Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

V. VIÊN MÃN THÀNH TỰU ĐỆ CỬU
(TT)

KINH VĂN:

Sở phát thệ nguyện viên mãn thành tựu, như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm, oai đức quảng đại, thanh tịnh Phật độ.

VIỆT DỊCH:

Thành tựu viên mãn thệ nguyện đã phát, như thật an trụ đầy đủ trang nghiêm, oai đức rộng lớn, thanh tịnh cõi Phật.

GIẢNG:

Sở phát thệ nguyện, viên mãn thành tựu”: là nói bốn mươi tám nguyện ở phía trước, nguyện nguyện đều viên mãn, chân thật là “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”.

Sách Vãng Sinh Luận Chú nói: “Nương vào bốn mươi tám bổn nguyện của Pháp Tạng Bồ Tát nên nay A Di Đà Phật thần lực tự tại, nguyện phát sanh lực, lực đáp ứng nguyện, nguyện chẳng luống uổng, lực chẳng dối bày, lực và nguyện hỗ trợ nhau rốt ráo chẳng sai chạy nên bảo là thành tựu”.

Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát cũng có nói: “Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, thành tựu tứ pháp, ư Như Lai diệt hậu, đương đắc thị Pháp Hoa Kinh. Nhất giả, vị chư Phật hộ niệm. Nhị giả, thực chúng đức bổn. Tam giả, nhập Chánh Định Tụ. Tứ giả, phát cứu nhất thiết chúng sinh chi tâm” (Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thành tựu bốn pháp thì sau khi đức Như Lai diệt độ sẽ được Kinh Pháp Hoa này: Một là được chư Phật hộ niệm; hai là trồng các cội đức, ba là nhập Chánh Định Tụ, bốn là phát tâm cứu hết thảy chúng sinh).

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Bốn pháp trong Kinh Pháp Hoa là từ “Quả” mà nói đến “Nhân”. Chúng ta xem ngược lại:

– Nên học thế nào mới được chư Phật hộ niệm?

–  Trước tiên là phải phát tâm cứu tất cả chúng sinh. Nếu không có phát nguyện này là trái với tâm nguyện của chư Phật, Bồ Tát. Dù các ngài có muốn gia trì cũng không gia trì được!

Phát cứu nhất thiết chúng sinh chi tâm” (Phát tâm cứu độ tất cả chúng sinh), đây là nguyện thứ nhất trong “Tứ hoằng thệ nguyện”: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Kế đến, sau khi phát nguyện cần phải đoạn phiền não, đó chính là bước thứ hai “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Ở đây nói là “Nhập Chánh Định Tụ”, chính là đoạn phiền não.

– Căn bản của phiền não là gì?

– Dục vọng quá nhiều là căn bản phiền não!

Phải đem dục vọng giảm đến tối đa, thâm nhập một môn, huân tu dài lâu. Buông bỏ tất cả pháp thế, xuất thế gian, như vậy tâm sẽ Định. Tâm Định thì nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Nghiệp chướng tiêu trừ mới “thực chúng đức bổn” (trồng các công đức). Nghiệp chướng chưa tiêu trừ không thể tích lũy công đức. Như vậy tuần tự tiến đến “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” và “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. “Tứ Hoằng Thệ Nguyện” thật sự là có thứ lớp!

Kinh Pháp Hoa nói thành tựu bốn pháp sẽ được nghe hiểu Kinh Pháp Hoa. Trong kinh này, tất cả thệ nguyện của Pháp Tạng Đại sĩ đều đã viên mãn thành tựu nên ngài được “Như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm, oai đức quảng đại, thanh tịnh Phật độ”.

Như thật an trụ”: Theo chú giải của Hoàng Niệm lão: “Thật” là chân thật, cũng chính là Thật Tướng, Chân Như hay Pháp Thân. “Như thật an trụ” là an trụ một cách chân thật nơi Chân Thật Tế. Nói giản dị là an trụ trong Thật Tướng của các pháp. Thực Tướng chính là cái Thể của bản kinh này, cũng chính là Chân Như, là Như Như. Nói như Kinh Kim Cang thì “Như thật an trụ” chính là “như như bất động”.

Thật Tướng lại chính là Pháp Thân, như Vãng Sinh Luận Chú bảo: “Nếu bàn đến việc quán sát sự thành tựu công đức trang nghiêm cõi Phật; sự thành tựu công đức trang nghiêm của Phật, sự thành tựu công đức trang nghiêm của Bồ Tát, thì nên biết rằng ba thứ thành tựu nguyện tâm trang nghiêm ấy có thể nói gọn là nằm trọn trong một pháp cú. Một pháp cú là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú chính là chân thật trí tuệ vô vi Pháp Thân”.

Câu “Như thật an trụ” trong kinh đây ý nói an trụ nơi “Chân Thật trí tuệ vô vi Pháp Thân”, nên “như thật an trụ” gói gọn trong một thanh tịnh cú. Sự thanh tịnh ấy gồm có hai thứ thanh tịnh: một là “khí thế gian thanh tịnh” (dùng cách nói của thế gian để hình dung thì đó là thái bình thịnh thế), hai là “chúng sinh thế gian thanh tịnh” (nói theo cách thế gian để hình dung thì đó là cư dân trong thời đại hưng thịnh, thái bình). Trong một pháp cú này có đầy đủ cả “khí thế gian thanh tịnh” và “chúng sinh thế gian thanh tịnh”. Trong đó bao gồm cả ba thứ trang nghiêm: Quốc độ trang nghiêm, Phật trang nghiêm, Bồ Tát trang nghiêm nên gọi là “cụ túc trang nghiêm” (đầy đủ trang nghiêm).

Vãng sinh Luận Chú bảo: “Sự trang nghiêm ấy dẫu cho Tỳ Thủ Yết Ma, kẻ được khen là khéo tay tột bực, dốc lòng nghiền ngẫm cũng chẳng thể phác họa nổi”. Tỳ Thủ Yết Ma là tên của một vị Thiên Đế. Ông này là đại sư về nghệ thuật, rất khéo tay, khéo biến hóa, giỏi kiến trúc, nhưng đối với đồ thị của thế giới Cực Lạc cũng đành bó tay! Không vẽ được! “Năng sinh” đã tịnh thì “sở sinh” sao lại chẳng tịnh! “Năng sinh” là chỉ cho nguyện tâm vi diệu của Phật A Di Đà, “sở sinh” tức là cõi Cực Lạc. Vì vậy, kinh bảo: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” (Hễ tâm tịnh thì cõi Phật tịnh).

Như thật an trụ”, nhìn lại không gian hoạt động của chúng ta ngày nay, chỉ gói gọn trong phạm vi địa cầu, không thể nào ra khỏi, có khác chi kẻ ngồi tù không cách nào vượt thoát! Địa cầu giống như cái gì? Các nhà khoa học phóng vệ tinh vào vũ trụ. Vệ tinh này không người lái, phóng đi cự ly cách địa cầu bốn mươi ức dặm Anh, không phải cây số, quan sát quả địa cầu và chụp một bức ảnh gửi về. Chúng tôi thấy được bức ảnh này chụp tại Ngân Hà. Trong hệ Ngân Hà có một chấm màu lam, chấm màu lam đó là quả địa cầu.

Xem qua rồi chúng ta cảm giác như thế nào? Trong vũ trụ, quả địa cầu thật sự giống như một con thuyền đang vận chuyển giữa biển cả mênh mông. Con người sống trên quả địa cầu đều cùng hội cùng thuyền, đều ngồi trên chiếc thuyền này. Chiếc thuyền này đang vận chuyển trong vũ trụ. Có an toàn chăng? Không nhất định! Trên biển cả có sóng to gió lớn, trong vũ trụ cũng rất nguy hiểm! Bức ảnh này rất đáng cho mọi người cảnh giác. Chúng ta còn có gì để tranh chấp nữa?! Nếu mọi người đã có tranh chấp nên đem bức ảnh này xem nhiều lần!

Cái nhỏ bé của địa cầu so với vũ trụ cũng chỉ là do chúng sinh mê hoặc điên đảo mà tạo thành! Nếu khai ngộ thì không phải vậy! Sau khi khai ngộ, chỉ cần ta đến được thế giới Cực Lạc thì không gian hoạt động của chúng ta chính là biến pháp giới, hư không giới. Ở cõi Thật Báo có bốn mươi mốt đẳng cấp. Đến tầng cao nhất có thể đi vào thế giới vi trần. Trong vi trần cũng có thế giới; trong thế giới vi trần còn có trùng trùng vô tận thế giới vi trần. Lúc này, ta có thể dùng ứng hóa thân để vào thế giới vi trần. Trên kinh nói rất rõ: Bồ Tát Phổ Hiền có thể nhập vào thế giới vi trần.

Phàm người tu Tịnh Độ đều là Phổ Hiền Bồ Tát. Phẩm thứ hai của Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ: “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ chi đức”, cho nên thế giới Cực Lạc chính là thế giới của  Phổ Hiền Bồ Tát. Pháp môn Tịnh Độ là hành môn của Phổ Hiền Bồ Tát. Đạo tràng thế giới Cực Lạc rất lớn, thánh chúng vô lượng, vô biên không sao tính kể. Đức Phật A Di Đà thuyết kinh không cần dùng “Microphone”, không cần dùng thiết bị khoa học, mà tất cả mọi người đều nghe hiểu rất rõ ràng.

Như thật an trụ”: Trong mười pháp giới không có “an” cũng không có “trụ”, đều là ở tạm để dừng chân. Điều này cần phải biết! Thật sự an trụ đó chính là sinh vào cõi Thật Báo của chư Phật, ít nhất cũng là ba đại A-tăng-kỳ kiếp, như trên Kinh Hoa Nghiêm nói: Sau ba đại A-tăng-kỳ kiếp trụ ở cõi Thật Báo mới vào được cõi Thường Tịch Quang, vĩnh viễn bất biến.

Trở về với tự tánh, đó chính là “Chân Thật Chi tế”. Ở trong cõi Thật Báo đích thật là hưởng được “chân thật trí tuệ, vô vi Pháp Thân”, toàn thể chính là “vô vi Pháp Thân”. Lục đạo, mười pháp giới là trạng thái của bệnh hoạn, của không bình thường, do mê hoặc điên đảo mà tạo thành!

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, ở Đài Trung ba mươi tám năm đã thành lập Liên xã Đài Trung, thư viện Từ Quang Đài Trung, còn thành lập một viện dưỡng lão, một bệnh viện Bồ Đề, và hai trung tâm giáo dục trẻ em. Đây là sự nghiệp của ông. Ông thường nói với chúng tôi: Người niệm Phật nhiều nhưng người thật sự vãng sinh lại rất ít. Đạo đức cao dày của ông, rất nhiều người kính ngưỡng, các nơi ở Đài Loan đều tham gia Liên Xã Đài Trung. Cơ cấu chi nhánh của Liên Xã rất nhiều, bao gồm đến mấy mươi nơi. Tất cả Liên Xã liên hữu đều hợp tác lẫn nhau.

Khi tôi theo học với thầy, lúc đó Liên Xã Đài Trung tổ chức kỷ niệm mười năm chu niên, số người tham gia với Liên Xã có đến hai mươi vạn người. Tôi ở cạnh thầy mười năm, đến khi tôi rời khỏi thì số người tham gia Liên Xã tăng đến năm mươi vạn người.  Thầy nói: Người thật sự vãng sinh, trong một vạn người chỉ có được hai, ba người, sĩ số này tương đối cũng khả quan. Suốt ba mươi tám năm, cho dù trong một vạn người chỉ có được ba người thì năm mươi vạn người, ít nhất cũng có được một trăm năm mươi người. Nếu mỗi năm đều có một trăm năm mươi người, suốt hơn ba mươi năm như vậy, cũng tương đối khả quan, họ đều đến thế giới Cực Lạc thành Phật.

Theo tính toán bảo thủ nhất, Liên Xã Đài Trung thành tựu những chư Phật Như Lai này, ít nhất cũng phải trên năm trăm người, điều này nhất định không thành vấn đề! Một đời thầy có thể độ năm trăm người thành Phật. Bồ Tát Di Lặc nói: Nếu trong đời có thể độ được hai người thành Phật thì công đức đó còn hơn công đức của chính mình. Độ được năm trăm người thành Phật, người đó chính là Phật A Di Đà tái sinh. Đây là thật không phải giả! Cho nên, mấu chốt là ở tâm thanh tịnh. “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” (hễ tâm thanh tịnh thì cõi Phật tịnh). Chúng ta phải nắm bắt câu này, nhất định vãng sinh.

– Lâm chung niệm Phật vì sao không được vãng sinh?

– Vì tâm không thanh tịnh, không tương ưng với Tịnh Độ!

– Vì sao không thanh tịnh?

–  Vì chưa buông xả! Còn vướng mắc nhiều chuyện chưa buông bỏ! Chỉ cần một niệm chưa buông nó sẽ chướng ngại ta vãng sinh!

Người thật sự muốn vãng sinh, trong đời này nên nhớ là phải triệt để buông bỏ ân ái, buông bỏ oán hận; đối với những vật ngoài thân thì không cần phải nói, nên biết không vật gì có thể mang theo được! Muốn vãng sinh, tâm địa phải đơn thuần, chính là một câu A Di Đà Phật và một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, ngoài ra tất cả đều buông bỏ không nên lưu luyến. Phải nắm chắc nhân duyên này. Trong nhân duyên, quan trọng nhất chính là tâm thanh tịnh.

Trên đề kinh đã đưa ra ba mục tiêu: “Thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Cả năm chữ này thực hiện đầy đủ sẽ sinh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm của thế giới Cực Lạc. Đến thế giới Cực Lạc liền thấy được Báo Thân của Như Lai. Nếu lúc vãng sinh, chỉ có được tâm thanh tịnh và bình đẳng sẽ sinh về cõi Phương Tiện Hữu Dư, thấy được Ứng Thân của Phật A Di Đà. Nếu chỉ được tâm thanh tịnh sẽ sinh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thấy được Hóa Thân của Phật A Di Đà.

Oai đức quảng đại”, chữ “oai đức”, sách Pháp Hoa Gia Tường Sớ viết: “Dè nể là Oai, yêu mến là Đức. Lại nữa chiết phục là Oai, nhiếp thọ là Đức”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Oai đức” là đối với người có lễ mạo, có học vấn, có đạo đức khiến mọi người khi nhìn thấy đều sinh tâm cung kính. Như học trò của Khổng Phu Tử, rất nể phục ngài, cho rằng ngài là bậc có đầy đủ trọn vẹn năm đức: ôn, lương, cung, kiệm, nhường. Oai đức của đức Phật A Di Đà lại càng siêu việt thù thắng chẳng thể nghĩ bàn. Mười phương chư Phật Như Lai cũng như Đức Thế Tôn đều xưng dương tán thán Phật A Di Đà là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”.

Sách Thám Huyền Ký giảng chữ “quảng đại” (rộng lớn) như sau: “Đại nghĩa là bao dung, Quảng là thể đến tột bực (bản thể viên mãn đến cùng cực), diệu dụng trùm khắp”.

Hòa Thượng Tịnh Không giảng: Bản thể chính là tự tánh, khi nó khởi tác dụng là chu biến pháp giới. Bản thể tồn tại vĩnh hằng ở mọi lúc mọi nơi. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều là diệu dụng của tự tánh. Cái gì tự tánh cũng không có, nhưng cái gì nó cũng có thể hiện. Đây chính là diệu dụng chu biến. Khi hiện nó cũng không có khởi tâm động niệm, ngay cả tập khí của khởi tâm động niệm cũng đều không có. Thật là tuyệt diệu! Cho thấy Thường Tịch Quang tức bản thể là sống không phải chết. Nếu chết thì nó đã không thể khởi tác dụng.

Đức Phật dạy chúng ta phải “tùy duyên diệu dụng”, “diệu dụng” này là tự tánh khởi dụng. Chúng sinh trong mười pháp giới cũng tùy duyên, nhưng tùy duyên của họ không tương ưng với tánh đức mà tương ưng với phiền não trong A-lại-da. Phiền não là “thất tình, ngũ dục”. Do vậy mà tự tánh vốn không có nhiễm lại biến thành cảm nhiễm; vốn không có thiện ác lại biến thành có thiện ác; vốn không có khổ vui lại biến thành có khổ vui, đó là tùy thuận A-lại-da mà có những thứ này; tùy thuận tự tánh thì không có. Chư Phật Như Lai và Pháp Thân Bồ Tát ứng hóa trong mười pháp giới đều “tùy duyên diệu dụng”, “hằng thuận chúng sinh” nhưng không nhiễm chút bụi trần, đây là diệu dụng.

Hựu ‘Quảng Đại Hội’, diệc vi A Di Đà Phật danh hiệu chi nhất, cụ quảng đại hội tụ chi đức” (Lại nữa, “Quảng Đại Hội” cũng là một trong số các danh hiệu của đức Phật A Di Đà. Do hội tụ tất cả đức quảng đại nên ngài có danh hiệu này). Thế giới Cực Lạc quả thật là “Quảng Đại Hội” (đại hội lớn) trong đó qui tụ vô lượng thánh chúng, chư thượng thiện nhân từ quốc độ của tất cả chư Phật trong biến pháp giới, hư không giới, như trong Kinh Di Đà, đức Thế Tôn đã giới thiệu người vãng sinh về thế giới Cực Lạc đều là “chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ” (những thượng thiện nhân qui tụ một chỗ). Đây đều là do cái đức vời vợi của Phật A Di Đà cảm nên.

Chúng ta nay nhờ nghe đức Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu mới biết được có thế giới Cực Lạc, có đức Phật A Di Đà, biết được đại trí, đại đức, đại năng của Phật A Di Đà từ bi vô tận, độ thoát tất cả chúng sinh. Chúng ta vui mừng đón nhận, đối với mười pháp giới y chánh trang nghiêm thật chẳng còn tâm tham luyến, một lòng quyết về thế giới Cực Lạc để tham dự hội lớn của Phật A Di Đà. Đây cũng là do đức của Phật A Di Đà cảm vời nên. Trong đại hội lớn này của Đức Phật A Di Đà, chúng ta nhất định đoàn viên, cùng nâng cao cảnh giới của chính mình, viên mãn thành tựu chính mình như thành tựu của Đức Phật A Di Đà.

Thanh tịnh Phật độ” (Cõi Phật thanh tịnh): Trong Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm Quốc Giới Nghiêm Tịnh thứ mười một có đặc biệt giới thiệu về thế giới Cực Lạc “thanh tịnh trang nghiêm siêu du thập phương” (thanh tịnh trang nghiêm vượt trội mười phương), bản Hán dịch còn bảo A Di Đà Phật là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật, hoặc là Vô Lượng Thanh Tịnh Giác. Cực Lạc là từ chân tâm đức Như Lai hiện ra, do tự tánh thanh tịnh cảm thành nên thế giới Cực Lạc cũng thanh tịnh vô lượng.

Hơn nữa, Cực Lạc thế giới chính là tên gọi khác của Mật Nghiêm thế giới và Hoa Tạng thế giới. Kinh Đại Thừa Mật Nghiêm bảo: Đại Nhật Như Lai “y tùng Nan Tư Định, hiện ư chúng diệu sắc, sắc tướng vô hữu biên, phi dư sở năng kiến, Cực Lạc trang nghiêm quốc, Thế Tôn Vô Lượng Thọ” (từ Nan Tư Định hiện ra cõi Cực Lạc trang nghiêm, các thứ sắc nhiệm mầu, sắc tướng chẳng có hạn lượng, chưa từng thấy cõi nước nào khác được như vậy, Phật (trong cõi ấy) hiệu Vô Lượng Thọ). Đây là kinh điển của Mật Tông. Kinh dạy rõ Đại Nhật Như Lai trụ trong Nan Tư Diệu Định (cũng là trong tự tánh bổn Định), từ trong Định hiện ra cõi Cực Lạc và Vô Lượng Thọ Phật. Như vậy, Đại Nhật chính là Di Đà, Mật Nghiêm chính là Cực Lạc.

Điều này nói lên quan hệ giữa Tịnh Độ và Mật Tông là một không phải hai. Mục tiêu, phương hướng hoàn toàn tương đồng, chỉ là phương pháp tu hành không giống nhau. Kinh còn nói: “Mật Nghiêm Tịnh Độ siêu chư Phật quốc, như vô vi tánh, bất đồng vi trần”. (Cõi Tịnh Độ Mật Nghiêm vượt hơn các cõi Phật, như tánh của vô vi, chẳng do vi trần hợp thành). Bốn câu kinh văn này vô cùng quan trọng! Nói với chúng ta thế giới Tây Phương Cực Lạc và mười phương thế giới không giống nhau. Quốc độ của tất cả mười phương chư Phật như cõi Phương Tiện, cõi Đồng Cư đều là “chúng vi trần”, là “tướng hợp nhất”. “Nhất” chính là vi trần, nên nó là pháp sinh diệt, là pháp duyên sinh: Duyên tụ thì hiện; duyên tán, cảnh giới sẽ không còn. Nhưng, thế giới Cực Lạc không phải là “chúng vi trần”, nó là “vô vi tánh”. Nói cách khác, nó là Pháp tánh hiện ra, nên trong giáo lý Đại Thừa gọi là cõi Pháp tánh, thân Pháp tánh, là từ trong tự tánh hiện ra.

Lý luận của khoa học ngày nay cho rằng: Nếu không phải do dao động thì quyết không thể có sự vật hình thành. Nhưng, thế giới Tây Phương Cực Lạc rất đặc thù, không do dao động thành tựu nên nó không có sinh diệt. Con người ở thế giới Cực Lạc thật sự là trường sinh bất lão. Hoa cỏ ở thế giới Cực Lạc luôn tươi nhuận, cây không khô, lá không rụng. Thế giới Cực Lạc không có bốn mùa; có bốn mùa là có biến hóa; có biến hóa thì không phải thật; vĩnh viễn không có biến hóa mới là thật. Thế giới Cực Lạc vĩnh viễn là mùa xuân. Sơn hà đại địa không có núi lửa bộc phát, không có động đất, không có sóng thần, không có hạn hán, không có thủy tai, không có bất cứ thiên tai nào. Gió ở Tây Phương Cực Lạc không phải là không khí đối lưu mà là “đức phong” (gió đức) do tánh đức biến hiện ra, nên cũng không gây tai hại. Đây là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn!

Chúng ta không thể nào đem những thứ ở thế gian mà có thể so sánh được với thế giới Cực Lạc. Vì sao? Vì nguồn gốc không như nhau! Mười pháp giới y chánh trang nghiêm, sự hưng khởi của nó là từ A-lại-da biến hiện; chính là Tam tế tướng (ba tướng vi tế) của A- lại-da. Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh: “năng lượng” là “nghiệp tướng” của A-lại-da; “tin tức” là “chuyển tướng” của A-lại- da; vật chất là “cảnh giới tướng” của A-lại-da. Họ cũng nói “vạn pháp giai không”. Bất luận là hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần hay hiện tượng tự nhiên đều là pháp sinh diệt không trụ được lâu dài.

Trong Trung Quán nói: “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không”. Kinh Kim Cang cũng dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Cách nhìn này là chính xác! Chư Phật Như Lai nhìn thấy như vậy, nay các nhà vật lý học, nhà lượng tử lực học cũng nhìn thấy như vậy, hoàn toàn tương đồng!

Trong sách Mật Nghiêm Pháp Tạng Sớ của Pháp Tạng Đại Sư có nói: “Mật Nghiêm Tịnh Độ giả, tức thị chư Phật Tha Thọ Dụng độ” (Mật Nghiêm chính là cõi Tha Thọ Dụng của chư Phật) và “Kim thử Mật Nghiêm, đản ư thanh tịnh Như Lai tạng tâm chi sở hiện”. (Nay cõi Mật Nghiêm này chỉ là do Như Lai tạng tâm thanh tịnh biến hiện). Nên biết: Chỉ có cõi Thường Tịch Quang mới là cõi Tự Thọ Dụng. Cõi Mật Nghiêm không phải là cõi Tự Thọ Dụng.

– Thọ Dụng là gì?

– Pháp Thân Bồ Tát, tập khí vô thỉ vô minh của họ vẫn chưa đoạn, nên không vào được cõi Thường Tịch Quang, tạm thời họ trú ở cõi Thật Báo. Cõi Thật Báo hoàn toàn do oai lực của Phật hiện ra, gọi là cõi Tha Thọ Dụng của Phật, cũng là tự tánh của mỗi vị Pháp Thân Bồ Tát hiện ra.

Nói “như vô vi tánh” là nói “tự tánh thể”; nói “Mật Nghiêm Tịnh Độ” là nói đến “Dụng”, cung cấp cho Pháp Thân Bồ Tát đạo tràng tu tập.

Câu “Kim thử Mật Nghiêm, đản ư thanh tịnh Như Lai Tạng tâm chi sở hiện” (Nay cõi Mật Nghiêm này chỉ là do Như Lai  Tạng tâm thanh tịnh biến hiện): Câu này nói rất hay! Ý nói: “Thanh Tịnh Như Lai Tạng tâm”, còn có một cái “Bất thanh tịnh Như Lai Tạng tâm”; nên Như Lai Tạng có hai phần: Một là phần thanh tịnh; một phần là không thanh tịnh. Thanh tịnh là thật, là tự tánh; phần không thanh tịnh đó là giả, là A-lại-da thức. Cho nên, A-lại-da một nửa là chân, một nửa là vọng. Một nửa Chân hiện ra cõi Thật Báo của bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại sĩ. Một nửa vọng, tức là phần nhiễm ô, hiện ra mười pháp giới y chánh trang nghiêm.

Sách Vãng Sinh Luận bảo: “Lấy chuyên tâm niệm Phật, phát nguyện sinh cõi ấy thì chứng nhập được Hoa Tạng thế giới”.

Trong những năm về già, Liên Trì Đại sư viết trong “Trúc sông tùy bút”: Tam tạng, mười hai bộ kinh là để cho người khác ngộ, ai có hứng thú thì ngộ đi! Tám vạn, bốn ngàn pháp môn hành trì, ai thích pháp môn nào thì tu pháp môn đó. Riêng ngài đã buông bỏ, nhất tâm chuyên niệm cầu sinh Tịnh Độ, ngài đã thành công! Ngẫu Ích Đại sư cũng là như vậy! Lúc trẻ học rộng hiểu nhiều, đặc biệt ngài đã lưu lại hơn hai mươi loại trước tác. Tuổi chưa già, ngài đã viên tịch! Các ngài đều là người tái sinh, đều là chư Phật, Bồ Tát vì chúng ta mà thị hiện.

Liên Trì và Ngẫu Ích Đại Sư xuất hiện ở thế gian vào cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh, lúc đó Tịnh Độ tông suy yếu; phần tử tri thức đều xem thường người niệm Phật, cho rằng pháp môn Niệm Phật chỉ giúp cho những ông già, bà lão. Thiền tông, giáo môn xem ra bề ngoài rất hưng thịnh, nhưng kỳ thật liễu sinh thoát tử chẳng được mấy người! Từ thời đại đó đến nay là bốn trăm năm. Trong bốn trăm năm này có biết bao nhiêu người niệm Phật được vãng sinh. Công lao này không thể không nhìn nhận, đó là nhờ Liên Trì và Ngẫu Ích Đại Sư. Đến năm Dân Quốc, giai đoạn cận đại, Ấn Quang Đại sư xuất hiện. Cư sĩ Hạ Liên Cư, cư sĩ Mai Quang Hy, truyền thừa của họ là cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, cư sĩ Lý Bỉnh Nam người Đài Loan. Đời đời tương truyền!

Duyên của chúng ta cũng rất thù thắng, rất là khó được! Hoàng Niệm Tổ đem chú giải này truyền cho tôi. Năm đó, ông tặng cho tôi quyển sách này là in bằng giấy dầu, chỉ có thể in được khoảng một trăm hai mươi đến một trăm ba mươi lần; nhiều hơn nữa sẽ không rõ ràng. Hoàng Niệm Tổ đã chọn bảng in dầu nến tốt nhất, chữ có thể xem rõ ràng, đem một bộ này đến Mỹ và tặng cho tôi. Cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Loan giảng bộ kinh này, có viết chú giải bên lề, bảng này ông cũng đã cho tôi.

Chúng ta có sứ mạng tiếp nhận chiếc gậy này và truyền trao lại cho người đời sau. Người đời sau đã xuất hiện, nên tôi cảm thấy vô cùng an ủi. Vì sao? Đã có thể đi! Đã có người nhận chiếc gậy này! Chưa có người nhận gậy này thì không thể đi! Việc quan trọng nhất của chúng ta ngày nay là hoàn thành diễn nghĩa Kinh Vô Lượng Thọ, đệ nhất Đại Kinh của Tịnh Độ tông.Ngày nay, chúng ta đã có được bảng hội tập hoàn thiện viên mãn, có khoa hội, có chú giải của Hoàng Niệm lão và có lần diễn nghĩa này; pháp môn này về sau sẽ phát triễn rộng rãi, chúng ta có thể hy vọng điều này. Vì sao? Vì nó được chư Phật hộ niệm, được chư Bồ Tát hộ trì.

Xuất hiện trong thời đại hiện nay, Kinh Vô Lượng Thọ đem đến cho thế gian này thông tin Chánh pháp trụ thế lâu dài, đem đến ánh sáng vô hạn, phước đức vô lượng. Tất cả chúng sinh đều y theo bộ kinh này thì có thể liễu sinh thoát tử, ra khỏi tam giới. Đây là sự thật!

Song hành với khám phá của giới khoa học ngày càng tiếp cận với kinh điển Đại Thừa. Tương lai Tịnh Độ tông chẳng những là Phật Giáo mà còn là khoa học, còn là triết học, nó sẽ được người đời phổ biến khẳng định. Y theo kinh điển này tu hành, bất luận là thế hay xuất thế gian đều có thể đạt được lợi ích chân thật viên mãn, giống như ba loại chân thật mà trong kinh này nói: Thực tế chân thật, Trí tuệ chân thật và lợi ích chân thật. Điều này trong Vãng Sinh Luận nói: “Nhất tâm chuyên niệm, phát nguyện sanh bỉ” (Một lòng chuyên niệm, phát nguyện sinh cõi ấy). Chúng ta nhất định có thể đến thế giới Cực Lạc, cũng chính là thế giới Hoa Tạng trong Kinh Hoa Nghiêm nói.

Thiền, Tịnh, Mật, Giáo là một! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một tức là nhiều; nhiều tức là một”; “một tức là bốn, bốn tức là một”. Bất luận tu theo pháp môn nào, cuối cùng quay về, khẳng định cũng là thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu sinh về thế giới Hoa Tạng, trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy “Thập đại nguyện vương đạo qui Cực Lạc”, Văn Thù và Phổ Hiền, hai vị Đại sĩ này sẽ lãnh đạo mọi người vãng sinh đến thế giới Cực Lạc. Đó là đối với bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng mà nói.

Kinh Kim Cang Đảnh viết: “Duy thử Phật sát, tận dĩ Kim Cang tự tánh thanh tịnh sở thành, Mật Nghiêm Hoa Tạng” (Chỉ có cõi Phật này hoàn toàn do Kim Cang tự tánh thanh tịnh hóa thành, (đó là cõi) Mật Nghiêm Hoa Tạng); Đây là nói đến cả Thiền và Mật: Chỗ quay về của Thiền là Hoa Tạng, chỗ về của Mật là Mật Nghiêm. Như vậy, Cực Lạc chính là Mật Nghiêm hay Hoa Tạng. “Giai thanh tịnh Như Lai Tạng tâm chi sở hiện, Kim Cang tự tánh thanh tịnh sở hành” (Đều từ Như Lai Tạng tâm thanh tịnh biến hiện, do Kim Cang tự tánh tạo thành).

Đến đây, những gì có thể nói đều đã nói rõ ràng. Chúng ta có hiểu được hay không, có thể lãnh hội được chăng, đây mới là then chốt! Thật sự lãnh hội được sẽ đoạn nghi sanh tín, nắm chắc một lòng, chuyên niệm không buông. Nên nhớ rằng chúng ta niệm Phật cũng chính là tham thiền, cũng chính là trì chú.

– Giả như Thiền và Mật ở ngay trước mắt, chúng ta có còn động tâm chăng?

– Không động tâm! Vì biết rằng thành tựu của ta cũng là thành tựu của Thiền, thành tựu của Mật.

Trong Kinh Đại Tập, đức Thế Tôn nói: “Pháp môn Niệm Phật chính là Thiền vô thượng thậm thâm vi diệu”. Từ trên nguyên lý mà nói: “Buông bỏ” là yếu tố then chốt của tất cả pháp môn. Nếu tham thiền mà không buông bỏ tất cả pháp trong thế và xuất thế gian thì làm sao tham thiền! Phải hiểu rõ chữ “tham” này.

– “Tham” có nghĩa là gì?

– Rời “tâm ý thức” mới gọi là “tham”. “Tâm” là khởi tâm động niệm; “ý” là Mạt-na, là chấp trước, “thức” là đệ lục ý thức, là phân biệt.

– “Tham thiền” là gì?

– Là buông bỏ khởi tâm động niệm, buông bỏ phân biệt, buông bỏ chấp trước mới gọi là “tham thiền”.

Mật giáo cũng không ngoại lệ! Tam mật tương ưng: Miệng niệm chú, ý quán tưởng, tay bắt ấn. Dùng phương pháp này, mục đích của nó cũng là buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đều cùng một đạo lý! Chỉ dùng phương pháp không giống nhau. Tịnh Độ tông dùng phương pháp “Phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm”, nhưng vẫn phải buông bỏ.

Nên biết: Thiền hay Mật, nếu không buông bỏ thì nhất định không nhập được vào cảnh giới của nó. Tịnh Độ tông cũng là như vậy! Nhưng Tịnh Độ có phương tiện, có được lợi ích lớn, nghĩa là tuy chưa thể hoàn toàn buông bỏ, chỉ buông bỏ một ít, cũng có thể vãng sinh, gọi là “Đới nghiệp vãng sinh”. Thiền và Mật không có “Đới nghiệp”, chỉ có Tịnh Độ cho phép “Đới nghiệp”. Công phu của Thiền có được thành phiến cũng là vô dụng! Vẫn phải lưu chuyển trong luân hồi lục đạo, phải đạt đến “nhất tâm bất loạn” mới có thể chứng quả A-la-hán. A-la-hán tuy vượt ra khỏi lục đạo vẫn còn có “Tứ Thánh Pháp giới”, phải tiếp tục tu từ từ. Duy chỉ có Tịnh Độ tông, công phu chưa miên mật cũng có thể vãng sinh.

– Công phu miên mật là như thế nào?

– Trong tâm chỉ có Phật A Di Đà; ngoài Phật A Di Đà ra hoàn toàn không có gì nữa, gọi là miên mật, là “công phu thành phiến”. Ngoài Phật A Di Đà ra, còn có ý niệm khác thì không được! Không chắc chắn được vãng sinh!

Thanh tịnh trang nghiêm siêu du thập phương” thanh tịnh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc vượt lên trên mười phương thế giới của chư Phật. Cho nên “oai đức quảng đại, thanh tịnh Phật độ” (oai đức rộng lớn, cõi Phật thanh tịnh): Đây là tán thán thế giới Tây Phương Cực Lạc, tán thán thành tựu của Phật A Di Đà, tán thán thành tựu của oai thần bổn nguyện, tán thán những Bồ Tát vãng sinh này. Tự tánh công đức thật chẳng thể nghĩ bàn!