Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VI. GIAI NGUYỆN TÁC PHẬT ĐỆ THẬP
(TT)

KINH VĂN:

Phật tức tri chi, cáo chư tỳ kheo:

– Thị vương tử đẳng, hậu đương tác Phật. Bỉ ư tiền thế trụ Bồ Tát đạo, vô số kiếp lai cúng dường tứ bách ức Phật. Ca Diếp Phật thời, bỉ đẳng vi ngã đệ tử, kim cúng dường ngã, phục tương trị dã.

Thời chư tỳ kheo văn Phật ngôn giả, mạc bất đại chi hoan hỉ.

VIỆT DỊCH:

Phật liền biết ngay, bảo các tỳ kheo:

– Các vị như vương tử đây sau này sẽ thành Phật. Bọn họ trong đời trước trụ Bồ Tát đạo, từ vô số kiếp đến nay cúng dường bốn trăm ức Phật. Thời Ca Diếp Phật, bọn họ là đệ tử của ta, nay cúng dường ta lại gặp gỡ nhau.

Khi ấy, các tỳ kheo nghe lời Phật nói không ai chẳng mừng giùm cho bọn họ.

GIẢNG:

Phật tức tri chi” nghĩa là Phật liền biết ngay. Quán Kinh nói: “Chư Phật Như Lai thị pháp giới thân, nhập nhất thiết chúng sinh tâm tưởng trung” (Chư Phật Như Lai là pháp giới thân vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sinh). Đây chính là “thị tâm thị Phật” (tâm này là Phật). Chúng ta phát nguyện cầu vãng sinh Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà là “thị tâm tác Phật” (tâm này làm Phật). Cho nên, tâm ta cùng tâm Phật chẳng cách xa hào ly nên cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn.

A Xà vương tử cùng năm trăm vị đại trưởng giả vừa khởi niệm thì Phật liền biết. Ngài nói với các tỳ kheo: “Thị vương tử đẳng hậu đương tác Phật” (Các vị vương tử đây sau cùng sẽ thành Phật). Đây chính là thọ ký quả Phật cho họ, thể hiện nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn!

Phổ Hiền dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Di Đà dùng bốn mươi tám nguyện tiếp độ chúng sinh. Hết thảy đều dùng Tín, Nguyện, Hạnh, làm tư lương để được lên bờ kia. Tĩnh Am Đại Sư nói: “Điều cấp bách trước hết trong việc tu hành là lập nguyện”.

Đoạn kinh văn trên nói rõ về nhân quả; cũng nói rõ con người không hề chết đi, luân hồi là thật không phải giả. Trong kinh văn nói: “Bỉ ư tiền thế trụ Bồ Tát đạo” (Bọn họ trong đời trước trụ Bồ Tát đạo), chính là nói A Xà vương tử và đồng bạn không phải chỉ tu hành trong đời này mà trong nhiều đời nhiều kiếp trước đã tu mới có thể gặp Phật, nghe Phật giảng kinh thuyết pháp, nếu không như vậy thì làm sao gặp được!

Vô số kiếp lai cúng dường tứ bách ức Phật” (Từ vô số kiếp đến nay cúng dường bốn trăm ức Phật). Chúng ta thử nghĩ: Thiện căn phước báo của họ lớn dường nào? Quay đầu nhìn lại chính mình: Chúng ta là chúng sinh trong thời đại mạt pháp của Phật, ngày nay có thể gặp được Kinh Vô Lượng Thọ, có thể tiếp nhận những lời giáo huấn của Phật trong kinh, đều do vô lượng kiếp về trước chúng ta đã từng ở trong Bồ Tát đạo, cúng dường không biết bao nhiêu đức Phật, mới có được thiện căn, phước đức, nhân duyên này, cho nên không thể xem thường chính mình. A Xà vương tử có thể làm được, chúng ta cũng có thể làm được.

Hoàng Niệm lão ở đây khuyến khích chúng ta nên hoan hỉ nghe pháp, giống như A Xà vương tử và đồng bạn, đem những gì trong kinh điển đã nói, phải hiểu cho rõ ràng, minh bạch, chính mình tin tưởng sâu sắc, không nghi ngờ, đặc biệt là pháp môn này thật không thể nghĩ bàn! Pháp môn vô cùng thù thắng, là pháp lớn vô thượng thứ nhất, chính là câu “Nam mô A Di Đà Phật”. Chúng ta phải đem câu A Di Đà Phật để trong tâm, tất cả những thứ nhớ nhung trong lòng đều buông bỏ hết; khởi tâm động niệm trong mọi lúc mọi nơi, trong tâm đều có Phật A Di Đà, đời này nhất định vãng sinh đến thế giới Cực Lạc thấy Phật A Di Đà. Việc của thế giới này đừng nên nghĩ đến: Biết cũng tốt; không biết cũng tốt, cũng đều không sao, không liên quan gì đến chúng ta. Muốn giúp chúng sinh khổ nạn, tôi khuyên bạn trước hết phải thành tựu chính mình. Tự mình chưa thành tựu làm sao giúp người khác?!

Ca Diếp Phật thời, bỉ đẳng vi ngã đệ tử, kim cúng dường ngã, phục tương trị dã” (Thời Ca Diếp Phật, bọn họ làm đệ tử của ta, nay cúng dường ta lại gặp nhau). Đây là nói nhân duyên rất sâu trong đời quá khứ, thời Phật Ca Diếp nhóm A Xà vương tử đã là đệ tử của Phật Thích Ca. Ca Diếp Phật là vị Phật trước Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong đại kiếp này, Thế Tôn nói có một ngàn vị Phật ra đời: Vị Phật thứ nhất là Câu Lưu Tôn Phật; vị thứ hai là Câu Na Hàm Mâu Ni Phật; vị thứ ba là Ca Diếp Phật; Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư; kế đến là Di Lặc Phật tương lai sẽ hạ sinh, là vị Phật thứ năm. Thời Phật Ca Diếp, lúc ấy đức Thích Ca Mâu Ni Phật là Bổ Xứ Bồ Tát; địa vị này cùng với Di Lặc Bồ Tát hiện nay là như nhau.

Câu kinh văn trên cũng nói lên A Xà Thế và đồng bạn không phải một đời mà rất nhiều đời; đời đời kiếp kiếp họ không rời Phật pháp. Nói cách khác, đời đời kiếp kiếp họ không mê hoặc điên đảo, đây là một việc vô cùng rất khó. Do đây có thể biết, công phu của A Xà vương tử và đồng bạn không phải ít. Nếu họ không phải là Tam quả A Na Hàm trở lên, làm sao có thể chứng được Bất Thoái Chuyển. Đức Thế Tôn thành Phật, họ còn đến Pháp hội tham dự để gây ảnh hưởng cho đại chúng, giúp Phật giáo hóa chúng sinh, cũng là biểu trưng cho nguyện lực không thể nghĩ bàn!

Phẩm thứ bốn mươi bảy “Phước Tuệ Thỉ Văn” (Phước tuệ mới được nghe) trong kinh này chép: “Nhược bất vãng tích tu phước tuệ, ư thử chánh pháp bất năng văn. Dĩ tằng cúng dường chư Như Lai, tắc năng hoan hỉ tín thử sự” (Nếu xưa kia chẳng tu phước tuệ, còn chẳng được nghe chánh pháp này. Do từng cúng dường các đấng Như Lai mới có thể hoan hỉ tin nhận việc này). Chúng ta dùng bài kệ này để xem Lưu Tố Vân: Lưu Tố Vân trong quá khứ khẳng định là có tu Phước Tuệ lớn, cho nên khi gặp được, bà đã sinh khởi tín tâm lớn như vậy: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, mười năm không thay đổi, không bị cảnh giới xoay chuyển. Đây chính là bí quyết thành công của bà.

Theo chú giải của Hoàng Niệm lão: “Chúng ta nay được gặp kinh này, lại còn tin nhận nổi, ắt là đã có duyên chẳng ít, trong quá khứ chẳng phải đã từng gieo thiện căn với một hoặc hai đức Phật, mà thật đã trồng căn lành nơi vô lượng Phật, nên mới có thể được như bọn vương tử A Xà Thế nghe kinh phát nguyện, trì sáu chữ đức hiệu, nhập Nhất Thừa nguyện hải, lần lượt dạy nhau đồng chứng Di Đà”.

Đây là cụ Hoàng Niệm Tổ khuyến khích chúng ta. Sau khi nghe kinh này đã thật sự phát nguyện, thật sự đem Phật A Di Đà để ở trong tâm. Có thể để Phật A Di Đà trong tâm, đây chính là “Nhập Nhất Thừa chi nguyện hải”. Nhất Thừa là một đời thành Phật. Kế đến, “lần lượt dạy nhau đồng chứng Di Đà”, đây là giúp người có duyên, là triễn chuyển giáo thọ. Nên nhớ: Người thân, kẻ oán đều truyền thọ chánh pháp bình đẳng, dạy họ cái thuần tịnh nhất, mục đích cứu cánh là đồng chứng Di Đà, đó cũng chính là nguyện vọng của A Xà vương tử.

Đời này chúng ta thật muốn làm Phật; không những muốn làm Phật mà còn muốn làm Phật A Di Đà, muốn theo ngài học tập, học tập thành tựu giống y như ngài: Đồng tâm, đồng đức, đồng nguyện, đồng hạnh. Thế gian này những gì họ cần, tôi hoàn toàn không cần! Những gì tôi cần, họ cũng không cần, nên không có xung đột, mọi người có thể sống với nhau hài hòa. Họ cần ngũ dục lục trần, cần danh văn lợi dưỡng, toàn bộ tôi đều nhường hết cho họ.

Cũng theo Hòa Thượng Tịnh Không: Chúng ta ngày nay gặp được kinh này, lại có thể tin nhận và nhất tâm nhất ý niệm Phật, phát nguyện vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Việc này nói lên thiện căn, phước đức, nhân duyên của chúng ta trong vô lượng kiếp về trước đã vượt trội hơn A Xà Thế và các vương tử rất nhiều. Vì sao? Vì họ cúng dường bốn trăm ức Phật mà vẫn chưa khởi được phát nguyện vãng sinh, chứng tỏ thiện căn, phước đức của họ vẫn chưa đủ. Trong Kinh Di Đà nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sinh bỉ quốc”. Chữ “thiểu” này là tiêu chuẩn, phải đầy đủ ba yếu tố: Tín, Nguyện, Hạnh mới chắc chắn được vãng sinh.


 

VII. QUỐC GIỚI NGHIÊM TỊNH ĐỆ THẬP NHẤT

KINH VĂN:

Phật ngữ A Nan:

Bỉ Cực Lạc giới vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm, vĩnh vô chúng khổ, chư nạn, ác thú, ma não chi danh. Diệc vô tứ thời hàn, thử, vũ, minh chi dị. Phục vô đại tiểu giang, hải, khâu lăng, khanh khảm, kinh, cức, sa, lịch, Thiết Vy, Tu Di, thổ thạch đẳng sơn. Duy dĩ tự nhiên thất bảo, hoàng kim vi địa, khoan quảng bình chánh, bất khả hạn cực, vi diệu kỳ lệ, thanh tịnh trang nghiêm, siêu du thập phương nhất thiết thế giới.

VIỆT DỊCH:

Phật bảo A Nan:

Cõi Cực Lạc thế giới công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ, vĩnh viễn không có các tên gọi các khổ, các nạn, đường ác, ma làm não loạn; cũng không có bốn mùa, nóng, lạnh, mưa, tối tăm sai khác. Lại cũng chẳng có sông, biển lớn nhỏ, gò, đống, hầm, hố, gai góc, cát, sỏi, Thiết Vy, Tu Di, các hòn núi đá hay núi đất, chỉ tự nhiên là bảy báu, vàng ròng làm đất; bằng phẳng, rộng rãi, bao la chẳng thể hạn lượng, vi diệu, lạ lùng, đẹp đẽ, thanh tịnh trang nghiêm, vượt trỗi hết thảy các thế giới trong mười phương.

GIẢNG:

Đoạn kinh văn này miêu tả y báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc. Y báo trang nghiêm là do nguyện thứ nhất “cõi nước không có ác đạo” và nguyện thứ ba mươi chín “trang nghiêm vô tận” cảm thành.

Vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm” (Công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ). Sách Vãng Sinh Luận, bảo có ba thứ công đức trang nghiêm: Một là cõi nước Phật, hai là A Di Đà Phật, ba là các vị Bồ Tát (mỗi thứ này đều có đủ vô lượng công đức trang nghiêm). Do có đủ cả ba thứ trang nghiêm như thế nên kinh nói: “vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm”.

Vãng Sinh Luận còn chép: “Cõi nước Phật ấy công đức trang nghiêm nên thành tựu sức chẳng thể nghĩ bàn, giống như tánh của báu Ma-ni Như Ý kia (có thể dùng làm) pháp tương tự, tương đối vậy”. Theo chú giải của cụ Hoàng, ý nói mỗi thứ trong Cực Lạc Thế giới đều tùy theo cơ nghi của mỗi người trong nước mà hiển hiện. Chẳng hạn như nước công đức trong các suối ao có thể “nhất nhất tùy chúng sinh ý” (mỗi mỗi đều thuận theo ý của chúng sinh) khác nào báu Ma-ni (còn gọi là báu Như Ý) có thể tùy thuận ý thích mỗi người mà hóa hiện ra.

Sách Luận Chú (tức Vãng Sinh Luận Chú của ngài Đàm Loan) giảng câu “như tánh của báu Ma-ni Như Ý kia” như sau: “Mượn tánh chất của báu Ma-ni Như Ý để hiển thị tánh chẳng thể nghĩ bàn của cõi An- Lạc. Lúc chư Phật nhập Niết Bàn liền dùng sức phương tiện khiến thân nát thành xá-lợi để tạo phước cho chúng sinh. Khi chúng sinh hết phước, các viên xá-lợi ấy biến thành Ma-ni Như Ý bảo châu. Những châu này phần nhiều ở trong biển cả, đại long vương dùng để trang hoàng trên đầu. Nếu Chuyển Luân thánh vương ra đời thì do từ bi phương tiện, ông ta sẽ có được viên bảo châu ấy để gây lợi ích lớn lao cho cõi Diêm Phù Đề.

Nếu cần y phục, thức ăn, đèn soi, nhạc cụ, các thứ vật dụng tùy lòng mong muốn thì vua trai giới thanh khiết, đặt châu trên đầu sào cao, phát nguyện rằng: ‘Nếu tôi đúng là Chuyển Luân thánh vương thì nguyện bảo châu này sẽ mưa xuống các vật như thế suốt cả một dặm, hoặc là mười dặm, hoặc là trăm dặm đúng như tâm nguyện của tôi’.

Ngay khi ấy, trong không trung lập tức mưa xuống các thứ vật ứng theo lòng mong, thỏa mãn nguyện vọng của hết thảy mọi người trong cả một thiên hạ, Đấy là tánh lực của bảo châu ấy. Cõi nước An Lạc kia cũng giống như thế: Dùng tánh an lạc để thành tựu các thứ”.

Sách Vãng Sinh Luận Chú lại giảng câu: “tương tự, tương đối” như sau: “Báu đó chỉ có thể thỏa các nguyện cơm, áo v.v… của chúng sinh, chẳng thể ban cho họ cái nguyện vô thượng đạo. Hơn nữa, báu ấy chỉ có thể thỏa nguyện một đời cho chúng sinh, chẳng thể thỏa nguyện chúng sinh trong vô lượng thân. Có vô lượng điều sai biệt như thế nên bảo là tương tự”. Ý nói (theo chú giải của cụ Hoàng): Cõi nước Cực Lạc thành tựu sức chẳng thể nghĩ bàn vượt xa hết thảy, không có cách nào so sánh nổi; ở đây chỉ tạm mượn báu Ma-ni để làm thí dụ, chớ thật sự báu Ma-ni còn kém xa muôn vàn, nên mới bảo là “tương tự”, chỉ là miễn cưỡng so sánh thôi nên mới bảo là “tương đối”.

Trong Sách Luận Chú, Đàm Loan Đại Sư còn giảng câu “Vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm” (Công đức vô lượng, trang nghiêm đầy đủ) như sau: “Từ nghiệp trí tuệ thanh tịnh của Bồ Tát phát khởi trang nghiêm Phật sự, nương pháp tánh nhập tướng thanh tịnh. Pháp ấy chẳng điên đảo, chẳng hư ngụy nên gọi là công đức chân thật”. “Công đức chân thật” chính là “công đức vô lượng”. Thế giới Cực Lạc trang nghiêm bằng “công đức chân thật” như thế nên “cụ túc trang nghiêm” (trang nghiêm đầy đủ). Do vậy cõi ấy thành tựu được “sức chẳng thể nghĩ bàn”.

Vãng Sinh Luận Chú còn bảo: “Chữ ‘sức chẳng thể nghĩ bàn’ chỉ chung mười bảy sức công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn trong cõi Phật ấy. Trong những sức ấy, sức cõi Phật chẳng thể nghĩ bàn lại gồm hai điều:

Một là nghiệp lực, nghĩa là do nghiệp lực của đại nguyện, thiện căn xuất thế của Bồ Tát Pháp Tạng cảm thành.

Hai là do sức khéo trụ trì của đấng Chánh Giác A Di Đà Pháp Vương nhiếp thọ”.

Mười bảy sức công đức trang nghiêm tức mười bảy loại y báo ở thế giới Cực Lạc gồm có:

a. Trang Nghiêm Thanh Tịnh Công Đức Thành Tựu

Thanh tịnh trang nghiêm thắng qua tam giới hữu lậu chi uế độ nhi vô lậu thanh tịnh giả”. Chữ “thắng” là thù thắng, thù thắng vượt qua, vượt lên trên “tam giới” là Dục Giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Trong quốc độ của tất cả chư Phật đều có tam giới, có thập pháp giới. Lục đạo là cõi uế của hữu lậu. Tứ Thánh Pháp Giới là Tịnh Độ của hữu lậu. “Lậu” là đại danh từ của phiền não. Tứ Thánh Pháp Giới (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật) tuy đã phá được bốn tướng, tâm họ thanh tịnh, nhưng tập khí phiền não vẫn chưa đoạn. Họ thật sự là vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả, nhưng bốn “kiến” vẫn chưa phá được nên họ vẫn là “hữu lậu”. Đối với tất cả pháp trong thế, xuất thế gian, họ không còn chấp trước nhưng còn có phân biệt. Sự khác nhau giữa hữu lậu và vô lậu là ở chỗ này.

Tứ Thánh Pháp Giới là “hữu lậu thanh tịnh”. Ở đây nói “vô lậu trang nghiêm” tức là “vô lậu thanh tịnh”, cũng chính là nói căn bản vô minh họ đều đoạn tận, họ thật sự “vô lậu”. Riêng “thuần chân vô lậu” chỉ có một người, Kinh Hoa Nghiêm gọi đó là “Diệu Giác Phật Quả”. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ trong Hoa  Nghiêm Viên Giáo gồm có: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Đẳng Giác . Bốn mươi mốt địa vị này trú ở cõi Thật Báo đã phá được vô minh nhưng tập khí của vô minh họ vẫn chưa đoạn nên tuy thật sự “vô lậu” nhưng vẫn chưa phải là thuần chân. Trên Đẳng Giác , tập khí vô thỉ vô minh mới hoàn toàn đoạn tận, đó gọi là “thuần chân vô lậu”.

Tóm lại, “vô lậu thanh tịnh” là chỉ cho bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Bồ Tát, họ đều là “vô lậu thanh tịnh”. Nhưng “thuần chân vô lậu” chỉ có một người, đó là quả vị Diệu Giác. Diệu Giác không trú ở cõi Thật Báo mà trở về Thường Tịch Quang. Thường Tịch Quang Tịnh Độ là chỗ cao nhất trong Tịnh Độ. Thế giới Tây Phương Cực Lạc ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư chỉ có nhân đạo và thiên đạo (ngạ quỉ, súc sinh, địa ngục, A tu la đều không có). Chúng ta ở đây có lục đạo; họ chỉ có hai đạo, đây là thanh tịnh trang nghiêm vượt qua quốc độ của chư Phật trong mười phương.

Sách Luận Chú viết: “Thanh tịnh là tổng tướng. Sở dĩ Phật khởi ra công đức trang nghiêm thanh tịnh này là do ngài thấy tam giới là tướng hư ngụy, là tướng luân chuyển, là tướng vô cùng (ám chỉ sinh tử) như con cuốn chiếu cuộn tròn, như tằm kéo kén tự nhốt mình. Thương ôi chúng sinh điên đảo bất tịnh! Muốn đặt chúng sinh nơi chẳng hư ngụy, nơi chẳng luân chuyển, nơi chẳng có (sinh tử) vô cùng, được hưởng chốn thanh tịnh đại an lạc rốt ráo nên Phật khởi lên công đức thanh tịnh trang nghiêm này”.

b. Lượng Trang Nghiêm

Cứu cánh như hư không vô biên tế giả” (Cứu cánh như hư không, rộng lớn không bờ bến). Đây cũng vượt qua thế giới tha phương. Thế giới này của chúng ta là thế giới Ta Bà. Cõi “Phàm thánh đồng cư” trong thế giới Ta Bà là hữu lượng. Địa cầu là hữu lượng, diện tích của biển và lục địa đều có số lượng. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thật không thể nghĩ bàn! Nó không có số lượng, nó như hư không không có biên tế, thật sự là quá lớn, bởi nó là cõi pháp tánh.

Sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thân này là thân Pháp tánh. Thân hiện tại chúng ta và hiện tượng vật chất là cảnh giới tướng của A-lại-da, là tướng phần của A-lại-da. Chúng ta khởi tâm động niệm là kiến phần của A-lại da. Kiến phần, tướng phần của A- lại-da có sinh, có diệt; là nhiễm ô không phải thanh tịnh; là hữu lượng không phải vô lượng. Hiểu rõ ràng minh bạch về thế giới Cực Lạc, chúng ta mới không còn tham luyến thế giới này, mới xả bỏ được ba tướng vi tế của A-lại-da tức là tương ưng với Pháp tánh. Buông bỏ là minh tâm kiến tánh, là Pháp Thân Bồ Tát, là siêu việt mười pháp giới. Tánh mới là chân thật, A-lại-da là hư vọng.

c.  Tánh Trang Nghiêm

Y chánh đạo chi đại từ bi vô lậu chi thiện căn. Tùy thuận pháp tánh nhi sanh khởi chi Tịnh Độ giả”: “Tánh” là tánh chất. Tánh chất của địa cầu này là vật chất, là tướng phần của A-lại-da, trong đó hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần không rời nhau. Trong Phật pháp gọi là Ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. “Sắc” là vật chất; “thọ, tưởng, hành, thức” là tinh thần, đều từ nghiệp tướng của A-lại-da sinh khởi; khoa học gọi là chấn động, tần suất. Chấn động của A-lại-da thì tần suất là một duyên, kinh Đại thừa gọi là “nghiệp tập chủng tử” của A-lại-da. Trong Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”, đây là nhân.

Chủng tử gì? Là chủng tử của mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Khi bất động, nó sẽ không khởi tác dụng. Nhưng, khi vừa có tần suất chấn động, nó liền khởi hiện hành, biến hiện ra mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm không phải là bộc phát lớn như khoa học nói mà là chủng tử của A-lại-da khởi hiện hành. Loại hiện hành này là nhất thời hiện ra, tốc độ rất nhanh, như Bồ Tát Di Lặc nói: Trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức, một trăm ngàn niệm. Đơn vị là một trăm ngàn. Ba mươi hai ức nhân với một trăm ngàn là ba trăm hai mươi triệu. Trong một giây, nếu khảy nhanh được năm lần tức là (320 triệu x 5) một ngàn sáu trăm triệu lần tần suất chấn động. Đây là nói “tánh trang nghiêm”, chúng ta không biết nó là giả.

Ngày trước, chúng ta xem điện ảnh, tần suất mở đóng của ống kính mỗi giây là hai mươi bốn lần, cũng chính là nói mỗi bức tranh dừng lại trên màn hình là một phần trên hai mươi bốn giây. Phật dạy, vũ trụ trước mắt ta, một giây có một ngàn sáu trăm triệu lần tần suất, nhưng điện ảnh thì một giây chỉ có hai mươi bốn lần, do vậy mà chúng ta ngộ nhận cho rằng vật chất là thật, không biết nó là “đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”.

Kinh Bát Nhã nói ra chân tướng: “Nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Đây là thật không phải giả! Hiện nay các nhà khoa học lượng tử đã thấy. Họ nói tốc độ tần suất của chấn động rất nhanh, nhưng không xác định được con số. Đức Phật thì nói rất rõ ràng: Một giây là một ngàn sáu trăm triệu tần suất. Mỗi lần chấn động chính là một bức tranh. Bức tranh này là bức tranh của thân Ngũ Uẩn; “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” đều xuất hiện hết. Bức tranh thứ nhất không phải là bức tranh thứ hai; bức tranh thứ hai không phải là bức tranh thứ ba. Mỗi bức tranh đều độc lập. Cho nên, trong Kinh Đại thừa nói: Vũ trụ, vạn pháp là “đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” chính là nói sự việc này.

Tánh chất pháp tánh của thế giới Cực lạc không phải là A- lại-da nên nó thanh tịnh, nó vô lượng. “Y chánh đạo chi đại từ bi vô lậu chi thiện căn”, đây là những điều chúng ta cần phải học.

– “Chánh đạo” là gì?

– Điều này không nói rõ ràng được! Nói rõ ràng chúng ta cũng không hiểu!

Đức Phật có đại trí tuệ, có phương tiện thiện xảo, dùng phương thức đơn giản nhất đem “chánh đạo” hiển thị ra, đó chính là câu “Nam mô A Di Đà Phật”, rất cụ thể! Nếu có thể thật sự tin tưởng, thật sự tiếp thu thì đem Phật A Di Đà để vào trong tâm.

Trước đây thầy Lý dạy chúng tôi: “Học Phật cần phải đổi tâm”. Vì sao? Bởi chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay dùng tâm luân hồi, bây giờ đem tâm luân hồi đổi thành A Di Đà Phật. Tâm luân hồi không còn nữa, đem Phật A Di Đà để vào đó thì tâm là A Di Đà Phật. Giống như khai thị của Trung Phong thiền sư trong “Tam thời hệ niệm”: “Tâm ta tức là Phật A Di Đà; Phật A Di Đà tức là tâm ta”. Sau khi đổi tâm, nhìn cảnh giới: “nơi đây chính là thế giới Cực Lạc; thế giới Cực Lạc chính là nơi đây”. Vì sao? Vì cảnh tùy tâm chuyển! Chúng ta có chịu thay đổi chăng? Chịu thay đổi thì lập tức sẽ từ phàm phu biến thành Thánh nhân; chuyển phàm thành thánh chỉ trong một niệm.

– Vì sao câu A Di Đà Phật này có thể tượng trưng cho chánh đạo?

– Ở trước đã giảng qua rất nhiều lần:

Vô lượng vô biên chư Phật Như Lai trong mười phương thế giới, sở tu, sở trú, sở hành, sở trường của các ngài đều là chánh đạo, đó chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Cho nên, Hoa Nghiêm Kinh được xưng là “căn bản Pháp Luân”. Tất cả kinh đều là quyến thuộc của Hoa Nghiêm, giống như một cây đại thọ: Hoa Nghiêm là gốc, là rễ; các kinh khác là cành, là nhánh, là lá, là hoa quả, không rời gốc rễ. Cuối cùng của Hoa Nghiêm là Phổ Hiền Bồ Tát thập đại nguyện vương đạo qui Cực Lạc. Cho nên, Cực Lạc là căn bản chủ yếu trong các căn bản.

Tượng trưng cho Tịnh Độ tông chính là bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. Căn bản của Kinh Vô Lượng Thọ là bốn mươi tám nguyện. Căn bản của bốn mươi tám nguyện là nguyện thứ mười tám. Căn bản của nguyện thứ mười tám là một câu Phật hiệu, mười niệm tất sanh, nên câu Phật hiệu này là chánh đạo. Chúng ta không biết, không rõ tác dụng của câu danh hiệu này nên mới đi tìm cái này, cái kia. Tìm phương pháp nào cũng không trị lành khuyết điểm của chúng ta, chỉ có câu Phật hiệu này. Nếu câu Phật hiệu này vẫn trị không lành, thì nguyên nhân chính là chúng ta không tin tưởng, vẫn hoài nghi nó, cứ cho rằng nó quá đơn giản. Nhưng, làm gì quá đơn giản như vậy! Đây là do ta không nhận thức được giá trị của nó!

Đức Thế Tôn trong vô số lần giảng kinh thuyết pháp đều dạy ta “trụ tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Chúng ta không cách nào đem tâm trụ ở một chỗ, vì trong tâm vọng niệm quá nhiều! Tâm trụ được ở một nơi thì vấn đề nào cũng giải quyết được. Bây giờ dạy ta trụ ở nơi Phật A Di Đà. Phật A Di Đà chính là chánh đạo. Thật sự đã trụ tâm một chỗ rồi thì đại từ đại bi trong tự tánh liền hiển lộ, thiện căn vô lậu hiện tiền. Điều này quan trọng biết bao! Sau đó, tự nhiên có thể tùy thuận Pháp tánh mà khởi Tịnh Độ. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là cõi Tịnh Độ do Phật A Di Đà tùy thuận Pháp tánh mà sinh khởi.

Pháp môn Tịnh Độ hiểu thì khó nhưng dễ hành trì. Chúng ta tu hành không tương ưng vì cái hiểu và nhận thức của ta về thế giới Cực Lạc chưa đủ! Nói cách khác, trong mắt chúng ta, thế giới này là hiện thực, là chân thật, còn thế giới Cực Lạc quá mơ hồ, ta chưa từng thấy, nên đối với thế giới Ta Bà vẫn còn quá lưu luyến, tiếc nuối không thể buông bỏ được! Cuối cùng vẫn muốn sống thêm một ngày, muốn chịu thêm một ngày tội! Nếu thật sự hiểu rõ ràng minh bạch thì không còn chút do dự nào. Nói đi là đi! Thật sự đơn giản như vậy! nhanh chóng như vậy! Nên “tánh” này là tánh chất không tương đồng của hai cõi: ở thế giới Cực Lạc là Pháp tánh biến hiện; ở đây là A- lại-da biến hiện, không giống nhau!

d. Hình Tướng Trang Nghiêm

Tịnh Độ thanh tịnh quang minh mãn túc như minh cảnh nhật nguyệt luân giả” (Quang minh sạch đầy đủ, như gương vành nhật nguyệt): Hình tướng của Tịnh Độ vô cùng trang nghiêm. “Thanh tịnh” là không nhiễm một chút trần nào, “thanh tịnh” ở đây cũng có nghĩa là phước báo; “quang minh” là trí tuệ; “mãn túc” là viên mãn đầy đủ không có một kém khuyết nào. Cả hai loại: Phước đức viên mãn và trí tuệ viên mãn thành tựu hình tướng trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. Chúng ta cần phải tu phước và tu tuệ. Phước tuệ học ở đâu? Lúc trẻ khi chúng ta mới học Phật, thật sự là không có trí tuệ, cũng không có phước báo, chỉ có vọng tưởng và một chút thông minh. Nhưng thầy giáo rất giỏi!

Năm đó, tôi theo học với thầy Lý, thầy đã sáu mươi chín tuổi, lớn hơn tôi ba mươi chín tuổi, ngang hàng với bậc cha, ông. Thầy rất từ bi, thấy những người trẻ tuổi như chúng tôi không có phước báo, không có trí tuệ, rất đáng thương nên dạy chúng tôi tu phước, tu tuệ. Phương pháp thù thắng nhất chính là học Phật và giảng kinh. Con đường này đầy đủ cả ba loại bố thí: Tài thí, pháp thí và vô úy thí.

Muốn giảng kinh dạy học, chúng ta cần phải vận dụng cả thời gian, thể lực và tâm lực của chính mình mới hoàn tất được, đây là “nội tài bố thí”, phước báo còn thù thắng hơn “ngoại tài bố thí”. Học tập Phật pháp, khuyên người làm thiện, khuyên người niệm Phật vãng sinh, đây là “Pháp bố thí”; “Vô úy bố thí” cũng tự nhiên gồm đủ trong đó. Vậy thì làm một mà được cả ba. Đây là thầy Lý dạy chúng tôi.

Riêng tôi, tự biết mình không có phước báo, không có thọ mạng, có chăng chỉ là một chút thông minh nhỏ mà nhà Phật gọi là “thế trí biện thông”. Cho nên, tôi đặc biệt siêng năng học tập với thầy Lý. Thầy cho tôi thời gian năm năm. Khi vừa tròn năm năm, tôi xin thầy cho tôi học tiếp năm năm. Tổng cộng mười năm theo học với thầy, thật sự đã được lợi ích, nên quyết định này không phải giả!

Hiện nay, xã hội này, thế giới này thật sự đã đến giai đoạn tồn vong sinh diệt, nếu không có người đến cứu, Phật pháp sẽ diệt vong! Truyền thống văn hóa sẽ diệt vong! Phật pháp và truyền thống văn hóa xưa là hy vọng của toàn thế giới. Nếu hai thứ này đoạn tuyệt thì hy vọng của thế giới này cũng đoạn tuyệt! Như vậy thì quá bi thảm! Có thể giống như rất nhiều nhà tôn giáo nước ngoài nói: Ngày tận thế!

Ngày nay, nếu các bạn phát tâm đến cứu vãn thì công đức này lớn biết bao! Làm sao cứu vãn? Phát tâm đại Bồ Đề, tinh tấn tu hành, hoằng pháp lợi sinh. Người xưa nói: “Vi vạn thánh kế tuyệt học. Vi thiên hạ khai thái bình”. Trong Phật pháp nói: “Tục Phật tuệ mạng, hoằng pháp lợi sinh”, công đức này rất lớn! Tuổi tôi đã lớn làm không được! Không có trí tuệ thì việc này làm không thành công! Nếu có người trẻ tuổi làm, tôi sẽ toàn tâm toàn lực giúp họ. Tương lai thành tựu, họ có thể vì các bậc thánh xưa mà kế tục tuyệt học, có thể vì duy trì tuệ mạng của chư Phật thì công đức này thật không thể nghĩ bàn!

Thầy Thái Lễ Húc, người Malaysia cùng nhóm hai, ba mươi thầy giáo, trước đây đã làm trong Trung tâm Thang Trì ở Lô Giang, họ phát đại tâm này. Nơi đó có nhân sĩ thiện tâm quyên được mãnh đất rộng mười ba mẫu Anh, chuẩn bị xây dựng ngôi trường. Tôi đã đặt tên cho trường này là “Học Viện Hán Học Malaysia”, được lãnh đạo ở đây ủng hộ. Hiện nay, các vị giáo thọ này ở đó truyền bá Phật pháp Đại thừa và truyền thống văn hóa. Toàn thế giới có thiên tai, nhưng ở đó không có thiên tai. Đó là mãnh đất phước thứ nhất trên toàn thế giới. Vì sao? Vì hy vọng của người trên toàn thế giới là ở đó! Nếu ở đó bị hủy diệt thì toàn thế giới cũng sẽ bị hủy diệt! Chúng ta trồng một ít phước nơi đó thì phước báo đó là vô lượng vô biên. Chư vị đồng học nếu có tiền cũng đừng đưa cho tôi mà hãy quyên cho ngôi trường đó: “Học Viện Hán Học Malaysia”. Tôi toàn tâm toàn lực ủng hộ họ.

Họ ở nơi đó cũng tổ chức những buổi giảng nhỏ cho những người hứng thú tu học lớp ngắn hạn này. Mỗi năm họ tổ chức khoảng ba lần, mỗi lần là bốn mươi lăm ngày, nhân sĩ hải ngoại nếu thích đều có thể tham gia, nhưng tốt nhất nên từ việc công tác giáo dục. Đây là sự nghiệp giáo dục văn hóa. Có nhiều người phát tâm như vậy, Hán học có thể được tiếp tục truyền thừa. Thật sự có mấy vị giáo thọ hàng đầu rất ưu tú, Hán học tương lai sẽ phát triễn rộng rãi. Tôi tin tưởng những vị thầy giáo này, tuy bây giờ họ chưa có tiếng tăm gì, nhưng mười năm sau, chắc chắn họ sẽ thành danh. Tôi tin những trường học hàng đầu trên thế giới, trong đó khoa Hán học đều mời họ đến làm giáo thọ.

Lợi dụng khoa học kỹ thuật cao hiện nay như mạng internet quốc tế và truyền hình vệ tinh, nếu có một kênh chuyên môn, hai mươi bốn giờ không gián đoạn, những người này sẽ luân phiên đến giảng. Trên toàn thế giới người người đều có thể nghe, có thể học từ truyền hình vệ tinh, từ mạng internet. Vậy thì sẽ giải quyết được vấn đề xã hội của thế kỷ hai mươi mốt như tiến sĩ Thang Ân Tỷ nói trước đây. Chúng ta cũng có thể bổ sung thêm một chút là: Hóa giải thiên tai của địa cầu trong thế kỷ hai mươi mốt, chỉ có Phật học Đại thừa và truyền thống văn hóa xưa mới khởi tác dụng lớn nhất. Vì sao? Vì thiên tai là do bất thiện trong tâm con người dẫn khởi. Điều này trong kinh đức Phật đã giải thích thấu triệt. Nho, Đạo cũng không ngoại lệ, đều có cách nhìn giống nhau.

Con người nếu tâm thanh tịnh, thiện lương thì xã hội sẽ an định, thiên tai sẽ được hóa giải. Đại thừa Phật giáo và truyền thống văn hóa xưa chính là dạy chúng ta làm những việc này. Truyền thống văn hóa và Đại thừa Phật pháp giống như tiếp sức thi đấu vậy. Tôi nhận cây gậy bên trên của thầy, bây giờ giao lại cho họ. Họ là những người truyền thừa. Tôi tin tưởng, thật sự tin tưởng, thành tựu của họ trong tương lai vượt qua tôi rất nhiều. Phải biết rằng nơi đó là phước điền, trồng phước nơi đó mới sinh trưởng, mới có thể thành tựu. Nếu trồng trên cát, đá là đồng nghĩa với vứt bỏ! Cây cối sẽ không mọc nổi! Cho nên, cần phải nhận thức: Phước điền là gì? Cái gì là đệ nhất phước điền? Nên trồng phước ở đâu?