Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VIII. PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA ĐỆ TỨ
(TT)

KINH VĂN:

Nguyện ngã đắc Phật thanh tịnh thanh
Pháp âm phổ cập vô biên giới
Tuyên dương Giới, Định, Tinh Tấn môn
Thông đạt thậm thâm vi diệu pháp
Trí tuệ quảng đại thâm như hải
Nội tâm thanh tịnh tuyệt trần lao
Siêu quá vô biên ác thú môn
Tốc đáo Bồ Đề cứu cánh ngạn
Vô minh, tham, sân giai vĩnh vô
Hoặc tận, quá vong, tam-muội lực.

VIỆT DỊCH:

Nguyện con được tiếng Phật thanh tịnh
Pháp âm phổ cập vô biên cõi
Tuyên dương Giới, Định, Tinh Tấn môn
Thông đạt thậm thâm vi diệu pháp
Trí tuệ rộng lớn sâu như biển
Nội tâm thanh tịnh tuyệt trần lao
Vượt khỏi vô biên ác thú môn
Mau đến bờ Bồ Đề rốt ráo
Vô minh, tham, sân vĩnh viễn dứt
Hoặc tận, lỗi mất, tam-muội lực.

GIẢNG:

Nguyện ngã đắc Phật thanh tịnh thanh
Pháp âm phổ cập vô biên giới”.

Đây là tỳ kheo Pháp Tạng nguyện được đầy đủ hạnh đức lợi tha như Phật: Nguyện âm thanh đồng Phật, âm thanh thanh tịnh không có lầm lỗi ác hạnh, lìa hẳn phiền não cấu nhiễm, trọn khắp “vô biên giới”. Chữ “giới” ở đây có nghĩa là sai biệt. “ Phổ cập vô biên giới” là phổ biến khắp hết thảy.

Thế Tôn năm xưa ở đời lấy âm thanh làm Phật sự, chính là giảng kinh nói pháp, giáo hóa tất cả chúng sinh. Căn tánh chúng sinh thế giới Ta Bà, năng lực nghe mạnh hơn năng lực thấy. Đưa kinh sách cho họ xem, chưa chắc họ hiểu được, nhưng nói cho họ nghe, họ tiếp thu rất dễ dàng. Đúng như Bồ Tát Văn Thù trên hội Lăng Nghiêm có nói: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”.

Âm thanh thanh tịnh từ đâu mà có? Từ tâm thanh tịnh! Nếu tâm không thanh tịnh thì mắt không thanh tịnh, tai không thanh tịnh, âm thanh cũng không thanh tịnh: Tu Phật trước tiên là phải tu tâm thanh tịnh, kế đến tu tâm bình đẳng, sau cùng là tu tâm giác ngộ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.

Pháp âm phổ cập vô biên giới”, đây là sự thật! Trước đây, đọc câu kinh văn này, chúng ta cho rằng đó chỉ là nguyện vọng không thể là sự thật. Bây giờ, thâm nhập hiểu rõ Phật pháp, nhất là sau khi đọc “Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán” của Pháp sư Hiền Thủ, chúng ta mới thấy quả thật âm thanh cũng là hiện tượng dao động. Bất luận là dao động của vật chất hay dao động của ý niệm, tinh thần; vừa dao động liền chu biến pháp giới, đây hoàn toàn là sự thật. Âm thanh của Phật diệu đến chỉ dùng một âm thanh nói pháp, chúng sinh tùy loại đều hiểu được.

– Cầu loại đức năng này để làm gì?

– Để giáo hóa, phổ độ tận hư không khắp pháp giới tất cả chúng sinh, mới có thể thực hiện được nguyện thứ nhất trong “Tứ Hoằng Thệ nguyện”: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”.

Phổ cập vô biên giới”: là phổ biến khắp hết thảy. Muốn thực hiện được điều này, tâm lượng bạn phải lớn, giúp chúng sinh không phải chỉ riêng khu vực này, thành phố này, quốc gia này, thế giới này mà tận hư không khắp pháp giới, quá khứ, hiện tại, vị lai chúng sinh đều phải giúp. Phải chân thật phát được cái tâm này mới tương ưng với tự tánh, mới được oai thần chư Phật Như Lai gia trì. Vì sao? Vì cùng chư Phật Như Lai: Đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, đồng hạnh.

Phổ cập vô biên giới” cũng có nghĩa là không sót một pháp nào cho dù là rất nhỏ nhiệm; hiện nay khoa học gọi là “lượng tử”, đây là “tiểu quang tử”. “Tiểu quang tử” tu tập một nơi thành “hạ căn bản”. “Hạt căn bản” tu tập thành điện tử, nguyên tử, phân tử… cho đến “tế bào”.

– Âm thanh Phật thuyết pháp, mỗi tiểu quang tử có thể tiếp thu chăng?

– Có thể! Vì thể của nó là Ngũ uẩn: “Sắc, Thọ, Tưởng, hành, thức”. Tuy rất nhỏ nhiệm đến chúng ta không thể tưởng tượng được, nhưng nó vẫn có hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần; cũng chính là nói nó có “Kiến-văn-giác-tri”. Trong tự tánh gọi là “Kiến- văn-giác-tri”; trong A-lại-da gọi là “thọ-tưởng-hành-thức”. Cho nên, âm thanh Phật thuyết pháp, nó có thể tiếp thu. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”. Cuối cùng chúng ta đã thấu triệt, tình và vô tình đều có thể thành Phật là thật không phải giả!

Tuyên dương Giới, Định, Tinh Tấn môn”: Trích từ bản Tống dịch, đây là tĩnh lược, đích thật là nói “Lục Ba La Mật”. Học Phật, quan trọng nhất chính là Trì Giới, ý nghĩa của Trì Giới là thủ pháp; giữ qui củ chính là Trì Giới. Giáo huấn của Phật trong tất cả kinh đều là Giới; mỗi câu, mỗi chữ đều là Giới. Lìa Phật pháp, sống ở thế gian, ở quốc gia nào, ở thành phố nào đều phải tuân thủ luật pháp của quốc gia đó; thậm chí đến phong tục, tập quán, quan niệm đạo đức không có văn tự ghi chép cũng đều phải tuân thủ. Có câu: “Nhập cảnh tùy tục”, đến khu vực nào phải tuân theo phong tục, tập quán của khu vực đó, mới có thể cùng người chung sống hòa thuận. Đây đều là giới luật.

Muốn tiếp dẫn chúng sinh, Phật đề ra rất nhiều cương lĩnh, nguyên tắc như: Tứ Nhiếp Pháp, Tứ Tất Đàn v.v… hầu giúp chúng ta khi tiếp xúc, kết duyên với đại chúng được dễ dàng, khiến mọi người đều sinh tâm hoan hỉ, cung kính, từ đó họ có thể tiếp nhận giáo hóa của chúng ta.

Tuyên dương Giới, Định, Tinh Tấn môn”: Tất cả pháp môn trong Phật pháp đều cùng một mục tiêu là tu Định. Phương pháp tu Định không như nhau: Thiền tông dùng phương pháp Quán tâm, Thoại đầu; Giáo hạ dùng phương pháp Chỉ Quán, đọc tụng; Tịnh Độ tông dùng phương pháp Niệm Phật. Trong Niệm Phật có: Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, Trì Danh Niệm Phật v.v… Định là tinh hoa của tu học Phật pháp. Tịnh tông không gọi là Thiền định mà gọi là “nhất tâm bất loạn”.

Tinh Tấn”, hai chữ này rất quan trọng, chúng ta nhất định không thể xem thường. Ngày nay, chúng ta tu hành công phu không có lực, chính là không hiểu được đạo lý này. Tôi thường nói: Chúng ta đang làm là Tạp Tấn, làm quá nhiều, quá tạp! Tinh Tấn, chữ Tinh là tinh chuyên, chuyên nhất. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chỉ có thể chọn lấy một môn, đó chính là Tinh. Một môn thâm nhập thì có tiến bộ, đó chính là Tinh Tấn. Cho nên, Phật không hề dạy ta Tạp Tấn, cũng không dạy ta nhiều Tấn, mà dạy ta Tinh Tấn, vậy mới có đạo lý! Vì sao vậy? Tinh Tấn có thể được Định, Tinh Tấn có thể khai trí tuệ.

– Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện nói “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, câu nói này cùng Tinh Tấn có mâu thuẫn chăng?

–  “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” là học rộng nghe nhiều, không phải chuyên tinh, cùng với Tinh Tấn, phương pháp giáo học này cũng không hề tương phản. Thế nhưng, có thứ tự trước sau.

Khi sơ học mới vào cửa, nhất định phải tinh tấn, một môn thâm nhập. Một môn tinh tấn là tu “Giới-Định-Tuệ” Tam học. Học rộng nghe nhiều là Tam Tuệ của Bồ Tát gồm có: Văn Tuệ, Tư Tuệ, Tu Tuệ. Tuệ này là Tuệ của “Giới-Định-Tuệ”. Nếu chưa khai Tuệ, làm sao có được Tam Tuệ! Phải có nền tảng của   “Giới-Định-Tuệ”, sau đó mới có thể học rộng nghe nhiều, đó chính là “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.

Cho nên, Tinh Tấn có thể giúp ta hoàn thành “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, thành tựu đức hạnh của chính mình, đây là “Đoạn Đức”. Phiền não đoạn dứt mới hồi phục được tâm thanh tịnh, lúc này mới “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, mới học rộng nghe nhiều. Nếu đảo ngược thứ tự, trong đời này bạn sẽ không thành tựu, phương pháp bạn đã dùng sai! Tứ Hoằng Thệ Nguyện chính là dạy ta tuần tự thứ lớp: trước nhất là phải phát tâm, kế đến là phải đoạn phiền não, sau đó mới học pháp môn, pháp môn viên mãn thì thành Phật. Thứ tự này là tuần tự nhi tiến, không được rối loạn.

Thông đạt thậm thâm vi diệu pháp”: Đây là nói đến pháp rất sâu vô thượng được mười phương chư Phật khen ngợi, đó là Trì Danh Niệm Phật, thành tựu ngay trong một đời. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thập Ba-la-mật”, Bồ Tát Phổ Hiền nói “Thập Đại Nguyện Vương”, tất cả đều qui về một câu Phật hiệu. Hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền lãnh đạo bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại sĩ của thế giới Hoa Tạng vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, mới biết Pháp môn Tịnh Độ thù thắng vô cùng, quả thật không thể nghĩ bàn! Trong giáo lý Đại thừa nói: “Vạn pháp qui nhất” cũng chính là câu Phật hiệu “nam mô A-Di-Đà Phật” này.

Tỳ kheo Pháp Tạng nguyện đạt được pháp âm như Phật, rộng tuyên các diệu hạnh như Lục Độ v.v… vì muốn chúng sinh thông đạt pháp vi diệu rất sâu là Trì Danh Niệm Phật, “tâm tác tâm thị”. Câu “tâm tác tâm thị” là trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật: “Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật”. “Thị tâm thị Phật” là cái mà ta vốn có, như trong kinh Đại thừa đức Phật nói: “Tất cả chúng sinh vốn là Phật”. “Thị tâm tác Phật”: Ta vốn là Phật, bây giờ phát nguyện muốn thành Phật.

– Có thể thành tựu được chăng?

– Đương nhiên thành tựu! Vì chúng ta vốn là Phật.

– Phải như thế nào mới thành Phật?

– Thực hành được sáu pháp Ba-la-mật!

– Thực hành sáu pháp này ở đâu?

– Ngay tại câu Phật hiệu!

– Một câu Phật hiệu này đầy đủ cả sáu pháp Ba-la-mật. Trong tâm chỉ có câu Phật hiệu, ngoài ra đều buông bỏ hết, không để trong tâm, đây là đại xả, đại Bố Thí. Tuân thủ lời dạy của kinh điển “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”, đây là Trì Giới; Niệm Phật nghĩa là Trì Giới. Thành khẩn chỉ niệm một câu Phật hiệu, từ năm này đến năm khác, tuyệt đối không thay đổi, đó là Nhẫn Nhục. Nhẫn Nhục và Tinh Tấn là tiền phương tiện của Thiền Định. Hai chữ Tinh Tấn này rất quan trọng, đó là “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. “Nhất môn thâm nhập” là Tinh, “trường thời huân tu” là Tấn. Như vậy mới có thể được Định. Tuyệt đối không tham dự vào các pháp môn khác làm nhiễu loạn Tinh Tấn và Thiền định của chúng ta. Nhất tâm Niệm Phật là trí tuệ chân thật.

Cho nên, sáu Ba-la-mật đều bao gồm trong một câu Phật hiệu, đây gọi là “chân Niệm Phật”, gọi là “tâm tác”, “thị tâm tác Phật”; niệm niệm đều tương ưng với câu Phật hiệu này. Tôi thường khuyên các đồng tu: Người niệm Phật chân chánh phải thay đổi tâm. Trong tâm chỉ có Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra toàn là rác, phải đem đổ hết, dứt bỏ tất cả. Buông bỏ tất cả mới là tin Phật, đây gọi là biết Niệm, biết Niệm thì chắc chắn được vãng sinh.

Bốn câu đầu của phần kệ tụng này là mong cầu “giác tha Đức”, sáu câu tiếp theo là mong cầu “Tự giác Đức”. Trước hết, cầu pháp âm được tuyên lưu, sau cầu trí tuệ rộng như biển, đạt thẳng đến bờ bên kia rốt ráo.

“Trí tuệ quảng đại thâm như hải”: Trí tuệ là Bát Nhã. Trí Độ Luận nói: “Bát Nhã: Hán dịch là Trí Tuệ. Trong hết thảy các thứ trí tuệ, Bát Nhã là bậc nhất, vô thượng, không gì sánh, không chi bằng, không có gì hơn được nổi”.

Sách Vãng Sinh Luận Chú viết: “Bát Nhã là tên gọi của cái trí tuệ đã đạt Như”, nghĩa là Trí tuệ thông đạt được Chân Như gọi là Bát Nhã.

Sách Đại Thừa Nghĩa Chương giảng: “Thể của Chân Như sáng tỏ, tự tánh chẳng tối tăm, nên gọi là Tuệ”, cho thấy trí tuệ chính là bản thể của Chân Như sáng tỏ. Tự tánh là quang minh, cho nên sau khi kiến tánh, bạn sẽ nhìn thấy toàn thể vũ trụ là một ánh quang minh, là đại quang minh tạng.

Ngày nay, chúng ta thấy được ánh sáng là nhờ nhật nguyệt đăng quang. Nếu nhật nguyệt đăng bị che khuất, toàn thể vũ trụ sẽ là một mảng tối đen, đó là “vô minh”. Hư không là bóng tối, vũ trụ là tối đen! Nếu “minh tâm kiến tánh”, vũ trụ là trong sáng không phải bóng tối, nó không cần ánh sáng của nhật, nguyệt, mà ánh sáng tự nhiên vốn đã là trong suốt, đây là trí tuệ Bát Nhã trong tự tánh hiện tiền.

– Rốt cuộc chúng ta thật sự kiến tánh hay chưa?

– Từ chỗ này sẽ thấy: Khi nào bạn nhìn thấy toàn thể vũ trụ là một ánh quang minh, bạn đã “minh tâm kiến tánh”. Nếu nhìn thấy toàn thể vũ trụ là một mảng tối đen tức là chưa đạt đến cảnh giới này. Ngay khi “minh tâm kiến tánh”, trí tuệ rộng sâu như biển thì nội tâm ắt cũng thanh tịnh, không ác, không lỗi, ly cấu, ly nhiễm, dứt sạch các trần lao nên nói: Nội tâm thanh tịnh tuyệt trần lao”, như Tâm Kinh dạy: “Hành thâm Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” (Lúc thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa một cách sâu xa, soi thấy năm Uẩn đều là không, vượt khỏi hết thảy khổ ách).

Chúng ta thấy trong phần phát nguyện cầu “Tự giác Đức” của kệ tụng, trước tiên nói ngay đến Trí tuệ, vì Trí tuệ là tối thượng. Hơn nữa, chỉ dùng Trí mới vượt nổi biển cả sinh tử, như bản Hán dịch chép:

Đàn Thí điều phục ý, Nhẫn, Giới, cập Tinh Tấn, như thị tam-muội định, trí tuệ vi thượng tối” (Đàn Thí, điều phục ý. Giới, Nhẫn và Tinh Tấn. Tam-muội định như thế, trí tuệ là tối thượng).

Ngài Gia Tường giảng: “Thấu hiểu năm Độ mới là hạnh, chưa thể thoát khỏi sinh tử; cần phải do trí tuệ thấu đạt cội nguồn mới có thể giải thoát. Do đó, trí tuệ là tối thượng”. Ý nói năm Độ trước mặc dù được Thiền Định, nếu không khai trí tuệ cũng chưa thể thoát ly sinh tử. Muốn thoát ly lục đạo phải có trí tuệ, có trí tuệ mới nhìn thấu chân tướng hư vọng của Lục đạo mà không còn tham luyến, như vậy mới có thể siêu việt.

Nội tâm thanh tịnh tuyệt trần lao”: Chữ “trần lao” này nghĩa rất rộng. Trong Phật pháp: Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, Vô Minh phiền não đều thuộc về “trần lao”. “Trần lao” là phiền não, là nguyên nhân chính của luân hồi lục đạo. “Trần” là ngũ dục lục trần, “lao” là hình dung từ. Người tham đắm ngũ dục lục trần sẽ rất lao khổ, gian nan, sống trong phiền não, thân tâm mệt nhọc!

Nhờ sức trí tuệ rộng sâu như biển, trong tâm tuyệt dứt mọi phiền não nhiễm ô, nên có thể vượt khỏi vô biên, vô số các nẽo ác như: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nên nói:

“Tốc đáo Bồ Đề cứu cánh ngạn
Vô minh, tham, sân giai vĩnh vô”

(Vượt khỏi vô biên ác thú môn, mau đến bờ Bồ Đề rốt ráo): “Bồ Đề” ở đây là “viên mãn Bồ Đề”, chính là giác ngộ đến cùng tột, trọn vẹn nhất của bậc Bồ Tát, đại hạnh viên mãn đạt đến Phật quả cứu cánh. “Tốc đáo” là rất nhanh.

– Dùng phương pháp gì có thể “tốc đáo Bồ Đề cứu cánh”?

-Trì Danh Niệm Phật, phát nguyện vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc là ổn định, dễ dàng, và nhanh chóng nhất.

Bài kệ trên đây, tỳ kheo Pháp Tạng đã làm ra tấm gương tốt nhất cho chúng ta, biết được chính mình phải tu học như thế nào? Không đoạn phiền não thì không thể nào thành tựu; không đoạn phiền não không thể “siêu việt ác thú môn”, đương nhiên cũng không thể “tốc đáo Bồ Đề cứu cánh ngạn”.

“Vô minh, tham, sân giai vĩnh vô
Hoặc tận, quá vong, tam-muội lực.”.

Vô minh” là tên khác của Si. Vô minh, tham và sân là Tam Độc. Do trí tuệ đạt đến bờ kia, lại do sức tam-muội nên vĩnh viễn không còn Tam Độc, Tam Hoặc (Kiến Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc, Vô Minh Hoặc), phiền não đều hết sạch, bao lỗi lầm cũng đều đoạn tận.

“Tam-muội”: Còn gọi là Chánh Định, Chánh Thọ, Đẳng Trì. Sách Thám Huyền Ký, quyển ba giảng: “Tam-muội, Hán dịch là Đẳng Trì. Vì chẳng chìm nổi, vì trí tuệ bình đẳng nên gọi là Đẳng. Do tâm chẳng tán loạn, trụ vào một cảnh nên gọi là Trì”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, chữ “Đẳng” của “Đẳng Trì” ở đây là chỉ cho Định-Tuệ bình đẳng. Người tu thiền rất chú trọng điều này: Nếu Định-Tuệ không bình đẳng, tâm sẽ không an định được; nếu Tuệ nhiều hơn Định sẽ khiến tâm trôi nổi, sinh khởi vọng niệm; nếu Định nhiều hơn Tuệ sẽ khiến tâm hôn trầm. Cho nên, Định- Tuệ nhất định phải bình đẳng.

Ở Niệm Phật Đường, sau khi đi nhiễu Phật mấy vòng, bắt đầu ngồi xuống chỉ tịnh thì vọng niệm lại khởi lên quá nhiều, đây là Tuệ nhiều hơn Định. Có người, khi ngồi xuống mấy phút là ngủ gục, ngủ rất say, lại còn ngáy, đó là Định nhiều hơn Tuệ. Nhất định Định- Tuệ phải bình đẳng thì công phu mới đắc lực. Khi vọng niệm quá nhiều phải khiến tâm định lại bằng cách Niệm Phật, chuyên chú vào câu Phật hiệu, buông bỏ tạp niệm. Nếu hôn trầm, hãy đứng lên lạy Phật hoặc nhiễu Phật, dùng phương pháp này điều chỉnh bản thân để công phu được đắc lực hơn.

Đẳng Trì là như thế, lìa trầm phù: “Trầm” là hôn trầm, “phù” là tâm không Định. Tâm không tán loạn, trụ vào một cảnh gọi là “Trì”. Trong các tam-muội, chỉ có “Niệm Phật tam-muội” là tối tôn đệ nhất, Kinh Đại Tập gọi “Niệm Phật tam-muội” là “Bảo Vương tam-muội”. Tam-muội được nói trong bài kệ tụng ở đây chính là Niệm Phật tam-muội.

Sáu câu phát nguyện ở phần cuối của bài kệ trên, lấy Trí tuệ để mở đầu, lấy “Bảo Vương tam-muội” và “Giới-Định-Tuệ” v.v… để kết thúc, thật là ý chỉ sâu xa.

KINH VĂN:

Diệc như quá khứ vô lượng Phật
Vị bỉ quần sanh đại đạo sư
Năng cứu nhất thiết chư thế gian
Sinh lão bệnh tử chúng khổ não
Thường hành Bố Thí cập Giới,
Nhẫn Tinh Tấn, Định, Tuệ, lục Ba-la
Vị độ hữu tình linh đắc độ
Dĩ độ chi giả, sử thành Phật
Giả linh cúng dường hằng sa thánh
Bất như kiên dũng cầu Chánh Giác.

VIỆT DỊCH:

Cũng như vô lượng Phật quá khứ
Làm đại đạo sư cho quần sanh
Cứu độ hết thảy các thế gian
Sanh, lão, bệnh, tử… các khổ não
Thường hành Bố Thí và Giới,
Nhẫn Tinh Tấn, Định, Tuệ, sáu Ba La
Hữu tình chưa độ khiến được độ
Kẻ đã được độ, khiến thành Phật
Giả sử cúng dường hằng sa thánh
Chẳng bằng kiên dũng cầu Chánh Giác.

GIẢNG:

Theo chú giải của cụ Hoàng: Đoạn kệ trên đây diễn tả ý mong cầu đức Giác Tha của Phật. Ý nghĩa bốn câu kệ đầu là “Như Phật cứu khổ”.

“Diệc như quá khứ vô lượng Phật
Vị bỉ quần sanh đại đạo sư” .

(Cũng như vô lượng Phật quá khứ, làm đại đạo sư cho quần sanh). Tỳ kheo Pháp Tạng nguyện được như hết thảy vô lượng  chư Phật trong quá khứ, làm “đại đạo sư” cho hết thảy hữu tình, dẫn dắt chúng sinh lìa khổ được vui, từ mê được ngộ, thoát biển sinh tử, nhập Phật Tri Kiến, lại dùng các thứ phương tiện khiến hết thảy chúng sinh được sức vô úy. Vì thế, ngài nói:

“Năng cứu nhất thiết chư thế gian
Sinh lão bệnh tử chúng khổ não”.

(Cứu độ hết thảy các thế gian sinh, lão, bệnh, tử v.v… các khổ não).

Chữ “đại đạo sư” ở đây là xưng hô đối với Phật. Chỉ có Phật mới có thể chỉ đạo, dìu dắt chúng sinh siêu việt sinh tử luân hồi, siêu việt mười pháp giới thành Phật, thành Tổ. Chỉ có Phật mới gánh vác nổi vai trò này, nên tôn xưng Phật là “đại đạo sư”.

Nói một cách thô thiển; Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới là “chư thế gian”. Tam giới không an ví như nhà lửa, đều thuộc trong biển sinh tử nên nguyện cứu độ. Nói ở mức độ cao hơn, ngay cả những vị ở bậc Địa Tiền (theo tự điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam: Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên là Địa thượng. Trước Sơ Địa gọi là Địa tiền) vẫn còn thuộc thế gian, vô minh chưa dứt, nên cũng cần phải độ thoát họ.

“Thế gian”, theo Hòa Thượng Tịnh Không: Chữ “Thế” của Trung Quốc là “tam thập”, tức là ba cái “mười”. Trung Quốc thời xưa, ba mươi năm gọi một đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai. “Gian” là không gian. “Thế gian” còn gọi là “thế giới”, “giới” cũng là không gian. Ghép hai chữ “thế” và “gian” lại chính là không gian và thời gian. Trong “Thời Không” đều bao gồm tất cả ở trong đó.

Trong Phật pháp gọi “chư thế gian” là chỉ cho ba loại thế gian: Hữu tình thế gian, khí thế gian, và Chánh Giác thế gian. Giới học thuật hiện nay phân ra: Động vật, thực vật và khoáng vật. Động vật do hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần kết hợp mà sinh ra, trong Phật pháp gọi là “hữu tình thế gian”. Thực vật và khoáng vật là vật chất trong đó không có tinh thần, Phật pháp gọi là “khí thế gian”. “Chánh Giác thế gian” chỉ cho chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, những bậc giác ngộ. Thế giới vô lượng vô biên, chư Phật cũng vô lượng vô biên. Mỗi thế giới đều có ba loại thế gian này, trong đây có một vị Phật giáo hóa chúng sinh, đó là “đại đạo sư”.

Trong hết thảy vô lượng vô biên thế giới, Phật đều có năng lực cứu, nên nói “năng cứu nhất thiết chư thế gian”. Trong thế gian có “sinh lão bệnh tử chúng khổ não”, rõ ràng nhất là chúng sinh trong sáu cõi. Các khổ não này trên kinh Phật gọi là: Ba khổ, tám khổ.

Bốn câu kệ kế tiếp từ “Thường hành Bố Thí” trở đi là nói đến bổn nguyện đại bi vô tận của Pháp Tạng Bồ Tát: Nguyện thường hành Lục Độ phổ độ chúng sinh.

Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện chép: “Chư Phật Như Lai dĩ đại bi tâm vi thể cố, nhân ư chúng sinh nhi khởi đại bi, nhân ư đại bi sinh Bồ Đề tâm, nhân Bồ Đề tâm thành Đẳng Chánh Giác. Thí như khoáng dã sa tích chi trung hữu đại thụ vương, nhược căn đắc thủy, chi diệp hoa quả, tất giai phồn mậu. Sanh tử khoáng dã Bồ Đề thọ vương, diệc phục như thị, nhất thiết chúng sinh nhi vi thọ căn, chư Phật, Bồ Tát nhi vi hoa quả. Dĩ đại bi thủy nhiêu ích chúng sinh, tắc năng thành tựu chư Phật, Bồ Tát trí tuệ hoa quả”. (Do chư Phật Như Lai lấy Đại Bi làm thể, nên đối với chúng sinh khởi Đại Bi. Do Đại Bi nên sinh Bồ Đề tâm. Do Bồ Đề tâm thành Đẳng Chánh Giác. Ví như trong chốn sa mạc rộng lớn có một cây thật to, nếu rễ của nó hút được nước thì cành, lá, hoa, quả thảy đều sum xuê. Cây chúa Bồ Đề trong chốn đồng hoang sinh tử cũng giống như vậy. Hết thảy chúng sinh là rễ cây, chư Phật Bồ Tát là hoa quả. Lấy nước Đại Bi làm lợi chúng sinh thì thành tựu được hoa quả trí tuệ của chư Phật, Bồ Tát).

Từ bi là sự yêu thương có giác ngộ. Kinh Đại Nhật cũng dạy: “Đại Bi vi căn” (Đại Bi làm rễ). Ở đây, ngài Pháp Tạng cũng thế. Do đại bi nên rộng hành Lục Độ, phổ độ quần sanh. Chúng ta học Phật, nếu không có tâm Đại Bi thương xót tất cả chúng sinh thì không thể có thành tựu.

Ngày nay, làm cha mẹ đã quay ngược lại hiếu thảo con cái, không phải con cái hiếu thảo cha mẹ, thiên hạ làm sao không loạn được! Thiên tai là từ đây mà có! Sự bất hiếu này hủy diệt nguồn gốc! Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, câu đầu tiên là “Hiếu dưỡng cha mẹ”, câu kế tiếp là “Phụng sự sư trưởng”, đây là căn bản. Thân mạng ta có được là từ cha mẹ; tuệ mạng có được là từ thầy, Tổ, đại ân đại đức, căn bản lớn lao. Nếu sơ suất điều này, quên mất đi hoàn toàn thì những thứ còn lại chỉ là giả! Cho dù bất luận tương lai bạn thành tựu đến đâu, chỉ cần không có nền tảng này, nói khó nghe một chút, quả báo của bạn nhất định ở trong Tam Đồ!

Trong thế gian hạng người nào khổ nhất? Người tự tư tự lợi khổ nhất! Người đeo đuổi danh văn lợi dưỡng khổ nhất! Người tham đắm ngũ dục lục trần khổ nhất! Người đầy dẫy tham, sân, si, mạn khổ nhất! Khổ đến mức xem kinh Phật cũng không hiểu! Phật, Bồ Tát có đến dạy, họ cũng không hiểu! Vì sao? Vì nghiệp chướng, tập khí của họ quá nặng! Những gì họ nghe, họ đọc không phải là ý của Phật mà là ý của chính họ! Chỉ có người thật sự tâm Đại Bi mới có thể hiểu.

Kinh Hoa Nghiêm nêu ra mười loại đương cơ. Đương cơ là đối tượng học tập, tu học. Loại đương cơ thứ nhất là Pháp Thân Đại Sĩ, là thuần chánh đương cơ, nghĩa là đức Phật chủ yếu nói với họ. Họ hoàn toàn dùng chân tâm, đã chuyển “Bát thức” thành “Tứ Trí”, mỗi người đều phát tâm Đại Bồ Đề. Sau cùng là người có đầy đủ tâm Đại Bi, thật sự họ đã quên đi cái ta, khởi tâm động niệm đều chỉ nghĩ đến chúng sinh khổ nạn, làm sao giúp họ được lìa khổ được vui. Tuy chưa “minh tâm kiến tánh” nhưng họ rất gần gũi, rất tương ưng với “Bồ Tát minh tâm kiến tánh”, vì thế họ cũng có thể hiểu và hưởng được lợi ích.

Đại Sư Ấn Quang nói rất cụ thể: “Một phần thành kính được một phần lợi ích. Hai phần thành kính được hai phần lợi ích. Mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Nói cách khác, không có tâm thành kính sẽ không có được lợi ích. Ý câu này rất thâm sâu! Chư Phật, Bồ Tát ứng hóa ở thế gian, nếu không tìm thấy người có tâm chân thành, họ liền sẽ ra đi vì không có nhân duyên, không có người khế cơ. Nhưng nếu trong đại chúng được một, hai người có tâm chân thành; Phật, Bồ Tát sẽ ở lại mà giáo hóa họ, chủ yếu là nói với họ, người khác chỉ dự thính. Người đương cơ này rất có thể không phải là lục đạo chúng sinh, mà đến từ cõi trời. Nếu họ không đến, Phật sẽ không giảng kinh, họ đến là để độ chúng sinh.

Nên nhớ lúc đức Thế Tôn thị hiện ở thế gian này, khi sao mai vừa mọc, ngài “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Lúc ấy, không thấy có người đương cơ, ngài liền khởi niệm, muốn nhập Niết Bàn. Khi đó, người cõi trời Tịnh Cư nhìn thấy, liền lập tức xuống cõi Ta Bà, biến thành kẻ phàm phu đến thỉnh Phật trụ thế, thỉnh Phật chuyển Pháp luân và đức Phật đã nhận lời (Người trời Tịnh Cư là ở trong trời Tứ Thiền. Trong trời Tứ Thiền có chín tầng trời, trong đó có năm loại gọi là “Ngũ Bất Hoàn Thiên”, không còn trở lại cõi Dục. Những thiên nhân này, Tiểu thừa gọi đó là “Tam Quả” trở lên; trong Đại thừa như Kinh Hoa Nghiêm nói đó là “Bồ Tát Lục Tín vị”. Từ “Sơ Tín” đến “Lục Tín” vị, họ ở trong “Ngũ Bất Hoàn Thiên”). Do vậy mà người cõi trời Tịnh Cư có ân đức rất lớn đối với chúng ta. Ở đây, chúng ta cũng có đặt bài vị cúng dường thiên nhân.