OAN GIA
Tỳ kheo Thích Trí Siêu

 

Hình thức

Oan gia là người đi đòi nợ ân oán. Muốn đòi nợ ai thì phải đi tìm người đó. Hình thức đòi nợ dễ nhất là tái sinh làm người thân, ở sát ngay bên cạnh, như vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em.  Cõi Ta Bà này là cõi Dục (Kamaloka), nên ai tái sinh ở cõi này đều còn sự ham dục trong tâm. Ham dục tức là ham muốn tình cảm, thèm khát tình thương, muốn thương và được thương. Chính nhờ yếu điểm này, nên oan gia mới có thể đòi nợ được.

Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu các hình thức oan gia khác nhau.

1/ Vợ chồng

Là con người, theo luật thiên nhiên, lớn lên ai cũng lập gia đình để đáp ứng nhu cầu tình cảm và sinh lý. Khi lấy vợ, lấy chồng, ai cũng mong ước tìm được một người lý tưởng, biết thương yêu, chiều chuộng mình. Nhưng thực tế, tìm được một người như vậy hay không, đều tùy thuộc vào nhân quả, nghiệp báo, hay phước đức của mình.

Người đời có câu “vô oan trái bất thành phu phụ”, nghĩa là không có vấn đề oan trái thì không thành chồng vợ. Thường thường, luật nhân quả xui khiến cho chúng ta bị thu hút bởi người oan gia khi vừa gặp gỡ, thấy họ dễ thương, dễ mến, hợp nhãn, hợp ý, v.v…Chứ nếu oan gia đến gõ cửa mà trên trán có khắc rõ ràng hai chữ “oan gia”, thì chắc chúng ta sẽ bỏ chạy mất.

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”, khi còn dang dở là lúc chưa ký giao kèo, chưa đeo nhẫn cưới thì hai bên nam nữ phải khoe ra những cái hay, cái đẹp, cái dễ thương của mình để chiếm được tình cảm và biến người kia thành sở hữu của mình. Khi chính thức thành vợ chồng, thuộc về nhau rồi thì chân tướng oan gia mới từ từ hiển lộ!

Có nhiều người nói: “khi mới cưới tôi, anh ấy dễ thương lắm, tôi muốn cái gì anh cũng chiều. Sống chung vài năm thì anh ấy thay đổi, bắt đầu uống rượu, hút thuốc, tánh tình khó chịu, gắt gỏng.  Hồi trước vợ làm cơm thì chồng rửa chén, bây giờ ăn xong rồi chỉ ngồi xem ti vi, không thèm rửa chén. Vợ nhờ cũng không làm, nhiều khi còn lớn tiếng mắng lại, v.v…” hoặc “khi mới lấy tôi, cô ấy rất chăm chỉ làm ăn, lo cho gia đình, nhưng bây giờ chỉ thích ăn chơi, mua sắm, đua đòi, không còn chú ý tới gia đình nữa”, v.v…

Oan gia vợ chồng tương đối dễ nhận ra.

Một người chồng “ân gia” là người hết lòng thương yêu, chiều chuộng, lo lắng cho vợ từng ly từng tí, đó là vì kiếp trước mang ơn vợ nên kiếp này ông gặp lại để trả ơn.

Ngược lại, một ông chồng “oan gia” là người không tốt, thường hành hạ, đày ải, mắng nhiếc, đánh đập làm khổ vợ, đó là vợ thiếu nợ nên ông đến để đòi.

Trên đây là hai thí dụ đơn giản về ân gia và oan gia. Nhưng thực tế không phải đơn giản như vậy. Vì có những người chồng thương yêu lo lắng cho vợ, nhưng cũng có lúc đòi hỏi, hành hung vợ, hoặc có những cặp vợ chồng thương yêu nhau nhưng vẫn gây gổ với nhau. Đây gọi là “thương nhau lắm, cắn nhau đau”, ân oán lẫn lộn. Lý do là con người vô minh, chấp ngã, nên trong lúc trả nợ lại vay thêm. Thí dụ mình gặp một ông chồng oan gia, tức là ông đến đòi nợ, nhưng mình (vô minh) không biết, lầm tưởng ông yêu thương mình. Ban đầu ông thể hiện yêu thương để thu hút, lôi cuốn mình, sau đó mới đòi nợ, nếu mình không trả thì ông nổi giận (cắn mình). Nếu mình trả, chiều ý ông thì ông lại thương. Thương là để đòi, mà đòi không được thì tức giận, la hét, làm dữ (cắn). Bị cắn sợ quá phải chiều theo thì lại được thương.

Mang ơn và thiếu nợ

Kiếp trước người ta ban ơn, giúp đỡ, đối xử tốt với mình. Kiếp này gặp lại tự nhiên mình cảm thấy cần phải đối xử tốt với người này. Đây là ân gia với nhau.

Kiếp trước mình não hại, làm người ta đau khổ vì tình hoặc vì tiền, khiến họ oán hận. Kiếp này họ gặp lại để đòi nợ (trả thù) làm mình điêu đứng khổ sở. Đây là oan gia của nhau.

Tuy nhiên, không phải thấy ai đối xử tốt với mình thì liền nghĩ là người đó thiếu nợ mình kiếp trước. Họ tốt với mình vì hai lý do: một là họ mang ơn mình, hai là họ làm vì lòng tốt. Ở đây cần phân biệt giữa mang ơn và thiếu nợ. Mang ơn là thọ nhận sự giúp đỡ của người khác. Thí dụ: mình đi đường bị vấp ngã, té chảy máu đầu, bỗng có một người nào đó đến đỡ mình dậy rồi chở giùm vào nhà thương. Họ làm vì lòng tốt và không mong cầu sự đền đáp. Trường hợp này mình mang ơn họ nhưng không thiếu nợ họ. Nếu có dịp gặp lại thì mình đền ơn, còn không thì họ cũng không đòi.

Còn thiếu nợ là vay mượn rồi không trả. Thí dụ: mình không đủ tiền mua xe nên phải đi vay một người nào đó. Đây là mình thiếu nợ, bắt buộc phải trả, không trả thì người ta đòi.

Quan Thế Âm Bồ tát luôn tầm thinh cứu khổ, cứu nạn chúng sinh không bao giờ ngừng nghỉ. Ta không thể nói là Ngài thiếu nợ chúng sinh. Ngài làm vì lòng đại từ, đại bi.

Đức Phật Thích Ca muốn nhập Niết bàn ngay sau khi thành đạo vì nhận thấy chúng sinh quá nhiều vô minh, tham ái khó có thể chấp nhận được giáo pháp của Ngài vừa chứng ngộ. Nhưng nhờ Phạm Thiên Sahampati biết được tâm tư của Ngài nên hiện đến cầu thỉnh Ngài ở lại thuyết pháp. Với lòng từ bi và Phật nhãn, thấy được chúng sinh có nhiều căn cơ khác nhau, có những người căn cơ cao, có thể hóa độ được nên Ngài chấp thuận và ở lại thuyết pháp độ sinh suốt 45 năm cho đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta không thể nói Đức Phật đi thuyết pháp vì Ngài thiếu nợ chúng sinh. Ngài làm vì lòng từ bi, và chúng ta “mang ơn” Ngài chứ không “thiếu nợ” Ngài. Nếu chúng ta không trả, hoặc quên luôn Phật thì Ngài cũng không đuổi theo để “đòi nợ” công lao thuyết pháp 45 năm của Ngài.

Nợ tình và tiền

Có những người vợ hay chồng đến đòi nợ tình. Kiếp trước họ thương yêu, săn sóc cho mình mà mình lợi dụng rồi bỏ rơi người ta. Vì vậy kiếp này họ đến đòi mình phải thương yêu, săn sóc họ. Có những người chồng lo đi làm kiếm tiền đem về đưa hết cho vợ, nhưng vợ không bao giờ hài lòng mà cảm thấy bị bỏ rơi. Những người chồng này nên biết là vợ mình cần tình, cần sự để ý, săn sóc, chiều chuộng, hỏi han chứ không cần tiền. Đây là trường hợp oan gia đòi nợ một cách đơn giản, thông thường.

Còn có những người tìm đến để trả thù sự vô ơn bạc nghĩa. Họ thương yêu, săn sóc, chiều chuộng mình để lấy lòng, đến khi mình thương yêu say đắm họ, thì họ phụ bạc, ruồng bỏ, cho mình nếm mùi đau khổ.

Có những người vợ hay chồng đến đòi nợ tiền. Kiếp trước mình thiếu nợ họ tiền bạc, hoặc lường gạt, cướp giựt tài sản của họ. Kiếp này họ đến để moi tiền mình. Chồng đi làm đem tiền về, vợ lấy tiền đi mua sắm, ăn chơi hoặc đi casino đánh bài. Hoặc vợ đi làm đem tiền về, chồng lấy tiền đi nhậu nhẹt, rượu chè, cờ bạc, hút sách, nghiện ngập, trai gái…Đa số vợ chồng thường là oan gia với nhau, không nhiều thì ít. Nếu oan gia nhiều thì mắng chửi, đánh nhau, hại nhau và tệ hơn nữa là giết nhau. Nếu oan gia ít thì lời qua, tiếng lại, giận hờn, không hạnh phúc, phải chịu đựng sống chung qua ngày. Nếu chịu không nổi thì bỏ nhau, ly dị, hoặc ngoại tình và tạo thêm nghiệp oan gia mới.

Ở Hoa Kỳ có rất nhiều chuyện vợ chồng giết nhau vì tình và tiền, nhưng nổi tiếng nhất là vụ OJ Simpson và Scott Peterson.

– OJ Simpson là cựu cầu thủ football, bị tình nghi giết vợ (06/1994), nhưng nhờ ông ta giàu có, mướn một ban luật sư nổi tiếng biện hộ giỏi nên được trắng án.

– Scott Peterson (12/2002) giết người vợ đang mang thai 8 tháng rồi vứt xác xuống vịnh biển San Francisco, California. Bốn tháng sau xác hai mẹ con trôi dạt vào bờ. Ông ta bị bắt và kết án tử hình!

– Ngày 23/7/2011, ở Dallas, trong buổi sinh nhật của đứa con trai 11 tuổi, được tổ chức tại một hội trường. Một người Việt Nam, 35 tuổi, đã rút súng ra bắn chết vợ cùng ba người em vợ và một người em dâu, rồi quay lại bắn vào đầu mình tự tử, trước sự chứng kiến của bạn bè và họ hàng. Sau khi án mạng xảy ra rồi, người ta truy tìm quá khứ thì được biết là người vợ đã nộp đơn xin ly dị ba năm trước nhưng lại rút đơn, và cô đã từng bị chồng hành hung đánh đập và hăm dọa bắn chết nhiều lần.

Oan trái vợ chồng đôi khi ở mức nhẹ hơn là nể sợ nhau như chồng sợ vợ hoặc vợ sợ chồng. Người ta nói “nhịn cho yên nhà yên cửa”. Nhưng tại sao lại phải nhịn? Nếu mình có phước và người kia không phải oan gia trái chủ thì làm gì có chuyện phải “nhịn cho yên nhà yên cửa”? Chủ nợ thường ăn hiếp con nợ, và con nợ thường phải nể sợ chủ nợ.

Cuối cùng, khi nghiệp oan gia sắp chấm dứt thì một biến cố nào đó sẽ xảy ra, khiến hai người chia tay, thí dụ một trong hai người bị bệnh hoặc tai nạn qua đời, hoặc có người yêu khác rồi đòi ly dị. Ở Thái Lan có một ông chồng nọ ly dị vợ, xách máy cưa ra cưa đôi căn nhà sàn để chia gia tài với vợ. Có trường hợp khác như người đàn bà kia bị tai nạn xe hơi, tê liệt nằm một chỗ. Người chồng liền bỏ về Việt Nam cưới vợ khác. Những trường hợp như vậy xảy ra rất thường xuyên.

Phải chăng tất cả vợ chồng đều là oan gia với nhau?

Có thể nói đa số là oan gia với nhau, nhưng cũng có một số ít là ân gia.

Những cặp vợ chồng ân gia, khi nhìn vào chúng ta biết liền. Họ là thiện tri thức của nhau, tôn trọng và thương mến nhau. Thí dụ như trường hợp của ngài Ca Diếp (Kasyapa), trước khi đi tu, ngài đã có vợ.  Tuy vợ chồng sống chung nhưng không ngủ một giường, họ vừa là vợ chồng vừa là bạn đạo. Đến khi ngài Ca Diếp gặp được Phật xuất gia học đạo thì vợ ngài cũng xin xuất gia luôn. Hai người đến với nhau trong cuộc đời để sách tấn và giúp đỡ nhau trên đường đạo.

2/ Con cái

Sau khi lập gia đình rồi thì ai nấy đều muốn có con, đây là tiến trình tự nhiên. Có con mới vui nhà vui cửa, có con để nối dõi tông đường, để bồng để nựng, để thương yêu, săn sóc. Nhưng có ai ngờ rằng con cái cũng là một loại oan gia trá hình.

Ông Năm và ông Sáu ở cùng làng.Ông Năm là điền chủ giàu có trong vùng, còn ông Sáu là người làm thuê cho ông Năm. Ông Sáu đã nghèo mà lại thích cờ bạc cho nên tháng nào cũng thiếu hụt, phải mượn trước chủ hàng mấy tháng lương. Chẳng may trong làng có bệnh dịch nên cả hai ông cùng chết. Xuống âm phủ, bị Diêm vương lôi ra xét xử trước khi cho đi đầu thai. Vì ông Sáu thiếu nợ ông Năm, cho nên Diêm vương hỏi ông Năm có muốn đầu thai làm cha ông Sáu không? Vì làm cha thì tha hồ la mắng xài xể con cái. Nhưng ông Năm không chịu. Diêm vương lại hỏi có muốn làm mẹ ông Sáu không? Vì làm mẹ thì có quyền dạy dỗ bắt con cái phải nghe lời. Ở ngoài đời, người ta thường nói: “Bộ ông là cha tôi hay sao mà dám la tôi? Hoặc bà là má tôi hay sao mà dám lên mặt dạy đời?” Thế nhưng ông Năm cũng không chịu đầu thai làm mẹ ông Sáu. Diêm vương hỏi tiếp có muốn làm anh hay chị để có quyền đánh đập em út không? Ông Năm cũng không chịu. Cuối cùng Diêm vương hỏi vậy ông muốn đầu thai làm gì đối với ông Sáu? Ông Năm trả lời là muốn đầu thai làm con ông Sáu!!! Diêm vương hỏi lý do tại sao thì ông Năm đáp: “Đầu thai làm con là sướng nhất, vì tha hồ đòi nợ, đòi nợ công khai mà không ai biết. Lúc con còn nhỏ thì cha mẹ phải lo bú mớm cho nó, lỡ nó bị bệnh thì cha mẹ phải thức trắng đêm lo lắng, săn sóc mà không dám phiền hà. Khi con lớn lên thì phải lo cho nó ăn học, dù phải học trường tư tốn kém nhiều tiền, cha mẹ cũng nai lưng ra đi làm kiếm cho đủ. Bao nhiêu công sức, tiền của, mua sắm, chi phí cho con, cha mẹ không bao giờ để ý tính toán mà ngược lại còn vui lòng. Làm con từ nhỏ đến lớn, nếu đòi nợ chưa đủ thì tôi sẽ ăn chơi phung phí, làm cho tài sản của cha mẹ tiêu hao. Khi nào đòi hết nợ thì tôi sẽ ra đi[1].”

Câu chuyện ngụ ngôn trên cho thấy muốn đòi nợ khôn nhất thì nên đầu thai làm con, vì cha mẹ nào cũng vui lòng trả nợ cho con. Chồng có thể bỏ vợ, vợ có thể bỏ chồng. Con có thể bỏ cha mẹ, nhưng cha mẹ không bao giờ bỏ con.  

Chúng ta thường nghe nói “con là nợ, vợ (chồng) là oan gia”. Thật ra oan gia là có nợ nần ân oán với nhau rồi. Nhưng oan gia vợ chồng thường thiên về ân oán tình cảm. Trong khi oan gia giữa cha mẹ, con cái thường thiên về tài sản vật chất. Tuy nhiên con cái cũng được chia ra làm ba loại: oan gia, ân gia, và khách gia.

Con oan gia

Ai cũng muốn có con xinh đẹp, ngoan ngoãn, dễ thương. Nhưng muốn là một chuyện, và đẻ con ra là chuyện khác. Không ai có thể làm chủ được hình hài và tánh tình của con mình.  Không ai có thể đoán trước được mình sẽ sinh ra đứa con lành lặn hay tật nguyền! Có những đứa con trước khi sinh ra, nó đã hành người mẹ bệnh lên bệnh xuống. Có một bà mẹ lần đầu mang thai, bác sĩ cho biết cái thai bị khuyết tật, không có não bộ, nên bà cho phép bác sĩ phá thai. Đến lần thứ nhì mang thai, đứa con trong bụng bị bệnh biến chứng làm bà bị nghẹt phổi, hai chân tím đen, bác sĩ bắt buộc phải cưa hết hai chân.  Đứa con này chưa sinh ra mà đã hại người mẹ.

Sau khi sinh ra thì nó bệnh hoạn đủ thứ, làm cha mẹ mất ăn mất ngủ, lo lắng tìm thầy tìm thuốc chữa trị, tiêu hao tiền của. Khi bắt đầu biết đi, biết nói thì nó biểu lộ thái độ chống trái rõ ràng, cha mẹ nói gì nó đều làm ngược lại.  Khi cha mẹ làm gì nó không vừa ý, như đói mà chưa kịp cho ăn thì nó la hét đập bàn, đập ghế, bắt cha mẹ phải chiều không thôi nó không thèm ăn, bắt cha mẹ phải năn nỉ đút cơm tận miệng nó mới chịu ăn.

Lớn lên hư hỏng, không chịu học hành, chỉ thích ăn chơi, đàng điếm đến khi hết tiền lại về moi cha mẹ. Có đứa rơi vào băng đảng, trộm cắp, hút xách, xì ke, ma túy, rồi bị tù tội, làm cha mẹ phải đem hết tiền của chạy chọt cho nó khỏi bị tù đày. Chưa kể có những đứa con hỗn láo, mất dạy, đánh cha, chửi mẹ.

– Sau tháng Tư 1975, hai vợ chồng nọ đem bốn đứa con vượt biển sang Mỹ. Trong nhiều năm, ông bà nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng cho chúng xong và tậu được một căn nhà khang trang. Sau khi chồng qua đời ít lâu, bà vợ được con cái thuyết phục nên bán ngôi nhà đi, chia đều gia tài cho các con rồi về ở với con cháu cho đỡ cô đơn. Bà nghe theo và lần lượt đến ở với từng đứa. Nhưng ở không được bao lâu thì bà lại phải đi qua ở nhà đứa khác, bởi vì không chịu nổi cảnh bạc đãi. Một mẹ nuôi nổi bốn con, nhưng bốn con không nuôi nổi một mẹ. Cuối cùng bà đành phải cắn răng rời khỏi nhà những đứa con ấy. May thay, ở xứ Mỹ, bà già cô đơn này còn có chỗ nương tựa, đó là một món trợ cấp nhỏ và một căn phòng trong “housing” (khu nhà cho người lợi tức thấp) mà chính phủ đã dành cho bà.

– Một cặp vợ chồng nọ vượt biên sang Mỹ cùng với một đứa con gái còn nhỏ. Không bao lâu chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con ăn học, không nghĩ đến chuyện tái giá. Đứa con gái lớn lên phải đi qua tiểu bang khác để học bác sĩ ở một đại học nổi tiếng. Đến hè lúc trường nghỉ học, bà mong con về thăm vì bà rất nhớ nó, nhưng ít khi cô con gái về thăm mẹ. Cũng có đôi lúc cô về nhưng chỉ để xin thêm tiền hoặc lấy đồ đạc cần thiết mà thôi.  Mỗi lần thấy con về thăm, người mẹ rất vui mừng vì có cơ hội làm nhiều đồ ăn ngon cho con và hủ hỉ với nó. Nhưng đứa con gái khi ở nhà chỉ ở mãi trong phòng đóng cửa lại, đến giờ cơm lại xách xe đi ăn với bạn, mặc kệ bà mẹ mong đợi ở nhà với mâm cơm ngon và bụng đói chờ con về ăn chung. Bà ta năn nỉ con gái, mong con có dịp ăn cơm với bà để bà được săn sóc và ở bên cạnh cô giây lát cho thỏa lòng thương nhớ. Nhưng cô con gái vẫn tỉnh bơ, nhất định không ăn cơm với mẹ dù chỉ một lần. Cuối cùng bà mẹ quá uất ức, nghĩ mình hy sinh cả đời son trẻ vì con, nuôi con khôn lớn, cho ăn học đầy đủ mà nó không thèm ở nhà ăn cơm với bà được một bữa, nên bà la mắng nó. Tưởng đâu nó sợ và nghe lời, ai dè nóbảo nếu bà có thái độ đó, nó sẽ bỏ đi và không trở về nhà nữa. Bà mẹ dọa con nếu không về nhà, bà sẽ không gửi tiền hằng tháng cho nó đi học nữa. Nó không sợ mà còn thách thức bà muốn làm gì cứ làm. Bà đành phải chịu thua và bị đứa con gái từ bỏ luôn.

Khi oan gia đến đòi nợ, ta chỉ có việc lo trả cho xong và không có quyền đòi hỏi bất cứ thứ gì nơi oan gia. Nếu ta đòi hỏi thì chỉ làm cho oan gia nổi giận và làm khổ ta thêm. Bà mẹ này không biết đứa con gái là oan gia đến đòi nợ cơm áo, tiền bạc của bà, bởi vậy nó không có một chút động lòng khi bà lo lắng cho nó. Khi bà trả nợ mà xuống nước đàng hoàng, may ra sau này nó hồi tâm nhớ lại công ơn của bà thì nó sẽ ban cho bà ăn một bữa cơm với nó như bà mong ước.

Con ân gia

Có những đứa con từ lúc sinh ra đã dễ dạy, ngoan ngoãn, cha mẹ đặt đâu ngồi đó, không nghịch ngợm phá phách. Lớn lên học hành chăm chỉ, luôn làm hài lòng cha mẹ. Sau khi học thành tài thì giúp đỡ cha mẹ đủ mọi việc. Mỗi khi cha mẹ bệnh hoạn, đau yếu thì lo chăm sóc phụng dưỡng. Đây là những đứa con hiếu thảo đến để trả nợ (báo hiếu), đền ơn cha mẹ.

Một người con đã gánh cha mẹ đi bộ trên con đường dài 216 cây số.

Sanjay Kumar, 42 tuổi, là người con trai duy nhất của ông bà Lala Ram và Savitri Devi. Họ sống với nhau trong một làng nhỏ gần quốc lộ NH-58 tại thành phố Ghaziabad, cho đến khi Sanjay cưới vợ ra ở riêng tại Seelampur, thuộc thành phố Delhi.

Năm nay ông Lala Ram đã 95 tuổi, còn bà Savitri Devi 80 tuổi. Cũng giống như bao nhiêu người Ấn khác, họ tin tưởng rằng trước khi chết mà được tắm trên sông Hằng, một con sông linh thiêng đối với Ấn Độ giáo, thì mọi tội lỗi sẽ được rửa sạch, và sau khi chết sẽ được tái sinh cảnh giới an lành. Nhưng tiếc thay, suốt cuộc đời, hai ông bà chỉ lo làm ăn, không có dịp thực hiện niềm mong ước đó, và nay thì đã quá già không thể đi xa được. Bỗng nhiên một ngày nọ, Sanjay đề nghị gánh cha mẹ đi từ nhà ông bà đến

Haridwar để ông bà được tắm trong sông Hằng, sau đó gánh ông bà về nhà anh ở thủ đô Delhi. Ban đầu cha mẹ anh từ chối, nhưng anh nhất quyết năn nỉ, và cuối cùng cha mẹ anh đã chấp thuận cho anh trả hiếu.

Không kể mưa gió, nắng cháy, sỏi đá, bụi bậm và những vết trầy trên vai và cổ do đòn gánh cà vào, mỗi ngày Sanjay gánh cha mẹ đi bộ từ 25 đến 30 cây số. Trọng lượng của hai ông bà cộng lại khoảng 115 kg.  Mỗi lần ngừng nghỉ là để cha mẹ ăn uống, tắm rửa, sau đó lại lên đường.

Suốt cuộc hành trình dài 216 km dọc theo quốc lộ NH-58, hàng ngàn dân làng đã đổ ra xem và cầu xin cha mẹ của Sanjay chúc phúc cho họ. Bởi vì họ nghĩ ông bà là người có đại phước sinh ra một đứa con hiếu thảo như vậy[2].

– Khi nói về loại con ân gia, hay con hiếu thảo, chúng ta không thể không nhớ đến ngài Mục Kiền Liên. Chính nhờ ngài là duyên khởi nên chúng ta có lễ Vu Lan báo hiếu ngày nay. Bà Thanh Đề là mẹ của ngài.  Lúc sinh tiền, bà không những không tin Tam Bảo mà còn hủy báng. Do đó sau khi chết, bà bị đọa địa ngục. Sau khi đắc quả A La Hán, tôn giả Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn thông xem mẹ mình tái sinh nơi đâu thì thấy bà đang ở địa ngục, đói khát khổ sở. Thấy vậy, ngài bèn dùng thần thông đem một bát cơm xuống địa ngục cho mẹ. Nhận được cơm, bà mừng rỡ, một tay che bát không muốn các ngạ quỷ khác trông thấy tới giành giật, và một tay kia bốc ăn. Nhưng lạ thay, khi cơm đưa tới gần miệng thì hóa thành than lửa, không thể ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên tuy thần thông đệ nhất nhưng cũng phải chịu thua, bởi vì chính nghiệp ác của bà đã biến cơm thành lửa. Tôn giả đành phải trở về cầu cứu với Đức Phật. Nhân đây, Đức Phật mới dạy rằng: “Nghiệp ác của mẹ ông quá nặng, sức ông một mình không thể cứu được. Vào ngày rằm tháng bảy, sau ba tháng an cư, chư tăng làm lễ tự tứ, ông hãy thiết lễ cúng dường mười phương tăng, cầu xin chư tăng chú nguyện hồi hướng công đức cho mẹ ông. Nhờ công đức tu hành thanh tịnh của chư tăng, mẹ ông sẽ siêu thoát”.Tôn giả Mục Kiền Liên vâng theo lời dạy, và nhờ đó bà Thanh Đề được thoát cảnh địa ngục. Từ đó, hàng năm đến ngày rằm tháng bảy, chúng ta có lễ Vu Lan (Ullambana) báo hiếu để cầu cho cha mẹ bảy đời được siêu độ.

Con khách gia

Ngoài hai loại con trên, có những thần thức (linh hồn) đến ngày giờ cần tái sinh ở một nơi chốn nào đó nhưng không có nợ oan gia với ai, họ chỉ nương vào cha mẹ mà sinh ra, giống như một người khách trọ nên gọi là “khách gia”. Những đứa con này không phải là oan gia nên không làm phiền cha mẹ, nhưng cũng không phải là ân gia nên không cần báo hiếu cha mẹ. Chúng chỉ lo ăn học thành tài rồi sớm tự lập. Khi có gia đình thì ra đi luôn không quan hệ liên lạc với cha mẹ nữa. Nếu cha mẹ nhớ thương, gọi điện thoại hỏi thăm thì nó trả lời, còn không thì thôi.

Thương tiếc con

Có hai ông bà nọ làm nghề buôn bán, vì có tánh gian lận nên hay cân thiếu cho khách hàng, nhờ vậy mà sớm trở nên giàu có. Hai ông bà sinh được hai thằng con trai. Đứa lớn rất ngoan, học hành chăm chỉ và giúp ông bà việc nhà. Còn đứa thứ nhì không học hành gì hết, chỉ thích ăn chơi phung phí. Hai ông bà ngày đêm làm ăn kiếm tiền nuôi con nhưng đùng một cái, thằng lớn đi học lái xe Honda bị tai nạn chết. Ba tháng sau, thằng con thứ nhì ăn chơi bị xã hội đen đâm chết. Ông bà cố gắng làm giàu để gia tài cho con mà nay cả hai thằng đều chết, không có ai hưởng gia tài nên đau khổ vô cùng. Người ta bày cho ông bà đi cầu cơ, gọi hồn. Trong xã hội Việt Nam, không thiếu gì những nơi làm dịch vụ này. Ông bà ngày đêm thắp nhang khấn vái, kêu réo hai đứa con: “Con ơi con!  Ba má nhớ con quá! Các con có linh thiêng thì về nói cho ba má biết hai con bây giờ ở đâu? Có được sung sướng không hay là đói khát lầm than chốn nào?” Hai ông bà kêu réo hoài đến một ngày

nọ, trong dịp đi gọi hồn, hai đứa mới nhập vào đồng cốt trả lời. Thằng con lớn nói: “Ông bà ơi! Ông bà đừng buồn nữa. Tôi đến với ông bà là vì kiếp trước tôi có nợ ông bà. Bởi vậy cho nên tôi ngoan ngoãn, hiếu thảo, giúp ông bà buôn bán kiếm tiền. Bây giờ tôi đã trả nợ xong, không còn thiếu ông bà nữa nên tôi ra đi đầu thai kiếp khác. Ông bà đừng buồn nữa”. Đến phiên thằng con thứ hai nhập vào trả lời: “Ông bà ơi! Ông bà đừng buồn nữa. Ông bà có biết là tôi tới để đòi nợ ông bà không?  Bởi vậy tôi đâu thèm học hành chi cho mệt, tôi chỉ muốn tiêu hao tài sản của ông bà mà thôi.  Ông bà buôn bán gian lận, làm nhiều điều ác, chỉ biết lợi mình hại người. Kiếp trước ông bà lường gạt tôi mất hết tiền của nên kiếp này tôi tới để đòi nợ chứ đâu phải để học hành.  Sau khi đòi nợ xong thì tôi phải ra đi. Nếu tôi ở lại, đòi tiếp thì tôi sẽ mắc nợ ông bà, và kiếp tới tôi phải sinh ra tìm ông bà để trả nợ. Tôi và ông bà gặp nhau cốt để thanh toán nợ nần đời trước mà thôi, ông bà đừng nên luyến tiếc và than khóc nữa”.

Có những trường hợp con cái tới đòi nợ mà cha mẹ trả chưa xong thì nó sẽ đòi tới cháu. Nó sẽ bắt cha mẹ làm vú em trông con cho nó như: “Ông bà làm ơn tới đây trông cháu dùm để tôi đi làm kiếm tiền.  Khi ông bà trông cháu, ông bà làm ơn lo cơm nước cho vợ chồng tôi ăn luôn”. Cha mẹ già rồi mà vẫn phải đi chợ làm cơm cho con, cho cháu. Trong khi đó có những đứa con khác thấy tội nghiệp mời cha mẹ về để tụi nó cung phụng, đưa đi chơi hay đi chùa thì từ chối: “Má không thích những thứ đó… Má không đi được… Má phải ở đây để trông con cho tụi nó”.  Khi trả nợ chưa xong thì trong thâm tâm, nó khiến mình không đành lòng bỏ đi.

Cha mẹ thương con vô hạn, nhưng con thương cha mẹ thì có hạn. Khi con bệnh thì cha mẹ lo thức sáng đêm, nhưng cha mẹ bệnh thì con ghé đến hỏi vài câu là đủ. Con xài tiền của cha mẹ thoải mái, nhưng cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà của cha mẹ là nhà của con, nhưng nhà của con không phải là nhà của cha mẹ.  Một mẹ nuôi nổi mười con, nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ. Cha mẹ đối với con lúc nào cũng hết lòng hết dạ, nhưng sao con đối với cha mẹ thật là thờ ơ?

Xin trả lời là nước chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược. Cha mẹ thiếu nợ con cái nên phải lo cho nó. Đến khi nó lớn khôn thì nó phải lo “trả nợ” cho vợ chồng con cái của nó. Bởi vậy người cha mẹ thông minh hiểu biết thì không nên mong chờ khi về già, con cái sẽ lo cho mình. Ở Âu Mỹ, các ông bà già thường được con cái đưa vào viện dưỡng lão. Những đứa con có tình, có nghĩa thì lâu lâu ghé vào thăm một chút, còn những đứa oan gia thì biệt tích luôn. Nếu không hiểu oan gia thì các ông bà già này sẽ đau khổ vô cùng, hàng ngày ngồi chờ dài cổ mong con vào thăm mà chẳng có đứa nào đến!

Mẹ chồng nàng dâu

Ngoài oan gia trực tiếp là con ruột, còn có oan gia gián tiếp là con rể và con dâu. Tuy là gián tiếp nhưng nếu không khéo sẽ trở thành trực tiếp. Con cái lớn lên lấy vợ lấy chồng là chuyện của nó.  Chúng nó có duyên nợ cần trả với nhau. Vì không biết nên cha mẹ thường xía vô và gây ra oan gia với vợ hoặc chồng của nó.

Những người Việt lớn tuổi sống ở Mỹ, nếu muốn lãnh tiền trợ cấp của chính phủ thì bắt buộc phải không có tài sản hay tiền bạc trong ngân hàng. Do đó họ đem hết tiền bạc của mình mua nhà cho con đứng tên. Nếu còn dư bao nhiêu thì đem chia hết cho con cái, như thế mới đi xin tiền của chính phủ được. Có hai ông bà khá lớn tuổi được con trai bảo lãnh từ Việt Nam qua Mỹ định cư. Ở Việt Nam họ làm ăn khá giả nên mang theo nhiều tiền bạc. Ông bà mua một căn nhà ở Los Angeles cho con trai đứng tên và sống chung với vợ chồng nó. Sống chung một thời gian thì cô con dâu cảm thấy không ưa bà mẹ chồng nên cô tìm cách đuổi cha mẹ chồng ra khỏi căn nhà. Cô thường than với chồng là mẹ anh hay ăn hiếp mắng chửi cô, nhưng chồng cô không tin. Thấy vậy, cô nghĩ ra mưu kế, mướn thợ đến gắn hệ thống camera trong nhà, kể cả trong bếp. Rồi cô cố ý chọc tức cho bà mẹ chồng cãi lộn, mắng chửi cô. Bà mẹ chồng vô tình trúng kế nên gây gổ mắng chửi cô nhiều lần và bị thu hình. Sau đó cô đem những hình ảnh này cho chồng xem và đưa ra tòa kiện hai ông bà hành hung cô. Cô ta được thắng kiện và đuổi bố mẹ chồng ra khỏi nhà.  Hai ông bà vừa buồn, vừa tủi, mất tiền, mất nhà và mất luôn thằng con trai.

Là cha mẹ nên xem cái gương này mà cẩn thận một chút. Trước khi mua nhà cho con phải kiểm lại từ nhỏ đến giờ nó đối xử với mình ra sao, để có thể xác định nó là Oan gia hay là Ân gia.  Đừng để sau khi bỏ hết tiền bạc ra mua nhà cho nó, đưa tiền cho nó cất dùm, rồi cuối cùng nó mời ông bà ra khỏi nhà thì lúc đó chỉ còn nước ngồi khóc mà thôi!

Có người nói mua nhà cho con thì bắt nó phải ký giấy là không được đuổi cha mẹ. Đương nhiên nó sẽ ký giấy không đuổi cha mẹ, nhưng vợ hay chồng của nó sẽ làm cho hai ông bà già phải tự xách gói ra khỏi nhà. Chẳng hạn như vợ chồng nó ăn nói vô lễ, hỗn xược, tối đến thì mở nhạc, ca hát, mời bạn bè tiệc tùng um sùm không cho ai nghỉ ngơi. Lúc đó cha mẹ già sẽ tự động dọn ra khỏi nhà chứ nó đâu có đuổi!

Bố vợ và chàng rể

Có nhiều bậc cha mẹ muốn con mình lấy người này, cưới người kia, nhưng nó không nghe lời. Tại sao vậy? Tại vì người nó muốn lấy, muốn cưới là oan gia của nó. Chúng nó có nợ nần với nhau, nhưng mình không biết, lại ép buộc nó phải chiều ý mình nên gây thêm oan trái.

Một anh chàng nọ có tánh nghiện rượu và không có công ăn việc làm, vậy mà vẫn có một cô yêu và muốn lấy anh. Oan gia thu hút nhau kỳ lạ như vậy đó!

Cha cô không bằng lòng vì cha mẹ nào cũng muốn con gái mình lấy bác sĩ, kỹ sư, chứ sao lại đi lấy một tên nghiện rượu, không có nghề nghiệp. Vì không muốn con gái lấy anh này nên ông ta kiếm cớ bắt anh phải ở rể ba năm. Anh này quá nghèo, vô công rồi nghề nên chấp nhận ở rể. Vì ở chung cho nên ông bố rất chướng mắt, cứ hục hặc, kiếm chuyện mắng chửi anh hoài. Vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi con nên ông rất bực thấy con gái lấy nhằm thằng chồng chẳng ra gì. Thằng rể cũng bực mình không kém vì biết ông bố vợ không ưa nó, nhưng phải ráng nhịn vì muốn lấy được vợ và sợ ông đuổi ra khỏi nhà. Nhưng một hôm sau khi đi uống rượu say về, nó nghe ông bố vợ đang mắng chửi con gái và chửi luôn cả nó, khi đó nó tức quá không nhịn được nữa, vớ lấy con dao phay rượt chém ông bố vợ. Ổng hoảng hồn bỏ chạy. Đứa con gái cũng sợ chạy ra ngoài kêu cứu hàng xóm. Tội nghiệp ông bố vợ lớn tuổi, chạy không thoát bị thằng rể bắt kịp, chém một nhát vào lưng khiến ông ngã lăn xuống đất. Trong cơn say, cộng với sự uất hận lâu ngày nên nó điên tiết chém ông lia lịa. Lúc đó hàng xóm nghe tiếng kêu cứu của cô gái, cùng nhau chạy đến nhưng ông đã chết nát thây trong vũng máu. Anh này cuối cùng đã bị bắt và lãnh án tử hình.

Cô con gái là nhân duyên để hai người đàn ông gặp nhau, sống chung với nhau, rồi giết nhau. Nếu cô ra ở riêng cùng tên nghiện rượu thì câu chuyện có thể khác hơn rồi. Nhưng nhân quả chằng chịt với nhau, xui khiến mọi việc xảy ra như vậy để cuối cùng anh chàng này giết ông bố vợ.

3/ Cha mẹ

Theo lý bình thường ở đời, cha mẹ là người luôn thương yêu, lo lắng cho con, nên mới có câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hoặc bài hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Tuy nhiên cũng có một số ít cha mẹ “oan gia” hành hạ, não hại, làm khổ con và có khi giết hại con như chuyện sau đây:

– Ngày 20 tháng 6 năm 2001, một phụ nữ 36 tuổi, tên là Andrea Yates ở tiểu bang Texas, đã trấn nước năm đứa con của mình. Sáng hôm đó, sau khi chồng rời khỏi nhà đi làm, cô vào phòng tắm, mở nước đầy bồn rồi gọi từng đứa vào đi tắm.  Đầu tiên cô nhấn nước ba thằng con trai nhỏ, đứa 2 tuổi, 3 tuổi, và 5 tuổi. Tiếp theo cô nhấn nước đứa bé gái 6 tháng.

Sau cùng cô gọi thằng con lớn 7 tuổi đang chơi ngoài vườn. Khi vào tới nơi, thấy bốn đứa em đã bị mẹ giết chết, nó sợ hãi bỏ chạy nhưng cô nhanh tay chụp bắt kéo lê nó vào bồn. Đứa 7 tuổi này cố dẫy dụa thoát thân khiến cô phải vật lộn vất vả lắm mới đè được nó chết ngộp. Sau khi giết xong năm đứa con, cô kéo xác tụi nó để trên giường rồi gọi điện thoại cho chồng và cảnh sát biết là cô vừa giết chết tụi nó. Đáng lẽ cô bị án tử hình, nhưng nhờ luật sư biện hộ nói cô bị bệnh tâm thần nên cô ở tù chung thân.

– Ngày 7 tháng 1 năm 2008, có một người Mỹ gốc Việt, 38 tuổi, đã ném bốn đứa con nhỏ từ bốn tháng đến ba tuổi trên một chiếc cầu tại tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ.Theo tin tức thì hai vợ chồng anh thường cãi nhau suốt ngày, hầu như không ngày nào mà hàng xóm không nghe vợ chồng anh to tiếng mắng chửi nhau. Ngoài việc xung đột, bất đồng ý kiến với vợ, anh còn uống rượu và dùng thuốc kích thích nên không kềm chế nổi cơn sân. Vào ngày nói trên, sau khi cãi nhau với vợ, anh xách bốn đứa con lên xe và đem ra cầu liệng xuống biển, sau đó cảnh sát đã tìm được xác của bốn đứa trẻ này. Khi ra tòa anh đã thú tội và nhận án tử hình.

Có những cha mẹ đem bán con gái cho các ổ mại dâm để kiếm tiền, hoặc cha mẹ đam mê cờ bạc, bị xã hội đen cho vay tiền rồi hăm dọa, bắt con cái phải trả. Có những bà mẹ hay làm bộ đau yếu bệnh hoạn để ngăn cản con gái đi lấy chồng, hoặc khi con cái lập gia đình thì đến ở chung rồi tìm cách ly gián hạnh phúc của con, v.v….

4/ Anh em

Trong gia đình, đôi khi chúng ta hay có chuyện hục hặc riêng với một người anh, người chị hay người em nào đó, còn đối với những anh chị em khác thì lại vui vẻ, hòa thuận. Hoặc có khi cha mẹ mất sớm, anh chị lớn phải trông nom em nhỏ.  Nếu hên thì gặp anh chị thương yêu em út. Xui thì bị anh chị ghét bỏ, đánh đập, đầy ải. Đây cũng là một loại oan gia nhưng không nặng lắm vì khi lớn lên lập gia đình, ra ở riêng, tránh né, ít gặp gỡ thì oan gia cũng bớt đi.

Gia đình nào giàu có, cha mẹ có gia tài để lại thì anh em tranh giành, ám hại lẫn nhau. Giống như thời vua chúa xa xưa, anh em giết lẫn nhau để giành ngôi vua.

5/ Xã hội

Ngoài những oan gia nặng nhất, tụ họp trong gia đình còn có loại oan gia nhẹ hơn ở ngoài xã hội, nơi công sở, hội đoàn, chùa chiền. Gọi là nhẹ hơn bởi vì nếu không chịu đựng nổi thì có thể bỏ đi chỗ khác.

Nơi sở làm ông chủ kiếm chuyện, lợi dụng, xài xể, bóc lột, hoặc đồng nghiệp ganh tị, dèm pha, nói xấu. Đối với chủ hay cấp trên nếu có thù oán từ kiếp nào thì họ sẽ đì mình. Có người làm việc giỏi nhưng lúc nào cũng bị đối xử tệ bạc. Khi hết nợ oan gia thì tự nhiên chủ hay đồng nghiệp sẽ đổi thái độ với mình, từ hiếp đáp, đố kỵ trở nên thân thiện giúp đỡ, tăng lương…

[1] Trích từ sách Tâm và Ta

[2] Nguồn www.hindustantimes.com