NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

4. HÃY CÙNG NHAU THÔNG CẢM VÀ TÌM RA MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG THỰC TIỄN CHO TUỔI TRẺ NƠI ĐẤT KHÁCH QUÊ NGƯỜI

Chúng ta đã nghe nói nhiều về sự thành công vẻ vang cũng như những hư hỏng tệ hại của giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại. Nếu nói rằng các em hư hỏng tệ hại là vì các em chưa biết được những truyền thống cao đẹp của các thế hệ cha anh, thì cũng đúng. Tuy nhiên, ngay cả những em đã và đang thành công rực rỡ, có chắc gì các em đã biết được những truyền thống cao đẹp của tổ tông? Nói như vậy không để trách cứ một ai, nhưng là nói lên tiếng nói của một người thao thức cho tương lai của tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại. Nói như vậy để chúng ta cùng nhau thông cảm và tìm ra một đường hướng thực tiễn cho tuổi trẻ nơi đất khách quê người nầy. Cây có cội, người có tổ tông nguồn gốc. Bỏ gốc theo ngọn là tự mình diệt chủng, hoặc giả tự mình chấp nhận một sự đồng hóa từ bên ngoài. Thế hệ trẻ các em, cho dù có xuất chúng thế mấy mà lơ là với nguồn cội, thì chẳng những thế hệ ấy không làm gì giúp ích cho cộng đồng nói riêng và cho dân tộc nói chung; mà còn lôi kéo theo những thế hệ kế tiếp đi vào con đường vong bản nữa.

Kính thưa quý vị,
Chúng ta khoan hẳn đổ thừa cho các em bỏ gốc theo ngọn, mà trước tiên chúng ta hãy xem coi mình đã dạy dỗ các em thế nào ? Dạy dỗ ở đây mang một nghĩa bao quát hơn là chỉ đơn thuần chỉ dạy và hướng dẫn, mà dạy dỗ ở đây mang cả lối sống hằng ngày của chính chúng ta. Vì các em sẽ nhìn cách sống của chúng ta mà sống theo, cách nói của chúng ta mà nói theo, cách cư xử của chúng ta mà cư xử theo… Còn nhiều thứ các em sẽ làm theo chúng ta lắm quý vị ạ ! Vẫn biết rằng các bậc cha mẹ luôn hy sinh từ vật chất đến tinh thần để lo cho con cái. Vẫn biết rằng các bậc cha mẹ chấp nhận làm bất cứ nghề gì có thể làm được để lo cho con cái. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ quý vị ạ ! Chúng ta phải can đảm bước ra khỏi cái vỏ đã bọc kín lấy chúng ta từ bấy lâu nay. Hãy đến gần và tỏ ra thật sự cởi mở với các em, để biết và thấy được những thao thức của tuổi trẻ, để chẳng những vừa giúp các em tiến bộ nơi xứ người, mà cũng vừa tạo cho mấy em cơ hội hiểu biết thêm về nguồn cội và những truyền thống cao đẹp của mình.

Muốn làm được điều nầy, muốn cho các em tìm trở về nguồn cội của mình trong khi vẫn hòa nhập vào nền văn minh Âu Mỹ, thì trước nhất, các bậc làm cha mẹ phải tỏ ra tôn trọng ý kiến của các em. Khi có sự dị biệt về ý kiến thì cha mẹ phải tìm cách ngồi lại giải thích một cách hợp tình và hợp lý, sao cho các em nghe được. Các em sanh ra và lớn lên ở đây thì đối với các em, sự tương kính là cần thiết. Bây giờ bảo các em phải răm rắp nghe theo mình như kiểu Việt Nam thì khó lắm. Các em sẽ chẳng bao giờ chịu nghe theo những lý thuyết suông đâu. Muốn cho các em tìm về cội nguồn, dân tộc và tổ tông, thì chính các bậc cha mẹ phải tự mình sống theo truyền thống cao đẹp của cha anh trước đã. Đây là xứ của văn minh thực tiễn, vì thế các em sẽ không bao giờ kính trọng nguồn gốc của mình nếu chỉ nghe bằng lý thuyết. Nếu nói rằng văn hóa ở ngay trong huyết quản mỗi người Việt Nam chúng ta thì hãy coi chừng. Vì đã có lắm trẻ Việt Nam trăm phần trăm, mà lại chối bỏ nguồn gốc Việt Nam của mình để khoác vào một thứ nào đó như Tàu, Nhật hoặc Đại Hàn.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Quý vị có cảm thấy đau lòng cho hiện tượng vừa kể trên không ? Đó không chỉ là một hiện tượng vọng ngoại, mà còn là một thứ bệnh hoạn giết chết tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại nầy nữa. Một khi các em dám chối bỏ nguồn cội của mình thì các em đâu có gì để lo lắng cho sự hưng vong của cộng đồng chúng ta nữa. Hơn thế nữa, nếu các em đã sa ngã vào băng đảng, các em có thể về phá hoại sự an cư lạc nghiệp của những người đồng chủng mà không một chút gớm tay. Xin các bậc cha mẹ, hãy vì tương lai của thế hệ trẻ, mà cố gắng dưỡng nuôi thế hệ nầy bằng tình tự của văn hóa Việt Nam song song với những ưu tú của khoa học kỹ thuật. Hãy luôn tâm tình với các em, để cho các em thấy rằng các em là những hậu duệ của một dân tộc đã từng có một lịch sử oai hùng, và một nền văn hóa cổ truyền và cao đẹp. Thiết thực nhất là đừng để cho các em quên hẳn tiếng Việt. Như quý vị thấy đó, cộng đồng người Hoa ở Mỹ đã có mặt trên một trăm năm nay, nhưng họ vẫn còn nói được tiếng mẹ đẻ. Đừng nói đâu xa, những người Hoa ở Việt Nam đã từ bao đời bao kiếp rồi, thế nhưng họ vẫn giao dịch hằng ngày bằng tiếng mẹ đẻ. Đó cũng chính là lý do mà tại sao dân tộc họ ngày càng tăng trưởng.

Ở đây chúng ta không đòi hỏi gì nhiều ở các bậc làm cha mẹ, chỉ mong sao chúng ta cùng có chung một niềm thao thức, để chúng ta cùng nhau hòa điệu trong tiến trình dẫn dắt con em chúng ta tiến bước vững mạnh nơi xứ người, tiến mà vẫn còn biết mình là ai, mình từ đâu tới, và những người đồng chủng với mình là những ai… Hãy cố mà dẫn dắt cho các em thăng tiến vững vàng trong xã hội mới, nhưng cũng đừng quên tập cho các em sống theo những nghi cách của một con người thật Việt Nam từ tiếng nói đến cái ăn, cái mặc, cách cư xử, giá trị gia đình, phong tục tập quán, luân lý, tư tưởng đạo giáo, vân vân. Làm được như vậy là chẳng những chúng ta đã tìm ra được một mô thức để thông hiểu, mà chúng ta còn tìm ra một định hướng thích hợp cho tương lai tuổi trẻ nơi trẻ nơi đất khách quê người nầy.