增 壹 阿 含 經
KINH TĂNG NHẤT A-HÀM
Đông Tấn Cồ Đàm Tăng Ca Đề Bà dịch
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
PL 2541 – TL 1997

 

TẬP II

XXXVII. PHẨN LỤC TRỌNG (1)

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các Thầy nên nhớ nghĩ pháp lục trọng, kính trọng, giữ mãi trong lòng đừng cho quên mất. Thế nào là sáu?

Ở đây Tỳ-kheo thân hành niệm từ, như ngắm hình trong gương, đáng kính, đáng quý, chớ cho quên mất.

Lại nữa, khẩu hành niệm từ, ý hành niệm từ, đáng kính, đáng quý, chớ cho quên mất.

Lại nữa, được các thứ pháp lợi, hay cùng các người Phạm hạnh dùng chung, cũng không có tưởng bỏn xẻn. Pháp này đáng kính, đáng quý, chớ để quên mất.

Lại nữa, có các cấm giới không hư không hại, rất hoàn toàn không thiếu sót, được người trí quý. Lại muốn cho giới này bủa khắp cho người khiến đồng mùi vị này. Pháp này đáng kính, đáng quý, chớ để quên mất.

Lại nữa chánh kiến Hiền Thánh được xuất yếu. Cái thấy như thế muốn các người Phạm hạnh cùng đồng pháp này, cũng đáng quý, chớ để quên mất.

Ðó là, Tỳ-kheo! Có pháp lục trọng này, đáng kính, đáng quý, chớ để quên mất.

Thế nên, các Tỳ-kheo! Thường nên tu hành thân, khẩu, ý hành. Nếu được đồ lợi dưỡng, nên nhớ phân phát, chớ khởi tưởng tham. Như thế, các Tỳ-kheo nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỉ vâng làm.

2. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở bên suối A-nậu-đạt, cùng đại chúng Tỳ-kheo năm trăm người câu hội, đều là A-la-hán, tam đạt lục thông, thần túc tự tại, tâm không sợ hãi, chỉ trừ một Tỳ-kheo là A-nan.

Bấy giờ Thế Tôn ngồi trên hoa sen vàng, bảy báu làm cọng, và năm trăm Tỳ-kheo ai nấy đều ngồi hoa sen báu. Khi đó, Long vương A-nậu-đạt đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.

Long vương xem khắp thánh chúng xong, bạch Thế Tôn:

– Nay con xem trong chúng đây trống thiếu không đầy đủ, còn thiếu Tôn giả Xá-lợi-phất. Cúi mong Thế Tôn sai một Tỳ-kheo gọi Xá-lợi-phất đến đây.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất ở Tinh xá Kỳ Hoàn vá y cũ. Thế Tôn bảo Mục-liên:

– Ông đến chỗ Xá-lợi-phất bảo Xá-lợi-phất: “Long vương A-nậu-đạt muốn gặp Thầy”.

Mục-liên đáp:

– Xin vâng Thế Tôn.

Khi ấy Tôn giả Ðại Mục-liên như trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay đi đến Tinh xá Kỳ Hoàn, gặp Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:

– Như Lai có dạy rằng: “Long vương A-nậu-đạt muốn được gặp Thầy”.

Xá-lợi-phất đáp:

– Ông đi trước đi, tôi sẽ đến sau!

Mục-liên nói:

– Tất cả Thánh chúng và Long vương A-nậu-đạt ngóng đợi tôn nhan muốn được thấy mặt thầy, mong đi ngay chớ có trễ giờ.

Xá-lợi-phất đáp:

– Ông đến đó trước, tôi sẽ đến sau.

Mục-liên lập lại:

– Thế nào Xá-lợi-phất! Trong những người có thần túc, lại có thể hơn tôi chăng mà nay lại bảo tôi đi trước? Nếu Xá-lợi-phất không đứng dậy đi, tôi sẽ nắm tay bắt đến suối đó.

Khi ấy, Xá-lợi-phất nghĩ: “Mục-liên tìm cách đùa thử ta đây!” Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất tự cởi dây kiệt-chi (lưng) để xuống đất, bảo Mục-liên rằng:

– Nếu Thầy là thần túc đệ nhất, thì bây giờ nhấc dây này khỏi mặt đất đi, rồi hãy nắm tay tôi dẫn đến suối A-nậu-đạt.

Mục-liên liền nghĩ: “Nay Xá-lợi-phất lại đùa cợt ta, muốn thử nhau chăng? Nay Ông ta cởi dây lưng để trên đất nói: “Có thể nhấc lên được sau mới nắm tay ta dẫn đến suối”. Mục-liên lại nghĩ: “Ðây ắt có nguyên nhân, chớ không thì đâu có khổ công vậy”.

Liền duỗi tay nắm dây nhấc lên, nhưng dây không nhúc nhích chút nào. Khi đó Mục-liên dùng hết sức dời sợi dây mà không thể khiến động đậy. Xá-lợi-phất bèn lấy dây này cột vào cành cây Diêm-phù, Tôn giả Mục-liên đem hết thần lực muốn nhấc sợi dây này mà không thể dời được. Ngay lúc nhấc sợi dây thì đất Diêm-phù chấn động mạnh.

Khi ấy Xá-lợi-phất bèn nghĩ: “Tỳ-kheo Mục-liên còn có thể khiến cõi Diêm-phù chấn động, hà huống dây này. Nay ta nên cầm dây này cột vào hai thế giới”. Bấy giờ Mục-liên cũng lại nhấc nữa. Xá-lợi-phất lại cột dây vào ba thế giới, bốn thế giới, Mục-liên cũng có thể nhấc lên như nhấc chiếc áo nhẹ.

Bấy giờ Xá-lợi-phất lại nghĩ: “Tỳ-kheo Mục-liên đủ sức nhấc bốn thế giới cũng không đáng kể. Nay ta cầm dây này cột vào lưng núi Tu-di”. Khi ấy Mục-liên lại có thể làm động núi Tu-di này và cung trời Tứ thiên vương, cung trời Tam thập tam thảy đều dao động.

Xá-lợi-phất lại đem dây này cột ngàn thế giới, Mục-liên cũng có thể làm chấn động. Xá-lợi-phất lại lấy dây này cột hai ngàn thế giới, ba ngàn thế giới cũng bị Mục-liên làm chấn động. Khi ấy đất trời chấn động mạnh, chỉ có Như Lai ngồi ở suối A-nậu-đạt không di động, ví như lực sĩ đùa lá cây không khó khăn.

Khi ấy, Long vương A-nậu-đạt bạch Thế Tôn:

– Nay trời đất này cớ sao chấn động?

Thế Tôn nói rõ nguyên nhân cho Long vương:

Long vương bạch Phật:

– Thần lực của hai người này, ai hơn?

Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thần lực lớn nhất.

Long vương bạch Phật:

– Thế Tôn trước có thọ ký rằng Tỳ-kheo Mục-liên thần túc đệ nhất, không ai hơn.

Thế Tôn bảo:

– Long vương! Ông nên biết có bốn thần túc. Thế nào là bốn? Tự tại tam-muội thần túc. Tinh tấn tam-muội thần túc. Tâm tam-muội thần túc. Giáo giới tam-muội thần túc. Này Long vương! Có sức của bốn thần túc này, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni có bốn thần túc này, thân cận tu hành không buông bỏ. Ðây tức là thần lực đệ nhất.

Long vương A-nậu-đạt bạch Phật:

– Tỳ-kheo Mục-liên không được bốn thần lực này sao?

Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo Mục-liên cũng được bốn thần lực này, thân cận tu hành chẳng hề buông bỏ, Tỳ-kheo Mục-liên muốn trụ thọ mạng hết kiếp cũng có thể làm được. Nhưng tam-muội mà Xá-lợi-phất nhập, Tỳ-kheo Mục-liên không biết tên gọi.

Khi ấy Tôn giả Xá-lợi-phất lại nghĩ: “Ba ngàn đại thiên quốc độ, Mục-liên đều có thể di chuyển, côn trùng bị chết không thể kể xiết. Nhưng chính ta nghe tòa của Như Lai không thể di động. Nay ta nên lấy dây này cột vào tòa của Như Lai”.

Bấy giờ Tôn giả Mục-liên lại dùng thần túc nhấc dây này lên, nhưng không nhúc nhích. Mục-liên bèn nghĩ: “Không phải ta bị thối chuyển thần túc rồi sao mà nay nhấc dây này chẳng thể động đậy? Nay ta đến chỗ Thế Tôn, để hỏi nghĩa này”. Mục-liên bỏ sợi dây, dùng thần túc đến chỗ Thế Tôn, từ xa thấy Xá-lợi-phất ngồi trước Như Lai. Thấy rồi Mục-liên bèn nghĩ: “Ðệ tử Thế Tôn thần túc đệ nhất không ai hơn ta. Nhưng ta chẳng bằng Xá-lợi-phất sao?

Bấy giờ Tôn giả Mục-liên bạch Phật:

– Con đối với thần túc có bị thối chuyển không? Vì sao thế? Con từ Tinh xá Kỳ Hoàn đi trước, Xá-lợi-phất đi sau. Nay Tỳ-kheo Xá-lợi-phất lại đến trước, ngồi trước Như Lai.

Phật nói:

– Thần túc của Thầy không thối chuyển, nhưng pháp thần túc tam-muội mà Xá-lợi-phất nhập, Thầy không biết. Vì sao thế? Tỳ-kheo Xá-lợi-phất trí tuệ không có hạn lượng, tâm được tự tại. Thầy không bằng Xá-lợi-phất theo tâm. Xá-lợi-phất tâm thần túc được tự tại. nếu Tỳ-kheo Xá-lợi-phất tâm nghĩ đến gì liền được tự tại.

Ðại Mục-liên tức thời im lặng. Khi ấy Long vương A-nậu-đạt hoan hỷ mừng rỡ không kềm được:

– Nay Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, rất có thần lực chẳng thể nghĩ nghì, khi nhập tam-muội, Tỳ-kheo Mục-liên chẳng biết tên gọi.

Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho Long vương A-nậu-đạt, khuyên bảo khiến cho hoan hỷ, liền ở đó thuyết giới. Sáng sớm Phật đem các Tỳ-kheo Tăng trở về thành Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Khi ấy, các Tỳ-kheo nói với nhau:

– Thế Tôn đích thân thọ ký, trong hàng Thanh văn của ta, người thần túc đệ nhất là Tỳ-kheo Mục-liên, nhưng hôm nay chẳng bằng Xá-lợi-phất.

Bấy giờ các Tỳ-kheo khởi tâm khinh mạn đối với Mục-liên. Ðức Thế Tôn liền nghĩ: “Các Tỳ-kheo này sanh tưởng khinh mạn đối với Mục-liên, sẽ chịu tội khó kể”.

Ngài bảo Mục-liên:

– Thầy hãy hiện thần lực cho đại chúng này xem, đừng để đại chúng khởi tưởng lười biếng.

Mục-liên đáp:

– Xin vâng, Thế Tôn!

Bấy giờ Mục-liên lạy Phật, rồi ở trước Như Lai biến mất, đi đến cách bảy hằng sa cõi Phật, ở phương Ðông có Phật tên Kỳ Quang Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đó. Mục-liên dùng y phục bình thường đến cõi đó đi trên miệng bát. Nhân dân nước đó hình thể rất to lớn. Các Tỳ-kheo trông thấy Mục-liên rồi, nói với nhau:

– Các Thầy xem con sâu này giống như Sa-môn.

Các Tỳ-kheo bắt xuống đưa cho Phật.

– Thưa Thế Tôn! Nay có một con sâu giống Sa-môn.

Kỳ Quang Như Lai bảo các Tỳ-kheo:

– Phương Tây cách đây bảy hằng sa thế giới; cõi đó có Phật tên Thích-ca Văn Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Ðây là đệ tử thần túc đệ nhất của Ngài.

Bấy giờ Phật kia bảo Tôn giả Mục-liên:

– Các Tỳ-kheo này khởi ý khinh mạn, Thầy hãy hiện thần lực cho đại chúng xem!

Mục-liên đáp:

– Xin vâng, Thế Tôn!

Mục-liên nghe lời Phật dạy, lấy bình bát đựng năm trăm Tỳ-kheo nước đó đem lên trời Phạm thiên. Khi ấy Mục-liên lấy chân trái để lên núi Tu-di, chân phải đặt lên trời Phạm thiên, rồi nói bài kệ:

Thường nên nhớ chuyên cần,
Tu hành nơi Phật pháp,
Hàng phục chúng ma oán,
Như điều phục được voi.
Nếu hay ở pháp này,
Năng hành không phóng dật,
Sẽ dứt nguồn mé khổ,
Không còn các não nữa.

Bấy giờ Như Lai dùng âm thanh này vang khắp tinh xá Kỳ Hoàn. Các Tỳ-kheo nghe xong đến bạch Phật:

– Mục-liên đứng ở đâu mà nói kệ này.

Thế Tôn bảo:

– Ðây là Tỳ-kheo Mục-liên cách cõi Phật này bảy hằng sa thế giới về phía Ðông, dùng bình bát đựng năm trăm Tỳ-kheo ở đó, chân trái bước lên núi Tu-di, chân phải đặt lên trời Phạm Thiên mà nói kệ này.

Các Tỳ-kheo khen:

– Chưa từng có, thật là kỳ đặc! Tỳ-kheo Mục-liên có đại thần túc thế mà chúng con khởi tâm coi thường Mục-liên. Cúi mong Thế Tôn khiến Mục-liên đem năm trăm Tỳ-kheo đến đây.

Khi ấy Thế Tôn từ xa hiện đạo lực khiến Tôn giả Mục-liên biết ý. Mục-liên bèn dẫn năm trăm Tỳ-kheo đến thành Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho mấy ngàn vạn chúng. Mục-liên đem năm trăm Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn. Ðệ tử Phật Thích-ca Văn ngước nhìn các Tỳ-kheo ấy. Khi đó Tỳ-kheo ở thế giới phương Ðông lễ chân Thế Tôn rồi ngồi một bên. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo ấy rằng:

– Tỳ-kheo các Thầy từ đâu tới? Là đệ tử của ai? Ði đường hết bao lâu?

Năm trăm Tỳ-kheo kia bạch Phật Thích-ca Văn:

– Thế giới của chúng con nay ở phương Ðông. Phật tên Kỳ Quang Như Lai, chúng con là đệ tử của Ngài. Nhưng nay chúng con chẳng biết từ đâu đến, đã trải qua mấy ngày!

Thế Tôn bảo:

– Các Thầy có biết thế giới của Phật chăng?

Các Tỳ-kheo đáp:

– Thưa vâng, Thế Tôn! Chúng con muốn trở về cõi ấy.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo ấy:

– Nay Ta sẽ nói với các Thầy về pháp lục giới. Hãy khéo suy nghĩ.

Các Tỳ-kheo đáp:

– Xin vâng, Thế Tôn.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy rồi.Thế Tôn bảo:

– Thế nào gọi là pháp lục giới? Này Tỳ-kheo! Nên biết sáu giới của người bẩm thọ tinh khí của cha mẹ mà sanh. Thế nào là sáu? Nghĩa là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Ðó là này Tỳ-kheo, có sáu giới này. Thân người nhân tinh huyết mà sanh lục nhập. Thế nào là sáu? Nghĩa là nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập, ý nhập. Ðó là, này Tỳ-kheo, có sáu nhập này do cha mẹ mà có được. Ðã nương theo sáu nhập liền có sáu thức. Thế nào là sáu? Nếu nương nhãn nhập thì có nhãn thức, rồi nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Ðó là, này Tỳ-kheo, đây gọi là sáu thức thân.

Nếu có Tỳ-kheo hiểu sáu giới, sáu nhập, sáu thức này, có thể đến sáu cõi trời thọ nhân. Nếu ở đó hết tuổi thọ lại sanh cõi này, thông minh tài cao. Ở ngay thân hiện tại dứt hết kiết sử được đến Niết-bàn.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Mục-liên:

– Nay Thầy đem các Tỳ-kheo này trở về cõi Phật kia.

Mục-liên đáp:

– Xin vâng, Thế Tôn!

Khi ấy, Mục-liên lại lấy bát đựng năm trăm Tỳ-kheo, nhiễu Phật ba vòng lui đi, như trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay, đã đến cõi Phật kia. Bấy giờ Mục-liên thả các Tỳ-kheo ra, lễ chân Phật kia rồi trở về cõi Nhân này. Các Tỳ-kheo cõi kia nghe lục giới này rồi, các trần cấu sạch, được pháp nhãn thanh tịnh.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Trong hàng đệ tử Ta, Thanh văn thần túc đệ nhất khó ai theo kịp là Tỳ-kheo Ðại Mục-kiền-liên.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỉ vâng làm.

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở nước Bạt-kỳ trong vườn Ngưu Sư Tử. Các Tỳ-kheo cao đức có thần túc là Hiền giả Xá-lợi-phất, Hiền giả Ðại Mục-kiền-liên, Hiền giả Ca-diếp, Hiền giả Ly-việt, Hiền giả A-nan v.v… năm trăm người câu hội.

Khi ấy, Ðại Mục-kiền-liên, Ðại Ca-diếp, A-na-luật, sáng sớm đến chỗ Xá-lợi-phất. Tôn giả A-nan từ xa trông thấy ba Ðại Thanh văn đến chỗ Xá-lợi-phất, liền bảo Tôn giả Ly-việt rằng:

– Ba Ðại Thanh văn đi đến ngài Xá-lợi-phất, hai người chúng ta cũng nên đến chỗ Xá-lợi-phất. Vì sao thế? Ðể nghe ngài Xá-lợi-phất thuyết đầy đủ pháp kỳ diệu.

Ly-việt đáp:

– Việc này nên lắm!

Rồi Ly-việt, A-nan đến chỗ Xá-lợi-phất. Khi ấy Xá-lợi-phất nói:

– Kính chào chư Hiền! Mời đến đây ngồi!

Xá-lợi-phất bảo A-nan:

– Nay tôi có điều muốn hỏi, vườn Ngưu Sư Tử này rất vui thích, hương trời tự nhiên tỏa khắp bốn phương, làm sao khiến cho vườn này được vui thích?

A-nan đáp:

– Tỳ-kheo nghe nhiều chẳng quên, tổng trì nghĩa vị của các pháp, tu hành Phạm hạnh đầy đủ, những pháp như thế cũng không sót mất; vì bốn bộ chúng mà thuyết pháp, chẳng mất thứ lớp, cũng chẳng thô tháo, không có loạn tưởng. Như thế, Tỳ-kheo ở vườn Ngưu Sư Tử được vui thích.

Xá-lợi-phất bảo Ly-việt rằng:

– Hôm nay A-nan đã diễn thuyết rồi. Nay tôi lại muốn hỏi nghĩa Thầy. Vườn Ngưu Sư Tử vui thích như vậy. Nay Thầy hãy nói tiếp nghĩa ấy thế nào?

Ly-việt đáp:

– Ở đây Tỳ-kheo thích chỗ nhàn vắng, tư duy tọa Thiền, tương ưng với chỉ quán. Như thế Tỳ-kheo thích ở trong vườn Ngưu Sư Tử.

Khi ấy Xá-lợi-phất bảo A-na-luật:

– Nay Thầy nên nói nghĩa của vui thích.

A-na-luật đáp:

– Tỳ-kheo có thiên nhãn thấy suốt xem xét chúng sanh: người chết, người sanh, sắc lành, sắc ác, đường lành, đường dữ, hoặc đẹp, hoặc xấu, thảy đều biết hết. Hoặc có chúng sanh thân, miệng, ý làm ác; phỉ báng Hiền Thánh, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục; hoặc lại có chúng sanh thân, miệng, ý làm lành, chẳng phỉ báng Hiền Thánh, ví như sĩ phu quán không trung, thảy đều đầy đủ. Tỳ-kheo có thiên nhãn cũng lại như thế, xem xét thế giới chẳng có nghi nan. Như thế, Tỳ-kheo ở trong vườn Ngưu Sư Tử vui thích như thế.

Xá-lợi-phất bảo Ca-diếp:

– Nay tôi hỏi Thầy, chư Hiền như thế đã nói về nghĩa vui thích. Nay Thầy nên nói tiếp.

Ca-diếp đáp:

– Tỳ-kheo hành hạnh A-lan-nhã (tịch tịnh), lại dạy người khác khiến hành A-lan-nhã; tán thán đức của nhàn tịnh, thân mình mặc y chằm vá, lại dạy người khiến hành đầu đà. Thân tự tri túc ở chỗ nhàn cư, lại dạy người khác khiến tu hành này. Thân mình giới đức đầy đủ, tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, lại dạy người khác khiến hành pháp này; tán thán pháp này rồi lại khuyến hóa; lại dạy người khác khiến hành pháp này, giáo huấn không chán. Như thế, Tỳ-kheo ở trong vườn Ngưu Sư Tử vui thích không gì sánh bằng.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo Ðại Mục-kiền-liên:

– Chư Hiền đã nói nghĩa vui thích. Nay Thầy nên nói tiếp nghĩa vui thích; vui thích trong vườn Ngưu Sư Tử vô song, nay Thầy muốn nói thế nào?

Mục-liên đáp:

– Ở đây, Tỳ-kheo có đại thần túc, đối thần túc được tự tại. Họ có thể biến hóa vô số sự việc không khó khăn; cũng hay phân một thân thành vô số thân, hoặc hợp lại làm thành một thân; vách đá đều qua được, vọt lên, biến mất tự tại cũng như thuyền lướt trên sông, chim bay trên không trung không dấu vết. Ví như lửa mạnh thiêu đốt núi rừng, cũng như mặt trời trăng không đâu chẳng chiếu; cũng có thể đưa tay sờ nhật nguyệt; cũng có thể hóa thân đến trời Phạm thiên. Như thế, Tỳ-kheo thích hợp ở trong vườn Ngưu Sư Tử.

Khi ấy Mục-liên bảo Xá-lợi-phất:

– Chúng tôi mỗi người tùy chỗ mà biện thuyết rồi, nay muốn hỏi nghĩa Xá-lợi-phất, vườn Ngưu Sư Tử rất là vui thích. Những Tỳ-kheo nào nên ở trong ấy.

Xá-lợi-phất nói:

– Tỳ-kheo có thể hàng phục tâm, mà tâm không thể hàng phục Tỳ-kheo. Nếu Tỳ-kheo ấy muốn được tam-muội tức thời Tỳ-kheo ấy được tam-muội, tùy ý xa gần thành tam-muội, liền hay thành tựu đầy đủ. Ví như nhà Trưởng giả có y phục tốt đẹp đựng đầy rương. Bấy giờ Trưởng giả ấy muốn lấy loại y phục nào thì tùy ý lấy không khó khăn, cũng hay tùy ý nhập vào trong tam-muội. Ðây cũng như thế, tâm hạnh khiến Tỳ-kheo, chẳng phải Tỳ-kheo hay khiến tâm, tùy ý vào tam-muội cũng không khó. Như thế Tỳ-kheo hay khiến tâm, chẳng phải tâm khiến Tỳ-kheo. Người như thế nên ở trong vườn Ngưu Sư Tử.

Bấy giờ Xá-lợi-phất bảo chư Hiền:

– Chúng ta đã tùy theo sự biện bác của mình mà nói, mỗi người tùy cách thức khéo thuyết nghĩa này. Nay chúng ta nên đến hỏi Thế Tôn: Tỳ-kheo thế nào thích ở trong vườn Ngưu Sư Tử? Nếu Thế Tôn có nói gì, chúng ta sẽ vâng làm.

Các Tỳ-kheo đáp:

– Ðúng vậy, Xá-lợi-phất.

Bấy giờ các đại Thanh văn đều dẫn nhau đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến cúi lạy Thế Tôn rồi ngồi một bên. Các đại Thanh văn đem nhân duyên này bạch đầy đủ với Phật.

Khi ấy, Thế Tôn bảo:

– Lành thay! Như lời A-nan nói. Vì sao thế? Tỳ-kheo A-nan nghe pháp, hay tổng trì, gìn giữ hết các pháp, tu hành Phạm hạnh đầy đủ; pháp như thế khéo nghe không quên, cũng không tà kiến; thuyết pháp cho bốn bộ chúng, lời nói không lầm lẫn, cũng không thô bạo.

Tỳ-kheo Ly-việt thuyết cũng hay thay! Vì sao thế? Ưa ở chỗ nhàn vắng, không ở trong nhân gian, thường nhớ tọa Thiền, cũng không tranh tụng; tương ưng với chỉ quán, nhàn cư tịch tĩnh.

Tỳ-kheo A-na-luật cũng lại hay thay! Vì sao thế? Tỳ-kheo A-na-luật thiên nhãn đệ nhất. Thầy ấy dùng thiên nhãn quán sát tam thiên thế giới, giống như người có mắt xem hạt châu trong bàn tay; Tỳ-kheo A-na-luật cũng lại như thế. Thầy ấy dùng thiên nhãn quán tam thiên đại thiên thế giới, không có nghi nan.

Nay Tỳ-kheo Ca-diếp cũng lại hay thay! Vì sao thế? Tỳ-kheo Ca-diếp tự thân mình hành A-lan-nhã, lại hay tán thán hạnh nhàn cư. Thân hay khất thực, lại hay khen ngợi đức khất thực. Thân mặc y chằm vá, lại hay tán thán đức mặc y chằm vá. Thân mình tri túc, laị hay khen ngợi đức tri túc. Thân mình ở hang núi, lại tán thán đức ở hang núi. Thân mình giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến tuệ thành tựu, lại có thể dạy người thành tựu năm phần Pháp thân này. Thân có thể giáo hóa, lại có thể dạy người khiến hành pháp này.

Lành thay! Lành thay! Như lời Mục-liên nói. Vì sao thế? Tỳ-kheo Mục-liên có đại oai lực, thần túc đệ nhất, tâm được tự tại, ý muốn thân ấy làm gì thì có thể làm xong; hoặc hóa một thân phân làm vạn ức, hoặc hợp trở lại làm một; vách đá đều qua được không chướng ngại, ẩn hiện tự tại như vào nước không chướng ngại; như chim bay trong không, không có vết chân. Ví như nhật nguyệt không chỗ nào chẳng chiếu hay hóa thân đến trời Phạm thiên.

Lành thay! Như lời Xá-lợi-phất nói. Vì sao thế? Xá-lợi-phất hay hàng phục tâm, chẳng phải tâm hàng phục Xá-lợi-phất. Nếu lúc muốn nhập tam-muội, thì có thể thành tựu không có nghi nan. Ví như Trưởng giả có y phục tốt đẹp, tùy ý lấy không nghi nan; Tỳ-kheo Xá-lợi-phất cũng lại như thế, có thể hàng phục tâm, chẳng phải tâm có thể hàng phục Xá-lợi-phất; tùy ý nhập tam muội, thảy đều ở trước mắt.

Lành thay! Lành thay! Các Tỳ-kheo! Các Thầy mỗi người tùy theo phương tiện mà nói. Nhưng nay lại nghe ta nói: Tỳ-kheo thế nào vui ở vườn Ngưu Sư Tử?

Tỳ-kheo nương ở trong thôn xóm. Người ấy đến giờ đắp y, ôm bát vào làng khất thực, khất thực xong trở về chỗ ở, rửa tay, rửa mặt, ở dưới gốc cây chính thân, chính ý, ngồi kiết-già, cột niệm ở trước, Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng: “Nay ta ngồi tòa bất hoại, phải nên dứt hữu lậu thành tựu vô lậu”.

Bấy giờ Tỳ-kheo ấy tâm hữu lậu liền được giải thoát. Tỳ-kheo như thế thích hợp ở trong vườn Ngưu Sư Tử. Tỳ-kheo như thế chuyên cần tinh tấn, không có giải đãi, ở đâu cũng được sùng kính. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỉ vâng làm.

4. Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Ta sẽ nói về chú nguyện có sáu đức. Các Thầy hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ.

Các Tỳ-kheo đáp:

– Xin vâng, Thế Tôn!

Bấy giờ các Tỳ-kheo đã nhận lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

– Thế nào gọi là sáu đức? Ở đây đàn-việt thí chủ thành tựu ba pháp. Ðàn-việt thí chủ thành tựu ba pháp thế nào? Ở đây đàn-việt thí chủ thành tựu tín căn, thành tựu giới đức, thành tựu sự nghe. Ðó là đàn-việt thí chủ thành tựu ba pháp này. Pháp bố thí vật lại thành tựu ba pháp. Thế nào là ba? Là vật kia sắc thành tựu, vị thành tựu, hương thành tựu. Có ba pháp này. Ðó là này Tỳ-kheo! Có sáu việc này đạt được công đức lớn, danh đức vang xa, đạt được quả báo cam lồ.

Thế nên, các Tỳ-kheo nếu muốn thành tựu sáu việc này, nên nhớ bố thí. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỉ vâng làm.

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp cho vô số chúng. Khi ấy trên tòa có một Tỳ-kheo sanh ý niệm này: “Mong Như Lai bảo cho ta những điều luận thuyết”. Khi đó Như Lai biết tâm của Tỳ-kheo ấy liền bảo các Tỳ-kheo”.

– Nếu có Tỳ-kheo sanh niệm này: “Như Lai sẽ đích thân giáo huấn ta”. Tỳ-kheo ấy giới thanh tịnh, không có vết nhơ, tu hành chỉ quán, ưa chỗ nhàn vắng. Nếu Tỳ-kheo ấy ý muốn cầu y phục, thức ăn uống” giường chõng, thuốc men, cũng phải nên giới đức thành tựu, ở chỗ vắng vẻ mà tự tu hành, tương ưng với chỉ quán. Nếu Tỳ-kheo ấy ý muốn tri túc, nên nhớ đức đầy đủ, ở chỗ nhàn vắng tự tu hành, tương ứng với chỉ quán.

Nếu Tỳ-kheo ấy muốn bốn bộ chúng, Quốc vương, nhân dân, các loại hữu hình trông thấy và hiểu biết mình; thì nên nhớ giới đức đầy đủ.

Nếu Tỳ-kheo ấy ý muốn cầu Tứ thiền, khoảng giữa không có tâm hối hận, cũng không biến đổi thì nên nhớ giới đức thành tựu.

Nếu Tỳ-kheo muốn cầu tứ thần túc thì cũng nên giới đức đầy đủ.

Nếu Tỳ-kheo ý lại muốn cầu tám môn giải thoát không chướng ngại thì nên nhớ giới đức đầy đủ.

Nếu Tỳ-kheo ý lại muốn cầu thiên nhĩ nghe suốt hết tiếng trời người thì nên nhớ giới đức đầy đủ.

Nếu Tỳ-kheo ý muốn biết ý nghĩ trong tâm người khác, các căn thiếu sót thì cũng nên nhớ giới đức đầy đủ.

Nếu Tỳ-kheo ấy ý muốn cầu biết tâm ý chung sanh, tâm có dục, tâm không dục, tâm có sân hận, tâm không sân giận, tâm có ngu si, tâm không ngu si, như thực mà biết; tâm có ái, tâm không ái, tâm có thọ, tâm không thọ, như thực mà biết; tâm có loạn, tâm không loạn; tâm tật đố, tâm không tật đố; tâm nhỏ hẹp, tâm không nhỏ hẹp; tâm có hạn lượng, tâm không hạn lượng; tâm có độ, tâm không độ; tâm có tam-muội, tâm không tam-muội; tâm có giải thoát, tâm không giải thoát, như thực mà biết; muốn được như thế, nên nhớ giới đức đầy đủ.

Nếu Tỳ-kheo ý muốn được vô lượng thần túc phân một thân thành vô số, lại hợp trở lại thành một; xuất hiện biến mất tự tại, hóa thân cho đến Phạm thiên thì nên nhớ giới đức đầy đủ.

Nếu lại Tỳ-kheo ý muốn cầu tự nhớ việc vô số kiếp đời trước, hoặc một đời, hai đời, cho đến ngàn đời, trăm ngàn ức đời, kiếp thành kiếp hoại, kiếp thành hoại không thể tính kể: “Ta từng chết đây sanh kia tên gì họ gì, hoặc từ nơi kia chết, đến sanh nơi đây”; tự nhớ việc vô số kiếp như thế thì nên nhớ giới đức đầy đủ, mà không có niệm khác.

Nếu lại, Tỳ-kheo ý muốn cầu thiên nhãn thấy suốt, quán chúng sanh đường lành, đường ác, sắc lành sắc ác, hoặc đẹp hoặc xấu, như thực mà biết; hoặc lại có chúng sanh thân, miệng, ý làm ác, phỉ báng Hiền thánh, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục; hoặc lại có chúng sanh thân, miệng, ý làm lành, chẳng phỉ báng Hiền Thánh, tâm ý chánh kiến, thân hoại mạng chung sanh cõi lành lên trời; nếu muốn như thế thì nên nhớ giới đức đầy đủ.

Lại nữa, nếu Tỳ-kheo ý muốn cầu dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không tái sanh nữa, như thực mà biết thì nên nhớ giới đức đầy đủ, trong từng suy nghĩ không có loạn tưởng, ở nơi vắng vẻ thì Tỳ-kheo ấy nên nhớ giới đức đầy đủ, không có các niệm khác, oai nghi thành tựu đầy đủ, lỗi nhỏ thường sợ, huống là lỗi lớn.

Nếu có Tỳ-kheo ý muốn cùng luận đàm với Như Lai thì nên thường nhớ giới đức đầy đủ; giới đức đã đầy đủ nên nhớ văn đầy đủ, văn đã đầy đủ nên nhớ thí đầy đủ, thí đã đầy đủ nên nhớ trí tuệ đầy đủ, giải thoát tri kiến thảy đều đầy đủ.

Nếu có Tỳ-kheo giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân đầy đủ, liền được thiên long, quỷ thần thấy biết cúng dường, đáng kính, đáng quý, trời người phụng sự.

Thế nên, Tỳ-kheo nên nhớ ngũ phần pháp thân đầy đủ là ruộng phước của đời, không ai có thể hơn được. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỉ vâng làm.

Pages: 1 2