hình dung công đức quảng đại viên mãn.

Ứng kỳ tâm nguyện, tất hiện dữ chi (Ứng theo tâm nguyện ông ta đều hiện cho thấy): Ứng theo tâm nguyện của Pháp Tạng, Phật đều thị hiện cho thấy các hình tướng của hai trăm mười ức cõi Phật. Thị hiện của Thế Tôn là “Tùy cơ ứng lượng”, chúng sinh có thể tiếp nhận bao nhiêu thì cho họ bấy nhiêu. Chỗ này cũng hiển hiện thần lực bất khả tư nghị của Phật, không những đã tường tận thuyết giảng cho Pháp Tạng nghe, còn dùng thần lực biến hiện ra trước mắt cho ngài thấy.

Thuyết thị pháp thời, kinh thiên ức tuế(Lúc nói pháp ấy trải qua một ngàn ức năm). “Tuế” là năm. Lúc Phật nói pháp trải qua một ngàn ức năm, chỉ rõ thời gian rất dài, Thế Gian Tự Tại Vương Phật từ bi chỉ dạy Pháp Tạng không hề mỏi mệt. Pháp Tạng là học trò, cũng rất phi thường, học mãi cũng không chán. Đây là nhắc nhở chúng ta tu hành nhất định phải trải qua thời gian dài kiên nhẫn mới có thể thành tựu.

Chúng ta ở đây học được hai, ba năm đã thấy dài. Họ ở đó học cả ngàn ức năm, đương nhiên thọ mạng của các ngài dài. Phía trước đã nói qua: Thế Gian Tự Tại Vương Phật trụ thế giảng kinh nói pháp bốn mươi hai kiếp, ắt hẳn thọ mạng của ngài phải rất dài, mới có thể đem cái tướng “quảng đại viên mãn công đức nghiêm tịnh cõi nước chư Phật” mà nói rõ cho Pháp Tạng.

Khổng Tử nói: “Giáo bất yếm, hối bất quyện” (“yếm” là nhàm chán, “quyện” là mệt mỏi, “hối” là khuyên răn, dạy dỗ) nói lên tinh thần giáo học của Khổng lão Phu tử chẳng mệt, chẳng chán, không khác chi Phật.