PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN III
TĂNG

CHƯƠNG 11
CÁC ĐỆ TỬ XUẤT GIA, TẠI GIA
VÀ HIỀN THÁNH

(TT)

Th.205 Những đệ tử đầu tiên của đức Phật thành A-la-hán

Đoạn này tiếp nối từ bài pháp đầu tiên của đức Phật: *L.27.

Và tôn giả Aññākoṇḍañña, đã thấy Pháp, đắc Pháp,  biết Pháp, ngộ nhập Pháp, vượt qua hoài nghi, dứt trừ do dự, thành tựu vô úy trong giáo pháp của Đạo sư, không y tựa ai khác, liền bạch Thế Tôn rằng, ‘Bạch Đại Đức, cúi xin nhận con đối trước Thế Tôn được xuất gia, thọ cụ túc.’ Thế Tôn nói, ‘Thiện lai, tỳ-kheo. Pháp đã được khéo thuyết, hãy thực hành phạm hạnh để chân chánh diệt khổ.’ Chính bằng lời này mà tôn giả đắc giới cụ túc.[1]

Sau đó Thế Tôn giáo huấn, giáo giới cho các tỳ-kheo còn lại bằng một pháp thoại. Khi ấy, trong khi được Thế Tôn giáo huấn, giáo giới, tôn giả Vappa và tôn giả Bhaddiya sanh khởi con mắt pháp sạch bụi trần cấu bẩn, thấy rằng: ‘những gì có sanh, tất cả cái ấy đều phải diệt.’[2]

Sau khi đã thấy Pháp, đắc Pháp, biết Pháp, ngộ nhập Pháp, vượt qua hoài nghi, dứt trừ do dự, thành tựu vô úy trong giáo pháp của Đạo sư, không y tựa ai khác, liền bạch Thế Tôn rằng, ‘Bạch Đại Đức, cúi xin nhận chúng con đối trước Thế Tôn được xuất gia, thọ cụ túc.’ Thế Tôn nói, ‘Thiện lai, tỳ- kheo. Pháp đã được khéo thuyết, hãy thực hành phạm hạnh để chân chánh diệt khổ.’ Chính bằng lời này mà các tôn giả ấy đắc giới cụ túc.

Bấy giờ Thế Tôn, trong khi dùng thức ăn do các tỳ-kheo mang về, chỉ dạy pháp cho (hai) tỳ-kheo còn lại. Như vậy, ba tỳ-kheo kia khất thực mang thức ăn về đủ cho cả sáu vị. Khi ấy, trong lúc được giáo huấn, được chỉ dạy bởi đức Thế

Tôn bằng bài pháp thoại, tôn giả Mahānāma và tôn giả Assaji phát sanh con mắt pháp sạch bụi trần cấu bẩn, thấy rằng: ‘những gì có sanh, tất cả cái ấy đều phải diệt’.

Sau khi đã thấy Pháp, đắc Pháp, biết Pháp, ngộ nhập Pháp, vượt qua hoài nghi, dứt trừ do dự, thành tựu vô úy trong giáo pháp của Đạo sư, không y tựa ai khác, liền bạch Thế Tôn rằng, ‘Bạch Đại Đức, cúi xin nhận chúng con đối trước Thế Tôn được xuất gia, thọ cụ túc.’ Thế Tôn nói, ‘Thiện lai, tỳ- kheo. Pháp đã được khéo thuyết, hãy thực hành phạm hạnh để chân chánh diệt khổ.’ Chính bằng lời này mà các tôn giả ấy đắc giới cụ túc. Sau đó, đức Thế Tôn gọi nhóm năm tỳ-kheo mà nói rằng: ‘Này các tỳ-kheo, sắc là vô ngã [3] … thọ… tưởng… các hành… thức là vô ngã… .’

Đức Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Nhóm năm tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ những lời Phật dạy. Trong khi Kinh này được thuyết, nhóm năm tỳ-kheo tâm giải thoát các lậu, không chấp thủ. Lúc bấy giờ, trên thế gian có sáu vị A-la-hán.

Mahāvagga I.33–47: Vinaya I.12–13, dịch Anh G.A.S.

Th.206 Xưng tán A-la-hán và phẩm tánh

An lạc A-la-hán, khát ái chẳng dấu vết. Cũng đoạn cả ngã mạn, phá tan lưới si ám.

Đã đạt bất động tánh, tâm thanh tịnh vô cấu. Không nhiễm ô thế gian:[4] Thành Phạm thể vô lậu. Arahanta Sutta: Saṃyutta-nikāya III.83, dịch Anh P.H.

Th.207 A-la-hán không tâm bệnh

Đoạn này xem A-la-hán nói chung là hạng người hoàn toàn miễn nhiễm tâm bệnh, vì đã hoàn toàn miễn dịch đối với các căn bệnh tham, sân, si. Này các tỳ-kheo, có hai chứng bệnh. Hai chứng ấy là gì? Thân và tâm bệnh.

Có thể thấy có chúng sanh một năm thân không bệnh, hai năm… năm, mười năm… cho đến, một trăm năm, hoặc hơn, thân không bệnh. Nhưng khó thấy một ai tâm không bệnh dù chỉ trong một thoáng, trừ những vị đã lậu tận. Rogā Sutta: Aṅguttara-nikāya II.142–143, dịch Anh P.H.

Th.208 A-la-hán tâm như kim cang

Cũng như không có thứ gì mà kim cang không thể cắt, dù là ngọc hay đá, cũng vậy, có một hạng người các lậu đã đoạn, bằng thắng trí, ngay trong hiện pháp, tự mình chứng đắc, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát,chứng nhập và an trú; hạng người này được gọi có tâm như kim cang (kim cang dụ tâm). Vajira Sutta: Aṅguttara-nikāya I.124, dịch Anh P.H.

Th.209 A-la-hán hoàn toàn bình đẳng xả đối với kiến-văn-giác-tri

Tôn giả biết như thế nào, thấy như thế nàođể bằng không chấp thủ, tâm giải thoát các lậu?

Này các tỳ-kheo, khi một tỳ-kheo là người đã đoạn tận các lậu hoặcđây là câu trả lời: ‘Này chư hiền, đối với cái được thấy, tôi không thân cận, không bài xích, không y chỉ, không chấp trước, giải thoát, thoát ly hệ phược, an trụ với tâm không hạn chế.

Đối với cái được ngheđược cảm giác… được nhận thức, tôi không thân cận, không bài xích, không y chỉ, không chấp trước, giải thoát, thoát ly hệ phược, an trụ với tâm không hạn chế.’

Chabbisodhana Sutta: Majjhima-nikāya III.30, dịch Anh P.H.

Adhimuttathera

Th.210 A-la-hán không sợ hãi

Đoạn này dẫn hai bài kệ của A-la-hán Adhimutta, nói lên khi bọn cướp đe dọa sẽ giết Ngài. Câu trả lời không hề sợ hãi của Ngài khiến họ trở thành đệ tử.

Không nghĩ ‘Ta đã là’, không nghĩ ‘Ta sẽ là’; các hành sẽ tiêu tán diệt tận. Ở đây khóc than gì?

Pháp thanh tịnh sanh khởi, hành tương tục thanh tịnh; những ai thấy như thực, không gì sợ, Thủ lãnh! Adhimutta Thera Sutta: Theragāthā 715–716, dịch Anh P.H.

Th.211 A-la-hán vượt ngoài trí chư thiên

Đoạn văn này mô tả những phẩm chất khác nhau của A-la- hán, mặc dù ở đây đề cập đến bằng một thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ cho đức Phật: Như lai (tathāgata). Tự tánh Như Lai sâu thẳm khó dò là âm hưởng những gì được nêu trong *Th.10.

Này các tỳ-kheo, tỳ-kheo ấy được gọi là vị đã (1) dẹp bỏ chướng ngại, (2) lấp đầy thông hào, (3) nhổ lên cột trụ, (4) mở tung lề khóa, (5) là vị thánh giả đã hạ cờ, đã đặt xuống gánh nặng, thoát ly hệ phược. Như thế nào? Vị ấy đoạn trừ và chặt đứt rễ: (1) vô minh, (2) luân hồi tái sanh, (3) khát ái, (4) năm hạ phần kết sử, (5) ngã mạn…

Này các tỳ-kheo, khi một tỳ-kheo tâm giải thoát như vậy, thì chư thiên cùng Thiên đế Thích, Phạm thiên, Sanh chủ (Pajāpati) có dò tìm cũng không thấy: ‘Sở y này là thức của Như Lai.’ Vì sao vậy? Ngay trong hiện pháp này, này các tỳ- kheo, Ta nói Như Lai là không thể dò biết. Alagaddūpama Sutta: Majjhima-nikāya I.139–140, dịch Anh P.H.


ĐẠI THỪA

Bồ-tát tại gia và xuất gia

M.160 Bồ-tát xuất gia và tại gia

Thiện nam tử, có hai hạng Bồ-tát, tại gia và xuất gia. Bồ-tát xuất gia dễ đạt được các phần pháp đưa đến giải thoát nhưng Bồ-tát tại gia không dễ đạt được. Vì sao? Vì người tại gia bị trói buộc bởi nhiều chướng duyên.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.4, p.1038a13–16, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.161 Khác biệt giữa xuất gia và tại gia

Đoạn này khen ngợi những thuận lợi của đời sống xuất gia.

Đời sống tại gia nhuốm nhiều trần cấu,[5] đời sống xuất gia thì thật cao đẹp. Tại gia nhiều ràng buộc, xuất gia không chướng ngại. Tại gia nhiều bụi bẩn, xuất gia thì xả ly. Tại gia bị xấu ác lôi cuốn, xuất gia được pháp thiện che chởĐời sống tại gia bị suy giảm, đời sống xuất gia không suy giảm. Tại gia nhiều lo âu, xuất gia không lo âu

Người tại gia khí sắc không tươi nhuận, người xuất gia rất tươi nhuậnNgười tại gia nhiều nhức nhối, người xuất gia không nhức nhối.

Người tại gia không biết đủ, người xuất gia biết đủ

Đời sống tại gia đầy phẫn nộ, xuất gia nhiều từ tâm. Tại gia mang vác nặng nề, xuất gia buông xả.

Ugra-paripṛcchā Sūtra, Taishōvol.11, text 310, p.476a24–26, a29– b3, b08–10, b14, c04–05, dịch Anh from Chinese by D.S.

M.162 Bồ-tát tại gia hoặc giống, hoặc hơn xuất gia

Đoạn này nói rằng đời sống tại gia, nếu sống đúng, sẽ có được sự tiến bộ tâm linh rất lớn.

Nếu Bồ-tát tại gia đầy đủ năm pháp, thì dù sống tại gia vẫn có thể học tập giới pháp của người xuất gia. Năm pháp đó là gì? Bồ-tát sống tại gia (1) không tham tiếc tất cả tài vật sở hữu, tâm luôn luôn tương ưng với nhất thiết trí, không cầu quả báo;(2) hành phạm hạnh thanh tịnh đầy đủ[6], không hề có ý hành dục;(3) đến những nơi thanh vắng tu tập bốn thiền định;(4) nỗ lực tinh tấn tu học trí tuệ, đem tâm từ bi đối đãi với tất cả chúng sinh;và (5) thủ hộ Pháp đồng thời khuyến khích người khác

A-nan, trưởng giả Úc-già này… sẽ phụng sự các Như Lai xuất thế trong Hiền kiếp này… và hộ trì Chánh pháp. Mặc dù sống tại gia nhưng ông thường thực hành giới pháp của người xuất gia và học tập rộng rãi vô thượng bồ-đề của Như Lai. Lúc ấy tôn giả A-nan hỏi trưởng giả Úc-già: “Ông thấy lợi lạc gì trong đời sống tại gia?” Trưởng giả đáp: “Thưa tôn giả, nếu không thành tựu đại bi thì không tự nói tôi an lạc. Đại đức A-nan, Bồ-tát ma-ha-tát nhẫn chịu tất cả khổ mà không bỏ rơi chúng sinh.”

Sau khi trưởng giả Úc-già nói lời này, đức Phật bảo rằng: “A- nan, trưởng giả Úc-già này, trong hiền kiếp, sống địa vị tại gia, đã giáo hóa chúng sinh nhiều hơn cả Bồ-tát xuất gia giáo hóa trong trăm kiếp, hay thậm chí trăm ngàn kiếp. Vì sao? A- nan, vì công đức của trăm ngàn vị Bồ-tát xuất gia cũng không bằng công đức của trưởng giả Úc-già này.”

Ugra-paripṛcchā Sūtra, Taishōvol.11, text 310, p.479c28–480a08, 480a19–29, dịch Anh from Chinese by D.S.

Giới luật xuất gia

M.163 Đức Phật chế giới xuất gia

Đoạn sau đây đưa ra một loạt những quy định đối với các vị xuất gia.

Các tỳ-kheo, sau khi Ta nhập diệt, các ông phải tôn trọng trân quý tịnh giới, giống như mù tối mà được ánh sáng, người nghèo được bảo vật. Nên biết tịnh giới là thầy của các ông giống như lúc Ta còn ở đời, không có sự khác biệt nào cả. Giữ gìn tịnh giới thì các ông không được buôn bán đổi chác, tạo dựng đất nhà, nuôi người, tôi tớ hay súc vật. Đối với hết thảy các thứ của cải cũng như tiền tài bảo vật, các ông phải nên tránh xa như tránh hố lửa. Các ông cũng không được chặt phá cỏ cây, đào xới đất đai, pha chế thuốc men, xem tướng bói quẻ, chiêm tinh đoán số, tính tháng đoán ngày.

Các ông phải tiết chế bản thân, ăn uống đúng thời, sinh hoạt thanh tịnh. Không được tham dự thế sự, nhận lãnh liên lạc. Những việc như tu luyện bùa chú, thuốc tiên, kết giao với người quyền quý rồi chiều chuộng xởi lởi, tất cả đều không được làm.

Các ông phải luôn giữ cho tâm được ngay thẳng, chánh niệm, hướng đến giải thoát; không được che giấu lỗi lầm, tỏ ra khác lạ để mê hoặc quần chúng. Đối với bốn thứ cúng dường,[7] phải biết vừa đủ, không được tích trữ.

Đây là tóm tắt về sự giữ gìn tịnh giới. Tịnh giới là nền tảng căn bản đưa đến giải thoát, cho nên nó được gọi là ba-la-đề- mộc-xoa (prātimokṣa).[8] Do y cứ trên tịnh giới này mà đạt được các thiền định cùng với trí tuệ diệt khổ, cho nên, các tỳ- kheo, hãy giữ gìn tịnh giới, chớ có hủy phạm. Nếu ai giữ gìn tịnh giới tất sẽ có được thiện pháp, còn nếu không giữ gìn tịnh giới thì sẽ chẳng có được các điều lợi ích. Vì thế nên biết, tịnh giới là trụ xứ an ổn và lợi ích nhất.

Các tỳ-kheo, ban ngày thì phải siêng năng tu tập thiện pháp, chớ bỏ phí thời gian, đầu đêm cuối đêm cũng không được lãng phí, giữa đêm thì hãy tụng kinh để tự cảnh tỉnh, đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để một đời trôi qua vô ích, chẳng được điều gì. Nên nhớ ngọn lửa vô thường thiêu đốt thế gian, phải mau chóng cầu giác ngộ, đừng mải ngủ nghỉ. Các giặc phiền não vẫn thường rình rập giết ta còn hơn kẻ thù, làm sao có  thể ngủ ngon không lo thức dậy? Con rắn phiền não ngủ ở trong tâm cũng như con rắn hổ đen ngủ yên trong nhà, phải lấy cái móc trì giới mau chóng móc bỏ nó đi. Một khi rắn đã ra ngoài thì các ông mới có thể ngủ yên được; nếu nó chưa ra mà ngủ thì thật là người không biết hổ thẹn.

Hổ thẹn là thứ trang sức đẹp nhất trong các thứ trang sức. Nó như chiếc móc câu kiềm chế con người khỏi những điều sái trái. Vì thế, các tỳ-kheo, phải luôn luôn biết hổ thẹn, không được bỏ quên dù trong chốc lát, nếu bỏ hổ thẹn tất sẽ mất công đức. Người biết hổ thẹn sẽ có được điều tốt đẹp. Người không biết hổ thẹn thì chẳng khác gì cầm thú.

Các tỳ-kheo, nếu siêng năng tinh tấn thì không có việc gì khó. Vì thế các ông hãy siêng năng tinh tấn, giống như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì có thể xuyên thủng đá. Nếu tu hành mà trong lòng luôn luôn biếng nhác bỏ qua thì chẳng khác gì mồi lửa chưa cháy đã dừng, tuy muốn có lửa cũng không có được

Các tỳ-kheo, đối với các việc công đức thì phải thường chuyên tâm, loại bỏ sự phóng dật như loại bỏ giặc thù. Vì lòng đại bi, muốn lợi ích tất cả nên Như Lai đã dạy pháp rốt ráo, các ông chỉ cần siêng năng thực hành. Hoặc tại núi non, hoặc nơi đầm vắng, hoặc dưới gốc cây, hoặc am thanh vắng, hãy nghĩ nhớ pháp đã học, đừng để quên mất. Phải luôn nỗ lực tinh tấn tu tập, đừng để chết đi mà không làm được gì, về sau tiếc nuối.

Ta như vị lương y, biết bệnh nên chỉ thuốc, uống hay không uống, không phải lỗi của lương y. Lại nữa, như người dẫn đường giỏi, chỉ cho mọi người con đường lành, mọi người nghe rồi mà không đi theo, đó cũng không phải là lỗi của người dẫn đường.

Bequeathed Teaching Sūtra / Yijiao jing, Taishō vol.12, text 389, pp.1110c20–1111a07, 1111a27–b09, 1111c17–20, 1112a14– 1112a20, dịch Anh from Chinese by D.S.

M.164 Một ngày không làm, một ngày không ăn

Trong Thiền tông, các thành viên trong thiền viện phải tham gia một số công việc để xây dựng tinh thần đại chúng và cân bằng với sự tĩnh lặng của hành thiền. Những công việc này gồm có canh tác, dù rằng giới luật Phật chế không cho phép cày cuốc đất đai vì điều đó có thể dẫn đến làm tổn hại các sinh vật nhỏ bé trong đất.

Phổ thỉnh (mời tất cả làm việc): Quy tắc phổ thỉnh áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt thể lực mạnh hay yếu. Để mọi người sống chung hòa hợp, mỗi khi có việc, mọi người hợp sức cùng làm. Vị lãnh chúng (khố ty) trước tiên trình với thầy trụ trì, sau đó cho người báo với vị thủ tọa và duy-na, rồi phân phó vị hành đường thông báo mọi người và treo bảng phổ thỉnh. Bảng phổ thỉnh là một tờ giấy thông báo có ghi thời gian và địa điểm làm việc. Khi nghe tiếng bảng (mộc ngư) hoặc trống, mọi người dùng dây buộc tay áo lên rồi tập hợp tại chỗ đã thông báo. Trừ những người giữ nhà, trực đường, già bệnh ra, những người còn lại đều phải tham gia. Nên nhớ đến lời dạy “một ngày không làm là một ngày không ăn” của cổ nhân.

The Baizhang Zen Monastic Regulations’, Taishō vol.48, text 2025, Chapter VII, pp.1144a26–b04, dịch Anh from Chinese by D.S.


KIM CANG THỪA

Đời sống tu đạo

Trong Phật giáo Tây Tạng, nhiều hành giả nam và nữ theo mười giới tu đạo căn bản, với một cốt lõi nhỏ hơn theo luật xuất gia thọ cụ túc cao hơn. Các thượng sư được kính trọng gọi là lama hay guru có thể là cư sĩ hay xuất gia, và cũng có những du-già sư không thọ cụ túc tu tập ở những nơi hẻo lánh.

V.84 Bốn pháp ba-la-di nếu phạm sẽ hủy hoại đời sống tự viện

Đoạn này nói về các luật chính yếu nếu phạm sẽ khiến một vị sư hoặc sư nữ bị trục xuất khỏi Tăng-già. Hầu như các giới luật có ngôn từ tương đồng cũng được tìm thấy trong luật xuất gia của Thượng tọa bộ (xem mục *Th.193 ở trên) và Đại thừa ở Đông Á. Các luật này cấm chỉ hành dâm, trộm cắp, giết người hoặc hỗ trợ hoặc kích động tự tử, và vọng ngữ về các thiền chứng và tuệ quán.

Bạch chư Đại đức, đây là bốn pháp Ba-la-di (Hán dịch tha thắng xứ), rút ra từ Giới Kinh (Prātimokṣa Sūtra), mỗi nửa tháng tụng một lần.

1. Nếu tỳ-kheo nào đã thọ trì học xứ của tỳ-kheo, cùng các tỳ-kheo đồng giới, chưa xả giới, giới yếu kém mà không phát lộ, hành phi phạm hạnh, cho đến cùng với loài súc sinh, tỳ- kheo ấy phạm Ba-la-di, bị hủy hoại, không được cộng trú (sống chung với các tỳ-kheo trong Tăng).

2. Nếu tỳ-kheo nào, từ rừng vắng hay từ làng xóm, lấy vật không được cho với tâm trộm cắp; do lấy vật không được cho ấy mà vua hay đại thần của vua hoặc bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc trục xuất (khỏi nước), nói rằng, ‘Ngươi là kẻ phạm tội, là kẻ ngu si, là kẻ không biết gì, là kẻ trộm cắp’; tỳ-kheo lấy vật không được cho như vậy phạm Ba-la-di, bị hủy hoại, không được cộng trú.

3. Nếu tỳ-kheo nào, cố ý tự tay mình tước đoạt sinh mạng của con người hoặc tương tợ con người, hoặc cầm dao đưa cho người khác giết, hoặc khiến giết, hoặc khích lệ cho chết, khen ngợi chết, nói rằng, ‘Ôi, này bạn, ích gì đời sống xấu xa này, thà chết đi tốt hơn!’ Bằng tâm ý như vậy, tư duy như vậy, người ấy do thế mà chết; tỳ-kheo ấy phạm Ba-la-di, không được cộng trú.

4. Nếu tỳ-kheo nào thật sự không biết, không thấy, không chứng đắc pháp của bậc thượng nhân mà tự tuyên bố có biết, có thấy, có chứng đắc pháp của bậc thượng nhân, rằng, ‘Tôi hiểu điều này. Tôi biết pháp này. Tôi thấy pháp này.’ Tỳ- kheo ấy về sau dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, vì muốn cầu tự thành tịnh, nói rằng ‘Thưa chư Đại Đức, tôi thật sự không biết mà nói biết, không thấy mà nói thấy. Đấy chỉ là những lời hư dối.’ Tỳ-kheo nào nói như vậy, trừ tăng thượng mạn, phạm Ba-la-di, không được cộng trú.

Bạch chư Đại đức, tôi đã tụng xong bốn pháp Ba-la-di. Tỳ- kheo nào phạm bất cứ một pháp nào không còn được cộng  trú với chư tỳ-kheo khác. Như trước kia, sau khi phạm cũng vậy.[9]

Chư Đại đức, nay hỏi, trong đây có thanh tịnh không? Lần thứ hai và lần thứ ba hỏi như vậy.

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.

Prātimokṣa Sūtra of the Mūlasarvāstivādins, section 2, Prāt Kj ca3a7–4a1, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

V.85 Giáo huấn tân tỳ-kheo

Đoạn sau đây, Ngài Atīśa[10]giáo huấn các tân tỳ-kheo Tây Tạng viễn ly hết thảy các thế sự và chú tâm vào độc cư hành pháp.

Khi tôn giả Atīśa đang ngụ tại Yerpadrak (gần Lhasa), Ngài giáo giới như sau: ‘Này chư thánh tử, hãy suy xét kỹ điều ta sắp nói với các ngươi. Nói chung, người trong mạt thế[11] này sống đời ngắn ngủi và có nhiều thứ phải học. Bởi vì không chắc được mình sống bao lâu, các ngươi nên nhanh chóng nỗ lực từ bỏ những tham cầu (thế gian) của mình. Nếu các ngươi còn có tài sản và kiếm sống như hàng cư sĩ, thì các ngươi chẳng nên nói rằng mình là người xuất gia. Dù các ngươi có thể sống trong tự viện, chừng nào các ngươi còn e ngại việc từ bỏ những hoạt động thế tục của mình thì người chớ nên nói rằng “Ta là người xuất gia”. Chừng nào tâm các ngươi còn bị cuốn theo dục lạc của đời này và tràn đầy ác tâm, thì chớ nên nói rằng “Ta là người xuất gia”.

Dù các ngươi có thể sống trong tự viện; chừng nào các ngươi còn dính dáng với kẻ thế tục và phí thời gian của mình để nói chuyện thế sự vô ích, thì chớ nên nói rằng “Ta là người xuất gia.” Chừng nào các ngươi không thể chịu đựng được dù chỉ một tổn hại nhỏ nhoi mà người khác gây cho mình và không thể giúp đỡ dù chỉ chút ít cho kẻ khác, thì chớ nên nói rằng “Ta là người xuất gia”. Nếu các ngươi nhận mình là như vậy, thời các ngươi sẽ vọng ngữ với hàng cư sĩ. Dù các ngươi có thể làm cho họ tin rằng các ngươi như lời nói, thời các ngươi cũng chẳng thể dối gạt được những ai có vô ngại kiến, và những vị có pháp nhãn; và quả của nghiệp này sẽ đi theo các ngươi.

Toàn bộ trọng điểm của đời sống trong tự viện là để tránh hỗn tạp với người đời và để xả ly ràng buộc với thân quyến và bằng hữu. Một khi các ngươi đã bằng sự xả ly hết thảy những điều này mà trừ đi những ý niệm tham cầu dục lạc và mọi nhân duyên làm tán tâm, thì các ngươi sẽ khai mở được bồ-đề tâm quý giá của chính mình. Vì vậy chớ nên, dù chỉ một sát-na, chạy theo tâm lo sợ việc xả ly thế sự. Vì trước giờ các ngươi chưa từng theo đạo pháp và định tâm của các ngươi không đủ mạnh, nên những vọng tưởng thế gian sẽ nảy sinh liên tục và dũng mãnh trong tâm các ngươi. Trừ khi các ngươi dùng một số pháp cụ thể đối trị chúng, nếu không thì cũng chẳng ích chi khi ngụ nơi hoang vắng, cũng chỉ như cầm thú sống ở nơi đó mà thôi …

Nói tóm tắt, dù các ngươi có thể sống trong tự viện, Pháp sẽ chẳng thể hộ cho các ngươi trừ khi các ngươi buông xả những thế sự của đời này và chuyển tâm mình khỏi sự vọng cầu của thế gian. Hãy xả ly hết thảy những điều ấy! Nếu các ngươi nghĩ rằng mình có thể hành (như trước đây) mà lại chẳng xao lãng (Pháp) dù trong đời này hay trong các đời vị lai, thời pháp hành của các ngươi sẽ thành thứ yếu, và nếu nó là thứ yếu, nó chỉ có thể là giả dối, hư ngụy

Luôn tránh xa bạn xấu, và sống nơi u ẩn. Đừng trụ hoài một chỗ mà tích tập phiền não. Dù cho có làm gì, cũng phù hợp với Pháp. Bất cứ gì xảy đến, hãy dùng nó như là đối trị phần của phiền não. Hành như vậy là chân chánh hành trì pháp, hãy nên gắng làm theo. Nếu như gắng tu tập, được chút phẩm tánh thiện, chớ dương dương tự đắc, rơi vào tay Ma vương.[12] Hãy ngụ nơi hẻo lánh, giữ cho tâm định tĩnh, và điều phục tự thân, sống thiểu dục tri túc. Các ngươi chớ cố chấp những  thiện pháp của mình, chớ nên tìm kiếm lỗi lầm của kẻ khác. Hành mà không sợ, không lo. Đừng tăng trưởng phân biệt, mà hãy luôn có tâm từ. Chớ nên bị xao lãng, bởi các vọng tưởng, hãy luôn luôn tư duy chánh pháp.

Khiêm hư và nhẫn nhục khi bị công kích. Phòng chớ khoe khoang, ngăn ngừa đa dục, luôn luôn từ ái, ôn nhu. Dễ hài lòng, dễ chấp nhận.

Trốn thoát thế gian như con thú hoang. Chưa xuất ly thế gian, chẳng phải người hành pháp. Chưa từ bỏ bốn nghề kiếm sống,[13] không phải hàng xuất gia. Chưa viễn ly tham dục, chẳng phải người hành đạo. Nếu chẳng có từ bi, thời chẳng là Bồ-tát. Chưa đoạn tuyệt thế sự, chẳng đạt du-già hành giả. Chớ nên bị đánh lừa bởi tham lam vọng chấp!

Tóm lược lại như vầy, khi sống trong tự viện, chỉ hành pháp mà thôi, đừng để tâm chi khác, như thế mới có thể, chẳng ân hận điều chi, lúc thời khắc cận kề, lâm chung xong một kiếp.’ Vào lúc khác, Ngài Atīśa nói rằng: ‘Mạt thế chẳng phải là khi để khoe khoang, mà đó là lúc để chứng tỏ lòng kiên định. Đó chẳng phải là khi thượng tọa lên cao, mà là lúc ngồi xuống chỗ thấp. Đó chẳng phải là khi nương người phụng sự, mà là lúc hành hạnh độc cư. Đó chẳng phải là khi giáo giới đệ tử; mà đó là lúc giáo giới chính mình. Đó chẳng phải là khi nghe theo lời dạy; mà là lúc nghĩ về ý nghĩa của chúng. Đó chẳng phải là khi đi lại tới lui; mà là lúc ngụ ở một chỗ.” Miscellaneous Oral Precepts, ff. (folio number) 9b–15a, dịch Anh T.A.

***

[1] “Thiện lai, tỳ-kheo”, ‘ehi-bhikkhu’ (‘Hãy đến, này tỳ-kheo’), đây là thể thức đắc giới tối sơ, trừ thọ sa-di, khi Phật nhận các cá nhân vào trong tăng-già. Sau này, một thể thức thọ cụ túc chính thức được Phật quy định.

[2] Có nghĩa là, vị này ít nhất đã thành Dự lưu.

[3] Về pháp này, xem *Th.171.

[4] Giống như hoa sen trong bài *Th.5, không bị chìm trong nước.

[5] Như đức Phật đã mô tả ở *L.8.

[6] Vị bồ-tát tại gia lý tưởng ở đây tương đương với một vị Bất hoàn (a- na- hàm) tại mục *Th.204.

[7] Thực phẩm, chỗ ở, y phục và thuốc men.

[8] Từ ba-la-đề-mộc-xoa (prātimokṣa), thường được dịch là biệt giải thoát, có thể hiểu là ‘cái đưa đến giải thoát’, chỉ cho tất cả điều khoản giới mà Phật thiết lập cho xuất gia và tại gia; nhưng phổ thông chỉ cho ‘giới bổn của người xuất gia’,

[9] Nghĩa là, trở lại thành cư sĩ như trước kia.

[10] Xem *V.10 về Atiśa.

[11] Kaliyuga.

[12] Ác Ma: xem* LI.5 và 7 ở trên.

[13] Trồng trọt, thương nghiệp, chăn nuôi và cho vay lấy lãi.