PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN III
TĂNG

CHƯƠNG 12
NHỮNG ĐỜI SỐNG GƯƠNG MẪU

THƯỢNG TỌA BỘ

Các đại đệ tử tỳ-kheo A-la-hán

Th.212 Chư đệ tử tỳ-kheo tối thắng và phẩm tánh của các vị

Danh sách các vị tỳ-kheo tối thắng này cho thấy một bức tranh toàn cảnh tốt về phẩm chất được thấy trong các tăng lữ Phật giáo vào thời đức Phật.[1]

Này các tỳ-kheo, đệ nhất trong các vị đệ tử tỳ-kheo của Ta về hạ lạp là Aññā-koṇḍañña. Trong các tỳ-kheo đệ tử của ta đệ nhất: trong các tỳ-kheo đại trí là Sāriputta; trong các tỳ-kheo đại thần thông, là Mahā-moggallāna; trong các tỳ-kheo thuyết hạnh đầu-đà, là Mahā-kassapa; trong các tỳ-kheo thiên nhãn, là Anuruddha; trong các tỳ-kheo thuộc gia đình quý tộc, là Bhaddiya Kāḷigodhāputta; trong các tỳ-kheo có âm thanh vi diệu, là Bhaddiya Lakuṇḍaka (người lùn); trong các tỳ-kheo tiếng rống sư tử (pháp vô úy), là Piṇḍola Bhāradvāja; trong các tỳ-kheo thuyết pháp, là Puṇṇa Mantāṇiputta; trong các tỳ- kheo quảng diễn phân biệt nghĩa lý, là Mahākaccāna.

Này các tỳ-kheo, trong các tỳ-kheo đệ tử của Ta: đệ nhất biến hóa ý thành thân, là Cullapanthaka; đệ nhất tâm thắng tiến, là Cullapanthaka; đệ nhất thiện xảo chuyển biến tưởng, là Mahāpanthaka; đệ nhất vô tránh trụ, là Subhūti; đệ nhất ứng cúng dường, là Subhūti; đệ nhất trụ a-lan-nhã (lâm trụ), là Revata Khadiravaniya; đệ nhất tu thiền, là Kaṅkhā-revata; đệ nhất sách cần tinh tấn, là Soṇa Koḷivīsa; đệ nhất thiện xảo ngôn ngữ, là Soṇa Kuṭikaṇṇa; đệ nhất thọ lợi dưỡng, là Sīvali; đệ nhất tín thắng giải, là Vakkalī.

Này các tỳ-kheo, trong các tỳ-kheo đệ tử của Ta: đệ nhất hiếu học, là Rāhula (La-hầu-la); đệ nhất tín tâm xuất gia, là Raṭṭhapāla; đệ nhất thọ trù (rút thăm, nhận thẻ Tăng phân chia tỳ-kheo thọ thực theo thí chủ thỉnh thực), là Kuṇḍadhāna; đệ nhất biện tài, là Vaṅgīsa; đệ nhất đoan chánh, là Upasena Vaṅgantaputta; đệ nhất phân phối tọa ngọa cụ, là Dabba Mallaputta; đệ nhất chư thiên ái mộ và xứng ý, là Piḷindavaccha; đệ nhất thắng trí mau lẹ, là Bāhiya Dārucīriya; đệ nhất luận thuyết xảo diệu (minh họa bằng nhiều thí dụ và lý lẽ), là Kumāra-kassapa; đệ nhất chứng đắc vô ngại giải, là Mahākoṭṭhita.

Này các tỳ-kheo, trong các tỳ-kheo đệ tử của ta: đệ nhất đa văn, là Ānanda; đệ nhất cường ký, là Ānanda; đệ nhất mẫn tiệp (nắm bắt vấn đề nhanh chóng), là Ānanda; đệ nhất quyết đoán, là Ānanda; đệ nhất thị giả, là Ānanda; đệ nhất tùy hành đông đảo, là Uruvela-kassapa; đệ nhất khích lệ tín tâm cho các gia đình, là Kāludāyī; đệ nhất không bệnh, là Bakkula; đệ nhất ức niệm quá khứ, là Sobhita; đệ nhất trì luật, là Upāli; đệ nhất giáo giới tỳ-kheo-ni, là Nandaka; đệ nhất thủ hộ căn môn, là Nanda; [2] đệ nhất giáo giới tỳ-kheo, là Mahā- kappina; đệ nhất thiện xảo hỏa giới (bằng định / tam-muội lực), là Sāgata; đệ nhất ứng đối biện tài, là Rādha; đệ nhất trì thô y, là Mogharāja.

Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.23–25, dịch Anh P.H.

Th.213 Thành tựu của năm trăm tỳ-kheo A-la-hán, đặc biệt Sāriputta

Một thời Thế Tôn trú tại giảng đường Lộc Mẫu Tử, trong vườn đông, Sāvatthi cùng với đại chúng tỳ-kheo năm trăm vị, tất cả đều là A-la-hán.

Lúc bấy giờ, nhân ngày trăng tròn bố-tát, Thế Tôn ngồi giữa lộ thiên, xung quanh là chúng tỳ-kheo đoanh vây để hành lễ tự tứ.[3]

Sau khi nhìn quanh chúng tỳ-kheo im lặng, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, Ta nay tự tứ với các ông: có việc làm nào của Ta, bởi thân hay ngữ, đáng phiền trách?’ Khi được nói như vậy, Tôn giả Sāriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, trật thượng y qua một bên vai, chắp tay lễ Thế Tôn, và bạch: ‘Bạch Đại Đức, chúng con không thấy có việc làm nào của Thế Tôn, bởi thân hay ngữ, đáng phiền trách. Bạch Đại Đức, bởi Thế Tôn là đáng phát khởi con đường chưa từng được phát khởi, chỉ thị con đường chưa được chỉ thị, tuyên thuyết con đường chưa được tuyên thuyết. Thế Tôn là đấng liễu tri đạo, thông suốt đạo, thiện xảo đạo. Các đệ tử của Thế Tôn là những vị hiện tại an trụ tùy hành đạo, về sau sẽ thành tựu đạo. Bạch Đại Đức, con nay cũng tự tứ với Thế Tôn: có việc làm nào của con, bởi thân hay ngữ, mà Thế Tôn phiền trách không?’

‘Này Sāriputta, Ta không thấy có việc làm nào của ông, bởi thân hay ngữ, đáng phiền trách. Này Sāriputta, ông là người thông tuệ, đại tuệ, quảng tuệ (quảng bác), tiệp tuệ (nhạy bén), tốc tuệ (nhanh nhẹn), lợi tuệ (sắc bén), quyết trạch tuệ (thông suốt). Ví như con trưởng của Chuyển luân vương, chơn chánh vận chuyển bánh xe đã được vua cha vận chuyển, cũng vậy, này Sāriputta, ông chơn chánh chuyển vận pháp luân vô thượng đã được Ta chuyển vận.’

‘Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không có chỉ trích gì con về thân hay ngữ, vậy Thế Tôn có phiền trách gì về thân hay ngữ của năm trăm vị tỳ-kheo không?’ ‘Này Sāriputta, Ta không thấy năm trăm tỳ-kheo này có điều gì bởi thân hay ngữ đáng phiền trách, vì trong năm trăm tỳ-kheo này, sáu mươi tỳ-kheo đã đắc ba minh, sáu mươi tỳ-kheo đắc sáu thắng trí (thần thông), sáu mươi tỳ-kheo là hành câu phần giải thoát, và các tỳ-kheo còn lại đều là hàng tuệ giải thoát.[4] Pavārana Sutta: Saṃyutta-nikāya I.410–414, dịch Anh G.A.S.

Th.214 Thượng túc đệ tử: Sāriputta và Moggallāna

Hai vị này là bạn từ khi còn tại gia và là đệ tử của một trong sáu tôn sư ngoại đạo phái hoài nghi chủ nghĩa trước khi trở thành đệ tử Phật. Trước khi biết Phật, họ giao ước ai trước tiên tìm thấy đường vào bất tử thì phải thuật lại cho người kia (Vinaya I.39).

Hai đệ tử thượng túc của Ta là Sāriputta và Moggallāna.

Vepulla-pabbatam Sutta: Saṃyutta-nikāya II.192, dịch Anh P.H.

Này các tỳ-kheo, một tỳ-kheo có tín tâm, hy cầu chơn chánh, nên hy cầu như vầy: ‘Mong rằng ta sẽ thành như Sāriputta và Moggallāna!’ Ðây là chuẩn mực, là mẫu mực, cho các tỳ- kheo đệ tử của ta, tức là Sāriputta và Moggallāna.

Āyācana-vagga 12, Sutta 1: Aṅguttara-nikāya I.88, dịch Anh P.H.

Hãy thân cận Sāriputta và Moggallāna, này các tỳ-kheo, hãy phục thị Sāriputta và Moggallāna. Các Tì-kheo ấy là những hiền trí, là những người tư trợ các tỳ-kheo phạm hạnh. ‘Này các tỳ-kheo, như một sanh mẫu, là Sāriputta; như một dưỡng mẫu, là Moggallāna. Sāriputta, này các tỳ-kheo, hướng dẫn người khác đến quả Dự lưu; Moggallāna hướng dẫn đến tối thượng nghĩa (quả A-la-hán). Sāriputta, này các tỳ-kheo, có khả năng khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, giải minh, phân biệt và hiển phát một cách rộng rãi bốn Thánh đế.

Sacca-vibhaṅga Sūtta: Majjhima-nikāya III.248, dịch Anh P.H.

Th.215 Sāriputta

Ở đây chúng ta thấy một số phẩm chất của Sāriputta, còn được gọi là Upatissa. Trong khi cực kỳ thông tuệ và hiền minh, Ngài vẫn có thể dứt mọi tầm tư một khi vào nhị thiền, với định và xả theo cách mà, với kẻ vô tri, Ngài có vẻ như người ngu si, chứ không phải là người khôn ngoan. Chẳng hạn, Ngài nổi bật ở chỗ có thể phân tích xác định các tiến trình thành phần của bất kỳ kinh nghiệm nào.

Chốn núi rừng đáng ưa, phàm phu lại chẳng ưa. Người ly tham ưa thích, bởi chẳng tìm dục lạc.

Khi được người chỉ lỗi, trí giả nói lỗi ta: thân cận hiền trí ấy, như được chỉ kho tàng. Thân cận người như vậy, tốt đẹp, không hề xấu.

Đầu trọc, quấn ca-sa, trưởng lão trí đệ nhất, Ngài

Upatissa, tọa thiền một gốc cây.

Nhập tĩnh lự vô tầm, đệ tử Chánh đẳng giác, ngay lúc ấy đạt đến, im lặng Thánh mặc nhiên.

Như núi đá không động, khéo an trụ vững vàng, tỳ- kheo diệt tận si, như núi không dao động. …

Tịch tĩnh, và trầm lặng, hòa nhã, không trạo cử, quét sạch các ác pháp, như gió quét lá cây. …

Đạt trí ba-la-mật, đại trí lực đại tuệ, không ngu giả như ngu, thường du hành, mát mẻ.

Sāriputta’s verses: Theragāthā 992-993, 998-1000, 1006 and 1015, dịch Anh P.H.

Th.216 Mahā-moggallāna

(Mahā-) Moggallāna kể lại rằng vào thời một vị Phật quá khứ, Ngài đã là một Māra tên là Dūsī (Majjhimanikāya I.333), nhưng giờ đây đã được giác ngộ dưới thời đức Phật Gotama.

Sống rừng, hành khất thực, vui tàn thực trong bát, phá tan quân tử thần, nội tâm khéo an tĩnh.

(Với Ma Vương:) Ai muốn nhuộm bầu trời, màu vàng hay màu khác, với nghĩ tưởng như vậy, chỉ tự gây khốn mình.

Tâm này như hư không, nội tại cực định tĩnh. Ác tâm, chớ đến gần, như chim bay vào lửa.

Ðược khuyên bởi Thánh giả, vô học tối hậu thân, ta nhấn ngón chân mình, chấn động lầu Lộc Mẫu (để khiến các tỳ-kheo không trang nghiêm và ồn ào yên lặng[5]). …

Ánh chớp nhá hang động, khe núi Vebhāra, khe núi

Paṇḍava, người trong hang vẫn thiền, ấy con đấng Vô tỷ.

Chỉ trong một chớp mắt, biết một nghìn thế giới,  gồm cả Phạm thiên trụ; bằng thần thông trí chứng, và sanh tử trí lực, tỳ-kheo thấy chư thiên.

Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, bằng trí, giới, tịch tĩnh, vượt sang bờ bên kia, vì vậy thành tối thượng.

Sát-na biến một thân, thành trăm ngàn ức triệu; ta thần thông tự tại, thiện xảo hiện thần biến.

Mahā-moggallāna’s verses: Theragāthā 1146, 1155–56, 1164, 1167 and 1181–1183, dịch Anh P.H.

Th.217 Mahā-kassapa và Ānanda chuẩn bị kết tập

Phật ngôn lần thứ nhất

Đoạn này tường thuật thời gian ngay sau khi đức Phật diệt độ. Vị đại đệ tử có ảnh hưởng nhất vẫn còn sống là Mahā- kassapa, tỳ-kheo khổ hạnh, yêu thiên nhiên, đã triệu tập một nhóm các vị A-la-hán trùng tụng những lời dạy của đức Phật nhằm đảm bảo được nhớ kỹ và lưu truyền chính xác (đây thường được gọi là ‘kỳ kết tập đầu tiên’). Tỳ-kheo Ānanda, thị giả cận thân của đức Phật trong nhiều năm (xem *L.65 và *Th.212), có trí nhớ và kiến thức tuyệt vời về những gì đức Phật đã dạy, nhưng bấy giờ vẫn chưa là A-la-hán, mặc dù đã là một thánh giả đang hành đạo, là một vị Dự lưu. Vào buổi tối trước khi Tăng cử hành kết tập, A-nan đã nỗ lực đặc biệt chứng quả A-la-hán qua suốt đêm thiền định. Ngay thời điểm cảm thấy mệt mỏi muốn nằm nghỉ, nhưng vừa ngả người xuống, thân chưa chạm chỗ nằm, Tôn giả chứng A-la-hán quả, trong tư thế không phải nằm cũng không phải ngồi. (Mahā-kassapa:) ‘Hãy tập họp ở đây, này chư Trưởng lão, hãy tụng đọc Pháp và Luật trước khi phi Pháp hưng thịnh và Pháp suy tàn, trước khi phi Luật hưng thịnh và Luật suy tàn, trước khi những kẻ thuyết phi Pháp mạnh lên và những người thuyết đúng Pháp yếu đi, trước khi những kẻ thuyết phi Luật mạnh lên và những người thuyết đúng Luật yếu đi.’

‘Vậy, thưa Đại đức, Thương tọa hãy tuyển chọn các tỳ-kheo.’ Rồi tôn giả Mahā-kassapa muốn tuyển chọn năm trăm vị A- la-hán, thiếu một. Các vị tỳ-kheo nói với tôn giả Mahā- kassapa: ‘Đại đức, Trưởng lão Ānanda đây tuy còn là  bậc hữu học, nhưng không bị chi phối bởi tham, sân, si, hay  kiêng sợ; và Trưởng lão ấy lại thông hiểu nhiều Pháp và Luật từ đức Thế Tôn. Vậy, thưa Đại đức, xin hãy chọn luôn cả Trưởng lão Ānanda.’ Rồi tôn giả Mahā-kassapa chọn luôn cả tôn giả Ānanda

Sau đó, các tỳ-kheo trưởng lão đến thành Rājagaha để tụng đọc Pháp và Luật…

Khi ấy tôn giả Ānanda nghĩ rằng: ‘Ngày mai Tăng tập hội. Thật không thích đáng cho ta khi ta khi còn là bậc hữu học mà đi đến tập hội.’ Qua gần hết đêm chánh niệm thân, cho đến khi đêm gần tàn, nghĩ rằng: ‘Ta sẽ nằm xuống’, rồi nghiêng mình, nhưng lúc đầu chưa chạm gối và hai chân mới giở khỏi đất, trong khoảnh khắc ấy Ānanda tâm giải thoát các lậu, không còn chấp thủ. Rồi tôn giả Ānanda đi đến tập hội. Cullavagga XI.1–6: Vinaya II.285–286, dịch Anh P.H

Th.218 Ānanda

Đa văn, thuyết mỹ diệu, thị giả Phật Thế Tôn, đặt gánh nặng, tháo xiềng, Cù-đàm (A-nan) nằm ngủTám vạn hai pháp uẩn, tôi nhận từ đức Phật, hai ngàn từ tỳ-kheo, Pháp hiện tám vạn tư.

Tuổi già mà ít học, cũng già như trâu cày; thịt nó tuy lớn thêm, nhưng tuệ không tăng trưởng.

Học nhiều khinh ít học, nghĩ rằng ta có học, với ta, chẳng khác gì, người mù mang theo đèn.

Trong hai mươi lăm năm, ta thị giả Thế Tôn, thân, ngữ, ý từ ái, như bóng không rời hình.

Khi Phật đi kinh hành, Ta kinh hành theo sau. Khi nghe pháp được thuyết, trí khởi lên trong ta.

Ānanda’s verses: Theragāthā 1021, 1024-1026 and 1041–1044, dịch Anh P.H.

Th.219 A-la-hán lùn có đại thần thông

Đoạn này nêu rõ rằng sự dị dạng thân thể cũng có thể đi đôi với thành tựu tâm linh lớn lao.

Rồi Tôn giả Bhaddiya Lùn đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy tôn giả từ xa đi đến, liền gọi các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, các ông có thấy không, tỳ-kheo kia đang đi đến, xấu xí, khó nhìn, còng lưng, bị các tỳ-kheo khinh miệt?’ ‘Thưa có, bạch Thế Tôn.’ ‘Này các tỳ-kheo, tỳ-kheo ấy có đại thần thông và đại uy lực. Thật không dễ tìm thấy một thành tựu gì mà vị tỳ- kheo ấy chưa đạt được

Ngỗng, cò, công, voi, hươu, lớn nhỏ sợ sư tử.

Loài người, kẻ có trí, lớn hơn thân kẻ ngu. Bhaddi Sutta: Saṃyutta-nikāya II.279, dịch Anh G.A.S.

Các đại đệ tử A-la-hán tỳ-kheo-ni

Ni giới thọ cụ túc (tức bhikkhunī / bhikṣuṇīs) hiện vẫn còn ở Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam, mặc dù ở vùng Tây Tạng, người nữ chỉ có thể thọ giới thấp hơn. Cả hai hình thức thọ giới cho nữ giới đều mất tại các vùng Thượng tọa bộ vào khoảng thế kỷ thứ mười ba, mặc dù người nữ với một hình thức bán xuất gia vẫn tồn tại ở đó. Cuối thế kỷ hai mươi đã chứng kiến những nỗ lực lớn để hồi sinh ni đoàn Thượng tọa bộ trọn vẹn, với sự giúp đỡ của các tỳ-kheo-ni

Đông Á. Những năm 1990 chứng kiến ni đoàn tái lập tại Sri Lanka, dù sẽ mất nhiều thời gian trước khi nó được các tỳ- kheo trưởng thượng chấp nhận ở tất cả các quốc gia Thượng tọa bộ, vì có cuộc tranh luận về việc liệu một sự phục hưng như vậy có khả dĩ hay không.

Th.220 Khởi nguyên của Ni chúng

Đoạn này kể lại cách đức Phật lần đầu cho phép người nữ được thọ giới tỳ-kheo-ni, yêu cầu này đến từ bà Mahā- pajāpatī, em gái của mẹ Ngài, người đã nuôi dưỡng Ngài từ khi mẹ Ngài qua đời sau khi sinh Ngài, và bà đã kết hôn với cha Ngài. Có cuộc tranh luận học thuật về ý nghĩa, hàm ý và tính lịch sử của đoạn văn này. Việc thọ giới tỳ-kheo-ni Phật giáo của người nữ đã giúp nâng cao vị thế của người nữ ở Ấn-độ.

Rồi Trưởng lão Ānanda bạch đức Thế Tôn: ‘Bạch Đại Đức, người nữ, nếu xả gia xuất gia trong Pháp và Luật đã được  đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Dự lưu, hoặc chứng ngộ quả vị Nhất lai, hoặc chứng ngộ quả vị Bất hoàn, hoặc chứng ngộ quả vị A-la-hán hay không?’

‘Này Ānanda, người nữ, nếu xả gia xuất gia trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Dự lưu, hoặc chứng ngộ quả vị Nhất lai, hoặc chứng ngộ quả vị Bất hoàn, hoặc chứng ngộ quả vị A-la-hán.’ ‘Bạch Đại Đức, bởi người nữ có khả năng chứng ngộ như vậy, thiết nghĩ, bạch Ngài, Mahāpajāpatī Gotamī cũng có thể như vậy. Đức Bà đã thi ân rất nhiều cho Thế Tôn, là di mẫu, kế mẫu, bảo mẫu, dưỡng mẫu, nhũ mẫu của Thế Tôn. Khi sanh mẫu của Thế Tôn mạng chung, Đức Bà đã cho đức Thế Tôn bú sữa.

Bạch Đại Đức, hãy để người nữ có thể xả gia xuất gia trong

Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.’

‘Này Ānanda, nếu Mahāpajāpatī Gotamī có thể lãnh thọ tám pháp tôn trọng, thì đó chính là cụ túc giới đối với bà:

(1) Tỳ- kheo-ni dù đã thọ cụ túc giới trăm năm cũng phải hành sự kính lễ, đứng dậy, chắp tay, và cung kính đối với tỳ-kheo, dù chỉ mới thọ cụ túc vào ngày hôm ấy. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời.

(2) Tỳ-kheo-ni không được an cư ở trú xứ không có tỳ-kheo. Đây là pháp cần được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời.

(3) Vào mỗi nửa tháng, Tỳ-kheo-ni phải đến trước tỳ-kheo tăng thỉnh cầu hai pháp: hỏi ngày bố-tát và thỉnh giáo giới. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời.

(4) Cuối hạ an cư, tỳ-kheo-ni phải trước hai bộ Tăng hành ba sự tự tứ: thấy, nghe, nghi. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời.

(5) Nếu tỳ-kheo-ni phạm thô tội (taṅghādisesa / tăng tàn), phải hành nửa tháng ma-na-đỏa (mānatta) trước hai bộ Tăng. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời.

(6) Nếu thức- xoa-ma-na đã qua hai năm học giới trong sáu học pháp phải đến cầu thọ cụ túc trước hai bộ Tăng. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời.

(7) Tỳ-kheo-ni không được mạ lỵ, phỉ báng tỳ-kheo dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời.

(8) Kể từ hôm nay, tỳ-kheo-ni không được giáo giới tỳ-kheo, nhưng tỳ-kheo được giáo giới tỳ-kheo-ni. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời. Này Ānanda, nếu bà Mahā-Pajāpatī Gotamī thọ nhận tám trọng pháp, hãy xem nó đối với bà như là cụ túc giới.

Sau đó, tôn giả Ānandađã đi đến gặp bà Mahā-Pajāpatī Gotamī, và nói như vầy: ‘Thưa bà Gotamī, nếu bà có thể thọ nhận pháp tôn trọng này, được xem là thọ cục túc đối với bà.’ ‘Thưa tôn giả Ānanda, cũng giống như người nữ hoặc người nam còn trẻ, ở tuổi thanh niên, và ưa thích trang điểm, vừa mới gội đầu, và được nhận tràng hoa sen xanh, hoặc tràng hoa nhài, hoặc tràng hoa atimuttaka, nên thọ lãnh bằng hai tay rồi đặt lên ở đỉnh đầu, phần cao quý nhất của thân; thưa tôn giả Ānanda, cũng tương tợ như vậy, tôi thọ nhận tám trọng pháp này cho đến trọn đời không vi phạm.’

Sau đó, tôn giả Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn; sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn, ngồi xuống một bên, tôn giả Ānanda bạch đức Thế Tôn: ‘Bạch Đại Đức, bà Mahā-Pajāpatī Gotamī đã thọ nhận tám pháp tôn trọng; Di mẫu của Thế Tôn đã được thọ cụ túc.’

Cullavagga X.3–5: Vinaya II.254–255, dịch Anh G.A.S.

Th.221 Chư đệ tử tỳ-kheo-ni ưu việt và phẩm chất

Này các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni có tín tâm, hy cầu chơn chánh, nên hy cầu như vầy: ‘Mong rằng ta sẽ thành như tỳ-kheo-ni Khemā và Uppalavaṇṇā!’ Ðây là chuẩn mực, là mẫu mực, cho các tỳ-kheo-ni đệ tử của Ta, tức là tỳ-kheo-ni Khemā và Uppalavaṇṇā.

Āyācana-vagga 12, sutta 2: Aṅguttara-nikāya I.88, dịch Anh P.H.

Này các tỳ-kheo, trong các tỳ-kheo-ni đệ tử của Ta, đệ nhất hạ lạp là Mahā-pajāpatī Gotamī. Trong các tỳ-kheo-ni đệ tử của Ta: đệ nhất đại trí tuệ, là Khemā; đệ nhất thần thông, là Uppalavaṇṇā; đệ nhất trì Luật, là Paṭācārā; đệ nhất thuyết pháp, là Dhammadinnā; đệ nhất tu thiền, là Nandā; đệ nhất sách cần tinh tấn, là Soṇā; đệ nhất thiên nhãn, là Sakulā; đệ nhất thắng trí (thần thông) mau lẹ, là Bhaddā Kuṇḍalakesā; đệ nhất ức niệm các đời quá khứ, là Bhaddā Kāpilāni; đệ nhất chứng đạt đại thắng trí, là Bhaddā Kaccānā;[6]đệ nhất trì thô y, là Kisāgotamī; đệ nhất tín thắng giải, là Sigālamātā. Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.25, dịch Anh P.H.

Th.222 Khemā

Trong đoạn này, vua Pasenadi muốn viếng thăm một sa-môn hoặc bà-la-môn, nhưng cuối cùng lại được dẫn đến tỳ-kheo- ni Khemā:[7]

‘Nay tiếng đồn tốt đẹp về vị nữ Thánh giả ấy được truyền đi như vầy: “Ni sư ấy là vị có trí, hiền trí, thông minh, đa văn, khéo nói, lanh lợi.” Ðại vương hãy đến yết kiến ni sư.’

… [Vua đến chỗ ni sư và hỏi, Như Lai sau khi chết tồn tại? không tồn tại? cả hai? không cả hai? nhưng với cả bốn, ni sư đều nói: “Thế Tôn không trả lời (xem *Th.10 và 20).] ‘Vậy, thưa Thánh ni, do nhân gì và duyên gì mà Thế Tôn không trả lời?’

‘Vậy giờ, thưa Đại vương, tôi sẽ hỏi Ngài về một chuyện tương tự. Xin hãy trả lời theo chỗ Ngài thấyNgài nghĩ thế nào, thưa Đại vương, Ngài có người kế toán hay chưởng ấn hay toán số nào có thể đong lường được nước của biển lớn như vầy: “Có rất nhiều đấu nước”, hay“Có rất nhiều trăm ngàn đấu nước”?’ ‘Không có, thưa Thánh ni. Vì sao? Vì rằng biển lớn thâm sâu, vô lường, khó dò đến đáy.’

‘Cũng vậy, thưa Đại vương, sắc mà qua đó người ta có khái niệm Như Lai; sắc ấy đã bị Như Lai đoạn trừ, cắt đứt rễ, như thân cây ta-la, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Như Lai, thưa đại vương, vượt ngoài ước lượng bằng sắc. Như Lai thâm sâu, vô lường, khó dò đến đáy như biển lớn. [Vì thế bốn câu hỏi trên về Như Lai sau khi chết chẳng thích đáng; cũng vậy, như nói về ‘sắc’, thay bằng thọ, tưởng, hành, và thức. Vua sau đó hỏi Phật những câu hỏi tương tự và cũng được trả lời như vậy, như trong *Th.10.] Khemā Sutta: Saṃyutta-nikāya IV.374–377, dịch Anh P.H.

Th.223 Uppalavaṇṇā

Uppalavaṇṇā (Liên Hoa Sắc) rất xinh đẹp và được cầu hôn bởi nhiều người trước khi thọ đại giới.

‘Thấy nguy hiểm trong dục, xuất ly mới an ổn, ta đi đến Vương Xá, xuất gia, sống không nhà.

Ta biết các đời trước, thiên nhãn được thanh tịnh; trí biết được tâm người; nhĩ giới được thanh tịnh. Thần thông ta cũng chứng; ta đã đắc lậu tận: ta chứng sáu thắng trí; lời Phật đã làm xong.

Hóa hiện xe bốn ngựa, bằng năng lực thần thông, ta đảnh lễ chân Phật, thế giới chủ, quang vinh.’ (Ma Vương: ) … ‘người đứng ở gốc cây, một mình chẳng bầu bạn; ngươi sợ kẻ xấu chăng?’

‘Dẫu trăm ngàn kẻ xấu, cùng đến đây như ngươi, ta mảy lông chẳng động. Ác ma, ngươi sá gì?’ Uppalavaṇṇā’s verses: Therīgāthā, 226–231, dịch Anh P.H.

Th.224 Một phụ nữ vượt qua đau khổ vì con gái chết, và thànhA-la-hán

Trong những bài kệ này, một tỳ-kheo-ni, giờ đây đã giác ngộ, nhớ lại bà đã đau khổ như thế nào khi con gái chết, nhưng đức Phật đã nói rằng bà đã đau buồn cho rất nhiều con gái trong các đời trước, giúp bà loại bỏ ‘mũi tên’ đau buồn và chuyển sang con đường tu hành.

‘Trong rừng, nàng khóc, “Ơi Jīva”. Này Ubbirī, hãy tự hiểu. Hỏa táng tám vạn tư Jīva: đứa con nào nàng đang khóc than?’

‘Ngài nhổ tên cắm sâu trong tôi, tiếc thương con dần dần được nguôi. Tên đã nhổ, vô dục, tịch tĩnh, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng.’ Ubbirī’s verses: Therīgāthā 51–53,dịch Anh G.A.S.

Th.225 Một phụ nữ bị ba người chồng bỏ, thành tỳ-kheo- ni, rồi thành A-la-hán

Những bài kệ vẽ ra hình ảnh về một phụ nữ bị ba người chồng bỏ và sau đó xuất gia thành tỳ-kheo-ni và chứng ngộ. Trong những bài kệ tiếp theo những bài dưới đây, bà nói những khó khăn của mình với những người chồng là từ nghiệp xấu bảy đời trước: khi làm một người đàn ông, ông  đã ngoại tình với vợ của một người đàn ông khác. Kết quả của nghiệp này là: tái sinh trong địa ngục, rồi lần lượt thành ba con thú bị thiến – một con khỉ, dê và bê – sau đó thành người nô lệ lưỡng tính, sau đó thành một cô gái nghèo làm  vợ lẽ, rồi đời cuối cùng làm một người nữ bị chồng bỏ. Các bài kệ này minh họa cho sự vận hành của nghiệp, sự thay đổi giới tính trong những lần tái sinh, và khả năng vượt ra ngoài những giới hạn nghiệp.

Trong diệu địa, thành hoa, thành

Ba-tra-lị

(Pāṭaliputta), từ Thích-tộc xuất sanh, hai ni hữu đức.

Một Isidāsī, và hai là Bodhi, có giới,

vui thiền tọa, đa văn, trừ phiền não.

Sau khi khất thực về, ăn xong, rửa sạch bát,

an tọa nơi vắng vẻ, cùng nói lên lời này:

[Ni Bodhi] ‘Hỡi Isidāsī, trẻ đẹp, chưa suy lão,

do thấy nguy hại gì, mà chí nguyện xuất ly?’

Khi được hỏi như vậy, độc cư,

khéo thuyết pháp, Isidāsi đáp:

‘Bodhī, hãy lắng nghe, tôi xuất gia như vầy.’

Ujjenī thắng đô, cha tôi giàu, đức hạnh.

Ta ái nữ duy nhất, đẹp, khả ý, khả ái.

Sāketa vọng tộc, mai mối đến cầu hôn;

trưởng giả, nhiều tài bảo, cha ta hứa gả cho.

Sáng và chiều, tôi đến, đảnh lễ cha, mẹ chồng

. Cúi đầu đảnh lễ chân, như đã được dạy bảo.

Thấy một ai bước vào, dù anh chị em chồng,

hay bà con của chồng, tôi run sợ, mời ngồi.

Thức ăn, uống, loại cứng, được cất giữ có chỗ,

tôi bưng dọn cho ăn, thích hợp từng người một.

Ta thức dậy đúng thời, đi vòng quanh nhà chồng,

rồi chà rửa chân tay, tôi chấp tay lễ chồng.

Cầm lược, hương liệu, thuốc bôi mắt, gương soi,

tôi trang điểm cho chồng, hầu hạ như thị tì.

Tôi tự nấu dọn cơm, tự tay rửa chén bát,

như mẹ đối với con, tôi hầu chồng như vậy.

Hầu hạ chồng tận tụy, dậy sớm, không biếng nhác,

khiêm tốn, và trinh thục, nhưng chồng ác cảm tôi.

Chồng tôi nói mẹ cha: “Xin phép, con sẽ đi.

Không thể sống cùng nhà, với Isidāsī.”

“Này con, chớ nói vậy. Vợ con người có trí, thông minh, biết dậy sớm, sao con không hoan hỷ?”

“Nàng không hại gì con, nhưng không sống chung được; con ghét cay, chán ngấy. Xin phép, con sẽ đi”. Nghe lời chồng nói vậy, cha mẹ chồng hỏi tôi: “Làm gì xúc phạm chồng, hãy thẳng thắn nói thật”.

“Con không xúc phạm gì. Không hại, không ác ngữ. Sao chồng ghét bỏ con; con biết làm sao được?” Thất vọng và khổ não, họ trả ta về nhà: “Muốn bảo vệ con trai, mất Cát tường thiên nữ.”

Cha ta lại gả ta, cho phú hộ thứ hai, bằng lòng nửa số tiền, là tiền gả bán ta.

Ta ở đó một tháng, vị ấy trả lui ta, dù tận tụy như hầu, không lỗi lầm, trinh thục.

Thấy hành khất lang thang, tự răn và răn người: “Bỏ áo rách, ghè bình. Làm rễ ta!”

Chỉ sống được nửa tháng, rồi nói với cha tôi: “Trả tôi áo, ghè, bát, tôi lại đi khất thực.”

Cha, mẹ, cả bà con, đều nói với ông ấy: “Ở đây có chuyện gì? Cứ nói, ta sẽ làm.”

Nghe vậy, ông trả lời: “Tuy tôi được tôn trọng, nhưng không thể chung nhà, với Isidāsī.”

Từ giã, ông ấy đi. Một mình, tôi suy nghĩ: “Ta cầu xin, bỏ đi, hoặc chết hoặc xuất gia.”

Rồi Jinadattā, Thánh ni thông trì Luật, đa văn, trì tịnh giới, khất thực đến nhà cha.

Dâng no đủ các món, ăn, uống và loại cứng, tôi nói:

“Bạch Thánh ni, con xin được xuất gia.”

Cha bảo tôi: “Con yêu, hãy ở đây, cũng có thể tu hành, và cúng dường ẩm thực, sa-môn, bà-la-môn.”

Tôi chắp tay lạy cha, vừa khóc vừa thưa rằng: “Ác nghiệp con đã làm (trong đời quá khứ); con muốn dứt sạch nghiệp.”

Cha nói: “Vậy hãy chứng, bồ-đề pháp tối thượng, và chứng đắc Niết-bàn, Lưỡng Túc Tôn đã chứng”. Tôi đảnh lễ mẹ cha, cùng tất cả bà con, sau bảy ngày xuất gia, tôi chứng được Ba minh.

Isidāsī’s verses: Therīgāthā 400–433, dịch Anh G.A.S.

***

[1] Xem Thera and Hellmuth Hecker, Great Disciples of the Buddha,

Boston: Wisdom Publications, 1997, pp.1-244, và tìm theo tên tại: http://www.accesstoinsight.org/

[2] Xem *L.33.

[3] pavāranā: thỉnh cầu người khác chỉ điểm lỗi của mình chứng cứ theo thấy, nghe, và nghi. Buổi lễ đánh dấu kết thúc của kỳ an cư trong ba tháng ‘mưa’ (Vassa).

[4] Tất cả những hạng tỳ-kheo này đều là A-la-hán: hạng đầu tiên có túc mạng minh, ký ức về các đời trước, thiên nhãn minh thấy chúng sanh tái sinh theo nghiệp như thế nào, và lậu tận minh dứt sạch phiền não; hạng thứ hai sở đắc sáu thứ thần thông biến hóa; hạng thứ ba, A-la-hán đắc Diệt định; hạng thứ tư, giải thoát do tuệ.

[5] Saṃyutta-nikāya V.269–70.

[6] Chú giải Aṅguttara-nikāya (I.204–5) xác định bà là vợ cũ của đức Phật khi còn là thái tử.

[7] Xem Nyanaponika Thera and Hellmuth Hecker, Great Disciples of the Buddha, Boston: Wisdom Publications, 1997, pp.263–269.