Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

CẦN TU KIÊN TRÌ ĐỆ TỨ THẬP LỤC

Trong phẩm này, đức Thế Tôn phó chúc ba vấn đề: Thứ nhất là dặn dò đại chúng thủ hộ kinh này. Thứ hai là dạy đại chúng nên cứu giúp chúng sinh. Thứ ba là dạy hạnh phải tương ứng với tín giải để cầu sinh Tịnh Ðộ.

KINH VĂN:

Phật cáo Di Lặc: – Chư Phật Như Lai vô thượng chi pháp, thập lực vô úy, vô ngại, vô trước, thậm thâm chi pháp, cập Ba La Mật đẳng Bồ Tát chi pháp, phi dị khả ngộ. Năng thuyết pháp nhân, diệc nan khai thị. Kiên cố thâm tín, thời diệc nan tao. Ngã kim như lý tuyên thuyết như thị quảng đại vi diệu pháp môn, nhất thiết chư Phật chi sở xưng tán, phó chúc nhữ đẳng, tác đại thủ hộ.

VIỆT DỊCH:

Phật bảo Di Lặc: – Pháp vô thượng của chư Phật Như Lai như thập lực vô úy, pháp thậm thâm vô ngại, vô trước và các pháp Ba La Mật  của Bồ Tát chẳng thể dễ gặp. Người có khả năng thuyết pháp cũng khó khai thị. Người tin sâu kiên cố thời cũng khó gặp. Ta nay đúng như lý tuyên nói pháp môn vi diệu, rộng lớn, được tất cả chư Phật khen ngợi, phó chúc cho các ông thực hiện sự thủ hộ lớn lao.

GIẢNG:

Ðoạn đầu trong phẩm này là lời Phật phó chúc hộ trì kinh này.  “Phật cáo Di Lặc: – Chư Phật Như Lai vô thượng chi pháp” (Phật bảo Di Lặc: – Pháp vô thượng của chư Phật Như Lai). Chữ “vô thượng chi pháp” được  Vãng Sinh Luận Chú giảng như sau: “Vô thượng là đạo này cùng lý, tận tánh, không còn gì cao hơn” nên gọi là pháp vô thượng, cũng gọi là Niết Bàn, là cảnh giới của Diệu Giác Như Lai. Đại Trí Ðộ Luận nói: “Nên biết không có pháp nào hơn được Niết Bàn”.

Trong Phật pháp, bất luận là Đại thừa hay Tiểu thừa; Hiển giáo hay Mật giáo; Tông môn hay Giáo môn, mục tiêu sau cùng là nhập Đại Bát Niết Bàn, khế nhập đến cùng tận của lý tánh.

“Thập lực” là mười lực dụng của đức Như Lai vốn có:

* Một là: Giác thị xứ phi xứ trí lực. Theo Hòa thượng Tịnh Không: Chữ “giác” chính là không mê, là thông đạt, thấu triệt. Chữ “Xứ” (處 chù) ở đây có nghĩa là đạo lý. – Đạo lý gì? – Là “đạo lý, phi đạo lý của tri vật”. Ý nói: Rõ biết thế nào là “thị xứ” (tức đạo lý), thế nào là “phi xứ” (tức “phi đạo lý”) – Thế nào là “thị xứ”, “phi xứ”?

* Vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc là “thị xứ”. Ba đường ác là “phi xứ”; lục đạo luân hồi là “phi xứ”, ngay đến mười pháp giới cũng là “phi xứ”!

* Vì sao vậy?

* Vì không thể chứng được Vô Thượng Bồ Đề! Đây là trên mặt lý mà nói. Nếu trên mặt sự, thì theo sách chú giải của cụ Hoàng: “Trí lực biết được đạo lý và phi đạo lý của chúng sinh, cũng có nghĩa là trí biết tất cả nhân duyên, quả báo của chúng sinh. Tạo nghiệp vui được báo vui, nhân quả phù hợp với nhau thì gọi là “thị xứ”. Tạo nghiệp ác lại cầu quả vui thì nhân quả trái nghịch nhau nên gọi là “phi xứ”, như chúng ta thường nói “vô hữu thị xứ” (không có lẽ ấy).

Chữ “trí lực” ở đây, theo Hòa thượng Tịnh Không, chính là chân thật trí tuệ trong kinh nầy nói. Năng lực trí tuệ này bao trùm tất cả vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Ví như chúng ta thường nói: Vũ trụ từ đâu mà có? Vũ trụ phát sinh như thế nào? v.v… Những vấn nạn này, khoa học cổ kim đều không có kết luận chính xác, cách nói rất nhiều, nhưng không được viên mãn! Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, dùng kính viễn vọng thiên văn, kính viễn vọng vô tuyến; những gì tìm kiếm được vẫn là có hạn. Đó chính là khoa học kỹ thuật vẫn chưa đủ.

Hai trăm năm gần đây, phương hướng tìm kiếm là dùng vật chất, chính là vật lý học, không giải quyết được vấn đề! Họ bắt đầu chuyển hướng về tâm lý, dùng hiện tượng tinh thần làm đối tượng nghiên cứu, tìm kiếm và đã phát hiện được. Đây là Max Planck, nhà khoa học người Đức, đã tìm ra căn nguyên của vật chất, có thể nói đó là một cống hiến vĩ đại. – Vật chất rốt cuộc là gì? – Ông đã tìm được câu giải đáp hoàn toàn giống như trong kinh Phật nói. Điều này thật đáng nể, khiến người phải khâm phục!

Ba ngàn năm trước, đức Phật đã nói ra chân tướng sự thật. Ngày nay khoa học mới hiểu được rõ ràng minh bạch về “bản chất của vật chất là ý niệm”. Vấn đề này, chúng ta từ Bồ Tát Xứ Thai kinh, thấy rõ đối thoại giữa Thế Tôn và Bồ tát Di Lặc, đã nói lên chân thật này: Trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức một trăm ngàn niệm, tức là ba trăm hai mươi triệu ý niệm vi tế. “Niệm niệm thành hình, hình đều có thức”, ý nói trong mỗi ý niệm đều có hình sắc (tức là hiện tượng vật chất) và thọ, tưởng, hành, thức (tức hiện tượng tinh thần). Nói cách khác, trong mỗi ý niệm đều đầy đủ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Căn bản của hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần từ đây mà có. Có ý niệm mới có vật chất, không có ý niệm không có vật chất.

Nhờ báo cáo khoa học của Max Planck, chúng ta mới thấu suốt được ý nghĩa câu đáp của Bồ tát Di Lặc với đức Thế Tôn trong kinh Bồ tát Xứ Thai.

– Lãnh hội được ý nghĩa này có lợi ích gì?

– Có thể cứu địa cầu!

Ngày nay, trái đất có quá nhiều thiên tai. Thiên tai này là hiện tượng vật chất.

– Có cách gì cứu vãn được thiên tai chăng?

– Ý niệm có thể cứu được!

Ông Baladen, nhà khoa học người Mỹ đã nhận định như sau:

“Chỉ cần cư dân trên trái đất có thể quay đầu, bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm thì không những có thể hóa giải được thiên tai mà còn đưa trái đất đến một tương lai tốt đẹp hơn”. Nhưng, đáng tiếc thay! Người hiểu được điều này không nhiều. Đây là chân tướng sự thật.

* Hai là: Nghiệp trí lực, biết được nhân quả, nghiệp báo trong ba đời của tất cả chúng sinh, đồng thời cũng biết đó là thiện hay bất thiện, hữu lậu hay vô lậu. Theo Hòa thượng Tịnh Không: Chữ “nghiệp” ở đây là tạo tác, bao gồm khởi tâm động niệm vô cùng vi tế. Người thường đều sơ suất, không có năng lực biết được chính xác ý niệm của mình là thiện hay bất thiện nên dễ sinh ra hậu quả không thể lường trước.

Chúng ta học Kinh Hoa Nghiêm, học Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán mới biết: Bất luận là có ý hay vô ý, hễ khởi một ý niệm, lập tức liền chu biến pháp giới, so với sóng điện từ và ánh sáng còn nhanh hơn rất nhiều. Ánh sáng mặt trời chiếu đến địa cầu phải mất hơn tám phút. Nhưng, ý niệm thì lập tức chu biến pháp giới,  liền khởi tác dụng. – Tác dụng gì? – Là xuất sinh vô tận! Biết đâu ý niệm của chúng ta ở đây không nhìn thấy có biến hóa gì, nhưng ở tinh cầu khác đã khởi biến hóa, điều này vô cùng có thể. Như trên vai chúng ta có bệnh, nhưng dưới chân lại đau. Vai không đau mà dưới chân đau; đây là có chiêu cảm. Cùng một đạo lý: Ở đây chúng ta khởi ý niệm ác, tinh cầu khác liền xảy ra sự cố, đó gọi là đối ứng trong đại vũ trụ mà thân ta là tiểu vũ trụ. Cho nên, tuyệt đối không được có ác niệm. Chúng ta khởi thiện niệm, dù ứng đối ở đâu đều là tốt cả, vậy sao không tu thiện niệm mà khởi ác niệm?! Biến pháp giới, hư không giới với ta là nhất thể, nên nhớ là như vậy.

Chữ “lậu” là đại danh từ của phiền não. Lục đạo luân hồi có tất cả ba loại phiền não lớn là kiến tư phiền não, trần sa phiền não và vô minh phiền não. Phàm phu qua các cửa lục căn mà rò rỉ ra phiền não, nên gọi phiền não là “lậu”. Phiền não có thể khiến con người rơi vào tam ác đạo nên gọi là “Hữu lậu”. Pháp xa lìa khỏi phiền não gọi là “Vô lậu”.

Tứ Thánh pháp giới đối với lục đạo là “vô lậu”, nhưng so với Bồ tát Đại thừa, họ là “hữu lậu”, bởi họ còn Trần Sa phiền não Vô Minh phiền não. Họ chỉ mới đoạn tận có “Kiến tư phiền não”. Thật sự đến “Vô lậu” là Pháp Thân Đại Sĩ ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai. Họ đã đoạn tận tất cả khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước; chỉ còn tập khí vô thỉ vô minh mà thôi. Tập khí này không đáng ngại, phải cần đến ba đại A Tăng Kỳ Kiếp mới đoạn tận.

* Ba là: Định trí lực là Trí lực biết các Thiền Định, giải thoát tam-muội. Theo Hòa thượng Tịnh Không: “Định” là tánh đức; mặt trái của Định là tâm nông nổi. Tâm nông nổi thì không học được gì cả.

– Định lực nên bắt đầu học từ đâu?

– Theo giáo dục thời cổ đại, là bắt đầu học từ thai giáo. Điều này quả thật là tuyệt vời, không có quốc gia nào trên thế giới có thể sánh bằng, đây chính là hiểu được trí tuệ của người xưa. Khi mang thai, tâm người mẹ phải định, tư tưởng phải đoan chánh, tuyệt đối không có ý niệm bất thiện. Như bà Thái Nhậm, mẹ của Chu Văn Vương, khi mang thai: “Mắt không nhìn ác sắc”, không nhìn những thứ không tốt đẹp; “tai không nghe tiếng dâm dục”, nếu không phải âm thanh chánh pháp thì không nghe; “miệng không nói lời ngạo mạn”. Thai nhi của bà tương lai sinh ra sẽ rất dễ dạy, không có tập khí xấu. Sau khi đứa trẻ sinh ra; bất cứ người lớn nào tiếp xúc với nó đều phải đoan trang, giữ lễ. Phải để nó thấy được chánh diện, không để nó thấy mặt phụ. Suốt ba năm, một ngàn ngày như vậy. Căn bản này là căn bản của Thánh hiền, của chư Phật, Bồ tát. Tương lai chúng lớn lên, có thể thành Thánh, thành Hiền, có thể thành Phật, Bồ tát.

Nên ngày xưa đặt nền tảng giáo dục là trước ba tuổi.

Trẻ con ngày nay không tiếp thu được giáo dục này nên tánh tình rất nông nổi, khó dạy. Đức Phật rõ biết tất cả các thiền định, bao gồm cả thiền định thế gian và xuất thế gian. Trong kinh Phật thường nói “Tứ thiền bát định”, đây là thiền định thế gian. Quả báo của Tứ thiền ở Tứ thiền thiên. Tứ thiền thiên có mười tám tầng trời gọi là Sắc giới thiên. Do vậy mà tứ thiền định là nhân của Sắc giới. “Bát định”, ngoài Tứ thiền ra, còn có Tứ không Định”. “Tứ không Định” là Định của Vô Sắc Giới, thâm sâu hơn Tứ thiền.

Thiền định của nhân gian, cao nhất chỉ có thể giúp ta đạt đến tầng trời thứ năm, thứ sáu của Dục giới. Từ trời Dạ Ma trở lên đều phải tu Định, không có Định công, không thể đạt đến cảnh giới này. Nếu chỉ dựa vào phước báo, không có Định công, cao nhất chỉ sinh đến trời Đao Lợi (tầng trời thứ hai của Dục giới).

Định có tà Định, có chánh Định. Yêu ma quỷ quái, A-tu-la và La Sát đều có Định. Nếu không có Định công, họ làm điều bất thiện cũng không thành công. Cho nên, đại thiện hay đại ác đều cần phải có Định. Những điều nầy Phật đều hiểu rõ.

Định lực của Phật có thể thắng ma vương, nhưng Phật không ở thế gian, Phật ở thế giới tha phương. Ngày nay, ma đến, định lực chúng ta không địch lại, nên bị ma khống chế, phải gặp biết bao là thiên tai, hoạn nạn. Nếu chúng ta thật sự tu hành theo lời Phật dạy, định lực chúng ta sẽ thắng vượt ma quân, chúng sẽ thoái lui, tự nhiên xa rời.

Ngày nay, muốn cầu vãng sinh thế giới Cực Lạc, nếu không có Định thì không được. – Định nầy ở đâu? – Ở trong câu Phật hiệu, ngoài câu Phật hiệu, mọi thứ đều buông hết, sẽ không còn bị ma quấy nhiễu.

Tám vạn bốn ngàn pháp môn là tám vạn bốn ngàn phương pháp tu thiền định. Chúng ta dùng phương pháp chấp trì danh hiệu để tu thiền định. Điều nầy trong kinh Đại Tập, đức Phật có nói rất rõ: “Niệm Phật là thiền vô thượng thậm thâm vi diệu”. “Sự nhất tâm bất loạn” là đại Định; “Lý nhất tâm bất loạn” là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, cùng một cảnh giới với đại triệt đại ngộ trong Thiền tông; cũng ngang bằng với đại khai viên giải của Giáo môn. “Công phu thành phiến” là thiền định thấp nhất của người niệm Phật. Tuy thấp nhất nhưng chắc chắn được vãng sinh Cực Lạc, thật vô cùng lợi ích.

– Công phu thành phiến là như thế nào?

– Phía trước chúng ta đã học qua: Từ sáng đến tối, trong tâm chỉ có Phật A Di Đà; ngoài Phật A Di Đà ra không hề có tạp niệm, đây gọi là công phu thành phiến.

“Trí lực giải thoát tam-muội: “Giải thoát” là tác dụng của tam-muội. Có Định công thì có giải thoát. – Giải là gì? – Là giải trừ mê hoặc, nghĩa là nhìn thấu. – Thoát là gì? – Là thoát ly sinh tử, cũng chính là buông bỏ.

* Bốn là, Căn trí lực: Biết các căn tánh của chúng sinh là thượng hay hạ, để tùy cơ hóa độ. Theo Hòa thượng Tịnh Không: Trong giáo dục, quan trọng nhất là biết khế lý và khế cơ. “Căn” chính là căn cơ. Căn tánh người học không giống nhau, trong Phật pháp phân thành ba bậc: Thượng, trung và hạ. “Thượng căn” còn có hàng “thượng thượng căn”, căn tánh này rất hiếm có. Đại sư Huệ Năng là thuộc hàng thượng thượng căn. Chỉ có căn tánh này mới có thể khế nhập được Phật pháp Đại thừa như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa v.v…

Ba căn: Thượng, trung, hạ. Thông thường chúng ta nói, hàng thượng căn thông minh, trí tuệ, rất dễ dàng tiếp thu kinh điển, dần dà họ có thể khế nhập được cảnh giới. Hàng trung căn, chúng ta gọi là phần tử tri thức, những người này hay có thành kiến, tự cho mình thông minh nên rất khó giáo hóa. Hàng hạ hạ căn, hình như không có tri thức gì, nhưng họ có đủ ba điều kiện: Thật thà, nghe lời và thực hành nên dễ giáo hóa. Thành tựu của họ có thể ngang bằng với hàng thượng căn; hàng trung căn không thể sánh bằng họ. Đức Phật biết rõ căn tánh của tất cả chúng sinh mới có thể tùy cơ hóa độ.

* Năm là, Dục trí lực: Trí lực biết tất cả các thứ tri giải (hiểu biết) của chúng sinh, biết chủng chủng dục lạc của tất cả chúng sinh, mỗi người khác nhau. Theo Hòa thượng Tịnh Không: “Dục” là dục vọng. Dục vọng có hai loại: Một loại về mặt tinh thần, một loại về mặt vật chất. Câu “biết tất cả các thứ tri giải của chúng sinh”, “các thứ tri giải” này là chỉ dục vọng về mặt tinh thần, ngày nay chúng ta gọi là dục vọng cầu tri thức có thể lý giải tất cả pháp thế và xuất thế gian. Người yêu thích phương diện nầy, chắc chắn họ không quan tâm lắm đến vấn đề vật chất.

Ngạn ngữ có câu: “Thế vị sao đậm bằng pháp vị”. “Thế vị” chính là dục vọng vật chất; “Pháp vị” là dục vọng tinh thần. Niềm vui có được từ hưởng thụ vật chất, nhất định không sánh bằng hưởng thụ tinh thần. Nhưng, người thế gian khó hiểu được! Họ chỉ biết có vật dục mà không biết có thứ hơn vật dục.

Luận ngữ có câu “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ”. Chữ “duyệt” ở đây là hỉ duyệt. Cuộc đời đức Khổng Tử không được sung túc, chỉ sống qua ngày. Trong số học trò của ông, Nhan Hồi là đệ tử đầu tiên cũng được ông yêu thương nhất, vì Nhan Hồi có ngộ tánh cao. Những gì ông dạy, người khác không hiểu, nhưng Nhan Hồi hiểu. Cuộc sống Nhan Hồi rất khổ: “đan bát tre đựng thức ăn, dùng gáo dừa uống nước, ở trong một con phố xấu xa”, làm bạn với những kẻ bần cùng. Nhưng, trong số ba ngàn học trò của đức Khổng Tử, có thể nói, Nhan Hồi là người an vui nhất. – Ông an vui điều gì? – Ông an vui vì đạo! Những gì đức Khổng Tử dạy, ông đều nghe hiểu và thật sự có được lợi ích. Trong Phật pháp Đại thừa nói: Thường sinh tâm hoan hỉ, không có gì vui bằng, Nhan Hồi thật sự đã đạt được, hoàn toàn không để tâm đến cuộc sống vật chất.

Khi đức Thế Tôn còn tại thế, ngày ngày đi khất thực, không có nhà cửa, tối đến ngủ dưới gốc cây. Rày đây mai đó, suốt đời sống du hóa, giảng kinh thuyết pháp, không trụ trước bất cứ nơi nào. Cho dù, Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ v.v…có mời thỉnh, Ngài chỉ tùy duyên giảng pháp, giảng xong là đi, không cần quyền sở hữu, trong tâm thật an lạc, thanh tịnh không nhiễm chút bụi trần. Đây là loại thứ nhất.

Loại thứ hai, đức Phật đều biết rõ “chủng chủng dục lạc của tất cả chúng sinh, mỗi người khác nhau”. Không những biết mà Phật còn giúp chúng sinh mãn nguyện: Người thế gian thích tiền của, Phật dạy họ con đường phát tài. Nếu muốn thông minh trí tuệ, muốn khoẻ mạnh sống lâu, Phật dạy họ phương cách đạt được. – Phương cách đó từ đâu mà có? – Phật dạy: Từ Bố thí, trì giới, nhẫn nhục mà có! Tu những điều này, đó là tu mãn nghiệp.

Phật giáo có câu kệ rất hay: “Dục tri tiền thế nhân kim sinh thọ giả thị. Yếu tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị” (Muốn biết nhân đời trước, hãy xem quả đời này. Muốn biết quả đời sau, nên xem nhân hiện tại). Nhân hiện tại chính là những gì ta tạo tác trong hiện đời, đó là vận mệnh chủ định cho đời sau, đều có nguyên nhân, tuyệt đối không phải nói một cách tùy tiện, hoàn toàn là chân tướng sự thật.

* Sáu là, Giới trí lực: Đức Phật biết tất cả và đúng như thật mọi cảnh giới khác nhau của chúng sinh. Theo Hòa thượng Tịnh Không: “Giới” là phân biệt, là giới hạn. Như: giới chính trị, giới quân nhân, giới thương nhân v.v…Trong Đại học không gọi là giới, mà gọi là khoa hệ. Có rất nhiều khoa hệ khác nhau. Học Phật cũng là một giới; giới này gọi là giới tôn giáo. Trong giới tôn giáo có rất nhiều tôn giáo khác nhau. Hiện nay, trong Đại học có hệ Tôn giáo học, chuyên nghiên cứu về Tôn giáo. Đây thuộc về học thuật, thông thường quy về triết học, người học không nhiều. Trên mặt sự mà nói, các ngành nghề trong xã hội, các khoa khác nhau trong Đại học đều thuộc phạm vi nầy. Người thấu triệt được phạm vi này thì giáo hóa chúng sinh mới khế cơ.

* Bảy là, Chí xứ trí lực: Đức Phật biết tất cả “đạo chí xứ tướng” tức là biết tướng trạng, chỗ đạt đến của người tu hành, biết tu theo giáo pháp nào, đạo phẩm nào sẽ đạt đến địa vị nào. Như tu Ngũ Giới, Thập Thiện sẽ đạt đến nhân thiên, tu pháp Bát Chánh Đạo vô lậu sẽ đạt đến Niết Bàn v.v…

Theo Hòa  thượng Tịnh Không: Trong Phật pháp Đại thừa, xem toàn thể vũ trụ đích thật giống như một màng lưới điện chi chít, mắt thịt phàm phu không thể nhìn thấy. Tấm lưới này có cảm xúc vô cùng linh mẫn. Chúng ta, dù hữu tâm hay vô tâm, khởi một ý niệm tức là tin tức, mạng lưới này liền chu biến, khắp toàn thể vũ trụ thảy đều hay biết, tốc độ nhanh hơn cả ánh sáng. Nên biết, thân thể chúng ta là một đài phát xạ, cũng là đài tiếp thu chưa từng gián đoạn, ngay cả lúc ngủ vẫn hoạt động như thường. Tin tức khắp biến pháp giới, hư không giới, chúng ta đều thu nhận được, chỉ là ngày nay máy móc chúng ta xảy ra sự cố do ba chướng ngại: Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, Vô Minh phiền não nên không còn linh hoạt, tuy nhận được nhưng không cảm nhận được.

* Tám là, Túc mạng trí lực: Đức Phật có trí lực biết từ một đời cho đến trăm ngàn vạn đời của chúng sinh: Tên tuổi, thọ yểu, khổ, vui v.v… Đấy là Túc mạng thông của Như Lai quả địa. Kinh điển Đại thừa thường nói: Tất cả chủng tử của nghiệp tập chúng sinh đều được tồn trữ trong thức A-lại-da, không bao giờ mất. Gặp duyên, chủng tử sẽ hiện hành; không gặp duyên, chủng tử không khởi tác dụng. Tất cả pháp xưa nay vốn là như vậy, đó là định luật tự nhiên của vũ trụ. Khi thành Phật, nghiệp đều tiêu hết. Khi chưa thành Phật, chưa chuyển thức thành trí, những chủng tử đó vẫn duy trì tồn tại qua nhiều đời kiếp trong kho tư liệu A-lại-da. Do vậy, đối với chúng sinh,

Phật rõ biết hết những gì liên quan đến họ mà tùy thuận khế cơ giáo hóa.

* Chín là, Thiên nhãn trí lực: Đức Phật có trí lực thiên nhãn, thấy chúng sinh: Thọ sinh, xả báo, sinh tử, từ cõi nào đến, sẽ sinh về đâu, cho đến nghiệp duyên thiện ác, hoặc khổ, hoặc vui một cách không chướng ngại.

Chữ “xả báo” là xả thân, là chết. “Thọ sinh” là đầu thai lại. Nói cách khác, là chết đi sống lại, chỉ quanh quẩn trong luân hồi lục đạo. Chữ “nghiệp duyên thiện ác” là chỉ nhân do họ tạo tác, “hoặc khổ hoặc vui” là quả báo của họ. Đức Phật đều biết rõ một cách không chướng ngại.

* Mười là, Lậu tận trí lực: Đức Phật có trí lực lậu tận, vĩnh viễn đoạn dứt các tàn dư tập khí vọng hoặc không còn sinh khởi, biết được một cách chân thật, không còn thọ thân hậu hữu, bao gồm cả pháp giới Nhất Chân. Đây thật sự là trở về Thường Tịch Quang, là đại viên mãn, vĩnh hằng bất biến của Như Lai quả địa.

“Vô uý” là không sợ hãi. Chư Phật Như Lai ở trong đại chúng, thong dong thuyết pháp, không hề kinh khiếp sợ hãi trước mọi vấn nạn; có thể dạy họ bất cứ mọi vấn đề, nên gọi là “vô uý”.

“Tứ vô uý” của Phật còn gọi là “Tứ vô sở uý” (đã giải thích tường tận trong phẩm thứ mười bảy), gồm có: Nhất Thiết Trí Vô Sở Uý, Lậu Tận Vô Sở Uý, Thuyết Chướng Đạo Vô Sở Uý và Thuyết Tận Khổ Đạo Vô Sở Uý.

Bồ tát cũng có “Tứ vô uý”. Định công và trí tuệ của Bồ tát có thể thuyết pháp giữa đại chúng không có tướng lo lắng, sợ sệt. “Tứ vô uý của Bồ tát gồm có:

1.- Vô Sở uý năng trì: Có nghĩa là “tổng trì bất vong, thuyết pháp vô uý”. Chữ “năng trì” ở đây có nghĩa là “tổng trì bất vong”; Bồ tát nghe tất cả pháp, thường có thể thọ trì, nhớ nghĩ không quên. Theo Hòa thượng Tịnh Không, mấy chữ này rất quan trọng, nếu không thể thọ trì thì không phải là Bồ tát. Nghe pháp, nhất định phải tin tưởng, phải lý giải, phải tiếp thu tất cả, phải y giáo phụng hành, như thế mới gọi là “thọ trì”. Nếu chỉ nghe hiểu, nhưng không thực hành, đó chỉ là “Phật học”, không phải là “học Phật”. “Phật học” chỉ có thể học được kiến thức thông thường trong Phật pháp; chúng ta gọi là tri thức, không phải là trí tuệ. Cho nên, điều quan trọng nhất của Bồ tát là “thường thọ trì, ghi nhớ không quên”, chính nhờ vậy Bồ Tát thuyết pháp giữa đại chúng không hề e sợ. Muốn đạt đến tiêu chuẩn này, nhất định phải đọc nhiều. Cổ nhân thường dạy: “Đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”.

Trí tuệ là vô hạn; tri thức là có giới hạn. Tri thức mỗi người không giống nhau, điều này có liên quan đến tâm thành kính và trí tuệ đời trước của họ, chúng ta gọi là “dữ sinh câu lai”, đời trước họ đã từng học qua những vấn đề này. Tuy đời trước có học, nhưng nếu đời này không tu tập thì những gì họ có được vẫn là rất hữu hạn, không đoạn được phiền não, không cách chi nâng cao cảnh giới của chính mình. Trái lại, tuy đời trước học không nhiều, nhưng nếu đời này gặp được thiện tri thức chân chánh, có thể tin, hiểu, thực hành pháp môn Tịnh độ, họ chắc chắn được vãng sinh.

Phật pháp không nói “nhân sinh” mà nói “duyên sinh”. “Duyên” là duyên đời này, thật sự có thể nắm chắc vận mệnh. Do vậy mà đại sư Thiện Đạo, Tổ thứ hai của Tịnh tông nói rất hay: “Tứ độ tam bối cửu phẩm, tất cả đều do duyên không giống nhau”. Đây là lời chân thật.

2.- Vô sở uý tri căn: Phần trước là Khế lý, ở đây là Khế cơ, biết được căn cơ chúng sinh. “Tri căn” ở đây là “tận tri pháp được cập chúng sinh căn dục tính tâm, thuyết pháp vô uý”; có nghĩa là Bồ tát biết tất cả thuốc pháp, các căn lợi độn của chúng sinh, tùy theo chỗ ứng của họ mà thuyết pháp được sở vô uý. Nói cách khác, “căn dục tính” của chúng sinh có nhiều loại, Bồ tát đều có khả năng quán cơ, biết được căn tánh của họ mà tùy duyên thuyết pháp không hề sợ.

3.- Vô sở uý quyết nghi: Chữ “quyết nghi” ở đây là “thiện năng vấn đáp thuyết pháp vô uý”, có khả năng đả phá được mọi dị kiến, nghi ngờ của chúng sinh. Cũng có nghĩa là, nếu có ai đến hỏi những điều khó, Bồ tát có thể như lý, như pháp, đáp một cách chắc chắn giữa đại chúng mà không hề kinh sợ. Việc làm nầy không dễ! Có biết bao là vấn đề lạ lùng, thắc mắc được nêu ra, đối với Bồ tát đều không có chướng ngại. Họ có khả năng “quyết nghi”, sẽ giúp mọi người đoạn nghi sinh tín. Nhưng, đối với phàm phu chúng ta, như Khổng Tử nói: Biết thì nói biết; không biết thì nói không biết. Chúng ta không phải Phật, cũng không phải Bồ tát, tất nhiên có nhiều việc không hiểu rõ, phải có thái độ thành thật, khiêm cung, tuyệt đối không được cao ngạo.

4.- Vô Sở Uý đáp báo: Chữ “đáp báo” ở đây là có khả năng dùng ngôn từ ứng đáp, thù báo các câu hỏi, dứt mối nghi ngờ cho chúng sinh. Vì Bồ tát có năng lực, sức ứng biến vô cùng mẫn tiệp, nhanh lẹ, vững vàng nên giữa đại chúng thuyết pháp mà không hề khiếp sợ.

“Vô ngại” là thông đạt tự tại, như ánh đèn chiếu chập bóng, đan xen vào nhau, đó là tướng vô ngại.

Năm 1977, lần đầu tiên tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) đến Hồng Kông giảng kinh. Buổi tối đầu tiên cùng pháp sư Sướng Hoài dùng cơm, uống trà. Pháp sư nói với tôi: – Giảng kinh ở Hồng Kông rất khó khăn, thầy cần chuẩn bị tâm lý! Tôi hỏi, tình hình ở đây thế nào? Ông nói: – Người Hồng Kông không có thói quen nghe kinh.

Họ chỉ đến nghe hai hôm: Ngày đầu khai kinh và ngày cuối bế mạc, thế là xong, những ngày giữa họ không đến! Thầy mới ra giảng kinh chưa nổi tiếng, rất có thể thường giảng nhưng không ai đến nghe! Tôi nói: – Không sao! Không ai nghe thì có bàn ghế nghe! Pháp sư Sướng Hoài nói: – Thầy có bản lĩnh như thế thì quá tốt!

Không ngờ ngày hôm sau khai giảng, người đứng ngồi chật nít, những ngày sau cũng đầy người. Pháp sư Sướng Hoài nói: – Pháp duyên Thầy quá tuyệt, rất khó được! Tuy nhiên, thầy phải cẩn thận, rất nhiều pháp sư đến đây bị họ hỏi dồn, rất mất mặt, đấy là nỗi sợ! – Những người đó có đến chăng? – Có đến, nhưng không hỏi! Pháp sư cho tôi biết, đó là những người hay gây rối. Tuy nhiên, họ không gây rối với tôi mà còn hợp tác, mời tôi dùng cơm. Nếu họ muốn hỏi, chỉ trong phạm vi kinh Lăng Nghiêm thì tôi không sợ, bởi tôi đã học kinh Lăng Nghiêm, đã từng giảng qua bốn lần kinh nầy nên rất quen thuộc. Tuy nhiên, tôi cũng không dám xem thường, suốt ngày tôi xem kinh, xem chú giải, tối đến giảng kinh hai giờ, bao gồm có phiên dịch tiếng Quảng Đông khoảng một giờ. Diễn giảng suốt bốn tháng như vậy ở Hồng Kông, tôi phải chuẩn bị thật kỹ càng, đề phòng người khác gây rối. Đây là điều pháp sư, cư sĩ giảng kinh phải nên biết.

Sách Vãng Sinh Luận Chú nói: “Vô ngại nghĩa là biết sinh tử chính là Niết Bàn, bình đẳng nhập vào tướng vô ngại bất nhị như thế”. Hòa thượng Tịnh Không giải thích: Sinh tử là sinh diệt, Niết Bàn là bất sinh bất diệt. “Sinh diệt” “bất sinh bất diệt” hình như là hai việc khác nhau, nhưng thực tế chỉ là một. Trong Kinh Bát Nhã nói: “Tướng tức phi tướng; phi tướng tức tướng”.

Trong Hoàn Nguyên Quán, Quốc sư Hiền Thủ khai thị: “Từ nhất thể khởi nhị dụng”. “Nhất thể” “tự tánh”; tự tánh cũng là pháp tánh, đó là một không phải hai. Tất cả pháp thế và xuất thế gian đều sinh ra từ tự tánh, cũng gọi là chân tâm. Chân tâm là tương đồng; vọng tâm mới sai biệt.

Tông Hoa Nghiêm lập ra bốn pháp giới. Theo sách Ðại Minh Pháp Số, bốn pháp giới là:

* Một là, Sự pháp giới: Tức là các pháp như sắc, tâm… của chúng sinh. “Sắc” là hiện tượng vật chất. “Tâm” là hiện tượng tinh thần (ngày nay khoa học gọi là tín hiệu). Ngoài ra còn có hiện tượng tự nhiên. Ba loại hiện tượng này, trong Phật pháp gọi là tam tế tướng của A-lại-da gồm có: “Nghiệp tướng” của A-lại-da là hiện tượng tự nhiên (tức là năng lượng). “Kiến phần” của A-lại-da là  hiện tượng tinh thần (tức là tín hiệu). “Tướng phần” của A-lại-da là hiện tượng vật chất. Ngày nay, khoa học cũng vừa mới phát hiện: Trong vũ trụ chỉ có ba loại hiện tượng này, những thứ khác đều do ba hiện tượng này biến hóa ra.

Mỗi pháp sai biệt, mỗi pháp đều khu biệt; vạn tượng sum la gọi là Sự pháp giới.

* Hai là, Lý pháp giới: Tức là các pháp: sắc, tâm v.v… của chúng sinh, tuy có sai biệt, nhưng đồng một thể tánh nên gọi là “Lý pháp giới”. Ví như đem vàng làm đồ dùng. Tất cả đồ dùng đều là vàng. “Vàng” là biểu trưng cho “Lý”.

* Ba là, Lý sự vô ngại pháp giới: Tức là do Sự mà hiển, Sự nhờ được thành. Lý-Sự dung hội lẫn nhau nên gọi là Lý Sự vô ngại pháp giới.

* Bốn là, Sự Sự vô ngại pháp giới: Tức là tất cả Sự tuy có phần hạn riêng biệt, nhưng xét về tánh thì chúng viên dung, một chính là nhiều, nhiều chính là một, lớn nhỏ chứa đựng lẫn nhau, trùng trùng vô tận nên gọi là sự sự vô ngại pháp giới hay vô chướng ngại pháp giới.

Nay những điều được thuyết trong kinh này chính là pháp rất sâu: Lý Sự vô ngại pháp giớiSự Sự vô ngại pháp giới của Như Lai.

“Vô trước” là không có ý niệm chấp trước. Vấn đề này quan trọng! Như kinh Kim Cang dạy: “Vô hữu định pháp danh A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, diệc vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết. Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết pháp, giai bất khả thủ, bất khả thuyết, phi pháp, phi phi pháp” (Không có pháp nhất định nào gọi là Vô

Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, cũng không có pháp nhất định mà Như Lai có thể nói. Vì cớ sao? Pháp của đức Như Lai nói đều không thể nắm bắt, không thể nói, không phải là pháp, cũng không phải là phi pháp).

Hòa thượng Tịnh Không giải thích: Trí tuệ Bát Nhã vốn có trong tự tánh không có tên, Phật tạm đặt cho nó cái tên. “Tên” là giả thiết, có thể tùy tiện thay đổi, nên nói: “vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết” (Không có pháp nhất định nào Như Lai có thể nói). Vì sao vậy? – Vì pháp Như Lai nói đều không thể nắm bắt, không thể nói bằng ngôn từ, nó không phải là pháp (phi pháp), không phải là phi pháp (phi phi pháp). Ý nghĩa câu này rất sâu, ngầm nói với chúng ta: Những lời Như Lai nói, chúng ta không được chấp trước. Nếu chấp trước là sai lầm, sẽ mãi mãi không bao giờ kiến tánh. Cổ nhân có ví dụ: Phật thuyết pháp ví như “lá vàng dỗ trẻ”. Trong kinh Phật có công án này: Đứa trẻ đang khóc, người lớn nhặt chiếc lá vàng rơi rụng từ trên cây xuống, dỗ đứa trẻ: – Ngoan nào! Lá này giá trị lắm, có thể đổi được kẹo. Đứa bé cầm chiếc lá liền nín khóc. Đây, mục đích là dỗ dành nó, đạt được kết quả như ý, nhưng đó không phải là thật!

Phật pháp cũng là như vậy, chớ cho là thật. Nếu tưởng thật là đã mắc lừa! Tất cả pháp mà Phật nói ra, mục đích là giúp chúng sinh giác ngộ được vấn đề. Sau khi nghe xong, chúng ta đều giác ngộ, đó chẳng phải là đã giải quyết được vấn đề ư?

Có nhiều phương cách giúp chúng sinh giác ngộ. Căn tánh mỗi người khác nhau, nên Phật phải dùng vô lượng pháp môn, vô biên phương tiện, hầu tương ứng với căn tánh mỗi người mới mang lại kết quả.

Riêng về pháp môn Tịnh Độ, có thể nói đây là pháp môn vô cùng vi diệu, là vạn linh đan, bệnh nào cũng chữa khỏi, phù hợp với mọi căn tánh của chúng sinh, nếu có duyên tiếp nhận, tin sâu, nguyện thiết, y giáo thực hành, chắc chắn đời này được vãng sinh thành Phật.

Sách Phá Không Luận giảng:

Vô thượng Bồ Ðề siêu tình ly kiến, chính là “cứu cánh bỉ ngạn” (rốt ráo bờ kia). Chẳng những không có tướng pháp mà cũng không có pháp tướng nào để đạt được nên bảo là ‘vô hữu định pháp danh A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề’. Ðiều được chứng đã siêu tình ly kiến mà điều được nói cũng là siêu tình ly kiến nên bảo là

‘diệc vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết’. Vì sao vậy? Bờ kia Thật Tướng tuy là ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, không thể giữ hay nói được, mà Như Lai dùng Tứ Tất Ðàn làm nhân duyên nên có thể nói được. Nhưng, pháp được nói ra đó chỉ là tùy thuận Tứ Tất Ðàn, nên mỗi một câu, một lời ấy không gì là chẳng siêu tình ly kiến, lìa tứ quá, tuyệt bách phi, cũng đều không thể giữ, không thể nói, không phải pháp, không phải là phi pháp”.

Theo Hòa thượng Tịnh Không, Phật thuyết pháp rất linh hoạt, đúng là “lá vàng dỗ trẻ”. – Học Phật, ta đạt được những gì? Đức Phật cho chúng ta biết: – Không có sở đắc nào cả! Bồ Đề viên mãn quy về “vô sở đắc” – Thế nào là “vô sở đắc”? – Những gì ta nhận được, chính là những gì tự tánh chúng ta sẵn có.

“Vô thượng Bồ Đề” là trí tuệ chân thật của Như Lai. Trí tuệ chân thật này, trong đó không có tình chấp, không có kiến giải, gọi là “siêu tình ly kiến”. Chữ “tình” ở đây là tư tưởng, là cách nghĩ. Chữ “kiến” là kiến giải, là cách thấy. “Cứu cánh bỉ ngạn” là Chân Như, là tự tánh, là pháp tánh, là Thật Tướng, là cội nguồn, bản thể của tất cả pháp thế và xuất thế gian, cũng tương đồng với ý nghĩa câu nói của Lục tổ Huệ Năng khi khai ngộ: “Nào ngờ tự tánh năng sinh vạn pháp”.

Câu “Chẳng những không có tướng pháp mà cũng không có pháp tướng nào để đạt được”, ý nói: Pháp tướng phi pháp tướng đều không thể được. “Pháp tướng” là nói về Sự; “phi pháp tướng” là nói về Lý. Lý-sự đều không thể được, nên bảo là “vô hữu định pháp danh A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (không có định pháp nào gọi là Vô thượng Bồ Đề).

– Có Vô thượng Bồ Đề chăng?

– Thực sự là có! Lìa tất cả tướng và tất cả tình kiến sẽ thấy được! Giáo lý Đại thừa gọi đó là thành Phật. Những gì Phật chứng được đều siêu tình ly kiến; những gì được nói trong cuộc đời của đức

Phật cũng là siêu tình ly kiến. Siêu tình ly kiến ở đây là.: Nói mà không nói; không nói mà nói. Không chấp trước vào nói và không nói, nên nói “diệc vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết” (cũng không có định pháp nào Như Lai nói). Căn bản Như Lai không thuyết pháp, làm gì có định hay không định!

– Như Lai thuyết pháp bằng cách nào?

– Chúng sinh có cảm tự nhiên tự tánh hồi ứng, gọi là pháp vốn như vậy, không qua tư duy, không qua tưởng tượng, không có chút thêm bớt nào. Bởi, nếu có thêm bớt là có ý của chúng ta trong đó, ấy là có chướng ngại khiến chúng ta không nhìn thấy.

– Vì sao vậy?

– Thật Tướng bỉ ngạn (tức bờ kia Thật Tướng), “tuy là ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, chẳng thể lấy hay nói được”. Ý nói: Công năng của ngôn ngữ là giới hạn; với tự tánh, ngôn ngữ không thể đạt đến. Cho nên, dùng ngôn ngữ để nói về tự tánh là việc bất khả thi. Không những ngôn ngữ không thể thực hiện mà tâm hành cũng không thể thực hiện.

– “Tâm hành” là gì?

– Là tư tưởng, có nghĩ cách nào cũng không nghĩ được, không nói ra được, nên không thể nói, “mà Như Lai dùng Tứ Tất Ðàn làm nhân duyên, nên có thể nói được”. Đây là pháp phương tiện của Như Lai.

– Thế nào là Tứ Tất Đàn?

– Phía trước chúng ta đã học qua! “Tứ” là bốn loại; “Tất” là phổ biến; “Đàn” đàn-na, dịch sang tiếng Hoa là Bố thí. “Tứ Tất Đàn” là bốn loại bố thí pháp phổ biến cùng khắp, Phật y theo đó liền có thể thuyết pháp, đây là phương tiện thuyết. Tứ Tất Đàn gồm có: Thế giới Tất Đàn, Vị nhân Tất Đàn, Đối trị Tất Đàn và Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.

* Thế Giới Tất Đàn, mấu chốt là tâm hoan hỉ, phát khởi một cách tự nhiên từ tự tánh từ bi. Chỉ cần chúng sinh có cảm, Phật, Bồ tát liền có ứng. Ứng có hai loại: Hiển ứng và minh ứng. “Minh ứng” là gia trì một cách âm thầm, bản thân ta không phát giác được. Ví như người khác đưa ra một câu hỏi khó, trong lúc bất ngờ, tự nhiên ta khéo léo trả lời họ. Khi giải đáp xong, mới nhận ra: Trí tuệ ta từ đâu mà có? Chắc chắn là có Phật Bồ tát gia trì.

Bồ tát xem tất cả chúng sinh, không ai mà Ngài không hoan hỉ, đấy là điều chúng ta phải học. Tâm hoan hỉ không có đó chính là tâm ta đã bị phiền não che lấp, nên chưa chạm được tánh đức của chính mình. Tu hành, không gì khác hơn là buông bỏ phiền não, tánh đức sẽ tự nhiên hiện tiền, đấy gọi là chứng quả.

Chu Tổng ở Vân Nam cho tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) biết, hiện nay họ đang khai hoang một nông trường quy mô rất lớn, độ vài ngàn mẫu để trồng tỉa lương thực, nhiều loại rau củ và một số cây ăn trái, tuyệt đối không xâm phạm đến chim chóc, côn trùng. Họ khoanh một khu đất nhỏ trong vườn rau để dành cho côn trùng đến sinh sống. Cách đó một bờ ruộng, bên này là rau củ, cây trái đầy đủ, hoàn toàn không có sâu ăn.

– Sao họ làm được?

– Họ có thành ý! Họ trồng rất nhiều cây ăn quả, chỉ định mấy cây dành cho chim ăn, không chỉ định chim không đến, không cần phải che chắn gì cả, cũng không dùng giấy bao hoa quả lại.

Mấy năm trước, cư sĩ Tề Tố Bình, người Khánh Vân Sơn Đông, mua một miếng đất nông nghiệp hơn bốn trăm mẫu, chuẩn bị xây chùa. Vì phải đợi đến hơn một năm mới có thể xây cất. Trong khoảng thời gian đó, bà trồng lúa mạch rất tươi tốt. Đến lúc sắp thu hoạch, bỗng bị nạn sâu bọ. Cả mấy trăm mẫu đều bị sâu. Nông dân gần đấy nói, nếu bà không phun thuốc trừ sâu, bốn trăm mẫu ruộng này sẽ mất trắng! Bà điện thoại thỉnh ý tôi, tôi bảo bà đến thảo luận với thầy Thái. Sau khi hiểu được vấn đề, bà phát nguyện: Thà cúng dường bốn trăm mẫu lúa mạch này cho sâu bọ, chớ không nỡ hại bất cứ một con sâu nào. Lời phát nguyện này của bà là tự đáy lòng, không phải nông nổi.

Sau đó, bà dẫn một đoàn người đến ngay ruộng lúa niệm Phật A Di Đà. Ngay đêm đó, một trận mưa trút xuống, một trận gió nổi lên. Hôm sau ra thăm ruộng, không còn một con sâu nào cả. Nông dân gần đó đều rất kinh ngạc. Thật quá thần kỳ! Không thể hiểu được! Thành tất linh! Tề Tố Bình có tâm chân thành, cảm động những sinh vật nhỏ ở đó. – Có thể chăng? – Có thể! Không những sinh vật có thể cảm động mà thực vật cũng có thể cảm động; núi sông quả đất cũng có thể cảm động.

Vấn đề hiện nay là các nhà lượng tử học đã phát hiện được. Họ cho rằng: Năng lực ý niệm của con người là không thể kể hết. Vì sao chúng ta không sử dụng được? – Vì tâm tán loạn, thiếu tập trung tại một chỗ! Vấn đề này, trong kinh đức Phật có nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện (chế tâm lại một chỗ, thì không việc gì chẳng làm được).

Thiên tai ngày nay quá nhiều, xã hội động loạn, chúng ta nên gấp rút luyện công, chí tâm niệm Phật, khi thiên tai xảy đến, có thể yên tâm về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

– Vị Nhân Tất Đàn: Tất cả đều vì người không vì chính mình; khởi tâm động niệm, mỗi mỗi đều giúp đỡ chúng sinh khổ nạn.

– Đối Trị Tất Đàn: Chúng ta có phương pháp đối trị hay nhất là niệm Phật. Nếu không niệm Phật được thì nghe kinh; nghe một thời gian cũng giúp chúng ta tập trung được ý niệm.

– Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn: Đây là tài khéo thuyết giảng của đức Phật, khiến chúng sinh dứt bỏ mê hoặc, chứng ngộ được chân lý.

Theo sách chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: Chữ “vô trước” dùng trong kinh này có ý nghĩa giống như chữ “vô trước” trong đoạn kinh Kim Cang vừa dẫn, khác nào hoa sen không dính nước, như nhật, nguyệt không trụ trên không. Có “vô trước” mới nở được đóa sen nhiệm mầu vạn đức trọn đủ; có “bất trụ” (không trụ) vào hư không thì mặt trời, mặt trăng mới có thể vận hành không ngừng nghỉ, quang minh chiếu khắp”.

Hòa thượng Tịnh Không giải thích: Ý trên đây là muốn nói không được trụ tướng, không kẹt vào nhị biên “không”“hữu”, mới có thể vận hành không ngừng nghỉ. Chữ “vận hành” ở đây là giáo hóa chúng sinh nhưng không trụ tướng; trong Phật pháp gọi là “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. 

Mấy năm trước, Hòa thượng Tịnh Không giảng kinh, thêm hai câu nữa: “Tùy duyên tùy biến, bất biến bất tùy duyên”, trở thành bốn câu. Phật thật sự là “bất biến nhưng tùy duyên”, đó là diệu dụng. A-la-hán là bất biến nhưng không tùy duyên, nên nói: “bất biến, bất tùy duyên”. Bồ tát thì “trong tùy duyên học hạnh bất biến”. Phàm phu không có định lực, luôn bị ngoại cảnh chi phối, nên nói “tùy duyên tùy biến”, tùy hoàn cảnh mà thay đổi theo.

“Thậm thâm chi pháp, cập Ba La Mật đẳng Bồ Tát chi pháp, phi dị khả ngộ”: Chữ “dị” là dễ. “Phi dị khả ngộ” là không dễ gặp. Các pháp trên đây của Như Lai đều rất khó gặp. Nếu ai được nghe, đều do đời trước đã từng tu hành Phật đạo, họ không phải phàm nhân.

Đối với pháp môn siêu tình ly kiến, thậm thâm bất khả tư nghị này, dù người khéo thuyết pháp cũng không thể bằng cách lý giải ngôn từ, phân biệt mà có thể hiểu, nên nói “phi thị ngữ ngôn, phân biệt chi sở năng tri” (không thể dựa vào cách lý giải ngôn ngữ, phân biệt mà có thể hiểu được). Đấy là sự thật! Phật pháp rất thâm sâu, rất khó cảm nhận. Cho dù có hiểu được, cũng rất khó diễn đạt cho người khác, nên nói “năng thuyết pháp nhân, diệc nan khai thị” (Người có khả năng thuyết pháp cũng khó khai thị).

– Ai là người có thể nói pháp?

– Là chư Phật Như Lai! Cũng rất khó mà khai thị việc này. Bởi vấn đề này chỉ có chứng mới biết; chưa nhập vào cảnh giới đó, rất khó mà lý giải được.

Chẳng hạn như trong kiến thức thông thường của chúng ta, xem hiện tượng “sinh lão bệnh tử” của con người như hoa nở hoa tàn, là chuyện thường tình. Nhưng trong cách nhìn của chư Phật, xem tất cả vạn pháp đều không sinh không diệt. Cái lý này rất sâu! Chúng ta học Phật mấy mươi năm, vẫn cứ mù tịt!

May thay! Gần đây, các nhà khoa học vật lý đã chứng minh: Tất cả hiện tượng trên thế giới này đều là giả, không thật. Cách nói này ngày càng tiếp cận với lời Phật dạy trong kinh Đại thừa.

Có thể nói, Max Planck (người Đức) là người đã khởi xướng đầu tiên về ý niệm này. Ông đã dành cả đời mình để nghiên cứu, đưa ra những phát biểu, chi tiết về chân tướng của vật chất, thật không phải dễ dàng! Ông nói: “Trên thế giới này, căn bản không có cái gọi là vật chất. Nền tảng của vật chất là ý niệm”, tương đồng với trong kinh Phật nói “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”.

Một niệm thiện trong ta, xem ra không vấn đề gì, nhưng có thể ở cõi khác nhận được niềm vui. Một niệm ác trong ta, có thể cõi khác nhận sự đau buồn. Khởi tâm động niệm của chúng ta thế nào, thì khởi tâm động niệm của tất cả chúng sinh cũng là thế ấy, đó là nhất thể. Cho nên, Phật xuất hiện ở thế gian để giáo hóa chúng sinh quả thật là cực kỳ vĩ đại: Giáo hóa được một người, không phải chỉ một người tốt, mà cả vũ trụ đều được lợi ích. Nếu bản thân ta không tốt sẽ ảnh hưởng đến toàn thể vũ trụ không tốt.

Người gặp được pháp môn này, nếu tin sâu, nguyện thiết, chí tâm niệm Phật, không ai mà không thành tựu. Pháp môn Tịnh độ thật sự là Đệ nhất nghĩa cứu cánh. Đệ nhất nghĩa là giúp người thành Phật. Người có thể tin sâu nơi pháp khó tin này, phải biết người đó trong nhiều kiếp quá khứ đã từng tích lũy thiện căn, phước đức, quả thật là hiếm có khó gặp được người như vậy, nên nói: “kiên cố thâm tín, thời diệc nan tao” (Tin sâu kiên cố thời cũng khó gặp).

“Ngã kim như lý tuyên thuyết như thị quảng đại vi diệu pháp môn, nhất thiết chư Phật chi sở xưng tán, phó chúc nhữ đẳng, tác đại thủ hộ” (Ta nay đúng như lý tuyên nói pháp môn vi diệu, rộng lớn, được tất cả chư Phật khen ngợi, phó chúc cho các ông thực hiện sự thủ hộ lớn lao). Đây là lời phó chúc, dặn dò của đức Thế Tôn với Bồ tát Di Lặc và đại chúng đang dự hội. Chữ “Như lý” là khế lý, phù hợp với lý. “Quảng đại vi diệu”: Pháp môn này trọn đủ vạn đức, độ khắp các căn cơ nên bảo là “quảng đại”; nó không giống tám vạn bốn ngàn pháp môn khác. Tám vạn bốn ngàn pháp môn khác chỉ là đơn phương, mỗi môn thuốc chỉ trị một căn bệnh. Pháp môn niệm Phật là vạn linh đơn, trị tất cả bệnh.

Nhờ niệm Phật nên thiện căn, phước đức chóng được bằng với chư Phật, thần diệu thật khó nghĩ lường nên bảo là “vi diệu”. Câu “nhất thiết chư Phật chi sở xưng tán” (được hết thảy chư Phật khen ngợi) có hai ý nghĩa:

– Một là, như trong phẩm thứ hai mươi ba của kinh này có nói: Mười phương vô lượng chư Phật mỗi vị đều khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của Vô Lượng Thọ Phật.

– Hai là, mười phương chư Phật đều khen ngợi đức Thế Tôn diễn thuyết kinh này, như kinh A Di Ðà dạy: “Bỉ chư Phật đẳng diệc xưng tán ngã bất khả tư nghị công đức, nhi tác thị ngôn: Thích Ca Mâu Ni Phật, năng vi thậm nan hi hữu chi sự, năng ư Sa Bà quốc độ, ngũ trược ác thế… vị chư chúng sinh, thuyết thị nhất thiết thế gian nan tín chi pháp” (Các đức Phật ấy cũng khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của ta, mà nói như sau: Thích Ca Mâu Ni Phật làm được chuyện rất khó, rất hi hữu, có thể ở nơi Sa Bà quốc độ, trong đời ác ngũ trược… vì các chúng sinh nói pháp mà tất cả thế gian khó tin này).

Hơn nữa, kinh A Di Ðà là tiểu bổn của kinh Vô Lượng Thọ, còn có tên gốc là “Bất Khả Tư Nghị Công Ðức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh”, thì kinh Vô Lượng Thọ cũng là “bất khả tư nghị công đức nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”  không hai, không khác. Do vậy mà, đức Thích Tôn phó chúc cho Di Lặc Bồ Tát và đại chúng đang dự hội thực hiện sự đại thủ hộ kinh này. Do pháp môn này là đệ nhất hi hữu nên gọi là “đại”. Gìn giữ pháp môn này còn hơn gìn giữ đầu, mắt, siêu việt thường tình nên gọi là Đại.

Bản Ðường dịch còn chép: “Nhữ A Dật Đa! Ngã dĩ thử pháp môn cập chư Phật pháp, chúc lụy ư nhữ. Nhữ đương tu hành… Ngã kim vi đại chúc lụy, đương linh thị pháp cửu trụ bất diệt” (Ông A Dật Ða! Ta đem pháp môn này và các Phật pháp giao phó cho ông. Ông nên tu hành… Ta nay thực hiện sự phó chúc lớn lao để pháp này được tồn tại lâu dài không bao giờ mất).

Trong pháp hội Vô Lượng Thọ, Di Lặc đại sĩ vâng lãnh lời Phật ủy thác, tương lai khi Ngài hạ sinh ắt sẽ hoằng dương kinh này.

KINH VĂN:

Vị chư hữu tình trường dạ lợi ích, mạc linh chúng sinh luân đọa ngũ thú, bị thọ nguy khổ. Ưng cần tu hành, tùy thuận ngã giáo. Đương hiếu ư Phật, thường niệm sư ân. Đương linh thị pháp cửu trụ bất diệt. Đương kiên trì chi, vô đắc hủy thất. Vô đắc vi vọng, tăng giảm kinh pháp.

VIỆT DỊCH:

Vì các hữu tình, đêm dài lợi ích, không khiến chúng sinh, đọa vào ngũ thú, chịu đủ nguy khổ. Nên siêng tu hành, làm theo ta dạy. Nên theo lời Phật, thường nhớ ân thầy. Nên khiến pháp này, không bao giờ mất. Nên kiên trì giữ, không được hủy mất, không được làm trái, tăng giảm kinh pháp.

GIẢNG:

Đoạn kinh văn trên, Thế Tôn ân cần trân trọng phó chúc cho các đại sĩ thủ hộ phải “vị chư hữu tình” (vì các hữu tình) làm đèn sáng cho tất cả chúng sinh trong biển sinh tử, dẫn dắt họ vượt qua bể khổ, nên bảo là “trường dạ lợi ích” (tạo lợi ích trong đêm dài). Chữ “trường dạ” ở đây là chỉ cho luân hồi lục đạo, chỉ cho chúng sinh mê hoặc điên đảo. Người giác ngộ vượt qua biển khổ; kẻ không giác ngộ trôi lăn trong đó.  “Mạc linh chúng sinh, luân đọa ngũ thú, bị thọ nguy khổ”: Vào thời Mạt pháp, chỉ có pháp môn Tịnh Độ mới có thể ban cho chúng sinh lợi ích chân thật. Nương vào diệu pháp này, chúng sinh mới sớm thoát được sinh tử, không đọa vào năm đường ác, chịu các khổ nạn. Đấy là ý hướng của Phật.

Từ câu “ưng cần tu hành” (phải siêng tu hành) trở đi, kinh nêu lên hai điều lợi ích rốt ráo: Tự giác và giác tha, chỉ nên tùy thuận lời Phật dạy, kiên trì gìn giữ kinh pháp, siêng năng tu tập hòng báo đền ơn Phật.

Cả ba câu: “Tùy thuận ngã giáo, đương hiếu ư Phật, thường niệm sư ân” đều nói lên ý tôn sư, trọng đạo, phụng hành đúng theo lời Phật dạy; cực lực khuyên răn hành nhân không nên ích kỷ, trái nghịch bổn sư, lìa kinh, phản đạo. Họ làm ra thứ của riêng họ, dùng tri kiến của bản thân để giải thích kinh Phật, đó là vọng tâm, không phải chân tâm. Khổng lão phu tử suốt đời chỉ là “Thuật nhi bất tác, tín nhi háo cổ”. Nói rõ ràng hơn, là bản thân ông suốt đời không có tự ý sáng tạo, những gì ông dạy đều là của cổ thánh tiên hiền, không có chút gì là của ông, đây gọi là “sư thừa”. Không có “sư thừa” tức là “sư tâm tự dụng”. “Sư tâm tự dụng” là phủ định quá khứ, cho rằng hiện tại vượt qua ngày xưa. Quan điểm nầy là quá sai lầm!

Cách nay mấy hôm có người mang đến cho tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) mấy quyển sách của năm đầu tiểu học Dân Quốc. Tôi mở ra xem quả đúng là sách thời đó.  Trường tư thục ngày trước học Tam Tự Kinh, Bách Gia Tánh, học Thiên Tự Văn, có một số đạo đức luân lý. Nhưng, đến đầu Dân Quốc thì đổi sách giáo khoa; đổi dần cho đến sau kháng chiến thì không còn nữa! Thời kháng chiến chỉ còn môn “công dân”, nhưng đến hôm nay môn này không còn! Có nghĩa là giáo dục hoàn toàn không nhắc đến những gì liên quan đến đạo đức làm người. Tất cả môn học đều hướng đến mục tiêu khoa học, kỹ thuật. Cả thế giới này đều như vậy, cho nên thanh niên ngày nay biết làm việc, nhưng không biết làm người! Đến nỗi: Bất hiếu cha mẹ, không yêu thương anh chị em, bất kính sư trưởng, không tin bạn lành, không còn tình cảm; tất cả chỉ là thiệt hơn: Có lợi thì bạn bè; phương hại là kẻ địch, tạo nên xã hội động loạn như ngày nay!

Muốn tạo lợi ích cho khắp tất cả chúng sinh thì trước hết phải “đương linh thị pháp cửu trụ bất diệt” (Nên khiến cho pháp này được tồn tại lâu dài không mất). Bằng cách phải đương kiên trì chi, vô đắc hủy thất, vô đắc vi vọng, tăng giảm kinh pháp” (nên gìn giữ, không được hủy mất, không được làm trái, tăng giảm kinh pháp). Ý nói, trong lưu truyền Pháp bảo, nhất định phải tuân thủ nguyên văn, bổn ý của kinh là không được tùy tiện tự mình sửa đổi, bởi “ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết” (lìa kinh một chữ, tức là ma nói)  KINH VĂN:

Thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp. Ngã pháp như thị, tác như thị thuyết. Như Lai sở hành, diệc ưng tùy hành. Chủng tu phước thiện, cầu sinh tịnh sát.

VIỆT DỊCH:

Thường niệm không dứt, thì đắc đạo nhanh chóng. Pháp ta như vậy, nói ra như vậy. Như Lai đã hành, cũng theo đó mà hành, vun bồi phước thiện, cầu sinh tịnh độ.

GIẢNG:

Trong toàn bộ phần trường hàng do đức Thế Tôn nói ra trong pháp hội nầy đến đây là hết. Toàn câu kinh văn trên đây, chính là lời tổng kết của cả bản kinh này, là cương yếu tu hành cũng là lời nói tối hậu trong Tịnh tông, nêu trọn cả Lý lẫn Sự, chỉ rõ chánh hạnh và trợ hạnh, giãi bày trọn vẹn bí tạng của Như Lai.

– Như Lai bí tạng là gì?

– Là phát tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ!

Câu “thường niệm bất tuyệt” (thường niệm không dứt); như Bồ tát Đại Thế Chí trong Chương Viên Thông có dạy: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm liên tục”. “Đô nhiếp lục căn” là vạn duyên buông bỏ, lục căn không dính mắc với sáu trần, luôn duy trì tâm thanh tịnh để nhớ Phật, niệm Phật, đây là “thường niệm bất tuyệt”. Chữ “thường” chính là liên tục. Trong phẩm Chánh Nhân Vãng Sinh, ngay nơi câu đầu tiên đã dạy: “Văn thử kinh điển, thọ trì độc tụng, thư tả cúng dường, trú dạ tương tục, cầu sinh bỉ sát” (Nghe kinh điển này thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường, ngày đêm liên tục, cầu sinh cõi ấy). Ðấy chính là ý nghĩa thật sự của câu “thường niệm bất tuyệt” trong đoạn này.

Phẩm Phi Thị Tiểu Thừa có câu: “Ư thử kinh trung, sinh đạo sư tưởng” (Đối với kinh nầy, tưởng như đạo sư). Đạo sư là ai? – Là người chỉ đạo cho chúng ta liễu sinh tử, xuất tam giới. Đạo sư ở thế giới Sa Bà là đức Phật Thích Ca, ở Tây Phương Cực Lạc là Phật A Di Đà.

Phẩm Thọ Ký Bồ Ðề cũng chép: “Do ư thử pháp bất thính văn cố, hữu nhất ức Bồ Tát thoái chuyển A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nhược hữu chúng sinh ư thử kinh điển, thư tả, cúng dường, thọ trì, độc tụng, ư tu du khoảnh, vị tha diễn thuyết… bỉ nhân lâm chung giả sử tam thiên đại thiên thế giới, mãn trung đại hỏa, diệc năng siêu quá, sinh bỉ quốc độ” (Do chẳng được nghe pháp này, có một ức Bồ Tát thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu có chúng sinh biên chép, cúng dường, thọ trì, đọc tụng kinh điển này, trong khoảnh khắc vì người khác diễn nói… lúc người ấy lâm chung dẫu cả tam thiên đại thiên thế giới tràn ngập đại hỏa vẫn vượt qua được, sinh về cõi nước kia).

Thế Tôn bi tâm vô lượng, phổ nhiếp vô dư (nhiếp trọn không sót),  cực lực khuyên mọi người nên trì niệm kinh Vô Lượng Thọ, vì kinh này dạy vô thượng đại pháp Nhất Thừa nguyện hải (tức bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà), sáu chữ hồng danh. Hành nhân chỉ cần phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm Phật A Di Đà thì ắt được vãng sinh, muôn người tu muôn người được vãng sinh.

Do vậy, “thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp” chính là thường niệm câu A Di Đà Phật; niệm Phật chuyên ròng, liên tục trong mọi niệm thì nhất định “như nhiễm hương nhân, thân hữu hương khí” (như người nhiễm hương, thân có mùi hương). Lúc lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, từ bi gia hựu khiến tâm chẳng loạn, quyết được vãng sinh, chứng ngôi Bất Thoái, rốt ráo Niết Bàn.

Chữ “Tiệp” (捷 jié) là nhanh chóng, mau lẹ, chẳng hạn như “tiệp kính” (捷 徑 jié jìng) là con đường tắt, con đường gần nhất. Ở đây, ý nói: Một pháp Trì Danh là con đường tắt tu hành, lấy “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, lấy “Quả Giác nhân tâm, cố đắc đạo tiệp” (Quả Giác nhân tâm để phát tâm, nên đắc đạo nhanh chóng). Chữ “Quả Giác” ở đây là chỉ Phật A Di Đà; Phật A Di Đà là đại giác rốt ráo viên mãn. Lại nữa, pháp Trì Danh Niệm Phật phát xuất từ chính bổn nguyện lớn lao của Phật A Di Ðà, nên thực hiện thật dễ dàng, thành tựu cũng rất nhanh chóng.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Hai câu “ngã pháp như thị, tác như thị thuyết” (pháp ta như thế, nói ra như thế) chính là “Phật ngữ phạm lôi chấn, thuyết pháp sư tử hống” (Lời Phật cao quý như tiếng sấm rền, thuyết pháp như sư tử rống), thật là kim cang vương bảo kiếm chém phăng tất cả tình chấp và Kiến Hoặc, hiển lộ toàn vẹn bản tâm của Như Lai.

Câu “ngã pháp như thị, tác như thị thuyết” là để ấn chứng câu “thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp” (thường niệm chẳng dứt, đắc đạo nhanh chóng) ở trên. Chữ “ngã” chính là đức Thích Ca tự xưng, có nghĩa là pháp của ta như thế, nên ta cũng nói đúng như thế. – Nói ra điều gì? Chính là nói “thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp”. Bốn câu kinh trên phải đọc một mạch mới lãnh hội được ý nghĩa. Có lãnh hội được ý nghĩa mới biết là pháp môn Tịnh Ðộ dứt tuyệt đối đãi một cách viên dung.

Lục Tổ Huệ Năng khi ấn chứng cho một người, Ngài nói như sau: “Như thị, như thị, nhữ như thị, ngã diệc như thị” (Như thế như thế, ông như thế, ta cũng như thế). Ý nghĩa chữ “như thị” của Lục Tổ giống hệt với ý nghĩa chữ “như thị” trong đoạn kinh này.

Cũng theo cụ Hoàng, câu “ngã pháp như thị, tác như thị thuyết”: Câu trước, ý nói: Pháp của ta là Như, câu sau nghĩa là điều ta nói cũng là Như. Chữ “Như” là Chân Như, Chân Tâm, Thật Tướng, là Chân Thật Tế cũng là Thể của bản kinh này. Do vậy, “Tác như thị thuyết” (Nói ra như thế) cũng chính là “khai hóa hiển thị Chân Thật Tế” được nói trong kinh này.

Rõ ràng mỗi chữ trong kinh Vô Lượng Thọ đều phát xuất từ Như Lai tánh hải đại quang minh tạng tự nhiên biến hiện ra; mỗi chữ đều hàm nghĩa vô biên diệu lý, được tánh đức và tu đức của Phật Di Ðà trang nghiêm, nhằm khai thị Phật tri kiến cho chúng sinh. Lời chỉ dạy từ mẫn “thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp” của đấng Đại Từ Bi Phụ xứng hợp theo tánh. Như lý mà nói; chúng ta phải chí thành tin nhận, trong tất cả thời, tất cả chốn thường niệm Phật A Di Ðà.

Tóm lại, phẩm này trước hết chỉ rõ pháp vô thượng của Như Lai chẳng dễ gặp được. Kế đến, dạy rõ Tịnh tông là pháp khó tin; dẫu người có khả năng thuyết pháp, có thể giảng các pháp khác, nhưng đối với diệu pháp Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh siêu tình ly kiến này cũng “nan khai thị”, khó lòng khai diễn khiến cho chúng sinh phát khởi tín tâm! Cho nên, trong kinh A Di Ðà, mười phương Như Lai khen đức Thích Tôn ở cõi Ta Bà, trong đời ác ngũ trược “vị chư chúng sinh thuyết thị nhất thiết thế gian nan tín chi pháp” (vì các chúng sinh nói pháp mà tất cả thế gian khó thể tin được).

Nếu đối với pháp khó gặp, khó tin này mà nay đã gặp, lại không phát được lòng tin sâu thì chẳng có ích gì, trọn vẫn là phụ bạc! Còn nếu tin tưởng sâu xa vào kinh này thì quả thật là rất hi hữu.

Từ câu “Như Lai sở hạnh, diệc ứng tùy hành” (Như Lai đã hành, cũng nên theo đó mà hành) trở đi, là nói về Chánh Hạnh và Trợ Hạnh.

Nguyện thứ tám trong mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát là “thường tùy Phật học” (thường học theo Phật). Bồ Tát phải học và hành theo hạnh Như Lai đã hành; mà sở hành của đấng Như Lai cõi Cực Lạc là “tiện nhất kỳ tâm, tuyển trạch sở dục, kết đắc đại nguyện” (liền nhất tâm chọn lựa, những điều ưa thích, kết thành đại nguyện), “trụ Chân Thật Tuệ, dũng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm diệu độ” (trụ trong Chân Thật Tuệ, dũng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm cõi nước nhiệm mầu); sở hành của đấng Thích Tôn là “dục chửng quần manh, huệ dĩ chân thật chi lợi” (muốn cứu vớt quần manh, ban cho cái lợi chân thật). Sở hành của mười phương Như Lai cũng là như vậy, nên các ngài đồng thanh khen ngợi “công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ”, đều khuyên chúng sinh hãy phát nguyện vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nay chúng ta học theo những điều Phật đã hành, thì trước hết phải tuân theo lời Phật dạy, phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm.

Sách Di Ðà Yếu Giải viết: “Phật lấy đại nguyện làm cái nhân nhiều thiện căn cho chúng sinh, dùng đại hạnh để làm cái duyên nhiều phước đức cho chúng sinh, khiến cho người tín nguyện trì danh, niệm niệm thành tựu công đức như thế. Nhưng, công đức đó đều đã thành tựu, chứ không phải mới thành tựu trong hiện tại hay trong tương lai”.  Ấy vì Quả Giác của Phật đã viên thành từ lâu. Nay ta niệm Phật là đem cái Quả Giác công đức vô lượng của Phật biến thành công đức tu nhân của chính mình, nên cái tâm trong lúc tu nhân của ta liền ngang bằng với Quả Giác. Do “niệm Phật thì thiện căn, phước đức nhân duyên giống như Phật” nên bảo “công đức đó đều đã thành tựu”. Câu khai thị này của Ngẫu Ích đại sư thật vô cùng quan trọng.

Nên biết đức Như Lai là vua của các điều thiện, là bậc đức hạnh tôn quý nhất vì thế chúng ta phải bắt chước noi theo hạnh đức trang nghiêm của Ngài. Phải khéo biết căn cơ của chính mình mà “ứng duyên tu tập”  (thuận theo duyên mà tu tập). Chánh Hạnh, Trợ hạnh hỗ tương nhau thì chóng được viên mãn.

“Chủng tu phước thiện” (Vun trồng phước thiện) là trồng phước, gieo thiện. Kinh nầy đã khuyên bỏ ác tu thiện; Quán kinh khuyên tu ba phước như sau: “Dục sinh bỉ quốc giả, đương tu tam phước: Nhất giả hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp. Nhị giả thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi. Tam giả phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, độc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả. Như thị tam sự, danh vi Tịnh nghiệp” (Kẻ muốn sinh về cõi ấy phải tu ba phước: Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu mười thiện nghiệp. Hai là thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại Thừa, khuyến tấn hành giả. Ba sự như thế gọi là Tịnh nghiệp). Do vậy, người tu Tịnh nghiệp không thể xem thường việc vun trồng phước thiện.

“Cầu sinh tịnh sát” (Cầu sinh về cõi tịnh) tức là cầu sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây cũng là chỗ quy kết của tất cả giáo pháp trong Ðại Tạng. Kinh Hoa Nghiêm gồm thâu các giáo: Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên; lấy phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện đồng quy Cực Lạc. Nay kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn của kinh Hoa Nghiêm (nói theo cư sĩ Bành Tế Thanh, thời vua Càn Long), cũng là như vậy. Cuối kinh, Phật khuyên tất cả chúng sinh cầu sinh Cực Lạc. Đó chính là bổn nguyện của Phật Di Ðà, là bản tâm của đấng Thích Ca và mười phương tam thế chư Phật, muốn giúp chúng sinh viên mãn Bồ Đề, chứng được quả Phật ngay trong đời này.

Trong Tín, Nguyện, Hạnh thì Nguyện là then chốt; vượt biển sinh tử hay không đều nương cậy vào Nguyện. Có nhiều môn phương tiện như: Thiền, Mật, Giáo Quán. “Giáo” là Giáo môn. Thiên Thai,

Hoa Nghiêm, Tam Luận, Pháp Tướng đều là Giáo môn. Trong Giáo môn, đa phần đều dùng Quán. Trên thực tế, Thiền và Mật giáo cũng đều có Quán.“Quán” là quán tưởng. “Chỉ quán”: Chữ “Chỉ” là dừng các vọng niệm; “Quán” là tâm niệm tập trung. Trong kinh Đại, Tiểu thừa đức Phật đều nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. “Chế tâm nhất xứ” “chỉ”; “vô sự bất biện” “Quán”. “Chỉ” là Định; “Quán” là Tuệ.

Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu môn nào cũng được, nhưng quy về gốc thời chẳng hai. Trong các phương tiện, chỉ có pháp vãng sinh là phương tiện rốt ráo. Tu hành các pháp khác mà muốn được ngay trong hiện đời siêu thoát khỏi tam giới thì thật là đạo rất khó hành; chỉ có phương cách “cầu sinh cõi Tịnh” mới thật là dễ tu.

Trước đây, Hòa thượng Tịnh Không thường nói: Đời người có xuân, hạ, thu, đông. Trước hai mươi tuổi là mùa xuân; từ hai mươi đến bốn mươi là mùa hạ, bốn mươi đến sáu mươi là mùa thu; sáu mươi đến tám mươi là mùa đông của cuộc đời; ở sau nữa thì không còn! Cho nên, đời người đến mùa thu cần phải cảnh giác; đến mùa đông phải chuẩn bị đi, ngày tháng không còn dài! Trên tám mươi tuổi có thể đi bất cứ lúc nào.

Đó là quan niệm của cổ nhân, còn bây giờ, rất nhiều người không màng nghĩ đến! Ngày xưa, bảy mươi không được ngủ nhờ. Vì sao vậy? – Vì lỡ họ chết, người nhà tìm đến, tưởng ta mưu hại, sẽ sinh phiền phức! Tám mươi tuổi, không mời họ dùng cơm. Vì sao? – Vì biết đâu khi dùng cơm họ bị mắc nghẹn, tắt thở thì sao?! Ngày nay, đối với chúng ta, điều quan trọng nhất là “cầu sinh Tịnh độ”, từng giây từng phút đều nghĩ đến được vãng sinh, đều có thể đi, phải thật sự đi được.

Chánh hạnh tu hành của Tịnh tông, cốt yếu là Trì Danh Niệm Phật. Nếu tu tập các pháp môn khác mà vẫn có ý nguyện “cầu sinh Tịnh độ”, đức Phật A Di Ðà vẫn nhiếp thọ họ vượt ngang ba cõi.

Hiện nay có rất nhiều thiên tai dồn dập xảy đến. Quan trọng nhất chúng ta cần có sự chuẩn bị trước. Phải tập xem nhẹ những hiện tượng này. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” thì có gì đáng sợ đâu! Phải giữ tâm bình thản, luôn duy trì chánh niệm, quyết tâm chí thành niệm Phật, đó là điều quan trọng nhất. Nếu niệm Phật mà tâm còn dao động, kinh sợ trước hoàn cảnh bên ngoài thì rất khó được vãng sinh! Cho nên, ở đây, Phật lại ân cần khuyên dạy “cầu sinh Tịnh sát” để tổng kết toàn bộ những lời dạy trước đây.