MUÔN KIẾP NHÂN SINH
MANY LIVES – MANY TIMES
Tác giả: Nguyên Phong

PHẦN BA – KARMA – NGHIỆP QUẢ BÁO ỨNG

Chúng tôi ngồi vào bàn ăn trong căn nhà nghỉ dưỡng mới mua, Angie đã sửa soạn một bữa ăn thịnh soạn với những đĩa trái cây được bài trí đẹp đẽ.

Ông Kris vui vẻ nói:

– Đã lâu lắm rồi tôi mới được ăn một bữa như hôm nay. Những đĩa trái cây bình thường này qua bàn tay bài trí khéo léo của bà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Angie vui mừng nói:

– Cảm ơn ông, tôi rất thích việc bài trí này. Làm bếp đối với tôi là một nguồn vui và mỗi khi nhà tôi mời khách đến nhà chơi, tôi đều đích thân chuẩn bị bữa ăn.

Tôi ngắt lời:

– Nhưng tôi thì không muốn Angie phải bận rộn như thế, bởi vì trong nhà đã có người phụ việc rồi.

Ông Kris mỉm cười quay qua Angie hỏi:

– Bà nghĩ sao?

Angie lắc đầu:

– Họ làm việc vì phải làm chứ không phải thích làm. Phần tôi thì khác, tôi làm vì niềm vui đối với công việc. Nhiều người nội trợ làm việc và cảm thấy cực nhọc, khổ sở như là nạn nhân chứ không phải vì niềm vui. Còn tôi làm vì tôi muốn làm chứ không phải bị ai bắt buộc, do đó nấu ăn hay công việc nội trợ đối với tôi là nguồn vui thực sự. Tôi làm vì tôi yêu nhà tôi nhưng ông ấy không muốn tôi phải mệt nhọc như thế.

Ông Kris lên tiếng:

– Bà nói đúng, nếu quan sát cách mọi người làm việc ngày nay, đa số họ làm việc vì phải làm chứ không phải thích làm. Họ không tìm được nguồn vui trong công việc và kết quả là họ cảm thấy mệt nhọc, chán nản. Nếu biết tìm nguồn vui trong mọi hành động thì cuộc sống là một ân sủng chứ không phải là một sự ép buộc.

Angie quay qua phía tôi:

– Anh thấy chưa, em làm vì yêu thích chứ có ai bắt ép đâu. Khi làm việc, em cảm thấy thích thú và thường huýt sáo hay ca hát nghêu ngao để tâm hồn vui vẻ, thoải mái.

Ông Kris nói:

– Bà thích làm đến thế sao? Hay quá, đã lâu lắm rồi tôi không nghe thấy tiếng huýt sáo. Có vẻ khi xưa mọi nguời sống vui vẻ, hồn nhiên hơn ngày nay thì phải.

Nghe ông Kris nói vậy, tôi cũng muốn góp thêm đôi lời:

– Ông nói đúng, ngày nay đa số đều bận rộn quay cuồng vì chịu ảnh hưởng của các dịch vụ sản phẩm công nghệ. Nếu không nhắn tin trên điện thoại, xem phim trên tivi thì cũng phải lướt Facebook, Messenger hay xem YouTube nhiều giờ liền trong ngày.

Ông Kris mỉm cười:

– Do đó họ không còn tìm thấy sự bình an trong tâm hồn nữa. Lúc nào họ cũng ở trong tình trạng căng thẳng, báo động và mất đi sự hồn nhiên từ bên trong. Ông sẽ thấy số người bị bệnh thần kinh gia tăng nhiều vì đa số người trẻ bây giờ đều mắc chứng suy nhược tinh thần.

Angie thắc mắc hỏi:

– Nhưng làm thế nào người ta có thể tìm lại niềm vui đã mất đó?

Ông Kris thong thả trả lời:

– Muốn sống thoải mái, trước hết con người phải khỏe mạnh thông qua việc vận động và nghỉ ngơi đúng nghĩa đầy đủ. Nhiều người trẻ phung phí sức khỏe qua những cuộc vui trác táng mà không biết hậu quả tai hại của nó là gì. Khi khỏe mạnh thật sự vừa về tinh thần và thể xác thì ta mới nhìn mọi sự với những khía cạnh đẹp nhất, đúng với những gì bản chất vốn có của nó. Còn khi mệt mỏi, lo toan, căng thẳng đau ốm bệnh tật thì không thể cảm nhận được một luồng gió mát, một tiếng chim hót, một cánh hoa tươi, sự rung động của những chiếc lá lay động trong làn gió nhẹ, âm thanh của một giai điệu bản nhạc hay. Những người trẻ bây giờ làm việc, ăn và ngủ ngay trên bàn làm việc chứ đâu biết tìm sự thoải mái khi nghe bài nhạc yêu thích, đi dạo trong công viên để đầu óc được thư giãn. Họ nói là cần tập trung tìm sự sáng tạo trong công việc nhưng họ đâu có nhận thức được rằng chính sự thoải mái tinh thần mới làm cho bộ óc của họ trở nên lạc quan và sáng tạo hơn.

Angie vẫn thắc mắc:

– Ông nói vậy, chứ tôi thấy nhiều người trẻ bây giờ vẫn tập thể thao đấy chứ, như chạy bộ, tập gym chẳng hạn.

Ông Kris mỉm cười trả lời:

– Họ chạy hay tập gym nhưng đầu óc vẫn bận rộn với đủ thứ việc. Có khi họ vừa chạy vừa tập vừa nghe nhạc hay theo dõi tin tức qua chiếc tivi ở đó hay iPhone. Đó chỉ là vận động thể xác thôi chứ không phải là nghỉ ngơi, thư giãn. Việc chăm sóc sức khỏe thể chất phải đi đôi với nâng cao sức khỏe nội tâm và tránh nuôi dưỡng các cảm xúc tiêu cực. Khi họ quan tâm chú ý đến từng hành động, từng hơi thở của mình thì họ sẽ vui vẻ, lạc quan hơn. Nếu họ tự đặt cho mình một thông lệ là mỗi ngày chờ đón một niềm vui bất ngờ xuất hiện thì họ sẽ cảm nhận được niềm vui đó. Nếu họ biết tự nói với mình rằng thật may mắn khi được hít thở bầu không khí trong lành vào buổi sáng sớm, hay thật sung sướng khi được giẫm chân lên những chiếc lá khô vàng hay mặt cỏ còn đẫm sương mai, thì họ sẽ tìm được ngay những nguồn vui bất ngờ. Nhờ có cảm nhận tích cực về cuộc sống mà họ mới có đủ sức đương đầu với những khó khăn và vượt qua những trở ngại.

Angie hỏi thêm:

– Nếu thế thì việc tập Yoga hữu ích như thế nào? Hôm qua chúng ta đã nói về Yoga và hình như ông cũng biết về môn này?

Ông Kris gật đầu nói:

– Tôi cũng biết chút ít về Yoga. Thật ra Yoga là một môn khoa học đã có từ ngàn xưa giúp con người hợp nhất với Thượng Đế. Nhưng ngày nay tinh hoa và triết lý của Yoga cổ xưa đã mất dần, chỉ còn lại một số phương pháp tập luyện mà thôi. Hiện nay người ta chỉ biết đến Yoga như là môn thể thao để thư giãn cơ thể. Thí dụ như môn Yoga thông dụng và phổ biến nhất là Hatha Yoga, chú trọng đến các tư thế (asana) để phục hồi những bắp thịt không hoạt động đúng cách. Nếu biết hít thở đều đặn trong khi tập Yoga, người ta có thể phục hồi sức khỏe và thư giãn thân tâm.

Angie hỏi thêm:

– Nếu thế thì Yoga cổ xưa dạy thế nào?

Ông Kris trả lời:

– Theo truyền thống được viết trong kinh Veda thì có ba môn phái hay ba con đường Yoga, là Karma Yoga (con đường hành động), Jhana Yoga (con đường minh triết) và Bhakti Yoga (con đường sùng tín). Khởi đầu là ba con đường khác nhau nhưng cuối cùng chúng hợp làm một vì tất cả chỉ là những phương tiện mà thôi. Phương tiện có thể khác nhau nhưng mục đích vẫn là một, trở về hợp nhất với Thượng Đế.

Theo quan niệm của Ấn giáo thì vạn vật đều trở về với nguồn cội. Từ ngàn xưa, trong mọi hoàn cảnh, dù dưới tên gọi này hay tên gọi khác, dưới hình tướng này hay hình tướng khác, dù vô tình hay hữu ý, vạn vật đều tìm về nguồn sống thiêng liêng mà chúng phát xuất ra. Chúng ta có thể thấy biển cả tìm về nguồn qua những con sóng trập trùng. Ngọn gió tìm về nguồn khi nó thổi qua mặt đất.

Cũng như thế, cây cối trong rừng trổ mầm đơm hoa và các sinh vật lần mò từng bước một. Con người cũng như thế, họ quay về cội qua nhiều hình thức, có khi thanh cao đẹp đẽ nhưng cũng có khi điên cuồng sai lạc.

Khoa học ngày nay gọi sự tìm kiếm này là tiến hóa, hay là sự chuyển hóa để trở nên tốt hơn, rồi tiến đến chỗ tuyệt hảo. Tại sao lại như thế? Vì tất cả mọi vật đều phát xuất từ một nguồn gốc thiêng liêng và phải trở về với nguồn gốc đó – “vạn vật đồng nhất thể”. Ấn giáo và một số tôn giáo gọi nguồn gốc này bằng danh từ “Thượng Đế”. Phật giáo gọi là “Phật tánh”, và khoa học gọi là “năng lượng uyên nguyên” (primal energy).

Theo quan niệm của khoa học, năng lượng này có trong tất cả mọi vật. Từ giọt nước đại dương đến các loại kim thạch, từ thảo mộc đến loài cầm thú hay con người. Nó nằm ở bên trong, ẩn dưới một bức màn hư ảo, hình thức của yếu tố vô minh bên ngoài nên sự tìm kiếm đúng đắn là “quay vào bên trong chứ không phải hướng ra bên ngoài. Sự sai lầm của con người là họ thường tìm kiếm ở bên ngoài”, do đó, “ắt sẽ đến lúc họ cảm thấy đau khổ, lạc lõng và mất phương hướng”. Lúc đầu, con người đi tìm một cách bản năng vô ý thức, hướng đến sự sung sướng, thỏa mãn tham vọng ích kỷ cá nhân, do đó họ sẽ phải học bài học về sự đau khổ ắt sẽ phải đến. Sau khi học được bài học xương máu đắt giá này, họ bắt đầu hiểu và ngộ ra hơn – tùy người – cuộc tìm kiếm sẽ trở nên có ý thức hơn, họ biết nhận định rõ mục đích của mình và sử dụng kinh nghiệm đã khắc ghi, đã học hỏi được để tiến về mục đích.

Có nhiều cách giải thích về con đường này tùy theo phong tục, tập quán, và điều kiện địa dư, theo đó sinh ra nhiều tôn giáo khác nhau. Nếu biết cởi bỏ các thành kiến hay các giáo điều chật hẹp của tôn giáo, ta có thể thấy tất cả mọi vật đều tìm về nguồn sống thiêng liêng này.

Angie lên tiếng:

– Tôi vẫn chưa hiểu rõ, xin ông nói thêm về truyền thống Yoga theo quan niệm của Ấn giáo.

Ông Kris trả lời:

– Nếu quan sát kỹ, bà sẽ thấy con người dù sống ở nơi nào cũng đều đang trên lộ trình quay vể với cội nguồn thiêng liêng ấy. Con đường này kéo dài qua nhiều kiếp sống, gọi là luân hồi. Người ta chết đi và đầu thai trong kiếp sống khác. Trong mỗi kiếp, họ phải học một số bài học để trở nên tốt đẹp hơn. Có người sớm học được ngay, song cũng có người không chịu học hoặc không học được, do đó họ phải học đi học lại nhiều lần. Đây là một hành trình gian nan kéo dài qua rất nhiều kiếp sống, vì có rất nhiều ảo tưởng gây ra bởi khí lực vô minh gọi là guna.

Khí lực đầu tiên là sự bất động (tamas), nó sai khiến con người không làm gì cả. Bà có thể thấy nhiều người lười biếng, thẫn thờ không muốn làm gì hết. Lúc nào họ cũng chìm trong trạng thái bất động, u mê. Họ sống một cách thụ động, không mục đích, không ý thức mà chỉ biết ăn hay ngủ và chỉ muốn yên thân trong hoàn cảnh đó. Đây là những người có mức tiến hóa rất thấp hay tiến bộ rất chậm nên phải mất thời gian rất lâu để học hỏi. Cũng có những người đã đi được rất xa nhưng lại quay ngược trở về vạch xuất phát chỉ vì họ bị ảnh hưởng bởi các dược chất như bia rượu hay ma túy, nghĩa là bản thân họ ham muốn sự bất động. Họ chưa biết tận hưởng niềm vui từ sự khai ngộ hay sự thỏa nguyện ước vọng tâm linh, do đó họ còn phải trải qua một thời gian rất lâu ttong nhiều kiếp nữa để học hỏi.

Karma Yoga cổ xưa khuyến khích con người hoạt động thay vì bất động. Trên con đường này, con người sẽ đối mặt với rất nhiều ham muốn hay dục vọng để thúc giục họ hoạt động thông qua một khí lực khác, ngược lại với sự bất động.

Khí lực này là sự hoạt động (rajas), nó tạo ra những ham muốn, dục vọng để thúc đẩy con người hành động. Với lòng ham muốn, con người lại hoạt động quá mức. Lòng tham tạo ra những khí lực dồi dào, hung hăng khiến họ lao vào nhiều hoạt động để thỏa mãn sự đòi hỏi. Những người này sẽ đi tìm những thứ bên ngoài, họ thu thập, vơ vét, gom góp tích trữ cho thật nhiều vì nghĩ rằng họ sẽ sung sướng với những thứ vật chất đó. Thật ra đó chỉ là lòng ham muốn, sự ích kỷ, chịu ảnh hưởng bởi khí lực rajas vô minh mà thôi.

Trong giai đoạn này, yếu tố quan trọng nhất mà họ phải học là sự đau khổ. Tất cả những người tham lam, ích kỷ đều phải trải qua bài học về sự đau khổ. Do đó mới có một quy luật gọi là luật Nhân quả. Mọi hành động gây ra đều có phản lực dội lại, gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Hiện nay đa số nhân loại đều đang đi trên con đường này. Vì họ chưa tìm được niềm hạnh phúc thật sự bên trong nên họ phải tìm vui qua sự sở hữu, chiếm đoạt tài sản vật chất bên ngoài, bởi thế mới có sự bóc lột và chiến tranh. Qua các biến cố này, con người mới thấm thìa đau khổ là gì, nhưng để học được bài học, họ còn phải trải qua rất nhiều kiếp nữa vì đây là một bài học rất khó tiếp thu trọn vẹn.

Angie tiếp tục nhờ ông Kris giải thích thêm:

– Nhưng ai đã đặt ra luật lệ này chứ? Và các yếu tố này xuất phát từ đâu?

Ông Kris vẫn vui vẻ trả lời:

– Không ai đặt ra luật lệ này cả vì đó là những quy luật của vũ trụ. Nó hiện hữu và chi phối vạn vật trong vũ trụ. Giống như bà hỏi ai đã làm trái đất này quay chung quanh một quỹ đạo hay ai đã làm cho mặt trời chiếu sáng thì không ai có thể trả lời được, vì đó là luật vũ trụ. Vì không thể giải thích nên một số người đã tạo ra tên gọi “Thượng Đế” ám chỉ một cá nhân nào đó ngồi trên cao tạo ra luật pháp. Thật ra “Thượng Đế” chỉ là một danh từ để nói về các quy luật của vũ trụ mà thôi.

Hiện nay, trên khắp thế giới, mọi người đều tìm mọi cách để vơ vét, chiếm hữu. Họ làm việc không ngừng chỉ để thu thập được thật nhiều của cải, tài sản vật chất bất chấp mọi thủ đoạn. Từ đó sinh ra đủ thứ tệ nạn như bóc lột, đàn áp, đè nén, áp bức, rồi dẫn đến sự chênh lệch quá lớn về người giàu và người nghèo.

Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy rõ dù thành công hay thất bại, dù giàu hay nghèo, xã hội nào hiện giờ cũng đều có rất nhiều người mắc bệnh thần kinh – như lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, chán nản v.v… Nếu để ý kỹ, bà sẽ thấy càng ngày số người mắc bệnh nan y càng nhiều. Số người chết vì đau tim, đột quỵ nhiều hơn bao giờ hết. Số người mắc các bệnh như ung thư cũng gia tăng nhiều hơn những năm trước. Đối diện với cái chết, họ bàng hoàng, đau khổ và lúc đó họ mới ý thức rằng tiền bạc, của cải, danh vọng không thể giúp họ sống mãi và khi chết họ cũng không thể mang theo thứ gì. Đó là bài học mà họ phải học ở kiếp này. Thật ra việc theo đuổi dục lạc vật chất này không bao giờ chấm dứt và không bao giờ được thỏa mãn. Con người có thể hoạt động cả đời hòng tìm kiếm sự giàu sang nhưng họ vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Càng kiếm được, họ lại muốn có nhiều hơn vì lòng tham thì vô đáy. Kinh Veda cũng nói rõ rằng: “Đó chính là lấy dầu để dập tắt lửa”.

Trải qua nhiều kiếp sống, nếm trải nhiều nỗi khổ đau, con người mới nhận thức được rằng lúc nào họ cũng bất mãn, buồn phiền, đau khổ. Có nhiều thì lại lo mất đi, không có thì lại muốn được nhiều. Càng thu thập nhiều bao nhiêu, sự lo lắng, buồn phiền càng nảy sinh nhiều bấy nhiêu cho đến lúc họ thấy mệt mỏi, chán chê, cay đáng và hiểu được rằng không bao giờ họ có thể thỏa mãn với của cải vật chất

Nhận biết được điều đó, một số người từ bỏ tất cả để tìm về đời sống “thoát tục” qua con đường tu tập, mong có thể thoát khỏi nỗi khổ đau. Nhưng không phải cứ xa lánh mọi sự là con người có thể bỏ được lòng tham vì sự ham muốn sẽ đuổi theo họ đến tận rừng sâu, núi thẳm. Các ham muốn sẽ ám ảnh họ vào mọi lúc. Thể xác, tinh thần họ vẫn bị câu kéo bởi những ham muốn, bởi tình dục xác thân, bởi ao ước điên cuồng vì dục vọng không phải dễ dàng xóa bỏ. Gốc rễ của nó đã bám sâu trong bản chất con người rồi.

Bà có thể thấy những tu sĩ bên ngoài rất thánh thiện nhưng bên trong họ là cả một bãi chiến trường. Bà có thể thấy rất nhiều tu sĩ Ấn Độ tu khổ hạnh, ép xác để kiểm soát thân thể nhằm mục đích thoát khỏi áp lực của dục vọng nhưng người ta không thể quay về với nguồn gốc thiêng liêng thông qua sự ép buộc thân thể như thế được.

Angie muốn ông Kris giải thích rõ hơn nữa thắc mắc của mình:

– Vậy thì họ có thể thay đổi bằng cách nào đây? Chứ tôi nghĩ phải can đảm lắm thì người ta mới có thể từ bỏ vật chất hay đời sống xã hội để rút vào rừng sâu núi thẳm mà ẩn tu hòng tìm thấy sự an lạc.

Ông Kris bật cười:

– Con đường Karma Yoga dạy cho con người hoạt động chứ không ngồi im hay tránh né. Không phải cứ từ bỏ đời sống thành thị để vào rừng sâu hay từ bỏ tài sản vật chất là có thể đổi lấy được sự an lạc tinh thần. Bà có thể thấy nhiều tu sĩ không màng tài sản vật chất nhưng lại muốn được người đời xưng tụng đề cao. Do đó, họ chỉ đổi thứ này lấy thứ khác, nghĩa là vẫn còn ham muốn. Hiện nay không thiếu gì những tu sĩ như thế. Họ có thể thuyết giảng đủ thứ giáo điều cao siêu chỉ để đổi lấy sự khen ngợi hay kính trọng của người đời. Đó chỉ là một sự đổi chác vật chất lấy tinh thần, vì họ chưa xé bỏ được tấm màn vô minh của tham vọng qua bản ngã cá nhân.

Angie vẫn tiếp tục đặt câu hỏi:

– Vậy thì theo ông, họ cần phải làm gì?

Ông Kris trả lời:

– Họ phải tiếp tục đi trên con đường hành động vì chỉ thông qua hành động họ mới có thể học hỏi, thay đổi để trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Họ có thể sống ở thành thị như mọi người nhưng phải biết cách thoát ra khỏi màn sương ảo ảnh của sự vô minh. Họ vẫn làm việc như mọi người, hành động như mọi người nhưng trong tâm đã biết xả ly, dứt bỏ mọi ràng buộc. Họ không từ bỏ bổn phận của mình trong gia đình hay trong xã hội, nhưng họ hành động với một mục đích khác. Họ có thể giàu có, tài sản đầy nhà nhưng họ không thiết tha với nó. Họ coi mình như là người được ủy thác quản lý tài sản đó chứ không phải là chủ nhân. Những người này hành động vì quyền lợi chung chứ không phải vì mục đích ích kỷ của cá nhân. Nói cách khác, họ làm việc để giúp đời chứ không phải thu vén lợi ích cho riêng mình.

Bỗng nhiên ông Kris tỏ thái độ nghiêm nghị:

– Tuy nhiên, trong giai đoạn này, có một khuynh huớng tinh tế xảy ra vì làm việc tốt cũng có thể ẩn chứa mục đích cá nhân, bắt nguồn từ những động cơ vi tế nằm sâu thẳm trong nội tâm mà không mấy người biết rõ. Có người làm việc để giúp xã hội nhưng muốn thành công và sợ thất bại. Họ lo lắng về kết quả, do đó động cơ họ làm vẫn bắt nguồn từ sự ham muốn. Họ lo sợ khi việc không thành và vui suớng khi đạt đuợc thành tựu. Từ đó, họ mong được mọi người biết đến việc làm của mình, hay được đề cao. Kết quả là việc làm đó, dù là việc tốt, vẫn ẩn chứa một ham muốn riêng tư cho bản thân. Đó là một tham vọng vi tế nằm sâu bên trong bản ngã. Bất cứ việc làm nào mà có yếu tố cá nhân xen vào thì người làm sẽ bị ràng buộc bởi hành động hay kết quả. Do đó, họ vẫn chưa thoát khỏi vòng kiềm tỏa của khí lực vô minh rajas.

Chỉ khi nào người làm không thấy mình làm, không thấy việc làm, không thấy hay không mong cầu kết quả của hành động, dù là sự biết ơn hay cảm mến thì mới thật sự là người đi đúng con đường Karma Yoga. Khi đã dứt bỏ hoàn toàn, không hoạt động để được một thứ gì đó ở thế gian, cũng không hoạt động để được một thứ gì đó ở cõi trên, không hoạt động để được một thứ gì đó ở kiếp này, cũng không hoạt động để được một thứ gì đó ở kiếp sau, không hoạt động để được mọi người biết đến, không hoạt động để được phần thưởng tinh thần mà hoạt động âm thầm không màng đến kết quả, thành công đến cũng được mà thất bại cũng không sao, lúc nào cũng hoạt động nhưng tâm hồn bình thản như không có chuyện gì xảy ra, đó mới chính là sự quân bình cần thiết để hoàn tất bài học Karma Yoga, hay con đường hành động.

Khi biết thản nhiên với thành công cũng như thất bại, trong lúc vui cũng như buồn, trong khi vinh cũng như nhục, trong tình thương cũng như oán hận thì họ đạt đến trạng thái quân bình, không bất động (tamas) và cũng không náo động (rajas), vì hành động “vô sở cầu” là bài học quan trọng của con người trên con đường Karma Yoga. Những người này thản nhiên và bình tỉnh trước mọi sự trong đời vì hành động chính là bổn phận. Họ không tìm kiếm hành động khi nó không đến, không từ chối hành động khi nó xảy ra, mà vui vẻ hành động khi bổn phận bắt buộc và bình thản trước mọi kết quả.

Những người này dù ở trong cung vàng điện ngọc, ăn cao lương mỹ vị, sống giữa châu báu ngọc ngà nhưng họ vẫn an nhiên tự tại. Nếu họ sống trong lều tranh chiếu rách, ăn bữa có bữa không, sống như kẻ bần cùng thì tâm hồn vẫn bình thản trước mọi thăng trầm. Khi sự vật bên ngoài đến, họ không xua đuổi; khi chúng-rời đi, họ không tiếc nuối vì họ có thể sống trong mọi hoàn cảnh. Không gì khiến họ đam mê, không gì khiến họ bận tâm, không gì khiến họ lo lắng mà lúc nào họ cũng ung dung tự tại vì biết rằng tất cả chỉ là những ảo ảnh chập chờn của vô minh (guna).

Ai sống được như thế nghĩa là đã đi trọn vẹn con đường hành động Karma Yoga và tiến đến chỗ mọi con đường đều hòa hợp thành một và hợp nhất với nguồn sống thiêng liêng vô tận kia. Dù gọi bằng “Thượng Đế” hay danh xưng gì chăng nữa cũng không thành vấn đề. Những người này đã cởi bỏ được những ô trược của bản ngã, đã gột sách được dục vọng và nhìn thấy rõ mọi sự trên thế gian này có mối liên hệ với nhau như thế nào. Họ thấy rằng vũ trụ này là một cái gì đó thật mỹ lệ, không bút mực nào có thể tả xiết. Lúc đó, họ sẽ hưởng được niềm phúc lạc vô biên, niềm hân hoan sung sướng mà Ấn giáo gọi là sự hòa hợp “bản ngã vào với chân ngã”.

Angie suy nghĩ một lúc, rồi hỏi thêm:

– Theo con đường này thì con người phải trải qua rất nhiều kiếp sống và học hỏi qua sự đau khổ cho đến khi trở nên tốt đẹp. Nhưng đã mấy ai tin rằng có nhiều kiếp sống và con người chết đi rồi tái sinh như thế?

Ông Kris mỉm cười trả lời:

– Tin hay không là quyền của mọi người nhưng quan niệm rằng có nhiều kiếp sống khác nhau, hay luân hồi, là một niềm tin đã có từ ngàn xưa. Các tôn giáo như Ấn giáo và Phật giáo đều dạy như thế. Nếu bà đọc các sách vở của Hy Lạp thì cũng thấy các triết gia như Pythagoras, Plato, hay Aristoteles đều tin rằng sau khi chết sẽ có đời sống kế tiếp. Triết gia Plato đã viết rất rõ về việc con người trải qua nhiều kiếp sống trong cuốn Phaedo và Republic, và nếu xét kỹ bà cũng thấy Chúa Jesus cũng từng giảng về điều này trong Phúc Âm.

Ông Kris mỉm cười nhìn tôi với vẻ thâm sâu và tiếp tục nói:

– Trên bình diện luân lý đạo đức, nếu xem xét quan niệm “con nguời chết đi rồi tái sinh trong nhiều kiếp sống, căn cứ theo những yếu tố mà chính họ đã gây ra”, ông bà có thể trả lời câu hỏi mà các triết gia và khoa học gia ngày nay lúng túng không tìm đuợc lời giải đáp. Tại sao con nguời sinh ra để rồi chết đi? Đời sống có ý nghĩa gì nếu chỉ có một đời sống duy nhất và chết là hết? Tại sao có người đuợc sinh ra đã sung suớng trong khi nguời khác lại sinh ra trong hoàn cảnh bần cùng? Tại sao có người đuợc sinh ra ở những quốc gia thịnh vuợng, văn minh, được huởng thụ những tiện nghi vật chất trong khi người khác lại sinh ra ở những quốc gia nghèo đói, chiến tranh liên miên, thường xuyên xảy ra thiên tai hay dịch bệnh? Không ai có thể trả lời những câu hỏi này nếu nguời ta không tin vào luật Luân hồi và Nhân quả.

Cứ tạm coi đây chỉ là một lý thuyết thôi thì ông bà cũng sẽ thấy đó là một lý thuyết họp lý, công bình và thỏa đáng hơn bất kỳ quan niệm nào. Nó khác với thuyết “tiền định” rằng mọi sự hay số mạng đều được định truớc bởi một “đấng cao cả” nào đó. Điều này có nghĩa là con nguời không có quyền tự do quyết định số phận của mình và chỉ bị sai khiến mà thôi. Nó biến con người thành một dạng nô lệ và không thể làm gì để thay đổi. Làm gì có chuyện vô lý, bất công như thế đuợc. Ai có quyền định đoạt số phận con nguời như thế? Không thể có một người nào hay đấng nào có thể trừng phạt con người. Đời sống con người tốt xấu ra sao là do chính họ tạo nên qua nhiều kiếp sống. Những người được hưởng sung sướng và những người không may mắn cũng là do những yếu tố trong quá khứ mà không mấy ai nhớ được. Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng là do chính cá nhân đó tạo ra cho chính mình chứ chẳng phải ai trừng phạt hay ban thưởng gì cho họ.

Angie tiếp tục hỏi:

– Nếu con người phải trải qua rất nhiều kiếp sống để học hỏi, vậy thì con người đến từ đâu?

Ông Kris vui vẻ trả lời:

Đây là một vấn đề đã gây ra rất nhiều bàn cãi từ xưa. Không ai có thể giải thích một cách thỏa đáng. Có rất nhiều lý thuyết về việc con người từ đâu đến và đi về đâu. Một số tôn giáo nói rằng có một quyền năng sáng tạo đằng sau tất cả mọi vật và gọi quyền năng ấy là “Thượng Đế”. Nhưng đã có ai chứng kiến chuyện này chưa? Hay đó chỉ là đức tin mà thôi? Nhiều người tin Thượng Đế là ông già quắc thước với chòm râu bạc, có quyền năng vô biên và công minh vô cùng. Nghĩ như vậy thì cũng không có gì là sai. Quan niệm được “nhân cách hóa” này có thể làm thỏa mãn một số người nhưng không phải ai cũng đồng ý như thế. Trong thời buổi khoa học ngày nay, nhiều người không tin có một “Thượng Đế” hiện hữu mà cho rằng đó chỉ là những đức tin tôn giáo mà thôi. Nhưng khoa học giải thích thế nào đây?

Nếu xét theo quan niệm của khoa học thì có một năng luợng uyên nguyên hiện diện khắp nơi trong vũ trụ. Năng luợng này khi tiếp xúc với những yếu tố bản địa ở những hành tinh khác nhau thì thay đổi thành một loại năng luợng mới do những yếu tố vật lý hay hóa học nào đó. Sự biến đổi này thích hợp với hoàn cảnh của hành tinh đó và trở thành sinh lực đặc biệt thích hợp với hoàn cảnh địa phưong. Những sinh lực này tiếp tục biến đổi và trở thành những sinh vật có sự sống.

Ông Kris nhìn chúng tôi, rồi nhấn mạnh:

– Đây cũng chỉ là một lý thuyết khoa học thôi vì chưa ai có thể chứng minh về sự tạo lập ra vũ trụ hay sự sống. Tuy nhiên, những khoa học gia như J. R. Oppenheimer, Niels Bohr, Erwin Schrodinger, Wemer Heisenberg đều cho rằng đây là một lý thuyết có giá trị và hợp lý.

Theo lý thuyết này thì con nguời hay mọi vật đều phát xuất từ cái năng lượng uyên nguyên kia nhưng đã bị thay đổi bởi những yếu tố địa phương của các hành tinh trong vũ trụ nên trở thành những thực thể có sự sống. Để quay về với cội nguồn nguyên thủy, thực thể ấy phải được thanh lọc, loại bỏ những yếu tố bản địa này để chuyển hóa trở lại thành năng lượng uyên nguyên kia. Hiện nay trong vũ trụ có cả triệu hành tinh khác nhau, trên đó đều có những thực thể không hẳn giống như loài người vì điều kiện địa phương khác nhau sẽ tạo ra những thực thể khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều đi trên con đường tiến hóa để trở về với nguồn sống thiêng liêng hay cái năng lượng uyên nguyên kia.

Dù không thể hiểu rõ về nguồn gốc của sự sống nhưng chúng ta có thể tiếp xúc với nó. Không ai có thể sống mãi, và chết là một sự thật hiển nhiên. Bà có thể thấy một người đang sống vào lúc này nhưng lại chết ngay phút sau. Chuyện gì xảy ra trong phút giây đó? Chắc chắn phải có cái gì đó đã rút ra khỏi hình hài đang hoạt động kia, khiến nó trở nên bất động, rồi sau đó tan rã, trở về với cát bụi. Do đó, bà có thể nhìn nhận rằng sống là một sự kiện hiển nhiên, nhưng nó đến hay nó đi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nữa.

Theo lý thuyết này thì sau khi chết, cái sự sống hay sinh lực – vốn là một dạng năng lượng – sẽ chuyển hóa qua một dạng thức khác. Như ông bà cũng biết, theo vật lý thì năng lượng không thể được sinh ra hay mất đi (định luật Bảo toàn và Chuyển hóa năng lượng) vì năng lượng là một cái gì đó bất biến trong không gian và thời gian. Nó chỉ có thể chuyển hóa hay biến đổi từ một hình thái này sang một hình thái khác mà thôi. Chết thực ra chỉ là sự chuyển hóa sinh lực con người qua một hình thể mới dựa theo luật Nhân quả.

Dưới hình thái mới, nó sẽ tiếp tục công việc thanh lọc những yếu tố ô trược, nhưng điều này không dễ dàng hay giản đơn. Vì những lý do nào đó, khi qua thể xác mới, hoàn cảnh mới, nó lại tiếp thu thêm những ô nhiễm khác nên tiến trình thanh lọc để quay trở về nguồn cội kéo dài rất lâu qua hàng trăm, hàng ngàn kiếp sống.

Khoa học cho biết rằng sự sống hiện hữu trong thiên nhiên – từ kim thạch, cây cỏ cho đến thú vật và con người. Dĩ nhiên ai cũng biết rằng có sự sống trong loài vật và loài người, nhưng nói rằng sự sống cũng có trong kim thạch và thảo mộc thì khó tin hơn. Nếu nói loài thảo mộc có sự sống thì cũng có thể chấp nhận được vì khi nhổ lên khỏi mặt đất, cây cỏ sẽ khô héo, tàn tạ, rồi chết đi như các sinh vật khác, nhưng nói rằng hòn đá cũng có sự sống thì ít ai có thể chấp nhận. Nếu quan sát kỹ thì theo thời gian, hòn đá cũng tan rã thành bụi cát như thân xác con người hay cây cỏ, tuy rằng việc này phải trải qua thời gian rất lâu, hàng ngàn năm hay hàng triệu năm.

Theo Yoga cổ xưa thì vạn vật đều tiến hóa để trở về nguồn cội. Ấn giáo gọi là trở về họp nhất với “Thượng Đế”. Do đó, muôn loài tiến hóa không ngừng vì mục đích của việc sống là học hỏi, thu thập kinh nghiệm để thay đổi, để trở nên tốt đẹp hơn. Sự học hỏi này bắt đầu từ thấp lên cao, qua các hình thể khác nhau trong thiên nhiên. Từ hình thể thấp nhất như kim thạch, đất đá, cây cỏ đến thú vật, loài người, rồi tiếp tục lên những mức cao hơn nữa mà chúng ta có thể tạm gọi là những bậc thánh nhân.

Khi sự sống bắt đầu ở những loài kim thạch, nó có những đặc tính không giống như loài cây cỏ, cầm thú hay con người. Nếu nghiên cứu, bà có thể thấy những loại khoáng chất tiến hóa thấp thường đông đặc, còn những loại khoáng chất tiến hóa cao đã có những thay đổi lạ lùng ở bên trong, nên biến thành các loại đá quý. Sinh lực của các loại đá quý này rất đặc biệt và mầu nhiệm. Nếu biết sử dụng tinh lực của các loại đá quý này, người ta có thể làm được nhiều việc như chữa được các loại bệnh.

Angie bỗng reo lên:

– Tôi nhớ rồi, hôm qua ông có cho tôi xem cây gậy ngọc có gắn những viên đá quý. Phải chăng nó là vật để chữa bệnh?

Ông Kris nhìn tôi một cách tinh quái khiến tôi bối rối trước sự hồn nhiên vô tư của Angie. Ký ức vừa qua đã cho tôi thấy công dụng của cây gậy ngọc nhưng hiện nay tôi không biết phải giải thích ra sao.

May thay, ông Kris lên tiếng:

– Người xưa tin rằng có bảy loại ngọc với công dụng chữa bệnh. Các vua chúa thời cổ thường đeo những loại ngọc quý này để tiêu trừ bệnh tật. Cây gậy ngọc ở nhà tôi chỉ là vật trang trí để bày cho đẹp mà thôi.

Angie thắc mắc:

– Nếu tôi nhớ không lầm thì nó có gắn bảy viên ngọc. Đó là những loại ngọc nào vậy?

Ông Kris nhìn tôi một cách thích thú, rồi thong thả giải thích:

– Bảy loại ngọc có công dụng chữa bệnh là kim cương, lam ngọc (sapphire), ngọc lục bảo (emerald), vân ngọc (jasper), hoàng ngọc (topaz), hồng ngọc (rubỵ) và tía ngọc (amethyst). Nếu bà có một cái vòng đeo tay gắn đủ bảy loại ngọc này thì nó có thể giúp bà mạnh khỏe vì sinh lực từ bảy loại ngọc này có thể trừ được ảnh hưởng của một số bệnh.

Angie vẫn thắc mắc:

– Nhưng người ta chữa bệnh bằng ngọc như thế nào?

Một lần nữa, ông Kris nhìn tôi, rồi mỉm cười:

– Đó là một ngành khoa học cổ xưa mà ngày nay đã thất truyền. Ngành khoa học này nắm giữ một kiến thức sâu xa về các luồng từ điện trong vũ trụ và biết cách rút sức mạnh từ điện trong cái kho của vũ trụ xuống những viên ngọc. Qua đặc tính của từng loại ngọc, người ta có thể tìm hiểu nguyên nhân của căn bệnh và sử dụng luồng từ điện trong từng loại ngọc để chữa bệnh. Người sử dụng phải biết rõ các năng lượng vũ trụ vào những giờ phút nhất định nào thì thuận lợi cho việc chữa trị. Có khi họ phải dùng thêm thuốc men được bào chế từ cỏ cây, hoa lá, hay xoa bóp để giúp cho việc phục hồi mau chóng. Đôi khi họ phải tổ chức các nghi thức đặc biệt để nhờ sự trợ giúp của các động lực bên ngoài. Mỗi loại ngọc đều có công dụng khác nhau nhưng nếu biết sử dụng sức mạnh của cả bảy loại ngọc này cùng một lúc thì sẽ tạo ra một năng lượng rất mạnh có thể thay đổi nguyên tử hay tiêu hủy vật chất.

Angie xuýt xoa:

– Nghe ông giải thích như thế, tôi nghĩ rằng ông biết rõ cách sử dụng các loại ngọc này để chữa bệnh.

Ông Kris lắc đầu:

– Không đâu, tôi chỉ là nguời đọc qua sách vở thôi. Người ta viết gì thì tôi nói thế chứ không biết gì về việc chữa bệnh cả. Các tài liệu khảo cổ nói rằng hầu hết các vua chúa khi xưa thuờng đeo những chiếc vòng trên cổ hay trên tay có gắn những viên ngọc này để gia tăng sức khỏe và trừ bệnh tật. Nếu bà vào tham quan các viện bảo tàng, nhất là viện bảo tàng Ai Cập, thì sẽ thấy những món đồ trang trí của vua chúa khi xưa đều có bảy loại ngọc này và cung điện Ai Cập thường sơn phết màu sắc của các loại ngọc này.

Lo sợ câu chuyện có thể đi xa với những chi tiết có thể trở nên bất lợi nên tôi ngắt lời:

Chúng ta đang nghe nói về sự tiến hóa của mọi vật. Em hãy để cho ông Kris tiếp tục câu chuyện dở dang nhé.

Ông Kris quay qua nhìn tôi mỉm cười, rồi nói tiếp:

– Sự sống tiếp diễn qua các loại khoáng vật rồi chuyển qua loài thảo mộc, từ loài thấp như rêu rong hay cây cỏ (thân thảo), rồi tiến đến cây có thân cứng (thân mộc), và sau đó lên đến loài côn trùng, chim cá, các loài động vật tinh khôn và đến con người. Đó là một tiến trình kéo dài rất lâu, hàng triệu năm hay hơn thế nữa. Mỗi khi chuyển qua một giai đoạn, sự sống hay cái năng lượng đó thu thập thêm kinh nghiệm và dần dần tạo ra sự hiểu biết hay trí thông minh. Ở mức độ thấp (như đất đá, cây cỏ hay côn trùng) thì sự hiểu biết rất thô nên chưa có tính cách cá nhân, nhưng khi tiến đến mức cao hơn (như thú vật) thì nó dân dần tạo thành những cá thể riêng biệt, đến loài người thì ta gọi là “trí thông minh cá nhân”.

Angie lên tiếng:

– Nếu thế thì phải chăng loài vật tiến hóa cao hơn cây cỏ và loài người tiến hóa cao hơn loài vật?

Ông Kris mỉm cười:

– Đối với loài vật thì con người là một sinh vật cao siêu. Điều đáng tiếc là chúng ta mang danh “cao siêu” nhưng lại đối xử tàn ác với loài vật thay vì thương yêu hay thông cảm với những sinh vật thấp kém hơn chúng ta. Nếu để ý, bà có thể thấy con người là nguyên nhân gây ra đau khổ cho thú vật. Họ giăng lưới hay đặt bẫy bắt chim, dùng lông thú vật làm đẹp cho quần áo. Họ xem việc bắn giết loài thú như là một trò giải trí, bất chấp nỗi đau khổ gây ra cho loài thú không tinh khôn bằng mình. Những việc làm tàn ác này gây ra nỗi sợ hãi cho loài vật. Sợ hãi là một dạng cảm xúc tiêu cực làm trì trệ sự tiến hóa trong tự nhiên. Sự sợ hãi đối với con người bắt đầu từ những loài cấp thấp và tiếp tục lan truyền khắp muôn loài.

Angie tiếp tục hỏi:

– Nhưng đâu phải ai cũng giết súc vật để giải trí như ông nói. Người ta ăn thịt loài vật để nuối dưỡng thân thể…

Ông Kris lắc đầu cắt ngang câu nói của Angie:

– Đó là một quan niệm sai lầm. Nếu bà đồng ý rằng trên con đường tiến hóa để trở nên tốt đẹp hơn, con người phải thanh lọc những điều ô trược. Loài thú có sự tiến hóa thấp hơn loài người, nếu ta ăn thịt chúng thì chính chúng ta lại hấp thụ những thứ ô trược đó vào trong cơ thể. Vậy thì làm sao chúng ta có thể đi xa trên con đường trở về nguồn sống thiêng liêng cho được.

Câu nói của ông Kris làm cả hai chúng tôi giật mình. Angie lên tiếng bào chữa:

– Nhưng đó chỉ là lý thuyết mà thôi, chứ đã có ai chứng minh rõ ràng đâu.

Ông Kris mỉm cười nói tiếp:

– Thôi được, chúng ta hãy làm sáng tỏ vấn đề dựa trên lý luận khoa học cho dễ hiểu. Khi súc vật bị giết, chúng sợ hãi và cơ thể chúng tiết ra những chất độc. Bà cũng biết rằng mỗi khi lo lắng, cơ thể con người cũng tiết ra những hóa chất độc hại – nhẹ thì làm chua bụng, nhức đầu, đau lưng, hồi hộp, mất ăn, mất ngủ… nặng thì làm hại hệ thần kinh, gây ra các chứng bệnh như đau tim, sưng phổi, ung thư… Khoa học cũng đã chứng minh điều này. Vậy thì loài vật khi đối diện trước cái chết, điều gì diễn ra ttong cơ thể chúng? Chắc chắn chúng sợ hãi vô cùng và cơ thể chúng tiết ra. các hóa chất vô cùng độc hại. Khi chúng ta tiêu thụ những chất độc đó thì chuyện gì sẽ xảy ra cho cơ thể chúng ta?

Ông Kris ngưng lại như để cho chúng tôi suy nghĩ, rồi tiếp tục:

Hiện nay, đa số mọi người đều thích ăn thịt loài vật, từ những con côn trùng bé nhỏ cho đến các loại tôm cá, rồi đến những sinh vật lớn hơn như heo, bò, trâu, dê… Nhu cầu ăn thịt đã tạo ra ngành chăn nuôi quy mô lớn trên khắp thế giới. Nhưng đã mấy ai nhìn thấy ttong thời gian rất ngắn, số người mắc bệnh cũng gia tăng theo cấp số nhân. Đủ các thứ bệnh, từ nhức đầu, đau bụng đến đau tim, đột quỵ, ung thư…

Một thời gian nữa sẽ có nhiều chứng bệnh quái lạ chưa từng có mà khoa học phải bó tay. Không mấy người biết đặt câu hỏi tại sao nền văn minh nhân loại tiến triển cao mà lại sản sinh ra nhiều bệnh khó trị như thế. Chữa trị bệnh cũng trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ với những viện nghiên cứu và bệnh viện rất lớn. Khi có bệnh, ai cũng phải lo chữa trị. Bệnh càng nặng, chi phí cho việc chữa trị càng cao. Bà có thể thấy ngành công nghiệp thực phẩm và chữa trị bệnh có liên quan mật thiết với nhau và có khả năng sinh lời rất nhiều. Do đó, khắp nơi trên thế giới có rất nhiều ấn phẩm quảng cáo chiêu dụ con người ăn những thứ độc hại đó và uống những loại thuốc có thể chữa bệnh tật. Nhưng việc này không dừng ở đây mà còn tiếp diễn ở kiếp sau nữa. Ông bà có biết điều gì sẽ xảy ra không? .

Ông Kris nở một nụ cười lạ lùng:

– Khi con người hấp thụ năng lượng của loài vật qua việc ăn thịt chúng thì sinh lực của họ chứa đầy những năng lượng của loài vật này có phải không? Và với những năng lượng loài vật như thế thì họ sẽ chuyển hóa như thế nào? Làm sao họ có thể tái sinh thành người vào kiếp sau được? Một cái kho sinh lực chứa toàn nguyên tử của loài thú chỉ có thể chuyển hóa thành loài thú mà thôi, có đúng không? Nói cách khác, họ đi ngược con đường tiến hóa mà họ đã phải mất bao nhiêu kiếp học hỏi để thành người, rồi lại thoái hóa trở lại thành thú vật bởi vì nguyên nhân ăn uống này. Khi trở thành loài vật, họ sẽ chịu số phận bị bắt, bị đánh đập, bị giết để học bài học về sự đau khổ mà họ đã gây ra cho sinh vật kia.

Angie có vẻ sợ hãi với những chia sẻ vừa rồi của ông Kris:

– Nghe ông nói mà tôi thấy lạnh cả người! Quan niệm này ghê gớm quá, nhưng dù sao đó cũng chỉ là lý thuyết thôi, chưa phải… à, không đúng với thực tế phải không ông?

Ông Kris nghiêm nghị trả lời:

Bà có thể xem đó như một lý thuyết cũng được. Bà có thể xem việc ăn thịt cá là cần thiết để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể cũng không sao. Bà cũng có thể loại bỏ những dữ kiện về bệnh tật sinh ra do ăn uống và tiếp tục ăn uống như đa số mọi người, nhưng đến khi mắc bệnh thì bà sẽ nghĩ khác. Lúc đó có muốn kiêng khem cũng đã muộn và thuốc men chữa trị cũng chỉ kéo dài thêm thời gian mà thôi. Người ta có thể tin hay không tùy theo sự hiểu biết của họ vì trước sau ai cũng phải học những bài học cần thiết. Bà có thể học vào lúc này hay chờ đến lúc khác, tùy vào bà thôi. Chắc bà cũng biết câu ngạn ngữ cổ “Ăn thứ gì thì trở thành thứ ấy”. Do đó, các nhà hiền triết khi xưa đều chủ trương ăn rau quả, không ăn thịt cá.

Không muốn Angie phải quá sợ hãi nên tôi cắt ngang:

– Xin ông nói tiếp về sự tiến hóa theo quan niệm của Karma Yoga cổ xưa cho chúng tôi được rõ.

Ông Kris gật đầu:

– Tôi sẽ mô tả rõ cho ông bà hiểu về diễn trình của sinh lực trên quả đất này. Hãy tưởng tượng có một luồng sinh lực tuôn trào quanh địa cầu của chúng ta như một dòng nước. Khi luồng sinh lực này thấm vào kim thạch và các loài thảo mộc, nó tạo ra sự sống mãnh liệt, nhưng không có điều gì đặc biệt xảy ra. Nhưng khi luồng sinh lực này tuôn trào vào thế giới loài vật thì có rất nhiều yếu tố nảy sinh. Thế giới loài vật có cấu tạo phức tạp vì có nhiều trình độ tiến hóa khác nhau, từ vi khuẩn nhỏ bé, sâu bọ, giun dế cho tới các loài thú hoang trong rừng, và sau nửa là các loài thú đã được thuần hóa trở thành gia súc.

Khi luồng sinh lực này tuôn trào vào loài vật cấp thấp, kinh nghiệm học hỏi còn rất thô thiển chứ chưa tiến đến mức “cá nhân hóa”, ông bà có thể thấy trường hợp của những con côn trùng như kiến, ong, sâu bọ… Tuy chúng có hình thể riêng biệt nhưng chúng chưa có suy nghĩ riêng, mà chỉ có chung một sự hiểu biết. Thí dụ như một tổ ong trong đó có những con ong làm việc y hệt như nhau. Một số đi hút mật, một số nuôi nấng những con ong nhỏ trong trứng. Đời sống của những con ong này chỉ kéo dài vài ngày, vài tuần, nhiều lắm là khoảng một tháng thôi. Cả tổ ong có chung một “nguồn kinh nghiệm” học hỏi nên làm việc rất hiệu quả. Một số con hút mật hoa rồi mang về nuôi những con ong khác. Chúng sinh ra, làm việc, rồi chết đi nhưng không học được gì mấy. Một số con bay đi hút mật hoa nhưng bị loài người đuổi bắt nên sợ hãi. Khi chết đi, chúng mang theo nỗi sợ này. Do đó, loài ong bắt đầu có cảm giác sợ người và tìm cách trốn lánh mỗi khi đối mặt với con người. Để đối phó, con ong tìm cách chống lại loài người bằng cách đốt họ. Theo thời gian, những con ong sinh sau đều học được kinh nghiệm của những con ong trước. Trong đời sống loài ong, mỗi con ong học được gì khi chết đi đều mang điều đó về “nguồn kinh nghiệm” và sau này trở thành một tập tính chung của cả loài ong. Nếu quan sát, ông bà có thể thấy hầu như tất cả các côn trùng đều có những hoạt động tương tự như thế, giống nào hoạt động theo giống nấy vì mỗi loài đều có một “nguồn kinh nghiệm” chung.

Ông Kris ngừng lại như để cho chúng tôi suy nghĩ, rồi mỉm cười:

– Có bao giờ người ta tự hỏi tại sao côn trùng lại hoạt động như thế không? Các nhà côn trùng học không thể giải thích được điều này mà chỉ kết luận rằng loài vật hành động theo bản năng riêng của chúng. Từ xưa, các nhà hiền triết của phái Raima Yoga đã biết rằng loài vật cấp thấp chưa có kinh nghiệm riêng, chưa tiến hóa tới mức đạt được “trí thông minh cá nhân” nên hành động giống nhau vì chúng có “nguồn kinh nghiệm” chung.

Qua thời gian, luồng sinh lực với kinh nghiệm thâu thập được sẽ tiến hóa lên mức cao hơn. Thí dụ như thay vì một tổ ong với cả chục ngàn con ong thì nó sẽ là một tổ chuột với vài chục con chuột. Chuột sinh ra có nỗi sợ hãi đối với con người và những kẻ thù của loài chuột (như mèo hay chồn, cáo) do kinh nghiệm từ những kiếp sống trước được mang sang kiếp này. Ngay từ lúc mới sinh ra, chuột con đã biết rằng nó phải tránh xa loài người hay loài mèo bằng mọi giá nhờ nguồn kinh nghiệm chung của loài chuột. Nó biết rằng phải sinh hoạt vào ban đêm lúc loài người ngủ say thay vì ban ngày. Tuy nhiên, loài mèo thì khôn hơn và có thể bắt chuột vào mọi lúc. Một số con chuột bị mèo ăn thịt nhưng có những con chuột khôn ngoan thoát được móng vuốt của loài mèo. Khi chúng chết đi thì kinh nghiệm này trở về “nguồn kinh nghiệm” chung của loài chuột, những con chuột sinh sau sẽ khôn hơn và biết nhiều mánh khóe hơn để tránh loài mèo.

Khi dòng sinh lực của sự tiến hóa tiếp tục lên đến loài thú thì sự thay đổi diễn ra nhiều hơn vì một số thú rừng bắt đầu khôn ngoan hơn qua kinh nghiệm chung. Những thú rừng sống theo bầy vẫn chia sẻ kinh nghiệm chung của chúng, nhưng các loại thú rừng sống riêng rẽ thì bắt đầu tiến đến mức “cá nhân hóa” và bắt đầu phát triển trí khôn riêng mặc dù chúng vẫn có chung một nguồn kinh nghiệm của loài đó. Thú rừng sống theo quy luật tự nhiên “mạnh thì sống”, và đặc điểm chính của chúng là sự sinh tồn. Con yếu sẽ là thức ăn cho con mạnh, và nỗi sợ hãi về sự sinh tồn được chia sẻ trong kinh nghiệm chung của loài thú ấy. Hầu như tất cả loài thú đều sợ chết, dù đó là cái chết tự nhiên hay bị con khác ăn thịt. Trong tự nhiên, cá lớn nuốt cá bé, thú mạnh ăn thú yếu, vì đó là bản năng sinh tồn, ăn để mà sống. Do đó, việc tìm thức ăn đối với mỗi con thú trở thành chức năng không thể thiếu. Khi không có thức ăn ở nơi sinh sống, chúng phải đi tìm vùng sinh sống mới, học được cách thích nghi với đời sống mới và đó là bài học quan trọng mà chúng cần học.

Một số loài thú như lừa, ngựa, trâu bò, chó mèo bị loài người bắt và nuôi nên học hỏi thêm được những kinh nghiệm thích nghi mới. Chúng biết rằng khi tuân theo mệnh lệnh của con người làm một số công việc thì sẽ được ăn uống và chăm sóc. Từ đó, nỗi sợ đối với loài người giảm dần và khi chúng chết, những kinh nghiệm này trở về nguồn kinh nghiệm chung, rồi con cháu của những thú vật ấy ngày càng được thuần hóa và có thể sống chung với loài người một cách tự nhiên. Theo thời gian, những con thú ấy bắt đầu học nhiều và có những kinh nghiệm riêng, rồi tiến hóa thành những cá tính độc lập biết nghĩ và học nhiều hơn nữa.

Tới giai đoạn này thì sinh lực đã được “cá nhân hóa” có thể thoát kiếp thú chuyển thành người. Việc con thú phải trải qua thời gian bao lâu trước khi chuyển hóa thành người còn tùy thuộc vào những người mà loài thú này gần gũi. Nếu những con thú này được đối xử tốt, thương yêu, chúng sẽ thấm nhuần được bài học thương yêu. Nhờ có tình thương mà chúng phát triển được sự thông minh và mau chóng chuyển sang kiếp người. Nhưng nếu loài thú này bị đối xử khắc nghiệt, bị đánh đập tàn nhẫn thì nỗi sợ hãi đã mất đi phần nào trong những kiếp trước sẽ trở lại, và con vật phải trải qua nhiều kiếp nữa mới có thể thoát kiếp thú thành người.

Trong các bài học thì tình thương yêu là bài học quan trọng nhất để tiến hóa và thanh lọc các yếu tố ô trược. Tình thương không phải chỉ dành riêng cho loài người mà bao trùm muôn loài trên thế gian. Tinh thương xóa bỏ nỗi sợ hãi, vì nếu không có sự thông cảm và thương yêu, loài thú không thể chuyển kiếp thành người được.

Ông Kris ngừng lại nhìn chúng tôi, rồi nhấn mạnh:

– Đây là chìa khóa then chốt của minh triết Karma Yoga. Tình thương là bước đầu cho việc phát triển trí thông minh. Trí thông minh đúng cách là bước đầu cho việc phát triển trí tuệ, và trí tuệ là yếu tố quan trọng nhất để thanh lọc những yếu tố ô trược để quay về với cội nguồn thiêng liêng. Nếu quan sát, ta có thể thấy những người thông minh thường là những người có tình thương bao la. Bây giờ, chúng ta hãy xét đến loài thú gần gũi với loài người nhất. Chó, mèo là hai loài gần gũi với loài người nhất. Thông thường loài chó thương chủ vô điều kiện và sẵn sàng làm mọi sự theo lệnh của người chủ. Nhờ biết thương yêu nên loài chó học rất nhanh và chúng ta có thể kết luận rằng chó là loài vật dễ dạy nhất vì chúng khôn ngoan, thông minh nhất.

Ngay trong lúc nguy hiểm hay khẩn cấp, nó quên hẳn bản năng sinh tồn và hy sinh thân mình để cứu chủ.

Nếu con vật đã tiến đến mức phát triển lòng hy sinh vào lúc nguy cấp xảy ra, nó sẽ mau chóng học hỏi để chuyển kiếp thành nguời. Dĩ nhiên loài chó không nhất thiết phải hy sinh mới thoát kiếp thú thành người. Khi con chó đã học tất cả những bài học nó cần phải biết trong thế giới loài vật, và khi nỗi sợ hãi đối với loài người được loại bỏ, thì nó được chuyển sang một kiếp sống mới để học nhiều hơn.

Sự khác biệt chính giữa người và thú là óc lý luận, cùng sự tự do ý chí. Nhờ óc lý luận, con người có khả năng phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu và họ có thể đưa ra quyết định cho hành động của mình. Trong khi đó, vì chưa phát triển óc lý luận này, thú vật chỉ biết tuân theo bản năng sinh tồn hay kinh nghiệm chung mà thôi.

Angie sốt sắng hỏi:

– Nếu thế thì tất cả loài thú đều phải chuyển kiếp thành chó mèo mới có hy vọng làm người hay sao?

Ông Kris lắc đầu:

– Không hẳn thế, thú rừng cũng có thể thành người, nhưng mang thân xác của những con người man rợ, thấp kém. Đa số được sinh ra trong những bộ lạc sống sơ khai. Nhiều người còn mang nhiều thú tính dã man hay những kẻ trì độn, lười biếng, ngu si, không biết làm gì vì chưa phát triển được trí thông minh. Trong những kịếp đầu tiên mang thân xác con người, những người này vẫn sống thiên về bản năng như loài vật, họ tham lam, hung dữ, chưa biết kiểm soát hành động vì chưa biết gì về những quy luật tác động trong thế giới loài người.

Luật quan trọng đầu tiên áp dụng trong thế giới loài người là luật Luân hồi. Luật này nói rằng khi sinh lực chuyển hóa thành cá nhân riêng biệt, nó sẽ phải tái sinh nhiều lần qua những kiếp sống khác nhau để học tất cả những bài học có thể học được. Từ đó, nó sẽ biết cách thanh lọc các yếu tố ô nhiễm qua kinh nghiệm của những kiếp sống.

Luật quan trọng thứ hai tác động đến con người là luật Nhân quả. Theo luật này thì mọi tư tưởng, lời nói hay hành động phát xuất từ con người đều sinh ra kết quả tương ứng rõ rệt, và kết quả này phải được giải quyết ít lâu sau đó hay qua nhiều kiếp sống để học hỏi, rút kinh nghiệm. Luật này rất đơn giản vì “gieo nhân nào, gặt quả đó”. Hành động nào của ta gây đau khổ cho người khác thì ta phải trả giá bằng sự đau khổ do hành động tương tự của người khác gây cho ta, hoặc trong kiếp này hay kiếp sau.

Khi vừa chuyển kiếp thành người thì hành động hay tư tưởng, lời nói của con người thường bị ảnh hưởng bởi loài thú trong kiếp trước nên ít nhiều mang tính tham lam, ích kỷ, độc ác. Họ sẽ gặp nhiều đau khổ do chính tư tưởng, hành động và lời nói của họ gây ra. Trong hàng trăm kiếp đâu tiên làm người, những người này tích lũy rất nhiều nhân xấu vì chưa học được bài học mà họ cần phải học. Tuy họ gặp đau khổ nhưng chưa biết cách giải quyết ra sao. Phần lớn chưa tiến bộ hay học hỏi gì mà sống theo những thú tính của loài vật, có bản năng chiếm đoạt, giành giật, cướp bóc bất cứ thứ gì của người khác. Bản năng thú tính của họ sẽ thúc giục họ dùng sức mạnh để giành cho được cái mà họ muốn.

Trong khoảng hàng trăm kiếp sống đầu tiên, những người này tạo nhiều nhân xấu hơn là nhân tốt và cứ liên miên tái sinh trong vòng luân hồi. Lúc làm người, khi làm thú vật để học hỏi thêm. Nhiều người quan niệm luân hồi hay tiến hóa nghĩa là tiến lên những kiếp sống, hoàn cảnh tốt đẹp hơn, điều đó không đúng. Luân hồi nghĩa là đi lên hay đi xuống trong một cái vòng luẩn quẩn. Có khi làm người, có khi làm thú vật, có khi còn xuống thấp hơn thành các loại ma quỷ không nơi nương tựa, lang thang không định hướng, đầu óc ngu si, vất vưởng trong một thời gian rất dài.

Angie hỏi:

– Nhưng họ đã làm gì mà phải gặp hoàn cảnh đó?

Ông Kris mỉm cười:

– Bất cứ một hành động nào cũng tạo ra một nhân và đã có nhân thì phải có quả. Đó là quy luật của vũ trụ. Bất cứ hành động nào cũng tạo ra một phản hồi tương ứng. Nếu bà ném một vật lên không trung thì vật đó phải rơi xuống vì sức hút của trái đất. Cái lực ném lên và lực rơi xuống đều tương đương như nhau. Nếu bà ném một viên đá xuống một mặt hồ phảng lặng sẽ gây nước bắn ra tung tóe. Nếu đời nay con người gây ra một số nhân xấu, rồi đời sau lại gây thêm một số nhân xấu nữa và cứ như thế thì số nhân xấu gây ra càng ngày càng chồng chất. Theo luật Nhân quả, khi quả chín thì việc phải đến sẽ đến. Vì sao con nguời sau khi chết hóa thành ma quỷ? Vì bị bao nhiêu nhân xấu tạo thành quả xấu bủa vây cho nên họ phải thành loài ma quỷ. Những người có tính tàn nhẫn, hiếu sát, thích đánh đập hay giết hại sinh vật thì thường chịu đựng bệnh tật đau đớn, khổ sở, khó có thể sống lâu đuợc. Nếu họ tước đoạt sinh mạng của sinh vật khác khiến chúng không được sống lâu hơn, thì số mạng của người đó cũng không thể lâu dài và thường chết yểu. Những người trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người khác thì kiếp sau thường tái sinh vào những nơi bần cùng nghèo khổ. Điêu này cũng dễ hiểu vì chiếm đoạt tài sản của người khác, khiến cho người ta lâm vào cảnh túng thiếu thì trước sau kẻ chiếm đoạt cũng gặp phải cảnh nghèo nàn cơ cực. Vì thiếu hiểu biết cho nên con người tập nhiễm những điều xấu, lâu dần trở thành thói quen ác độc, kết quả là họ phải hứng chịu vô số hoàn cảnh khổ sở, bệnh tật, có nói ra cũng không thể hết được.

Khi trải qua hàng trăm kiếp sống, lúc thế này lúc thế khác, lúc sướng lúc khổ, lúc “lên voi” khi “xuống chó”, con người bắt đầu học được nhiều hơn nên hiểu rằng làm việc xấu sẽ gây khó khăn cho họ, còn làm chuyện tốt thì kết quả là gặp may mắn, thuận lợi hơn. Khi đã biết kìm hãm thú tính, chuyển qua làm những việc tốt lành thì thực thể bát đầu giai đoạn tiến hóa để thanh lọc các yếu tố ô trược. Theo thời gian, qua nhiều kiếp sống, họ tiến đến mức mà nhân tốt tạo ra trong một kiếp nhiều hơn là nhân xấu. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong sự phát triển của con nguời, vì từ lúc này họ trở nên hữu dụng và có giá trị cho gia đình, xã hội và đất nuớc của họ.

Nếụ quan sát, ông bà có thể thấy rõ những người này. Họ là những nguời đã biết phát triển những đức tính cao đẹp, biết rõ bổn phận của họ đối vói gia đình, xã hội, quốc gia và nhân loại. Họ là những nguời luôn luôn học hỏi, thay đổi và biết làm chủ mọi hành động để chuyển hóa các tập tính xấu và trở thành những hiến triết, thánh nhân trên tiến trình trở về với cội nguồn thiêng liêng. Đó chính là nguyên tắc của con đường hành động Karma Yoga mà ngày nay không mấy người hiểu rõ.

Angie vẫn thắc mắc:

– Nhưng Karma Yoga khác với môn Yoga tôi thường tập luyện như thế nào? Thầy dạy Yoga của tôi còn bắt chúng tôi phải tập thiền nữa. Vậy thì thiền có liên quan gì đến Karma Yoga không?

Ông Kris gật đầu trả lời:

– Môn Yoga bà đang học chỉ là phương pháp tập luyện để giúp cho thân thể khỏe mạnh và xả giãn. Như tôi đã trình bày, Yoga đã có từ ngàn xưa, bao gồm việc điều trị thể xác, làm chủ hơi thở và luyện tập tinh thần. Yoga cổ chia thành ba con đường hay ba khuynh hướng triết lý. Mỗi con đường lại có rất nhiều phương pháp tập luyện khác nhau nữa. Hatha Yoga chủ trương rèn luyện thể chất, Raja Yoga chủ trương rèn luyện tinh thần…

Ông Kris nhấn mạnh:

– Karma Yoga có nghĩa là con đường của hành động. Nhưng cần lưu ý rằng karma không phải chỉ bất cứ hành động nào, mà ám chỉ sự chủ tâm trong mọi hành động. Không những chủ tâm khi hành động mà cả trong lúc suy nghĩ, nói năng nữa. Ngày nay, nhiều người cho rằng karma đơn thuần chỉ là hành động mà thôi, như thế là thiếu sót vì karma bao gồm cả tư tưởng, lời nói và hành động.

Nếu ông bà để ý thì sẽ thấy có sự khác biệt rất lớn giữa hành động làm với sự chủ tâm và hành động làm lúc vô thức. Việc làm được thực hiện một cách vô ý sẽ khác với việc làm có sự cố ý trong đó vì kết quả sẽ khác nhau. Bất cứ điều gì ta làm với sự chủ tâm đều mang lại hệ quả, vì đã có sự cân nhắc trước khi hành động. Tư tưởng có trước lời nói và hành động, nó là nguyên nhân của mọi hành động. Vì thế con người phải biết cảnh giác với mọi tư tưởng của mình. Nhưng làm sao để làm chủ tư tưởng đây? Do đó, tập Yoga để thư giãn thể chất là chưa đủ mà còn phải tập thiền để làm chủ tư tưởng của mình nữa.

Trên con đường thanh lọc các yếu tố ô trược, con người phải biết rõ quá trình tư duy của mình, nếu không thì họ chỉ hành động mà không có sự chủ tâm. Khi con người biết rõ tư tưởng của họ như thế nào rồi thì họ có thể sửa đổi chúng cho tốt hơn, đúng hơn, hợp với mục đích mà họ theo đuổi. Con đường thanh lọc này diễn ra như thế nào? Việc đầu tiên là chuyển hóa lòng tham lam, ích kỷ, chiếm hữu, hay nói cách khác là bắt đầu loại bỏ những tư tuởng tham lam, thèm muốn trong tâm truớc đã. Khi tâm hồn trong sạch thì lời nói và hành động cũng trong sạch theo. Khi đã hiểu rõ luật Nhân quả, họ sẽ cố gắng thanh lọc, loại bỏ những tư tuởng ích kỷ trong tâm và tránh những hành động tham lam.

Ông Kris mỉm cười nói:

– Tuy nhiên, ông bà cũng nên lưu ý rằng có nhiều người chỉ muốn làm việc tốt để kiếp sau họ sẽ được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra làm từ thiện để sau này được sinh ra trong gia đình giàu có. Đó là một sự trao đổi. Bỏ cái này để đổi lấy một cái khác như thế vẫn là tham lam, đầy tính chấp ngã. Hành động thiện cần được làm với sự sáng suốt, biết rằng nếu không làm thế, con người chỉ đem lại thất vọng, đau khổ cho chính họ. Làm việc thiện là điều tiên quyết giúp con người sống thoải mái, an nhiên tự tại, hòa nhịp với bản thân họ và với tất cả mọi người. Nghĩ đến kết quả chỉ là một sự mong cầu, tham lam và ích kỷ. Tất cả những gì ham muốn, mong cầu chỉ mang đến sự thất vọng. Không có sự mong cầu nào trở thành hiện thực như đã muốn. Sự mong cầu khiến con người chỉ chú ý đến tương lai xa vời và như thế là không đúng với con đường hành động Karma Yoga. Hành động thiện phải được thực hiện bằng cả tâm hồn một cách tự nhiên, không có bất kỳ cáị gì khác xen vào thì mới thật sự là việc thiện. Làm việc thiện để cho người khác biết là không đúng vì có yếu tố cá nhân tiềm ẩn trong đó.

Angie hỏi tiếp:

– Nếu luật Nhân quả là đúng thì tại sao hiện giờ có những người làm bao điều ác mà vẫn sống thoải mái, sung sướng, không bị sao cả? Nhiều người gian lận, lừa bịp chiếm đoạt tài sản của người khác mà họ vẫn sống thảnh thơi, sức khỏe vẫn tốt. Tại sao họ không bị trừng phạt?

Kris bật cười:

– Họ chưa bị trừng phạt đó thôi. Họ sẽ lãnh những hậu quả của những việc họ làm. Nếu không phải lúc này thì vào lúc khác. Nếu không kiếp này thì kiếp khác. Vì cuộc đời chúng ta là hữu hạn nên không mấy ai có thể nhìn rõ những tác động của tạo hóa. Trong vũ trụ này, không có gì xảy ra ngẫu nhiên đâu mà tất cả đều tuân theo những quy luật bất biến. Tất cả các hành tinh, mặt trời, mặt trăng đều tuân theo quy luật của vũ trụ. Trái đất ta đang sống cũng như thế vì luật vũ trụ không phân biệt hay thiên vị với bất kỳ ai. Gieo nhân nào sẽ gặt quả đó, khi quả đến lúc chín muồi thì sự việc quả sẽ xảy ra.

Khi bước vào cuộc đời, tất cả mọi người đều mang theo một số thói quen từ quá khứ hay những kiếp sống trước. Những gì xảy ra cho chúng ta trong đời sống hiện tại đều là quả của các nhân đã gieo trồng từ trước. Bất cứ hành động, lời nói hay tư tưởng nào của chúng ta cũng đều là nhân và có khi nó trổ quả ngay lúc này, nhưng có khi nó tiềm ẩn và trổ quả vào lúc khác. Chúng ta là người tạo ra số phận của mình. Không ai có thể thật sự làm gì cho ta được. Tất cả chúng ta trong mỗi giây phút đều có cơ hội để gieo trồng hay gây nhân cho chính mình. Nhân tốt hay xấu đều do ta tạo ra, và khi nào nó trổ quả còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

Ông Kris ngừng lại và kết luận:

– Hôm nay chúng ta đã bàn luận về con đường hành động – Karma Yoga, một nền minh triết cổ xưa mà hiện nay rất ít ai biết đến. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đó là minh triết của vũ trụ chứ không phải của riêng Ấn Độ đâu mặc dù ngày nay người ta vẫn cho rằng nó xuất phát từ xứ Ấn.

Thật ra, luật vũ trụ bao trùm khắp mọi nơi và chi phối vạn vật. Nó không dành riêng cho một nơi nào hay địa phương nào cả. Từ ngàn xưa, đã có những nền văn minh với các nhà hiền triết đã học hỏi, tìm hiểu và nghiên cứu về những điều này. Những người được thụ giáo từ nền minh triết này đã đi khắp nơi truyền dạy cho mọi người. Tùy theo nơi họ đến, tùy điều kiện và phong tục địa phương mà phương pháp truyền dạy cũng thay đổi phần nào, nhưng minh triết hay luật vũ trụ thì không bao giờ thay đổi. Tiếc thay, ngày nay người ta chỉ nói đến phương pháp chứ không mấy ai đề cập đến triết lý. Do đó, đối với phần lớn mọi người, Yoga chỉ là một phương pháp luyện tập thể chất và thiền định cũng chi là một phương pháp tĩnh tâm để thư giãn đầu óc mà thôi.

Khi chúng tôi trao đổi về đề tài Karma Yoga, ôngThomas cho biết bài học quan trọng mà cá nhân ông đã học được qua các kiếp sống là việc phát triển tình thương. Đó lạ một tư tưởng bất ngờ nảy sinh trong kiếp sống của ông tại Atlantis mặc dù lúc đó những người dân xứ này chưa biết gì về tình thương. Vì lý do nào đó, ông hối hận và có ý nghĩ thương yêu Kor trong giờ phút cuối của kiếp sống đó. Nó trở thành một động lực rất mạnh dẫn dắt ông trong những kiếp sau để học hỏi, phát triển tình thương.

Ông Thomas nói rằng buổi nói chuyện với ông Kris về Karma Yoga cũng giúp cho vợ chồng ông hiểu thêm về các quy luật vũ trụ như Luân hồi và Nhân quả. Mặc dù ông đã được học về những điều này trong những kiếp trước nhưng ông vẫn chưa ý thức được rõ rệt. ông tiết lộ rằng trong chu kỳ hiện tại, hai quy luật này là bài học quan trọng mà tất cả mọi người đều phải học để biết về sự vận hành trong vũ trụ và hậu quả mà họ gây ra. Ông kết luận: “Đừng bao giờ làm bất cứ việc gì mà không suy xét đến hậu quả của nó“.