KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

 

QUYỂN THỨ MƯỜI BỐN

PHẨM THÁN TỊNH 
THỨ BỐN MƯƠI HAI

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thanh tịnh nầy rất sâu!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Những pháp nào thanh tịnh nên thanh tịnh nầy rất sâu?”

Đức Phật nói: “Vì sắc thanh tịnh nên thanh tịnh nầy rất sâu. Vì thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh, vì tứ niệm xứ thanh tịnh, nhẫn đến vì mười tám pháp bất cộng thanh tịnh, vì Bồ Tát thanh tịnh, vì Phật thanh tịnh, vì nhứt thiết trí và nhứt thiết chủng trí thanh tịnh nên thanh tịnh nầy rất sâu”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thanh tịnh nầy rất sáng!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Những pháp nào thanh tịnh nên thanh tịnh nầy rất sáng?”

Đức Phật nói: “Vì Bát nhã ba la mật nhẫn đến Đàn na ba la mật thanh tịnh nên thanh tịnh nầy rất sáng. Vì tứ niệm xứ nhẫn đến nhứt thiết chủng trí thanh tịnh nên thanh tịnh nầy rất sáng”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thanh tịnh nầy chẳng tương tục!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “những pháp nào chẳng tương tục nên thanh tịnh nầy chẳng tương tục?”

Đức Phật nói: “Vì sắc chẳng đi, chẳng tương tục nên thanh tịnh nầy chẳng tương tụ. Nhẫn đến nhứt thiết chủng trí chẳng đi, chẳng tương tục nên thanh tịnh nầy chẳng tương tục”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thanh tịnh nầy vô cấu!”

Đức Phật nói: Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất nói: “Những pháp nào vô cấu nên thanh tịnh nầy vô cấu?”

Đức Phật nói: “Vì sắc tánh thường thanh tịnh nên thanh tịnh nầy vô cấu. Nhẫn đến vì nhứt thiết chủng trí tánh thường thanh tịnh nên thanh tịnh nầy vô cấu”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thanh tịnh vô đắc, vô trước!” Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Những pháp nào vô đắc, vô trước nên thanh tịnh nầy vô đắc, vô trước?”

Đức Phật nói: “Vì sắc vô cấu, vô trước nhẫn đến vì nhứt thiết chủng trí vô đắc, vô trước nên thanh tịnh nầy vô đắc, vô trước”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thanh tịnh nầy vô sanh!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Những pháp nào vô sanh nên thanh tịnh nầy vô sanh?”

Đức Phật nói: “Vì sắc vô sanh, nhẫn đến vì nhứt thiết chủng trí vô sanh nên thanh tịnh nầy vô sanh”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thanh tịnh nầy chẳng sanh trong Dục giới!”

Đức Phật nói: “vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Tại sao thanh tịnh nầy chẳng sanh trong Dục giới?”

Đức Phật nói: “Dục giới tánh bất khả đắc nên thanh tịnh nầy chẳng sanh trong Dục giới!”

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thanh tịnh nầy chẳng sanh trong Sắc giới!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Tại sao thanh tịnh nầy chẳng sanh trong Sắc giới?”

Đức Phật nói: “Sắc giới tánh bất khả đắc nên thanh tịnh nầy chẳng sanh trong Sắc giới”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thanh tịnh nầy chẳng sanh trong Vô sắc giới?”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Tại sao thanh tịnh nầy chẳng sanh trong Vô sắc giới?”

Đức Phật nói: “Vô sắc giới tánh bất khả đắc nên thanh tịnh nầy chẳng sanh trong Vô sắc giới“.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thanh tịnh nầy vô tri!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Tại sao thanh tịnh nầy vô tri?”

Đức Phật nói: “Vì các pháp độn nên thanh tịnh nầy vô tri”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Sắc vô tri nên thanh tịnh nầy thanh tịnh!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Tại sao sắc vô tri nên thanh tịnh nầy thanh tịnh?”

Đức Phật nói: “Vì sắc tự tánh rỗng không nên sắc vô tri mà thanh tịnh nầy thanh tịnh”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thọ, tưởng, hành, thức vô tri nên thanh tịnh nầy thanh tịnh!”

Đức Phật nói: “Vì rốt thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Tại sao thọ, tưởng, hành, thức, vô tri nên thanh tịnh nầy thanh tịnh?”

Đức Phật nói: “Vì thọ, tưởng, hành, thức tự tánh rỗng không nên thọ, tưởng, hành, thức vô tri mà thanh tịnh nầy thanh tịnh”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Tất cả pháp thanh tịnh nên thanh tịnh nầy thanh tịnh!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Tại sao tất cả pháp thanh tịnh nên thanh tịnh nầy thanh tịnh?”

Đức Phật nói: “Vì tất cả pháp bất khả đắc nên tất cả pháp thanh tịnh mà thanh tịnh nầy thanh tịnh”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật nầy đối với nhứt thiết trí không làm thêm, không làm bớt!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! tại sao đối với nhứt thiết trí, Bát nhã ba la mật nầy không làm thêm, không làm bớt?”

Đức Phật nói: “Vì pháp thường trụ, nên đối với nhứt thiết trí, Bát nhã ba la mật nầy không làm thêm, không làm bớt.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật thanh tịnh nầy đối với các pháp không chỗ thọ nhận!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Tại sao Bát nhã ba la mật thanh tịnh đối với các pháp không chỗ thọ nhận?”

Đức Phật nói: “Vì pháp tánh bất động nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh nầy không chỗ thọ nhận đối với các pháp”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Ngã thanh tịnh nên sắc thanh tịnh mà rốt ráo thanh tịnh?”

Đức Phật nói: “Vì ngã vô sở hữu nên sắc vô sở hữu mà rốt ráo thanh tịnh”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Ngã thanh tịnh nên thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Do cớ gì nã thanh tịnh nên thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh mà rốt ráo thanh tịnh?”

Đức Phật nói: “Vì ngã vô sở hữu nên thọ, tưởng, hành, thức vô sở hữu mà rốt ráo thanh tịnh”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Ngã thanh tịnh nên sáu ba la mật, tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng thanh tịnh!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Tại sao vậy?

Vì ngã vô sở hữu nên sáu ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng vô sở hữu mà rốt ráo thanh tịnh”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Ngã thanh tịnh nên quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến Phật đạo thanh tịnh!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Tại sao vậy?

Vì tự tướng không vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Ngã thanh tịnh nên nhứt thiết trí thanh tịnh!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Tại sao vậy?

Vì vô tướng vô niệm vậy?”

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Do hai thanh tịnh nên vô đắc, vô trước là thanh tịnh!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Tại sao vậy?

Vì vô cấu, vô tịnh vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Ngã vô biên nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Tại sao vậy?

Vì rốt ráo không và vô thỉ không vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát có thể biết như vậy thời gọi là đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật!”

Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Tại sao vậy?

Vì biết đạo chủng vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, do sức phương tiện nên nghĩ rằng sắc chẳng biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng biết thọ, tưởng, hành, thức, pháp quá khứ chẳng biết pháp quá khứ, pháp vị lai chẳng biết pháp vị lai, pháp hiện tại chẳng biết pháp hiện tại”.

Đức Phật nói: “Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, do sức phương tiện nên chẳng nghĩ tôi bố thí cho người, cũng chẳng nghĩ rằng tôi trì giới, trì giới như vậy, tôi nhẫn nhục, tu nhẫn nhục như vậy, tôi tinh tấn, tinh tấn như vậy, tôi nhập thiền, nhập thiền như vậy, tôi tu trí huệ, tu trí huệ như vậy, tôi được phước đức, được phước đức như vậy.

Đại Bồ Tát nầy cũng chẳng nghĩ rằng tôi sẽ vào trong bực Bồ Tát, tôi sẽ thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh, tôi sẽ được nhứt thiết chủng trí.

Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát nầy thật hành Bát nhã ba la mật, do phương tiện lực nên không có những nhớ tưởng phân biệt, vì là nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhứt nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, chư pháp không, tự tướng không vậy.

Nầy Tu Bồ Đề! Đây gọi là đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, do phương tiện lực nên được vô ngại”.

Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Thế nào là thiện nam tử cầu Bồ Tát đạo có pháp chướng ngại?”
Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Có những thiện nam, thiện nữ cầu Bồ Tát đạo mà nắm lấy tâm tướng. Những là nắm lấy tướng Đàn na ba la mật, nắm lấy tướng Thi la ba la mật nhẫn đến tướng Bát nhã ba la mật, nắm lấy tướng nội không nhẫn đến tướng vô pháp hữu pháp không, nắm lấy tướng tứ niệm xứ nhẫn đến tướng bát thánh đạo, nắm lấy tướng thập lực nhẫn đến tướng mười tám pháp bất cộng, nắm lấy tướng chư Phật, nắm lấy tướng thiện căn của chư Phật gieo trồng. Đem tướng nắm lấy tất cả phước đức hòa hiệp đó hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Đây là pháp chướng ngại của thiện nam, thiện nữ cầu đạo Bồ Tát.

Dụng pháp trên đây thời chẳng thể vô ngại thật hành Bát nhã ba la mật.

Tại sao vậy?

Vì tướng sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể hồi hướng, nhẫn đến tướng nhứt thiết chủng trí chẳng hồi hướng.

Nầy Kiều Thi Ca! Nếu giáo hóa cho người đến Vô thượng Bồ đề, đại Bồ Tát phải giáo hóa thiệt tướng của tất cả pháp.

Thiện nam, thiện nữ nếu cầu đạo Bồ Tát, lúc thật hành Đàn na ba la mật, chẳng nên phân biệt rằng tôi thí cho, tôi trì giới, tôi nhẫn nhục, tôi tinh tấn, tôi nhập thiền, tôi trí huệ, chẳng nên phân biệt rằng tôi tu nội không đến tôi tu vô pháp hữu pháp không, tôi tu tứ niệm xứ đến pháp bất cộng nhẫn đến Vô thượng Bồ đề.

Nếu giáo hóa Vô thượng Bồ đề như vậy, thời tự mình không sai lầm cũng như chỗ thuyết pháp của đức Phật, làm cho thiện nam, thiện nữ xa lìa tất cả pháp chướng ngại”.

Đức Phật khen Ngài Tu Bồ Đề: “Lành thay, lành thay! Đúng như lời của ông nói về những pháp chướng ngại cho chư Bồ Tát.

Nay ông lại lắng nghe tướng chướng ngại vi tế.

Có thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Bồ đề nắm lấy tướng để tưởng chư Phật.

Nầy Tu Bồ Đề! Những tướng có thể có, thời đều là tướng chướng ngại.

Lại đối với chư Phật, từ lúc phát tâm đến lúc pháp trụ, có bao nhiêu thiện căn, các thiện nam, thiện nữ nầy nắm lấy tướng mà tưởng nhớ, rồi hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Nầy Tu Bồ Đề! Những tướng có được thời đều là tướng chướng ngại.

Lại đối với những thiện căn của chư Phật, của đại đệ tử, của những chúng sanh khác, mà nắm lấy tướng hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Nầy Tu Bồ Đề! Những tướng có được thời đều là tướng chướng ngại.

Tại sao vậy?

Chẳng nên nắm lấy tướng để tưởng niệm chư Phật. Cũng chẳng nên nắm lấy tướng để tưởng niệm thiện căn của chư Phật”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật nầy rất sâu!”

Đức Phật nói: “Vì tất cả pháp thường ly vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi phải kính lễ Bát nhã ba la mật”.

Đức Phật nói: “Vì Bát nhã ba la mật nầy không khởi, không tác nên không ai có thể được”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Tất cả các pháp cũng chẳng thể biết, chẳng thể được”.

Đức Phật nói: “Tất cả pháp một tánh duy nhứt, chẳng phải hai tánh.

Pháp tánh duy nhứt nầy cũng là vô tánh. Vô tánh nầy chính là tánh. Tánh nầy chẳng khởi, chẳng tác.

Đúng vậy, nếu đại Bồ Tát biết các pháp một tánh duy nhứt là vô tánh không khởi, không tác, thời xa lìa tất cả tướng chướng ngại”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật nầy khó biết, khó hiểu”.

Đức Phật nói: “Đ0úng như lời ông nói. Bát nhã ba la mật nầy không người thấy, không người nghe, không người hay, không người biết, không người được”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật nầy chẳng thể nghĩ bàn”.

Đức Phật nói: “Đúng như lời ông nói. Bát nhã ba la mật nầy chẳng từ tâm sanh, chẳng từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh, nhẫn đến chẳng từ mười tám pháp bất cộng sanh”.