Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VII. QUỐC GIỚI NGHIÊM TỊNH ĐỆ THẬP NHẤT
(TT)

Bắc Câu Lô Châu” (Bắc Uất Đan Việt), còn gọi là Thắng Xứ, nơi này “cảm báo thù thắng hơn cả ba châu Đông, Tây, Nam”, không bị hoạnh tử, đều mạnh khoẻ trường thọ, không có chết yểu, thọ mạng của họ là một ngàn năm. Do ở đó an vui, không có nạn tai nên họ không chấp nhận sự giáo hóa của Phật, cho rằng không cần phải tu hành. Từ ăn mặc, cho đến ở đi v.v… của họ, tất cả đều tự tại. Phước báo của họ quá lớn, điều này trong kinh Phật dạy: “Hào quí học đạo nan” (giàu có khó học đạo). Bồ Tát Vi Đà là thần hộ pháp trong cửa Phật. Trong bốn đại bộ châu, chỉ ba châu có cảm ứng, có Phật pháp. Bắc Câu Lô Châu không có Phật pháp, cho nên Bồ Tát Vi Đà không đến! Cõi này không được gặp Phật nghe Pháp nên gọi là Nạn.

Manh lung ám á”: Những người này tuy sinh nơi trung quốc. (Trung quốc ở đây không phải là nước Trung Quốc mà là nơi có Phật pháp. “Trung” là trung ương). “Do nghiệp chướng sâu nặng nên mù, điếc, câm, ngọng, các căn chẳng đủ, dẫu Phật xuất thế vẫn chẳng thể thấy Phật”: người mù không thể thấy tượng Phật, không xem được kinh Phật! Người điếc không nghe được kinh Phật, chướng ngại việc tu học! Người câm, nếu có điều chi về Phật pháp không hiểu, muốn hỏi cũng không hỏi được. Những sự việc trên đây đều là chướng duyên cho việc “thấy Phật, nghe Pháp” nên gọi là Nạn.

“Thế trí biện thông”: Đây là những người rất thông minh, biện tài nhưng họ không tin những gì Phật nói, không tin có Lục đạo luân hồi, không tin con người chết rồi vẫn còn kiếp sau. Loại người này rất nhiều! Nếu tôi không gặp thầy Phương Đông Mỹ tôi cũng thuộc hạng người này. Lúc tôi còn trẻ có tài biện luận, cũng không tin Phật pháp, không tin tôn giáo. Thời trẻ tôi học tại Nam Kinh, trọ tại nhà bạn học cùng lớp. Tôi và bạn ấy là đôi bạn rất thân. Tôi phát hiện ra trong nhà họ là đa nguyên tôn giáo. Bà của anh là người niệm Phật; mẹ và anh ta cùng mấy anh chị em là tín đồn Cơ đốc giáo; bố anh là Hồi giáo. Cho nên tôi hứng thú với đa nguyên tôn giáo.

Tôi ở nhà bạn một năm, đối với ba tôn giáo này tôi cũng có được chút hiểu biết. Tôi ngưỡng mộ nhất vẫn là Hồi giáo, bởi tôi hiểu nó. Phật Giáo là gì, bà anh ta không giảng giải được nên tôi không tin, cho rằng đó là mê tín. Ngũ công, Ngũ Điển của Hồi giáo; đặc biệt là Ngũ Điển hoàn toàn tương đồng với luân lý của Trung Quốc. Đến sau này tôi mới biết được Hồi giáo ở nước ngoài không có Ngũ Điển, chỉ có Ngũ Công. Hồi giáo ở Trung Quốc có Ngũ Điển chính là Hồi giáo đã hấp thụ văn hóa truyền thống của Trung Quốc, khác với Hồi giáo của nước ngoài.

Bởi mẹ của bạn tôi là tín đồ Cơ đốc giáo nên mỗi chủ nhật chúng tôi thường theo bà đến nhà thờ làm lễ, tôi cũng học kinh Thánh. Mục sư ở đây muốn giáo hóa và lôi kéo tôi làm tín đồ. Tôi nêu ra có hơn bảy mươi vấn đề hỏi mục sư, nhưng điều gì ông cũng không giải đáp được! Ông nói tôi là ma quỉ! Tôi nói, tôi rất tôn trọng ông nhưng những vấn đề này đều là sự thật. Điều đầu tiên là vấn đề vũ trụ; khởi nguyên của vũ trụ nói theo Kinh Thánh thì chẳng qua cũng chỉ có năm, sáu ngàn năm. Trong khi đó, nhà khảo cổ Trung Quốc khám phá ra người Bắc Kinh, Trung Quốc có khoảng năm trăm ngàn năm về trước; vậy thì chẳng phải người Bắc Kinh là tổ tông của Thượng Đế hay sao? Điều này ông ta không chấp nhận được! Tôi cũng không thể chấp nhận! Rất nhiều vấn đề không thể giải quyết được, làm sao mà tin! Tôi nói: Tôi vẫn đến tham gia khóa lễ của các ông, tham gia các lớp đọc thơ của các ông, những vấn đề này chưa giải đáp, tôi chưa chịu rửa tội!

Cuối cùng tôi cũng chưa rửa tội. Nhưng đối với những tôn giáo này, sự thành kính của họ, thiện tâm thiện ý của họ tôi đều rất thích và cũng rất ngưỡng mộ. Cho nên, những gì tôi chưa rõ, tôi sẽ không chấp nhận! “Thế trí biện thông” này thật rất phiền phức! Không tin tưởng Phật pháp, thật tình mà nói, Hòa Thượng đến khuyên tôi học Phật, tôi nêu ra một số vấn đề hỏi cho ông ta thua luôn rồi tôi cũng không tin! Không gặp được thầy Phương Đông Mỹ, tôi tuyệt đối không thể theo Phật. Tôi không thể lý sự hơn thầy Phương được. Hỏi thầy vấn đề gì thầy cũng giảng giải rất rõ ràng. Đó chính là người thật sự rất có công phu đối với kinh điển, không thể nào làm khó thầy được. Cho nên, tôi không thể không khâm phục, như vậy mà tôi tin.

“Sinh Phật tiền Phật hậu nạn” (Nạn sinh ra trước Phật hay sau Phật): chỗ này ý nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Duy chỉ có chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát xuất hiện tại thế gian mới có thể giúp chúng sinh thoát ly sự khổ luân hồi trong ba cõi sáu đường, được Niết Bàn an vui. Niết Bàn là tiếng Ấn Độ, nghĩa thật sự của nó là “đắc Tịch lạc”, được an lạc bất sinh bất diệt. Chúng sinh trong sáu đường có duyên gặp được Phật xuất thế, điều này rất hiếm có.

Nói đến “Phật tiền Phật hậu” (Sinh ra trước hay sau thời Phật xuất thế), cần phải nói đến Pháp vận của đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Pháp vận của Phật là một vạn hai ngàn năm. Những kẻ sinh trước hay sinh sau khoảng thời gian này không những “đã chẳng được thấy Phật, lại còn chẳng được nghe Pháp”. Khi thời mạt pháp diệt rồi, trên thế gian này không còn Phật pháp, tất cả kinh điển đều không còn! Nói cách khác, cho dù trong A-lại-da có thiện căn, phước đức nhưng nếu không có nhân duyên thì nó vẫn không khởi tác dụng, vẫn phải luân hồi, tùy nghiệp lưu chuyển! Phải đợi đến khi đức Phật kế tiếp xuất hiện trên thế gian này, Tam Bảo mới lại đầy đủ.

“Những kẻ sinh ra trước hay sau thời Phật xuất thế bởi do nghiệp nặng duyên mỏng nên đã chẳng được thấy Phật, lại còn chẳng được nghe pháp. Do vậy, gọi việc sinh ra trước Phật hay sau Phật là nạn”. Chỗ này chúng ta phải đặc biệt chú ý hai câu: “Chẳng được thấy Phật, lại còn chẳng được nghe Pháp”, gọi đó là Nạn. Nếu thấy Phật nghe Pháp tức là không có nạn nữa.

– Trong địa ngục có gặp Phật nghe Pháp chăng?

– Có! Nhưng rất ít!

Đó chính là khi làm người, họ đã tích được công đức lớn, làm việc thiện lớn, nhưng lúc lâm chung do một niệm sai lầm mà bị đọa địa ngục. Tuy đọa địa ngục, nhưng nhờ năng lực chủng tử thiện căn, phước đức đời trước của họ rất lớn, nên dù trong chốn địa ngục họ vẫn có thể được gặp Phật nghe Pháp. Bồ Tát hiện thân trong chốn địa ngục giáo hóa chúng sinh gọi là Địa Tạng Bồ Tát. Cho nên, Địa Tạng Bồ Tát chỉ là danh từ chung không phải danh từ riêng; không phải riêng độc nhất chỉ cho một người nào mà Địa Tạng Bồ Tát là có rất đông số người! Người có duyên với chư Phật, Bồ Tát khi bị đọa vào địa ngục, nếu họ thành tâm thành ý sám hối, thừa nhận lỗi mình, lập tức ý niệm đó được truyền đi khắp pháp giới, hư không giới. Chư Phật, Bồ Tát thảy đều hay biết, liền hiện thân trước mặt họ để giáo hóa và cứu độ họ thoát ly địa ngục.

– Đến cõi nào vậy?

– Đương nhiên tốt nhất là đến cõi người!

– Vì sao vậy?

– Cơ hội gặp Phật, nghe pháp ở cõi người nhiều nhất; các cõi khác có nhưng không nhiều.

Cho nên “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Đức Phật không nói “thân trời khó được”, ngài chỉ nói “thân người khó được”. Sở dĩ thân người đáng quí chính là con người dễ giác ngộ, dễ sinh Tịnh Độ. Cuộc sống cõi trời quá tốt, vui nhiều khổ ít nên họ không muốn tu hành, chẳng muốn vãng sinh. Họ còn quá tham luyến môi trường sinh hoạt của họ nên không nở rời! Trái lại, trong ác đạo do sự khổ quá bức bách khiến họ quên mất cả tâm thoát ly, tâm cầu sinh Tịnh Độ. Do vậy mà Phật, Bồ Tát có hiện thân đến nhắc nhở, họ cũng không nhớ ra!

Nên biết: Trong sáu đường, dùng thân Phật thị hiện để giáo hóa chúng sinh chỉ có trong cõi người; trong các cõi khác chỉ hiện thân Bồ Tát, hoặc thân Thanh Văn hay hiện cùng thân với chúng sinh đó, điều này nhiều nhất. Sự việc này nói với chúng ta: Cõi người tuy có khổ nhưng vấn đề vẫn có thể giải quyết. Chư Phật Như Lai, chư Bồ Tát không ai mà chẳng xuất thân từ cõi người.

Việc giảng kinh dạy học là tự lợi lợi tha. Ngày ngày giảng kinh thuyết pháp sẽ giúp ta tránh được rất nhiều ngoại duyên bên ngoài quấy nhiễu, có thể bảo vệ được bản thân không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, mới có thể đắc Định, khai trí tuệ, vươn đến đạo quả. Phàm bị cảnh giới bên ngoài ảnh hưởng, sẽ không thể thành tựu! Có làm việc tốt nhiều đến thế mấy cũng trôi lăn trong lục đạo; đồng nghĩa với đời này sống uổng phí, sống vô ích!

Cho nên, người học Phật, thời khóa chiều mỗi ngày nên phản tỉnh xem hôm nay ta có bị cảnh giới quấy rầy chăng? Tôi nghĩ: Rất nhiều người chưa hề nghĩ đến vấn đề này. Nếu nghĩ đến vấn đề này, bản thân sẽ lo sợ! Vì sao? Vì ta chưa tiến bộ! Vẫn còn sống qua ngày, như vậy thì đắc được gì?! Người khác khen vài câu thì vui lắm! Ta đã bị họ làm ảnh hưởng rồi! Người khác hủy báng, liền khởi sân si! Sao ta không làm chủ được tí nào?! Chuyển theo cảnh giới bên ngoài, đó là luân hồi! Ngày ngày làm việc luân hồi! Tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi! Quả báo sau này chính là luân hồi! Thật đáng sợ!

Không thật sự hiểu hoàn cảnh, tâm cảnh giác không thể phát huy. Rất nhiều người đều biết thành tựu của Lưu Tố Vân cư sĩ. Bà không có sở trường gì nhưng tính cảnh giác của bà cao, duyên của bà rất thù thắng. Bà bị bệnh lao da ban đỏ, bác sĩ nói trước để bà có sự chuẩn bị về tâm lý: Bà có thể chết bất cứ lúc nào! Duyên này tốt lắm! Bà cảnh giác cao độ, từ sáng đến tối mười hai tiếng đồng hồ chỉ một câu Phật hiệu, một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, mười năm như vậy, bà đã thành tựu!

Chúng ta ngày nay một ngày cũng không làm được! Người không bị ảnh hưởng bên ngoài chính là không khởi tâm oán trách người khác, hoàn toàn là do mình. Người tán thán, khen ngợi ta, cung kính ta! A Di Đà Phật! Họ đến chửi, lăng nhục ta! A Di Đà Phật! Không bị họ quấy nhiễu, cũng chẳng một mãy mai sân giận. Nếu họ có giết ta cũng: A Di Đà Phật! Tôi đến thế giới Cực Lạc đây! Cám ơn bạn! Nếu không, tôi phải sống thêm ít ngày nữa. Bạn tiễn tôi đi sớm hơn, tôi cám ơn bạn! Thật sự không giả dối tí nào! Vì sao? Họ tạo ác nghiệp sẽ đến địa ngục chịu quả báo, lại còn tiễn ta đến thế giới Cực Lạc, ta làm sao không cám ơn được!

Nếu ta hận họ thì “oan oan tương báo” sẽ đi cùng đường với họ xuống địa ngục! Cám ơn! Thật sự cám ơn! Bất luận chịu những khổ nạn nào nên nghĩ: đây là Bồ Tát đến thử thách ta, xem ta có thật sự buông xuống chưa? Có còn nhiễm ô chăng? Có thật sự thanh tịnh chưa? Cho nên, ngày trước khi còn ở Mỹ, tôi xem trong kinh có hai câu: “Mỗi ngày đều là ngày tốt, mỗi giờ đều là giờ lành”. Tôi thêm hai câu nữa: “Mỗi người đều là người tốt, mỗi việc đều là việc lành” Chẳng sai chút nào!

Thế gian không có ác nhân, yêu ma quỉ quái đến chỗ tôi đều là Phật, Bồ Tát, cho nên “cảnh tùy tâm chuyển”. Phàm phu điên đảo đáng thương, họ là “tâm tùy cảnh chuyển”, sẽ chuyển đến A Tỳ địa ngục. “Cảnh tùy tâm chuyển”, bạn có thể thành Phật, thành Bồ Tát. Cho nên, Ngẫu Ích Đại Sư nói hay lắm: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu do nơi tâm”. Thị phi, thiện ác, tà chánh v.v… là những thứ sản sinh trong vọng niệm. Lìa vọng niệm, phân biệt, chấp trước, liễu bất khả đắc! Nó không phải là thật tướng của vạn pháp, nó là hư giả! “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”.

Người thật sự học Phật, đặc biệt trong thời đại này chắc chắn sẽ gặp đại nạn, phải chịu khổ lớn! Người khác không tin ta có thiện tâm thành ý đối với họ. Họ hoài nghi ta có ý đồ gì? Muốn hại họ chăng?! Họ không nghĩ theo chiều hướng tốt, toàn nghĩ ngược lại! Chúng ta phải chịu đựng được, phải không thay đổi mới có thể thành tựu. Bởi bây giờ là thời đại đặc biệt, phải đặc biệt có trí tuệ, đặc biệt có đức hạnh mới có thể giúp những chúng sinh khổ nạn này.

Chúng sinh khổ nạn này dùng những thái độ không tốt đối với ta, ta vẫn có thể chịu đựng được thì đã giúp họ tiêu trừ nghiệp chướng, giúp họ vun bồi phước đức rồi. Trong Phật pháp gọi đó là chịu khổ thay chúng sinh. Tất cả tội nghiệp họ gây tạo, chịu thay cho họ; chắc chắn một ngày nào đó họ cũng sẽ hối hận hồi đầu. Nếu đời này họ chưa giác ngộ; đời sau hoặc đời sau nữa… chắc chắn sẽ có ngày họ giác ngộ. Nói cách khác, bản thân ta có thể tiếp nhận được hoàn cảnh thì không những nghiệp chướng của ta được tiêu trừ mà còn có thể giúp chúng sinh tiêu trừ nghiệp chướng thay cho họ. Việc này chớ lo bị thiệt! Nhớ kỹ cổ nhân có câu: “chịu thiệt là phước

– Đại phú đại quí có được từ đâu?

– Từ chịu thiệt mà tu được! Từ bị lừa mà tu được! Quyết không phải do lợi dụng mà có.

Người hay lợi dụng thì rất thông minh; cuối cùng cũng bị thông minh làm cho sai lầm! Vì sao? Vì họ sẽ rơi vào tam đồ ác đạo, họ phải trả nợ! Sát sinh phải đền mạng! “nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”, ngay cả đế vương cũng không thể trốn nợ được! “oan oan tương báo”, không dứt không hết, đó mới là thật khổ! Cho nên, chỗ quí là ở chỗ giác ngộ. Muốn giác ngộ nhất định phải được gặp Phật và được nghe Pháp. Không gặp được Phật, không nghe được Pháp, làm sao có thể giác ngộ?!

Người thế gian chịu oan uổng lớn nhất là: Việc này không nhẫn được! Tức quá chịu không nổi! Khổ không kể nổi! Kỳ thật! Sự tức giận đó chỉ là giả chẳng phải thật! Vậy thì không cần phải nuốt, chỉ cần hóa giải là được rồi! Không việc gì nữa! Hà tất phải chấp trước như thế?! Sai lầm đều do chấp trước! Chấp trước kiên cố không chịu buông xuống! Từ chỗ này chúng ta mới có thể thể hội được: Phật là Bảo, Pháp cũng là Bảo. Con người một ngày không ăn cũng không sao! Không ngủ cũng không sao! Một ngày không nghe kinh thì không thể được!

– Không nghe kinh là gì?

– Đó là đại bất hiếu! Đại bất kính! Cha mẹ và thầy ta đều hy vọng chúng ta nhanh chóng thành Phật để cứu độ họ. Ta thành Phật chậm một ngày, họ ở trong ác đạo, trong sáu đường thêm một ngày chịu khổ! Việc này mới là việc lớn, việc lớn số một trong đời người vậy.

Năm xưa, thầy Phương giới thiệu Phật pháp cho tôi. Vì sao tôi tin thầy? Vì thầy thật làm! Thầy ngày ngày đọc tụng Đại thừa, vui theo không mệt. Kinh văn quan trọng trong kinh giáo Đại thừa, thầy có thể đọc thuộc lòng từng đoạn. Điều này Pháp sư xuất gia không thể sánh kịp! Thầy thỉnh một bộ Đại Tạng Kinh, bộ này do tôi giới thiệu, thỉnh về rồi là Thầy thật lòng đọc, không như những người khác thỉnh về rồi để trên giá sách, thờ ở nơi đó, vĩnh viễn không bao giờ đọc! Thầy Phương thật sự đọc. Lúc đó, với tư cách là một học giả, không phải tín đồ Phật Giáo mà thầy thích kinh giáo Đại thừa đến như vậy. Thầy khẳng định thừa nhận Thích Ca Mâu Ni Phật là nhà triết học vĩ đại nhất trên toàn thế giới. Thế gian này nếu có thêm được vài người như thầy xuất hiện thì Phật pháp sẽ hưng vượng hơn. Cho nên, “thấy Phật nghe Pháp” quan trọng hơn bất cứ thứ gì! Một ngày cũng không thể bỏ qua. Một ngày không thấy Phật, không nghe Pháp là gặp nạn rồi!

Thế giới Cực Lạc “Vĩnh vô chư nạn” (vĩnh viễn không có các nạn): Bởi ở thế giới Cực Lạc, việc thấy Phật nghe Pháp có thể nói là niệm niệm không gián đoạn, luôn không rời Phật A Di Đà và không lìa nghe Pháp. Báo Thân Phật, Ứng Thân Phật, Pháp Thân Phật đều ngay trước mắt. Trên kinh nói: Tình và hữu tình ở thế giới Cực Lạc đều diễn nói Diệu pháp; người nghe kinh tùy ý: Muốn ngồi nghe cũng được; tản bộ nghe cũng được; nằm dưới đất nghe cũng được. Rất tự tại!

– Ai giảng kinh cho họ?

– Nước chảy!

– Nước vì sao giảng kinh?

– Vì do Phật A Di Đà biến hóa ra!

Ở thế giới Cực Lạc thể hiện đầy đủ nghệ thuật giáo hóa của Phật A Di Đà. Nếu Phật A Di Đà hiện thân ở đó, họ phải cung cung, kính kính không dám phóng dật, sợ bất kính khi nằm nghe Pháp nên Phật A Di Đà biến thành nước chảy, thành chim nhỏ thuyết pháp cho họ. Vậy thì họ có thể phóng dật một tí, tự tại một tí. Phật A Di Đà rất đại tự tại, ngài sẽ không làm khó một ai, chính là hằng thuận chúng sinh, tùy hỉ công đức. Như Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tùy chúng sinh tâm, ứng sở tri lượng”. Ở thế giới Cực Lạc vĩnh viễn không có các nạn, chính là vĩnh viễn không bị gián đoạn việc thấy Phật và nghe Pháp, như Viên Trung Sao viết:

Do không có nhân của ba độc, chẳng tạo nghiệp ác nghịch nên chẳng có khổ quả tam đồ, không có chướng nạn tam đạo”:

Ở thế gian này do tham, sân, si mà tạo nên ác nghiệp vô lượng vô biên. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tham sân si hoàn toàn không còn thì tự nhiên tạo nghiệp ác nghịch không còn nữa “nên chẳng có khổ quả tam đồ, không có chướng nạn tam đạo” (Tam đồ, tam đạo đều chỉ cho địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh).

Nghe Pháp nhập định, chẳng đọa vào Vô Tưởng, nên chẳng có Trường Thọ Thiên nạn”.

Phía trước chúng ta đã nói qua về Vô Tưởng Thiên. Vô Tưởng Thiên ở cõi Tứ Thiền. Ở thế giới Cực Lạc, trong Tứ Thiền không có Vô Tưởng Thiên.

Tuy thọ sự vui tột bậc nhưng thường được hưởng sự giáo hóa nên chẳng có Bắc Câu Lô Châu nạn” (tức là Uất Đan Việt nạn):

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: sự vui tột bậc (tức “Cực Lạc”) chính là ngày ngày được gặp Phật, nghe Pháp.

Sáu căn thanh tịnh, sắc bén, thông tuệ nên không có nạn đui, điếc, câm, ngọng”:

Đui, điếc, câm, ngọng (manh, lung, ám, á) là sáu căn không đầy đủ, ở đây chúng ta gọi là người tàn tật. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có người tàn tật. Sinh đến thế giới Cực Lạc, thân tướng mọi người đều tương đồng với Phật A Di Đà không gì sai khác.

Chúng sinh sinh về cõi ấy đều nhập Chánh Định Tụ nên không có nạn thế trí biện thông”:

“Chánh Định” chính là nói tự tánh bổn Định. Trong Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Nào ngờ tự tánh vốn không dao động”, chính là tự tánh bổn Định.

Nay đức A Di Đà Phật hiện đang thuyết pháp đến vô lượng kiếp, Quán Âm sẽ tiếp nối ngài làm Phật, hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Phật nên chẳng có nạn sinh trước hay sau Phật”.

(A Di Đà Phật kim hiện tại thuyết pháp ư vô lượng kiếp, Quán Âm tức bổ kỳ xứ hiệu Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Phật cố vô Phật tiền Phật hậu nạn giả): Đó là nói thế giới Cực Lạc, mãi đến khi Phật A Di Đà hết duyên giáo hóa chúng sinh, Ngài cũng nhập Niết Bàn. Quán Âm Bồ Tát sẽ tiếp nối Ngài thành Phật. Tương lai, Quán Thế Âm Bồ Tát nhập Niết Bàn, Đại Thế Chí Bồ Tát cũng tiếp đó thành Phật, không có gián đoạn.

Cho nên, thế giới Cực Lạc không có “nạn Phật tiền Phật hậu” (nạn sinh trước hay sinh sau Phật). Không như thế giới này của chúng ta, sau khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, mãi đến sau năm tỷ, sáu trăm triệu, không trăm bảy mươi ngàn năm (ngũ thập lục ức thất thiên vạn niên) Bồ Tát Di Lặc mới đến thế giới này thành Phật. Cũng chính là nói: Thế gian này, khoảng cách thời gian giữa đức Phật này và đức Phật kế tiếp xuất hiện quá lâu.

– Suốt thời gian dài như vậy không có Phật giáo hóa chúng sinh phải làm sao?

– Đức Phật thật rất từ bi! Trong Kinh Địa Tạng nói: trước khi Phật diệt độ, đã phó chúc cho Bồ Tát Địa Tạng thay ngài giáo hóa chúng sinh trong khoảng thời gian dài không có Phật xuất thế. Dụng ý này của Phật rất thâm sâu cần nên thể hội:

– Vì sao Phật không phó chúc cho các Bồ Tát khác như: Quán Thế Âm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát v.v… đảm trách sự việc này?

– Trong Phật pháp Đại thừa, Địa Tạng Bồ Tát biểu trưng cho “Hiếu thân tôn sư”, cho gốc rễ của sự hiếu kính. Trong giai đoạn Phật không còn trụ thế, ở thế gian này nếu mọi người đều hiểu được hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng thì xã hội này sẽ không loạn; nhân dân sẽ được an vui, hạnh phúc. “Hiếu thân tôn sư” là gốc của Phật pháp Đại thừa. Dường như ngày nay câu này đã đến mùa đông rồi, lá rụng hết, hoa quả cũng chẳng còn thấy nữa!

Tuy nhiên, con người nếu tiếp thu được giáo dục của Thánh hiền thì gốc rễ này nhất định sẽ hồi sinh trở lại, chắc chắn sẽ ra hoa kết trái.

Ác thú” (đường ác): Chữ “thú” có nghĩa là chỗ chúng sinh hướng đến. Luận Câu Xá, quyển tám chép: “Thú nghĩa là đi đến”. Sách Pháp Hoa Văn Cú Ký giảng: “Từ một chỗ này đến một chỗ khác nên gọi là thú”. “Ác thú” là “ác đạo”, chỉ cho ba đường ác: địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Thế giới Cực Lạc không có “ác thú”. Tiêu chuẩn của thiện ác là pháp thế gian. Trên Kinh Di Đà, đức Phật dạy:

Bỉ Phật quốc độ vô tam ác đạo, Xá Lợi Phất! Kỳ Phật quốc độ thượng vô ác đạo chi danh hà huống hữu thật!” (Cõi nước Phật ấy không có ba ác đạo. Này Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật ấy còn không có danh từ ác đạo huống là thật có). Đây chính là do nguyện thứ nhất của đức Phật A Di Đà “nước không có ác đạo” mà thành tựu.

Ma não”: Ma là cách gọi tắt của chữ Phạn “Ma La” (Māra), dịch nghĩa là Năng Đoạt Mạng.

Sách Nghĩa Lâm Chương, quyển sáu giảng:

Ma, tiếng Phạn là Ma La, Hán dịch là Nhiễu Loạn, Chướng Ngại, Phá Hoại. Do chúng nhiễu loạn thân tâm, chướng ngại thiện pháp, phá hoại sự tốt đẹp bậc nhất nên gọi là Ma La. Cõi này (Trung Hoa) gọi tắt là Ma”.

Sách Huệ Lâm Âm Nghĩa, quyển mười hai giảng: “Ma La, Hán dịch là Lực, tức là tên khác của ma vương Ba Tuần trong cõi Tha Hóa Tự Tại. Loài quỉ thần này có đại thần lực có thể gây chướng nạn cho những người tu pháp xuất thế nên gọi là Ma La”.

Lúc Thế Tôn mới tu hành, Ma Ba Tuần đến cản trở, tìm đủ mọi cách để uy hiếp, dụ dỗ Thế Tôn nhưng không làm sao quấy nhiễu được Phật. Sau này, đức Thế Tôn thành Phật, có lần Ma Ba Tuần đến thưa với Thế Tôn : Hắn sẽ tìm cách phá hoại Phật pháp. Thế Tôn nói: Phật pháp là chánh pháp, ngươi không có năng lực để phá hoại. Ba Tuần nói: Đợi đến thời mạt pháp của đức Thế Tôn , Pháp vận sẽ từ từ suy yếu, hắn sẽ khiến cho ma con, ma cháu đều xuất gia, khoác áo cà sa đến để phá hoại Phật pháp. Đức Phật nghe xong rơi lệ, không nói câu nào! Lời nói của ma vương chính là thời đại hiện nay. Thật đúng như vậy!

Ở đây chúng tôi có cúng bài vị của ma vương Ba Tuần. Ông ta đã từng đến tìm tôi, chất vấn tôi không thông báo ông ta: Vì sao tùy ý xâm phạm đạo tràng của ông ta? Tôi nói: Tôi không có xâm phạm. Sau này, đột nhiên tôi nghĩ đến: Ngày nay internet, tivi là đạo tràng của ma vương. Chúng ta cũng có tivi, cũng có internet; đây là xâm phạm đạo tràng của ông ta. Thật là ma dùng phương pháp này dạy hư lòng người trên toàn thế giới rồi! Đây là ma vương lộng quyền!

Trong Phật pháp, Tiểu thừa có hàng phục ma; tám tướng thành đạo có hàng phục ma; Đại thừa không có! Đại thừa mới thật sự hiểu thấu triệt chân tướng của nhân sinh vũ trụ: Phật với ma là bình đẳng. Chúng ta dùng một niệm tâm thanh tịnh thì ma là Phật, ma đến hộ trì; nếu tâm không thanh tịnh thì Phật biến thành ma đến để quấy nhiễu ta! Đây là chân tướng sự thật. Cho nên, Phật hay ma không phải ở bên ngoài. Bên ngoài không Phật, không ma! Vấn đề là ở trong tâm. Đây là điểm bất đồng giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Đại thừa thật sự “cảnh tùy tâm chuyển”. Tiểu thừa không phải! Hàng Tiểu thừa còn bị cảnh giới chuyển!

Sách Trí Độ Luận bảo có bốn loại ma:

1. Phiền Não Ma: Các loại phiền não như tham, sân, si… thất tình ngũ dục, sáu căn bản phiền não, hai mươi thứ tùy phiền não v.v… đều não hại thân tâm nên gọi là Ma.

2. Ngũ Ấm Ma: “Ấm” là che đậy. Năm thứ: “sắc, thụ, tưởng, hành, thức” có thể làm chướng ngại chân tánh của ta, khiến ta không thể kiến tánh, sinh ra các khổ não nên gọi là ma.

3. Tử Ma: Cái chết đoạt mất mạng căn của con người, đạo nghiệp chưa thành tựu thì thọ mạng đã hết, vẫn phải tiếp tục trôi lăn trong Lục đạo như cũ nên gọi là Ma.

4. Tha Hóa Tự Tại Thiên Tử Ma: Đây là ma vương Ba Tuần hay hại sự lành của người khác nên gọi là Ma.

Trong bốn loại này, loại thứ tư mới chính là ma thật sự, còn ba loại kia do gây chướng tương tợ như ma nên cũng gọi là Ma.

Tóm lại, “ma não” tức là ma làm não hại thân tâm chúng ta, trong đó phiền não cũng là ma. Thế giới Cực Lạc vĩnh viễn không có ma làm não loạn vì toàn thế giới ấy là một câu thanh tịnh (nói theo Vãng Sinh Luận), lại được trang nghiêm bởi “trụ Chân Thật Tuệ”, khai thị bởi “Chân Thật Tế” nên có thể ban cho “cái lợi chân thật”. Trong ba loại chân thật này đều ở trong câu thanh tịnh. Cho nên thế giới Cực Lạc là trí tuệ chân thật, phạm vi chân thật, và lợi ích chân thật.

Nên biết “chân thật chi lợi” là hàng ngày được “thấy Phật nghe Pháp”. Đây là may mắn lớn, là niềm vui lớn nhất không gì bằng. Lại nữa, trong cái chân thật pháp thanh tịnh ấy còn chẳng có danh từ “ma não loạn” huống là thật sự có.

Kinh Pháp Hoa dạy: “Phật ngôn: – Nhược hữu nữ nhân văn thị kinh điển, như thuyết tu hành, ư thử mạng chung, tức vãng An Lạc thế giới. A Di Đà Phật, đại Bồ Tát chúng, vi nhiễu trụ xứ. Sanh liên hoa trung, bảo tòa chi thượng, bất phục vị tham dục sở não. Diệc phục bất vị sân khuể ngu si sở não, diệc phục bất vị kiêu mạn, tật đố chư cấu sở não, đắc Bồ Tát thần thông Vô Sanh Pháp Nhẫn”  (Phật bảo: – Nếu có kẻ nữ nghe kinh điển này mà tu hành đúng như lời dạy thì kẻ ấy mạng chung liền được vãng sinh An Lạc thế giới, A Di Đà Phật và đại Bồ Tát chúng vây quanh trụ xứ, sinh trong hoa sen, ngồi trên tòa báu, chẳng còn bị tham dục não loạn, cũng chẳng còn bị nóng giận, ngu si não loạn, cũng chẳng bị kiêu căng, ghen ghét não loạn, đắc thần thông Vô Sanh Pháp Nhẫn của Bồ Tát). Đoạn kinh trên đã chỉ rõ thế giới Cực Lạc không có các điều chướng não.

Vả lại, trong uế độ, chúng sinh do niệm Phật còn trừ được ma sự, huống hồ là khi đã sinh về cõi kia. Kinh Thập Vãng Sinh chép: “Phật ngôn: – Nhược hữu chúng sinh, niệm A Di Đà Phật, nguyện vãng sinh giả, bỉ Phật tức di nhị thập ngũ Bồ Tát, ủng hộ hành giả. Nhược hành, nhược tọa, nhược trụ, nhược ngọa, nhược trú, nhược dạ, nhất thiết thời, nhất thiết xứ, bất linh ác quỉ, ác thần đắc kỳ tiện dã” (Phật nói: Nếu có chúng sinh niệm A Di Đà Phật nguyện vãng sinh thì đức Phật ấy liền sai hai mươi lăm vị Bồ Tát ủng hộ hành giả dù đi hay ngồi, dù đứng hay nằm, dẫu ngày hay đêm, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, chẳng để cho ác quỉ, ác thần có cơ hội làm hại).

Hơn nữa, tu hành trong cõi này nếu lỡ bị ma khuấy vẫn có thể dùng niệm Phật để đối trị được (xem phần hai, cuốn chín, sách Ma Ha Chỉ Quán).

Thông thường chúng ta thấy người bị hương linh gá vào thân, họ rất đau khổ! Bản thân họ không làm chủ được; họ mơ mơ hồ hồ; oán thân trái chủ dựa vào thân họ, lợi dụng thân họ mà tạo tội! Thật rất đáng thương! Muốn giúp họ, chúng ta phải thành tâm niệm Phật, có thể giúp họ giải quyết vấn đề. Nếu bản thân họ có thể niệm theo thì hiệu quả lại càng cao. Tự mình không thể niệm thì ma sẽ khống chế họ.

Chúng ta phải ra điều kiện với hương linh và hết lòng khuyên răn họ: Trong đời quá khứ, hương linh có oan kết, có oán hận. Oán hận này cần phải hóa giải; oan gia nên giải không nên kết. Vì sao? Vì nếu hương linh làm hại người này thì cả đôi bên đều đau khổ. Tương lai họ sẽ báo thù lại hương linh, oan oan tương báo trong lục đạo luân hồi không bao giờ dứt! Tốt nhất, việc quá khứ không nên toan tính, mà quay đầu lại cố gắng niệm Phật, cùng được vãng sinh về thế giới Cực Lạc, liễu sinh thoát tử khỏi ba cõi, việc này hay biết mấy! Cơ duyên ở ngay trước mặt, hà tất phải chấp trước báo thù!

Thông thường khuyên răn họ, đại đa số họ đều đồng ý thoát ra. Chỉ cần hương linh thoát ra, người đó sẽ trở lại bình thường. Cho nên, ở thế gian này, cách cư xử, đối nhân xử thế phải có trí tuệ, tuyệt đối không nên kết oán với hết thảy chúng sinh; cho dù họ có ác ý, hủy báng, thậm chí đến hãm hại, ta cũng cam tâm chấp nhận, không nên báo thù. Có lẽ trong kiếp quá khứ ta đã nợ họ! Nghĩ được như vậy thì món nợ này kể như chấm dứt.

Những năm gần đây, chúng ta thường nghe nói người Trung Quốc nổi dậy! Thế kỷ hai mươi mốt là thế kỷ của người Trung Quốc! Rất nhiều người nghe thấy như vậy trong lòng họ rất hoang mang! Nếu người Trung Quốc thống trị thế giới thì rất đáng sợ! Cho nên, họ đều khởi xướng phòng bị. Thật ra, đối với câu nói này nhiều người đã hiểu sai ý nghĩa rồi!

Những năm gần đây tôi có cơ hội tiếp xúc với một số nhân sĩ quốc tế, bao gồm cả người lãnh đạo quốc gia. Tôi đã từng nêu ra đề tài này:

“Thế kỷ hai mươi mốt là thế kỷ của người Trung Quốc”, câu nói này không phải của người Trung Quốc nói.

– Vậy thì ai nói?

– Tiến sĩ Thang Ân Tỷ, người Anh nói!

Khoảng thập niên bảy mươi, ông ta thật sự đã nói như vậy: “Muốn giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ hai mươi mốt, phải cần học thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử, và Phật pháp Đại thừa”. Cho nên, thế kỷ hai mươi mốt là thế kỷ của nền văn hóa truyền thống, là thế kỷ của Đại thừa Phật Giáo chớ không phải thế kỷ của chính trị, quân sự Trung Quốc; cũng không phải của công, thương, xí nghiệp Trung Quốc; càng không phải của khoa học, kỹ thuật Trung Quốc, nó là văn hóa của Trung Quốc.

– Vì sao?

– Vì văn hóa Trung Quốc tượng trưng cho Khổng tử, Mạnh tử. Khổng tử, Mạnh tử tượng trưng cho “nhân, nghĩa”. “nhân” là tình thương yêu con người, nên văn hóa truyền thống xưa là văn hóa của tình thương; “nghĩa” là khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác đều hợp tình, hợp lý, hợp pháp.

Thế giới là một nhà! Tôi thấy được một bức ảnh do các nhà khoa học phóng vệ tinh vào vũ trụ. Vệ tinh này không người lái, phóng đi cự ly cách địa cầu khoảng bốn mươi ức dặm Anh, không phải cây số, quan sát quả địa cầu và chụp một bức ảnh gửi về. Bức ảnh này chụp tại Ngân Hà. Trong hệ Ngân Hà có một chấm màu lam, đó là quả địa cầu. Xem rồi chúng ta có cảm giác: Trong vũ trụ quả địa cầu giống như một con thuyền đang vận chuyển giữa biển cả mênh mông. Con người sống trên quả địa cầu đều cùng hội cùng thuyền, đều ngồi trên chiếc thuyền này. Chiếc thuyền này đang vận chuyển trong vũ trụ.

– Có an toàn chăng?

– Không nhất định! Trên biển có sóng to gió lớn, trong vũ trụ cũng rất nguy hiểm! Bức ảnh này rất đáng cho mọi người cảnh giác, chúng ta còn có gì để tranh chấp nữa?! Nếu mọi người đã có tranh chấp nên đem bức ảnh này xem nhiều lần!

Sách Tịnh Độ Tu Chứng Nghi cũng nói:

Thập Thừa chi lý quán, năng pháp cửu cảnh chi ma sự dĩ ngũ uẩn sinh tử mê ám chi pháp vi cảnh cố” (Pháp lý quán của mười thừa có thể khiến cho chín cảnh ma sự phát khởi vì hành giả dùng pháp sinh tử mê ám của Ngũ Ấm để làm quán cảnh vậy): “Thập Thừa quán pháp” của tông Thiên Thai, nếu có dịp nghe hoặc xem qua bạn mới biết được gian nan của sự tu học. Người hiện đại tâm tình nóng nảy, phiền não dẫy đầy, vọng niệm vô số, xem Thập Thừa xong sẽ có gợi ý tương đối. Gợi ý đó là nhận biết được bản thân mình, không còn dám cống cao ngã mạn, biết được nếu so sánh với người xưa thì ta còn kém xa lắm! Như vậy, mới quay đầu lại quyết lòng niệm Phật A Di Đà.

Bạn xem! “Thập Thừa Quán Pháp” có thể phát sinh chín cảnh ma sự, “còn pháp sự quán của Tịnh Độ dùng ngay cái quả thanh tịnh công đức của Phật A Di Đà làm cảnh nên vĩnh viễn không có ma sự. Lúc tâm không tà niệm thì thánh cảnh hiện tiền, quang minh chiếu sáng” (Sách Tịnh Độ Tu Chứng Nghi): Di Đà quả đức vô lượng thanh tịnh nên trong cõi ngài vĩnh viễn không tìm thấy chướng ngại, vĩnh viễn không có ma sự.

Diệc vô tứ thời hàn, thử, vũ minh chi dị” (Cũng không có bốn mùa, nóng, lạnh, mưa, tối tăm sai khác) Đây là nói khí hậu ở thế giới Cực Lạc không có thay đổi. Thế giới Ta Bà xuân, hạ, thu, đông thay đổi rất lớn. “Hàn thử” chỉ thời tiết cực lạnh, cực nóng. “Vũ minh” là chỉ thời tiết âm u, mưa dầm, khí hậu ẩm thấp. Những sự việc này ở thế giới Cực Lạc đều không có. Trong mười bảy thứ công đức trang nghiêm thành tựu của thế giới Cực Lạc; câu này thể hiện công đức thứ ba tức “Trang Nghiêm Tánh Công Đức Thành Tựu”.

Sách Luận Chú giảng: “Tánh có nghĩa là gốc. Cõi Tịnh Độ đó tùy thuận pháp tánh, chẳng trái nghịch gốc pháp. Tánh còn có nghĩa là tất nhiên, chẳng biến đổi như tánh của biển là một vị, các dòng nước chảy vào biển đều trở thành một vị. Tánh của biển chẳng bị biến đổi theo các dòng nước kia vậy”. Thế giới Cực Lạc đều do Pháp tánh biến hóa, cho nên Pháp tánh là gốc. Thân là thân Pháp tánh; cõi là cõi Pháp tánh đều thường trụ bất biến. Đương nhiên Pháp tánh là tự nhiên không phải do ai tạo tác. Cũng như nước biển là mặn, tất cả sông ngòi chảy về biển cũng biến thành một vị mặn. Nước biển tuyệt đối sẽ không vì nước sông mà biến thành vị nhạt. Dùng ví dụ này để ví cho tánh, tánh là vĩnh hằng bất biến.

Ở thế giới Cực Lạc không có bốn mùa; nếu xét về đất, cũng không có các tướng sông, biển, núi, hang, chỉ là một cõi đất rộng rãi mênh mông, bằng phẳng, đất màu vàng kim. Hoàng kim ở thế giới Cực Lạc và hoàng kim ở thế giới chúng ta hoàn toàn khác nhau, chỉ có một chút tương tợ mà thôi. Hoàng kim ở thế giới Cực Lạc rất đẹp, mềm mại, rất mỏng giống như lụa tơ tằm, có thể dùng để may mặc. Hiện nay, khoa học kỹ thuật cao có thể chế tạo hoàng kim thành từng lớp mỏng như “foam” vậy. Nhưng, màu sắc và chất liệu của hoàng kim ở đây cũng không thể bằng với thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nguyên nhân này do đâu? Do nhân tâm con người biến hoại! “cảnh tùy tâm chuyển”. Cho nên, vô lượng trân bảo này cũng đều biến chất!

Luận Chú bảo: “Những kẻ vãng sinh không ai chẳng được tịnh sắc, không ai chẳng được tịnh tâm, rốt ráo đều đắc thanh tịnh bình đẳng vô vi Pháp Thân”. Câu này chứa đựng mật ý: Tánh bình đẳng như đất, biển pháp một vị. Đó là “Tánh Trang Nghiêm Công Đức Thành Tựu” vậy.