PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 10
NHỮNG MỤC TIÊU CỦA PHẬT GIÁO

 

THƯỢNG TỌA BỘ

Hạnh phúc đời này và đời sau

Như đã thấy trước đây, Phật giáo xem tái sinh trong cõi người là hiếm có và quý báu (*Th.59–60), chấp nhận thực tế có nhiều cõi trời (cuối *L.27, *Th.58), và xem cả hai loại tái sinh này là quả của thiện nghiệp. Những hành động như vậy cũng dẫn đến mối quan hệ hài hòa với những người khác (ví dụ: *Th.49) cùng với tịch tĩnh và tịnh lạc do tu tập (*Th.139, 140, 155). Tất cả những điều này là một trong những mục tiêu của hành trì Phật giáo. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là đạt được Niết-bàn, để vượt thoát mọi tái sinh trong tương lai và những hệ quả đau khổ.

Chứng ngộ tối hậu

Những ai đã đoạn trừ các phiền não dẫn đến tái sinh trong tương lai được gọi là A-la-hán (xem *Th.205–211). Người đó có thể tiếp cận với kinh nghiệm trực tiếp về Niết-bàn trong đời này, và khi chết sẽ đạt được Niết-bàn cứu cánh. Các Thánh giả khác (xem *Th.199–204) đạt được các trình độ phát triển tâm linh khác nhau, chắc chắn cũng sẽ dẫn đến quả A-la-hán, trong tối đa bảy đời.

Niết-bàn

Niết-bàn (Pāli. nibbāna, Skt. nirvāṇa) là mục tiêu của Thánh đạo tám chi trong Phật giáo Thượng tọa bộ. Cũng như duyên khởi, vốn được xem là uyên áo và khó thấy (*Th.13). Niết- bàn, đó là ‘sự dập tắt’ của ‘lửa’ tham chấp/ ái dục, sân và si, cùng với các đau khổ thân và tâm mà các phiền não ấy dẫn đến, bất cứ thể thức tồn tại hữu vi hay tái sanh nào. Khi một người thành A-la-hán, đã giác ngộ, đã đoạn tận tham, sân và si, Niết-bàn khởi sự được chứng nghiệm ngay khi đang sống. Khi một vị A-la-hán qua đời, có Niết-bàn vượt ngoài sự chết, vượt ngoài mọi mô tả (Itivuttaka 38–39).

Th.180 Mục đích của đời sống phạm hạnh

Ở đây, này các tỳ-kheo, thiện gia nam tử tín tâm xuất giađược lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Nhưng vị ấy không hoan hỷ, hay thỏa mãn, với những lợi dưỡng, cung kính,  danh vọng ấy. Không vì những lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng kia, mà vị ấy khen mình, chê người, nói rằng ‘Ta là được thọ lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng, còn các tỳ-kheo khác ít có lợi dưỡng, ít có danh vọng.’Vị ấy không mê say, tham đắm, buông lung. Sống không buông lung, vị ấy thành tựu giới. Do thành tựu giới này, mà có hoan hỷ, nhưng không tự mãnkhông khen mình, chê người…

Sống không buông lung, vị ấy thành tựu định. Do thành tựu định này, mà được hoan hỷ, nhưng không tự mãnDo sống không buông lung, vị ấy thành tựu tri kiến. Do tri kiến này, mà được hoan hỷ, nhưng không tự mãn… Không vì tri kiến này, mà khen mình, chê ngườiSống không buông lung, vị ấy thành tựu bất thời giải thoát. Này các tỳ-kheo, chẳng có cách nào, và sự tình này không thể xảy ra, rằng tỳ-kheo ấy có thể thoái thất phi thời gian giải thoát ấy.

Này các tỳ-kheo, ví như một người đang muốn được lõi cây, đang tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, đến trước một cây lớn đứng thẳng có lõi cây, người ấy chặt ra lõi cây ấy[bỏ đi những phần khác kém hơn của cây] rồi thu lượm và biết đó là lõi cây. Và tất cả những gì thuộc về lõi cây cần dùng, ông nhận lấy.

Như vậy, này các tỳ-kheo, đời sống phạm hạnh này không phải vì mục đích lợi dưỡng, cung kính, hay danh vọng, không phải mục đích (chỉ) thành tựu giới, không phải mục đích thành tựu định, không phải mục đích thành tựu tri kiến. Này các tỳ-kheo, mục đích của phạm hạnh này, lõi cây của nó, mục tiêu tối hậu của nó, là tâm giải thoát bất động.

Mahā-sāropama Sutta: Majjhima-nikāya I.193–198, dịch Anh P.D.P. and P.H.

Th.181 Niết-bàn: đoạn tận tham, sân, si

Theo nghĩa đơn giản nhất, Niết-bàn là sự đoạn tận các phiền não.

‘Này tôn giả Sāriputta, được nói “Niết-bàn, Niết-bàn”; vậy, Niết-bàn là chi?’ ‘Này hiền giả, Niết-bàn là sự đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si.’

Nibbāna Sutta: Saṃyutta-nikāya IV.251, dịch Anh P.D.P.

Th.182 Đồng nghĩa với Niết-bàn

Đoạn này mô tả mục đích của đạo chủ yếu là ‘vô vi’ (asaṅkhata), trong ý nghĩa ‘đoạn tận của tham, sân và si’ rồi đưa ra các từ đồng nghĩa gợi hứng khác nhau cho pháp vô vi đó, tức là Niết-bàn. Nơi khác (*Th.23), Niết-bàn được ví dụ như ‘bờ bên kia’ an toàn và vi diệu, còn bờ bên này tượng trưng cho sự nguy hiểm của luân hồi (saṃsāra).

Này các tỳ-kheo, Ta sẽ nói về pháp vô vi và con đường dẫn đến vô vi. Và, này các tỳ-kheo, thế nào là vô vi? Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si: đây gọi là vô vi.

Này các tỳ-kheo, Ta sẽ nói về pháp cứu cánh và con đường dẫn đến cứu cánhvô lậuchân đếbỉ ngạnxảo diệucực kỳ khó thấykhông già (không biến hoại)bền lâu (kiên cố)chiếu kiến (không thất hoại: apalokita = aplujjianata)vô kiếnvô hý luậntịch tĩnhbất tử… cực diệucát tườngan ổnái tậnbất tư nghịhy hữukhông tai hoạnpháp không tai hoạnNiết-bànkhông tổn hạily thamthanh tịnhgiải thoátkhông chấp tànghòn đảo (giữ nước lụt)hang ẩncứu  hộquy y… đáo bỉ ngạn.

Asaṅkhata saṃyutta: Saṃyutta-nikāya IV.362 and 368–73, dịch Anh P.H.

Th.183 Niết-bàn là tối thắng lạc

Không bệnh, lợi tối thượng. Niết-bàn, lạc tối thượng.

Tám chi, đạo tối tượng, dẫn đến cõi bất tử.

Māghandiya Sutta: Majjhima-nikāya I.508, dịch Anh P.H.

Vui thay chúng ta sống, không có gì chướng ngại (tham, sân, si).

Ta sẽ hưởng hỷ lạc, như chư thiên Cực Quang. Dhammapada 200, dịch Anh P.H.

Th.184 Bản tánh của Niết-bàn

Những đoạn nối tiếp nhau nói về Niết-bàn hình dung, trước hết, đó là vượt ngoài danh sắc hay bất cứ gì trên thế gian này; và cũng vượt ngoài sự ‘đến và đi’ thường tương ưng với sự tái sanh, và là trạng thái không sở duyên, tức là không ‘y chỉ’ trên bất cứ gì. Thứ hai, Niết-bàn vượt ngoài tham ái.  Thứ ba, Niết-bàn không liên hệ gì đến sanh hay hữu, không phải là cái được ‘tạo tác’ (kata’) bởi nghiệp, và không phải được tạo tác / cấu thành (saṅkhata) bởi các hành (saṅkhāra). Thứ tư, đó là trạng thái không dao động, khinh an vượt ngoài sự nghiêng lệch, bị uốn cong theo tham ái hướng đến bất kỳ đối tượng chấp thủ nào.

Một thời Thế Tôn trú trong vườn ông Anāthapiṇḍika, rừng Jetavana, nước Sāvatthī. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết giảng cho các tỳ-kheo, khai thị, khuyến phát, khích lệ, khiến cho hoan hỷ bằng Pháp liên quan đến Niết-bàn. Các tỳ-kheo ấy nghe pháp, chú tâm, hướng tâm đến nó, nhiếp tâm chuyên nhất và lắng nghe. Khi ấy, Thế Tôn quán sát biết được điều này, thốt lên cảm hứng rằng:

‘Này các tỳ-kheo, có xứ này, tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió;[1] không có hư không vô biên xứ, không có thức vô biên xứ, không có vô sở hữu xứ, không có phi tưởng phi phi tưởng xứ;[2] không có đời này, không có đời sau, không có cả mặt trời và mặt trăng. Và này các tỳ-kheo, Ta nói không có đến, không có đi, không có trú, không có chết, không có sanh (tái sanh đời sau); nơi đó không có y hộ, không có chuyển sanh, không có sở duyên. Đây thực sự là đoạn tận khổ.’

‘Khó thấy, không nghiêng lệch (uốn cong theo tham ái). Chân đế không dễ thấy. Những ai đã thấy, biết, đã thông đạt khát ái, không có gì để chấp

‘Này các tỳ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị tạo tác, không được cấu thành. Nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị tạo tác, không được cấu thành, thì không thể khiến cho biết, ở đây, có sự xuất ly sanh, hiện hữu, bị tạo tác, bị cấu thành. Chính vì có cái không sanh, không hiện hữu, không bị tạo tác, không được cấu thành, nên khiến cho biết có xuất ly sanh, hiện hữu, bị tạo tác, bị cấu thành.’

‘Có dao động cho ai có y chỉ (ái kiến các thứ). Không dao động cho ai không y chỉ. Khi không có dao động, thì có khinh an. Khi có khinh an, thì chẳng có nghiêng lệch (uốn theo tham ái). Khi chẳng có nghiêng lệch, thì không có đến và đi. Khi không có đến và đi, thì chẳng có chết và tái sanh. Khi không có chết và tái sanh, thì không ở đây, hay ở đâu khác, hay ở giữa hai nơi. Ðây đích thực là đoạn tận khổ.’ The first, second, third and fourth Nibbāna-paṭisaṃyutta Suttas: Udāna 80–81, dịch Anh P.D.P.

Th.185 Niết-bàn: bất tử và bất thời

Các đoạn này trước hết nhấn mạnh rằng Niết-bàn là ‘bất tử’, tức là vượt ngoài bất cứ gì liên hệ đến sanh tử, và thứ đến, Niết-bàn không phải được tạo bởi con đường dẫn chứng ngộ, và cũng không phải là cái gì có sanh khởi: do đó Niết-bàn không phải là tồn tại mãi trong thời gian, mà vượt ngoài thời gian và các giới hạn của pháp hữu vi lệ thuộc thời gian.

Vị ấy hướng tâm ra khỏi các pháp kia [năm thủ uẩn, là vô thường, khổ, vô ngã] và hướng tâm đến bất tử giới: ‘Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệuNiết-bàn.’

Mahā-mālunkyaputta Sutta: Majjhima-nikāya I.435–436, dịch Anh P.H.

‘Dù vậy, thưa Đại vương, có thể chỉ con đường tác chứng Niết-bàn, nhưng chẳng thể chỉ ra nhân sanh khởi Niết-bàn. Vì sao? Vì pháp ấy (Niết-bàn) là vô vi.’

‘Tôn giả Nāgasena, có phải Niết-bàn là vô vi?’ ‘Đúng vậy, thưa Đại vương, Niết-bàn là vô vi; không thể y vào bất cứ gì để tạo ra Niết-bàn. Không nên nói rằng, thưa Đại vương, Niết-bàn là đã sanh, chưa sanh, hay đang sanh; không phải là quá khứ, vị lai hay hiện tại; không phải là cái được nhận thức bởi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.’

‘Nếu vậy, tôn giả Nāgasena,Niết-bàn là cái không tồn tại; không có Niết-bàn.’

‘Có Niết-bàn tồn tại, thưa Đại vương. Niết-bàn được nhận thức bởi ý. Thánh đệ tử, hành chánh đạo, với tâm thanh tịnh, thù diệu, đoan trực, không bị che lấp, không nhiễm ô, thấy được Niết-bàn.’

Milindapañha 270, dịch Anh P.H.

Th.186 Niết-bàn và thức

Đoạn này cho thấy thức trụ trên bốn uẩn, lấy đó làm sở y mà tìm cầu dục lạc. Không tham trước nơi các uẩn này, hay thậm chí không tham trước cả đến chính dòng tương tục của thức, thức trở nên tri túc và tịch tĩnh để cho các hành vi cố ý hay nghiệp, bình thường đi theo nó, diệt đi, và người ấy chứng đắc Niết-bàn, vì không còn thức trôi vào đời sống mới. Một đặc điểm thú vị trong đoạn này là loại thức giải thoát này được gọi là ‘không sở y’ và không ‘sở duyên’, cũng như *Th.184 nói về tự thân Niết-bàn.

Tham dính nơi sắc, này các tỳ-kheo, thức đang trụ nơi sắc sẽ kiên trụ nơi sắc, có sắc là sở duyên (hay sở y), có sắc là y xứ, lôi kéo theo hỷ, nó sẽ đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh.

Tham dính nơi thọ… tham dính nơi tưởng… tham dính nơi hànhlớn mạnh.

Ai nói như sau, này các tỳ-kheo: ‘Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ thức đến hay đi, chết hay tái sanh, tức tăng trưởng, tăng thịnh hay lớn mạnh’: không có trường hợp này.

Nếu này các tỳ-kheo, tỳ-kheo đoạn tham nơi sắc giới, do đoạn tham, mà sở duyên của nó bị cắt đứt, và không còn sở y, sở duyên cho thức. Cũng vậy, đoạn tham nơi thọ giới, tưởng giới, hành giới và thức giới (bình thường).

Không sở y, thức không tăng thịnh, không hiện hành, được giải thoát; được giải thoát nên thức an trú; do an trú, nên tri túc; do tri túc, nên không ưu não; do không ưu não nên tự tác chứng Niết-bàn. Upaya[3] Sutta: Saṃyutta-nikāya III.53–54, dịch Anh P.H.

Th.187 Niết-bàn và thức quang minh, bất khả kiến

Trong đoạn trích này, có vẻ đức Phật đặt một loại thức vào  vị trí thường được dành cho Niết-bàn, dù rằng chú giải về đoạn này nói ‘thức’ trong câu đầu chỉ cho Niết-bàn chỉ được nhận thức bởi thức. Chú ý rằng trong đoạn *Th.182, tính chất không hiển hiện, không thể thấy, hay vô kiến (anidassana) là một trong những từ đồng nghĩa với ‘vô vi’ và

‘Niết-bàn’. Hơn nữa, thức vô kiến có vẻ như tương đồng với thức đã ngưng lại hay ‘tịch diệt’ (nirodha). Trong khi đoạn này nói về thức tỏa sáng, thì một đoạn về thức diệt hay  “được chận đứng” (Saṃyutta-nikāya II.102) nói về thức này như là một chùm sáng chẳng trụ trên bất cứ đối tượng hữu hạn nào. Các ngụ ý của những đoạn này đã được tranh luận nhiều bởi các giới Phật giáo, vì hầu hết các vị Thượng tọa bộ xem hết thảy các thức là vô thường và hữu vi (có lẽ là do nghĩa từ Saṃyutta-nikāya III.25), và do đó chẳng phải Niết- bàn.

Thức là không thể thấy, vô biên, và toàn diện tỏa sáng.[4]

Ở đây, đất, nước, lửa, gió không chỗ đứng.

Ở đây, dài và ngắn, tế, thô, tịnh, bất tịnh (không chân đứng),

Ở đây, danh và sắc,[5] đều diệt tận vô dư.

Bởi thức diệt, ở đây, cái này cũng diệt. Kevaṭṭa[6] Sutta: Dīgha-nikāya 223, dịch Anh P.H.

Th.188 A-la-hán siêu việt tử giới

Như với đức Phật, trạng thái của một vị A-la-hán vượt ngoài sự chết cũng không được xác định (*Th.10, 11, 21). Không thể nói vị ấy ‘tồn tại’, ‘không tồn tại’, ‘vừa tồn tại vừa không tồn tại’ hay ‘không phải vừa tồn tại vừa không tồn tại’. Bất kỳ trạng thái của vị ấy là gì, nó cũng nằm ngoài hiện hữu trong thời gian. Bài kệ này được đức Phật nói về sự chết của A-la- hán Bāhiya.

Nơi đất, nước, lửa, gió không chỗ trụ, không có sao sáng, cũng không có mặt trời chiếu sáng.

không ánh sáng mặt trăng, cũng không bóng tối. Khi ẩn sĩ tự biết, là bà-la-môn tịch mặc giải thoát sắc, vô sắc, lạc và khổ. Bāhiyena Sutta: Udāna 9, dịch Anh P.H.


ĐẠI THỪA

Hạnh phúc đời này và đời sau

Người theo Đại thừa, cũng như theo Thượng tọa bộ, thấy những thiện nghiệp dẫn đến hạnh phúc lớn hơn trong đời này và dẫn đến những tái sanh tốt. Tuy nhiên, chú trọng tâm từ bi, có nghĩa là tập trung nhấn mạnh vào những hành động mang lại hạnh phúc và giảm bớt sự đau khổ cho những  chúng sanh khác. Người đi theo con đường của Bồ-tát thậm chí sẵn sàng từ bỏ việc tái sinh ở những cảnh giới tốt đẹp để có thể ở trong thế gian này mà giúp đỡ chúng sinh; và tương tự như vậy, thậm chí sẵn sàng tái sinh ở địa ngục để có thể giúp đỡ chúng sinh ở đó.

Cũng có quan niệm rằng, một số những đức Phật trong cõi Tịnh độ, đặc biệt là đức A-di-đà, đã thiết lập ‘những cõi Tịnh độ’, những điều kiện tuyệt vời dẫn đến an lạc, và là nơi lý tưởng để tu tập chứng ngộ. Vãng sinh ở những cảnh giới như vậy đòi hỏi phải có Tín, mà cũng dựa trên tha lực cứu độ của Phật hữu duyên (đức Phật ở cảnh giới đó). Nhiều Phật từ bình dân ở Đông Á khao khát vãng sinh về cảnh giới như  vậy.

Chứng ngộ tối hậu

Đối với một người theo Đại thừa, phát tâm Bồ-đề là phát nguyện mong thành Phật quả, vì lợi ích của những chúng sinh đau khổ khác, là một thời điểm then chốt của tu tập. Sau đó là ‘kiến đạo’, có cái nhìn trực tiếp vào bản chất trống rỗng nhưng huyền diệu của tự tánh, hành giả nhập vào địa thứ nhất trong mười địa của Thánh Bồ-tát. Cho đến địa thứ bảy, hành giả đạt đến trình độ tương tự với A-la-hán. Vào cuối Bồ-tát đạo lâu dài vô tận, Phật quả viên mãn tự nhiên thành.

Niết-bàn

M.151 Niết-bàn là thường nhưng chẳng phải đoạn kiến, cũng chẳng phải thường kiến mà người ta chấp trước

Đoạn này nhấn mạnh rằng trong bốn thánh đế, chỉ có đế thứ ba, tương đương với Niết-bàn, là thường. Kinh tiếp tục diễn giải như thế nào mà phàm phu nhận thức sai lầm Phật pháp, và không công nhận người chưa giác ngộ còn phải tái sinh luân hồi, xem Niết-bàn như là hữu thể tồn tại thường hằng, và cũng thấy dòng sát-na tương tục của tâm trong hiện thế như một thực tại thường hằng.

Bạch Thế Tôn, trong bốn thánh đế này, ba là vô thường, một là thường. Vì sao? Vì ba đế thuộc vào tướng hữu vi. Những gì thuộc vào tướng hữu vi, là vô thường; những gì vô thường, là pháp hư vọng. Những gì là pháp hư vọng, không phải là đế, không phải là thường, không phải là chỗ quy y. Do đó, khổ đế, tập đế, đạo đế không phải là đệ nhất nghĩa đế, không phải là thường, không phải là chỗ quy y.

Một khổ diệt đế lìa tướng hữu vi. Lìa tướng hữu vi, nên là thường. Thường nên, không phải là pháp hư vọng. Không phải là pháp hư vọng nên là đế, nên là thường, là chỗ quy y. Cho nên diệt đế là đệ nhất nghĩa đế.

Bất tư nghì, là diệt đế, vượt ngoài đối tượng của hết thảy tâm thức của chúng sinh, và cũng không phải cảnh giới trí tuệ của hết thảy A-la-hán và Bích-chi-phật. Cũng như người mù bẩm sinh không thấy được các sắc, con nít bảy ngày không thấy được mặt trời. Khổ diệt đế cũng như vậy, không phải là sở duyên của tâm thức của hết thảy phàm phu, cũng không phải là cảnh giới trí tuệ của hai thừa.[7]

Thức của phàm phu là sự điên đảo của hai kiến chấp. Trí của hết thảy A-la-hán và Bích-chi-Phật thì vốn thanh tịnh. Biên kiến, là phàm phu đối với năm thủ uẩn mà thấy là ngã, vọng tưởng chấp trước, sinh ra hai kiến chấp, đó gọi là biên kiến; tức là thường kiến và đoạn kiến.[Xem *Th.173.]

Thấy rằng các hành là vô thường,[8] ấy là đoạn kiến chứ không phải chánh kiến. Thấy rằng Niết-bàn là thường, ấy là thường kiến chứ không phải chánh kiến. Do vọng tưởng kiến chấp cho nên chủ trương như vầy: đối với các căn ở nơi thân, phân biệt, tư duy thấy rằng trong hiện tại chúng hủy hoại, mà không thấy dòng tương tục của sự hữu, do đó khởi lên đoạn kiến. Vì vọng tưởng kiến chấp vậy. Đối với tâm tương tục mà ngu tối, không tỏ rõ, không biết cảnh giới ý thức có gián  đoạn trong từng sát-na, nên khởi thường kiến.[9] Vì do vọng tưởng kiến chấp vậy.

Vọng tưởng kiến chấp này, đối với nghĩa kia, hoặc thái quá hoặc bất cập, phát sinh phân biệt với những ý tưởng dị biệt, hoặc cho là đoạn hoặc cho là thường. Chúng sanh điên đảo, đối với năm thủ uẩn vốn vô thường mà tưởng là thường, vốn khổ mà tưởng là lạc, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh.

Śrīmālādevī-siṃhanāda Sūtra, Taishō vol.12, text 353, chs.10-12, pp.221c25-222a20; cf. Vol.11, text 310, pp. 677a29-b23, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.152 Niết-bàn tạm thời và Niết-bàn cứu cánh

Đoạn này nêu rằng khi đức Phật nói về Niết-bàn hiện thế và Niết-bàn vượt ngoài sự chết như các A-la-hán chứng đắc, đó là Phật chỉ thuyết Niết-bàn tạm thời, với mục đích khích lệ. Mục đích thực sự, Niết-bàn chân thật, chỉ đạt được khi đã thành một vị Phật viên mãn. Vì vậy chỉ có một thừa duy nhất dẫn đến cứu cánh cao nhất, chứ không phải ba thừa dẫn đến việc thành A-la-hán, Bích-chi-phật, hoặc, ở đỉnh cao của Bồ- tát đạo, thành Phật viên mãn.[10] Con đường cuối cùng là cho tất cả.

Bằng các phương tiện thiện xảo của mình, này các tỳ-kheo, chư Như Lai, các bậc A-la-hán, thời xa xưa biết chúng sanh giới, bị lôi cuốn chí hướng hạ liệt, đắm mình trong vũng bùn ái dục. Vì vậy, này các tỳ-kheo, Như Lai thuyết Niết-bàn, khiến cho tín thọ, thắng giải.

Này các tỳ-kheo, ví như có một con đường hiểm khó vượt qua, dài năm trăm do-tuần, và có một nhóm đông người muốn vượt qua con đường đó để đến chỗ có kho tàng đại  bảo. Họ được dẫn đạo bởi một hướng đạo trí tuệ, đa văn, thông minh, có tài và thiện xảo đối với những khó khăn trong việc băng rừng. Vị này dẫn nhóm đồng hành vào rừng, nhưng mọi người dần mệt mỏi và kiệt sức, lo sợ, và nói rằng, ‘Hỡi  vị thánh giả hướng đạo, chúng tôi mệt mỏi và kiệt sức, run sợ lo không thể về lại. Chúng tôi muốn quay về. Con đường rừng khó đi này quá dài!

Rồi, này các tỳ-kheo, vị hướng đạo biết các phương tiện thiện xảo để vận dụng cho những người muốn quay về, nghĩ rằng, ‘Không thể để cho những kẻ đáng thương này bỏ tàng đại  bảo vì chuyện này.’ Thấu hiểu như vậy, vị ấy dùng phương tiện thiện xảo và bằng thần thông hóa hiện ra một tòa thành rộng lớn, cách trung tâm khu rừng một trăm,[11] hai trăm hay ba trăm do-tuần. Rồi vị ấy nói với mọi người rằng, ‘Chớ sợ. Chớ quay về. Đây là một nước lớn. Các người có thể nghỉ ngơi ở đây. Các người có thể làm những gì mình cần ở đây. Các người có thể chứng đắc Niết-bàn ở đây. Hãy dạo chơi ở đây và nghỉ ngơi. Khi các người đã làm xong những gì mình cần, các người hãy tiếp tục đi đến chỗ kho tàng đại bảo.’

Rồi, này các tỳ-kheo, những người đó, một cách đáng kinh ngạc và kỳ diệu, có cảm tưởng cuối cùng du hành xuyên qua được đoạn đường rừng khó đi, và nói, ‘Chúng tôi đã thoát khỏi con đường rừng khó đi, và chúng tôi sẽ trú tại đây trong Niết-bàn.’ Rồi, này các tỳ-kheo, những người kia vào thành được hóa hiện bởi thần thông, và biết mình đã vào. Họ biết mình đã được cứu. Rồi vị hướng đạo nghĩ, ‘Họ đã bỏ ý định quay về’, và khi vị ấy thấy họ đã nghỉ ngơi đủ, bèn khiến ngôi thành được hóa hiện bằng phương tiện thần thông của mình biến mất. Khi vị ấy khiến nó biến mất, vị ấy nói với mọi người, ‘Hãy đến đây, này các bạn hiền. Kho tàng đại bảo gần đây thôi. Tôi chỉ hóa hiện ra ngôi thành này để các người nghỉ ngơi.’

Cũng như vậy, này các tỳ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác là đạo sư của các ngươi và là đạo sư của hết thảy chúng sanh. Như vậy, này các tỳ-kheo, Như Lai, bậc A- la-hán, chánh đẳng giác thấy rõ các pháp. Có một con đường rừng lớn dài và khó đi của các phiền não cần phải đi qua, du hành, và chinh phục. Nếu họ nghe nói chỉ có một con đường duy nhất của Phật, thời sẽ không tiếp nhận một cách nghiêm trọng, sẽ chẳng đắc bát-Niết-bàn và vượt qua. Thuần thục con đường này của Phật có nhiều sự khó nhọc. Như Lai, do đó, thấy được sự yếu kém của các chúng sanh, như người hướng đạo kia, hóa hiện ra một tòa thành bằng thần thông của mình cho các chúng sanh nghỉ ngơi tại đó. Rồi khi họ đã nghỉ ngơi đủ, Ngài nói với họ, ‘Tòa thành này là hóa hiện’. Chỉ như vậy, này các tỳ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, bằng phương tiện thiện xảo của mình thuyết và hóa ra hai địa Niết-bàn dọc đường cho các chúng sanh có thể nghỉ ngơi. Đó là địa Niết-bàn của Thanh văn và của Bích-chi-phật. Khi các chúng sanh đạt đến các địa này, này các tỳ-kheo, thời Như Lai tuyên bố, ‘Này các tỳ-kheo, các người vẫn chưa viên mãn mục đích của mình. Các người vẫn chưa làm xong những gì cần phải làm, nhưng các người gần lắm rồi, này các tỳ-kheo. Các người nên quán sát thâm thiết trí tuệ Như Lai. Các người hãy tư duy thâm thiết. Niết-bàn của các người không phải là Niết-bàn chân thật. Này các tỳ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác đã tuyên bố có ba thừa được dùng như phương tiện thiện xảo.

107. Tỳ-kheo, Ta nói thật, ngươi chưa đắc Niết-bàn. Hãy phát đại tinh tấn, để chứng Nhất thiết trí.

108. Khi đắc Nhất thiết trí, mười lực, các phẩm tánh, của chư Tối Thắng Tôn, khi ngươi được thân Phật, ba mươi hai tướng hảo, bấy giờ ngươi chắc chắn, cũng chứng đắc Niết-bàn.

109. Chư Phật Đại Đạo sư, phương tiện thuyết Niết- bàn, cho chúng sanh nghỉ ngơi. Khi biết nghỉ đã đủ, dẫn thẳng vào Phật trí.

Saddharma-puṇḍarīka Sūtra, ch.7, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.153 Bát-nhã ba-la-mật quán tất cả như mộng, Niết-bàn cũng như mộng

Đoạn này nhấn mạnh bản tánh khó nắm bắt của chân lý như được truyền đạt trong các kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa: nó vượt ngoài ngôn từ, dù chỉ biểu thị bản tánh như mộng của các pháp.

Một số vị thiên tử trong hội chúng tự nghĩ như vầy, ‘Chúng  ta có thể hiểu ngôn từ chương cú của các dạ-xoa, những gì các dạ-xoa nói, dạ-xoa than khóc. Dù vậy chúng ta chẳng hiểu những gì Trưởng lão Subhūti nói, tuyên thuyết, chỉ giáo, diễn giải.’

Tôn giả Subhūti (Tu-bồ-đề / Thiện Hiện), bằng tâm của mình mà biết được ý nghĩ trong tâm của các thiên tử, liền bảo họ rằng, ‘Không có gì để hiểu, không có gì để hiểu, này các thiên tử. Cũng không có gì để chỉ bày, không có gì để được nghe.’

Các thiên tử bèn nghĩ rằng, ‘Mong Thánh giả Subhūti giải thích điều này! Mong Thánh giả Subhūti giải thích điều này! Những gì Thánh giả Subhūti đang thâm nhập ở đây, sâu xa hơn cả sâu xa, vi tế hơn cả vi tế. Những gì Thánh giả Subhūti đang thâm nhập, đang chỉ dạy, đang nói, uyên áo hơn cả uyên áo.’

Rồi Tôn giả Subhūti, bằng tâm của mình, biết được ý nghĩ trong tâm của các thiên tử, liền bảo họ mà rằng, ‘Này chư thiên tử, những ai muốn chứng quả Dự lưu, muốn trụ quả Dự lưu, không thể không nhẫn thọ Pháp khó nắm bắt này. Những ai muốn chứng quả Nhất lai, muốn trụ quả Nhất lai, không thể không nhẫn thọ Pháp khó nắm bắt này. Những ai muốn chứng quả Bất hoàn, muốn trụ quả Bất hoàn, không thể không nhẫn thọ Pháp khó nắm bắt này. Những ai muốn chứng quả A-la-hán, muốn trụ quả A-la-hán, không thể không nhẫn thọ Pháp khó nắm bắt này. Những ai muốn chứng quả Bích-chi-phật, muốn trụ quả Bích-chi-phật, không thể không nhẫn thọ Pháp khó nắm bắt này. Những ai muốn chứng Phật quả viên mãn, muốn trụ Phật quả viên mãn, không thể không nhẫn thọ Pháp khó nắm bắt này’

Rồi chư thiên nghĩ rằng, ‘Những người như thế nào là người tùy thuận nghe Thánh giả Subhūti thuyết pháp?’

Rồi Tôn giả Subhūti, bằng tâm của mình, biết được ý nghĩ trong tâm của chư thiên tử, liền bảo họ mà rằng, ‘Những ai nghe tôi thuyết pháp đều như huyễn, như trò huyễn thuật. Vì sao vậy? Vì không có gì để nghe, không có gì để chứng.’ Chư thiên tử lại bạch Tôn giả Subhūti, ‘Phải chăng pháp được nghe là như huyễn, người nghe cũng như huyễn, chúng sanh cũng như huyễn?’

Tôn giả Subhūti bảo chư thiên, ‘Các chúng sanh đều như huyễn, này chư thiên. Chúng sanh thảy đều như mộng, này chư thiên. Huyễn và chúng sanh, không hai, không khác. Tất cả pháp, này chư thiên, đều như huyễn, như mộng. Dự lưu và quả Dự lưu như huyễn, như mộng. Cũng như vậy, Nhất lai và quả Nhất lai, Bất hoàn và quả Bất hoàn, A-la-hán và quả A- la-hán như huyễn, như mộng. Bích-chi-phật như huyễn, như mộng. Quả Bích-chi-phật như huyễn, như mộng. Phật Vô thượng Chánh đẳng bồ-đề như huyễn, như mộng. Quả Phật Phật Vô thượng Chánh đẳng bô-đề như huyễn, như mộng.’ Chư thiên bạch Tôn giả Subhūti, ‘Bạch Thánh giả Subhūti, phải chăng Ngài nói rằng cho đến Phật Vô thượng Chánh đẳng bồ-đề cũng như huyễn, như mộng? Phải chăng Ngài nói rằng quả Phật Vô thượng Chánh đẳng bồ-đề như huyễn, như mộng?’

Ngài Subhūti nói, ‘Tôi, cho đến Niết-bàn, này chư thiên, cũng như huyễn, như mộng, các pháp khác cũng nhất thiết như vậy.’

Chư thiên bạch, ‘Bạch Thánh giả Subhūti, phải chăng Ngài nói rằng cho đến Niết-bàn cũng như huyễn, như mộng?’

Tôn giả Subhūti bảo, ‘Này chư thiên, giả sử có pháp nào thù thắng hơn cả Niết-bàn, tôi cũng nói rằng chính pháp ấy cũng như huyễn, như mộng. Huyễn và Niết-bàn, không hai, không khác. Mộng và Niết-bàn, không hai, không khác.’

Bấy giờ Tôn giả Śāriputra (Xá-lợi-phất? Xá-lợi Tử), Tôn giả Pūrṇa, con trai của bà Maitrāyaṇī (Mãn Từ Tử), Tôn giả Mahā-koṣṭhila (Ma-ha-câu-hi-la / Chấp Đại Tàng), Tôn giả Mahā-kātyāyana (Ma-ha Ca-chiên-diên), Tôn giả Mahā- kāśapa (Ma-ha Ca-diếp / Ẩm Quang), và các đại Thanh văn khác cùng với nhiều ngàn chư Bồ-tát, nói với Tôn giả Trưởng lão Subhūti rằng, ‘Thưa Tôn giả Subhūti, ai có thể tín thọ

Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm này?’

Tôn giả Ānanda liền nói với các vị Trưởng lão ấy, ‘Thưa chư Tôn giả, các Bồ-tát ma-ha-tát bất thoái chuyển, cụ túc chánh kiến, hay các A-la-hán lậu tận viên mãn nguyện có thể tín thọ

Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm này.’

Tôn giả Trưởng lão Subhūti khi ấy nói với các vị trưởng lão, ‘Thưa chư Tôn giả, không ai có thể tín thọ Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm này. Vì sao vậy? Không pháp nào được nói, không có pháp nào được hiển hiện, không có pháp nào được hiển thị. Vì không pháp nào được nói, không có pháp nào được hiển hiện, không có pháp nào được hiển thị ở đây, cho nên cũng không có người có thể tín thọ Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm này.’

Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā Sūtra, ch.2, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.154 Phật, Đại Bồ-tát, không trụ Niết-bàn, không trụ sanh tử

Nếu thấy tất cả pháp Bản tánh như Niết-bàn

Như vậy là thấy Phật Rốt ráo không chỗ trụ.

Ví như thuyền sư, không trụ bờ này, không trụ bờ kia, không trụ giữa dòng, có thể thường qua lại giữa các bờ mà đưa người từ bờ này sang bờ kia. Cũng như vậy, Bồ-tát ma-ha-tát, không trụ sanh tử, không trụ Niết-bàn, cũng không trụ ở giữa, do vậy có thể đưa chúng sanh đang ở bờ này sang bờ bên kia, nơi không có nguy hiểm, và không có ưu não.

Avataṃsaka Sūtra, Taishō vol.10, text 279, pp.102a05–06 and

107c, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.155 Phật quả là dành cho những người đấu tranh trong phiền não

Đoạn này quan niệm quả Phật toàn giác đắc được bởi những ai vẫn còn gần gũi với chúng sinh và những phiền não của họ, và từ bi giúp họ tiến lên phía trước.

Văn-thù-sư-lợi đáp: “Này thiện gia nam tử, người thấy vô vi, nhập chánh tánh quyết định, sẽ không thể phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Ai chưa thấy Thánh đế, trụ hữu vi, gia trạch phiền não, người ấy sẽ có thể phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng chánh giác.

Ví như, này thiện gia nam tử, các loại hoa thơm như sen xanh, sen hồng, thủy bách hợp, và sen trắng không mọc ở trên đất khô cằn; chúng chỉ mọc nơi chỗ bùn lầy. Cũng vậy, này thiện gia nam tử, các phẩm tánh của Phật không sanh trưởng trong những ai đã nhập chánh tánh, thấy vô vi. Các phẩm tánh của Phật sanh trưởng trong những chúng sanh đang ở trong những bùn lầy phiền não. Cũng như hạt giống không thể nảy mầm giữa hư không; mà chỉ có thể này mầm trong đất phân. Cho nên, người khởi hữu thân kiến lớn như núi Tu-di cũng có thể phát tâm bồ-đề.[12] Từ đó sanh trưởng các Phật pháp.

Này thiện gia nam tử, bằng pháp môn này, ông nên hiểu như vậy. Nên biết hết thảy phiền não đều là chủng tính của Như Lai. Ví như, này thiện gia nam tử, người không lặn xuống biển sâu thì không tìm được ngọc trai vô giá. Cũng vậy, người không vào nhà phiền não sẽ không tìm được ngọc Nhất thiết trí.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.7, section 3, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

***

[1] Bốn đại, tức bốn yếu tố cơ bản của vật chất.

[2] Bốn định vô sắc và tương ứng với bốn cõi, vượt ngoài cả các vi tế sắc.

[3] Trong vài truyền thống thủ bản gọi là Upāya.

[4] Dù rằng trong vài thủ bản, pabhaṃ (‘quang huy’) đọc là pahaṃ, có thể mang nghĩa là ‘biến thông hết thảy xứ’.

[5] Đây có lẽ chỉ cho ‘danh và sắc’ bao gồm cả liên kết thứ tư trong duyên khởi, được duyên bởi thức: xem đầu mục ở trên *Th.156, trong đó dùng cách dịch ‘danh và sắc’ ít theo nghĩa đen hơn.

[6] Đọc là Kevaddha trong vài truyền thống thủ bản.

[7] Của A-la-hán và Bích-chi-phật và những ai hướng đến các quả vị đó.

[8] Theo nghĩa kết thúc và không duyên cho sự khởi của các hiện tượng tương tự.

[9] Nghĩa là, họ xem dòng của sát-na-tâm là một tâm thể bất biến, và thấy thứ này vẫn còn tồn tại trong Niết-bàn.

[10] Mặc dù một số văn bản Đại thừa chấp nhận ý tưởng về ‘ba thừa’, với các mục tiêu khác nhau, trong đó một số người có thú hướng và thực sự chứng đạt.

[11] Cf. *L.19.

[12] Tức là, với những ai vọng tưởng kiến chấp thì họ vẫn có thể tầm cầu giác ngộ.