PHÁP SỰ KHOA NGHI
( 3 tập)
Soạn dịch giả: HT. THÍCH HUYỀN QUANG
Chùa Quang Thiện, California, USA
Ấn hành 2002

 

4. NGHI RƯỚC LINH MÔ LỄ PHẬT
(Trước lễ Di Quan)

* Tiết thứ làm nghi:

– CHỦ LỄ ĐẾN TRƯỚC LINH ĐÀI XƯỚNG:
Tang gia hiếu quyến,
Mời đến trước đây.
Tất cả đều quỳ,
Đốt hương mặc niệm…

– CHỦ LỄ HẠ PHỦ XÍCH – VỊNH RẰNG:
Nhắm mắt nằm yên mấy bữa rày,
Xuôi tay từ giã thế gian này.
Nhưng hôm qua:
Từ đường bái biệt hàng tiên tổ,
Và ngày nay:
Lễ Phật lên đường chính bữa nay.

– CHỦ LỄ XƯỚNG:
Dâng hương lên án cúng dường.
Cúi lễ hương linh ba lạy.
Tất cả thứ tự sắp hàng.
Xin rước linh mô lễ Phật.

– CHỦ LỄ XƯỚNG:

Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
(Trưởng nam bưng lư hương và đèn đi trước, thứ nam thỉnh linh mô đi sau, theo sự hướng dẫn của lễ sư đến trước Phật đài và tôn trí linh mô trên hương án thiết sẵn, mặt hướng vào bàn Phật, xong).

– CHỦ LỄ CỬ HƯƠNG TÁN:
Hương xông đảnh báu,
Giới, định, tuệ hương,
Giải thoát tri kiến quý khôn lường,
Ngào ngạt khắp muôn phương,
Thanh tịnh tâm hương,
Đệ tử nguyện cúng dường.
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát.

– TỤNG:
Ma ha Bát nhã …

– TÁN:
Trên trời dưới trời không bằng Phật,
Thế giới mười phương cũng khó bằng,
Thế gian có gì con đã biết,
Tất cả không ai bằng Phật vậy.
Nam mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo.

– CHỦ LỄ QUỲ BẠCH (thay vì sớ):
Nam mô thập phương tam thế nhất thiết chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, tác đại chứng minh.

Nay có ai tử (cô ai tử) … cùng cả tang gia hiếu quyến;
Đau lòng vì vong linh cố phụ (cố mẫu) …, pháp danh … một vị hương linh.
Nguyên sanh ngày … tháng … năm … hưởng thọ … tuổi.

Than ôi!
Một phút vô thường,
Nghìn thu vĩnh biệt.
Đớn đau chi xiết,
Thương tiếc sao cùng!
Tuy nhiên,
Quyền lưu quan quách ngại ngùng,
Tạm tẫn lễ nghi bối rối.
Nhưng biết làm sao giờ?
Sao dời vật đổi,
Nước chảy hoa rơi.
Cho dầu Bành Tổ trường thọ một đời,
Nhan Hồi yểu vong nửa kiếp.
Do đó rất:
Hãi hùng vì giấc mơ Hồ điệp,
Thương xót vì kiếp sống Phù du.
Biết rằng:
Huyễn thân có sanh có diệt mặc dù
Nhưng chơn tánh
không đến không đi nào thấy!
Nay thì xe tang sắp đẩy,
Linh cửu sẽ dời.
Vì vong linh tác bạch mấy lời,
Mong Phật Tổ chứng minh tấc dạ.
Cho vong linh cúi đầu lễ tạ,
Xin tang quyến ngửa mặt nguyện cầu.
Cầu vong linh nghe
Pháp ngữ nhiệm mầu,
Nguyện vong linh thấy
Phật thân thanh tịnh.
Hầu minh tâm kiến tánh
Ngõ thoát hóa tiêu diêu.

– CHỦ LỄ ĐỨNG DẬY XƯỚNG:
Chí tâm đảnh lễ:
Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Đại Từ Đại Bi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, tác đại chứng minh.

Chí tâm đảnh lễ:
Nam mô Tây Phương Giáo Chủ Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, tác đại chứng minh.

Chí tâm đảnh lễ:
Nam mô U Minh Giáo Chủ Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát, tác đại chứng minh.

– CHỦ LỄ TUYÊN ĐỌC PHÁP NGỮ:

Thưa hương linh ông, bà (tên họ, pháp danh) yên lặng lắng nghe!

Người đời thường nói: “Sống gởi thác về”.

Tuy nhiên, sống ở gởi nhiều người đã biết, nhưng thác về đâu thì mấy ai hay?!

Giờ này vong linh đi về đâu? Về với ông bà tổ tiên? Hay về với cát bụi cỏ cây? Nếu vong linh về với ông bà tiên tổ, thì biết tiên tổ ông bà ở đâu không? Còn về với cát bụi cỏ cây thì vong linh về đó làm gì?

Thưa vong linh! Vong linh nên nghĩ rằng: Ông bà tổ tiên lúc ra đi, cũng như vong linh bây giờ ra đi vậy; nghĩa là kẻ trước người sau chẳng ai biết ai cả. Còn về với cỏ cây cát bụi thì thân mọi loài mọi vật đều được cấu tạo bằng nhiều nguyên tố: đất, nước, gió, lửa … thì nay phải trả lại cho lửa gió đất nước.

Trong kinh Đức Phật dạy: Trong thân thể con người và các loài hữu tình khác, có thứ luôn luôn thay đổi, có thứ mãi mãi chẳng đổi thay. Thứ thay đổi là vật chất, thứ không thay đổi là tinh thần, là Phật tánh, là tâm thức (Lăng Nghiêm). Và khi thứ không thay đổi này còn ở trong thân thể hay thay đổi, nó có những tác dụng như thấy, nghe, hay, biết và tạo tác các nghiệp thiện ác v.v… Khi thân vật chất này, vì lý do gì không thể duy trì sự sống tồn tại được, thì cái tinh thần tâm thức đó đi theo các nghiệp thiện ác mà mọi người khi tại thế đã làm (tức nghiệp khiên) để thọ sanh (nghiệp thức) vào một thân khác, loài khác, sống trong thế giới khác. Ví dụ như chúng ta ở trong một ngôi nhà, nhưng ngôi nhà đó bị đất sụp, nước trôi, lửa cháy và gió đổ … không thể ở được, không có chỗ ở, đương nhiên chúng ta phải tìm nơi khác, tạo lập lại ngôi nhà mới để ở vì không thể sống bơ vơ lưu lạc vô trú xứ được. Nhưng chúng ta lấy gì làm lại ngôi nhà mới đó? Điều đó dễ hiểu là tiền vốn của chúng ta đã dành dụm suốt đời khi lâm nạn mang theo nhiều ít. Vốn đó là “nghiệp” vậy! Còn ngôi nhà mới tốt hay xấu là do tiền tích lũy mang theo nhiều ít từ quê cũ mang đến.

Thưa vong linh!
Kinh Phật dạy: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân”. Nghĩa là muôn vàn của cải không mang theo được thứ gì cả, chỉ có nghiệp thiện ác theo mình mà thôi.

Như vậy, vong linh khi sinh tiền đã giữ năm điều răn theo lời Phật dạy; sau khi lâm chung, thiện nghiệp đó dẫn dắt vong linh sinh vào cõi người, cõi chúng ta đang sống, khổ nhiều vui ít. Hoặc vong linh khi tại thế đã làm mười điều lành như Phật đã dạy, lúc mãn phần, các nghiệp lành đó sẽ nâng đỡ vong linh sanh lên các cõi trời, cõi đó khổ ít vui nhiều. Và cứ như thế tiến lên các cõi Thánh và xuất thế gian như A La Hán, Bồ Tát và chư Phật, sau khi đã tu tập theo 37 phẩm trợ đạo, sáu độ, muôn hạnh lành, lợi ích chúng sanh trong nhiều đời nhiều kiếp. Đó là một sự thật được chứng minh theo đạo lý sanh tử, Niết Bàn Bồ đề phiền não mà kinh sử đã ghi rõ xưa nay.

Ngược lại, nếu chúng sanh nào làm năm điều ác, mười điều chẳng lành, sau khi thân này tan rã nghiệp xấu đó sẽ lôi cuốn vong linh đó sinh vào các nơi tăm tối, dơ bẩn, đói khát và đau khổ, và rủi vào các đường này chỉ có khổ, không có vui, và rất khó trở lại loài người. Các đường khổ đó là địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh, ngay ở thế gian này cũng có, không phải ở đâu xa cả.

Thưa vong linh!
Trên đây là những giáo điều, những pháp ngữ để khuyên chúng sanh làm lành, răn cấm chúng sanh làm các việc ác, để kiếp sau và cũng ngay cả hiện tại và tương lai đừng sa vào các thế giới khổ, để lên các cõi vui như trên đã nói. Đên đây vong linh đã nghe rõ và vong linh có thể tự biết mình, sau khi chia tay thân nhân qyến thuộc … sẽ đi về đâu và vong linh tự chọn một trong mười cõi đó để thọ sanh và chính vong linh tự biết rõ hơn ai hết, cũng như người từ nước này sang nước khác, tự biết mình khổ hay vui là do của cải thiện hay các (nghiệp) của mình mang theo mà thôi. Và ngay cả thân thuộc cũng chỉ biết phần nào cuộc sống khổ vui của vong linh ở thân sau và thế giới mà vong linh sẽ đến.

Vậy trước khi làm lễ di quan đưa vong linh về thế giới khác, vong linh nên phát tâm trong giờ phút ngắn ngủi này, sám hối các vọng nghiệp, hồi hướng các thiện duyên, để các nghiệp vọng cũ tiêu trừ, các phước lành mới phát, đồng thời phát tâm quy y Tam Bảo, giữ 5 giới cấm trong tương lai, trong kiếp sống khác. Nghĩa là một niệm hồi quang phản chiếu thật sự, như thắp lên một ngọn đèn, bao nhiêu bóng tối trong nhà tối lâu năm thảy đều biến mất. Rồi từ đó sẽ nhờ pháp lực tiếp dẫn vong linh từ trần gian này về Phật quốc khác. Vong linh hẳn đã nghe rõ và đã tự nguyện làm theo lời Pháp ngữ mà lễ sư vừa tuyên đọc trước Phật đài. Vong linh làm được như vậy thì hân hạnh vô cùng.

Giờ đây xin mời tất cả thân nhân tang quyến, cùng tất cả Phật tử hiện diện, hãy vì vong linh, cho vong linh đồng thanh hộ niệm:
Vong linh vốn tạo các vọng nghiệp,
Đều do vô thỉ tham sân si,
Từ thân, miệng, ý phát sinh ra,
Tât cả vong linh xin sám hối.

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát.

Vong linh quy y Phật,
quy y Pháp, quy y Tăng.
Quy y Phật không đọa địa ngục,
Quy y Pháp không đọa ngạ quỉ,
Quy y Tăng không đọa bàn sanh.
Vong linh quy y Phật rồi,
Quy y Pháp rồi và quy y Tăng rồi.

– Nguyện tiêu …
– Nguyện sanh …
– Nguyện đem công đức này …

– PHỤC NGUYỆN:
Thần về cõi Phật,
Mạng gởi Ta bà,
Cầu xin Đức Phật Di Đà,
Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Xin thương xót tiếp độ vong linh Phật tử … vãng sanh an lạc quốc:

Với dị hương thiên nhạc,
Cùng bảo cái tràng phan.
Với chín phẩm sen vàng,
Cùng mười phương Thánh chúng.
Thần thông diệu dụng,
Hiển hiện nhiệm mầu;
Tất cả cúi đầu,
Xưng dương thánh hiệu:
Nam mô Tây Phương Giáo Chủ … (1 lễ)
Nam mô U Minh Giáo Chủ … (1 lễ)

– CHỦ LỄ XƯỚNG:
Rước linh lễ Phật,
Giờ đã hoàn thành,
Tất cả tụng niệm hồng danh,
(Nam mô A Di Đà Phật),
Đưa linh trở về bản vị.
(Lễ sư hướng dẫn tang gia hiếu quyến rước linh mô về lại linh sàng, tiếp làm lễ di quan)

* Lưu ý:
Pháp ngữ nên viết ra hay cầm tay tài liệu này đọc cho rõ ràng, giọng ai, để người đi kẻ ở được hiểu ý nghĩa sanh tử mất còn, khổ vui thân này, đời khác nghiệp nhơn quả báo … của một kiếp sống con người, rất có lợi ích. Thật tế mong quí vị lưu ý!