NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch

Nhìn Thủng Cảnh Giới Sáu Trần

Giảng tại Kim Sơn Tự ngày 11/10/1987

“Ðạo trước mắt mà cầu chi xa
Việc dễ dàng mà cầu chi khó”

Sơ quả A La Hán, tiếng Phạn là Tu Ðà Hoàn, dịch là “Nhập lưu” hoặc “Nghịch lưu”. “Nhập vào dòng Thánh nhân pháp tính, ngược với dòng phàm phu sáu trần “. Hiện tại phần đông cũng “Nhập lưu”, nhập vào dòng sáu trần vậy. Cho nên sáu trần tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

1. Sắc trần: Phàm là có sắc tướng đều là trần ; không sắc tướng tức là tịnh.

2. Thanh trần: Tai nghe chuyện đời tâm bị nhiễm ô, tự tính không trong sạch.

3. Hương trần: Phụ nữ thích thoa dầu thơm, thời gian lâu dầu thơm biến thành dầu thối. Bên ngoài thì thơm mà bên trong thì hôi thối. Hiện nay phái nam cũng thoa dầu thơm, bắt chước phụ nữ. Vì thấy phụ nữ thoa dầu thơm, làm mê hoặc phái nam. Phái nam muốn làm mê phụ nữ, cho nên cũng làm như thế. Bây giờ chỉ chưa có sơn môi đỏ. Tin chắc rằng tương lai không lâu phái nam cũng sẽ vẽ mắt sửa lông mi, tô môi đỏ, dũa móng tay. Ðó là nam nữ đôi bên hỗ tương lường gạt, đội mặt giả hỗ tương lợi dụng. Bạn nói đây không phải là trần thì là cái gì? Phiền phức quá! Con người vốn là sạch sẽ mà lại tô vẽ làm vẻ mặt bướng bỉnh.

4. Vị trần: Tức là tham ăn ngon. Vì muốn đầy miệng bụng, nên tưởng hết phương pháp mời người nấu những món sơn trân hải vị. Nếu không ngon thì nuốt chẳng xuống.

5. Xúc trần: Tức là tham trơn nhẵn, khi tiếp xúc liền sinh ra trần.

6. Pháp trần: Trong tâm duyên pháp. Tâm pháp có 8, sắc pháp có 11, tâm sở pháp có 51, pháp bất tương ưng có 24, vô vi pháp có 6, cộng thành 100 pháp. Tâm duyên pháp trần khiến tự tính không được thanh tịnh.

“Ðạo trước mắt mà cầu chi xa”. Ðây là những cảnh giới sáu trần, đều ở trước mắt, hằng ngày tiếp xúc trong đời sống. Nếu tâm thanh tịnh không bị sáu trần ô nhiễm, thì hiển lộ tự tính quang minh trí huệ tịch chiếu. Chẳng qua phần đông không nỗ lực dụng công phu, ngược lại hướng ngoại truy cầu, bỏ gốc tìm ngọn.

“Việc dễ dàng mà cầu việc khó”. Sự việc vốn rất dễ dàng, nên “bỏ trần mà hợp giác”, mà chuyển thành “bỏ giác mà hợp trần”. Dễ như trở bàn tay, nhưng chúng ta cứ nhận giặc làm con, tránh chết đuối mà lại nhảy vào lửa, cuối cùng không bị chết đuối thì cũng bị chết thiêu. Chẳng qua chết đuối không thống khổ lắm, nhưng chết thiêu thì thống khổ khó tả. Thế nào là chết đuối? Chết thiêu? Tham tài thì bị tài sản chôn vùi, giống như chết đuối. Tham sắc: Do lòng tham muốn cho nên bị lửa thiêu thân, giống như lửa thiêu. Nước, lửa tức là ví dụ tài và sắc.

Sơ quả A La Hán thì không còn bị sáu trần làm giao động. Hỗ tương dùng sáu căn biến thành hộ pháp. Ðây cũng giống như bổn thân của bạn thiết lập trường thành, không thể bị lục tặc xâm lược. Tục ngữ có câu:”Bất đáo trường thành phi hảo hán”. Hiện tại trong thân của bạn có vạn lý trường thành tức là anh hùng hảo hán.

Lại có người nói:”Tôi không muốn làm hảo hán, tôi muốn làm người nhẫn nại”. Câu này tôi không tin. Nếu thật tại sao có người đánh bạn bạt tai, bạn lại nổi giận? Do đó mọi người hãy xét lại, phải thật sự làm chủ được mới gọi là hảo hán. Nhưng phải hòa hợp với mọi người, đừng cống cao ngã mạn, tiêu kỳ lập dị.