Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VII. QUỐC GIỚI NGHIÊM TỊNH ĐỆ THẬP NHẤT
(TT)

o.  Vô Chư Nạn Trang Nghiêm

Câu này là để ứng đối với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, khiến chúng ta cảm nhận vô cùng sâu sắc. Chúng ta ngày nay gặp tai ương quá nhiều như bệnh khổ, lo lắng, phiền não dẫy đầy! Tai nạn cộng nghiệp như thiên tai trên địa cầu: Động đất, núi lửa bộc phát, sóng thần, phong tai, khí hậu biến hóa v.v… cũng không phải ít!

Hiện nay bốn mùa đột biến! Xuân, Thu hầu như không có, mùa hạ quá nóng, mùa đông quá lạnh! Rất nhiều động vật không thể thích ứng khí hậu, nó sẽ tuyệt chủng! Động vật tuyệt chủng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với sinh tồn của nhân loại trên địa cầu. Ảnh hưởng rõ ràng nhất chính là nguy cơ lương thực và nguy cơ về nguồn nước. Tương lai, nước khô cạn hết vậy thì chẳng đáng sợ sao?! Ấy là chưa kể đến nguy cơ về nguồn năng lượng v.v… Tất cả các nguy cơ đều xuất hiện!

Phật dạy rất rõ, tất cả đều do nghiệp lực của chúng sinh mà chiêu cảm: Thế giới Cực Lạc do tịnh nghiệp; cõi trời do thiện nghiệp; ba đường ác do ác nghiệp. Chúng ta bây giờ đang ở nhân đạo nhưng không có thiện niệm! Thiện niệm, thiện ngôn, thiện hành đều không có, nên tuy ở nhân đạo nhưng phải chịu khổ của tam ác đạo! Hiện tại chúng ta nhận chịu những sự khổ này đó là “hoa báo”. Sau khi chịu khổ ở đây xong, đến tam ác đạo tiếp tục chịu khổ, đó gọi là “quả báo”. “Quả báo” khổ hơn nhiều so với “hoa báo”.

– Làm sao cứu vãn những thiên tai trước mắt này?

– Đến Lý Thế Vân cũng nói chỉ có niệm Phật!

Nếu người trên toàn thế giới đều có thể niệm Phật thì thiên tai sẽ được hóa giải. Nhưng, con người không chịu niệm! Còn cho rằng đó là mê tín không phù hợp khoa học!

Trong kinh điển có rất nhiều điều vượt trên khoa học, mà hiện tại khoa học vẫn chưa thể giải thích! Có thể mười mấy năm sau hoặc mấy trăm năm nữa khoa học mới giải thích được. Nhưng, mười mấy năm, mấy trăm năm thì thế giới này sẽ không còn nữa! Điều này chỉ có người thâm nhập Đại thừa mới biết. Biết! Nhưng cứu không được thế giới này, ít nhất cũng cứu được chính mình. Không hóa giải được đại thiên tai của thế giới, ít nhất cũng hóa giải được thiên tai của khu vực chúng ta, điều này có thể làm được, nếu chúng ta có công lực tu hành.

Cho nên, người học Phật càng nhiều thì càng tốt. Phải thật sự học, phải thật sự sửa đổi tâm mình. Người giác ngộ sẽ đạt được niềm vui chân chánh, pháp hỉ sung mãn, nhất định không có vọng tưởng, không có lo lắng, vướng bận. Chân tướng của giác ngộ là “vô ngã”, quên mình vì người, trong tâm chỉ có người khác không có chính mình; sống trên thế gian này toàn tâm toàn lực phục vụ tất cả chúng sinh, đây chính là đại Bồ Đề tâm có thể tiêu nghiệp chướng. Có bản ngã là có nghiệp chướng, có oán thân trái chủ tìm đến. “Vô ngã”, nghiệp chướng không còn, oán thân trái chủ tìm không thấy; tai nạn, thiên tai cũng đều không có, “Vĩnh ly thân tâm khổ não, thọ lạc vô gián đoạn giả”. Tuy “Vô ngã”, nhưng vẫn có người, có chúng sinh, có Phật, Bồ Tát để ta tôn kính và học tập từ họ. Có chúng sinh, ta dẫn dắt họ lìa khổ được vui; giúp chư Phật, Bồ Tát tiếp dẫn chúng sinh, đem Phật pháp giới thiệu cho mọi người, đây là niềm vui “thọ lạc vô gián”, vĩnh viễn là hoan hỉ.

Bất kiến thế gian quá” (Không thấy lỗi của thế gian), tất cả sai lầm của người thế gian đều không để trong tâm. Nếu để trong tâm tức là ta có khổ! Họ làm ác cũng chớ nên trách cứ, trái lại càng thương xót, bởi biết rằng do mê thất tự tánh, không người chỉ dạy nên họ mới tạo nghiệp!

Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Tiên nhân vô tri, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã”. Biết bao thời gian qua đã lãng quên đi truyền thống văn hóa và Phật pháp Đại thừa, ít nhất cũng là năm thời đại. Cho nên, ta không thể trách cứ: Cha mẹ ta không biết, ông bà ta không biết, ông bà cố cũng không biết, ông bà cao tổ chắc biết một chút nhưng cũng sơ suất, chúng ta làm sao có thể trách họ! Phật giáo cũng như thế! Quá khứ sơ suất, ngày nay không có người dạy!

Trong đời, tôi cảm thấy vô cùng may mắn đã gặp được ba vị thầy, thiếu một trong ba vị này đều không được, tôi không thể thành tựu! Thầy Phương là người dẫn dắt tôi con đường nhập môn, không có thầy tôi không vào được cửa Phật, bởi quan niệm sai lầm của tôi đối với Phật giáo cải đổi không được! Tôi là một người cố chấp nặng nề, nên bảo tôi thay đổi quan niệm là rất khó! Cũng chính là do từ nhỏ cống cao ngã mạn, trong mắt không coi ai ra gì, cứ chấp chặc cái nhìn sai lạc của mình. Nếu không phải là người mà trong tâm tôi kính phục nhất thì họ không thể dạy tôi, tôi không tin tưởng họ!

Cho đến khi gặp được thầy Phương Đông Mỹ. Trong số mười mấy vị giáo thọ nổi tiếng tôi quen, trong đó thầy Phương là người tôi khâm phục nhất. Hơn nữa, tôi đối với triết học vô cùng hứng thú. Tôi theo thầy học không phải ở trường mà ở nhà của thầy. Một thầy, một trò; mỗi tuần học hai tiếng. Tôi rất cảm kích thầy, thầy đặc biệt chỉ dạy tôi; cách dạy này là tùy cơ ứng biến. Tuy tôi học không nhiều nhưng ngộ tánh của tôi mạnh, có thể hiểu và có thể lãnh hội.

Cứ như thế mà tôi đã làm quen với Phật giáo. Chưa bao lâu, tôi quen Đại Sư Chương Gia, ngài là nhà Phật học nổi tiếng. Đại sư dạy tôi phương thức cũng rất đặc biệt, giống như thầy Phương, mỗi tuần dạy tôi hai tiếng. Tôi học một mình với Đại sư ba năm đến khi ngài viên tịch. Nền móng căn cơ Phật học của tôi đều nhờ Đại Sư. Ngài khuyên tôi xuất gia, khuyên tôi học theo đức Thế Tôn , duy trì tuệ mạng Phật pháp, hoằng pháp lợi sinh, tôi nghe lời và đã thật sự làm được.

Học Phật và giảng kinh cũng gần hai mươi năm, tôi mới làm quen với pháp môn Tịnh Độ. Tôi vô cùng cảm ân thầy Lý, trước đây đã nhiều lần khó nhọc khuyên tôi chọn pháp môn này, nhưng tôi chưa chịu lãnh hội! Đến khi giảng Kinh Hoa Nghiêm mới biết Văn Thù, Phổ Hiền đều tu Tịnh Độ. Chẳng những chính mình tu mà còn lãnh đạo bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ trong Hoa Tạng hải hội đến thế giới Cực Lạc học tập với Phật A Di Đà. Cảnh quan này khiến tôi vô cùng cảm động.

Tôi tiếp tục quan sát tường tận Thiện Tài đồng tử. Thiện Tài là môn sinh đắc ý của Văn Thù, đương nhiên phải hoàn toàn giống thầy, quả nhiên không sai! Trong năm mươi ba lần tham học, những gì Thiện Tài tu đều là pháp môn Niệm Phật. Tuy đi khắp nơi trải sự luyện tâm, tăng trưởng “hậu đắc trí” (nghĩa là chẳng có gì không biết), nhưng pháp môn tu vẫn duy trì là pháp môn Niệm Phật.

Cuối cùng tham học, đến lần thứ năm mươi ba là “Phổ Hiền Bồ Tát thập đại Nguyện Vương đạo qui Cực Lạc”, từ chỗ này tôi lãnh hội được tôn giáo đa nguyên. Đối với bất cứ tôn giáo nào tôi cũng kính trọng. Tôi biết khác đường nhưng cùng về một chỗ. Tôn giáo thế giới là một nhà, nên tôi học, tôi nghe và tôi biết: Pháp môn nào dạy ra sao đều có thể bao dung; chỉ cần không phải là tà giáo tôi đều hoan hỉ, tán thán, lễ kính, cúng dường.

Những năm gần đây, tôi kết duyên rất sâu, rất rộng với các tôn giáo bạn nên mới xa rời khổ não của thân tâm, tự mình được lợi ích “thọ lạc vô gián đoạn”. Đây là lợi ích vô cùng lớn lao. Bất luận là thuận hay nghịch cảnh; thiện duyên hay ác duyên, những gì cảm nhận được đều là niềm vui, không có những ưu bi khổ não.

p. Đại Nghĩa Môn Trang Nghiêm

– Cái gì là “Đại Nghĩa”?

– Theo Hòa Thượng Tịnh Không, điều này có thể giải thích tóm gọn lại một câu: “Tịnh Độ thị Đại thừa thiện căn giới”. “Giới” là giới hạn, là cảnh giới. Tịnh Độ là cảnh giới thiện căn của Đại thừa.

Theo Vãng Sinh Luận có chú giải như sau:

Sự thành tựu (của) công đức (về) đại nghĩa môn là “Đại thừa thiện căn giới, bằng, không danh xấu xa, người nữ và căn khuyết, giống nhị thừa không sinh”. Quả báo Tịnh Độ lìa hai lỗi xấu xa cần phải biết: Một là thể, hai là danh. Thể có ba loại: Một là người nhị thừa, hai là người nữ, ba là người không đầy đủ các căn. Không ba lỗi lầm ấy gọi là “lìa (sự) xấu xa (về) thể”.

Danh cũng gồm có ba loại: là do không những không có ba thể mà cho đến còn không nghe đến tên của ba loại danh như: Nhị thừa, người nữ và không đủ các căn (kia), nên gọi là “lìa (sự) xấu xa (về) danh”. “Bằng” là do bằng nhau một tướng”.

“Đại nghĩa môn” có nghĩa là Đại thừa nghĩa môn; Phật pháp tổng quát gồm có hai môn: Tiểu thừa và Đại thừa. Tịnh Độ thuộc về ý nghĩa của môn Đại thừa nên gọi là “ Đại nghĩa môn”. Người vãng sinh về Tịnh Độ đều lấy thiện căn của Đại thừa làm nhân (giới) bình đẳng và không có các danh xấu xa (Hán ngữ gọi là “Cơ hiềm danh”. Đúng nghĩa của “Cơ hiềm” là chỉ trích, chê bai).

Thế giới Cực Lạc không những không có ba loại người này mà còn không có cả ba loại danh ấy nữa, bởi tất cả đều bình đẳng một tướng vậy. Theo đó, Thanh Văn mà thế giới Cực Lạc có, chính là dùng thân Thanh Văn (song) hồi tâm (về) Đại thừa để mà sinh vào (đây) hoặc là do Phật thị hiện để trang nghiêm Tịnh Độ (tức là làm đẹp cho Tịnh Độ) khiến cho Tịnh Độ không bị ai chỉ trích hết. Chữ “Bằng” là bình đẳng (Hán văn là “đẳng”). Do đó nói không có người nữ, căn khuyết và người thuộc Nhị thừa, không có nghĩa là các người đó không được vãng sinh, mà là khi sinh về Cực Lạc rồi thì tất cả đều bình đẳng một tướng, tức quang minh trí tướng của A Di Đà Phật.

Nhưng phải hiểu trí tướng này vốn vô tướng (sắc tức thị Không) và đồng thời lại là tất cả tướng (Không tức thị sắc), thế nên phải hiểu chúng sinh sinh về đó đồng một thật tướng “Không” bình đẳng, song mỗi người vẫn giữ lấy tướng riêng của mình tùy theo nguyện. Tại sao dám nói như vậy? Bởi chính các chúng sinh tự là Không, tự là tự thể Bát Nhã vậy. Do đó khi Bát Nhã hiển hiện, tác dụng của Bát Nhã không hề trở ngại hay phá hủy hiện tướng của chúng sinh.

1. Nhất Thiết Sở Cầu Mãn Túc Trang Nghiêm

Nhất thiết sở cầu mãn túc trang nghiêm (đầy đủ công đức về cả các mong cầu). Điều này thật quá ư thù thắng, cũng là sự thành tựu lớn nhất của thế giới Cực Lạc. Mười bảy loại trang nghiêm y báo trên đây là nghiêng nặng về nhu cầu vật chất, hoàn toàn do biến hóa ra, không cần người thiết kế hay chế tạo, muốn thứ gì thì thứ ấy hiện ngay trước mắt; không cần nữa thì nó tự động biến mất chẳng cần phải thu dẹp hay lưu trữ. Thật là tự tại!

Ở thế giới Cực Lạc không có gì phải khổ tâm lo lắng. Bài kệ của Đại sư Đàm Loan nói rất hay “chúng sinh sở nguyện lạc, nhất thiết năng mãn túc cố” (chúng sinh bao ước muốn, tất cả đều đầy đủ). Câu này là tối trọng yếu bởi nó nói lên trọn vẹn sự viên mãn của công đức lợi mình, lợi người của Phật A Di Đà vậy. Theo Thế Thân Bồ Tát, phần này nói về công đức lợi tha của A Di Đà Phật. Nhưng cũng đồng thời là xác định rằng chỉ có Cực Lạc thế giới mới là độ sinh chân chính và đúng nghĩa Đại thừa nhất.

Trên đây là lược nói xong về mười bảy loại y báo công đức trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. Về chánh báo có mười hai loại, chia làm hai phần: tám loại trang nghiêm của Phật và bốn loại trang nghiêm của Bồ Tát. Tám loại trang nghiêm của Phật là:

– Một là trang nghiêm tòa.

– Hai là trang nghiêm thân.

– Ba là trang nghiêm khẩu.

– Bốn là trang nghiêm tâm.

– Năm là trang nghiêm chúng.

– Sáu là trang nghiêm thượng thủ.

– Bảy là trang nghiêm chủ.

– Tám là trang nghiêm không uổng làm trụ trì.

1. Tòa Trang Nghiêm

Vô lượng chi đại bảo vương, vi diệu chi tịnh hoa đài giả” (vô lượng vua báu lớn, đài hoa sạch vi diệu): “Tòa” là chỗ ngồi. Người ở thế giới Cực Lạc không ngủ nên họ không sử dụng giường. Chỗ ngồi đều trên tòa hoa sen. Ở đây nói “tịnh hoa đài” chính là đài sen do vô lượng trân bảo làm thành.

Theo Vãng Sinh Luận: “Tòa Phật của Tiểu thừa chỉ là cỏ cát tường, còn Phật thì lấy tướng lão tỳ kheo. Đại thừa không như vậy, tòa của Ngài trang nghiêm bằng bảy báu, khác nhau như vậy là vì cảnh giới của chúng sinh mỗi thứ một khác. Nay quán tòa của Phật là đài hoa sen thanh tịnh vi diệu do vô lượng báu lớn làm thành. Đài này do Bồ Tát Thập Địa thành Phật mới ngồi. (Thập Địa tức là địa thứ mười “Pháp Vân Địa”, địa cuối cùng của Bồ Tát trước khi thành Phật).

Chúng ta nhớ một điều: thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới bình đẳng, nên tòa sen của mọi người đều giống y hệt tòa sen của Phật A Di Đà. Điều này ở thế giới tha phương nhất định không bình đẳng. Vì sao? Vì công phu tu hành của mỗi người không bình đẳng thì quả báo đạt được cũng không bình đẳng.

Thế giới Cực Lạc sở dĩ bình đẳng là do sức oai thần, bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, không phải do họ tu mà được. Ân đức Phật A Di Đà lớn biết bao! Mãi đến khi tập khí vô minh của họ đoạn tận hết, lúc này họ mới thật sự là bình đẳng với A Di Đà Phật. Bấy giờ họ không còn ở cõi Thật Báo mà đến cõi Thường Tịch Quang. Trong Thường Tịch Quang, lý sự đều bình đẳng. Trong cõi Thật Báo sự lý cũng đều bình đẳng: về lý thì không có gì để nói   vì đó là tự tánh; nhưng về “sự bình đẳng” là do sức oai thần của bốn mươi tám nguyện A Di Đà Phật gia trì.

2. Thân Nghiệp Trang Nghiêm

Tướng hảo chi quang nhất tầm, siêu ư sắc tượng quần sanh giả” (Tướng đẹp rạng một tầm, sắc tượng vượt quần sinh). “Thân” là thân thể. Thể chất của người ở thế giới Cực Lạc là thân kim cang bất hoại, là thân tử ma chân kim sắc; thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Đây là “thân quang nhất tầm”. Thân mỗi người đều có quang tức ánh sáng. “Nhất tầm” đây là “thường quang” vì tướng này thường hiện diện. Theo Vãng Sinh Luận: “Một tầm là tám thước, thật ra là một trượng (một trượng là mười thước. Thước ở đây là thước Tàu bằng một phần ba mét. Nếu nói một tầm là tám thước thì bằng tám phần ba mét, còn cho là một trượng thì bằng mười phần ba mét).

Ánh sáng của Phật chiếu khắp cõi mười phương, sao lại chỉ nói có một tầm? Ví như lửa đuốc, nguồn sáng chỉ một điểm mà ánh sáng đầy cả phòng, nghĩa ấy là vậy. Ứng Thân, Hóa Thân trong mười phương thế giới đều có sắc tướng, Pháp Thân không có vì đã vượt qua. Đây là sự thù thắng của thân nghiệp. Từ chỗ này chúng ta lãnh hội được ở thế giới Cực Lạc khoẻ mạnh, sống lâu.

3. Khẩu Nghiệp Trang Nghiêm

Như Lai vi diệu, chi phạm hưởng, văn ư thập phương giả” (Như Lai tiếng vi diệu, âm phạm vọng mười phương): Khẩu nghiệp của Như Lai là giảng kinh giáo hóa. Âm thanh Phật nói ra cực kỳ vi diệu, thanh tịnh (“phạm hưởng” là âm thanh thanh tịnh), sung mãn trí tuệ, sung mãn đức năng, tướng hảo; âm thanh của Phật có thể giúp chúng sinh tiêu nghiệp chướng, tăng phước tuệ. Lại nữa, người nghe không phân xa, gần đều có thể nghe rõ âm thanh của Phật như ngay bên tai. Tùy căn cơ mỗi người mà nghe, thấy có khác biệt.Quả báo thù thắng như vậy của Phật xuất phát từ tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chân thành, tâm chí thiện từ bi, tuyệt đối không có tâm thương ghét, lấy bỏ một chúng sinh nào. Điều này chúng ta cần nhớ, nắm bắt và noi theo.

Nếu đem những điều bất thiện của người khác để vào tâm, sẽ tổn hoại đến tâm thanh tịnh của chính mình! Không những thế, khi chúng ta làm việc tốt cũng đừng nên nhớ nghĩ; có nhớ nghĩ là tâm không thanh tịnh. Tâm địa của Bồ Tát là “bổn lai vô nhất vật”, tuyệt đối không để tâm dao động vì bất cứ việc gì. Thật ra, tốt hay xấu cũng đều không có, như vậy mới tương ưng với tánh đức. Tánh đức là “tam luân thể không”. Lấy tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác để hành Lục độ, tu Lục hòa, tu mười nguyện của Phổ Hiền, cùng bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật mà không hề chán mõi.

4. Tâm Trang Nghiêm

“Tâm” là gì? Là chân tâm. “Đồng địa, thủy, hỏa, phong, không; ư vô phân biệt giả” (đồng đất, nước, lửa, gió, hư không, không phân biệt): “vô phân biệt” là không có tâm phân biệt. Tâm Phật như đất, không phân sạch dơ nặng nhẹ, cứ thế mà gánh vác như nước, lửa, gió, hư không bình đẳng không phân biệt. Chúng sinh khởi tâm là phân biệt ngay, Phật thì chẳng luận khen chê, đều không phân biệt. Không phân biệt ở đây không có nghĩa là không nhận biết mà chính thật tâm Phật là Định-Tuệ viên mãn. Phật không gì không biết nhưng tâm Phật không có chấp trước, mọi thứ vọng niệm đều dứt bặt.

– Những thứ này có hay không?

– “Tướng có, tánh không! Sự có lý không!”.

Cho nên “phi không phi hữu, diệc không diệc hữu”. Có thể dùng nó để thành tựu vô lượng vô biên công đức trang nghiêm nhưng không thể chấp trước, không thể phân biệt! Nói cách khác không được khống chế, không được chiếm hữu thì ta có thể hưởng được lợi ích từ nó. Nếu muốn chiếm hữu, muốn khống chế nó là sai lầm! Phiền não sẽ khởi hiện hành! Chúng ta sẽ đọa lạc! Nếu thật sự hiểu rõ được chân tướng sự thật này thì phải biết rằng: Chúng ta đến thế gian lần này chỉ xem như là nhà trọ, tất cả đều tùy duyên! Như vậy là chúng ta đang sống theo cách sống của chư Phật, Bồ Tát, sẽ rất hoan hỉ. Có cũng tốt! Không có cũng tốt! Đạt được thì tốt mà mất đi cũng không sao! Không chút bận lòng!

Người thế gian có cũng khổ! Không có cũng khổ! Không có thì muốn có được; có rồi lại sợ mất! Nên có hay không đều khổ! “Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người” (Như giáo sư Phương Đông Mỹ nói trước đây) chính là “Có hay không có đều vui vẻ”. Tiến thêm một bước: Có thì phải bố thí, phải giúp người không có; nếu không có thì nhất định không có tâm hy vọng tìm cầu. Ngày mai không có cơm ăn, ngày nay vẫn vui vẻ, không để trong lòng!

Người niệm Phật trong tâm chỉ có Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà, cái gì cũng không có! Tâm nguyện tương ưng, và tịch tịch tương ưng. Nói cạn một chút thì tương ưng với Định Tuệ. Tâm là Định, Định sinh trí tuệ. Lại nữa, “Tâm nghiệp trang nghiêm”, ở đây là dùng “tâm”, không dùng “ý”.

Chư Phật, Bồ Tát không có ý. Ý là trong A-lại-da. Phật, Bồ Tát đã chuyển “thức” thành “trí” nên không còn ý: Ý là Mạt-na; thức thứ sáu là ý thức; thức thứ tám là A-lại-da đều không còn nữa. A-lại- da đã chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí; Mạt-na chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí; ý thức thành Diệu Quan Sát Trí. Diệu Quan Sát Trí là trí không phân biệt; Bình Đẳng Tánh Trí chính là tâm thanh  tịnh, không nhiễm trước; Đại Viên Cảnh Trí là tâm đại triệt đại ngộ, là giác (ngộ) như trên đề kinh Vô Lượng Thọ. Sau khi đã chuyển A-lại- da thành “giác”, chuyển Mạt-na thành “Bình đẳng”, chuyển đệ lục ý thức thành “Thanh tịnh” thì sau đó thân, ngữ, ý mới có thể thành tựu vô lượng, vô biên công đức, giúp tất cả chúng sinh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.

5. Đại Chúng Trang Nghiêm

Bỉ độ chi nhân thiên thánh chúng, giai thành tựu Đại thừa thiện căn. Do Như Lai thanh tịnh chi trí hải nhi sanh giả” (Do biển trí thanh tịnh của Như Lai mà hóa sinh). “Thánh chúng” là mười phương thế giới chúng sinh vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có dân bản xứ, dân gốc chỉ có một người là A Di Đà Phật. Thế giới Cực Lạc này do ngài sáng tạo. Những di dân đến thế giới Cực Lạc phải đủ điều kiện như trên đề kinh “Thanh tịnh, Bình đẳng, giác”. Điều này rất quan trọng!

Trên kinh Phật cũng nói rất nhiều: “Tâm tịnh thì cõi nước tịnh”. Thế giới Cực Lạc là cõi nước tịnh, nếu tâm không thanh tịnh không thể vãng sinh! Chuẩn bị vãng sinh, cần phải đem những thứ tạp loạn trong thế giới này buông bỏ hết, đem những việc quanh mình bàn giao lại rõ ràng và xử lý ổn thỏa. Lúc này có thể tự tại Niệm Phật vãng sinh.

6. Thượng Thủ Trang Nghiêm

Đây là chỉ Phật A Di Đà. “A Di Đà Phật ư Tịnh Độ vi thượng thủ, như Tu Di sơn vương, thắng diệu vô hữu, siêu quá giả” (như Tu Di núi chúa, thắng diệu không gì hơn): Lấy Tu Di sơn để làm thí dụ “vương” là lớn nhất; trong tất cả các ngọn núi, núi Tu Di là cao nhất. Thượng thủ ở đây như núi Diệu Cao, vi diệu vượt bậc không gì sánh  được. Dùng Tu Di để sánh ví với Phật A Di Đà: Phật A Di Đà là vua trong các vị Phật. Đây là “Thượng thủ thành tựu”.

7. Chủ Trang Nghiêm

Chủ” là giáo chủ, chủ trì việc dạy học ở thế giới Cực Lạc, cũng giống như hiệu trưởng của một trường. “A Di Đà Phật vi bỉ độ chi giáo chủ, thiên, nhân, trượng phu chi chúng, cung kính chiêm ngưỡng giả” (trời, người, trượng phu chúng, chiêm ngưỡng kính vây quanh). Trời và người là hai đạo trong Lục đạo. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Cõi Phàm Thánh Đồng Cư chỉ có trời và người, không có ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, cũng không có A-tu-la. Thiên, nhân, trượng phu đều có thể xưng đối với Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Đại chúng vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đối với giáo chủ, Phật A Di Đà cung kính chiêm ngưỡng.

8. Bất Hư Tác Trang Nghiêm

Quán Phật bổn nguyện lực, gặp không uổng qua không, khiến được mau đầy đủ, biển lớn công đức báu”. Phật A Di Đà là hiện thân viên mãn của trí quang Bát Nhã , thế nên được gặp Phật là sẽ đắc Pháp Thân bình đẳng. Do nhờ bổn nguyện lực của Phật A Di Đà mà chúng sinh vãng sinh vào Cực Lạc liền được không thối chuyển (như thế chính là) chẳng uổng làm trụ trì, vì cứu cánh (chúng sinh) sẽ thành Phật.

Trong bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà, tóm lại mà nói có hai điểm quan trọng: Thứ nhất là người vãng sinh đến thế giới Cực Lạc, ai ai cũng đều được giống như Phật A Di Đà không hai không khác, tất cả đều bình đẳng. Kế đến, do nguyện thứ mười tám “mười niệm ắt sinh” của Phật A Di Đà mà chúng sinh dù nhơ hay sạch, dù thiện hay ác, lúc lâm chung nếu thành tâm sám hối, phát nguyện vãng sinh, chỉ cần niệm từ một đến mười niệm cũng đều được Phật đến tiếp dẫn vãng sinh về thế giới tây phương Cực Lạc. Cho nên Phật cũng không uổng làm trụ trì vậy.

Bốn loại trang nghiêm của Bồ Tát vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc:

1. “Bất động bổn xứ, biến chí thập phương cúng dường, hóa sanh trang nghiêm”

Thân Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc không rời Phật A Di Đà, ngày ngày vẫn bên cạnh nghe Phật giáo huấn, nhưng họ có thể phân thân, vô lượng vô biên thân, ứng hóa đến khắp mười phương quốc độ cúng dường chư Phật và giáo hóa chúng sinh giống như vầng thái dương không động mà ánh sáng phủ khắp đại thiên. “Hóa sanh” là giáo hóa chúng sinh. Họ đến thế giới tha phương chiêm bái chư Phật là để cúng dường tu phước; nghe chư Phật giảng kinh là tăng trưởng trí tuệ, đồng thời gặp người có duyên, có thể giúp họ phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.

2. “Nhất niệm nhất thời biến chí Phật hội lợi ích quần sanh trang nghiêm”

Phật hội” là nơi giảng đường, nơi chư Phật Như Lai giảng kinh, thuyết pháp. “Nhất niệm, nhất thời” là như Bồ Tát Di Lặc nói trước đây, cực kỳ vi tế. Đoạn này nói Bồ Tát ứng hóa vào thế gian, chẳng hề có trước sau mà đồng thời biến đến khắp mười phương thế giới để làm lợi ích chúng sinh. Cho nên, cái bất động là thân chân thật của Bồ Tát, còn các ứng hóa thân là hoằng hóa ở bên ngoài. Phàm phu trong một niệm chỉ có thể thành tựu một sự việc, tuyệt đối không thể cùng một lúc chu toàn đủ mọi việc. Song, Bồ Tát có thể ngay nơi chỗ khởi tâm động niệm liền phóng ánh sáng lớn đến khắp mười phương, dùng đủ mọi phương tiện giáo hóa chúng sinh, trừ khổ ách cho tất cả chúng sinh.

3. “Nhất thiết thế giới tán thán chư Phật trang nghiêm”

Đây là nói Bồ Tát cúng dường chư Phật ở trong mười phương. Trong Vãng Sinh Luận Giảng Ký viết: “(Các hóa thân Bồ Tát) kia trong tất cả thế giới không sót (một thế giới nào), chiếu các đại chúng của các Phật hội không sót (một đại chúng nào) (một cách) rộng lớn vô lượng cúng dường, cung kính, tán thán chư Phật Như Lai”: Đây là pháp Phổ Hiền.

Bồ Tát hóa thân này, theo chú thích trong Vãng Sinh Luận: “Lễ kính, cúng dường, tán thán chư Phật chính là chánh đạo của Đại thừa vậy. Cái quan niệm cho rằng tu tập trong đạo Phật chỉ là thiền định nhằm giải thoát quả thật là hạn hẹp và nghèo nàn. Với Đại thừa, sự liên hệ với chư Phật qua các hạnh nghiệp lễ bái, cúng dường, tán thán (tức gồm cả chiêm ngưỡng quán tưởng) là tối quan trọng. Sự liên hệ ở đây không hề có tính chất sùng bái thần tượng kiểu tôn giáo, mà nó hoàn toàn thiết yếu để thực hiện và thành tựu con đường Đại thừa, tức con đường thành Phật.

Con đường Đại thừa là con đường thực hiện Bồ Đề tâm. Bản chất của Bồ Đề tâm vẫn chỉ là tâm thức. Mà tâm thức phi duyên thì không khởi, nghĩa là không lập được. Vì vậy Bồ Đề tâm cũng bắt buộc phải có đối tượng làm sở duyên để khởi và để lập. Và sở duyên lý tưởng và chân chánh nhất của Bồ Đề tâm chính là chư Phật mười phương (phải trọn cả mười phương chư Phật thì sở duyên mới viên mãn, nhờ vậy Bồ Đề tâm cũng sẽ viên mãn theo).

Tâm có sở duyên để lập, tâm còn cần hạnh nghiệp để huân nữa, thế nên Bồ Tát cần thiết phải lễ bái bằng thân nghiệp, tán thán bằng khẩu nghiệp, cung kính quán tưởng bằng ý nghiệp … để huân tập Bồ Đề tâm vậy. Thế nên, Phổ Hiền hạnh nguyện cũng lấy lễ kính, tán thán, cúng dường làm đầu. Ngoài ra là hạnh hồi hướng để lập thành và huân tập từ bi tâm. Chỗ này cũng gợi ý và khơi rõ hơn cho chúng ta thấy ý nghĩa chân thật và đứng đắn nhất: Đại thừa chính là Tịnh Độ và Hoa Nghiêm vậy”.

4. “Vô Tam Bảo xứ thị pháp trang nghiêm giả”

Ý nói Bồ Tát thị hiện đến các chỗ không có Phật pháp để kiến lập Tam Bảo.“Thị” ở đây là thị hiện, là biểu diễn, làm để người khác xem. Nói như Hòa Thượng Tịnh Không:

– Người ở đây không tin Tam Bảo, không cần Tam Bảo, vậy có nên bỏ mặc, không quan tâm đến họ chăng?

– Không thể! Cần phải sinh tâm thương xót!

Họ không biết Tam Bảo, nếu họ biết thì làm gì có chuyện không tôn kính. Cũng giống như tôi lúc còn trẻ chưa nhận thức được nên không biết gì, luôn cho rằng Phật giáo là mê tín, là tôn giáo nên không muốn gần! Thực sự mà nói, tôi chưa từng xem qua sách Phật; hơn nữa sách Phật có xem qua cũng không hiểu! Không biết trong sách nói gì! Cho nên, suốt đời này tôi vĩnh viễn cảm tạ thầy Phương; nếu không phải thầy Phương , tôi sẽ không tin Phật, không thể! Thầy Phương đã đem Phật pháp giảng rõ ràng minh bạch, tôi mới hiểu được Phật giáo là giáo dục, không phải là tôn giáo.

Vô Tam Bảo xứ thị pháp trang nghiêm giả”, nói như Vãng Sinh Luận giảng ký là: “Bồ Tát hóa thân kia ở nơi tất cả các thế giới khắp mười phương, các chỗ nào không có biển công đức lớn Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo) trụ trì trang nghiêm thì sẽ hiện bày đến khắp các nơi đó khiến họ hiểu biết và như thật mà tu hành”.

Tóm lại, trên đây đã lược qua về ba loại Trang Nghiêm Thành Tựu của thế giới Tây Phương Cực Lạc: Cõi nước trang nghiêm, Phật trang nghiêm và Bồ Tát trang nghiêm. Ba loại trang nghiêm này do nguyện tâm của Phật A Di Đà mà thành tựu, có   thể tóm nhập vào một pháp cú; một pháp cú là “Thanh tịnh cú, chân thật trí tuệ, vô vi pháp thân”.

Thanh tịnh này có hai thứ cần phải biết: Một là thanh tịnh (thuộc) khí thế gian; hai là thanh tịnh (thuộc) chúng sinh thế gian. Thanh tịnh thuộc khí thế gian như trước đã nói qua về mười bảy loại thành tựu trang nghiêm công đức của cõi nước Phật. Thanh tịnh thuộc chúng sinh thế gian như tám loại thành tựu trang nghiêm công đức của Phật và bốn loại thành tựu trang nghiêm công đức của Bồ Tát.