SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng

4. Nhắc đến để buông xả

Học như thế nào để quản lí mình tốt; làm thiện, dừng ác; vì gia đình, vì xã hội mà tròn bổn phận.

Mấy năm gần đây, tôn giáo ở trong nước bị tai tiếng không ngừng, làm cho mọi người trong xã hội hiểu lầm tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo lại bị rất nhiều. Nguyên nhân này, vì có rất nhiều đệ tử Phật giáo tự cho mình tin Phật giáo, tự cho mình đang tu hành. Thực ra, họ nhận thức Phật pháp không rõ ràng, hiểu cũng không chính xác, lại không theo đúng Phật pháp để thực hành. Vì thế, chúng ta tin Phật, học Phật, quan trọng nhất là cuối cùng tin như thế nào? Học như thế nào?

Đức Phật là chỉ cho người có nhân cách hoàn hảo, cũng chính là người có trí tuệ và từ bi đều viên mãn. Chúng ta học Phật là phải học theo gương trí tuệ và từ bi của Đức Phật. Từ bi đối với chúng sinh mà nói; người từ bi tuyệt đối không được vì không kiềm chế được hành vi của mình mà làm tổn thương người khác. Người từ bi có thể giúp cho người khác sống chung với mình, cùng làm việc với mình, vừa cư xử khéo léo đạt được lợi ích, gặp thời cơ thích hợp thì khuyên bảo người khác ân cần; hoặc giúp đỡ họ. Chúng ta học Phật như thế mới được người khác kính trọng và quý mến.

Người có trí tuệ thì giảm một chút phiền não, giảm một chút khó khăn đấu tranh với mình. Khi chúng ta đứng trước lí trí và ham muốn cá nhân thì phải chọn lựa, làm rõ chính xác rõ ràng. Nguyên nhân mọi người làm tổn thương người khác, đều là do tự tư. Người bình thường, theo lí trí biết rõ việc đó không nên làm; nhưng vì tâm ích kỉ, mong muốn mình được nhiều lợi ích, tâm tham dục che lấp tâm lí trí, nên họ không thể điều khiển được dục vọng; lại bị dục vọng sai khiến, sinh ra các loại phiền não, thể hiện ra hành động, gây nhiều tổn thương cho người khác. Do đó, chúng ta muốn học trí tuệ của Đức Phật, là phải học chủ nhân của mình. Học như thế nào để quản lí mình tốt; làm thiện, dừng ác; vì gia đình, vì xã hội mà tròn bổn phận.

Khi tôi ở nước Mỹ, có một bà vợ đến tìm tôi khóc lóc. Bà nói:

– Thưa Thầy! Chồng con đã mất tích hơn nửa năm, nay bỗng nhiên xuất hiện; anh ra đi không một lời từ biệt, té ra anh đến sống chung với người phụ nữ khác. Con nghĩ anh đã chết, nên tâm trạng con dần dần tìm được sự thăng bằng, không ngờ xảy ra việc thế này; quả là con sắp điên mất, con muốn giết chết anh ta.

Tôi hỏi:

– Giết chết anh ta rồi, chị làm thế nào? Con cái sẽ ra sao?

– Con mặc kệ, con sẽ dắt con của con đi tự sát luôn.

– Chồng của chị phạm sai lầm, còn chị và con đều vô tội mà.

– Thưa Thầy! Thầy có dạy được chồng con không?

– Chồng chị không đến, tôi không thể dạy được; cho dù chị kéo anh ta đến đây mà anh không tin tôi thì tôi cũng không giúp được; nhưng tôi có thể dạy chị xử lí việc này như thế nào. Đức Phật dạy mọi người phải ‘nhắc đến để buông xả.’ Cho nên chị phải buông xả tâm giận dữ với chồng. Chị phải dũng cảm gánh trách nhiệm một mình nuôi dạy con cái; lại còn vận dụng tâm từ bi tha thứ cho chồng chị và người phụ nữ kia.

Nghe tôi nói, chị bực bội không chịu:

– Như thế thì không công bằng, con không bằng lòng; con của con mang họ của anh ta, tại sao con giúp anh ta để nuôi con?

– Lẽ nào con cái không phải con của chị? Anh ta không làm tròn bổn phận người cha, chị cũng không thể không làm tròn bổn phận của người mẹ. Vả lại, thế gian này việc không công bằng, không hợp lí rất nhiều; có người có thể cải thiện; có người không thể nào đoán được, chúng ta không quản lí được họ. Nếu như mỗi người tự quản lí mình tốt, mỗi người đều làm tròn bổn phận thì việc không công bằng sẽ giảm bớt.

‘Nhắc đến để buông xả,’ chúng ta tin Phật, học Phật, là phải học trí tuệ và từ bi để giúp mình ở trong thế giới hiện thực lộn xộn, nhận rõ sự thật, dứt trừ phiền não. Trí tuệ của Đức Phật từ sự tu hành mà ra, không có tu hành thì không có trí tuệ. Phương pháp tu hành, đời sống tu hành, nói rõ là thực hành trung thực, rất đơn giản, không có dùng thủ đoạn để khoe khoang với mọi người.