增 壹 阿 含 經
KINH TĂNG NHẤT A-HÀM
Đông Tấn Cồ Đàm Tăng Ca Đề Bà dịch
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
PL 2541 – TL 1997

 

TẬP III

XXXXII. PHẨM BÁT NẠN (1)

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở một nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Người phàm phu không nghe, không biết thời tiết thuyết pháp. Tỳ-kheo nên biết! Có tám thời không được nghe pháp, người không được tu hành. Thế nào là tám?

Nếu lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi được đến Niết-bàn. là việc làm của Như Lai, nhưng chúng sanh này ở trong địa ngục, không nghe, không thấy. Ðó là nạn đầu tiên.

Lại nếu lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi, mà chúng sanh này ở trong loài súc sanh không nghe, không thấy. Ðó là nạn thứ hai.

Lại nữa, lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi, nhưng chúng sanh này ở trong ngạ quỷ, không nghe, không thấy. Ðấy là nạn thứ ba.

Lại nữa, lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi. Nhưng chúng sanh này sống ở bên địa, phỉ báng Hiền Thánh, tạo các tà nghiệp. Ðó là nạn thứ năm.

Lại nữa, lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi đến được Niết-bàn, nhưng chúng sanh này tuy sống ở trung tâm của nước, nhưng sáu căn không đầy đủ, lại cũng không phân biệt được pháp thiện ác. Ðó là nạn thứ sáu.

Lại nữa, lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi đến được Niết-bàn, nhưng chúng sanh này tuy sống ở trung tâm của nước, sáu căn đầy đủ không có khuyết tật, mà tâm thức tà kiến; cho rằng người không thí, người không thọ, cũng không có quả báo thiện ác, không đời này, đời sau, cũng không cha mẹ, đời không có Sa-môn, Bà-la-môn v.v… có thành tựu quả A-la-hán, tự thân chứng được để tự an lạc. Ðó là nạn thứ bảy.

Lại nữa, lúc Như Lai không xuất hiện ở đời, Như Lai cũng không thuyết pháp đưa đến Niết-bàn, tuy chúng sanh này sống ở trung tâm nước, sáu căn đầy đủ, kham nhẫn thọ pháp, thông minh tài cao, nghe pháp hiểu liền, tu hành chánh kiến, biết có vật, có thí, có người thọ, có quả báo thiện ác, có đời này, đời sau, ở đời có Sa-môn, Bà-la-môn v.v… tu chánh kiến chứng được A-la-hán. Ðó là nạn thứ tám, chẳng được tu hành Phạm hạnh. Này Tỳ-kheo, đó gọi là tám nạn chẳng được tu hành Phạm hạnh.

Ở đây, này Tỳ-Kheo! Có một thời tiết cho người tu hành Phạm hạnh. Thế nào là một? Ðó là lúc Như Lai xuất hiện ở đời, rộng nói giáo pháp được đến Niết-bàn, và người này sanh ở trung tâm của nước, thế trí biện thông, thấy vật đều rõ biết, tu thành chánh kiến, cũng hay phân biệt các pháp thiện ác, biết có đời này, đời sau, đời có bậc Sa-môn, Bà-la-môn tu chánh kiến chứng được A-la-hán. Ðó là người Phạm hạnh tu hành một pháp được Niết-bàn.

Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:

Tám nạn không một loại
Khiến người không được đạo
Như nay hiện ở trước
Thế gian không thể gặp
Cũng nên học Chánh pháp
Cũng chớ mất chỗ này
Nhớ về lại quá khứ
Ðã sanh trong địa ngục
Ở đây đoạn vô dục
Tư duy nơi Chánh pháp
Còn mãi ở thế gian
Mà không lúc đoạn diệt.
Ở đây đoạn vô dục,
Tư duy nơi Chánh pháp
Ðoạn hẳn nguồn sanh tử
Còn mãi ở thế gian
Ðã được mang thân người
Phân biệt pháp chánh chân
Những người chưa đắc quả
Ắt dạo nơi tám nạn.
Nay nói có tám nạn,
Yếu hạnh của Phật pháp
Một nạn vẫn còn quá
Như bộng cây mặt biển
Tuy nên lìa một nạn
Mới có được lý này
Nếu lìa một Tứ đế
Là lìa hẳn chánh đạo
Thế nên hãy chuyên tâm
Tư duy về diệu lý
Chí thành nghe Chánh pháp
Liền được chỗ vô vi.

Thế nên Tỳ-kheo! Hãy cầu phương tiện xa lìa nơi tám nạn, chớ mong ở đó. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

2. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có tám địa ngục lớn. Thế nào là tám? Ðịa ngục Sống Lại; địa ngục Dây Ðen; địa ngục Ðẳng Hại; địa ngục Gào Khóc; địa ngục Gào Khóc Lớn; địa ngục A-Tỳ; địa ngục Nóng; địa ngục Nóng Lớn.

Như thế, này các Tỳ-kheo! Có tám đại địa ngục.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Sống Lại và Dây Ðen
Ðẳng Hại, hai Gào Khóc
Ngục A-Tỳ ngũ nghịch
Ðịa ngục Nóng, Nóng Lớn
Ðây gọi tám địa ngục
Trong ấy không thể ở
Ðều do gốc ác hạnh
Mười sáu lớp vách kín
Và trên địa ngục sắt kia
Lửa dữ, hằng thiêu đốt
Khắp trong một do tuần
Lửa hừng rất mạnh mẽ
Bốn thành, bốn lớp cửa
Trong đó rất bằng phẳng
Lại lấy sắt làm thành
Nắp sắt che trên đó.

Ðây do nhân duyên tội báo của chúng sanh, khiến cho chúng sanh kia thọ khổ vô lượng, máu thịt tiêu hết chỉ còn lại xương.

Vì những gì mà gọi là địa ngụa Sống Lại? Có những chúng sanh thân hình thẳng đơ không thể dao động, bị khổ bức bách mà không thể di chuyển, thân hình không còn máu thịt. Khi ấy họ tự bảo nhau: “Chúng sanh sống lại, sống lại”. Lúc đó, chúng sanh ấy liền tự sống lại. Do nhân duyên này nên gọi là địa ngục Sống Lại.

Lại vì nhân đâu lại gọi là địa ngục Dây Ðen? Chúng sanh kia hình thể gân mạch đều hóa thành dây để cứa vào thân, nên gọi là địa ngục Dây Ðen.

Lại do nguyên nhân gì mà lại gọi là địa ngục Ðẳng Hại? Ở đây, chúng sanh kia tụ tập một nơi, đầu bị chặt rồi mọc lại. Do nhân duyên này gọi là địa ngục Ðẳng Hại.

Lại do nhân duyên gì gọi là địa ngục Gào Khóc? Chúng sanh kia gốc lành đoạn dứt chẳng còn sót mảy lông tóc, ở trong địa ngục kia chịu khổ não vô lượng, trong đó kêu oán, tiếng gào không dứt. Do nhân duyên này gọi là địa ngục Gào Khóc.

Lại nữa, do nhân duyên gì gọi là địa ngục Gào Khóc Lớn? Chúng sanh trong địa ngục ấy chịu đau khổ vô lượng, không thể tính kể. Trong đó, họ hô hoán, đấm ngực, tự đánh mình và đồng thanh gào thét. Do nhân duyên này gọi là địa ngục Gào Khóc Lớn.

Lại do nhân duyên gì gọi là địa ngục A-tỳ? Những chúng sanh sát hại cha mẹ, phá hoại tháp Phật, làm rối loạn chúng Tăng, học tập tà kiến điên đảo, tương ưng với tà kiến, tất cả không thể chữa trị. Vì thế nên gọi là địa ngục A-tỳ.

Lại do nhân duyên gì mà gọi là địa ngục Nóng? Những chúng sanh ở trong địa ngục ấy, thân thể bốc khói, thảy đều tan nát, nên gọi là địa ngục Nóng.

Lại do nhân duyên gì gọi là địa ngục Nóng Lớn? Chúng sanh ở trong địa ngục này, đều không thấy sót lại chút gì của tội nhân. Nên gọi là địa ngục Nóng Lớn.

Thế là, này Tỳ-kheo! Do nhân duyên này gọi là tám địa ngục lớn. Mỗi địa ngục đều có mười sáu địa ngục nhỏ tên là địa ngục Ưu-bát, địa ngục Bát-đầu, địa ngục Câu-mâu-đầu, địa ngục Phân-đà-lợi, địa ngục Vị-tằng-Hữu, địa ngục Vĩnh-Vô, địa ngục Ngu Hoặc, địa ngục Súc-Tụ, địa ngục Ðao-Sơn, địa ngục Thang Hỏa, địa ngục Hỏa-sơn, địa ngục Khôi-Hà, địa ngục Kinh Cức, địa ngục Phức Thi, địa ngục Kiến Thọ, địa ngục Nhiệt Thiết Hoàn.

Như vậy, mười sáu địa ngục nhỏ này không thể xưng lượng, khiến chúng sanh kia sanh trong địa ngục. Hoặc có chúng sanh hủy bỏ chánh kiến phỉ báng và xa lìa Chánh pháp, sau khi mạng chung đều sanh trong địa ngục Sống Lại (Hoàn Hoạt)

Nếu có chúng sanh ưu thích sát sanh liền sanh trong địa ngục Dây Ðen.

Nếu có chúng sanh mổ giết Trâu dê, và nhiều loại khác, sau khi mạng chung sanh trong địa ngục Ðẳng Hại.

Nếu có chúng sanh không cho mà lấy trộm vật của người khác, liền sanh trong địa ngục Gào Khóc.

Nếu có chúng sanh thường ưa dâm dật, lại thêm nói dối, sau khi mạng chung liền sanh trong địa ngục Gào Khóc Lớn.

Nếu có chúng sanh sát hại cha mẹ, phá hoại chùa chiền, làm rối loạn Thánh chúng, phỉ báng Thánh nhân, học tập tà kiến điên đảo; người ấy sau khi mạng chung sanh trong địa ngục A-tỳ.

Nếu có chúng sanh nghe lời nói ở chỗ này đem truyền đến chỗ kia, nếu ở kia lại truyền đến chỗ này, tìm phương tiện xấu của người; người ấy sau khi mạng chung sanh trong địa ngục Nóng.

Nếu có chúng sanh gây tranh đấu rối loạn đôi bên, tham đắm vật của người, dấy khởi lẫn tiếc, tật đố, ôm lòng do dự; người ấy sau khi mạng chung sanh trong địa ngục Nóng Lớn.

Nếu có chúng sanh tạo ác nghiệp, sau khi mạng chung sanh trong mười sáu địa ngục nhỏ. Khi ấy ngục tốt hành hạ chúng sanh kia đau khổ khó lường, hoặc chặt tay, hoặc chặt chân, hoặc chặt tay chân, học cắt mũi, hoặc xẻo tai, hoặc cắt tai, mũi, hoặc lấy cây đè lên, hoặc lấy cỏ nhét vào bụng, hoặc treo tóc ngược, hoặc lột da, khoét thịt, hoặc chẻ làm hai, hoặc may kín lại, hoặc chặt rời năm phần, hoặc chặt lửa đốt, hoặc rưới nước sắt nóng lên, hoặc xé ra làm năm, hoặc kéo thân dài ra, hoặc dùng búa bén chặt đầu, giây lát sống lại. Cần cho tội nghiệp của người trong ngục trả xong, sau mới ra khỏi.

Có lúc ngục tốt bắt chúng sanh kia, lấy chày lớn đập nát thân thể, hoặc tuốt gân xương, lại rượt đuổi leo xuống. Có lúc có loài chim mỏ sắt lại mổ ăn, lại trói chặt năm chi không cho cử động, ném vào chảo nước sôi lớn, thêm dùng chĩa ba bằng sắt làm hại thân thể, gió thổi qua thân, sống lại như cũ. Có lúc ngục tốt lại bắt chúng sanh leo núi đao, núi lửa, không cho ngừng nghỉ. Trong đó chịu khổ không thể tính kể. Cần cho tội nghiệp đã tạo của người ấy hết rồi, sau mới ra.

Có lúc tội nhân không kham chịu sự thống khổ này, lại muốn vào địa ngục tro nóng chịu khổ vô lượng. Lại từ trong đó ra, vào lại địa ngục chẻ ngược, trong đó gió thổi đau đớn không thể xiết.

Lại từ trong đó ra, vào địa ngục phẩn nóng. Lúc ấy trong địa ngục phẩn nóng, có các loài trùng li ti rút rỉa thịt xương. Có lúc chúng sanh không chịu nổi thống khổ, lại dời vào địa ngục cây kiếm, thân thể tan nát, đau đớn không chịu được. Có lúc ngục tốt hỏi chúng sanh ấy rằng:

– “Các tội nhân từ đâu đến? ”

Khi ấy tội nhân đáp:

– “Chúng tôi cũng không biết từ đâu đến”

– “Rồi đi đâu?

– “Cũng không biết sẽ đi đâu

– “Bây giờ muốn những gì?

– “Chúng tôi rất đói khát”

Khi ấy ngục tốt lấy hoàn sắt nóng đổ vào miệng tội nhân ấy, đốt nát thân thể đau đớn không chịu nổi. Cần cho trả hết tội cũ rồi mới chết. Lúc ấy tội nhân lui tới trải qua bao nhiêu địa ngục như vậy, ở trong đó chịu khổ ngàn vạn năm, sau mới ra khỏi.

Tỳ-kheo nên biết! Vua Diêm-la bèn khởi nghĩ thế này: “Chúng sanh trong các cõi, thân miệng ý làm ác, sẽ chịu hết những tội như thế. Chúng sanh trong các cõi, thân miệng ý làm lành, những người như thế sẽ sanh cõi trời Quang Âm”.

Lúc ấy, Thế Tôn bèn nói kệ:

Người ngu thường vui vẻ
Như trời Quang Âm kia
Người trí thường sợ sệt
Cũng như ở địa ngục.

Lúc ấy tội nhân nghe vủa Diêm-la nói giáo lệnh này: “Ở đây đến lúc nào diệt hết các tội đã tạo thì chết rồi được thọ thân người, sanh vào trung tâm của nước, gặp Thiện tri thức, cũng gặp cha mẹ kính tin Phật pháp, ở trong chúng của Như Lai xuất gia theo học đạo, nơi hiện pháp dứt sạch hữu lậu thành vô lậu.

Nay ta bảo một lần nữa. Ông cần để ý, xa lìa tám nạn được sanh chốn trung tâm, cùng gặp Thiện tri thức, được tu Phạm hạnh, đạt kết quả của bổn nguyện, không mất lời thệ cũ”

Cho nên, này Tỳ-kheo! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn xa lìa tám địa ngục lớm và mười sáu địa ngục nhỏ, thì nên tìm phương tiện tu Tám chánh đạo. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Tỳ-xá-lỵ trong vườn Nại-kỳ (vườn Xoài Ambapàli) cùng với đại chúng Tỳ-kheo năm trăm người câu hội, dần dần đi du hóa nhân gian.

Khi ấy, Thế Tôn ngoái nhìn thành Tỳ-xá-ly, giây lâu bèn nói kệ này:

Nay nhìn Tỳ-xá-ly,
Rồi sau không nhìn lại
Cũng lại không bao lâu
Sẽ từ biệt nơi này.

Lúc ấy, nhân dân trong thành Tỳ-xá-ly nghe nói kệ này, thảy đều lo buồn, đi theo sau Thế Tôn ai nấy rơi lệ tự bảo nhau: “Không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ, thế gian sẽ mất ánh sáng”.

Thế Tôn bảo:

– Thôi, thôi! Các Người chớ buồn lo, vật đáng hoại diệt mà muốn không hoại diệt thì trọn không có lý. Trước đây, Ta đem bốn việc dạy bảo do đây được tác chứng. Và Ta cũng ở trong bốn độ chúng, dạy bảo bốn việc này. Thế nào là bốn? Tất cả hành vô thường, là pháp thứ nhất. Tất cả hành khổ là pháp thứ hai. Tất cả hành vô ngã là pháp thứ ba. Niết-bàn là diệt tận, là pháp thứ tư. Như thế, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Các Người nên biết bốn pháp căn bổn, vì khắp tất cả chúng sanh nói bày nghĩa ấy.

Bấy giờ, Thế Tôn muốn khiến cho nhân dân thành Tỳ-xá-ly trở về, liền hóa hiện một hầm lớn, Thế Tôn đưa chúng Tỳ-kheo qua bờ bên kia, dân chúng trong nước ở bờ bên này. Lúc ấy, Thế Tôn ném cái bát của Ngài lên hư không cho dân chúng thành ấy, lại bảo:

– Các Người khéo cúng dường bát này, cũng nên cúng dường bậc Pháp sư tài cao được phước vô lượng lâu dài.

Lúc ấy, Thế Tôn cho họ chiếc bát rồi, liền đi đến nước Câu-thi-na-kiệt. Lúc ấy, nhân dân nước Câu-thi-na-kiệt có hơn năm trăm lực sĩ nhóm tại một chỗ bàn luận thế này:

– Chúng ta cùng làm một việc kỳ lạ để sau khi chết danh tiếng truyền lâu, con cháu cùng truyền tụng rằng: “Ngày xưa, các lực sĩ thành Câu-thi-na-kiệt thế lực khó bì.”

Lát sau, họ lại khởi niệm “Nên làm việc gì? ”

Bấy giờ, cách thành Câu-thi-na-kiệt không xa có tảng đá vuông lớn, dài một trăm hai mươi bộ, rộng sáu mươi bộ. Họ nói: “chúng ta sẽ cùng nhau dựng nó lên”. Họ đem hết sức để dựng tảng đá mà không nhúc nhích lay chuyển, huống gì dựng lên. Lúc ấy, Thế Tôn đi đến chỗ họ, hỏi rằng:

– Các Ðồng tử muốn làm gì?

Các đồng tử bạch Phật:

– Trước đây, chúng con bàn luận như thế này, muốn dời tảng đá này để cho đời đời khen truyền danh tiếng của mình. Ra sức từ đó đến nay, đã bảy ngày, song không thể khiến tảng đá này di chuyển.

Phật bảo các đồng tử:

– Có muốn Như Lai dựng tảng đá này chăng?

Các đồng tử đáp:

– Nay chính phải thời, cúi xin Thế Tôn sắp đặt tảng đá này.

Lúc ấy, Thế Tôn dùng bàn tay nâng tảng đá lên, đưa qua bàn tay trái, ném lên hư không, tảng đá văng lên đến trời Phạm thiên. Các lực sĩ thành Câu-thi-na-kiệt không thấy tảng đá, bèn bạch Phật:

– Tảng đá ấy nay ở chỗ nào? Chúng con đều không thấy.

Thế Tôn bảo:

– Tảng đá này hiện ở trên trời Phạm thiên.

Các đồng tử đều bạch Phật:

– Khi nào nó rơi xuống cõi Diêm phù.

Thế Tôn bảo:

– Nay Ta sẽ dẫn thí dụ, người trí do thí dụ tự hiểu. Giả sử lại có người lên đến Phạm thiên, nâng tảng đá ấy ném xuống Diêm phù, mười hai năm mới đến. Song nay do oai thần của Như Lai, nó sẽ rơi xuống ngay.

Ðức Phật nói xong, tảng đá ấy lập tức rơi xuống, trong hư không mưa trăm ngàn thứ hoa trời. Hơn năm trăm đồng tử ấy xa thấy đá rơi xuống, bèn chạy tán loạn không dám đứng chỗ cũ, Phật bảo họ:

– Ðừng sợ, Như Lai tự biết thời.

Bấy giờ Thế Tôn đưa tay trái tiếp tảng đá, đặt qua bàn tay mặt và dựng nó lên. Lúc ấy, Tam thiên đại thiên thế giới rung động sáu cách. Các cõi trời thần diệu trong hư không, rải các thứ hoa sen Ưu-bát. Năm trăm đồng tử đều khen ngợi:

– Thật là chưa từng có, rất kỳ lạ, rất đặc biệt! Oai thần của Như Lai thật không thể sánh kịp. Tảng đá này dài một trăm hai mươi bộ, rộng sáu mươi bộ, mà Thế Tôn chỉ dùng một tay sắp xếp cho nó.

Lúc ấy, năm trăm đồng tử đều bạch Phật:

– Như Lai dùng thần lực gì di chuyển tảng đá này? Là dùng sức thần túc, hay dùng sức trí tuệ xếp đặt tảng đá này?

Phật bảo các đồng tử:

– Nay không dùng sức thần túc, cũng không dùng sức trí tuệ. Nay Ta chỉ dùng sức của cha mẹ mà sắp xếp tảng đá này.

Các đồng tử đều bạch Phật:

– Không biết Như Lai dùng sức của cha mẹ là như thế nào?

Phật bảo:

– Nay Ta sẽ dẫn thí dụ cho các Ðồng tử. Người trí do thí dụ tự hiểu. Này các Người! Nên biết sức của mười con lạc đà không bằng sức một con voi thường. Lại, sức của mười lạc đà và một voi thường, không bằng sức của một con voi Ca-la-lặc. Sức của mười lạc đà và một voi thường cùng sức của voi Ca-la-lặc, không bằng sức một con voi Cưu-đà-điên. Giả sử sức của mười lạc đà và một voi thường cho đến cộng với sức một voi Cưu-đà-điên không bằng sức một voi Bà-ma-na. Lại tính sức của voi này, không bằng sức một voi Ca-ni-lưu. Lại tính hết sức của các voi trên, không bằng sức của một voi Ưu-bát. Lại tính hết sức của bao nhiêu voi, không bằng sức của một voi Bát-đầu-ma. Lại tính kể so sánh sức của bao nhiêu voi, không bằng sức một voi Câu-ni-đà. Lại gom hết để tính kể so sánh, không bằng sức của một voi Phân-đà-lợi. Lại gom hết để tính kể so sánh, không bằng sức của một Hương tượng. Lại gồm hết để tính kể so sánh, không bằng sức của một Ma-kha-na-cực. Lại gồm hết để tính kể so sánh, không bằng sức của một Na-la-diên. Lại gồm hết tính kể so sánh, không bằng sức của một Chuyển luân Thánh vương. Lại gồm hết tính kể so sánh, không bằng sức của một A-duy-việt-trí (Bồ-tát bất thối). Lại gồm hết để tính kể so sánh, không bằng sức của một Bồ-tát bổ xứ. Lại gồm hết để so sánh, không bằng sức của một Bồ-tát ngồi dưới cội đạo thọ. Lại đem so sánh, không bằng sức của một đức Như Lai do thi thể của cha mẹ. Nay Ta dùng sức của cha mẹ để sắp xếp tảng đá này.

Bấy giờ, năm trăm đồng tử lại bạch Phật:

– Sức thần túc của Như Lai, là như thế nào?

Ðức Phật bảo:

– Xưa, Ta có đệ tử tên Mục-kiền liên, là bậc nhất trong hàng thần túc. Bấy giờ, Ta và Mục-kiền-liên du hóa tại làng vườn trúc Tỳ-la-nhược. Lúc ấy, cõi nước nguy nan, nhân dân cấu xé lẫn nhau, xương phơi đầy đường. Người xuất gia khất thực khó khăn, Thánh chúng gầy ốm, khí lực hư hao. Lại nữa, nhân dân trong làng đều đói khổ không nơi nương cậy. Lúc ấy, Ðại Mục-kiền-liên đến chỗ ta bạch rằng:

– “Nay thôn Tỳ-la-nhược này rất là đói khổ, không nơi khất thực, dân chúng khốn đốn không có đường sanh sống. Con cũng được nghe Như Lai dạy rằng, nay dưới lớp đất tự nhiên màu mỡ, rất là thơm ngon, cúi xin Thế Tôn cho phép lật lớp đất ngon lên trên, khiến cho dân chúng được thức ăn, cũng khiến cho Thánh chúng khí lực sung mãn”.

Ta bảo Mục-liên:

– “Các loài trùng nhỏ nhít trong đất, Thầy để chỗ nào?”

Mục-liên thưa:

– “Con sẽ hóa một tay giống lớp đất này, lại dùng một tay lật lớp đất màu mỡ lên, khiến loài trùng nhỏ nhít đều an ổn nơi chỗ của mình”.

Lúc ấy Ta bảo Mục-liên:

– “Tân thầy nghĩ gì mà muốn đảo ngược đất này?”

Mục-liên thưa:

– “Nay con đảo ngược đất này, như lực sĩ lật một chiếc lá, không khó khăn gì?”

Ta lại bảo Mục-liên:

– “Thôi, thôi, Mục-liên! Không cần lật ngược đất màu mỡ này. Vì sao? Chúng sanh thấy chuyện này sẽ kinh sợ, lông áo đều dựng lên, đền chùa của chư Phật sẽ bị hủy hoại”.

Lúc ấy, Mục-liên đến trước Phật bạch:

– “Cúi xin Thế Tôn cho phép Thánh chúng đi sang châu Uất-đơn-việt khất thực”.

Phật bảo Mục-liên:

– “Hạng người không có thần túc trong đại chúng đây, làm sao sang bên ấy khất thực?”.

Mục-liên bạch Phật:

-” Người không có thần túc, con sẽ đưa sang cõi ấy”.

Phật bảo Mục-liên:

– “Thôi, thôi, Mục-liên! Không cần Thánh chúng sang bên kia khất thực. Vì sao? Ðời sau cũng sẽ đói khổ như thế, khất thực khó được, người không nhan sắc. Bấy giờ hàng Bà-la-môn trưởng giả sẽ bảo các Tỳ-kheo rằng: “Các Vị sao không đến Châu Uất-đơn-việt khất thực? Ngày xưa đệ tử dòng họ Thích có thần túc lớn, gặp nạn đói khổ này đều cùng đi sang Châu Uất-đơn-việt khất thực, để tự cứu mình. Ngày nay đệ tử của Thích-Ca không có thần túc, cũng không có hạnh Sa môn oai thần”. Họ sẽ khinh dể Tỳ-kheo, khiến hàng trưởng giả cư sĩ kia ôm lòng kiêu mạn chịu tội vô lượng. Mục-liên nên biết, do nhân duyên này, chúng Tỳ-kheo không nên sang hết bên ấy khất thực.

Các Ðồng tử nên biết! Thần túc của Mục-liên, đức như thế, tính kể sức thần túc của Mục-liên trùm khắp Tam thiên đại thiên cõi nước, không nơi nào không có, hay thiếu sót nhưng không bằng sức thần túc của Như Lai là sức hơn trăm lần, ngàn lần, ức vạn lần, không thể dùng thí dụ để so sánh thần túc của Như Lai, đức ấy không thể lường.

Các đồng tử bạch Phật:

– Sức trí tuệ của Như Lai như thế nào?

Ðức Phật bảo

– Xưa, Ta cũng có đệ tử tên Xá-ợi-phất, bậc nhất trong hàng trí tuệ. Như nước biển lớn sâu rộng tám vạn bốn ngàn do-tuần chìm trong biển cũng như thế. Cõi đất Diêm-phù, chiều Nam Bắc hai vạn một ngàn do-tuần, chiều Ðông Tây bảy ngàn do-tuần. Nay lấy việc này để so sánh. Dùng nước bốn biển làm mực, dùng núi Tu-di làm giấy, bao nhiêu cây cỏ hiện tại của Diêm-phù làm bút, lại khiến tất cả người trong Tam thiên đại thiên cõi nước đều viết, để tả cho hết trí tuệ của Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Nhưng này các Ðồng tử! Nên biết nước mực bốn biển lớn và người cầm bút sẽ dần dần mạng chung, cũng không thể khiến cho trí tuệ của Tỳ-kheo Xá-lợi phất cạn hết. Như thế, các đồng tử, hàng trí tuệ bậc nhất trong số đệ tử Ta, không ai hơn Xá-lợi-phất. Tính sức trí tuệ của Tỳ-kheo Xá-lợi-phất trùm khắp Tam đại thiên cõi nước, không sót không trống chỗ nào, muốn so sánh với sức trí tuệ của Như LAi, trăm lần, ngàn lần, ức vạn lần không thể dùng thí dụ để so sánh. Sức trí tuệ của Như Lai là như thế.

Lúc ấy, các đồng tử lại bạch Phật:

– Có thế lực nào hơn thế lực này chăng?

Phật đáp:

– Cũng có thế lực này vượt hơn thế lực trên. Ðó là gì? Là thế lực vô thường. Hôm nay vào nửa đêm, tại giữa cây Song thọ, Như Lai sẽ bị sức vô thường đưa đến diệt độ.

Bây giờ, các đồng tử đều rơi lệ, than thở:

– Như Lai diệt độ mau chóng thay! Thế gian mất đi nhãn mục.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Quân-trà-la-hệ-đầu là con gái trưởng giả Bà-la-đà. Tỳ-kheo-ni này bèn khởi ý nghĩ: “Ta nghe Thế Tôn không bao lâu sẽ diệt độ. Ngày giờ đã hết, nay ta nên đến chỗ Thế Tôn để gần gũi thăm hỏi.”

Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni kia liền ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đến chỗ Thế Tôn, xa thấy Như Lai dẫn chúng Tỳ-kheo và năm trăm đồng tử muốn đến rừng Song thọ. bấy giờ, Tỳ-kheo-ni đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật và bạch:

– Con nghe Thế Tôn sắp diệt độ, không còn trụ thế bao lâu.

Phật đáp:

– Chính vào giữa đêm nay, Như Lai diệt độ.

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni bạch Phật:

– Nay con xuất gia học đạo, lại không đạt kết quả sở nguyện; Thế Tôn bỏ con mà diệt độ. Cúi xin nói pháp vi diệu cho con để thành tựu sở nguyện.

Phật bảo:

– Này Tỳ-kheo-ni, nên tư duy về nguồn gốc của khổ.

Tỳ-kheo-ni lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, thật khổ ! Bạch Như Lai thật khổ!

Phật hỏi:

– Tỳ-kheo quán những nghĩa gì mà nói khổ?

Tỳ-kheo-ni bạch Phật:

– Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, lo buồn rối loạn khổ, oán ghét gặp nhau khổ, thương yêu chia lìa khổ. Tóm lại, năm ấm lẫy lừng khổ. Như thế, bạch Thế Tôn, con quán nghĩa này rồi nên nói là khổ.

Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni suy nghĩ nghĩa rồi, liền ngay chỗ ngồi được tam đạt trí (tam minh). Tỳ-kheo-ni bạch Phật:

– Con không kham thấy Thế Tôn diệt độ, cúi xin cho phép con diệt độ trước.

Khi ấy Thế Tôn im lặng hứa khả.

Tỳ-kheo-ni liền từ chhỗ ngồi đứng dậy, lễ dưới chân Phật, rồi ở trước Phật phi thân lên hhư không, làm mười tám phép biến hóa, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc kinh hành, thân phóng ra khói lửa, ẩn hiện tự do không ngăn ngại, hoặc phóng lửa nước đầy hư không. Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni làm vô số thần biến rồi, liền nơi cảnh giới Niết-bàn vô dư mà diệt độ. Tại đó, chính trong ngày Tỳ-kheo-ni ấy diệt độ, có tám vạn Thiên tử được pháp nhãn tịnh.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Trong hàng Thanh văn của Ta, Tỳ-kheo-ni được trí tuệ nhanh chóng bậc nhất là Tỳ-kheo-ni Quân-trà-la-hệ-đầu.

Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

– Thầy đến giữa Song thọ, trải tòa cho Như Lai, để đầu hướng về phía Bắc.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

A-nan vâng lời Phật dạy, đến khoảng giữa Song thọ trải tòa cho Như Lai, rồi trở lại chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, bạch Phật:

– Ðã trải tòa xong, đầu hướng về phía Bắc, nên biết đúng thời.

Thế Tôn liền đi đến giữa Song thọ, vào tòa đã trải. Lúc ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Có nhơn duyên gì khiến Như Lai dạy trải tòa, đầu hướng về phía Bắc?

Phật bảo A-nan:

– Sau khi Ta diệt độ, Phật pháp sẽ ở tại Bắc Thiên Trúc. Do nhân duyên này nên Ta bảo trải tòa hướng về Bắc.

Lúc ấy, Thế Tôn chia ba y. A-nan bạch Phật:

– Do cớ gì, hôm nay Như Lai lại chia ba y?

Bấy giờ, trong phút chốc, từ miệng Thế Tôn phát ra hào quang năm sắc.

Ðức Phật bảo:

– Ta vừa khởi ý nghĩ này: Khi chưa thành đạo, ở địa ngục lâu dài, ăn hoàn sắt nóng, hoặc ăn rau cỏ nuôi thân tứ đại, hoặc làm loài lừa, lạc đà, voi, ngựa, heo, dê, hoặc làm ngạ quỷ hoặc làm thân người chịu thọ thai, hoặc được phước trời ăn vị cam lồ tự nhiên. Nay Ta đã thành Như Lai, do Ngũ căn, Ngũ lực, Bảy giác chi, Tám chánh đạo thành tựu thân Như Lai. Do nhân duyên này nên miệng phát ra hào quang năm sắc vậy.

Lúc ấy, trong phút chốc, từ miệng Phật phóng ra hào quang vi diệu hơn hào quang trước. A-nan bạch Phật:

– Lại do nhân duyên gì khiến Như Lai lại phóng ra hào quang thù thắng hơn trước?

Phật bảo:

– Ta vừa khởi ý nghĩ này: “Các Đức Phật Thế Tôn đời quá khứ diệt độ, Pháp để lại không tồn tại lâu nơi đời”. Ta lại suy nghĩ thêm: “Dùng phương tiện gì khiến pháp Ta được tồn tại lâu nơi đời? “. Thân Như Lai là thân Kim cang, ý Ta muốn nghiền thân này như hạt cải, để lưu bố thế gian, khiến cho thấy được hình tượng Như Lai, sẽ cúng dường nơi đây nhờ nhân duyên phước báo này sẽ sanh trong gia đình bốn chủng tộc, sanh cõi trời Tứ thiên vương, trời Ba mươi ba, trời Diệm ma, trời Ðâu-suất, trời Hóa tự tại, trời Tha hóa tự tại. Nhân phước này, họ sẽ sanh vào cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, hoặc lại được đắc quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, Bích-chi-Phật, hoặc thành Phật đạo. Do nhân duyên này nên phát ra hào quang ấy.

Bấy giờ, Thế Tôn đích thân tự xếp y Tăng-già-lê làm bốn, nằm nghiêng hông bên hữu, hai chân xuôi thẳng xếp lên nhau. Lúc ấy, Tôn giả A-nan khóc lóc rơi lệ không thể tự kềm chế, lại tự trách mình: “Ðã chưa thành đạo, bị kiết sử ràng buộc, mà nay Thế Tôn bỏ ta diệt độ, ta sẽ nương cậy vào ai? ”

Lúc ấy, Thế Tôn biết, nên bảo các Tỳ-kheo:

– Tỳ-kheo A-nan nay ở đâu?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Tỳ-kheo A-nan nay đang đứng sau chỗ nằm của Như Lai, buồn khóc rơi lệ không thể tự kềm, lại tự trách mình đã không thành đạo, lại không đoạn kiết sử, mà nay Thế Tôn bỏ vào Niết-bàn.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:

– Thôi, thôi A-nan, đừng buồn lo. Phàm vật ở đời đáng tan hoại, muốn đừng thay đổi, việc ấy không được. Thầy cần ra sức tinh tấn, nhớ nghĩ tu tập Chánh pháp, như thế không bao lâu sẽ chấm dứt mé khổ, thành tựu hạnh vô lậu. Các đức Như Lai Chánh Ðẳng Chánh Giác ở thời quá khứ cũng có thị giả như thế. Giả sử hằng sa chư Phật đời tương lai, cũng sẽ có thị giả như A-nan. Chuyển luân Thánh vương có bốn pháp chưa từng có. Thế nào là bốn? Lúc vua Chuyển luân Thánh vương muốn ra khỏi nước, nhân dân thấy đều vui mừng. Lúc Chuyển luân Thánh vương có lời dạy bảo, ai nghe cũng đều vui mừng. Nghe lời Chuyển luân Thánh vương dạy không chán. Chuyển luân Thánh vương im lặng, giả sử nhân dân thấy vua im lặng cũng lại vui mừng. Tỳ-kheo! Ðó là Chuyển luân Thánh vương có bốn pháp chưa từng có này.

Tỳ-kheo nên biết ! Ngày nay A-nan cũng có bốn pháp chưa từng có. Thế nào là bốn? Giả sử Tỳ-kheo A-nan im lặng vào trong chúng, người nào cũng thấy vui mừng. Giả sử Tỳ-kheo A-nan có nói lời gì, người nghe lời ấy đều cùng hoan hỷ, nếu im lặng cũng lại như thế. Giả sử Tỳ-kheo A-nan vào trong bốn bộ chúng, vào trong chúng Sát-lợi, Bà-la-môn, vào trong chúng quốc vương, cư sĩ, mọi người đều hoan hỷ, khởi tâm cung kính, nhìn A-nan không chán. Giả sử Tỳ-kheo A-nan có nói điều gì, người nghe dạy pháp vâng theo không chán. Ðó là này Tỳ-kheo, bốn việc chưa từng có nầy.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:

– Phải làm thế nào khi gặp người nữ? Bởi vì hiện nay Tỳ-kheo đúng thời đắp y mang bát đi từng nhà khất thực, tạo phước độ chúng sanh.

Phật bảo A-nan:

– Ðừng gặp gỡ họ. Nếu có gặp đừng nói chuyện với họ. Nếu cùng nói chuyện phải giữ tâm chuyên ý nhất.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Ðừng giao thiệp người nữ
Cũng đừng nói chuyện chung
Người có thể xa lìa
Ắt lìa khỏi tám nạn.

A-nan bạch Phật:

– Nên đối xử với Tỳ-kheo Xa-na thế nào?

Thế Tôn dạy:

– Nên dùng pháp Phạm-đàn để trị phạt.

A-nan bạch Phật:

– Thế nào là pháp Phạm-đàn trị phạt?

Thế Tôn dạy:

– Không nên nói chuyện với Tỳ-kheo Xa-na. Cũng chớ nói lành, cũng chớ nói dữ. Còn Tỳ-kheo này cũng không nói gì với các Thầy.

A-nan bạch Phật:

– Nếu không xét kỹ sự việc, ắt phạm tội không nặng ư?

Phật dạy:

– Chỉ không nói chuyện tức là dùng pháp Phạm-đàn trị phạt. Nhưng nếu kẻ ấy không sửa đổi, sẽ đưa ra giữa chúng, mọi người cùng búng tay khiến đuổi ra, không thuyết giới với người ấy, cũng chớ làm việc chung trong pháp hội.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:

Muốn cùng oan gia kia,
Mà đáp kẻ oán ấy,
Thường niệm, chớ nói năng,
Ðiều này không có lỗi.

Lúc ấy, nhân dân thành Câu-thi-na-kiệt nghe tin Thế Tôn sẽ diệt độ vào lúc nữa đêm. Nhân dân trong nước đi đến khoảng giữa rừng Song thọ, đến rồi cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên.

Dân chúng đồng bạch Phật:

– Nay nghe Như Lai sắp diệt độ, chúng con phải tôn kính thế nào?

Lúc ấy, Thế Tôn ngoái nhìn Tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan liền khởi nghĩ: “Hôm nay thân thể Như Lai mệt nhọc, muốn bảo ta chỉ dạy nghi thức cho họ”. A-nan quỳ gối bên phải xuống đất, chắp tay bạch Phật:

– Nay có hai dòng họ, một tên là Bà-a-đà, thứ hai tên Tu-bạt-đà, nay đến quy y Như Lai và Thánh chúng. Cúi xin Thế Tôn cho họ làm Ưu-bà-tắc, từ nay về sau không sát sanh, vâng giữ năm giới.

Lúc ấy, Thế Tôn rộng vì họ thuyết pháp, để phát khởi những người còn lại, khiến họ quy y. Lúc ấy, năm trăm người dòng Ma-la nước Câu-thi-na-kiệt đi đến.

Bấy giờ, Phạm chí Tu-bạt từ nước của ông (nước Bà-bà) đi đến nước Câu-thi-na-kiệt, xa thấy năm trăm người đi đến, liền hỏi:

– Các Ông từ đâu đến đây?

Năm trăm người đáp:

– Tu-bạt nên biết, đức Thế Tôn sẽ diệt độ vào hôm nay tại giữa rừng Song thọ.

Tu-bạt liền khởi nghĩ: “Như Lai ra đời rất khó gặp. Thời gian Như Lai xuất hiện như hoa Ưu-đàm-bát, ức kiếp mới xuất hiện. Nay ta có các điều nghhi ngờ không hiểu các pháp, chỉ có Sa-môn Cù-đàm ấy mới giải đáp điều nghi ngờ của ta. Nay ta có thể đến chỗ Cù-đàm ấy mà hỏi nghĩa này”.

Lúc ấy, Phạm chí Tu-bạt đến rừng Song thọ, đến chỗ Tôn giả A-nan, thưa rằng:

– Tôi nghe Thế Tôn hôm nay sẽ diệt độ, có đúng không?

A-nan đáp:

– Thật có việc ấy.

Tu-bạt thưa:

– Song nay tôi còn có điều nghi ngờ, xin Tôn giả nhận lời, thưa với Thế Tôn rằng: Có người không hiểu lời nói của Lục sư, có thể được nghe Sa-môn Cù-đàm chăng?

A-nan nói:

– Thôi, thôi, Tu-bạt! Chớ quấy nhiễu Như Lai.

Như vậy đến ba lần, Tu-bạt lại nói vớ A-nan:

– Như Lai ra đời thật khó gặp; như hoa Ưu-đàm-bát đúng thời mới xuất hiện. Nay tôi xét thấy Như Lai có thể giải quyết điều nghi ngờ của tôi. Ðiều tôi hỏi không đủ để nói hết, mà nay A-nan không cho tôi đến bạch với Thế Tôn. Lại có nghe Như Lai quán sát không cùng tận, biết trước không cùng tột, mà nay riêng không tiếp tôi.

Lúc ấy, Như Lai dùng Thiên nhĩ xa nghe Tu-bạt nói với A-nan như thế. Thế Tôn bảo A-nan:

– Thôi, thôi A-nan! Chớ ngăn cản Phạm chí Tu-bạt. Vì sao? Ông ấy đến hỏi nghĩa được nhiều lợi ích. Nếu ta thuyết pháp, ông ấy liền được độ thoát.

A-nan bảo Tu-bạt:

– Lành thay, lành thay! Nay Như Lai cho phép Ông vào trong hỏi pháp.

Tu-bạt nghe lời này, vui mừng phấn khởi không thể tự kềm. Tu-bạt đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Bấy giờ, Tu-bạt bạch Phật:

– Nay tôi có điều muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn cho phép.

Thế Tôn bảo Tu-bạt:

– Nay chính phải thời, có thể hỏi.

Tu-bạt bạch Phật:

– Các Sa-môn Cù-đàm khác biết các toán thuật, phần nhiều hơn đời. Ðó là Bất-lan Ca-diếp, A-di-chuyên, Cù-da-lâu, Chi-hưu Ca-diên, Tiên-tỷ Lư-trì, Ni-kiền Tử v.v… Những người như thế biết việc trong ba đời chăng? Là không biết chăng? Trong Lục sư ấy có ai hơn Như Lai chăng?

Bấy giờ, Thế Tôn bảo:

– Thôi, thôi, Tu-bạt! Chớ hỏi nghĩa này. Cần gì hỏi họ hơn Như Lai không? Hôm nay, Ta ở tại chỗ này, sẽ vì Ông thuyết pháp, khéo suy nghĩ nhớ lấy.

Tu-bạt bạch Phật:

– Nay tôi đáng hỏi nghĩa thâm sâu, cúi xin Thế Tôn đúng thời nói.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo:

– Khi ta mới học đạo, hai mươi chín tuổi, vì muốn độ dân chúng, nên từ đó đến ba mươi lăm tuổi, theo học trong chúng ngoại đạo. Từ đó đến nay lại không thấy có Sa-môn, Bà-la-môn trong đại chúng nào không có Tám Thánh đạo, ắt không có bốn quả Sa-môn.

Thế nên, này Tu-bạt! Thế gian rỗng không lại không có bậc Chân nhân hắc đạo. Do trong pháp Hiền Thánh kia có pháp Hiền Thánh, nên có bốn quả Sa-môn. Vì sao? Nhân duyên có bốn quả Sa-môn đều do Tám đạo phẩm Hiền Thánh.

Này Tu-bạt! Nếu Ta không được đạo Vô thượng Chánh Chân, đều do không được Tám đạo phẩm Hiền Thánh. Do được Tám đạo phẩm Hiền Thánh nên ta thành Phật đạo. Thế nên, này Tu-bạt, nên tìm phương tiện thành tựu đạo Hiền Thánh.

Tu-bạt lại bạch Phật:

– Tôi cũng thích nghe Tám đạo phẩm Hiền Thánh, cúi xin diễn nói.

Phật bảo:

– Tám đạo phẩm là: Ðẳng kiến, Ðẳng trị, Ðẳng ngữ, Ðẳng mạng, Ðẳng nghiệp, Ðẳng phương tiện, Ðẳng niệm, Ðẳng tam muội. Tu-bạt! Ðó là Tám đạo phẩm Hiền Thánh.

Lúc ấy, Tu-bạt liền tại chỗ ngồi được pháp nhãn tịnh. Tu-bạt nói với A-nan:

– Hôm nay con vui mừng được lợi lành. Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Sa-môn.

A-nan đáp:

– Ông hãy tự đến chỗ Thế Tôn mà xin làm Sa-môn.

Tu-bạt đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy chân Phật, bạch Phật:

– Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Sa-môn.

Bấy giờ, Tu-bạt liền thành Sa-môn, thân mặc ba pháp y. Khi ông ngẩng nhìn dung mạo Thế Tôn, liền tại chỗ ngồi được giải thoát tâm hữu lậu.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:

– Ðệ tử tối hậu của Ta là Tu-bạt.

Tu-bạt bạch Phật:

– Con nghe Thế Tôn vào giữa đêm nay nhập Niết-bàn. Cúi xin Thế Tôn cho phép con nhập Niết-bàn trước. Con không kham thấy Thế Tôn diệt độ trước.

Bấy giờ, Thế Tôn yên lặng hứa khả. Vì sao? Hằng sa chư Phật Thế Tôn đời quá khứ, đệ tử chứng đạo rốt sau đều nhập Niết-bàn trước, Như Lai diệt độ sau. Ðây là pháp thường của chư Phật Thế Tôn, chẳng phải mới hôm nay.

Tu-bạt thấy Thế Tôn đã hứa khả, liền ở trước Phật, chánh thân chánh ý buộc niệm ở trước, nơi cảnh giới Niết-bàn Vô dư mà diệt độ. Lúc ấy mặt đất chấn động sáu cách.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:

Tất cả hành vô thường
Có sanh ắt có tử
Không sanh thì không tử
Diệt này rất là vui.

Lúc ấy, Thế Tôn bảo A-nan:

– Từ nay về sau, răn nhắc các Tỳ-kheo, không nên đối đãi nhau như thói thường, người lớn xưng Tôn, người nhỏ xưng Hiền, xem nhau như anh em. Từ nay về sau không được xưng tên do cha mẹ đặt.

A-nan bạch Phật:

– Các Tỳ-kheo ngày nay, phải tự xưng tên hiệu như thế nào?

Phật dạy:

– Nếu thầy Tỳ-kheo nhỏ đối với Thầy Tỳ-kheo lớn thì gọi là trưởng lão. Tỳ kheo lớn gọi Tỳ-kheo nhỏ bằng họ. Lại, các Tỳ-kheo muốn đặt tên, phải y cứ vào Tam tôn. Ðây là lời dạy bảo của Ta.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.


XXXXII. PHẨM BÁT NẠN (2)

4. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, trong vườn Lộc Dã cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.

Lúc ấy, A-tu-la tên Ba-ha-la và Thiên tử Mâu-đề-luân phi thời đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Khi ấy Đức Phật hỏi A-tu-la:

– Các Ông rất thích biển lớn, phải không?

A-tu-la bạch Phật:

– Rất thích! Không phải không thích.

Ðức Phật bảo:

– Trong biển lớn có pháp kỳ đặc gì mà các Ông thấy rồi vui thích ở trong ấy?

A-tu-la bạch Phật:

– Trong biển lớn có tám việc chưa từng có, các A-tu-la vui thích ở trong ấy. Thế nào là tám? Biển lớn rất sâu rộng, đó là việc chưa từng có thứ nhất.

Lại nữa, biển lớn có thân đức này, bốn sông lớn, mỗi sông dẫn theo năm trăm sông nhỏ chảy vào biển lớn, rồi mất tên riêng của sông; đó là pháp chưa từng có thứ hai.

Laị nữa, biển lớn đều có đồng một vị; đó là pháp chưa từng có thứ ba.

Lại nữa, biển lớn nước thủy triều đúng thời không mất thời tiết; đó là pháp chưa từng có thứ tư.

Lại nữa, biển lớn là nơi cư trú của các loài quỷ thần có hình tướng, hết thảy đều nằm trong biển lớn; đó là pháp chưa từng có thứ năm.

Lại nữa, biển lớn dung chứa những loài hình tướng to lớn, trăm do-tuần đến bảy ngàn do-tuần cũng không chật chội; đó là pháp chưa từng có thứ sáu.

Lại nữa, biển lớn xuất phát bao nhiêu trân bảo, xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thủy tinh, lưu ly; đó là pháp chưa từng có thứ bảy.

Lại nữa, phía dưới biển lớn có cát vàng, lại có núi Tu-di làm bằng bốn thứ trân bảo; đó là điều chưa từng có thứ tám.

Ðây là tám pháp chưa từng có, khiến các A-tu-la vui thích trong ấy.

Lúc ấy, A-tu-la bạch Phật:

– Trong pháp Như Lai có gì kỳ đặc, khiến các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích trong ấy?

Phật bảo A-tu-la:

– Có tám pháp chưa từng có, khiến các Tỳ-kheo vui thích trong ấy. Thế nào là tám? Trong pháp của Ta đầy đủ giới luật, không có hạnh phóng dật; đó là pháp chưa từng có thứ nhất. Các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích trong ấy, như biển lớn kia rất sâu và rộng.

Lại nữa, trong pháp của Ta có bốn dòng họ đều làm Sa-môn trong pháp của Ta không gọi theo tên cũ để làm tên riêng, cũng như biển lớn kia, bốn sông lớn đều chảy về biển mà đồng một vị, không có tên khác; đó là pháp chưa từng có thứ hai.

Lại nữa, trong pháp của Ta lập bày cấm giới, cùng vâng theo không vượt qua điều qui định; đó là pháp chưa từng có thứ ba.

Lại nữa, trong pháp của Ta đều đồng một vị, đó là vị của Tám đạo phẩm của Hiền Thánh; đó là pháp chưa từng có thứ tư, như biển lớn kia thảy đồng một vị.

Lại nữa, trong pháp của Ta sung mãn các pháp. Ðó là Tứ ý đoạn, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác ý, Bát chơn chánh hạnh, các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích trong ấy, như biển lớn kia có các loài Thần ở trong; đó là pháp chưa từng có thứ năm.

Lại nữa, trong pháp của Ta có các thứ trân bảo, đó là trân bảo Niệm giác ý, trân bảo Trạch pháp giác ý, trân bảo Tinh tấn giác ý, trân bảo Hỷ giác ý, trân bảo Ỷ giác ý (khinh an), trân bảo Ðịnh giác ý, trân bảo Hộ giác ý (xả); đó là điều chưa từng có thứ sáu. Các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích trong ấy, như biển lớn kia phát xuất các thứ trân bảo.

Lại nữa, trong pháp của Ta có các chúng sanh, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo. Nơi Vô dư Niết-bàn mà được diệt độ, nhưng pháp của Ta không tăng giảm, như biển lớn kia, các sông chảy vào, nước biển không tăng giảm; đó là pháp chưa từng có thứ bảy. Các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích ở trong ấy.

Lại nữa, trong pháp của Ta có Kim cang tam-muội, Diệt tận tam-muội, Nhất thiết quang minh tam-muội, Ðắc bất khởi tam-muội, các thứ tam-muội không thể tính kể, các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích. Như biển lớn kia phía dưới có cát vàng; đó là pháp chưa từng có thứ tám. Các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích trong ấy.

Trong pháp của Ta có tám pháp chưa từng có này, các Tỳ-kheo rất tự vui thích.

Lúc ấy, A-tu-la bạch Phật:

– Giả sử trong pháp của Như Lai chỉ có một pháp chưa từng có, cũng đã hơn tám việc chưa từng có của biển kia trăm lần, ngàn lần không thể so sánh: đó là Tám đạo phẩm Hiền Thánh. Lành thay! Thế Tôn hoan hỷ nói lời này.

Bấy giờ, Thế Tôn dần dần thuyết pháp, đó là luận về thí, về giới, về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, lậu là hoạn lớn, xuất yếu là vui. Bấy giờ Thế Tôn thấy A-tu-la mở thông tâm ý, Ngài bèn đem các pháp chư Phật thường nói như Khổ, Tập, Tận (Diệt), Ðạo vì A-tu-la mà nói. A-tu-la bèn khởi ý niệm rằng: “Ðáng lẽ có Năm đế, nay Thế Tôn chỉ nói Bốn đế, còn với chư Thiên thì nói Năm đế”

Khi ấy, Thiên tử ở tại chỗ ngồi được pháp nhãn tịnh. A-tu-la bạch Phật:

– Lành thay Thế Tôn! Hoan hỷ nói lời này, nay tôi muốn trở về chỗ mình.

Phật dạy:

– Nên biết đúng thời.

A-tu-la liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, theo đường mà đi. Khi ấy, Thiên tử bảo A-tu-la

– Nay ý niệm của Ông không tốt, nói rằng: “Như Lai vì chư Thiên nói Năm đế, với ta chỉ nói Bốn đế”. Vì sao? Chư Phật Thế Tôn trọn không hai lời, chư Phật trọn không bỏ chúng sanh, nói pháp cũng không mỏi mệt, nói pháp với tâm bình đẳng mà nói pháp. Có Bốn đế là Khổ, Tập, Tận, Ðạo; nay Ông chớ nghĩ như vậy mà đỗ lỗi Như Lai nói có Năm đế.

A-tu-la trả lời:

– Nay tôi làm việc không tốt, tự sẽ sám hối. Cần phải đến chỗ Phật hỏi nghĩa này.

Bấy giờ, A-tu-la và Thiên tử nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Trời đất chấn động mạnh có tám nhân duyên. Thế nào là tám? Tỳ-kheo nên biết! Ðất của Diêm-phù-đề nầy, chiều Nam Bắc hai vạn một ngàn do-tuần, chiều Ðông Tây bảy ngàn do-tuần, bề dầy sáu vạn tám ngàn do-tuần. Nước sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, lửa dày tám vạn bốn ngàn do-tuần. Dưới lửa có lớp gió dày sáu vạn tám ngàn do-tuần. Phía dưới gió có lớp Kim cang luân xá-lợi của chư Phật Thế Tôn thời quá khứ đều ở đây.

Tỳ-kheo nên biết! Hoặc có khi gió lớn chấn động, lửa cũng động. Lửa đã động, nước liền động, nước đã động, đất liền động. Ðây là nhân duyên thứ nhất khiến đất chấn động mạnh.

Lại nữa, khi Bồ-tát từ cõi Trời Ðâu-suất giáng thần vào thai mẹ, lúc ấy đất cũng chấn động mạnh. Ðây là nhân duyên thứ hai khiến đất chấn động mạnh.

Lại nữa, khi Bồ-tát giáng thần ra khỏi thai mẹ, lúc ấy đất cũng chấn động mạnh. Ðây là nhân duyên thứ ba khiến đất chấn động mạnh.

Lại nữa, khi Bồ-tát xuất gia học đạo, thành đạo Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, lúc ấy trời đất chấn động mạnh. Ðây là nhân duyên thứ tư khiến đất chấn động mạnh.

Lại nữa, nếu Như Lai ở cảnh giới Vô dư Niết-bàn diệt độ, lúc ấy trời đất chấn động mạnh. Ðây là nhân duyên thứ tư khiến đất chấn động mạnh.

Lại nữa, nếu có Tỳ-kheo đại thần túc, tâm được tự tại, tùy ý muốn làm vô số biến hóa, hoặc phân thân ra trăm nghìn, rồi trở lại một thân, bay trên hư không, xuyên qua vách tường núi đá, ẩn hiện tự do, quán đất không có tướng đất, thảy đều rỗng không, lúc ấy đất chấn động mạnh. Ðây là nhân duyên thứ sáu đất chấn động mạnh.

Lại nữa, chư Thiên đại thần túc, thần đức vô lượng mệnh chung từ nơi ấy lại sanh trở về nơi ấy. Do phước đời trước tạo đầy đủ các đức, bỏ thân Trời cũ, được làm Ðế Thích hoặc Phạm thiên vương. Lúc ấy đất chấn động mạnh. Ðó là nhân duyên thứ bảy đất chấn động mạnh.

Lại nữa, nếu chúng sanh mệnh chung phước hết, khi ấy các quốc vương không vừa ý nước của mình. Các nước chinh phạt lẫn nhau, hoặc bị đói hiểm mà chết, hoặc bị đao bén mà chết. Lúc ấy trời đất chấn động. Ðó là nhân duyên thứ tám khiến đất chấn động mạnh.

Như thế Tỳ-kheo ! Có tám nhân duyên khiến trời đất chấn động mạnh.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

6. Tôi nghe như vầy:

Một thời Tôn giả A-na-luật ở tại bốn nơi Phật cư trú.

Lúc ấy, A-na-luật ở chỗ vắng khởi ý này: “Trong hàng để tử của Phật Thích Ca Văn những bậc thành tựu giới đức trí tuệ, đều nương vào giới luật, ở trong Chánh pháp này mà được nuôi lớn. Người không đầy đủ giới luật trong hàng Thanh văn, những người này đều lìa Chánh pháp, không tương ứng với giới luật. Nay, như hai pháp này, Giới và Văn, pháp nào hơn ? Nay ta có thể đem cội gốc nhân duyên này, đến hỏi Như Lai, việc này thế nào?”

A-na-luật lại khởi ý niệm này: “Pháp việc làm của người tri túc, không phải việc làm của người không biết đủ. Pháp này là việc làm của người thiểu dục, không phải việc làm của người đa dục. Pháp này là việc làm của người ở chỗ vắng, không phải việc làm của người ở chỗ ồn. Pháp này là việc làm của người trì giới, không phải việc làm của người phạm giới. Pháp này là việc làm của người định, không phải việc làm của người loạn. Pháp này là việc làm của người trí tuệ, không phải việc làm của người ngu si. Pháp này là việc làm của người đa văn, không phải việc làm của người ít học.”

Lúc ấy, A-na-luật, suy nghĩ về tám điều tâm niệm của bậc đại nhân rồi nghĩ rằng: “Nay ta có thể đến chỗ Thế Tôn để hỏi nghĩa này”.

Bấy giờ, Thế Tôn ở tại thành Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Ðộc. Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc thỉnh Phật và chư Tỳ-kheo Tăng-kiết hạ ba tháng, A-na-luật dẫn năm trăm Tỳ-kheo, dần dần du hóa trong nhân gian, lần đến nước Xá-vệ, đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, lui ngồi một bên.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Con ở nơi vắng lặng, suy nghĩ về nghĩa này. Giới và Văn, hai pháp này pháp nào tối thắng?

Khi ấy, Đức Phật bèn vì A-na-luật nói kệ:

Giới hơn hay Văn hơn
Nay Ông khởi hồ nghi
Giới tối thắng hơn Văn
Trong đó có gì nghi.

Vì sao? A-na-luật nên biết! Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, liền được định ý. Ðã được định ý liền được trí tuệ. Ðã được trí tuệ liền được đa văn. Ðã được đa văn liền được giải thóat. Ðã được giải thoát liền được diệt độ nơi Niết-bàn vô dư. Do điều này biết rõ rằng giới là tối thắng.

Lúc ấy, A-na-luật hướng về Thế Tôn, nói tám điều tâm niệm của bậc đại nhân.

Phật bảo A-na-luật:

– Lành thay, lành thay, A-na-luật! Ðiều thầy suy nghĩ chính là điều suy nghĩ của bậc Ðại nhân: Ít muốn, biết đủ, ở chỗ vắng, thành tựu giới, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn.

A-na-luật! Nay Thầy nên khởi ý này, suy nghĩ về tám điều tâm niệm của bậc Ðại nhân. Thế nào là tám? Pháp này là việc làm của người tinh tấn, không phải việc làm của người giải đãi. Vì sao? Bồ-tát Di-lặc đáng lẽ trong ba mươi kiếp sẽ thành đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, nhưng ta do sức tinh tấn mà thành Phật trước hơn.

A-na-luật biết đó, các Đức Phật Thế Tôn đồng một bậc, đồng nhau về giới luật, giải thoát trí tuệ không khác; cũng lại đồng nhau về không, vô tướng, vô nguyện, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân, nhìn không chán, không thể thấy đảnh, thảy đều không khác, chỉ có tinh tấn không đồng. Ðối với chư Phật Thế Tôn thời quá khứ và tương lai, người tinh tấn hơn hết là Ta.

Cho nên, này A-na-luật! Ðiều tâm niệm thứ tám của bậc Ðại nhân này là tối thượng, là tôn quý, không có thí dụ nào sánh kịp. Cũng như do sữa có lạc, do lạc có tô, do tô có đề hồ nhưng trong đó đề hồ là hơn hết, không thể so sánh. Ðây cũng thế, ý niệm tinh tấn đối với trong tám điều tâm niệm của bậc Ðại nhân là tối thượng, thật không thể so sánh. Cho nên A-na-luật, nên vâng theo tám điều tâm niệm của bậc Ðại nhân, cũng nên vì bốn bộ chúng phân biệt nghĩa ấy. Nếu tám điều tâm niệm của Ðại nhân được lưu truyền tại thế gian thì khiến đệ tử Ta đều được thành tựu quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán.

Vì sao? Pháp Ta là điều được làm của người thiểu dục, không phải là điều được làm của người đa dục. Pháp Ta là điều được làm của người tri túc, không phải điều được làm của người không biết đủ. Pháp Ta là điều được làm của người ở chỗ vắng, không phải là điều được làm của người ở trong chúng. Pháp Ta là điều được làm của người trì giới, không phải là điều được làm của người phạm giới. Pháp Ta là điều được làm của người định, không phải là điều được làm của người loạn. Pháp Ta là điều được làm của người trí, không phải là điều được làm của người ngu. Pháp Ta là điều được làm của người tinh tấn, không phải là điều được làm của người giải đãi.

Thế nên, A-na-luật! Bốn bộ chúng nên tìm cách thực hành tám điều tâm niệm của bậc Ðại nhân này. Như thế, A-na-luật nên học điều này.

Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật nghe Phật dạy xong vui vẻ vâng làm.

7. Tôi nghe nhu vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có tám bộ chúng, các Thầy nên biết. Thế nào là tám? Ðó là chúng Sát-lợi, chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn, chúng Tứ thiên vương, chúng Trời Ba mươi ba, chúng Ma vương, chúng Phạm thiên.

Tỳ-kheo nên biết! Từ trước đến nay Ta đi vào trong chúng Sát-lợi, cùng họ chào hỏi, nói năng đàm luận, cũng không người nào bằng Ta. Ta đi một mình không bạn bè, cũng không ai ngang hàng. Ta ít muốn, biết đủ, niệm không lầm loạn, thành tựu giới, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn.

Lại tự nhớ nghĩ, Ta vào trong chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn, chúng Tứ thiên vương, chúng Trời Ba mươi ba, chúng Ma vương, chúng Phạm thiên vương, cùng họ chào hỏi nói năng đàm luận, Ta đi một mình không bạn bè, cũng không ai ngang hàng, ở trong ấy tối tôn, cũng không người sánh bằng. Ta ít muốn biết đủ, ý không lầm loạn, thành tựu giới, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn.

Bấy giờ, trong tám bộ chúng, Ta đi riêng một mình không bạn bè, vì bao chúng sanh làm tàn che lớn. Khi ấy tám bộ chúng không thể thấy đảnh, cũng không dám nhìn mặt, huống gì cùng luận nghị. Vì sao? Vì ta cũng không thấy trong cõi Trời, cõi Người, trong chúng Ma hoặc Thiên ma, chúng Sa-môn, Bà-la-môn có ai có thể thành tựu tám pháp này, trừ Như Lai không kể. Cho nên Tỳ-kheo! Nên tìm phương tiện thực hành tám pháp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

8. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, trưởng giả A-na-bân-để đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên.

Lúc ấy, Thế Tôn bảo trưởng giả:

– Trong nhà trưởng giả bố thí rộng lớn, phải chăng?

Trưởng giả bạch Phật:

– Bố thí cho nhà nghèo, ngày đêm không ngừng, tại bốn cửa thành, và trong chợ lớn, trong nhà, nơi đường đi, Phật và Tỳ-kheo Tăng. Ðó là tám chỗ bố thí.

Như thế, bạch Thế Tôn! Người đời cần gì, cần y phục cho y phục, cần thức ăn cho thức ăn, trọn không vi phạm đến trân bảo nhà nước . Y phục, mền nệm, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh, trị ghẻ, thảy đều cấp thí cho.

Cũng có chư Thiên đến chỗ con, ở trên hư không bảo rằng: “Nên phân biệt tôn ty! Người này trì giới, người này phạm giới; cho người này được phước, cho người nầy không được báo đền”.

Song tâm con không có bỉ thử, không khởi tâm tăng giảm; lòng từ bình đẳng khắp tất cả chúng sanh. Hơn nữa, chúng sanh nương mạng căn mà thân hình tồn tại, có ăn mới sống, không ăn thì mạng căn không cứu giúp. Bố thí cho tất cả chúng sanh, quả báo ấy vô lượng, thọ quả báo ấy không có tăng giảm.

Phật bảo trưởng giả:

– Lành thay, lành thay! Trưởng giả, bố thí bình đẳng, phước tôn quý bậc nhất. Song tâm của chúng sanh lại có hơn kém, như bố thí cho người trì giới hơn bố thí cho người phạm giới.

Lúc ấy trên hư không, chư Thiên thần khen ngợi vô lượng, liền nói kệ này:

Phật nói chọn thí hơn
Chúng ngu có tăng giảm
Muốn được ruộng phước tốt
Ai hơn chúng của Phật?

Nay lời Thế Tôn nói, rất là thích thay! Bố thí cho người trí giới hơn người phạm giới.

Bấy giờ Thế Tôn bảo trưởng giả A-na-bân-để:

– Nay Ta sẽ nói với Ông về chúng Hiền Thánh. Hãy khéo suy nghĩ ghi nhớ, giữ trong tâm: Hoặc bố thí ít được phước nhiều, hoặc bố thí nhiều được phước nhiều.

Trưởng gỉa A-na-bân-để bạch Phật:

– Cúi xin Thế Tôn diễn bày nghĩa ấy. Thế nào là thí ít được phước nhiều? Thế nào là thí nhiều cũng được phước nhiều?

Phật bảo trưởng giả A-na-bân-để:

– Các vị hướng A-la-hán, đắc A-la-hán, hướng A-na-hàm, đắc A-la-hàm, hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm, hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn, Trưởng giả, đó gọi là chúng Hiền Thánh, bố thí ít thì được phước nhiều, bố thí nhiều được phước nhiều hơn.

Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:

Người thành tựu tứ hướng
Thành tựu Tứ quả thật
Ðây là chúng Hiền Thánh
Bố thí được phước rộng.

Các Đức Phật Thế Tôn ở đời quá khứ lâu xa cũng có chúng Hhiền Thánh này như Ta ngày nay không khác. Giả sử đời vị lai. Các Đức Phật Thế Tôn xuất hiện nơi đời, cũng có chúng Hiền Thánh như thế này. Cho nên, này Trưởng giả ! Hãy có tâm hoan hỷ vui mừng cúng dường Thánh Chúng.

Lúc ấy, Đức Phật vì Trưởng giả nói pháp vi diệu, để an lập địa vị bất thối chuyển. Trưởng giả nghe pháp xong, vui mừng vô lượng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, đi nhiễu ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ, trưởng giả A-na-bân-để nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

9. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn dùng tài vật bố thí thì sẽ được tám công đức. Thế nào là tám? Một là tùy thời bố thí, không phải là phi thời. Hai là thanh khiết bố thí, không phải là uế trược. Ba là tự tay đưa cho, không nhờ người khác. Bốn là tự nguyện bố thí, không có tâm kiêu tứ. Năm là giải thoát mà bố thí, không có hy vọng báo đáp. Sáu là bố thí cầu diệt độ, không cầu sanh Thiên. Bảy là bố thí tìm ruộng tốt, không bố thí đất hoang. Tám là đem công đức này bố thí chúng sanh, không tự vì mình.

Như thế, này các Tỳ-kheo! Thiên nam tử, thiện nữ nhơn dùng tài vật bố thí thì được tám công đức.

Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:

Người trí tùy thời thí
Không có tâm tham tiếc
Ðã làm công đức rồi
Ðem thí hết cho người
Thí này là tối thắng
Ðược chư Phật khen ngợi
Hiện thân thọ quả báo
Chết ắt thọ phước Trời.

Cho nên, các Tỳ-kheo! Người muốn tìm quả báo kia, nên làm tám việc này, phước báo ấy vô lượng không thể tính kể, được báu cam lồ, dần dần đến diệt độ. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong vui vẻ vâng làm.

10. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vười Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Ta sẽ nói về con đường dẫn đến Nê-lê (địa ngục) và con đường hướng đến Niết-bàn: Tà kiến dẫn đến Nê-lê, chánh kiến hướng đến Niết-bàn. Tà chí (tà tư duy), hướng đến đường Nê-lê, chánh chí (chánh tư duy) là đường hướng đến Niết-bàn. Tà ngữ dẫn đến đường Nê-lê, chánh ngữ hướng đến Niết-bàn, Tà nghiệp dẫn đến đường Nê-lê, chánh nghiệp hướng đến Niết-bàn. Tà mạng dẫn đến đường Nê-lê, chánh mạng hướng đến Niết-bàn. Tà phương tiện hướng đến đường Nê-lê, chánh phương tiện hướng đến Niết-bàn. Tà niệm dẫn đến đường Nê-lê, chánh niệm hướng đến Niết-bàn. Tà định dẫn đến đường Nê-lê, chánh định hướng đến Niết-bàn.

Này các Tỳ-kheo! Ðó là đường dẫn đến Nê-lê, đường hướng đến Niết-bàn. Pháp mà chư Phật Thế Tôn thường nói, nay đã rốt ráo. Các Thầy nên ở chỗ vắng vẻ, ngồi dưới gốc cây, nơi đồng trống, nghĩ nhớ làm pháp lành, đừng khởi tâm giải đãi, kiêu mạn. Hôm nay không siêng năng, sau hối không kịp.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Phi thời, Nê-lê, Ðạo
Tu-la, Trời, Ðất động
Tám điều niệm đại nhơn chúng
Thiện nam tử thọ, Ðạo.