Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VIII. PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA ĐỆ TỨ
(TT)

5.  THIỀN ĐỊNH:

“Định” là tam-muội, là thọ dụng chân thật. “Định” là định ở “nhất”. Cái “nhất” này không phải là “chuyên nhất”, không phải “duy nhất”, cũng không phải “độc nhất” mà là “tùy nhất” thì Phật pháp mới viên dung. Tôi học Kinh Vô Lượng Thọ, tâm tôi định ngay trên Kinh Vô Lượng Thọ. Tôi học Kinh Kim Cang, tâm tôi định ngay trên Kinh Kim Cang. Pháp môn tu học mỗi người một khác thì điểm “Định” của mỗi người cũng không giống nhau, như vậy mới hiển thị được pháp môn bình đẳng không có cao thấp; dù học bất cứ pháp môn nào cũng đều có thể được Định.

Thiền định trong pháp môn Niệm Phật là “nhất tâm bất loạn”, là tâm thanh tịnh. Đề Kinh Vô Lượng Thọ đã nói “Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác”. “Thanh tịnh, Bình đẳng” chính là Thiền định, cũng là công phu.

– Thế nào là tâm thanh tịnh?

–  Không tiêm nhiễm đối với thế và xuất thế gian là thanh tịnh. Không tiêm nhiễm không có nghĩa là hoàn toàn cách ly mà vẫn có thể tiếp xúc nhưng không bị ô nhiễm, đây là có sức Định.

Thiền định là tam-muội, là Chánh Thọ, là hưởng thọ bình thường. Phàm phu sáu cõi hưởng thọ không bình thường vì có “Khổ, lạc, ưu, hỉ, xả”. Thân có “khổ, lạc thọ”, tâm có “ưu, hỉ thọ”. Khi thân không có khổ vui, tâm không có lo, mừng; lúc này gọi là “xả thọ”. Trong Chánh Thọ hoàn toàn không có sự hiện diện của năm thứ thọ này. Hưởng thọ của phàm phu là “khổ, vui, lo, mừng, xả”. Hưởng thọ của Phật, Bồ Tát là Chánh thọ; không luận ở bất cứ hoàn cảnh, thân phận, nghề nghiệp nào, tâm họ lúc nào cũng thanh tịnh, an vui tự tại, không nhiễm chút trần.

Thiền định cũng có nghĩa là trong tâm có chủ tể, không bị cảnh giới bên ngoài làm dao động. Đại sư Thiện Đạo nêu ra thí dụ: “Cho dù Phật có thị hiện đến khuyên ta bỏ pháp môn này, cũng không dao động, huống hồ là Thiện tri thức nào đó!” Chúng ta phải suy xét cẩn trọng, nếu không thì tâm chúng ta chỉ là đạo tâm sương sớm, như lục bình trôi sông theo gió mà lưu chuyển, không có gốc làm sao có thành tựu! Bạn cũng từng nghe qua, lão Hòa Thượng Đế Nhàn có một đồ đệ là người thợ vá nồi, ông này không biết chữ, chỉ một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” niệm đến cùng. Hòa Thượng dạy ông một lòng chuyên niệm, niệm mệt thì nghỉ, nghỉ khoẻ rồi niệm tiếp. Cứ thế mà ông đã niệm đến ba, bốn năm thì đứng mà vãng sinh.

– Nhờ đâu mà ông được công phu này?

– Vì tâm ông Định trên câu A Di Đà Phật. Ngoài A Di Đà Phật ra, ông không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, ông đã thành công.

Kinh Vô Lượng Thọ dạy: “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, vậy người thợ vá nồi này có phát tâm Bồ Đề hay không? Thực tế mà nói: Cái gì gọi là tâm Bồ Đề ông cũng không hiểu! Chắc chắn là có phát tâm nhưng ông không hề biết! Vì sao? Ngẫu Ích Đại Sư nói rất hay trong “Kinh Di Đà Yếu Giải”: “Một lòng một dạ chuyên cầu vãng sinh thế giới Cực Lạc, một lòng một dạ chỉ muốn thấy A Di Đà Phật, tâm này chính là tâm Vô Thượng Bồ Đề”. Ngài nói không sai! Một lòng hướng Phật, đây không phải là tâm “Vô Thượng Bồ Đề” thì là tâm gì? Cho nên, chúng ta xem thấy rất nhiều lão ông, lão thái bà không biết chữ, không biết thứ gì, chỉ niệm Phật hai ,ba năm thì đứng mà vãng sinh, ngồi mà vãng sinh, biết trước giờ chết, lại không bệnh khổ, lúc ra đi tướng lạ rất đẹp, đây chính là nhờ chuyên tinh niệm Phật mà được Định, họ đã thành công.

Hiện tại, chúng ta đang tích cực trù bị xây Niệm Phật Đường và thôn Di Đà, tương lai có thể vào thôn Di Đà để niệm Phật, đó là đại phước báo đệ nhất đẳng ngay trong thế kỷ này. Đến đó Niệm Phật sẽ có rất nhiều hộ pháp hộ trì, không để người khác quấy nhiễu bạn. Cho dù người thân quyến thuộc có đến thăm, lúc bạn đang niệm Phật, họ tuyệt đối cũng không được phép bước vào.

Tương lai thôn Di Đà không ráp đặt điện thoại để tránh người nhà vẫn thường hay gọi đến! Không có điện thoại là hoàn toàn cách tuyệt với tin tức bên ngoài. Bên trong có truyền hình nhưng không xem được tin tức, chỉ có thể xem Niệm Phật Đường, mọi người đang niệm Phật, Pháp sư đang giảng kinh; truyền hình là để bạn xem những thứ này. Thôn Di Đà cũng không có báo chí, tạp chí, ngày ngày thiên hạ thái bình, thân tâm an định, dễ dụng công, chân thật thành tựu.

Hôm nay các bạn tặng tôi bao đỏ, tôi nói các bạn nghe: cúng dường tôi không có phước báo, tôi lập tức chuyển đến thôn Di Đà, phước báo của bạn sẽ lớn hơn, là phước báo chân thật, một chút cũng không giả. Tương lai, thôn Di Đà này sẽ có rất nhiều người đến ở đó niệm Phật vãng sinh bất thoái thành Phật, đây là chúng ta có thể xem thấy, có thể dự kiến được.

– Chúng ta dùng tâm như thế nào để hộ trì mọi người?

– Tôi đã nói qua rất nhiều lần, nhất định phải dùng tâm chân thành mà hộ trì. Mỗi người bước vào Niệm Phật Đường đều là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai của chúng ta. Chúng ta dùng tâm hiếu thuận, tâm cung kính để phục vụ mọi người. Bạn đến nơi đây sẽ cảm thấy một không khí thật khác thường, từ trường không như ở nơi khác. Đạo tràng này có chư Phật, Bồ Tát cùng đến niệm Phật với mọi người, long thiên thiện thần ủng hộ. Một số đồng tu thấy được những tướng lạ đến nói với tôi: Thần hộ pháp nhiều, thấy họ đang xếp hàng. Tình hình này tôi đều biết được, đều nhận ra, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn!

Tóm lại, tâm nhất định phải có chủ tể, tuyệt đối không bị bất cứ cảnh giới nào làm dao động. Chúng ta y cứ Kinh Vô Lượng Thọ, chọn lấy Trì Danh Niệm Phật, một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Phương pháp này không phải chính tôi biên tạo mà do thầy Lý   chỉ dạy. Thầy Lý được Đại sư Ấn Quang truyền lại. Cho nên, truyền thừa của chúng ta là từ Đại sư Ấn Quang mà có. Núi Linh Nham Tô Châu là tổ đình của chúng ta. Pháp mạch của chúng ta là một mạch truyền thừa. Y theo phương pháp này tu học, người được thành tựu thật quá nhiều. Chúng ta chính mình được mắt thấy, tai nghe, nhất định không thể khinh suất bị người khác dao động. Bồ Tát tu Lục Độ, sáu cương mục này, từ Bố Thí đến Thiền định đều thuộc về sự tướng, tức là thực tiễn ngay trong công việc, trong cuộc sống thường ngày; cái sau cùng là Trí tuệ, Trí tuệ Bát Nhã.

6.  TRÍ TUỆ (BÁT NHÃ)

Không phải là “sự”, trí tuệ không có dấu tích có thể truy tìm, nhưng trí tuệ là tinh túy của sự tu học.

–  Trí tuệ Bát Nhã từ chỗ nào mà hiển thị?

–  Từ năm sự tướng phía trước (Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định) mà hiển thị.

–  Hiển thị như thế nào?

–  Nếu tu học không chấp trước, không phân biệt, đây chính là bạn có trí tuệ, có Bát Nhã. Năm điều phía trước nếu không có trí tuệ, không thể gọi là “Độ”; do đó không gọi là Bố Thí Ba-La-Mật mà chỉ là Bố Thí thông thường, đó chỉ là tu phước. Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định cũng đều như vậy.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên chưa từng ngơi nghỉ, tối nay phải đi dự hội, bận rộn suốt ngày, nửa đêm vẫn chưa thể ngủ nghỉ. Hằng thuận chúng sinh, tùy hỉ công đức. Thể lực ông tốt đến vậy, làm việc không vì chính mình mà vì chúng sinh. Vì chúng sinh làm cũng không dính vào tướng chúng sinh, cũng không chấp vào tướng đã tạo, đây gọi là Trí tuệ, là Bát Nhã Ba-La-Mật.

Bồ Tát tu Lục Độ, trong Bố Thí Độ không có chấp tướng, Kinh Bát Nhã gọi là “Tam luân không tịch” (tam luân thể không): Không chấp ta là người Bố Thí, không chấp người được ta Bố Thí, cũng không chấp vật ta đã đem Bố Thí, đây gọi là Bố Thí Ba-La- Mật.

Cũng thế, Trì Giới, không chấp có “năng trì”, “sở trì” gọi là Trì Giới Ba-La-Mật v.v.. cứ thế mãi cho đến Thiền Định. Do đây có thể biết, từng li từng tí trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể xả bỏ đi “năng, sở”, Bát Nhã Ba-La-Mật lập tức hiện tiền. Nếu còn rơi vào “năng, sở”, nhất định phải biết mình chưa có trí tuệ. Không có trí tuệ, tất cả tu học của bạn chỉ là phước báo. Phước báo không thể giải quyết vấn đề sinh tử, chỉ có Trí Tuệ Bát Nhã mới có thể giúp bạn thoát ly sinh tử, thoát ly mười pháp giới đến bờ cứu cánh giải thoát.

Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: Nguyện hành Lục Độ chính là “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” và “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Hơn nữa, Bố Thí trị được keo tham, Trì Giới trị phá giới, Nhẫn Nhục trị nóng giận, Tinh Tấn trị biếng trễ, Thiền Định trị tán loạn, Trí Tuệ trị ngu si. Thường hành “Lục Độ” chính là “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Tự giác, giác tha là dùng sự giác ngộ của chính mình để giác ngộ khắp các chúng sinh; dùng hạnh của chính mình để dẫn dắt chúng sinh, đem đức của chính mình hồi hướng cho chúng sinh. Đây chính là “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Do vậy, trong kệ tụng có câu:

“Vị độ hữu tình linh đắc độ
Dĩ độ chi giả, sử thành Phật”.

(Hữu tình chưa độ khiến được độ. Kẻ đã được độ, khiến thành Phật)

Cứu vớt, gánh vác cho họ đều đạt tới “bỉ ngạn”. Bốn câu kệ trên đây đã chứa trọn ý nghĩa Tứ Hoằng Thệ Nguyện.

– Đến lúc nào chúng ta mới có thể vận dụng vô lượng pháp môn để độ chúng sinh?

–  Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Thành Phật mới được! không thành Phật không thể làm được!

Bởi lẽ, bạn phải ứng phó với nhiều loại căn tánh khác nhau, nên phải nói ra vô lượng pháp môn, không thể chỉ nói một loại pháp. Việc này chỉ có Phật mới làm được. Cho nên, chư Phật Như Lai là ứng cơ, tùy thuận chúng sinh mà hiện thân nói pháp, không phải thuận theo ý mình.

– Sau khi Phật diệt độ đến nay chưa có vị Phật nào xuất hiện, do nguyên nhân gì?

– Không có cơ hội này! Bởi đại đa số chúng sinh chỉ là một loại căn cơ chín muồi, nên chỉ thị hiện thân Bồ Tát, thị hiện một môn thâm nhập.

Thế Tôn trong Kinh Đại Tập nói: “Thời kỳ Chánh Pháp Giới Luật thành tựu. Thời kỳ Tượng pháp, Thiền Định thành tựu. Thời kỳ Mạt pháp, Tịnh Độ thành tựu”. Cái “thành tựu” này là nói “căn tánh chín muồi”. Ý nói: Thời kỳ Chánh pháp loại người Trì Giới chứng quả căn cơ chín muồi; thời kỳ Tượng pháp, loại người Thiền Định căn tánh chín muồi; thời kỳ Mạt pháp loại người căn tánh Tịnh Độ chín muồi. Chúng ta đọc kinh, nghe pháp phải hiểu được ý Phật, việc này giúp chúng ta chọn lấy pháp môn tu tập, đồng thời cũng giúp tất cả chúng sinh hữu tình chưa độ.

– Ngày nay đối với quần chúng rộng lớn trong xã hội, chúng ta làm thế nào giúp họ?

– Dùng một câu Phật hiệu, khi họ nghe qua tai đã mãi trồng thiện căn. Cho dù họ tin hay không tin, câu Phật hiệu này lọt vào trong A-lại-da thức của họ, vĩnh viễn không thể xóa đi. Tương lai khi gặp được duyên Phật, nó sẽ khởi hiện hành, họ sẽ học Phật, sẽ Niệm Phật vãng sinh bất thoái về thế giới Cực Lạc.

Singapore khu vực này là vùng nhiệt đới, mỗi năm chỉ có một mùa. Suốt năm chỉ mặc chiếc áo thung là đủ, không cần phải thêm nhiều áo. Trên áo thung, chúng ta in Phật A Di Đà. Trên đường, đi một vòng cũng độ được rất nhiều chúng sinh. Nơi đây thường dùng bốn loại ngôn ngữ: Anh ngữ, Hoa ngữ, Mã Lai ngữ, Ấn Độ ngữ. Tôi hy vọng các đồng tu tương lai in danh hiệu Phật A Di Đà trên áo thung bằng bốn loại ngôn ngữ này. Khi mặc chiếc áo này đi ra ngoài là “đa nguyên văn hóa”, phổ độ chúng sinh.

Vị độ hữu tình linh đắc độ (Hữu tình chưa độ khiến được độ). Chúng ta phải dùng phương pháp này. Đồ án thiết kế phải đẹp để mỗi người xem thấy đều có thể sinh tâm hoan hỉ.

– Xã hội ngày nay, thanh niên mặc loại y phục nào?

– Vẽ trên áo đều là yêu ma quỷ quái! Xem thấy đều hù chết người! Chúng ta mặc phục trang này, phía sau in “ A Di Đà Phật” để độ những yêu ma quỷ quái này. Tôi cảm thấy hiện tại những y phục này chúng ta vẫn chưa làm đủ. Người mặc tuy nhiều, vẫn chưa phổ biến. Phải nên chế ra số lượng lớn, miễn phí tặng cho.

Tương lai, bên dưới Cư Sĩ Lâm bố thí thức ăn cũng bố thí quần áo. Chúng ta in những chiếc áo thung này để sẵn bên dưới, họ đến dùng cơm, mỗi người đều lấy một chiếc áo mặc lên người. Lần sau đến, mặc chiếc áo này mới chiêu đãi, không mặc chiếc áo này chúng ta không tiếp đãi, là việc tốt! Đây là nói chúng sinh chưa được độ.

Dĩ độ chi giả, sử thành Phật” (Kẻ đã được độ thì khiến họ thành Phật).

– Đã độ là loại người nào?

– Là loại người đã tin tưởng, đã tu học pháp môn Tịnh Độ. Đây là người căn tánh đã chín muồi. Đối với loại người này, chúng ta nhất định giúp họ ngay trong đời này vãng sinh. Cho nên, chúng ta xây Niệm Phật Đường, xây Thôn Di Đà, chính là “Dĩ độ chi giả, sử thành Phật” chúng ta phải thực tiễn câu nói này, không phải chỉ đọc suông mà phải toàn tâm toàn lực làm đến được viên mãn. Nhất định phải chân thật phát tâm.

Có rất nhiều người đến đây làm công quả, một số ít khởi lên ý niệm: Mọi người niệm Phật, tương lai họ được vãng sinh, riêng chúng con phải làm sao? Nghĩ đến chỗ này thì không muốn làm công quả! Hay là vào bên trong niệm Phật tốt hơn? Vậy thì không có người hộ trì! Đại Từ Bồ Tát sớm đã biết, trên kinh nói: “Bạn khuyên hai người vãng sinh bằng chính bạn Tinh Tấn. Bạn khuyên được mười mấy người vãng sinh, công đức của bạn vô lượng vô biên. Bạn có thể hộ trì cho họ thảy đều vãng sinh, trừ khi chính bạn không chịu vãng sinh, nếu chính bạn muốn vãng sinh, công phu niệm Phật của bạn chưa đủ, không cần phải lo! Đến lúc bạn lâm chung, họ nhất định sẽ thỉnh A Di Đà Phật đến tiếp dẫn bạn”.

Người thế gian vong ân bội nghĩa, người vãng sinh Cực Lạc tri ân, báo ân. Cho nên, bạn giúp họ vãng sinh, tương lai nhất định họ sẽ giúp bạn vãng sinh. Đạo lý này tôi nghĩ mọi người nghe qua đều có thể gật đầu, đều có thể khẳng định! Công đức của bạn tuyệt đối không luống uổng! Cho nên, tôi khuyên đồng tu chúng ta đồng tâm hiệp lực, cùng nhau làm công quả, thành tựu những chúng sinh căn tánh chín muồi này. Thành tựu họ cũng chính là thành tựu chính mình; tự tha công đức không hai.

“Giả linh cúng dường hằng sa thánh
Bất như kiên dũng cầu Chánh Giác.”.

Đây là nói, giả sử bạn cúng dường hằng hà sa thánh (thánh ở đây thông thường là chỉ Bồ Tát Địa Thượng, cũng có thể nói là Sơ Địa Bồ Tát trở lên), phước báo này rất lớn nhưng cũng không bằng “Kiên dũng cầu Chánh Giác”. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời thường giảng kinh nói pháp ở hai bên bờ sông Hằng, thời gian rất lâu. Cho nên, phàm hễ nói đến số lượng lớn, Phật hay dùng cát sông Hằng để ví dụ. Phía trước đoạn kinh này nói rõ lúc A Di Đà Phật tu hành phát nguyện ở nhân địa, kinh văn chia làm sáu đoạn nhỏ: Một là “Nguyện văn đồng Phật”; hai là “Tuệ siêu bỉ ngạn”; ba là “Như Phật cứu khổ”; bốn là “Tất linh thành Phật”. Trên đây là đoạn thứ năm “Kiên dũng cầu Chánh Giác”. Kinh văn tuy chỉ có hai câu, ý nghĩa rất sâu.

Từ trên bề mặt của kinh văn mà thấy: Gần như tu cúng dường không quan trọng lắm, cầu Chánh Giác mới là quan trọng. Nhưng, trên thực tế, hai việc đều quan trọng như nhau. Tuy như nhau, trong đây vẫn phân ra chủ, khách: Câu phía trước là nói tu phước, câu sau là nói tu tuệ. Trong Phật pháp, đặc biệt là Phật pháp Đại Thừa, Thế Tôn luôn dạy chúng ta phước, tuệ song tu; hai việc đều ngang nhau, phải nên đồng thời tu học, đồng thời hỗ tương lẫn nhau mới có thể chứng được quả vị viên mãn. Trong “Kệ tam qui”, chúng ta đọc đến “Qui y Phật, nhị túc tôn”. Chữ “nhị” này chính là tu phước, tu tuệ. Hai loại này Phật đều đạt đến cứu cánh viên mãn.

Khoảng hai tuần trước, có một đồng tu đưa tôi xem một bản tin tức mới, đó là bản tin từ báo chí Đại lục Trung Quốc, nói rằng: Cuối năm nhà Thanh, có sáu nhân vật lớn hiện đã biến thành thân heo, trong đó có Viên Thế Khải, Lý Hồng Chương, đây đều là nhân vật nổi tiếng trên lịch sử.

– Làm sao biết được họ biến thành heo?

–  Con heo này khi sinh ra, trên thân nó có tên của họ. Thật kỳ lạ! Đây là nói rõ tu phước không có tu tuệ. Khi còn ở nhân gian hưởng hết phú quí, sau khi chết, chưa đến một thế kỷ đã rơi vào cõi súc sinh, biến thành thân heo! Việc này đã cho chúng ta một cảnh giác cao độ, nói rõ tu tuệ còn quan trọng hơn tu phước. Thế nhưng, quyết không nên hiểu lầm cho rằng chúng ta không cần tu phước. Có cách nghĩ như vậy là bạn sai rồi!

Ngày nay, chúng ta học Phật, tu hành, hoằng pháp lợi sinh, thực tế mà nói, phước báo chúng ta không đủ, nên làm bất cứ việc gì đều có chướng ngại, khó khăn! Những chướng ngại này chính là nói rõ phước báo của chúng ta rất mỏng. Tường tận hiểu rồi, việc lợi ích tất cả chúng sinh vẫn cần phải làm, đây đều thuộc về phần cúng dường tu phước.

Singapore có Pháp sư Đàm Thiền, tôi rất tôn kính đối với ông. Ông quan hệ rất tốt với Lý hội trưởng, tôi cũng đã đến thăm ông rất nhiều lần. Con người này tu khổ hạnh, nơi ở chỉ một gian phòng nhỏ, quần áo chỉ vải thô bình thường, thức ăn chỉ một món với cơm, thức uống là nước máy. Rất đơn giản! Chúng tôi đến thăm, ông đi mua bình nước suối, đó là kính ý cao nhất mà ông tiếp đãi khách. Ông có sự giúp đỡ rất lớn đối với Phật pháp đại lục Trung Quốc. Số mỹ kim ông đưa người gửi đi quyên góp từng trăm ngàn, từng trăm ngàn. Sau khi quyên rồi, ông cũng không màng hỏi đến. Đây là ở hải ngoại tôi thấy được một vị pháp sư chân thật là hiếm có, chúng ta không thể sánh bằng!

– Tiền của ông do đâu mà có?

– Ông là miếu chủ của miếu Thành Hoàng. Trong miếu, ông bày ra một ít hương, giấy, đèn sáp. Người đến miếu đốt hương mua hương, đèn sáp một, hai đồng v.v… như vậy mà tích góp lại. Một phân tiền ông cũng không đem đi hưởng thụ, toàn bộ đều bố thí. Đây là người xuất gia mô phạm của thời đại chúng ta. Hành nghi của ông là Bồ Tát thị hiện. Suốt ngày từ sớm đến tối chỉ niệm A Di Đà Phật, tâm không lìa miệng, miệng chẳng lìa tâm.

Bồ Tát Phổ Hiền nói: “Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối”, trong tất cả sự cúng dường, “Pháp cúng dường” là bậc nhất. Người thế gian xem trọng tiền tài vì họ có lòng tham. Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sinh, lợi ích chúng sinh, trước dùng tài bố thí cho họ, nhà Phật gọi là “Tiên dĩ lợi dục khiên” sau mới “Hậu linh nhập Phật trí”, khiến họ vào trí Phật. Cho nên, Tài Thí chỉ là phương tiện, Pháp Thí mới là mục đích, lợi ích chân thật vô tận mang đến cho người.

Nên biết, nhà Phật thường nói: Một ngụm nước, một bữa ăn đều do tiền định, đó là chân lý! Bạn muốn được tiền của, bạn phải tu “Tài Thí”; bạn muốn thông minh trí tuệ phải tu “Pháp Thí”; muốn khoẻ mạnh sống lâu nhất định phải tu “Vô Úy Thí”. Tôi hai mươi sáu tuổi học Phật, đạo lý này Chương Gia Đại sư truyền cho tôi, tôi y giáo phụng hành. Đời trước, tôi không tu “Tài Bố Thí” nên đời này sống rất gian khổ có chăng là có tu “Pháp Bố Thí” nên được chút thông minh trí tuệ. Tôi không có phước báo, cũng không có thọ mạng. Rất nhiều người xem tướng, đoán mạng cho tôi, kế đến Hàn Quán Trưởng cũng đi xem mạng cho tôi. Bà lấy tám chữ của tôi để đưa cho người đoán mạng. Sau khi đoán rồi, họ cảm thấy kỳ lạ hỏi:

– Con người này vẫn còn sao?

Lúc đó, đại khái tôi cũng sắp gần năm mươi tuổi. Có thể thấy được người đoán mạng cũng không tệ, đoán cũng tương đối chuẩn.

Họ hỏi bà:

– Con người này vẫn còn sao?

– Vẫn còn!

Thật kỳ lạ! Cuối cùng họ hỏi:

– Ông ấy làm những việc gì?

– Ông ấy xuất gia!

– Ô! Người xuất gia vậy thì miễn bàn!

Ý nói: Nếu không xuất gia, bốn mươi lăm tuổi tôi đã chết rồi! Thật ra, người xuất gia cũng không bảo đảm được! Cùng xuất gia với tôi, đồng thời thọ giới, huynh đệ chúng tôi có ba người: Pháp sư Minh Diễn, Pháp sư Pháp Dung và tôi. Cả ba chúng ta đều cùng một tuổi, hơn nữa, cũng đều đoản mạng! Người xem tướng đoán mạng đều nói ba chúng tôi không thể sống qua được bốn mươi lăm tuổi. Cho nên, bốn mươi lăm tuổi năm đó, khoảng tháng hai, tháng ba, Pháp Dung qua đời. Vào tháng năm thì Minh Diễn ra đi, còn tôi thì bị bệnh. Tôi nghĩ: Tôi cũng phải đi rồi! Chính mình biết được, chúng tôi đều không tệ: Khi Pháp sư Minh Diễn ra đi, ông tự mình ngồi xe công cộng, đến Tổng Y Viện Vinh Dân để châm cứu. Bước vào phòng châm, nửa giờ sau thì ông đi! Ông cũng không có bệnh khổ, có thể thấy việc tu hành của ông cũng có được chút công phu.

Riêng tôi năm đó đang ở Hà An tại chùa Cơ Long Đại Giác. Lão Hòa Thượng chùa Đại Giác mời tôi giảng Kinh Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm rất dài gồm mười quyển, tôi giảng xong ba quyển, thì bị một trận cảm nặng kéo dài một tháng. Cả đời tôi đều không bệnh. Vừa lâm bệnh, tôi liền nghĩ: Thời gian đã đến rồi! Hai bạn mình đã đi, nay chắc đến phiên mình! Lại nghĩ: Nếu phải chết thì bác sĩ cũng không thể trị mạng. Tôi liền niệm Phật cầu vãng sinh, không gặp bác sĩ, cũng không uống thuốc, chỉ uống một chút cháo loãng. Lúc đó, Hàn Quán Trưởng chăm sóc cho tôi đợi đến vãng sinh. Qua được một tháng, sức khoẻ tôi dần dần hồi phục và khỏi hẳn.

Sau khi hết bệnh, mãi đến về sau cũng không hề bị bệnh. Tôi không cầu tuổi thọ, cũng không cầu phước báo. Sau khi tôi xuất gia, liền dạy ở Phật Học Viện, từ nơi công tác hoằng pháp lợi sinh, suốt bốn mươi năm chưa hề gián đoạn. Tôi không cầu bất cứ thứ gì. Thế nhưng, phước báo tự nhiên liền đến. Có một năm ở Đài Bắc cử hành “Pháp Hội Nhân Vương Hộ Quốc”, tôi giảng kinh Nhân Vương, giảng hết hai mươi ngày. Ngay trong Pháp Hội, tôi gặp Cam Châu Hoạt Phật, đây là một đại đức Mật giáo Tây Tạng, cũng là bạn cũ rất tốt với tôi, ông lớn hơn tôi khoảng mười tuổi. Ông nói:

– Pháp sư à! Ông qua đây! Tôi hỏi:

– Có việc gì không ạ, thưa Phật gia? Ông nói:

– Những năm tháng gần đây, công đức giảng kinh nói pháp của ông rất lớn, không những phước báo rất lớn mà thọ mạng cũng rất dài, vốn dĩ ông đoản mạng! Ông nói: Chúng tôi phía sau đều nói về ông.

Tôi nói:

– Việc này ngài không nói, tôi cũng biết được!

Ngạn ngữ Trung Quốc thường nói: “Làm Hòa Thượng một ngày, đánh chuông một ngày”. Sống ở thế gian một ngày, vì Phật pháp làm việc một ngày. Thái độ này của tôi hoàn toàn giống với cư sĩ Lý Mộc Nguyên, ông cũng sống một ngày, vì Phật pháp, vì chúng sinh, phục vụ một ngày, quyết không có chính mình, cho nên chính mình thanh tịnh, tự tại. Vì chính mình thì rất mệt! Vì người khác không mệt! Sự việc có thành công thì mọi người được phước, không thành công thì mọi người thiếu phước, thế thôi! Chính mình tuyệt đối không có ý niệm được, mất, cuộc sống sẽ rất an vui tự tại. Đây là ngay trong Phật pháp tôi tiếp nhận giáo huấn của thầy mà được lợi ích chân thật.

Tôi vào cửa Phật là do một câu nói của thầy, tiên sinh Phương Đông Mỹ. Ông nói với tôi: “Học Phật là hưởng thụ cao nhất của nhân sinh”. Tôi bị câu nói này của ông thức tỉnh. Tôi rất muốn hưởng thụ cái cao nhất của nhân sinh, tôi đương nhiên phải học Phật, không thể để lỡ qua nhân duyên này. Tu học suốt bốn mươi bảy năm, tôi chân thật có được sự hưởng thụ này. Cho nên, trong tâm tôi luôn cảm niệm đến ân đức của thầy. Nơi phòng học, giảng đường tôi đều cúng dường di ảnh của thầy; không luận ở bất cứ nơi nào, ở đạo tràng nào, hình chụp của thầy nhất định cúng trong giảng đường, trong Phật đường, mỗi giờ mỗi phút vẫn như còn sống bên cạnh thầy.

Cư sĩ Lý quen biết tôi rất lâu, luôn nghĩ đến biện pháp khiến tôi lưu lại Singapore. Ông biết giữ tôi không dễ! Chỉ cần có một chút không đúng pháp, tôi lập tức liền đi. Nếu nơi đây, tất cả đúng pháp, tôi có trách nhiệm giúp ông, toàn tâm toàn lực hiệp trợ ông. Nếu ông không làm như pháp, tôi liền rời khỏi, không có thứ tình riêng. Tuyệt đối không thể nói nơi đây điều kiện vật chất hùng hậu sẽ lưu giữ được tôi thêm vài ngày, không hề có việc này. Nơi đây chân thật hành đạo, chân thật tu hành, chân thật dụng công, tôi nhất định ở lại.

Tôi có “sứ mạng cảm”, có “trách nhiệm cảm” phải hiệp trợ đại chúng. Nếu mọi người chỉ đến để tiêu khiển, không phải để nỗ lực tu hành, tôi ở lại cũng không chút ý nghĩa gì! Tôi rất muốn tìm nơi tĩnh lặng để chính mình tu tập. Lần này đến Úc châu, ở trong rừng nguyên sinh hết ba ngày, tôi rất hoan hỉ. Nếu ở đó dựng một túp lều tranh để tấn tu thì tự tại biết dường nào! Hoàn toàn cách tuyệt với thế gian, đó là hoàn cảnh mà cả đời tôi mong muốn được, tôi mỗi niệm không quên. Nếu không có duyên phận hoằng pháp, tôi liền sẽ thoái hưu, tôi đến đó để hòa mình với đại tự nhiên. Thế nhưng,  nơi đây các đồng tu đều nỗ lực, cố gắng muốn tu học, tôi đành phải xả bỏ thọ dụng của chính mình, có gian khổ thế nào đi nữa, tôi cũng phải giúp mọi người. Quan niệm của tôi, tác phong tôi, cư sĩ Lý đều biết rõ.

“Giả linh cúng dường hằng sa thánh
Bất như kiên dũng cầu Chánh Giác.”

Có nghĩa là “giả sử cúng dường chư Thánh nhiều như số cát sông Hằng, chẳng bằng cầu Chánh Giác một cách kiên cố, dũng mãnh, không khiếp nhược. Đoạn kinh này giống như ý nghĩa trong phẩm “Phổ Hiền Hạnh Nguyện” của Kinh Hoa Nghiêm:

Thiện nam tử! Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối. Sở vị: Như thuyết tu hành cúng dường, lợi ích chúng sinh cúng dường, nhiếp thọ chúng sinh cúng dường, đại chúng sinh khổ cúng dường, cần tu thiện căn cúng dường, bất xả Bồ Tát nghiệp cúng dường, bất ly Bồ Đề tâm cúng dường.

Thiện nam tử! Như tiền cúng dường vô lượng công đức, tỷ pháp cúng dường nhất niệm công đức, bách phần bất cập nhất, thiên phần bất cập nhất, bách thiên câu-chi na-do-tha phần, ca-la phần, toán phần, số phần, dụ phần, ưu-ba-ni-sa-đà phần diệc bất cập nhất. Hà dĩ cố? Dĩ chư Như Lai tôn trọng pháp cố. Dĩ như thuyết hành xuất sanh chư Phật cố. Nhược chư Bồ Tát hành pháp cúng dường, tắc đắc thành tựu cúng dường Như Lai.Như thị tu hành, thị chân cúng dường cố”.

(Này thiện nam tử! Trong các loại cúng dường, pháp cúng dường là bậc nhất. Pháp cúng dường là: cúng dường bằng cách tu hành đúng như lời dạy, cúng dường bằng cách lợi ích chúng sinh, cúng dường bằng cách nhiếp thọ chúng sinh, cúng dường bằng cách chịu khổ thay cho chúng sinh, cúng dường bằng cách siêng tu các căn lành, cúng dường bằng cách chẳng bỏ Bồ Tát nghiệp, cúng dường bằng cách chẳng rời Bồ Đề tâm.

Này thiện nam tử! Công đức của vô lượng các thứ cúng dường trước đó (ý nói cúng dường bằng tài vật) đem so với công đức của Pháp cúng dường dẫu trong một niệm thì chẳng bằng được một phần trăm, một phần ngàn (cho đến) cũng chẳng bằng nổi một phần trăm ngàn câu-chi na-do-tha, ca-la phần, toán phần, số phần, dụ phần, ưu-ba-ni-sa-đà phần.

Vì sao vậy? Vì các đức Như Lai tôn trọng pháp do tu hành đúng như lời dạy sẽ sinh ra chư Phật. Vì nếu các Bồ Tát thực hành pháp cúng dường thì chính là thành tựu việc cúng dường Như Lai. Vì tu hành như thế mới là cúng dường chân chính).

Thông thường trong các Kinh Đại Thừa thường gọi là bố thí, đến hội Hoa Nghiêm thì gọi là “cúng dường”. Đạo lý này do đâu? Hoa Nghiêm là Viên giáo, Đại Thừa là Biệt giáo. Bồ Tát của Biệt giáo cùng Bồ Tát của Viên giáo kiến địa không như nhau. Bồ Tát Biệt giáo trí tuệ chưa viên mãn, đối với chân tướng sự thật họ chưa thấy được rõ ràng, nên dùng chữ bố thí. Đến Bồ Tát Viên giáo, kiến địa họ viên mãn tương đồng với chư Phật Như Lai, biết được hư không pháp giới, tất cả chúng sinh vốn dĩ thành Phật nên họ không dùng chữ “bố thí” mà gọi là “cúng dường”.